Nhận xét về đối-tượng tứ-oai-nghi

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là những oai-nghi bình thường của chúng-sinh có 2 chân, 4 chân, …

Đức-Phật thuyết giảng phần tứ-oai-nghi (iriyāpatha-pabba) trong thân-niệm-xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna), bởi vì tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittaja-rūpa) làm đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

Tứ-oai-nghi là nơi nương nhờ của tà-kiến

Trong đời có số người nào không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không có cơ hội học hỏi nghiên cứu về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không hiểu biết về bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu nghĩa, không hiểu biết về sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã, cho nên số người ấy mỗi khi đi, đứng, ngồi, nằm không diệt được sự chấp-thủ chúng-sinh (satūpaladdhiṃ na pajahati) và không từ bỏ ngã-tưởng cho là ta (attasaññaṃ na ugghāṭeti).

Vì vậy, tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là nơi nương nhờ của tà-kiến phát sinh thấy sai, chấp lầm như sau:

– Khi thân đi hoặc sắc-đi, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc-đi cho là ta đi.

– Khi thân đứng hoặc sắc-đứng, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc-đứng cho là ta đứng.

– Khi thân ngồi hoặc sắc-ngồi, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc-ngồi cho là ta ngồi.

– Khi thân nằm hoặc sắc-nằm, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc-nằm cho là ta nằm, …

Khi có sắc-đi thì tà-kiến nương nhờ nơi sắc-đi ấy, thấy sai, chấp lầm rằng: “Ta đi”.

Sự thật, ta đi không có mà chỉ có sắc-đi mà thôi. 

Tà-kiến đó là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến (diṭṭhigatasampayutta).

Sở dĩ có sự chấp thủ cho là ta đi là vì tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc-đi cho là ta đi.

Khi có tham-tâm hợp với tà-kiến nào phát sinh thì ắt hẳn có si tâm-sở đồng sinh với tham-tâm hợp với tà-kiến ấy, làm che phủ thật-tánh của sắc-đi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Đúng theo thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, không có ngã.

Như vậy, ngã không có thật thì không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ngã, là ta.

Như vậy, ngã, ta không có thật, mà chỉ có tà-kiến có thật mà thôi, nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến.

Nếu khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được tà-kiến trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và diệt tận được hoài-nghi trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn có chấp ngã, chấp ta nữa.

Tứ-oai-nghi là nơi nương nhờ của chánh-kiến

Trong đời có số người trí thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, có cơ hội học hỏi, nghiên cứu về bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa, hiểu biết về sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã. Hành-giả thiện-trí có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có giới-hạnh trong sạch thanh-tịnh, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-kiến khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, diệt từng thời được tà-kiến chấp-thủ chúng-sinh (satūpaladdhiṃ pajahati) và ngăn từng thời được ngã-tưởng cho là ta (attasaññaṃ ugghāṭeti).

Vì vậy, tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là nơi nương nhờ của chánh-kiến phát sinh thấy đúng, biết đúng như sau:

– Khi thân đi hoặc sắc-đi, thì chánh-kiến thấy đúng, biết đúng oai-nghi đi đó là tư thế đi, dáng đi gọi là sắc-đi (không phải là ta đi).

– Khi thân đứng hoặc sắc-đứng, thì chánh-kiến thấy đúng, biết đúng oai-nghi đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng gọi là sắc-đứng (không phải là ta đứng).

– Khi thân ngồi hoặc sắc-ngồi, thì chánh-kiến thấy đúng, biết đúng oai-nghi ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi gọi là sắc-ngồi (không phải là ta ngồi).

– Khi thân nằm hoặc sắc-nằm, thì chánh-kiến thấy đúng, biết đúng oai-nghi nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm gọi là sắc-nằm (không phải là ta nằm).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác nơi đối-tượng thiền-tuệ sắc-đi đó là tư thế đi, dáng đi; sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng; sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi; sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm; trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), nên chánh-kiến phát sinh thấy đúng, biết đúng theo thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp là pháp-vô-ngã.

Chánh-kiến-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp là pháp-vô-ngã, không phải là chúng-sinh (na satto), không phải là người (na puggalo), không phải là người nữ (na itthī), không phải là người nam (na puriso), không phải là ngã (na attā), không phải thuộc về ngã (na attaniyaṃ), không phải là ta (nā’haṃ), không phải thuộc về của ta (na mama), không phải là ai (na koci), không phải thuộc về của ai cả (na kassaci), đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp là pháp-vô-ngã như sau:

– Sắc-pháp nào là sắc-pháp ấy.

– Danh-pháp nào là danh-pháp ấy.

Tứ-oai-nghi là đối-tượng thiền-tuệ

Iriyāpathapabba: Đối-tượng tứ-oai-nghi là 1 trong 14 đối-tượng trong thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm làm đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi là sắc-đi, oai-nghi đứng là sắc-đứng, oai-nghi ngồi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm là sắc-nằm đều là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa) thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

Thật vậy, trong Chú-giải Pāḷi kinh Mahāsatipaṭṭhāna-suttavaṇṇanā, phần iriyāpathapabba giảng giải rằng:

“Paramatthato hi dhātūnaṃ yeva gamanaṃ, dhātūnaṃ ṭhānaṃ, dhātūnaṃ nisajjaṃ, dhātūnaṃ sayanaṃ.”

Thật vậy, xét theo chân-nghĩa-pháp thì “oai-nghi đi” chỉ là sắc-tứ-đại mà thôi, “oai-nghi đứng” chỉ là sắc-tứ-đại mà thôi, “oai-nghi ngồi” chỉ là sắc-tứ-đại mà thôi, “oai-nghi nằm” chỉ là sắc-tứ-đại mà thôi.

Như vậy, tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa) là pháp-vô-ngã, nên không phải là ta, không phải là của ta, không phải là người, không phải là người nam, không phải là người nữ, không phải là chúng-sinh nào cả.

Mahābhūtarūpa: Sắc-tứ-đại

1- Pathavīdhātu: Sắc-địa-đại là chất đất.

2- Āpodhātu: Sắc-thuỷ-đại là chất nước.

3- Tejodhātu: Sắc-hoả-đại là chất lửa.

4- Vāyodhātu: Sắc-phong-đại là chất gió.

Sắc-tứ-đại là sắc-pháp căn bản chính làm nền tảng cho 24 sắc-pháp phụ thuộc đồng sinh với sắc-tứ-đại.

Đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp toàn thân phát sinh do tâm, không phải một phần nào của sắc-thân.

Rūpadhamma: Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp phân ra 2 loại:

1- Mahābhūtarūpa: Sắc-tứ-đại có 4 sắc-pháp là sắc-địa-đại, sắc-thuỷ-đại, sắc-hoả-đại, sắc-phong-đại làm nền tảng.

2- Upādāyarūpa: Sắc-phụ-thuộc có 24 sắc-pháp là sắc-pháp phụ thuộc đồng sinh với sắc-tứ-đại.

Toàn thân của mỗi người bình thường gồm có 27 sắc-pháp đó là 4 sắc-tứ-đại và 23 sắc-phụ-thuộc.

* Nếu là người nam thì trừ ra sắc-nữ-tính.

* Nếu là người nữ thì trừ ra sắc-nam-tính.

Tâm phát sinh tứ-oai-nghi

Tâm (citta) có khả năng phát sinh tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi là sắc-đi, oai-nghi đứng là sắc-đứng, oai-nghi ngồi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm là sắc-nằm và các oai-nghi phụ như quay bên phải, quay bên trái, co tay, co chân vào, duỗi tay, duỗi chân ra, v.v…

Tâm ấy gồm có 32 tâm, đó là 8 tham-tâm +2 sân-tâm + 2 si-tâm + 8 đại-thiện-tâm + 8 đại-duy-tác-tâm + 1 tiếu-sinh-tâm + 1 ý-môn-hướng-tâm + đặc biệt 2 thần-thông-tâm.

Ví dụ:

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do tham-tâm thì đi, đứng, ngồi, nằm,… với dáng điệu khoan thai, nhẹ nhàng đáng yêu.

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do sân-tâm thì đi, đứng, ngồi, nằm, … với dáng điệu nóng nảy, vội vàng mạnh bạo.

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do si-tâm thì đi, đứng, ngồi, nằm, …với dáng điệu ngẩn ngơ, phóng-tâm.

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ thì đi, đứng, ngồi, nằm, … với dáng điệu tư thế tự nhiên, nhưng không có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ thì đi, đứng, ngồi, nằm,… với dáng điệu tư thế tự nhiên, có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp.

– Nếu đi, đứng, ngồi, nằm phát sinh do đại-duy-tác-tâm, tâm của bậc Thánh A-ra-hán thì đi, đứng, ngồi, nằm, … với dáng điệu tư thế tự nhiên, dù hợp với trí-tuệ, dù không hợp với trí-tuệ tuỳ theo đối-tượng, vẫn luôn luôn có trí nhớ.

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm, nên oai-nghi đi gọi là sắc-đi, oai-nghi đứng gọi là sắc-đứng, oai-nghi ngồi gọi là sắc-ngồi, oai-nghi nằm gọi là sắc-nằm thuộc về sắc-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp.

Cho nên, mỗi oai-nghi nào phát sinh, đối với tất cả mọi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ cũng đều do hội đủ nhân-duyên của nó. Nếu trường hợp thiếu nhân-duyên nào thì oai-nghi ấy không thể phát sinh.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app