HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ VÀ PHÁP SƯ THỊ NỮ KHUJJUTTARĀ LƯNG GÙ (Tiếp theo)

Thế rồi, bữa ngự yến hôm đó, đức vua không dùng được bao lăm. Ngài buồn. Vì rõ ràng, hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ họ đã trọng vọng sa môn Gotama hơn ông. Rồi đức vua lại nghĩ tiếp, liên tưởng sâu xa hơn:

“- Sa môn Gotama vốn gốc là thái tử thuộc dòng dõi Thích Ca anh hùng, đến ngày đăng quang, ông ta lại từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con xinh, ba tòa Cung Vui để xuất gia tầm đạo. Thanh danh của ông, từ khi xuống núi độ đời, chưa hề dính một chút bụi phàm tục. Ngay chính thứ hậu của ta, diễm lệ kiêu sa thế đó mà ông ta còn bảo là “không sờ đụng dẫu là sờ đụng bằng chân!” Một nhân cách thanh cao, trong sáng vẹn toàn như thế thì hậu của ta, cung nữ của ta kính trọng, quy y theo cũng là chuyện đương nhiên! Việc mà thứ hậu bảo là có tà ý với sa môn Gotama, hẳn nhiên là phải loại ra rồi! Lại còn cái giáo pháp mà ông ta đang tuyên thuyết nữa? Chắc phải là kỳ tuyệt vô song nên mới vô hiệu hóa uy lực của kinh điển Vệ-đà và truyền thống Bà-la-môn. Mọi điện đài thiêng liêng của tín ngưỡng, tôn giáo, triết học cùng mười ngàn năm văn minh của tộc người thượng đẳng Aryan này đã bị sa môn Gotama đốn gục, hạ bệ không còn dư tàn. Ta đã từng nghe các vị lão thần minh triết ở xứ sở này tường trình, tâu báo lại như vậy, hẳn là không sai ngoa! Vậy, cung kính, cúng dường một bậc thanh tịnh như vậy cũng là phải lẽ. Và việc ấy, ta cũng nên khuyến khích, vì sao? Vì khi mà những giá trị tôn quý của tinh thần và những uy đức thiêng liêng còn được trân trọng, bảo lưu, gìn giữ thì quốc độ sẽ được thanh bình, an lạc! Các vị tiên đế cũng đã từng dạy bảo như thế! Chính vì lẽ này, ta mới hiểu ra, tại sao hai vị đại vương lớn của châu Diêm-phù-đề là đức vua Bimbisāra, kinh đô Rājagaha nước Magādha, và đức vua Pāsenadi, kinh đô Sāvatthi nước Kosala lại cùng quy hướng về và cả hai triều đình đều đã trở thành cận sự nam, cận sự nữ trong giáo hội thánh đức ấy? Rồi còn quân vương các nước cộng hòa chiến sĩ anh hùng Licchavī, thủ đô Vesāli; nước cộng hòa Videha, thủ đô Mithilā và liên bang Vajjī nữa? Rõ là ta đã nghe tràn tai về cả thành phần ưu tú của giáo hội ấy nữa, nam cũng như nữ. Họ đã quăng vất tất cả vinh quang của cuộc đời này như tấm giẻ rách để lên đường xin ăn, sống đời bần hàn ta-bà vô trú! Ờ, còn ta là gì nhỉ? Ta là gì nhỉ? Một đức vua nhỏ bé, như hạt cát, lại dám nghi ngờ nọ kia với hậu của ta? Một con người có sắc đẹp thùy mị, dịu dàng lại có cả tâm hồn đôn hậu, chân thật, khiêm cung, bao dung, quảng đại lại chưa có lỗi lầm gì với ta? Họ cúng dường sa-môn Gotama thì sao nào? Mà thôi, cứ để đấy đã, chớ quyết định điều gì một cách vội vàng!

Đức vua thở dài – nghĩ là tự mình sẽ âm thầm điều tra, chẳng thể tin ai được. Bà thứ hậu được cái sắc đẹp lôi cuốn ta nhưng lúc nào nói cũng quá nhiều. Đàn bà mà nói nhiều thường lắm chuyện, nếu không phù phiếm, nhảm nhí thì cũng ba hoa, xảo ngôn, thiếu chân thật!”

Nghĩ thế xong, đức vua trầm tĩnh trở lại.

Đức vua Udena có một hoàng hậu là Sāmāvatī cùng hai thứ hậu, đó là Vāsuladattā và Māgaṇḍiyā. Về chuyện phòng the thì cứ luân phiên, mỗi bà như vậy, ông vua này thường ngự ở đấy bảy ngày. Ba bà có ba cung đặc biệt và cung nga thể nữ riêng do mỗi bà tự tuyển chọn hoặc đức vua – tùy theo mức độ sủng ái mà ban phát cho.

Gần một năm nay, trong ba bà thì đức vua sủng ái thứ hậu Māgaṇḍiyā hơn, tuy nhiên, với các bà kia đức vua cũng có thỉnh thoảng lui tới!

Chuyện xảy ra vừa rồi làm đức vua khởi ý là sẽ viếng thăm cung vui của hoàng hậu Sāmāvatī để dò xem hư thực như thế nào, vì theo vua, dù sao thì chánh hậu cũng đã có một trai tuấn mỹ, là danh phận đã thành, trước sau bà vẫn là quốc mẫu, không ai thay thế được.

Biết được chuyện ấy, thứ hậu Māgaṇḍiyā lại nũng nịu can ngăn:

– Sự thực rõ ràng như ban ngày, đã hai lần thiếp dè chừng mà bệ hạ vẫn không tin. Đêm qua, thiếp nằm mộng dữ, tiên báo có chuyện chẳng lành nếu bệ hạ sang cung của chánh hậu.

– Mộng dữ gì vậy?

Đầu óc kế xảo của bà thứ hậu Māgaṇḍiyā xẹt nhanh như lằn chớp trong trí:

– Thiếp thấy một con rắn độc suýt cắn bệ hạ!

Đức vua phì cười:

– Nhưng dù gì thì gì, trẫm cũng phải sang đấy!

Biết không thể can vua được, bà biểu người tức tốc nhờ ông chú quốc trượng mang đến một con rắn độc rất nhỏ đã nhổ nọc để sử dụng cho mục đích của mình.

Biết rằng, thường thì tiếng trống lâu thành báo canh đêm, mặt trời vừa tắt, đèn vừa thắp lên là đức vua ngự kiệu sang cung các hậu. Trong lúc đó thì tiểu dạ yến ở chánh cung cũng đã được các cung nữ chăm lo chu đáo. Ca nữ, vũ nữ, nhạc công cũng đã có mặt để hầu tiếp niềm vui cho bậc chí tôn! Ngoài ra, đức vua còn một thú vui là lúc nào, đi đâu cũng mang theo cây tiêu “điều tượng” thỉnh thoảng nhã hứng thổi một vài khúc chơi! Gần đáy của cây tiêu này có một lỗ nhỏ thường dùng để buộc một sợi dây lụa kết chỉ vàng lóng lánh. Vậy nên, vào khoảng giữa chiều, bà thứ hậu đã đích thân lẻn vào tẩm cung của đức vua, bỏ con rắn độc vào trong lỗ ống tiêu rồi khéo tay lấy một bông hoa gấm nhỏ nhét lại giống như vật trang trí.

Đức vua đâu có biết gì. Một đêm vui qua mau, sáng ngày định chuẩn bị dùng sáng rồi đi thiết triều thì thị nữ thông báo là thứ hậu Māgaṇḍiyā muốn dâng đức vua món cháo yến sào tẩm bổ, ngài phải thọ nhận. Trong khi hoàng hậu Sāmāvatī đang sắp xếp vật thực để cho đức vua ngự dụng thì bà thứ hậu giả vờ lăng xăng đi thu dọn vật này vật kia rồi lanh tay rút bông hoa nơi ống tiêu đang còn nằm trên long sàng. Chú rắn nhỏ được giải phóng, ngo nguẩy bò ra.

Chính lúc đó, bà thứ hậu mới hô hoán lên:

– Con rắn độc! Con rắn độc!

Mọi người sửng sốt. Thị nữ bên ngoài nghe hô hoán đã chạy vào và họ đã nhanh tay lấy khăn dày bắt con rắn ấy đi. Bà thứ hậu được dịp đổ thêm dầu vào lửa:

– Thấy chưa? Bệ hạ đã thấy chưa? Âm mưu giết bệ hạ rành rành, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Nhưng cảm ơn thượng đế Rāmā đã bảo vệ sanh mạng cho bệ hạ nên suốt đêm con rắn độc này đã ở yên đâu đó trong tấm chăn.

ức vua lặng người, nhìn hoàng hậu một lát rồi trầm tĩnh hỏi:

– Hậu muốn giết hại ta thật à?

Hoàng hậu khuôn mặt không biến sắc, nghĩ là cũng phải biện hộ cho mình nên đáp:

– Tâu bệ hạ! Việc ấy, đệ tử của đức Phật không bao giờ làm, huống gì thiếp lại rất yêu kính bệ hạ. Việc ấy lại càng không thể, nếu con rắn ở trong chăn suốt đêm, hóa ra thiếp lại ngu dại tự giết mình! Việc càng vô lý hơn nữa, là con trai thiếp đã được bệ hạ đương nhiên cho kế thế ngôi vị thì thiếp còn mong cầu gì hơn trên đời này nữa?

Thấy cũng có lý nên đức vua nín lặng, phân vân chưa biết xét thế nào.

Bà thứ hậu tung ra đòn độc cuối cùng:

– Tham vọng quyền lực của con người khó hiểu lắm, tâu đại vương! Bệ hạ mất, bé trai kia sẽ lên làm vua, và người buông màn nhiếp chính bên sau là ai, bệ hạ rõ rồi. Và đương nhiên người làm vua nước này, thâu tóm mọi quyền lực cho bản thân, cho dòng họ cũng hữu lý lắm chớ, tâu đại vương!

Như điểm trúng yếu huyệt. Nó là sự hữu lý, là ông chánh án của mọi hữu lý trên đời, nên khuôn mặt đức vua tái đi. Hết tái rồi quay sang đỏ rần rần. Cơn giận của đức vua bị lửa sân thiêu đốt, âm ỉ rồi bốc cháy, vỡ òa trong tiếng hét:

– Đích thân ta sẽ ra tay giết ngươi, con tiện tỳ! Kể cả những cung nữ trưởng phòng, trưởng nhóm, ta cũng giết hết luôn để trừ hậu hoạn!

Buổi chiều, tại pháp trường của cung đình, bà hoàng hậu Sāmāvatī và mười cung nữ có chức vụ, hai tay đều được cột bởi những tấm khăn lụa rồi bị lính hộ cung dẫn ra đứng một hàng một.

Thị nữ Khujjuttarā lưng gù, vì thân phận thấp hèn không bị tội, nói với mười một phạm nhân:

– Hoàng hậu không làm! Mấy trăm cung nữ ở đây đều là Phật tử nên cũng không ai làm! Ai có mưu kế ác độc đó thì chúng ta biết rồi. Nhưng khó có thể biện minh. Đây có lẽ do nghiệp quá khứ tối tăm nên bị nó dẫn dắt trả quả xấu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Chỉ có tâm từ, năng lượng của tâm từ mới có thể tiêu tai, giảm họa”. Vậy xin hoàng hậu với quý cung nương cứ trú tâm từ một cách an nhiên và bất động!

– Đúng vậy! Hoàng hậu gật đầu – chúng ta còn rải tâm từ đến cho đức vua và đến cho cả người do si mê mà làm hại ta nữa.

Một việc hy hữu đầy thương tâm sắp xảy ra. Bá quan văn võ đứng đầy đặc hai bên. Người của ba cung sáu viện cũng cùng nhau đứng chen chân không kẽ hở. Ai ai cũng thầm cảm thương nỗi hàm oan của hoàng hậu. Những giọt lệ chảy âm thầm và những tiếng khóc tức tưởi được kìm nén đó đây.

Đức vua Udena vốn nổi tiếng là một tay đại xạ thủ, và sức tay của đức vua vốn vô địch trong triều ngoài nội. Ông không những bắn chuẩn hồng tâm mục tiêu mà còn bắn xuyên một lúc mười mấy thân chuối!

Đức vua đã bước ra với cây cung vàng mà ngài ít khi sử dụng. Đây là cây cung được truyền từ nhiều đời – là bảo vật quốc gia – nó rất nặng có tên là Sahassathāmasiṅgadhanu và khi bắn, sức bật của nó thường đi rất xa.

Trong lúc hoàng hậu Sāmāvatī cùng mười cung nữ đang bất động tĩnh lặng trú vào tâm từ thì đức vua giương cung lên, búng thử dây cung. Một âm thanh lạ lùng cất lên như xé tan không gian yên lặng. Cả quảng trường im phăng phắc, mọi người căng mắt, nín thở.

Đức vua thò tay phải rút mũi tên vàng lắp vào cung rồi căng mạnh cánh tay. Đức vua tự nghĩ: “Chỉ một điểm ngay trái tim của con tiện tỳ thì mũi tên kia còn đi xuyên suốt mười trái tim bên sau trở thành một xâu như xâu chim vậy”.

Rồi cung bật. Mũi tên lao vút đi như lằn sao xẹt. Mọi người nhắm mắt lại. Có vài tiếng la hét sợ hãi rú lên… Nhưng chuyện lạ đã xảy ra. Mũi tên vàng vừa tới nơi trái tim của hoàng hậu, nó như bị một sức mạnh vô hình dừng đứng lại. Và rồi, mũi tên như có con mắt, nó chuyển hướng, quay ngoắt về phía đức vua và lao vút đi. Đức vua chưa kịp định thần, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mũi tên đã đến gần trái tim của ông. Và ngạc nhiên làm sao nó cũng dừng sững lại rồi rơi xuống đất!

Cả quảng trường im phăng phắc, trố mắt, sững sờ.

Đức vua bần thần, thả rơi cây cung, lạnh người. Tự nghĩ: “Cây cung truyền đời này, mũi tên đặc biệt này chỉ sử dụng lúc truyền ngôi, với bốn lực sĩ vác đến đặt vào tay thái tử kế vị, yêu cầu phải bắn trúng hồng tâm mặt trống đồng đặt cách xa tối thiểu là một govo. Nó có thể xuyên thủng thân cây sāla một vòng ôm. Nó có thể xuyên thủng vách tường thành bằng đá. Thế nhưng tại sao, với mãnh lực nào, uy lực nào nó không dám đụng đến hoàng hậu? Đã không dám đụng đến tội nhân mà nó lại còn quay ngoắt trở lại suýt xuyên thủng lồng ngực ta? Ồ! Vậy đúng là do đức hạnh của hoàng hậu rồi! Chính do giới đức và trái tim nhân từ của hoàng hậu mà mũi tên kia cũng không nỡ giết ta!”

Xúc cảm tâm linh và cũng thành tâm hối quá, đức vua ra lệnh lính cận vệ mở trói cho hoàng hậu và mười cung nữ rồi ông bước tới, quỳ xuống bên chân hoàng hậu, chân thành thốt lên:

– Ta thật có lỗi, xin hậu hãy đại lượng tha thứ cho ta!

Hoàng hậu Sāmāvatī cầm tay đức vua nâng lên:

– Xin bệ hạ giữ gìn ngọc thể!

Đức vua chưa chịu đứng dậy:

– Nàng tha thứ cho ta chớ?

– Đương nhiên! Thần thiếp không những tha thứ cho bệ hạ bây giờ, mà trước khi, trong khi bệ hạ giương cung bắn thì thiếp và tất thảy cung nữ còn rải tâm từ đến cho bệ hạ, đến cho cả người vu oan giá họa hiểm hại chúng thiếp nữa đó!

Đức vua rơi nước mắt:

– Trẫm đã si mê lạc lối bước đi mà không thấy, không biết đường về! Vậy từ nay hậu hãy cho trẫm nương tựa với nhé?

– Vậy là rất tốt! Hoàng hậu nói – Nhưng không phải nương tựa nơi thần thiếp mà bệ hạ phải thành tâm nương tựa nơi Đức Chánh Đẳng Giác, vì chính ngài mới là bậc cao quý, cao thượng trên đời này. Nơi mà cõi người và cõi trời đều nương tựa.

– Vâng! Ta sẽ quy y với Đức Thế Tôn.

– Bệ hạ phải đích thân đi đến chỗ đức Thế Tôn tức khắc bây giờ chứ?

– Vâng! Ta sẽ làm như vậy.

Đức vua nói xong, đứng dậy ân cần nắm bàn tay của hoàng hậu, khẩn thiết nói:

– Ngay bây giờ đây, trẫm chuẩn hứa cho hậu, rằng là hậu mong ước gì, mơ ước gì, sở thích gì, bất cứ điều gì, trẫm cũng sẵn lòng đáp ứng cho. Nên nhớ đây là ân huệ tối thượng đặc biệt trẫm dành cho hậu đó!

– Vâng! Hoàng hậu Sāmāvatī mỉm cười nói – Một điều thôi! Và đây được xem như ân huệ tối thượng đại vương ban cho thần thiếp. Là sau khi bệ hạ đến bên chân Đức Đạo Sư, xin quy y Tam Bảo rồi, thiếp mong bệ hạ cho phép thiếp, thay mặt thiếp thỉnh mời Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ khưu đến hoàng cung để cho chúng thiếp được đặt bát cúng dường và được nghe pháp trong vòng bảy ngày. Đấy là ước nguyện khẩn thiết duy nhất của chúng thiếp vậy.

Đức vua khuôn mặt rạng rỡ, gật đầu đồng thuận và trong tâm lại phát sanh lòng kính trọng đối với hoàng hậu vô cùng. Tự nghĩ: “Bà không xin kim cương trân bảo, xin địa vị, quyền lực, không xin truy cứu kẻ mưu hại mình mà chỉ xin được bố thí, cúng dường, nghe pháp! Ồ! Hoàng hậu của ta thật sự đã trở thành bậc thánh nhân rồi!”

Đức vua đứng lặng. Vừa tri ân vừa cảm kích tấm lòng vô lượng của hoàng hậu Sāmāvatī. Và ngay giây khắc ấy, đã có một sự chuyển hóa thật sự trong nội tâm của ông.

Quốc vương Udena sau khi quy y Tam Bảo bên chân Đức Thế Tôn, thưa bạch lại lời thỉnh cầu của hoàng hậu Sāmāvatī rồi lễ độ ngồi xuống một bên để nghe pháp.

Đức Phật biết ông vua này trước đây bản chất hung bạo, thường săn bắn giết vật để làm thú tiêu khiển, lại còn đam mê tửu sắc, vừa mới hồi đầu hướng thiện nên ngài không giảng nhiều, chỉ giáo giới ngắn gọn một vài nguyên lý thuộc về đạo trị dân, an dân; một vài đức tính, phẩm chất cần thiết của giai cấp chiến sĩ lãnh đạo, điều hành đất nước. Đức Phật cũng tỏ lời tán thán đức tin thanh khiết của hoàng hậu Sāmāvatī trước đây đã hiến cúng khu lâm viên trầm hương cho Ni chúng có chỗ tĩnh cư và chuyện thỉnh mời đặt bát cúng dường bảy ngày tại hoàng cung. Đức Phật cũng nói rõ cho đức vua biết là ngài chỉ đi một bữa đầu tiên với năm trăm tỳ khưu, sáu ngày còn lại sẽ có một vị trưởng lão khác đại diện dẫn đầu chư Tăng. Vì ngài còn phải để tâm tiếp độ rất nhiều gia chủ trong kinh thành nữa.

Đúng hẹn và đúng sáng hôm ấy, Đức Phật với đại y vắt vai, với bình bát màu mận chín dẫn đầu năm trăm tỳ khưu, gồm hai trăm vị tại vườn rừng Ghositārāma, hai trăm vị tại vườn rừng Kukkuṭārāma và một trăm vị tại lâm viên Pārārikambavana rồi họ cùng bộ hành về hướng cung vua.

Tại Kosambī, cả ba lâm viên, Tăng chúng gần hai ngàn vị nhưng họ thường chia ra hằng chục đoàn khác nhau, bố trí rải rác khắp thành phố và cả các làng lân cận để trì bình khất thực. Họ ít khi đi một đoàn đông người vì như vậy thì khó đủ vật thực nuôi mạng.

Vào các dịp an cư như năm nay, cả ba lâm viên đều đã có ba vị thí chủ lớn hộ độ hoặc mời thỉnh mời về tư gia nên trường hợp đức Phật dẫn đầu một lúc năm trăm vị tỳ khưu đi trì bình khất thực thường là vào các dịp đặc biệt. Dân chúng hiếu kỳ đứng xem rất đông. Chuyện Đức Phật và Tăng chúng bị bọn du đãng, côn đồ chửi rủa, mắng nhiếc, phỉ báng, hạ nhục chỉ mới mươi ngày trước đây đã trôi về quá khứ. Đức Phật và năm trăm vị tỳ khưu đi hàng một, thanh thoát, chậm rãi như hình ảnh con rồng màu vàng sẫm nhịp nhàng uốn lượn trên các ngã đường như toát ra sự tĩnh tại, bình an, vô tranh, vô sự.

Đức Phật vừa đến cổng hoàng cung thì đồng lúc, lâu thành mở ra, hai tấm cửa vĩ đại bằng gỗ lim như tự động lùi sang hai bên lộ ra còn đường đá cẩm thạch hun hút đi sâu vào bên trong. Hai tháp canh hai bên cao chớn chở bỗng vọng lên hai hồi trống canh như báo hiệu “thượng khách” đã đến! Ai cũng thầm nghĩ, quốc độ Vaṃsā dầu là tiểu quốc nhưng cách bố trí vương thành kiên cố như thế này thì không dễ gì các đại quốc xâm phạm được. Có lẽ vì vậy nên ông vua này gối cao nằm nghỉ và săn bắn, tửu sắc ăn chơi hưởng thụ!

Thế rồi, buổi lễ đặt bát cúng dường ngày thứ nhất diễn ra vô cùng trọng thể. Hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ tươi rạng nét mặt, tới lui sớt cơm bánh vật thực cho Đức Thế Tôn và Tăng chúng. Riêng đức vua Udena, dầu vậy, đức tin chưa vững vàng, viện cớ bận quốc sự, hội họp tại triều đình. Riêng bà thứ hậu Māgaṇḍiyā thì căm tức, uất hận đầy lòng, lánh mặt trong hậu cung.

Độ thực xong, Đức Phật ban bố một thời pháp. Ngài giảng khái quát lộ trình quẩn quanh từ cảnh giới sinh tử này sang cảnh giới sinh tử khác của tất thảy chúng sanh trong ba cõi, sáu đường. Và nhấn mạnh đến bốn cảnh giới đau khổ, thống khổ và các cõi an vui người và trời như thế nào. Sau đó, Đức Phật khuyên răn mọi người bố thí, giữ giới, sống đời trong lành, hiền thiện.

Hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nga thể nữ nghe như uống cả vào lòng. Riêng cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù thì chú tâm, tư tác lắng nghe pháp cho đến nỗi không thấy, không biết bất cứ cái gì xảy ra xung quanh. Thời pháp chấm dứt thì cô đã khắc sâu tứ lời vào tâm khảm và có thể thuyết lại cho người khác mà không bỏ sót bất cứ một ngữ nghĩa nào, một chi tiết nào. Chuyện xảy ra trong tâm tư cô thị nữ lưng gù chỉ có Đức Phật và một số bậc Thánh có thắng trí biết mà thôi.

Sau buổi đặt bát cúng dường còn lại, Đức Phật thấy các vị trưởng lão cao hạ đang đi du hóa nhiều phương, chỉ còn đại đức Ānanda là năm hạ, tương đối lớn nên có bổn phận dẫn đầu đi vào cung điện. Và rồi, sáu thời pháp của đại đức Ānanda cũng uyển chuyển, lưu loát như nước chảy của con sông dài; ngôn ngữ, đoản ngôn, kệ ngôn, dụ ngôn đều rỡ rỡ sáng trong, cụ thể. Sắc tướng của đại đức vốn quang minh, đẹp đẽ, mà ngôn lời, âm thanh của ngài lại như ngọc chạm, như tiếng pha lê reo, trầm bổng, du dương làm cho thính chúng bị cuốn hút, mê đi, chìm lắng trong biển pháp. Vậy là chỉ mới ngày thứ năm, cung nga thể nữ của chánh hậu đã dâng cúng bên chân đại đức Ānanda đến năm trăm tấm vải quý, có nghĩa là họ có bao nhiêu tấm vải làm y áo quý nhất, đẹp nhất do vua ban, họ chưa sử dụng, do hoan hỷ quá nên họ đem dâng cúng hết.

Chuyện đến tai đức vua Udena, ông rất bực mình, tự nghĩ: “Mấy ông sa môn này bắt đầu lộ diện chân tướng rồi! Tu hạnh xả ly, vô sản bần hàn mà lại thọ nhận một lúc năm trăm tấm vải quý đẹp? Rõ là lòng tham tích lũy của cải tài sản còn hơn là kẻ thường nhân nữa! Được rồi, ngày mai, trước đám đông, ta sẽ lột mặt nạ ông ta!”

Buổi lễ ngày thứ bảy diễn ra bình thường, có khác một chút là có đức vua và một số các quan trọng thần lắng nghe. Bực thì bực, ghét thì ghét nhưng quả thực là thời pháp không chê vào đâu được. Và sắc tướng, âm thanh của đại đức Ānanda còn lôi cuốn, hấp dẫn họ nữa. Tuy nhiên, đức vua Udena không quên công việc định làm của mình. Thế rồi, cuộc chất vấn bắt đầu:

– Bạch đại đức! Trẫm nghe nói đại đức đã thọ nhận của cung nữ năm trăm tấm vải, việc ấy là đúng sự thực hay không đúng sự thực?

– Là đúng sự thực, tâu đại vương!

– Trẫm nghe nói, một vị tỳ khưu trong giáo hội của Đức Đạo Sư chỉ được phép sử dụng ba y và không thể sở hữu nhiều hơn, có phải thế chăng?

– Quả thật là vậy, tâu đại vương!

– Nghĩa là đại đức cũng chỉ sở hữu ba y, đúng như là một vị tỳ khưu chân chính, là tri túc, xả ly và vô sản bần hàn?

– Quả vậy, Bần tăng đang cố gắng tu tập như vậy đó, tâu đại vương!

– Vậy thì quả thật trẫm không hiểu là đại đức sử dụng năm trăm ấm vải ấy như thế nào?

– Thưa, tất thảy tôi đều đã cúng dường lại cho những vị tỳ khưu có y cũ rách!

Đức vua lộ vẻ ngạc nhiên:

– Đại đức cúng dường trở lại hết à?

– Thưa vâng!
– Thế đại đức không để dành cho mình một tấm y quý đẹp nào trong năm trăm tấm vải Y ấy?
– Thưa không, không cần thiết. Vì tấm y cũ tôi đang dùng đây nó vẫn còn tốt!

Đức vua lặng người khi biết rằng mình đã ngờ oan cho người ta rồi, nhưng do tò mò, ông làm như thản nhiên, hỏi tiếp:

– Vậy thì năm trăm vị được đại đức dâng cúng y mới, thế y cũ của họ, họ dùng làm gì?
– Thưa, họ sẽ cúng dường lại cho những vị có y cũ rách hơn nữa!
– Rồi thì năm trăm tấm y quá rách nát ấy, họ sử dụng vào việc gì?
– Thưa, họ làm tấm trải giường.
– Vậy sau trải giường?
– Thưa, họ lót trên sàn, trên nền tại các liêu cốc.
– Sau đó nữa?
– Tâu, họ làm giẻ chùi chân!
– Rồi sau khi không còn sử dụng được nữa?
– Không phải là không sử dụng dù cái mà thế gian đã quăng bỏ đi. Miếng giẻ chùi chân đã phế thải ấy, môn đệ của đức Thế Tôn sẽ xé nhỏ ra, quết cho nhuyễn với đất sét để trám vào các lỗ thủng, lỗ hư trên các vách tường liêu thất, tâu đại vương!

Đức vua Udena hỷ lạc dâng đầy tràn trong tâm đến nỗi tê rần cả người, ông đổ gập người xuống, quỳ bên chân đại đức Ānanda, thốt lên:

– Ôi! Cao quý thay là đệ tử của Đức Vô Thượng Giác. Đến nỗi khi thọ nhận vật dụng của thí chủ, dù một miếng giẻ chùi chân cũng không bỏ sót, cũng trở nên hữu dụng. Ôi! Tấm lòng biết trân trọng ấy, trên đời này có ai có thể bằng được một phần mười sáu đệ tử của Đức Tôn Sư?

Thế rồi, theo với niềm vui của mình, đức vua Udena sai quan thủ khố cho người mang thêm năm trăm tấm vải quý nữa đem dâng cúng thêm cho vị pháp sư.

Đại đức Ānanda sau khi thọ nhận, ngài chợt mỉm cười tươi tắn như nụ sen vừa mới nở, cất tiếng lời lảnh lót, thanh tao như tiếng chim để giáo giới thêm cho đức vua:

– Tâu đại vương! Môn đệ của Đức Đạo Sư, của Đức Thế Tôn, của Đức Chánh Đẳng Giác sống giữa cuộc đời, khi đi vào giữa xóm làng với chiếc bát xin ăn, bao giờ cũng chỉ thọ nhận vừa đủ từ tấm lòng của bá tánh với tâm bình đẳng, nhẫn nại, tịch lặng, không hận, không sân. Như con ong chỉ khẽ khàng tìm chút nhụy lót lòng nhưng không làm hại nụ hoa, cánh hoa! Họ còn biết tôn trọng và tri ân quốc vương, quốc độ; tôn trọng và tri ân bá tánh, chúng sanh và xã hội. Mục đích của chư môn đệ là luôn tâm niệm mang đến an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người, tâu đại vương!

Đức vua Udena quý kính tận đáy lòng:

– Trẫm đã sáng mắt, sáng lòng ra rồi, thưa đại đức! Trẫm hiểu rồi và hiểu sâu xa vô cùng! Tri ân đại đức cùng đại chúng tỳ khưu Tăng!

Sau bảy ngày đặt bát cúng dường và nghe pháp, biệt cung của hoàng hậu Sāmāvatī như được tiếp thêm sinh lực mới, nhiên liệu mới. Họ trang hoàng lại khắp mọi nơi, mọi chỗ. Tại phòng hội, họ quét dọn, lau chùi, mở các cửa sổ, thay đổi các bức rèm cho có màu sắc tươi sáng, thanh nhẹ hơn. Họ thay đổi những hương liệu xa xỉ, thay thế bằng hương liệu thanh tao, khiết nhã từ hoa, từ chiên đàn, từ đinh hương, hồi hương. Hoa được thay đổi mỗi ngày và chưng vào các kệ gỗ nhỏ sát tường trông vui tươi và mát mẻ như không khí mùa xuân. Họ lót những tấm thảm lớn làm chỗ ngồi thiền. Một pháp tọa thấp có lót thảm vàng dành chỗ cho pháp sư, và đó chính là thị nữ Khujjuttarā lưng gù.

Tại sao lại có chuyện ấy xảy ra? Vì mỗi ngày sau khi nghe pháp, rất đông cung nữ không nắm bắt hết ý nghĩa. Tối lại, nơi phòng hội này, cô thị nữ đã thuyết lại toàn bộ cho họ nghe mà không bỏ sót bất cứ đoạn nào. Và những ngày hôm sau đều diễn ra như vậy. Lại nữa, cô thị nữ này còn có cả một kho tàng khi được phép ra ngoài, và cô cũng không bỏ sót buổi thuyết pháp nào cho các hàng cư sĩ tại gia ở cả ba lâm viên.

Có lần, tại vườn rừng Ghositārāma, Đđức Thế Tôn đã tuyên dương cô là “nữ pháp sư cung đình”. Thế nên, cách bố trí căn phòng này là theo ý của hoàng hậu. Một là Khujjuttarā mỗi buổi chiều phải có một thời pháp cho mọi người cùng nghe. Hai là ai muốn tĩnh tâm, tham thiền thì lấy không gian này mà tu tập. Và thị nữ Khujjuttarā đã làm trọn vẹn phận sự của mình tại“tịnh xá” học tu này.

Nói về thứ hậu Māgaṇḍiyā thì bà luôn gườm gườm, đăm đăm tìm mưu kế trả thù. Sau khi theo dõi, bà biết vào mỗi buổi chiều, hoàng hậu và cung nữ đều tụ họp tại phòng hội. Bà mừng quá vì biết rằng “việc lớn sẽ thành”!

Hôm ấy, lợi dụng khi đức vua đi tuần du các thị trấn ngoại thành, bà mật bàn với ông chú quốc trượng của mình là Cūḷa Māgaṇḍi phương kế hãm hại hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ tu theo Sa môn Gotama. Theo với kế này, ông quốc trượng được phép mở kho vải, cùng một số thân tín tay chân, dùng vải ấy nhúng dầu rồi quấn quanh các cây cột gỗ tại biệt cung của hoàng hậu. Tính toán kỹ càng, đúng vào thời điểm mọi người đang nghe pháp là họ ra tay, sau đó, họ còn âm thầm và nhẹ nhàng khóa kín tất thảy mọi cánh cửa để không ai có thể thoát ra lối nào.

Thực hiện hoàn hảo kế hoạch từ đầu đến đuôi, rồi họ cho người ở sân xa, bắn vào bên trong vài chục mũi tên lửa là biệt cung bốc cháy rần rật. Và sự việc diễn tiến đúng như thế thật.

Than ôi! Lúc mọi người biết ra thì đã muộn quá rồi. Lửa bên ngoài nổ lốp bốp đã lần sang mái biệt cung, khói tỏa mù mịt, đã cảm giác khó thở. Cánh cửa này, cánh cửa kia đều bị những cây sắt khóa chặt. Sức lực nữ nhi thì biết làm gì, có thể dùng cánh tay liễu yếu đào tơ đập vỡ những tấm gỗ lim dày cứng hay sao? Họ đã trơ mắt, bất lực, mệt lả; đã có vài tiếng khóc tỉ ti, nức nở được kìm nén những vẫn thoát ra ngoài bằng những âm thanh ư ử, hích hích…

Hoàng hậu Sāmāvatī trầm tĩnh nhất, bảo mọi người đừng có hỗn loạn, hãy cùng ngồi xuống bên nhau rồi bà ban lời giáo giới như sau:

– Chị em chúng ta đã từng phiêu bạt, lang thang trong vòng luân hồi tử sinh thống khổ từ muôn xưa đến nay, chẳng biết đâu bến, đâu bờ. Duyên may, chúng ta gặp được Đức Thế Tôn và giáo pháp thoát khổ, chúng ta đã có ngọn đèn soi sáng để lên đường trong đêm tối. Vậy chẳng có gì đáng để sợ hãi cả. Ngọn lửa hung bạo nầy có thể thiêu rụi thân xác chúng ta nhưng nó không thể đốt cháy trí tuệ của chúng ta, ý chí và nghị lực kiên cường một lòng với giáo pháp của chúng ta. Vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta hãy công phu tu tập tinh tiến ngay từ giờ phút này.

Mọi người thảy đều nghe lời, không gian đã trở nên yên lặng. Hoàng hậu Sāmāvatī nói tiếp:

– Cô Khujjuttarā lưng gù, là bạn lành của chúng ta, là thầy của chúng ta, đi mua hoa chưa về; nếu có cô ấy thì cô ấy cũng sẽ nói như sau: Trong hoàn cảnh cái chết kề bên lưng như thế này, thì tùy theo tâm tánh và sở thích của mỗi người để lựa chọn đề mục thích hợp cho mình. Có thể tĩnh tại niệm hơi thở vào ra. Có thể quán sự khổ, khổ thân, khổ của sự chết. Có thể quán ngay đề mục lửa. Có thể quán vô thường, vô ngã của ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi… Chúng ta cứ thực hành như thế để có được sự lợi lạc tối thượng. Và khi ấy thì cái sống, cái chết của cái thân này có ý nghĩa gì đâu!

Sau đó, dường như một phép lạ đã xảy ra. Bên ngoài lửa cháy ngất trời, trống đánh, chiêng đánh, thanh la, não bạt đánh, tiếng người hô hoán, rầm rập chạy đi cứu lửa thì trong căn phòng khói phủ mịt mù, hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nga thể nữ yên lặng tọa thiền, người định, người quán an nhiên, tĩnh mặc. Cuối cùng, khi xác thân họ bị thiêu cháy thì số ít đạt tam quả, một phần được nhị quả, số còn lại đều đạt đệ nhất quả chảy vào dòng Thánh an vui.

Hôm sau, chư Tăng vườn rừng Ghositārāma, và nói chung cả Kosambī đang xôn xao bàn tán hung tin ấy. Có người đau lòng bi thương. Có người hoài nghi nhân quả. Có người không biết kiếp trước họ làm việc ác gì mà kiếp này bị trả quả kinh khiếp như vậy. Có người lại khởi tâm muốn biết cảnh giới lai sanh của họ ra sao, do việc thiện vừa mới làm thì nghiệp dữ tức khắc đến kéo lôi đi? Lại còn chuyện cô thị nữ lưng gù, tại sao lại được thoát chết, rồi còn do nhân quả như thế nào mà lại có khả năng thông suốt giáo pháp để giảng nói lưu loát, rành rẽ như vậy?

Đức Phật hướng thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, sanh tử thông nên thấy, nghe, biết tất cả mọi sự nhưng vẫn lặng lẽ chưa nói gì vì ngài biết rõ là cái nghiệp riêng kia, cái nghiệp chung kia nó vẫn còn tiếp diễn.

Đức vua đang ngự du tuần tra ngoại vi kinh thành, khi nghe phi mã báo hung tin, ông tức tốc trở về thì chứng kiến một thảm cảnh kinh hoàng. Ông đứng lặng nhìn biệt cung của chánh hậu với những tòa lâu đài ngang dọc, bây giờ chỉ còn là đám tro tàn âm ỉ khói.

Lòng đức vua nặng trĩu, ảo não, thương bi đủ cả khi nghĩ đến ân đức, tấm lòng độ lượng của hoàng hậu; nhưng ông cố trấn tĩnh, cố giữ nét mặt điềm nhiên không phán xét gì, không hạch hỏi ai, không nói một tiếng nào, lặng lẽ đi về tẩm cung. Đức vua đuổi tất cả tả hữu ra ngoài, tự mình tắm rửa, thay xiêm đổi áo rồi ngồi lặng như hóa đá, như thiền định.

Rồi những con người, những sự việc diễn tiến đi qua tâm trí của đức vua như một cuốn phim quay chậm. Ông nhớ lại từ hồi nhập cung, hoàng hậu Sāmāvatī suốt mười năm nâng khăn sửa túi, bà lúc nào cũng nho nhã, nhu thuận, dịu hiền, kín đáo và thanh cao như một đóa cúc trắng. Cũng chính nhờ bà, lây lan những đức tính tốt của bà mà ông đã trở nên khá hơn, tự chủ gơn, trầm tĩnh hơn. Ngay chính những sự nóng giận, kể cả săn thú giết vật, kể cả chửi rủa, đánh đập, la mắng người vô cớ ta cũng đã giảm được năm sáu phần! Còn nữa, bà chưa hề yêu cầu điều gì, nguyện ước điều gì, xin ban cái gì cho cá nhân mình cả. Đối với cha mẹ, thân bằng, quyến thuộc bà cũng xử sự chừng mực, tình lý cân phân và cũng chưa hề xin cho người bà con nào một chức quan nhỏ. Năm trước, khi có thai, bà chỉ xin được đi nghe pháp từ Đức Thế Tôn và cũng cầu nguyện cho hài nhi sau này trở thành một hoàng tử tốt, sáng suốt và lương thiện. Sau khi gặp Đức Phật trở về, bà dường như có nhiều niềm vui nội tâm hơn. Rồi bà cũng giáo dục cho cung nga thể nữ những đức tính hay đẹp như thế. Đứa trẻ ra đời, bà hết lòng chăm sóc, sau trao lại cho bốn bà nhũ mẫu cùng mười cung nữ săn sóc ở gần cung điện của đức vua. Sáng nào bà cũng sang thăm, nâng niu, trìu mến, và ông cũng tiện đường dễ dàng ghé chơi, hôn hít cậu ấu hoàng xinh đẹp như con nhà trời. Vậy, hoàng hậu Sāmāvatī không thể thả con rắn độc, bà không có mục đích để làm việc tày đình ấy. Chuyện con gà sống cũng thật đáng ngờ. Ai mang tám con gà sống đến? Và tại sao lại được phủ kín, chỉ hé cho ta xem cái màu lông đen của gà thôi? Đằng trong ấy được che giấu cái gì? Ồ, tại sao ta lại hồ đồ tin người như vậy chứ? Cái bàn tay ông chú ấy hơi run run! Cái ông được mệnh danh là quốc trượng ấy thế là đáng ngờ. Thật ra, quốc trượng phải là thân sinh bậc chánh cung kìa! Nhưng do hồi ấy ta mê mẩn sắc đẹp của Māgaṇḍiyā nên đã chiều theo ý của nàng ấy. Rồi lại còn một biệt phủ cho ông ta nữa chứ. Tiếp đến, lồng gà được trao cho ai? Tên cận thần bồi yến? Ai tâu là món ngự thiện nên để cho cung nữ chánh hậu làm? Tên cận thần hầu rượu! Vậy là tên quốc trượng, tên bồi yến, tên hầu rượu có vấn đề gì đó ám muội rồi.

Còn con người thực của thứ hậu thì sao? Cô ta nhập cung là vì thâm thù Đức Phật Gotama do cha mẹ chọn sa môn Gotama làm giai tế nhưng Ngài không hành ác pháp nữa, kể cả là “không sờ đụng bằng chân”. Cô được ta yêu thương là cô ta sẽ có kế sách báo cừu. Vậy là cô ta yêu mối thù của cô ta hơn là yêu ta. Chuyện chợt trở nên sáng tỏ khi nửa tháng trước đây cô ta tung hết tiền ra thuê bọn đầu trộm đuôi cướp phỉ báng, nhục mạ Đức Phật và Tăng chúng. Vậy là đã rõ tâm địa của thứ hậu. Từ từ ta sẽ làm sáng tỏ về cô ta. Việc cần làm hiện nay là âm thầm điều tra chuyện tám con gà sống trước đã. Cái này thì dễ, vì chỉ cần lôi tên cận thần bồi yến là biết ngay!

Tối ấy, đức vua cho kêu tên cận thần vào cung sau, và với sắc mặt lạnh như tiền, ông nói:

– Có hai con đường, ngươi có thể chọn một. Một là trẫm tạm mượn chiếc đầu của ngươi, hai là ngươi hãy kể rõ sự thật cái gì giấu kín khó hiểu bên trong lồng gà hôm tiểu yến?
Nghe cách hỏi của đức vua, tên cận thần biết là không thể giấu giếm ngài được nữa nên đã tình thật khai hết. Đức vua bàng hoàng. Xảo kế mà như vậy vừa sâu xa khó lường vừa thâm độc còn hơn nọc độc của rắn. Ôi! Thương xót thay chánh hậu của ta, bị hàm oan mà không hề than oán một lời! Lại còn rải tâm từ cho ta và cả cho con tiện tỳ kia nữa chớ!
– Chuyện tám con gà sống, tám con gà chết, vậy là trẫm đã rõ mọi chi tiết của kịch bản. Thế chuyện con rắn độc, ngươi có thấy biết manh mối gì không?

Tên cận thần bồi yến tâu thật lòng:

– Bà thứ hậu mua chuộc hạ thần và cả viên hầu rượu cho bệ hạ, luôn theo sát bệ hạ. Chuyện con rắn độc thì hạ thần không biết. Nhưng sau khi nghe nội cung bàn về con rắn nhỏ hạ thần biết ngay là chính thứ hậu đã lén bỏ vào ống tiêu của bệ hạ.
– Sao ngươi biết?
– Chiều hôm ấy, thấy quốc trượng hấp tấp đi vào cung rồi trao cho thứ hậu một cái hộp nhỏ, nói thoảng rằng: “Để ý đó! Nó độc lắm đó!” Khi quốc trượng về, thứ hậu nhìn cửa trước, nhìn cửa sau, lúc ấy bệ hạ đang ngự chơi bên phòng của ấu hoàng rồi lẻn vào phòng của bệ hạ. Và chắc chắn nó đã được lén bỏ vào bên trong ống tiêu của bệ hạ.

Đức vua gật đầu:

– Đúng vậy rồi! Chớ chẳng lẽ nào hoàng hậu lại để rắn trong chăn của mình?
Trầm ngâm hồi lâu, đức vua cẩn thận nói nhỏ với tên cận thần:
– Bây giờ trẫm phạt ngươi nhịn đói một ngày, ngoan ngoãn ở yên đây, đừng có kêu ca la oán gì. Chiều mai trẫm sẽ mở khóa thả ngươi ra đối chứng.

Sáng hôm sau, lúc lâm triều, đức vua cho hội họp hết quần thần và cả đại diện hai cung, năm viện; với khuôn mặt bình thản, an nhiên như không có gì xảy ra. Quần thần người này, người kia mở lời chia buồn, khuyên giải đức vua đừng quá sầu não mà họa hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến muôn dân, bá tánh.

Đức vua chợt cất giọng cười ha hả:

– Các khanh lầm rồi! Trẫm không buồn mà trẫm còn vui nữa đấy! Các khanh biết tại sao không?
Đức vua tự hỏi rồi tự trả lời:
– Cứ mỗi lần nghĩ đến con rắn độc tại cung của hoàng hậu là trẫm còn rởn cả tóc gáy. Biết bao nhiêu ngày trẫm ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn phập phồng lo sợ, không biết còn có mưu kế nào rình rập nữa hay chăng? Còn con rắn độc thứ hai, thứ ba nữa hay chăng?

Nghỉ hơi một lát cho cả triều thần hiểu trọn vẹn ý nghĩa rồi đức vua tiếp:

– Nay thì toàn bộ cái cung lầu ấy bị thiêu rụi rồi, những con người với những kế độc ấy cũng rủ nhau ra đi cả rồi; cho nên từ nay trẫm sẽ gối cao nằm ngủ, không còn lo sợ gì nữa.
Một viên lão thần chợt tâu:
– Tâu đại vương! Một bậc mẫu nghi thiên hạ và năm trăm cung nữ bị thiêu cháy không phải là việc nhỏ. Mấy tòa cung lâu ngang dọc nguy nga tráng lệ bị đốt ra tro không phải là việc nhỏ. Theo hạ thần, là chúng ta phải lập một ban thanh tra để tìm cho ra thủ phạm cùng những người đồng lõa, có tội danh, tội chứng, sau đó xử phạt tội hình đàng hoàng mới có thể nghiêm được phép nước!

Đức vua gật đầu:
– Lão khanh nói đúng. Nhưng lão chỉ biết một mà không biết hai. Vậy trẫm sẽ hỏi khanh nhé?
– Tâu vâng!
– Nếu có người đặt để lên bàn cân, một bên là trẫm, một bên là hoàng hậu và năm trăm cung nữ thì bên nào nặng hơn?
– Bệ hạ nặng hơn!
– Một bên là mười ngàn đồng tiền vàng để kiến tạo lại biệt cung, một bên là trẫm thì bên nào nặng hơn!
– Cũng bệ hạ nặng hơn!

Đức vua cười ha hả:
– Trẫm nặng hơn, vậy là đã rõ! Vì an toàn tánh mạng cho trẫm, vì muốn cất đi gánh nặng sợ hãi ngày đêm của trẫm nên ai đó đã ra tay làm việc này. Chắc người ấy là một người có tâm hồn cao thượng, yêu thương trẫm hết mực nên đã bảo vệ tánh mạng cho trẫm đấy!

Đức vua còn lặp lại:
– Tánh mạng của trẫm là đệ nhất! Hộ trì tánh mạng cho trẫm tức là hộ trì quốc độ vậy. Trẫm vô cùng cảm ơn vị ân nhân đó.

Thứ hậu Māgaṇḍiyā nghe đến đây, không còn chịu nổi nữa, muốn xưng danh để lập công liền:
– Tâu bệ hạ! Người làm việc âm thầm vô danh ấy là thiếp! Phi thiếp ra, ai có khả năng làm được việc ấy? Chính thiếp đã thảo kế hoạch rồi nhờ quốc trượng phụ giúp một tay, bây giờ bệ hạ mới hoàn toàn được an toàn như vậy đó!

Đức vua giả vờ ngạc nhiên:
– Ồ, thế sao? Chính thật là nàng sao? Trước quần thần, hai cung năm viện, trẫm tuyên dương công trạng đệ nhất cho nàng đó!

Thứ hậu xiết bao vui sướng. Giọng đức vua còn vang vang cả triều nội:
– Vậy là ngoại trừ thứ hậu ra, trên đời này chẳng còn ai yêu thương trẫm một cách thật lòng, một cách sâu sắc và chung thủy như thế. Để tri ân thứ hậu, trẫm còn muốn ban tước lộc cho quốc trượng cùng tất thảy bà con quyến thuộc của nàng, kể cả những người âm thầm góp tay, giúp sức nữa. Vậy thì chiều nay, ngay trước sân rồng, cuộc ban thưởng trọng hậu sẽ diễn ra ở đó, tất thảy mọi người hôm nay đều phải có mặt để chia niềm vui chung với trẫm.

Thế rồi, buổi chiều, ngay tại sân rồng, khi thứ hậu Māgaṇḍiyā, quốc trượng Cūḷa Māgaṇḍi cùng thân bằng quyến thuộc, một số tay chân bộ hạ tề tựu đông đủ, đức vua ra lệnh cho quân cận vệ bắt trói cả thảy. Viên cận thần hầu rượu và bồi yến cũng bị bắt trói dẫn ra tại chỗ.

Giọng đức vua Udena uy nghiêm, dõng dạc:
– Đốt rụi biệt cung, thiêu chết hoàng hậu và năm trăm cung nữ, thủ phạm chính là con nha đầu này cùng với ông chú của nó, tay chân bộ hạ của nó, đã do chính từ miệng nó nói ra. Thân bằng quyến thuộc ba họ của nó cũng phải bị vạ lây. Đúng như viên lão thần đã nói, phải trừng trị để cho nghiêm phép nước. Chư quan thấy trẫm làm như vậy có đúng không, có sai lệch chỗ nào không?
Quần thần hô to:
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt!
– Chuyện tám con gà sống, tám con gà chết thì thủ phạm có bốn người: Con tiện tỳ điêu trá này, ông chú ác độc này cùng hai tên hầu yến và hầu rượu, ta đã điều tra kỹ càng và tuyên bố công khai, minh bạch với mọi người trước ánh sáng mặt trời.

Quần thần hô to:
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt.
– Chuyện con rắn độc thì thủ phạm chỉ có hai, không nói thì ai cũng biết rồi. Một tên đưa rắn độc và một tên lén bỏ vào ống tiêu “điều tượng” của trẫm để giá họa cho hoàng hậu đức hạnh!
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt.
– Chuyện đốt cung lầu giết hại hoàng hậu và năm trăm cung nữ thì tất thảy bọn chúng đều có góp tay, góp sức tham gia, đồng lõa.

Quần thần xôn xao bàn tán không biết đức vua điều tra như thế nào mà chỉ chưa được nửa ngày ông đã biết rõ tất cả.
– Trẫm tuyên bố: Toàn bộ gia sản của hai tên đầu sỏ sẽ bị tịch thu. Vàng bạc lấy được trẫm sẽ cúng dường sửa sang ba đại lâm viên để nhờ đức Phật và chư Tăng tụng kinh, hồi hướng siêu độ cho hoàng hậu và năm trăm cung nữ. Trẫm xử lý như vậy có được không?
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt!
– Trẫm tuyên bố: Con tiện tỳ cái tội quá nặng tương đương địa ngục a-tỳ, trẫm sẽ cho lóc từng tấm thịt, bỏ vào chảo chiên, bắt nó ăn. Khi nào nó ăn không nổi, quẳng nó vào chảo rồi chiên giòn! Cái tên được mệnh danh là quốc trượng này cũng chiên vàng luôn như thế. Tên hầu rượu thì cho năm ngựa phân thây. Tên hầu yến do thành thật khai báo, thú tội nên được tha chết, đuổi về quê quán. Bà con quyến thuộc cũng bị tịch thu gia sản, toàn bộ bị chém đầu rồi cho chôn cất tử tế.

Bản án của đức vua tuyên bố không ai dám góp thêm một lời nào. Và ngay chính tội nhân cũng không dám phản biện dù chỉ trong ý nghĩ.

Ai cũng khâm phục đức vua đã dàn dựng một kịch bản đầy mưu trí để cho thủ phạm độc ác tự đưa đầu đưa cổ của mình vào tròng. (còn tiếp)

VIDEO BỘ TRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT – HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ VÀ PHÁP SƯ THỊ NỮ KHUJJUTTARĀ LƯNG GÙ (Tiếp theo)

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app