Nội Dung Chính
THÁNH NHÂN KÝ SỰ
PHẨM ĐỨC PHẬT
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
I. PHẨM ĐỨC PHẬT
A. Phật Toàn Giác Ký Sự
- Trong khi đức Như lai ngự tại Jetavana, bậc hiền trí xứ Videha[1] đã cúi mình hỏi Ngài rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, nghe nói có các vị được gọi là đức Phật Toàn Tri, các vị ấy được thành tựu là do các nguyên nhân nào?”
- Khi ấy, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Toàn Tri cao quý, đã nói với vị hiền nhân Ānanda bằng âm điệu ngọt ngào rằng: “Những vị nào có hành động hướng thượng đã được thực hiện đến chư Phật quá khứ, (nhưng) có sự giải thoát chưa được thành đạt trong các Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
- Chính nhờ vào yếu tố đầu tiên ấy đối với phẩm vị giác ngộ, đồng thời nhờ vào sự quyết định, nhờ vào năng lực lớn lao, và nhờ vào quyền lực của tuệ, những vị sáng suốt có trí tuệ vô cùng sắc bén thành tựu phẩm vị Toàn Tri.
- Các đấng Pháp Vương là (vô số) không thể đếm được. Ta cũng đã phát nguyện về bản thể giác ngộ ở nơi các vị Phật quá khứ, và đã được thành tựu dầu chỉ bằng tâm ý.
- Giờ đây, các ngươi với tâm ý thanh tịnh hãy lắng nghe các ký sự về chư Phật Toàn Giác: Các đấng Pháp Vương đã được tròn đủ ba mươi pháp toàn hảo là (vô số) không thể đếm được.[2]
- Ta đã cung kính chắp mười ngón tay lại đê đầu đảnh lễ phẩm vị Toàn Giác của chư Phật Tối Thượng, (đảnh lễ) các đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với các Hội Chúng (Thinh Văn).[3]
- Cho đến các châu báu vô số kể được tìm thấy ở trên bầu trời và ở dưới mặt đất tại các địa phận của chư Phật (trong mười ngàn thế giới),[4] Ta đã mang lại toàn bộ (châu báu ấy) bằng tâm (chú nguyện).
- Tại nơi ấy ở trên mặt đất bằng bạc, Ta đã hóa hiện ra tòa lâu đài làm bằng châu báu, có nhiều tầng lầu, có chiều cao vươn tận không trung.
- (Tòa lâu đài) có trụ cột được tô điểm, khéo được thực hiện, khéo được phân bố, có giá trị lớn lao, có chỗ nối liền làm bằng vàng, được tô điểm bằng các cổng chào và các lọng che.
- Tầng thứ nhất bằng ngọc bích xinh đẹp tương tợ bầu trời không chút bợn nhơ. Ở tầng lầu bằng vàng cao quý có hồ sen với những đóa hoa sen chen chúc.
- Có tầng lầu làm bằng san hô với màu sắc của san hô, có tầng lầu màu đỏ xinh đẹp, có tầng lầu với ánh sáng màu cánh kiến đang chiếu sáng các phương.
- Có tiền sảnh khéo được phân bố, có các tháp nhọn, có các cửa ra vào hình sư tử, có bốn viền rào làm thích ý với những mạng lưới vòng hoa có hương thơm.
- Có các nhà mái nhọn cao quý màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, và màu đen thuần khiết được điểm tô bằng bảy loại châu báu.
- Có mặt tiền ở phần trên được rạng rỡ với các đóa hoa sen cùng với (hình ảnh) các loài thú dữ và chim muông, được trải ra với các chòm tinh tú và các vì sao, được điểm tô với mặt trăng và mặt trời.
- (Các tầng lầu) được che phủ bởi màn lưới bằng vàng có các chuông lục lạc bằng vàng. Các tràng hoa bằng vàng quyến rũ vang lên âm thanh nhờ vào sức đẩy của làn gió.
- Có dãy cờ hiệu khéo nhuộm với các màu khác nhau là màu đỏ tía, màu đỏ, màu vàng, màu hồng được dựng lên.
- Được tô điểm với nhiều kiểu giường được lót trải bằng các tấm vải mịn màng của xứ Ka-si, có đến hàng trăm chiếc giường làm bằng ngọc pha-lê, bằng bạc, bằng ngọc ma-ni, bằng hồng ngọc, và bằng đá quý tương tợ như thế.
- Có những tấm mền lông thú màu vàng úa được làm ở các xứ Dukūla, xứ Trung Hoa, và xứ Pattuṇṇa. Bằng tâm ý, Ta đã sắp xếp tất cả (các chiếc giường) với các tấm trải đủ các loại.
- Ở khắp các tầng lầu, có những người đứng nghiêm cầm các ngọn đuốc làm bằng ngọc ma-ni đỏ được điểm tô bằng châu báu ở chóp nhọn.
- Những cột trụ dựng đứng (ở cổng), những cổng chào xinh đẹp làm bằng vàng (được khai thác từ sông) Jambu, làm bằng lõi gỗ (cây khira), và còn làm bằng bạc nữa, (tất cả đều) chói sáng.
- Có nhiều gian tiếp giáp được khéo phân bố, được tô điểm với những cánh cửa và chốt khóa. Cả hai phía (của tòa lâu đài) đều có nhiều chậu chứa đầy những đóa sen đỏ và sen xanh.
- Ta đã hóa hiện ra tất cả chư Phật thời quá khứ là các đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng Hội Chúng với các vị Thinh Văn trong dáng vóc tự nhiên.
- Chư Phật cùng các vị Thinh Văn sau khi đi vào bằng cánh cửa ấy đã ngồi xuống ở ghế ngồi toàn bộ đều làm bằng vàng, (hình thành) đoàn thể các bậc Thánh Nhân.
- Và có những vị trong lúc này là các vị Phật vô thượng ở thế gian. (Chư Phật) quá khứ và hiện tại, tất cả các vị đã bước lên tòa lâu đài.
- Hàng trăm vị Phật Độc Giác, các đấng Tự Chủ, là các bậc không bị khuất phục trong quá khứ và hiện tại, tất cả các vị đã bước lên tòa lâu đài.
- Có nhiều cây Như Ý thuộc cõi trời và thuộc loài người, (từ các cây ấy) Ta đã mang lại toàn bộ vải vóc và đã khoác ba lá y lên (các vị ấy).
- Ta đã chứa đầy các bình bát xinh đẹp làm bằng ngọc ma-ni với các vật thực cứng mềm đáng được thưởng thức, có đầy đủ nước uống và thức ăn, rồi đã dâng cúng (đến các vị ấy).
- 29. Tất cả các vị ấy, đoàn thể các bậc Thánh nhân, đều đồng đẳng về Thiên nhãn (và) gắn bó với tấm y thanh bạch. Được toại ý với vật thực tối thắng (của Ta) gồm có mật ong, đường thô, luôn cả dầu ăn, và mật mía, (các vị) đã đi vào gian phòng làm bằng châu báu tợ như những con sư tử cư ngụ ở hang động.
- Các vị đã nằm xuống với tư thế của loài sư tử ở chiếc giường vô cùng giá trị, có sự tỉnh thức, rồi đã ngồi dậy và đã xếp vào tư thế kiết già ở trên chiếc giường, thể nhập vào sự thỏa thích trong thiền là hành xứ của tất cả chư Phật.
- Một số vị khác thuyết giảng Giáo Pháp, một số vị khác tiêu khiển bằng thần thông, một số vị khác đã phát triển được năng lực của các thắng trí thì hướng tâm vào các thắng trí, hàng ngàn vị khác thể hiện các sự biến hóa về thần thông.
- Chư Phật cũng chất vấn chư Phật về chủ đề liên quan đến cảnh giới của các đấng Toàn Tri. Nhờ vào tuệ, các vị giác ngộ rốt ráo về sự việc một cách sâu sắc và hoàn hảo.
- Các vị Thinh Văn chất vấn chư Phật, chư Phật chất vấn các vị Thinh Văn. Các vị ấy chất vấn lẫn nhau và trả lời cho nhau.
- Chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thinh Văn, và tín chúng, các vị ấy vui thích ở tòa lâu đài tùy theo sự thỏa thích của bản thân như vầy:
- ‘Nguyện cho những chiếc lọng che bằng châu báu với những chuỗi vòng hoa bằng vàng và những mạng lưới ngọc trai viền quanh được tồn tại, nguyện cho tất cả hãy duy trì ở trên đỉnh đầu (của tôi).’
- ‘Nguyện cho những mái che bằng vải được tô điểm với những ngôi sao bằng vàng (và) những mái che được tô điểm với những tràng hoa hãy xuất hiện, nguyện cho tất cả hãy duy trì ở trên đỉnh đầu (của tôi).’
- (Tòa lâu đài có hồ nước) được trải dài với những vòng hoa và chuỗi bông, được rạng rỡ với những chuỗi bông hoa thơm ngát, được viền quanh bằng những chuỗi vải vóc, được tô điểm bằng những chuỗi châu báu.
- (Hồ nước) được tô điểm với các đóa hoa chen chúc, được tỏa lên mùi hương thơm ngào ngạt, được thể hiện bởi năm loại hương thơm tổng hợp lại, được phủ lên bằng tấm che bằng vàng.
- ‘Nguyện cho bốn phía của hồ nước hãy biểu hiện màu sắc vàng chói với những sen hồng sen xanh được phơi bày, với các bụi phấn của hoa sen được tỏa ra.’
- ‘Nguyện cho tất cả cây cối ở xung quanh tòa lâu đài hãy trổ hoa.’ Và các bông hoa đã tự mình phóng thích, đi đến, và rải rắc ở tòa lâu đài.
- ‘Nguyện cho các con chim công ở tại nơi ấy hãy nhảy múa, các con thiên nga hãy líu lo, các con chim ca-lăng-tần-già và các bầy chim ở xung quanh hãy cất tiếng hót.’
- ‘Nguyện cho tất cả các chiếc trống hãy vang lên, tất cả các cây đàn vīṇā ấy hãy tấu nhạc. Nguyện cho tất cả các cuộc trì tụng (được) tiến hành ở xung quanh của tòa lâu đài.’
- 44. ‘Nguyện cho những chiếc ghế bành bằng vàng khổng lồ, hội đủ hào quang, không bị hỏng hóc, làm bằng châu báu hãy tồn tại từ thế giới này đến thế giới khác cho đến địa phận của chư Phật. Nguyện cho những cây đèn ấy hãy chói sáng. Nguyện cho hệ thống mười ngàn (thế giới) hãy trở thành (sáng chói như là) một ngọn đèn.’
- ‘Nguyện cho các kiều nữ luôn cả các vũ công, các toán mỹ nhân hãy nhảy múa. Nguyện cho các màn trình diễn đa dạng hãy được phô diễn ở xung quanh của tòa lâu đài.’
- (Khi ấy) Ta dựng lên ngọn cờ hiệu ở ngọn cây, ở chóp núi, ở đỉnh ngọn núi Sineru; tất cả (các ngọn cờ đều) được tô điểm, có năm màu.
- ‘Nguyện cho loài người, loài rồng, Càn-thát-bà, và tất cả chư Thiên ấy hãy đi đến.’ Các vị đã đến quây quần xung quanh tòa lâu đài, chắp tay lễ bái.
- ‘Bất cứ thiện nghiệp nào là việc cần phải thực hiện để sanh lên cõi trời đều đã được tôi thực hiện tốt đẹp bằng thân, bằng lời nói, bằng ý.
- Có những chúng sanh là hữu tưởng và có những chúng sanh là vô tưởng, nguyện cho tất cả các vị ấy đều được hưởng phần chia sẻ quả báu phước thiện đã được thực hiện của tôi.
- Quả báu phước thiện của tôi đã được thực hiện, đã được biết chắc chắn, đã được ban phát đến những vị ấy, còn những vị nào chưa biết về điều ấy thì chư Thiên đã đi đến và thông báo.
- Các chúng sanh nào (sống) nhờ vào vật thực ngụ ở tất cả các thế giới, do oai lực của tôi nguyện cho tất cả đều thọ lãnh vật thực hợp ý.’
- Vật cúng dường đã được Ta cúng dường bằng tâm ý, Ta đã làm hóa hiện ra tòa lâu đài bằng tâm ý. Tất cả chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thinh Văn của các đấng Chiến Thắng đã được cúng dường.
- Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, Ta đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
- Ta nhận biết hai cõi tái sanh, ở bản thể Thiên nhân và loài người, Ta không biết đến cảnh giới khác; điều này là quả báu của ước nguyện bằng tâm ý.
- (Nếu sanh ra ở cõi trời) Ta là vượt trội chư Thiên, (nếu sanh làm người) Ta là vị thống lãnh nhân loại, Ta được hội đủ tướng mạo về sắc thân, trong cõi hữu không ai sánh bằng (Ta) về trí tuệ.
- Vật thực tối thượng đủ các loại và châu báu không phải là ít ỏi, (cùng với) vô số các loại vải từ trên không tức thời hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, luôn cả ở ngọn núi, ở trên hư không, ở trong nước, ở trong rừng, mỗi khi Ta vươn tay ra thì các thức ăn của cõi trời hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi châu báu hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi vật thơm hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi xe thuyền hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi tràng hoa hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì đồ trang sức hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì tất cả thiếu nữ hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mật và đường hiện đến cho Ta.
- Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi vật thực hiện đến cho Ta.
- Nhằm đạt được phẩm vị Toàn Giác cao quý, Ta (đã) bố thí tặng phẩm quý giá đến những kẻ không có tài sản, những người lữ khách, những kẻ ăn xin, và những người bộ hành.
- Ta trở thành đức Phật ở trên đời khiến cho ngọn núi gào thét, khiến cho tảng đá gầm lên tiếng vang ầm ĩ, khiến cho thế gian luôn cả chư Thiên vui cười.
- Mười phương ở thế giới vũ trụ đối với người đang du hành là vô tận (không có điểm tận cùng). Và ở mỗi phương (thế giới) ấy, các địa phận của chư Phật là (vô số) không thể đếm được.
- (Khi là đấng Chuyển Luân Vương) Ta có hào quang được nổi danh với (hình thức) tia ánh sáng di chuyển thành từng đôi. Mạng lưới hào quang đã là ánh sáng vĩ đại hiện hữu ở khoảng giữa mười ngàn thế giới.
- ‘Nguyện cho tất cả mọi người ở chừng ấy thế giới đều nhìn thấy Ta. Nguyện cho tất cả đều có tâm ý vui mừng và tất cả đều tiến bước theo Ta. (Nguyện cho tất cả đều tiến bước theo Ta đến tận chỗ ngụ của đấng Phạm Thiên).’[5]
- Ta đã vỗ vào chiếc trống Bất Tử với tiếng vang ngọt ngào được phát ra.[6] ‘Nguyện cho tất cả mọi người ở khoảng giữa mười ngàn thế giới hãy lắng nghe âm thanh ngọt ngào.
- Trong khi đám mây Giáo Pháp đang đổ mưa, nguyện cho tất cả không còn lậu hoặc.[7]Những chúng sanh nào là hạng thấp kém ở nơi đây, nguyện cho những người ấy được là bậc Nhập Lưu.’
- Sau khi bố thí những gì cần được bố thí, sau khi làm viên mãn giới hạnh không thiếu sót, sau khi đi đến sự toàn hảo về pháp xuất ly, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
- Sau khi đã vấn hỏi các bậc trí tuệ, sau khi đã thể hiện sự tinh tấn tối thượng, sau khi đã đi đến sự toàn hảo về pháp nhẫn nại, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
- Sau khi đã thực hành pháp quyết định một cách bền vững, sau khi đã làm tròn đủ sự toàn hảo về pháp chân thật, sau khi đã đi đến sự toàn hảo về pháp từ ái, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
- Sau khi đã là bình đẳng trong mọi trường hợp đối với lợi lộc và không lợi lộc, đối với an lạc và khổ đau, đối với sự kính trọng và chê bai, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
- Sau khi thấy được sự biếng nhác là nguy hiểm và thậm chí (thấy được) sự tinh tấn là an toàn, các ngươi hãy có sự nỗ lực tinh tấn; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
- Sau khi thấy được sự tranh cãi là nguy hiểm và sự không tranh cãi là an toàn, các ngươi hãy có sự hợp nhất, thân thiện; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
- Sau khi thấy được sự xao lãng là nguy hiểm và sự không xao lãng là an toàn, các ngươi hãy tu tập Đạo Lộ có tám chi phần; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
- Tất cả chư Phật và các bậc A-la-hán đã tụ hội lại. Các ngươi hãy tôn kính đảnh lễ chư Phật Toàn Giác và các bậc A-la-hán.”
- Như vậy, chư Phật là không thể nghĩ bàn. Giáo Pháp của chư Phật là không thể nghĩ bàn. Đối với những ai tịnh tín vào những điều không thể nghĩ bàn, quả thành tựu cho những người ấy là không thể nghĩ bàn.
Trong khi trình bày về phẩm hạnh Phật của bản thân, đức Thế Tôn đã nói về bản thể của Giáo Pháp tên là Buddhāpadāniyaṃ như thế ấy.
Ký Sự về Phật Toàn Giác được đầy đủ.
–ooOoo–
B. Phật Độc Giác Ký Sự
Giờ xin thỉnh các vị hãy lắng nghe ký sự về Phật Độc Giác:
- Trong khi đức Như lai ngự tại Jetavana, bậc hiền trí xứ Videha đã cúi mình hỏi Ngài rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, nghe nói có các vị được gọi là đức Phật Độc Giác, các vị ấy được thành tựu là do các nguyên nhân nào?”
- Khi ấy, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Toàn Tri cao qúy, đã nói với vị hiền nhân Ānanda bằng âm điệu ngọt ngào rằng: “Những vị nào có hành động hướng thượng đã được thể hiện đến chư Phật quá khứ, (nhưng) có sự giải thoát chưa được thành đạt trong (thời kỳ) Giáo Pháp của các đấng Chiến Thắng.
- Chính nhờ vào yếu tố đầu tiên ấy về sự chấn động của tâm, các vị sáng suốt có trí tuệ vô cùng sắc bén vẫn thành tựu phẩm vị Độc Giác chỉ nhờ vào đối tượng nhỏ nhoi mặc dầu (ở vào thời kỳ) không có các vị Phật (Toàn Giác).
- Trong toàn bộ thế gian, ngoại trừ Ta không có ai sánh bằng các vị Phật Độc Giác. Ta sẽ khéo léo thuyết giảng một cách khái quát về đức hạnh này của các bậc đại hiền trí ấy.
- Là những người đang mong mỏi phương thuốc vô thượng (Niết Bàn), tất cả các ngươi, với tâm khéo tín thành, hãy lắng nghe những lời nói tốt đẹp như là viên mật về các bậc đại ẩn sĩ đã được tự chính mình giác ngộ.
- (Hãy lắng nghe) những lời thuật lại theo tuần tự của các vị Phật Độc Giác đã tụ hội lại,[8] và (hãy lắng nghe) về sự tai hại và nền tảng của sự xa lìa tham ái, theo đó các vị đã thành tựu quả vị Giác Ngộ.
- Với sự nghĩ tưởng về ly tham ái đối với các sự việc có tham ái, với các tâm không ái luyến trong thế gian bị luyến ái, sau khi từ bỏ các chướng ngại (toàn bộ phiền não) và chiến thắng các loạn tưởng (62 tà kiến), theo đúng như thế các vị đã thành tựu quả vị Giác Ngộ:
- Buông bỏ sự trừng phạt đối với tất cả chúng sanh, và không hãm hại bất cứ ai trong số họ, với tâm từ ái người có sự thương tưởng đến điều lợi ích hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).[9]
- Buông bỏ sự trừng phạt đối với tất cả chúng sanh, và không hãm hại bất cứ ai trong số họ, không nên mong mỏi về con trai, sao lại (mong mỏi) về bạn bè? Hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Các sự ái luyến hiện diện ở người có sự thân cận đã được tạo nên, theo sau sự ái luyến là khổ đau này được thành lập. Trong khi xem xét thấy điều tai hại sanh lên từ sự ái luyến, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Trong khi thương tưởng đến bạn bè thân hữu, (thời) xao lãng mục đích, có tâm bị ràng buộc. Trong khi xem xét thấy mối nguy hiểm này ở sự giao du, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Sự mong mỏi ở các con và những người vợ tương tợ như lùm tre rậm bị vướng víu. Trong khi không bị vướng víu như là mụt măng tre, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Tương tợ như con nai ở trong rừng không bị trói buộc đi đến nơi kiếm ăn tùy theo ý thích, bậc tri thức trong khi xem xét về sự tự do hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Có sự mời gọi giữa bạn bè về chuyện nghỉ ngơi, về việc đứng gần, về sự ra đi, ở cuộc du hành, trong khi xem xét về sự tự do không được (kẻ khác) ham thích,[10] hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Sự vui đùa thích thú ở giữa đám bạn bè và lòng thương yêu đối với con cái là bao la, trong khi chán ghét sự tách lìa khỏi những người yêu dấu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
- Người không lòng bất bình trải khắp bốn phương, tự hài lòng với thức này thứ nọ, chịu đựng mọi hiểm nghèo không lòng hoảng sợ, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Ngay cả các vị đã xuất gia cũng khó đồng thuận, những kẻ tại gia sống dưới mái gia đình cũng vậy, đã là người ít bị bận tâm về con cái của kẻ khác, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Hãy cởi bỏ hình tướng tại gia như loài cây koviḷāro có lá được rũ bỏ, là người anh hùng, sau khi cắt đứt mọi sự ràng buộc của gia đình, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Nếu có thể đạt được bạn là kẻ đồng hành cẩn trọng, sáng suốt, sống ngay thẳng, sau khi khắc phục mọi hiểm nghèo hãy nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm.
- Nếu không thể đạt được bạn là kẻ đồng hành cẩn trọng, sáng suốt, sống ngay thẳng, tương tợ như vị vua từ bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được, hãy nên sống một mình như là con long tượng cư ngụ đơn độc ở trong khu rừng.
- Quả vậy, chúng ta ca ngợi sự thành tựu bạn bè. Những bạn bè vượt trội (hoặc) tương đương là nên giao thiệp. (Nếu) những người này là không đạt được, (chỉ nên) thọ hưởng những gì không bị chê trách, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sau khi nhìn thấy những (vòng) vàng sáng chói khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn, (chúng) đang va chạm vào nhau khi hai vòng ở trên cùng cánh tay, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Tương tợ như thế, cùng với người thứ hai có thể xảy ra sự chuyện vãn bằng lời nói và sự quyến luyến sâu đậm cho tôi. Trong khi xem xét thấy mối nguy hiểm này trong tương lai, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý, chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức ẩn hiện. Sau khi nhìn thấy điều tai hại ở trong các loại dục, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Điều này là tai họa, là mụt nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên, và là sự nguy hiểm cho tôi. Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở trong các loại dục, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Lạnh, nóng, đói, khát, gió và sức nóng, muỗi mòng và rắn rết, sau khi đã khắc phục tất cả những điều này, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Tợ như con voi có thân hình khổng lồ, có đốm hoa sen, cao thượng, đã lìa bỏ các bầy đàn, đang sống trong rừng theo như ý thích, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Người ưa thích sự tụ hội có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời[11] là điều không có cơ sở. Sau khi cân nhắc lời nói của đấng quyến thuộc của mặt trời, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- (Nghĩ rằng): ‘Tôi đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến, đã đạt đến quy luật, đã tiếp thâu đạo lộ, có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt,’ hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Không tham lam, không lừa gạt, không khao khát, không chê bai, có tật xấu và sự mê muội đã được loại trừ, không còn ước ao (tham vọng) về toàn thể thế giới, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Nên lánh xa hẳn bạn bè ác xấu là kẻ không nhìn thấy mục đích, đã dấn sâu vào sở hành sai trái. Không nên chính mình giao thiệp với kẻ bám víu (vào tà kiến), bị xao lãng. Hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Nên cộng sự với vị nghe nhiều (học rộng), nắm giữ Giáo Pháp, là người bạn cao thượng, có biện tài. Sau khi nhận biết các mục đích, nên lìa bỏ điều nghi hoặc, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Trong khi không chú trọng và không mong mỏi sự vui đùa, sự thích thú, và khoái lạc ngũ dục ở trên đời, đã lánh xa việc trang sức, có sự nói lời chân thật, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sau khi từ bỏ con và vợ, cha và mẹ, các tài sản và lúa gạo, các quyến thuộc và các dục đúng theo giới hạn (về năng lực của bản thân), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Điều này (ngũ dục) là sự ràng buộc, hạnh phúc ở đây là sự khoái lạc nhỏ nhoi, chính sự khổ đau ở đây là nhiều hơn. Người có trí, sau khi biết được điều này là móc câu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Tợ như loài loài thủy tộc phá tan chiếc lưới ở trong nước, tợ như ngọn lửa không còn quay lại nơi đã bị đốt cháy, sau khi đã tự phá tan các sự ràng buộc, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Có mắt nhìn xuống và không có sự buông thả ở bước chân đi, có các căn được hộ trì, có tâm ý được canh phòng, không bị ngập tràn (bởi dục vọng), trong khi không bị thiêu đốt (bởi phiền não), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sau khi trút bỏ các biểu tượng gia chủ tương tợ như cây san hô có lá được rũ bỏ, sau khi đã ra đi, mặc y ca-sa, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sự tham đắm trong các vị nếm là việc không làm, không có sự buông thả, không có sự nuôi dưỡng kẻ khác, có sự đi khất thực theo tuần tự từng nhà, có tâm không quyến luyến ở các gia đình, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sau khi dứt bỏ năm pháp che lấp của tâm, sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não, không bị lệ thuộc (tà kiến), sau khi cắt đứt ái luyến và sân hận, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ cùng với hỷ và ưu ngay trước đây, sau khi đạt được xả (của tứ thiền), sự vắng lặng (của định ở tứ thiền), và sự thanh tịnh (của giải thoát), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Có sự nỗ lực tinh tấn để đạt đến chân lý tuyệt đối, có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác, có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Trong khi không bỏ phế việc ẩn cư tham thiền, là người thường xuyên hành trì thuận pháp đối với các pháp,[12] là người nhận chân được sự tai hại trong các hữu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Trong khi ước nguyện sự đoạn diệt ái (Niết Bàn), không xao lãng, không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm, đã hiểu rõ Giáo Pháp, được quả quyết, có sự tinh tấn, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Trong khi không kinh hãi tợ như con sư tử không kinh hãi đối với các tiếng động, trong khi không dính mắc tợ như làn gió không bị dính mắc ở tấm lưới, trong khi không vấy bẩn tợ như đóa sen không bị vấy bẩn bởi nước, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Tợ như con sư tử có sức mạnh của các răng nanh, là vua của các loài thú, có cuộc sống khuất phục và chế ngự (các con thú), hãy nên lai vãng các trú xứ xa vắng, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Vào thời điểm đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát, trong khi không bị chống đối bởi toàn bộ thế gian, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Trong khi từ bỏ tham ái sân hận và si mê, trong khi tự phá tan các sự ràng buộc, trong khi không kinh hãi về sự đoạn tận mạng sống, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Người ta cộng sự và phục vụ có động cơ và chủ đích (lợi lộc), ngày nay những người bạn không có động cơ (lợi lộc) là khó đạt được, những người (chỉ) biết đến lợi ích của chính mình là những người không trong sạch, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- “Những vị có giới thanh tịnh, có tuệ hoàn toàn thanh tịnh, định tĩnh, gắn bó với sự tỉnh thức, là người hành pháp minh sát, có sự thấy biết đặc biệt về các pháp, nhận biết rõ ràng về các chi phần của Đạo và các yếu tố đưa đến giác ngộ.[13]
- Sau khi rèn luyện không tánh (giải thoát), vô nguyện (giải thoát), và vô tướng (giải thoát) trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những bậc trí tuệ nào không tiến đến bản thể Thinh Văn (sẽ) trở thành các đấng Tự Chủ, các bậc Chiến Thắng đơn độc.
- Là những vị có các yếu tố cao thượng, có sự tập hợp của nhiều bản chất tự nhiên, cai quản được các tâm, đã vượt qua giòng lũ của tất cả khổ đau, có tâm phấn chấn, có sự thấy biết chân lý tuyệt đối, tương đương loài sư tử, tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
- Có các giác quan an tịnh, có tâm ý an tịnh, có định, có sự hành sử trí tuệ thâm sâu của tự thân, là những ngọn đèn đang soi sáng mục đích cho các kẻ khác ở thế giới này, những vị Phật Độc Giác này được quý trọng vào mọi thời điểm.
- Có tất cả các pháp ngăn che đã được dứt bỏ, là vị chúa của mọi người, là những ngọn đèn của thế gian có ánh sáng của vàng khối, hiển nhiên là những bậc xứng đáng được cúng dường ở thế gian, những vị Phật Độc Giác này được quý trọng vào mọi thời điểm.
- Lời khéo được giảng dạy của chư Phật Độc Giác lưu truyền ở thế gian luôn cả chư Thiên. Sau khi đã nghe được như thế, những kẻ ngu nào không hành theo những kẻ ấy quẩn quanh trong những khổ đau lượt này đến lượt khác.
- Lời khéo được giảng dạy của chư Phật Độc Giác tương tợ như mật ong đang nhỏ xuống từng giọt. Sau khi đã nghe được như thế, những ai gắn bó với sự thực hành, những người ấy (sẽ) trở thành những người thấy được chân lý, có được trí tuệ.”
- Sau khi đã ra đi (đạt được quả vị giác ngộ), những kệ ngôn cao thượng đã được chư Phật Độc Giác là các đấng Chiến Thắng nói lên, những kệ ngôn ấy đã được đấng Sư Tử dòng Sakya, bậc Tối Thượng Nhân, giảng giải vì mục đích của việc nhận thức Giáo Pháp.
- Vì lòng thương tưởng thế gian, đấng Sư Tử, bậc Tự Chủ (Gotama), đã thực hiện, đã giảng giải những kệ ngôn này của chư Phật Độc Giác ấy nhằm mục đích làm tăng trưởng sự chấn động tâm, sự không quyến luyến, và sự khôn ngoan vượt bực (của các bậc thiện trí).
Ký Sự về Phật Độc Giác được đầy đủ.
–ooOoo–
[1] Đây chính là ngài Ānanda. Chú giải của Apadāna giải thích vedehamuni là vị hiền trí con trai của một người phụ nữ sanh ra ở xứ sở Vedeha (ApA. 128).
[2] Đức Phật Gotama kể về thời kỳ Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương Tilokavijaya (ApA. 103). Sở dĩ không dùng chữ nghiêng để tiện cho việc trình bày ở các phần sau.
[3] sasaṅghe sāvakasaṅghasahite (Sđd. 103).
[4] yāvatā buddhakhettesūti dasasahassacakkavāḷesu buddhakhettesu (Sđd. 104).
[5] Câu 1 và 2 được thấy ở Tạng Thái và Tạng Anh. Câu 1 và 3 được thấy ở Tạng Miến.
[6] Ta đã thuyết giảng Giáo Pháp Bất Tử với âm thanh vi diệu được phát ra (ND).
[7] Chú Giải ghi rằng: ‘sabbe bhikkhubhikkhunī-ādayo’ = ‘tất cả’ là tỳ khưu, tỳ khưu ni, v.v… (Sđd.).
[8] Chú Giải nêu tên một số các vị Độc Giác Phật như là: Ariṭṭha, Upariṭṭha, Tagarasikhi, Yasassī, Sudassana, Piyadassī, … Sumaṅgala, Dibbila, v.v… (ApA. 129).
[9] yathā khaggassa nāma visāṇaṃ ekameva hoti adutiyaṃ, evameva so paccekasambuddho takkappo tassadiso tappaṭibhāgo (ApA. 133).
[10] “Sự tự do không được (kẻ khác) ham thích” là nói về sự xuất gia (ApA. 167).
[11] “sāmayikaṃ vimuttinti lokiyasamāpattiṃ” (ApA. 182): “sự giải thoát tạm thời là sự thể nhập hiệp thế” (các tầng thiền và ngũ thông – ND).
[12] Theo Chú Giải, có hai cách giải thích: “thực hành pháp minh sát tùy thuận theo sự diễn biến của các pháp như là ngũ uẩn, v.v…,” hoặc là “hành tuần tự theo chín pháp siêu thế là bốn Đạo, bốn Quả, và Niết Bàn” (ApA.196).
[13] Chúng tôi hiểu rằng từ câu 131-137 là lời giảng dạy của đức Phật Gotama (ND).
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Thánh Nhân Ký Sự Tập I“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Thánh Nhân Ký Sự Tập I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda