Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇāttherī – Bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotaṃa, xuất sắc nhất về thần thông, được tóm lược như sau:
Trong thời quá khứ, tại Vương quốc Bārānasi, tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇāttherī là một cô gái sinh trong một gia đình nghèo khó. Vào ngày lễ hội, cô nhìn thấy các cô gái khác cùng trang lứa, ăn mặc y phục bằng tấm vải choàng màu đỏ đắt giá rất đẹp, khiến cô thèm được mặc tấm vải choàng màu đỏ ay. Cô về xin cha mẹ mua cho cô tấm vải ấy, cha mẹ an ủi cô rằng:
– Này con yêu quý! gia đình ta nghèo khó, thiếu thốn, hằng ngày cha mẹ làm lụng vất vả, cực nhọc, lo kiếm miếng ăn, cái mặc thô sơ còn chưa đủ, làm sao mua sắm được tấm vải choàng đắt giá sang trọng như vậy, hỡi con!
– Thưa cha mẹ, nếu vậy, xin phép cha mẹ cho con đi làm thuê, ở mướn trong một gia đình giàu nào đó, qua một thời gian, người chủ nhà thấy con làm được việc, sẽ cho con tấm vải ấy.
Được cha mẹ cho phép, cô gái đến xin làm thuê, ở mướn trong một gia đình phú hộ. Cô thưa với ông bà chủ rằng:
– Thưa ông bà phú hộ, con xin ở đây làm công, chỉ mong ước được tấm vải choàng đỏ mà thôi.
Ông bà phú hộ đặt điều kiện với cô rằng:
– Nếu ngươi chịu ở đây, làm việc giỏi suốt 3 năm, chúng ta xét thấy xứng đáng, chúng ta sẽ cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ, mà ngươi ước muốn.
Cô gái vô cùng hoan hỷ, chấp thuận điều kiện của ông bà phú hộ. Ngày đêm cô siêng năng cần mẫn làm tốt mọi công việc. Tuy cô làm chưa đủ 3 năm, nhưng ông bà phú hộ xét thấy cô rất xứng đáng được khen thưởng, nên một hôm gọi cô đến và bảo rằng:
– Hôm nay chúng ta ban tặng cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ và các tấm vải khác. Ngươi hãy nên đi tắm cho sạch sẽ rồi mặc tấm vải choàng này.
Cô gái vô cùng sung sướng nhận tấm vải màu đỏ, thoả lòng mong ước từ lâu. Cô cám ơn ông bà phú hộ.
Cô cùng nhóm bạn gái đi đến bên sông, cô đặt tấm vải trên bờ và nghĩ rằng: “Xuống sông tắm xong, ta sẽ mặc tấm vải choàng này. Có được tấm vải choàng này, ta phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm qua”
Ngay khi ấy, một vị Đại đức là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Kassapa bị mất trộm tất cả y, nên Ngài mặc tấm y dệt bằng chỉ gai thô đi ngang qua nơi ấy. Cô gái nhìn thấy Ngài và nghĩ rằng:
“Vị Đại đức này bị mất trộm y, nên Ngài mặc tấm y như vậy. Còn ta có được tấm vải choàng này, phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm. Bởi vì trong quá khứ, tiền kiếp ta không làm phước bố thí vải, cho nên kiếp hiện tại này, ta phải chịu cảnh nghèo khổ thiếu thốn như thế này. Bây giờ ta nên làm phước thiện dâng một nửa tấm vải choàng đến Ngài Đại đức”
Nghĩ xong, cô vội vã bước lên bờ, mặc y phục cũ xong rồi bạch với Ngài rằng:
– Kính bạch Ngài Đại đức, kính thỉnh Ngài dừng lại một giây lát.
Cô đến đảnh lễ Ngài rồi ngồi tại nơi ấy, xé tấm vải thành 2 tấm, cô cung kính dâng đến Ngài một nửa tấm vải. Ngài tạm lánh vào chỗ kín thay tấm y cũ bằng nửa tấm vải choàng ấy, mặc nghiêm chỉnh xong, Ngài bước ra. Bây giờ, cô nhìn thấy Ngài Đại đức mặc nửa tấm vải vào, rất trang nghiêm, làm cho cô vô cùng hoan hỷ. Cô kính xin dâng đến Ngài một nửa tấm vải choàng còn lại rồi phát nguyện rằng:
“Kính bạch Ngài, trong vòng tử sinh luân hồi, con nguyện kiếp nào cũng là người nữ xinh đẹp nhất, làm cho người nam nào nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, mất trí, không còn biết mình nữa. Con sẽ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần”.
Cô gái ấy, sau khi chết, do năng lực phước thiện dâng tấm vải cho quả tái sinh, khi thì tái sinh làm thiên nữ trên cõi trời, là một thiên nữ xinh đẹp nhất, có hào quang sáng ngời hơn tất cả các chư thiên khác; khi thì tái sinh làm người nữ, là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh bằng. Như kiếp tái sinh làm con gái của ông phú hộ Tiritivaccha tại kinh thành Ariṭṭha, cô có tên là Ummādandī, có nghĩa là cô gái có sắc đẹp làm mê hồn. Thật vậy, những người đàn ông mới nhìn thấy cô, họ đều say mê, mất trí như người điên, như người say, say bởi tâm tham ái.
Thời kỳ Đức Phật Gotaṃa xuất hiện trên thế gian, hậu thân của cô gái nghèo dâng tấm vải choàng đến Ngài Đại đức, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Kassapa trong thời quá khứ, do phước thiện dâng tấm vải choàng ấy cho quả tái sinh kiếp chót làm con gái ông phú hộ xứ Sāvatthi, cô xinh đẹp tuyệt trần, rất trang trọng, thật đáng chiêm ngưỡng, nên được đặt tên la Uppalavaṇṇā. Khi cô trưởng thành thì Đức vua các nước lớn nhỏ, các phú hộ đều đến cầu hôn với cô. Ông phú hộ phụ thân của cô không thể gả cô cho một người nào được, ông khuyên dạy cô nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Vốn kiếp này là kiếp chót của cô, cho nên, khi nghe thân phụ khuyên dạy như vậy, cô vô cùng hoan hỷ nghe lời khuyên dạy ấy. Cô được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, sau đó không lâu, Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā thực hành thiền tuệ, chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, đặc biệt có Lục thông xuất sắc hơn các hàng nữ Thanh Văn của Đức Phật Gotaṃa.
“Đức Thế Tôn tuyên dương Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇāttherī là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotaṃa, xuất sắc nhất về thần thông trong các hàng nữ Thanh Văn”.
Như vậy, quả báu của phước thiện dâng tấm vải choàng của cô gái nghèo, thật vô cùng phong phú từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh nữ Arahán Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotaṃa.
Tuy vậy, do năng lực của thiện nghiệp đã tạo tác, với nhan sắc tuyệt đẹp của mình ẩn trong Y áo, nhiều khi Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇāttherī đi khất thực vẫn bị các thanh niên ngoại đạo theo đuổi tán tỉnh và gây phiền phức cho mình.
Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā vốn có sắc đẹp tuyệt trần, có màu da đẹp như đóa hoa sen hồng. Ngài là bậc Thánh Arahán, với ngôi vị Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn có Thần thông xuất sắc nhất trong hàng Thánh nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama
Khi Ngài còn sống tại gia, có tên Nanda say mê sắc đẹp của Ngài. Mặc dù Ngài đã xuất gia Tỳ khưu ni trở thành bậc Thánh Arahán rồi, tên Nanda vẫn say mê Ngài, luôn luôn theo dõi để biết chỗ ở của Ngài, còn biết rõ ràng Ngài đi khất thực giờ nào, trở về vào giờ nào…
Khi ấy, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā ở một cốc nhỏ trong khu rừng rất yên tĩnh. Buổi sáng Ngài đi vào xóm để khất thực, tên Nanda lén vào rừng, chui vào cốc nằm trốn dưới gầm giường.
Sau khi khất thực độ xong, trở về cốc nhỏ ở trong rừng, Ngài vừa ngồi lên giường, thì tên Nanda từ dưới gầm giường bò ra, leo lên giường dùng sức mạnh hãm hiếp Ngài.
Tuy Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā ngăn cấm rằng:
Này kẻ ngu muội, ngươi chớ nên làm điều tội lỗi!
Này kẻ ngu muội, ngươi chớ nên làm điều tội lỗi!.
Nhưng tên Nanda quá si mê tăm tối, không nghe lời ngăn cấm của Ngài mà vẫn dùng sức mạnh cưỡng hiếp Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā.
Sau khi hành động xong, tên Nanda đã tạo ác nghiệp trọng tội khiến mặt đất nứt ra làm hai, ngọn lửa phun lên hút y vào trong lòng đất. Sau khi chết, ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh trong đại địa ngục Avīci, chịu khổ thiêu đốt trong đại địa ngục ấy.
Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā trình sự việc ấy lên Tỳ khưu ni Tăng, Tỳ khưu ni Tăng trình bày lên Tỳ khưu Tăng, Tỳ khưu Tăng trình lên Đức Phật.
Nhân sự việc xảy ra, Đức Phật thuyết câu kệ rằng:
“Madhu vā maññati bālo,
Yāva pāpaṃ na paccati.
Yadā ca paccati pāpaṃ,
Bālo dukkhaṃ nigacchati” [Dhammapadagāthā – kệ 69]
“Này chư Tỳ khưu ,
Kẻ ác tạo ác nghiệp,
Ác nghiệp chưa cho quả.
Kẻ ác tưởng như ngọt.
Khi ác nghiệp cho quả.
Kẻ ác chịu khổ đắng”.
Chuyện Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā bị tên Nanda hãm hiếp; có số người không biết sinh tâm hoài nghi rằng: “Bậc Thánh Arahán có còn thỏa thích trong dục lạc hay không?”.
Để diệt bỏ tâm hoài nghi ấy, nên Đức Phật truyền dạy rằng:
– Này chư Tỳ khưu, chư bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn thỏa thích trong dục lạc nữa, không thích trong sự hành dâm; giống như hột nước không dính trên lá sen, không đọng lại trên lá sen mà chảy rơi xuống ngay; hoặc giống như hạt cải nhỏ không dính trên đầu mũi kim, không đứng vững trên đầu mũi kim mà phải rơi xuống ngay. Giống như vậy, phiền não dục (kilesakāma) và vật dục (vatthukāma) không bao giờ làm ô nhiễm tâm của bậc Thánh Arahán. Bậc Thánh Arahán không bao giờ dính mắc hai loại dục này.
*QUẢ KHỔ CỦA ÁC NGHIỆP TÀ DÂM
Trích trong bộ Therīgāthā (Đại đức Tỳ khưu ni kệ), Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsitheri [Bộ Khuddakanikāya, trong tích Therīgāthā, kệ Isidāsitherīgāthā] thuật lại rằng:
Tỳ khưu ni Isidāsi và Tỳ khưu ni Bodhī là bậc có giới đức hoàn toàn trong sạch, nhập thiền an hưởng sự an lạc trong thiền, là bậc đa văn túc trí, bậc Thánh Arahán đã tận diệt mọi phiền não.
2 Đại đức Tỳ khưu ni cùng nhau đi khất thực, độ xong cùng trở về, ngồi nghỉ một nơi thanh vắng đàm đạo với nhau.
Đại đức Tỳ khưu ni Bodhī hỏi Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsi rằng:
– Này em Isidāsi, em là bậc đáng kính trọng, em đang còn trẻ, em thấy tội lỗi gì trong đời mà em xuất gia Tỳ khưu ni vậy?
Đại đức Tỳ khưu ni Isidāsi là bậc trí tuệ thông minh, có tài thuyết pháp đã thưa rằng:
– Thưa chị Bodhī, xin chị nghe em thuật lại câu chuyện cuộc đời em, khiến em đi xuất gia như vầy:
“Em là đứa con gái duy nhất trong gia đình, cha em là phú hộ ở trong thành Ujjeni, là người có giới, có lòng từ bi thương yêu em.
Khi em đã trưởng thành, có một người con trai phú hộ ở xứ Sāketa đến xin làm lễ cưới em về làm vợ, thân phụ của em bằng lòng cho em về làm dâu gia đình phú hộ xứ Sāketa.
Em đã về nhà cha mẹ chồng, hằng ngày, em đảnh lễ cha mẹ chồng; cha mẹ chồng dạy bảo điều nào em cũng làm tròn phận sự điều ấy.
Chị gái, em gái, anh trai, em trai, bà con, bạn bè người quen biết bên chồng, em chỉ thấy một lần, về sau khi gặp lại em cư xử kính trọng lễ phép, tiếp đón tử tế bằng thức ăn, nước uống, đồ dùng v.v…, em biết những gì hợp với người nào, em tiếp đãi biếu tặng cho người ấy.
Buổi sáng, em thường thức dậy sớm, rửa mặt rửa tay xong, chắp tay đi vào hầu hạ chồng, nào lấy nước nóng nhúng khăn lau mặt, chải tóc, xoa vật thơm, lấy gương soi mặt, đem áo quần thay mới, hầu hạ chồng em, như người tớ gái ngoan ngoãn vâng lời chủ.
Em tự nấu cơm canh, rửa chén bát, giặt quần áo cho chồng,… Người mẹ hiền săn sóc đứa con yêu quý duy nhất như thế nào, em cũng săn sóc chồng như thế ấy.
Em chỉ có một mực hết lòng thương yêu, chiều chuộng chồng, chung thủy với chồng, làm tròn bổn phận người vợ trung thực đối với chồng. Em không hề có tính ngã mạn khó dạy, không hề lười biếng, nhác làm. Em là người siêng năng cần mẫn, dễ dạy, có giới trong sạch và đầy đủ.
Thế mà chồng em không vừa lòng với em, không thương yêu em, chồng em thưa với cha mẹ rằng:
– Kính thưa cha mẹ, con sẽ bỏ nhà ra đi, con không thể nào sống chung cùng trong một ngôi nhà với nàng Isidāsi được.
Cha mẹ chồng bảo chồng em rằng:
– Này con yêu quý, con chớ nên nói như vậy, nàng Isidāsi là người thiện thông minh, siêng năng chăm chỉ, làm tròn phận sự của người vợ hiền, dâu thảo. Tại sao con không vừa lòng, không thương yêu Isidāsi vậy con!
Chồng em thưa với cha mẹ rằng:
– Kính thưa cha mẹ, Isidāsi không hề làm điều gì để cho con phật ý, không vừa lòng cả, nhưng thưa cha mẹ, con không thể sống chung với Isidāsi được, con không muốn nhìn thấy mặt Isidāsi, con xin phép từ giã cha mẹ, con xin đi nơi khác.
Cha mẹ chồng khi nghe chồng em nói như vậy, đến hỏi em rằng:
– Này con yêu quý, con đã làm điều gì sai quấy, làm cho chồng con không vừa lòng mà muốn từ bỏ con, con hãy nói thật cho cha mẹ nghe điều ấy?
Em thưa với cha mẹ chồng rằng:
– Kính thưa cha mẹ, con không hề làm điều gì sai quấy, con không hề làm điều gì khiến cho chồng con phật ý, không vừa lòng cả. Con không hề coi thường chồng con, con không hề nói lời thô tục khiến chồng con không vừa lòng hoặc giận hờn con cả.
Cha mẹ chồng em khổ tâm vô cùng, không nói gì cả, nhưng dù sao cũng phải giữ con trai ở lại nhà, không cho con trai đi nơi khác, nên đành phải trả em trở về nhà cha mẹ em ở thành Ujjeni.
Thế là kể từ đó, em trở thành người đàn bà đẹp bị chồng bỏ.
Em về sống với gia đình cha mẹ em được một thời gian, cha của em lại gả em cho một người con trai của một gia đình giàu có, của cải bằng một nửa gia đình cha mẹ người chồng thứ nhất.
Em sống chung với người chồng thứ hai, em cố gắng làm tròn phận sự của một người vợ, một người con dâu trong gia đình cha mẹ chồng, em hầu hạ săn sóc chồng em như một người đầy tớ gái hầu hạ săn sóc chủ.
Mặc dù vậy, em hầu hạ săn sóc chồng em được một tháng, người chồng thứ hai cũng gửi trả em về lại với cha mẹ của em.
Em trở về sống với gia đình cha mẹ em. Một hôm, cha em gặp một chàng trai trẻ đi lang thang, đi xin ăn sống nhờ vào lòng từ bi của người khác, chàng trai trẻ có thân, khẩu, ý hành thiện tốt. Cha em bảo chàng trai hành khất ấy:
– Anh hãy đến làm rể của nhà tôi, anh hãy vất bỏ cái nồi đất nhỏ, cái bát xin cơm, bộ đồ rách rưới dơ bẩn của anh đi.
Anh ấy đồng ý đến làm rể của cha mẹ em, làm chồng của em.
Em sống chung với người con trai hành khất ấy là người chồng thứ ba được trọn mười lăm (15) ngày. Người con trai hành khất ấy thưa với cha em rằng:
– Thưa ông, xin ông trả lại cái nồi đất nhỏ, cái bát xin cơm, và bộ đồ rách rưới dơ bẩn ấy lại cho con, để cho con đi xin ăn, con không thể sống chung với nàng Isidāsi được.
Cha mẹ em và người bà con hỏi anh chàng hành khất ấy rằng:
– Có điều gì làm con không được vừa lòng trong căn nhà ấy, con hãy nói, cha mẹ và bà con sẽ giúp đỡ cho con được vừa lòng như ý.
Chàng trai hành khất thưa với cha mẹ em và bà con rằng:
– Tôi muốn được sống tự do, tôi không muốn sống chung với nàng Isidāsi.
Cha mẹ em phải để cho chàng trai hành khất ra đi sống tự do, còn lại một mình em suy nghĩ: “Em nên từ biệt cha mẹ, em nên đi tự tử, hoặc nên đi xuất gia Tỳ khưu ni”.
Khi ấy, Đại đức Tỳ khưu ni Jinadattā, Ngài có giới đức trang nghiêm, bậc đa văn túc trí đến khất thực tại nhà em. Em nhìn thấy Đại đức Tỳ khưu ni, cung kính đón rước tiếp đãi, trải chỗ cho Ngài ngồi, em đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ngài, rồi kính dâng vật thực cúng dường đến Ngài. Khi Đại đức Tỳ khưu ni Jinadattā độ vật thực xong, em đảnh lễ và bạch rằng:
– Kính thưa Đại đức ni, con có nguyện vọng muốn xuất gia Tỳ khưu ni, kính xin Ngài từ bi tế độ cho con.
Khi ấy cha mẹ em bảo với em rằng:
– Này con gái yêu quý, con nên sống tại nhà, thực hành pháp, dâng vật thực cúng dường đến Samôn, Bàlamôn, như vậy cũng tốt chứ con!
Em chắp tay lạy cha mẹ, vừa khóc vừa thưa với cha mẹ rằng:
– Kính xin cha mẹ từ bi cho phép con được xuất gia Tỳ khưu ni, con cố gắng thực hành phạm hạnh để làm cho ác nghiệp cũ của con hết hiệu lực cho quả.
Cha mẹ em biết không thể ngăn được ý nguyện của em, cha mẹ đành cho phép em xuất gia Tỳ khưu ni. Cha mẹ em còn cầu chúc cho em chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn cao thượng mà Chư Phật đã dạy: “Niết Bàn là pháp an lạc tuyệt đối, đối với chúng sinh đã chứng ngộ”.
Em chắp tay lạy cha mẹ và bà con, rồi xin đi xuất gia Tỳ khưu ni.
Sau khi em xuất gia Tỳ khưu ni được 7 ngày, em đã chứng đắc Arahán Thánh Đạo đến Arahán Thánh Quả cùng Tam minh, trở thành bậc Thánh Arahán. Em đã nhớ rõ lại tiền kiếp của em suốt 7 kiếp, kể từ kiếp hiện tại này trở lại theo tuần tự 7 kiếp quá khứ của em, để biết ác nghiệp nào cho quả khiến cho cuộc đời của em bị chồng không vừa lòng bỏ em như vậy.
Em xin kể lại quả của ác nghiệp đã tạo trong tiền kiếp. Xin chị lắng tai nghe ác nghiệp và quả ác nghiệp ấy:
* Quả khổ não của ác nghiệp tà dâm
– Tiền kiếp thứ 7, kể từ kiếp này trở lui, em là con trai tiệm vàng có nhiều của cải giàu sang ở thành Erakaccha, là người dể duôi si mê trong thời trẻ trung, đã phạm điều giới tà dâm với vợ người khác, đã tạo nên ác nghiệp tà dâm.
– Tiền kiếp thứ 6, sau khi con trai tiệm vàng chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh vào cõi địa ngục, chịu khổ não suốt thời gian lâu dài trong đại địa ngục Avīci, là quả khổ của ác nghiệp phạm điều giới tà dâm, cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cảnh địa ngục.
– Tiền kiếp thứ 5, sau khi thoát ra khỏi cảnh địa ngục, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con khỉ đực. Khỉ đực con sinh ra được 7 ngày, bị con khỉ chúa cắt đứt bộ dương vật. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm.
– Tiền kiếp thứ 4, sau khi kiếp con khỉ chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con dê đực bị mù mắt, què chân; về sau, cũng bị cắt đứt bộ dương vật, rồi sinh bệnh sưng làm mủ, dòi ăn bộ sinh dục, phải chịu đau khổ suốt 12 năm rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm.
– Tiền kiếp thứ 3, sau khi dê đực chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh làm con bò đực có bộ lông nâu. Khi lớn lên được 12 tháng cũng bị thiến bộ sinh dục. Kiếp làm bò đực, khi thì người chủ bắt kéo cày, khi thì người chủ bắt kéo xe, không có lúc nào được nghỉ ngơi; về sau, kiếp bò đực ấy bị mù đôi mắt, bệnh hoạn rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm.
– Tiền kiếp thứ 2, sau khi kiếp bò đực chết, do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm con của một người tớ gái, là đứa trẻ ái nam ái nữ (không phải trai cũng không phải gái), sống được 30 tuổi rồi chết. Đó là quả của ác nghiệp tà dâm.
– Tiền kiếp thứ nhất, sau khi kiếp ái nam ái nữ chết, do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người con gái ở gia đình thợ dệt chiếu nghèo nàn cực khổ, túng thiếu mang nợ, chủ nợ đến đòi, không trả nổi, người chủ nợ lấy tất cả của cải, bắt gia đình, kể cả con gái về làm tôi tớ. Về sau, khi đứa con gái (là em) lớn được 16 tuổi rất xinh đẹp, người con trai chủ nợ tên Giridāsa bắt ép làm vợ, mặc dù ông ta đã có vợ lớn rồi. Người vợ lớn là người có giới, có đức hạnh tốt, thương yêu chiều chuộng chung thủy với chồng. Song ông Giridāsa rất say mê người vợ nhỏ xinh đẹp. Thấy vậy, người vợ nhỏ (là em) năn nỉ, lời ngon, tiếng ngọt, xúi dục ông Giridāsa đuổi người vợ lớn ra khỏi nhà. Do ác nghiệp đó nên kiếp này 3 người chồng đều ruồng bỏ em, đuổi ra khỏi nhà, không muốn nhìn mặt em, mặc dù em hết lòng hầu hạ chồng như người tớ gái ngoan ngoãn lo phục vụ chủ. Đó là ác nghiệp xúi dục chồng đuổi vợ lớn ra khỏi nhà.
Kiếp hiện tại này là kiếp cuối cùng của em, quả của mọi ác nghiệp sẽ kết thúc trong kiếp sống chót này, vì kiếp nàyem đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, sẽ tịch diệt Niết Bàn chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, không còn tái sinh trở lại kiếp nào nữa.
* Quả khổ của ác nghiệp tà dâm
Trích trong bộ Chú giải Pháp cú, khi ấy Đức Phật đang ngự tại chùa Jetavana đề cập đến câu chuyện Aññatarapurisavatthu [Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Bālavagga, câu chuyện Aññatarapurisavatthu]: Có một đoạn nói về quả khổ của ác nghiệp tà dâm, được tóm lược như sau:
Một hôm, Đức vua Pasenadi Kosala cỡi bạch tượng trang sức lộng lẫy có đoàn quân lính hầu ngự đi trong thành biểu dương oai lực của Đức vua. Khi ấy, một người đàn bà rất xinh đẹp, đứng ở cửa sổ trên tầng 7 của lâu đài nhìn Đức vua; Đức vua ngẩng lên nhìn thấy nàng đẹp như tiên nữ, Đức vua sinh tâm yêu say đắm nàng ấy. Khi trở về cung điện, Đức vua gọi vị quan cận thần đi dò hỏi xem nàng đã có chồng hay chưa. Vị quan cận thần về tâu cho Đức vua biết, nàng đã có chồng rồi. Đức vua truyền lệnh đòi chồng của nàng vào, Đức vua bày mưu kế hiểm giết người chồng, để chiếm người vợ trẻ rất xinh đẹp ấy. Mưu kế đã đặt bày, đợi ngày hôm sau mới giết người đàn ông và sẽ chiếm người vợ trẻ xinh đẹp, Đức vua bị lửa tình dục thiêu đốt, suốt đêm không sao ngủ được, trông cho mau đến sáng.
Khi ấy, có 4 chúng sinh trong địa ngục Lohakumbhi “Địa ngục nước đồng sôi” (chiều sâu 60 do tuần) bị lửa ngục thiêu đốt, nước đồng sôi làm cho cả 4 chúng sinh ấy nhào lên rồi lộn xuống, giống như hạt gạo đang sôi trong nồi cháo lỏng. Từ miệng địa ngục nước đồng sôi chìm đến đáy thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm; rồi từ đáy nước đồng sôi nổi lên đến miệng thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm, vừa đến miệng 4 chúng sinh nhìn nhau định đọc một câu kệ, nhưng thời gian không kịp, cho nên mỗi chúng sinh ấy chỉ đọc được âm: Du, sa, na, so. Đức vua suốt đêm không ngủ được, vào canh giữa đêm nghe rõ 4 âm đầu “du, sa, na, so”. Đức vua kinh sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình, cho Hoàng hậu hoặc cho ngai vàng của mình, không sao nhắm mắt được cho đến sáng. Đức vua truyền lệnh gọi vị quân sư đến hỏi, vị quân sư không biết, nhưng sợ mất mặt nên nói bậy: “Có sự nguy hiểm đến sinh mạng của Đức vua”. Vị quân sư bày ra việc lấy máu tế thần, bắt 100 con voi, 100 con ngựa, 100 con bò đực, 100 con bò sữa, 100 con dê, 100 con cừu, 100 con gà, 100 con heo, 100 đứa con trai, 100 đứa con gái cắt cổ lấy máu tế thần, để Đức vua khỏi bị nguy hiểm đến tính mạng.
Hoàng hậu Mallikā hay tin Đức vua tin theo lời vị quân sư, truyền lệnh bắt sinh vật làm lễ tế thần. Hoàng hậu Mallikā ngăn cản việc sát sinh và mời Đức vua đến hầu Đức Phật.
Đức vua cùng Hoàng hậu Mallikā đến hầu Đức Phật, Hoàng hậu Mallikā kính bạch Đức Phật rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, vào canh giữa đêm Đức vua không ngủ được, nằm nghe 4 tiếng rùng rợn, Đức vua hỏi vị quân sư, quân sư tâu có sự nguy hiểm đến tính mạng của Đức vua, nên bày ra việc sát sinh làm lễ tế thần, để khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Sự thật như thế nào? Bạch Ngài.
Đức Phật truyền dạy rằng: – Này Đại vương, Đại vương nghe tiếng như thế nào?
Đức vua bạch rằng: – Kính bạch Đức Thế Tôn, đêm qua con không ngủ được, vào canh giữa đêm con nghe 4 âm du, sa, na, so, con cảm thấy kinh sợ không biết sự việc gì sẽ xảy đến cho con? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy: ─ Này Đại vương, không có sự nguy hiểm gì xảy đến cho Đại vương. Đó là 4 chúng sinh trong địa ngục đã từng tạo ác nghiệp trong tiền kiếp, khi chúng nhìn thấy lại nhau, muốn đọc câu kệ, nhưng thời gian không kịp, mới đọc được âm đầu của câu, rồi bị chìm lại xuống đại địa ngục.
Đức vua bạch hỏi: – Kính bạch Đức Thế Tôn, 4 chúng sinh ấy đã tạo ác nghiệp gì? Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn thuyết dạy về ác nghiệp của 4 chúng sinh ấy rằng:
– Này Đại vương, Đại vương hãy lắng nghe ác nghiệp mà 4 chúng sinh ấy đã tạo trong kiếp quá khứ.
Trong quá khứ, thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ của con người khoảng 20.000 (hai mươi ngàn) năm.
Đức Phật Kassapa cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đi khắp mọi nơi tế độ chúng sinh.
Trong xứ Bārāṇasi, 4 người con trai của 4 ông phú hộ, có của cải đến 400 triệu, là bạn hữu với nhau, chúng không nghĩ làm phước bố thí cúng dường Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng, không nghĩ giữ gìn giới và tạo mọi thiện pháp, nhưng chúng lại bàn tính với nhau rằng:
“Trong nhà chúng ta có nhiều của cải, chúng ta sẽ làm gì với số của cải ấy để được sung sướng”.
Một người nói rằng: – Chúng ta uống rượu ngon, ăn đồ ngon, đi chơi, thì đời sống của chúng ta được sung sướng.
Một người khác lại nói rằng: ─ Chúng ta ăn cơm nấu từ gạo sāli, có mùi thơm được cất giữ suốt 3 năm, với đồ ăn ngon, đi chơi, thì đời sống của chúng ta được sung sướng.
Một người khác nói rằng: ─ Chúng ta sai người làm đồ ăn ngon đặc biệt, ăn rồi đi chơi, thì cuộc sống chúng ta được sung sướng.
Một người khác nói rằng: ─ Này các bạn, phần đông đàn bà ham tiền của, chúng ta đem tiền của ra dụ dỗ vợ của người khác sống chung với chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được sung sướng nhiều.
Cả 4 người con của 4 ông phú hộ đồng tình với nhau theo ý kiến cuối cùng. Từ đó, cả 4 người ấy đem tiền bạc dụ dỗ con gái, vợ người khác, đã phạm điều giới tà dâm tạo ác nghiệp. Cả 4 người sau khi chết, do ác nghiệp tà dâm cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, suốt khoảng thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian. Khi chúng mãn quả ác nghiệp tà dâm trong đại địa ngục Avīci, song quả ác nghiệp ấy còn dư sót, cho quả tái sinh vào địa ngục Lohakumbhi “Địa ngục nước đồng sôi” chiều sâu 60 do tuần (yojana), từ miệng địa ngục chìm xuống đến đáy trải qua thời gian 30.000 (ba mươi ngàn) năm, rồi từ đáy địa ngục nước đồng sôi trồi lên đến miệng địa ngục trải qua thời gian 30.000 năm, khi nổi lên đến miệng địa ngục thì 4 người nhìn nhau định đọc câu kệ, nhưng vì thời gian ngắn ngủi không kịp, mỗi người chỉ đọc được một âm đầu, rồi chìm xuống đáy trở lại.
– Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “du”, còn câu kệ đầy đủ là:
“Dujjīvitamajīvimha,
Ye sante na dadamhase,
Vijjamānesu bhojesu,
Dīpaṃ nākamha attano”
“Này các bạn thân mến của tôi!
Khi chúng ta có nhiều của cải,
Đã không đem làm phước bố thí,
Làm hòn đảo nương nhờ của mình.
Chúng ta có tuổi thọ sống lâu.
Mà sống đời thấp hèn đáng khinh”.
– Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “sa”, còn câu kệ đầy đủ là:
“Saṭṭhivassasahassāni,
Paripuṇṇāni sabbaso,
Niraye paccamānānaṃ,
Kadā anto bhavissati”.
“Này các bạn thân mến của tôi!
Chúng ta chịu khổ trong địa ngục,
Đầy đủ suốt sáu chục ngàn năm.
Khi nào chúng ta mới mãn hạn,
Trong địa ngục này các bạn nhỉ?”.
– Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “na”, còn câu kệ đầy đủ là:
“Natthi anto kato anto,
Na anto paṭidissati,
Tadā hi pakataṃ, pāpaṃ,
Mama tuyhañca, mārisā” .
“Này các bạn thân mến của tôi!
Mãn hạn trong địa ngục không có,
Sự mãn hạn từ đâu có được?
Mãn hạn địa ngục không hiện rõ.
Bởi vì khi chúng ta làm người,
Tôi và các bạn tạo ác nghiệp”.
─ Này Đại vương, Đại vương nghe âm đầu của câu kệ “so”, còn câu kệ đầy đủ là:
“Sohaṃ nūna ito gantvā,
Yoniṃ laddhāna mānusiṃ.
Vadaññū sīlasampanno,
Kāhāmi kusalaṃ bahuṃ” [ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Aññatarapurisavatthu]
“Này các bạn thân mến của tôi!
Sau khi tôi thoát khỏi địa ngục,
Nếu được tái sinh lại làm người,
Sẽ là người biết lắng nghe pháp,
Giữ giới trong sạch và trọn vẹn.
Chắc chắn sẽ tạo nhiều phước thiện”.
Khi Đức Phật giảng giải xong ý nghĩa 4 âm đầu của 4 câu kệ đầy đủ của 4 chúng sinh địa ngục vốn là 4 người con của 4 ông phú hộ trong tiền kiếp, Đức vua lắng nghe phát sinh động tâm nghĩ rằng:
“Tạo ác nghiệp tà dâm này nặng đến thế! 4 người con của 4 ông phú hộ phạm điều giới tà dâm, phải chịu thiêu đốt ở đại địa ngục Avīci, suốt khoảng thời gian từ Đức Phật Kassapa đến Đức Phật Gotama. Sau khi thoát ra khỏi đại địa ngục Avīci, rồi còn phải sa vào địa ngục nước đồng sôi Lohakumbhi chiều sâu 60 do tuần, chịu thiêu đốt 60.000 (sáu mươi ngàn) năm rồi, cũng chưa biết lúc nào mãn hạn quả khổ ở địa ngục nước đồng sôi này. Còn ta đem lòng thương yêu, say mê vợ người khác, làm suốt đêm không ngủ được. Kể từ nay, ta sẽ không dám sinh tâm thương yêu, say mê vợ người khác nữa”.
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)