Nội Dung Chính
Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Bà La Môn
Tôn Giả Nguyệt Quang
Như trăng, sạch không uế..
Đức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Nguyệt Quang, Candàbhà.
Chuyện quá khứ:
Người Thợ Rừng Cúng Dường Chiếc Đĩa Mặt Trăng
Thuở lâu xa thời quá khứ, có một thương gia sống ở Ba-la-nại, một hôm tự bảo: “Ta sẽ đi về vùng biên giới kiếm gỗ đàn hương”. Ông mua thật nhiều quần áo, đồ trang sức.v.v. dẫn theo năm trăm cỗ xe đi về vùng biên địa, dừng lại nghỉ đêm tại một cổng làng, và hỏi các cậu bé chăn bò trong rừng:
– Trong làng này có ai làm nghề đi rừng không?
– Có
– Ông ta tên gì?
– Tên như vậy, như vậy.
– Vợ và con ổng tên gì?
– Tên như thế, như thế.
– Nhà ổng ở đâu?
– Ở chỗ như vầy, như vầy.
Thương gia ngồi trên cỗ xe thật êm, đi theo lời chỉ dẫn của các chú bé, đến trước cửa nhà người thợ rừng liền xuống xe, vào nhà hỏi thăm bà chủ nhà có phải tên nọ, tên kia không.
Bà chủ thầm nghĩ: “Đây chắc bà con mình”. Bà nhanh nhẩu đem ghế mời ông ngồi. Thương gia lại nói tên ông chủ nhà, hỏi thăm:
– Ông bạn tôi đâu rồi?
– Thưa Ngài, ông ấy đi rừng.
– Các cháu A, cháu B đâu?
Ông hỏi thăm tỉ mỉ từng người trong nhà, gọi tên đủ cả. Xong, ông biếu tặng các thứ quần áo, đồ trang sức mang theo, và bảo:
– Khi nào ông bạn đi rừng về, xin trao áo quần và những món này cho ông ấy.
Bà chủ nhà hết sức trọng vọng, tôn kính thương gia. Chồng vừa từ rừng về đến, bà nói:
– Ông ơi, thương gia này mới đến thăm nhà mình đã hỏi han đầy đủ từng người, biết hết tên tuổi, rồi tặng quà thứ này thứ kia.
Người thợ đi rừng cũng tiếp đãi thương gia lịch sự. Chiều tối, thương gia nằm chơi trên chiếc chõng tre, hỏi chủ nhà:
– Này bạn, những lúc đi quanh chân núi này, bạn có thấy gì lạ không?
– Không, chỉ thấy thấy có lắm cây màu đỏ.
– Nhiều hả?
– Vâng, nhiều.
– Chúng ta hãy đi xem những cây đó.
Hai người đến chân núi, chặt được vô số cây đàn hương đỏ, chất hết lên năm trăm cỗ xe. Lúc quay về thành, thương gia bảo anh thợ rừng:
– Bạn ạ, nhà tôi ở Ba-la-nại, anh cứ đi như thế, như thế sẽ kiếm ra. Thỉnh thoảng xin mời bạn hạ cố đến chơi.
Rồi ông nói thêm:
– Quà cáp tôi không quí gì hơn loại cây có cành màu đỏ này, bạn nhớ mang cho tôi thứ ấy và chi thứ ấy thôi.
– Dạ được.
Và lâu lâu anh thợ rùng đi thăm thương gia, chỉ mang theo gỗ đàn hương. Đáp lại, thương gia tặng anh tiền bạc hậu hĩ.
Khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, một ngôi tháp vàng được xây để thờ xá-lợi. Vào dịp ấy, anh thợ rừng mang thật nhiều gỗ đàn hương đến Ba-la-nại. Ông bạn thương gia liền lấy một số lớn gỗ ấy đem nghiền thành bột và ông đổ đầy một đĩa bột gỗ đàn hương, bảo anh thợ rừng:
– Đi bạn, trong lúc chờ cơm chín, ta hãy đến chỗ đang xây tháp.
Hai người đến tháp thành kính dâng bột gỗ đàn hương cúng dường xá-lợi Phật. Anh thợ rừng thì làm một chiếc đĩa mặt trăng cũng bằng gỗ đàn hương và đặt trong tháp.
_______________________
Chuyện hiện tại:
Sa Môn Nguyệt Quang
Khi hết kiếp, anh thợ rừng được sanh lên cõi trời trong khoảng thời gian giữa hai vị Phật Ca-diếp và Thích-ca. Vào thời Phật hiện tại, anh thọ sanh ở Vương Xá, trong nhà một người Bà-la-môn giàu có. Từ rốn cậu bé phát ra vòng hào quang lớn bằng chiếc đĩa mặt trăng nên cậu được đặt tên Nguyệt Quang, Candàhà. Người ta nói đây là phước báo do anh đã cúng dường chiếc đĩa mặt trăng kia ở trong tháp Phật.
Một số Bà-la-môn nghĩ thầm: “Nếu chúng ta mang người này đi theo sẽ chinh phục được cả thế giới”. Thế rồi họ cho anh ngồi lên một cỗ xe, mang đi khắp nơi, gặp ai cũng bảo: “Kẻ nào lấy tay sờ vào thân người Bà-la-môn này sẽ nhận được những quyền lực và những sự vinh hiển như thế, như thế”.
Người ta trả một trăm đồng hoặc một ngàn đồng để được đặc ân sờ vào người Nguyệt Quang. Cứ lang thang như thế, một hôm họ vào thành Xá-vệ và nghỉ tại một nơi gần tinh xá Kỳ Viên.
Lúc ấy năm chục triệu thiện tín thành Xá-vệ đang cúng dường chư Tăng trước bữa điểm tâm. Sau bữa điểm tâm họ mang hương hoa, áo quần, thuốc men đến nghe Phật thuyết pháp. Các người Bà-la-môn thấy, hỏi:
– Các bạn đi đâu đó?
– Đến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.
– Lại đây này! Đến đằng kia được ích gì? Không có thần thông nào hơn thần thông của Bà-la-môn Nguyệt Quang của chúng tôi đây. Kẻ nào sờ vào thân vị ấy sẽ có những quyền lực và những sự vinh hiển như thế, như thế. Hãy đến chiêm ngưỡng.
– Thần thông của ông Bà-la-môn các người thì thấm vào đâu. Chỉ có đức Thế Tôn mới có đại thần thông thôi.
Hai bên tranh cãi kịch liệt một hồi, rốt cuộc chẳng phe nào thắng. Nhóm người Bà-la-môn đề nghị:
– Chúng ta hãy đến tinh xá xem Nguyệt Quanh hay đức Thế Tôn của các người, ai có đại thần thông.
Đức Phật vừa thấy Nguyệt Quang liền khiến cho vòng hào quang biến mất, cho nên trước mặt đức Phật, anh chàng chẳng hơn gì một con quạ nằm trong thúng than. Những người Bà-la-môn vừa kéo Nguyệt Quang ra xa, vòng hào quang sáng rực trở lại như trước. Họ mang anh đến trước Phật, vòng hào quang biến mất. Cứ thế đến lần thứ ba, Nguyệt Quang thầm nghĩ: “Chắc chắn vị này giở huyễn thuật làm cho vòng hào quang của ta mất đi”. Anh hỏi Phật:
– Có phải Ngài biết chú thuật làm hào quang của tôi mất đi không?
– Đúng, ta biết chú thuật ấy.
– Xin Ngài hãy truyền chú thuật cho tôi.
– Chú thuật này không truyền cho người thế tục được.
Nguyệt Quang bèn nói với các người Bà-la-môn:
– Chừng nào ta học được chú thuật sẽ trở thành nhân vật siêu phàm nhất Diêm-phù-đề này. Các người hãy ở lại chờ ta xuất gia, trong vài ngày thôi sẽ học được chú thuật.
Anh xin Phật xuất gia làm Sa-môn.
Đức Thế Tôn dạy đề mục thiền quán về ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân, Nguyệt Quang hỏi:
– Cái này là sao ạ?
Phật dạy:
– Trước khi học chú thuật kia, phải học qua cái này.
Lâu lâu, những người Bà-la-môn lại đến hỏi:
– Anh đã học xong chú thuật chưa?
– Chưa, tôi còn đang học.
Chỉ vài ngày sau anh đắc quả A-la-hán.
Nhóm người Bà-la-môn đến nữa, anh bảo:
– Thôi, các ông hãy đi đi. Ta đã đến một nơi không bao giờ còn trở lại.
Các vị Tỳ-kheo bạch lên Phật câu chuyện:
– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối!
Đức Phật bảo:
– Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã nói thật. Tỳ-kheo này không còn tham đắm các thú vụi thế gian.
Phật nói kệ:
(413) Như trăng, sạch không uế,
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.