Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ – Chương Ba Pháp – Phẩm Chánh Giác

TẠNG KINH

KINH TĂNG CHI BỘ 

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

CHƯƠNG BỐN PHÁP

PHẨM CHÁNH GIÁC

101.- Trước Khi Giác Ngộ

1. – Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, ta suy nghĩ như sau: “Cái gì là vị ngọt ở đời? Cái gì là nguy hại, cái gì là xuất ly?”. Rồi này các Tỷ-kheo, về vấn đề ấy, tư tưởng sau đây khởi lên nơi ta: “Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt ở đời. Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời. Ðiều phục dục tham ở đời, đoạn tận tham dục, đấy là xuất ly ở đời”.

2. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa”.

3. Này các Tỷ-kheo, ta đã đi tìm cầu vị ngọt ở đời. Vị ngọt ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, vị ngọt có mặt ở đời, với trí tuệ ta khéo thấy vị ấy ngọt. Này các Tỷ-kheo, ta đã tìm cầu nguy hại ở đời. Nguy hại ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, nguy hại có mặt ở đời, với trí tuệ ta, ta khéo thấy nguy hại ấy, này các Tỷ-kheo ta đã tìm cầu xuất ly ở đời. Xuất ly ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, xuất ly có mặt ở đời, với trí tuệ ta, ta khéo thấy xuất ly ấy.

4. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng chánh đẳng giác, cùng với thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa”.

102.- Vị Ngọt.

1. – Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở đời, thời các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt ở đời, nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có nguy hại ở đời, thời các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có nguy hại ở đời, nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có xuất ly đối với đời, nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời.

Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình không có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết là vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta không được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, không được công nhận là các Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại không có chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, được công nhận là các Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại sẽ có chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

103.- Khóc Than

– Này các Tỷ-kheo, đây được xem là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là múa nhảy. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là trẻ con trong giới luật bậc Thánh, tức là cười quá đáng để lộ cả răng. Do luật này, này các Tỷ-kheo, hãy phá cây cầu đi đến hát. Hãy phá cây cầu đi đến múa nhảy. Thật là vừa đủ nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để tỏ là các Thầy được hoan hỷ.

104.- Không Thỏa Mãn

– Này các Tỷ-kheo, hưởng thọ ba sự ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba?

Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men rượu nấu, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ sự dâm dục giao hợp, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn.

105.- Nóc Nhọn (1)

Rồi gia chủ Anathapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; Thế Tôn nói với gia chủ Anathapindika đang ngồi xuống một bên:

– Này gia chủ, khi tâm không phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp cũng không phòng hộ, ý nghiệp cũng không phòng hộ. Với ai thân nghiệp không phòng hộ, khẩu nghiệp không phòng hộ, ý nghiệp không phòng hộ, thời thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; Với ai thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp bị hủ bại. Với ai thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp bị hủ bại, sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.

Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn vụng lợp, thời nóc nhọn không được phòng hộ, rui kèo không được phòng hộ, vách tường không được phòng hộ; nóc nhọn bị đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo bị đầy ứ rỉ nước, các vách tường bị đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn bị hủ bại, rui kèo bị hủ bại, vách tường bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm không được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp … sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.

Này gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp cũng được phòng hộ. Với ai thân nghiệp được phòng hộ, khẩu nghiệp được phòng hộ, ý nghiệp được phòng hộ, thời thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; Với ai thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ bại. Với ai thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện …

Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn khéo lợp, thời nóc nhọn được phòng hộ, rui kèo được phòng hộ, vách tường được phòng hộ; nóc nhọn không đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo không đầy ứ, rỉ nước, các vách tường không đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn không bị hủ bại, rui kèo không bị hủ bại, vách tường không bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp không bị hủ bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện.

106.- Nóc Nhọn (2)

(Kinh này hoàn toàn giống như kinh trên, chỉ khác có một chữ. Chỗ nào kinh trên dùng chữ “không phòng hộ”, thời ở đây dùng chữ “thất thế, lung lay” với những thay đổi cần thiết).

107.- Ba Nhân Duyên (1)

– Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?

Tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.

Phàm nghiệp nào do tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, do tham làm nhân duyên, do tham tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Phàm nghiệp nào do sân tác thành … Phàm nghiệp nào do si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, do si làm nhân duyên, do si tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.

108.- Ba Nhân Duyên (2)

– Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?

Vô tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.

Phàm nghiệp nào do vô tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô tham, do vô tham làm nhân duyên, do vô tham tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Phàm nghiệp nào do vô sân tác thành … Phàm nghiệp nào do vô si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô si, do vô si làm nhân duyên, do vô si tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.

109.- Nhân Duyên (3)

1. – Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?

Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; ước muốn khởi lên.

2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn khởi lên?

Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn sanh khởi.

3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi ?

Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi.

4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn khởi sanh?

Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn sanh khởi.

110. Nhân Duyên (4)

1. – Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?

Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; ước muốn không khởi sanh. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; ước muốn không khởi sanh. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; ước muốn không sanh khởi.

2. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi?

Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, vị ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi.

3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi?

Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, người ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi.

4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi?

Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, người ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TĂNG CHI BỘ I - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app