Pháp che án 3 trạng-thái-chung
Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp là pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramat-thadhamma) có những sự thật hiển nhiên như sau:
– Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Sắc-pháp, danh-pháp có sự sinh, sự diệt.
– Sắc-pháp, danh-pháp có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
Đó là thật-tánh hiển nhiên của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Vấn: – Do nguyên nhân nào che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp?
– Do pháp nào che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp?
* Nguyên nhân che phủ thật-tánh
Đáp: – Do vô-minh (avijjā) là nguyên nhân che phủ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Vô-minh đó là si-tâm-sở (mohacetasika) si-mê đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm làm cho tâm si-mê tối tăm, như màn vô-minh che phủ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi
danh-pháp. Cho nên, thật-tánh hiển nhiên của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp không hiện rõ.
– Do tà-kiến (diṭṭhi) đó là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhi-cetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi danh-pháp, nơi sắc-pháp cho là ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, v.v…
– Do chấp thủ theo danh từ ngôn-ngữ chế-định được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay, trở thành thói quen, nên chỉ có biết sự-thật ngôn-ngữ chế-định-pháp (paññattidhamma) theo đời mà thôi, không biết đến sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Đó là những nguyên nhân che phủ thật-tánh hiển nhiên của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp. Nguyên nhân chính là vô-minh đó là si-tâm-sở (mohacetasika).
Vô-minh trong pháp paṭiccasamuppāda
Trong pháp paṭiccasamuppāda: Thập-nhị-nhân-sinh có 12 pháp theo nhân quả liên hoàn:
“Avijjāpaccayā saṅkhārā,…”
“Do vô-minh làm duyên, nên các pháp-hành sinh,…”
Hay các pháp-hành phát sinh do vô-minh làm duyên.
– Vô-minh (avijjā) đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.
– Các pháp-hành (saṅkhārā) đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, với 8 dục-giới thiện-tâm, với 5 sắc-giới thiện-tâm, với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm và các tam-giới thiện-tâm này phát sinh do vô-minh làm duyên.
Hay nói cách khác, vô-minh làm nhân phát sinh, các pháp-hành (saṅkhārā) ấy là quả (quả của vô-minh).
Không biết pháp nào gọi là vô-minh?
Không biết 8 pháp gọi là vô minh, 8 pháp đó là:
1- Dukkhe añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn chấp-thủ, hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là khổ Thánh-đế.
2- Dukkhasamudaye añāṇaṃ: Không biết tham-ái là nhân sinh khổ Thánh-đế.
3- Dukkhanirodhe añāṇaṃ: Không biết Niết-bàn là pháp diệt khổ Thánh-đế.
4- Dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya añāṇaṃ: Không biết pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế.
5- Pubbante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu) trong quá-khứ.
6- Aparante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu) trong vị-lai.
7- Pubbantāparante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu) trong quá-khứ và trong vị-lai.
8- Idappaccayatāpaṭiccasamuppannesu dhammesu añāṇaṃ: Không biết sắc-pháp, danh-pháp phát sinh trong thập-nhị-duyên-sinh (paṭiccasamuppāda) theo 12 pháp nhân-quả liên-hoàn với nhau như sau:
“Avijjāpaccayā saṅkhārā,
Saṅkhārāpaccayā viññāṇaṃ, v.v…
– Các pháp-hành đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, 17 thiện-tâm trong tam-giới phát sinh do vô-minh làm duyên.
– 19 quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau phát sinh do các pháp-hành trên làm duyên, v.v…
Nhân và quả liên-hoàn trong thập-nhị-duyên-sinh, không thuần là nhân, không thuần là quả, mỗi pháp là quả của pháp trước, rồi làm nhân của pháp sau tiếp diễn liên hoàn với nhau như vậy.
Như vậy, vô-minh không biết 8 pháp này, ngoài ra, vô-minh có thể biết các pháp khác, hoặc các bộ môn khác trong đời, nhưng không trực tiếp hỗ trợ cho chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Thời-kỳ Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện
Trong thời-kỳ Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác chưa xuất hiện trên thế gian, toàn thể chúng-sinh trong tam-giới bị vô-minh che phủ thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, không có một sa-môn, bà-la-môn, đạo-sư nào có khả năng biết đến thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, bởi vì vô-minh che phủ, nên toàn thể chúng-sinh trong tam-giới đắm chìm trong biển khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Đến thời kỳ Đức-Bồ-tát Siddhattha sinh ra đời tại khu vườn Lumbīnī, vào ngày rằm tháng tư.
35 năm sau, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đi đến ngồi tại cội Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng thiền-tuệ là thập-nhị-duyên-sinh và thập-nhị-nhân-diệt, theo chiều thuận và nghịch, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận vô-minh, tham-ái, mọi phiền-não trầm-luân không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, vào canh chót đêm rằm tháng tư, tại khu rừng Uruvelā, tròn đúng 35 tuổi.
Đức-Phật thuyết dạy chánh-pháp tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ. Nếu những chúng-sinh nào thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala), đã tích-lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ, có đủ 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, thì những chúng sinh ấy có duyên lành lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ diệt được vô-minh tối tăm, thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp được hiển nhiên hiện rõ; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Thánh-đạo nào, Thánh-quả ấy tuỳ theo năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi hành-giả như sau:
– Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn-chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahỉika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Phương pháp diệt vô-minh
Diệt vô-minh có 2 giai đọan:
– Giai đọan ngăn ngừa vô-minh, cho minh phát sinh.
– Giai đọan diệt tận được vô-minh.
1- Giai đọan ngăn ngừa vô-minh, cho minh phát sinh bằng cách nào?
– Vô-minh (avijjā) đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.
– Minh (vijjā) đó là trí-tuệ tâm-sở (paññācetasika) đồng sinh với 4 dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới quả-tâm hợp với trí-tuệ, 4 dục-giới duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 15 sắc-giới-tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm, 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, gồm có 47 hoặc 79 tâm .
Mohacetasika: Si tâm-sở có 4 đặc tính riêng biệt:
1- Añāṇalakkhaṇo: Si tâm-sở có trạng-thái không biết thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, hoặc không biết chân-lý tứ Thánh-đế.
2- Ārammaṇasabhāvacchādanaraso: Si tâm-sở có phận sự che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.
3- Andhakārapaccupaṭṭhāno: Si tâm-sở làm cho tâm tối tăm là quả hiện hữu.
4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno: Biết sai lầm trong tâm với si-tâm không đúng với 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh si tâm-sở.
Paññācetasika: Trí-tuệ tâm-sở có 4 đặc tính riêng biệt:
1- Yathābhūtapaṭivedhalakkhaṇā: Trí-tuệ tâm-sở có trạng-thái thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
2- Visayobhāsanarasā: Trí-tuệ tâm-sở có phận sự làm rõ ràng thật-tánh các sắc-pháp, các danh-pháp.
3- Asammohapaccupaṭṭhānā: Trí-tuệ tâm-sở không mê muội, tâm sáng suốt là quả hiện hữu.
4- Yonisomanasikārapadaṭṭhānā: Hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng với 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ tâm-sở.
Như vậy, si tâm-sở phát sinh do nguyên nhân gần là ayonisomanasikāra và trí-tuệ tâm-sở phát sinh do nguyên nhân gần là yonisomanasikāra.
Ayonisomanasikāra là như thế nào?
Ayonisomanasikāra biết sai lầm trong tâm với si-tâm không đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp như sau:
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca), thì si-tâm biết sai lầm cho là thường (nicca).
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha), thì si-tâm biết sai lầm cho là lạc (sukha). – Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā), thì si-tâm biết sai lầm cho là ngã (attā). – Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha), thì si-tâm biết sai lầm cho rằng: Tịnh, tốt đẹp (subha).
Do ayonisomanasikāra biết sai lầm trong tâm cho là thường, lạc, ngã, tịnh như vậy, nên si tâm-sở (moha-cetasika), gọi là vô-minh (avijjā), phát sinh làm che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.
Yonisomanasikāra là như thế nào?
Yonisomanasikāra hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp như sau:
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-thường (anicca).
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-ngã (anattā).
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha), thì trí-tuệ hiểu biết đúng là bất tịnh (asubha).
Do yonisomanasikāra hiểu biết trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp như vậy, nên trí-tuệ tâm-sở (paññācetasika), gọi là minh (vijjā) phát sinh làm hiện rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp.
Phương pháp ngăn ngừa vô minh, cho minh phát sinh
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ luôn luôn có yonisomanasikāra hiểu biết đúng trong tâm với trí-tuệ đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên ngăn ngừa được vô-minh không phát sinh, đồng thời làm nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ (vipassananā), gọi là minh (vijjā) làm hiện rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
2- Giai đọan diệt tận vô-minh bằng cách nào?
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có yonisomanasikāra hiểu biết đúng trong tâm với trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới làm nguyên nhân gần phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) cho đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokittaravipassanā) chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm và Niết-bàn.
4 Thánh-đạo-tuệ (Maggañāṇa) trong 4 Thánh-đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, nên diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm theo khả năng của mỗi Thánh-đạo-tuệ như sau:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài-nghi, gồm có 5 si-tâm-sở trong 5 bất-thiện-tâm không còn dư sót.
2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại thô trong cõi dục-giới, với 2 sân-tâm loại thô không còn dư sót.
3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại vi-tế trong cõi dục-giới, với 2 sân-tâm loại vi-tế không còn dư sót.
4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được vô-minh đó là si tâm-sở (mohacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm, gồm có 5 si tâm-sở trong 5 bất-thiện-tâm còn lại không còn dư sót.
Bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không còn vô-minh và cũng không còn tham-ái, phiền-não nào nữa.