Trạng-Thái-Chung (Sāmaññalakkhaṇa)

Tất cả mọi danh-pháp (nāmadhamma) mọi sắc-pháp (rūpadhamma) là pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp đều có sự sinh, sự diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung (sāmaññalakkhaṇa) là:

1- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường.

2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ.

3- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã.

Trạng-Thái-Riêng (Visesalakkhaṇa)

Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều có 3 trạng-thái-chung (sāmaññalakkhaṇa). Riêng mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đều có trạng-thái-riêng của mỗi pháp.

– Citta: Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm cùng có một trạng-thái-riêng là: Ārammaṇavijānanalakkhaṇa: Trạng-thái biết các đối-tượng.

– Cetasika: Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở, mỗi tâm-sở có mỗi trạng-thái-riêng, nên có 52 trạng-thái-riêng. 

– Rūpadhamma: Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp, mỗi sắc pháp có mỗi trạng-thái-riêng, nên có 28 trạng-thái-riêng.

– Nibbāna: Niết-bàn có trạng-thái-riêng là Santi-lakkhaṇa: Trạng-thái làm vắng lặng mọi phiền-não, mọi nỗi khổ của sắc-pháp, của danh-pháp.

Trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp có tầm quan trọng, để phân biệt sự khác nhau của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.

Ba trạng-thái-chung (Sāmaññalakkhaṇa)

1- Trạng-thái vô-thường (Aniccalakkhaṇa)

Ý nghĩa anicca:

“Aniccaṃ khayaṭṭhena”: Vô-thường có ý nghĩa diệt, bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp sinh rồi diệt cả thảy. Hoặc

“Hutvā abhāvaṭṭhena aniccā”: Có rồi lại không, có ý nghĩa là vô-thường.

Anicca: Vô-thường có 3 loại:

1- Anicca: Vô-thường

“Sabbe saṅkhārā aniccā”: Tất cả các pháp-hữu-vi đều là vô-thường.

Saṅkhārā: Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều là vô-thường, bởi vì các pháp-hữu-vi sinh rồi diệt theo tự nhiên của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.

2- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.

3- Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái vô-thường

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, rồi dõi theo trạng-thái vô-thường, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường (niccasaññā). 

Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái vô-thường, rồi dõi theo trạng-thái vô-thường của sắc-pháp hoặc danh-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là amittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn, Niết-bàn không có hiện tượng các pháp-hữu-vi.

Hành-giả chứng ngộ amittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn do tín-pháp-chủ (saddhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, đính-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ) hoặc do năng lực của giới trong sạch (sīla).

2- Trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa)

Ý nghĩa dukkha:

“Dukkhaṃ bhayaṭṭhena” (1) khổ có ý nghĩa đáng kinh sợ, bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng, vô-thường, diệt mất, nên đáng kinh sợ.

“Uppādavayapaṭipīḷanaṭṭhena dukkhā”: Sự sinh, sự diệt luôn luôn hành hạ có ý nghĩa là khổ.

Tính chất khổ có 3 loại:

1- Dukkhadukkha: Khổ-thật-khổ đó là thọ-khổ (dukkha-vedanā) khổ khó chịu đựng nổi, như khổ thân, khổ tâm.

2- Vipariṇāmadukkha: Biến-chất-khổ đó là thọ-lạc (sukhavedanā) bị vô-thường sinh rồi diệt làm biến chất, nên thọ lạc biến đổi thành khổ-đế. Dù khổ vẫn còn dễ chịu đựng được.

3- Saṅkhāradukkha: Pháp-hành-khổ đó là tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt liên tục, không ngừng hành hạ, nên chỉ có khổ mà thôi. 

Dukkha: Khổ có 3 loại:

1- Dukkha: Khổ thân, khổ tâm

“Sabbe saṅkhārā dukkhā”: Tất cả các pháp-hữu-vi đều là khổ.

Saṅkhārā: Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đều là khổ, bởi vì sinh rồi diệt liên tục không ngừng, vô-thường luôn luôn hành hạ (abhiṇhapaṭipīḷana).

2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ

Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều có trạng-thái vô-thường, nên tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp cũng có trạng-thái khổ.

Đức-Phật dạy trong kinh Anattalakkhaṇasutta:

“Yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ.”

Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp nào có trạng-thái vô-thường, thì ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp ấy có trạng-thái khổ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng luôn luôn hành hạ, nên hiện rõ trạng-thái khổ của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.

3- Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái khổ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ, rồi dõi theo trạng-thái khổ, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là lạc (sukhasaññā). 

Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái khổ, rồi dõi theo trạng-thái khổ của danh-pháp hoặc sắc-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là appaṇihitanibbāna: Vô-ái Niết-bàn, Niết-bàn không tham-ái nương nhờ.

Hành-giả chứng ngộ appaṇihitanibbāna: Vô-ái Niết-bàn do định-pháp-chủ (samādhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ), hoặc do năng lực của định (samādhi).

3- Trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa)

Ý nghĩa Anattā

“Anattā asārakaṭṭhena”: Vô-ngã có ý nghĩa vô dụng, bởi vì không phải ta, không phải của ta, không chiều theo ý muốn của ta. Hoặc

Anattā: Vô-ngã còn có 4 ý nghĩa theo Chú-giải là:

– Avasavattanaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là không chiều theo ý muốn của một ai cả.

– Asāmikaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là vô chủ, không có ai làm chủ cả.

– Suññataṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là không, không phải ta, không phải của ta, không phải của ai cả.

– Attapaṭikkhepaṭṭha: Vô-ngã có ý nghĩa là phủ nhận thuyết tà-kiến chấp ngã của nhóm ngoại đạo.

Anattā: Vô-ngã có 3 loại:

1- Anattā: Pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.

“Sabbe dhammā anattā”: Tất cả các pháp-hữu-vi và pháp-vô-vi đều là vô-ngã.

Pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… là các pháp bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực đều là pháp-vô-ngã.

Pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) đó là Niết-bàn và gom cả chế-định-pháp (paññattidhamma) là những pháp không bị cấu tạo bởi 4 nhân-duyên: Nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực, nên cũng là pháp-vô-ngã.

2- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã

Tất cả sắc-pháp, danh-pháp đều có trạng-thái khổ, thì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp cũng có trạng-thái vô-ngã.

Đức-Phật dạy trong kinh Anattalakkhaṇasutta:

“Yaṃ dukkhaṃ tadanattā.”

Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp nào có trạng-thái khổ, thì ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp ấy có trạng-thái vô-ngã.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục không ngừng, không chiều theo ý muốn của một ai cả, nên hiện rõ trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy.

3- Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái khổ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã, rồi dõi theo trạng-thái vô-ngã, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là ngã (attasaññā).

Nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái vô-ngã, rồi dõi theo trạng-thái vô-ngã của danh-pháp hoặc sắc-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là suññatanibbāna: Chơn-không Niết-bàn, Niết-bàn hoàn toàn vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.

Hành-giả chứng ngộ suññatanibbāna: Chơn-không Niết-bàn do tuệ-pháp-chủ (paññindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ), hoặc do năng lực của trí-tuệ (paññā).

Sự liên quan giữa 3 trạng-thái-chung

Ba trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp có sự liên quan lẫn nhau.

Đức-Phật dạy:

“Yadaniccaṃ, taṃ dukkhaṃ.

Yaṃ dukkhaṃ, tadanattā.”

Pháp nào có trạng-thái vô-thường, thì pháp ấy có trạng-thái khổ.

Pháp nào có trạng-thái khổ, thì pháp ấy có trạng-thái vô-ngã.

Như vậy, mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Thật ra, trí-tuệ thiền-tuệ là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, hoặc đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, mỗi tâm ấy chỉ có khả năng thấy rõ, biết rõ một đối-tượng mà thôi (một tâm không thể biết nhiều đối-tượng cùng một lúc). Cho nên,

– Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.

– Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái vô-thường, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.

– Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa) của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào, thì khi ấy, trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ của sắc-pháp ấy, của danh-pháp ấy không hiện rõ.

Vậy, khi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-chung nào của sắc-pháp nào, của danh-pháp nào làm đối-tượng thiền-tuệ, thì 2 trạng-thái-chung còn lại mặc dù không hiện rõ, nhưng tiềm năng của trí-tuệ thiền-tuệ ấy vẫn có khả năng diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường, lạc, ngã, bởi vì 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã có liên quan lẫn nhau.

Quan niệm vô-thường, khổ, vô-ngã theo đời

Trong thời kỳ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác chưa xuất hiện trên thế gian, hoặc đối với những người không hiểu biết về giáo pháp của Đức-Phật, có các quan niệm:

– Quan niệm về vô-thường: Đối với số người, những gì có tính chất không được bền vững lâu dài, có rồi lại bị hư hại, hoặc mất đi, v.v… người ta cho là vô-thường. 

Ví dụ: Khi nghe người chết, chiếc xe bị hư, cái ly bị bể, xảy ra sự biến đổi, v.v… Người ta nói với nhau rằng: “Vô-thường!”

– Quan niệm về khổ: Đối với số người, khi gặp sự khổ thân như: Bị bệnh hoạn ốm đau, bị tai nạn, bị đánh đập tàn nhẫn, bị nóng lạnh, bị đói khát, v.v… Người ta nói với nhau rằng: “Khổ quá!” 

Hoặc khi gặp nỗi khổ tâm như: Sầu não khóc than thương tiếc đến người thân đã chết, của cải tài sản bị mất, v.v… Người ta nói với nhau rằng: “Khổ quá!” 

– Quan niệm về vô-ngã: Đối với số người không từng học hỏi giáo-pháp của Đức-Phật, không từng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, thì không có quan niệm về vô-ngã, bởi vì số người ấy vốn là người thường chấp ngã, chấp thủ có ta.

Dù cho số người ấy có quan niệm về vô-thường, quan niệm về khổ cũng chỉ là một cách thô thiển mà thôi. 

Thật vậy, một người sống qua bấy nhiêu năm, rồi mới chết, một chiếc xe chạy qua thời gian, rồi mới bị hư, một cái ly đã sử dụng qua, rồi mới bị bể, v.v…

Như vậy, quan niệm về vô-thường đối với họ chờ có thời gian.

Và quan niệm về khổ đối với họ phải chờ có bệnh hoạn ốm đau, bị tai nạn thương tích, v.v… 

Trong Phật-giáo, hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, nếu hành-giả nào là hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) có đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, có đủ 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, có duyên lành lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là uddayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện tại do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-pháp hiện-tại ấy, mỗi danh-pháp hiện-tại ấy, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Thật ra, thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp; sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp; 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới vẫn luôn luôn hiện hữu, nhưng không có một ai có khả năng chỉ dạy cho biết, cho thấy, mãi cho đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, Đức-Phật Gotama mới thuyết pháp, giảng dạy các pháp ấy, để tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ.

Trạng-thái chi tiết của 3 trạng-thái-chung

Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về pháp-hữu-vi đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Trong mỗi trạng-thái-chung của sắc-pháp, của danh-pháp ấy có nhiều trạng-thái chi-tiết được trình bày trong bộ Visuddhimagga phần Maggāmaggañāṇadassana-visuddhi như sau:

1- Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường

Trạng-thái vô-thường có 10 trạng-thái chi tiết:

1- Aniccato: Với trạng-thái vô-thường.

2- Palokato: Với trạng-thái tiêu diệt.

3- Calato: Với trạng-thái biến đổi.

4- Pabhaṅguto: Với trạng-thái tan rã.

5- Addhuvato: Với trạng-thái không bền vững.

6- Vipariṇāmadhammato: Với trạng-thái biến đổi là thường.

7- Asārakato: Với trạng-thái vô dụng, không cốt lõi.

8- Vibhavato: Với trạng-thái bị suy.

9- Saṅkhatato: Với trạng-thái bị cấu tạo.

10- Maraṇadhammato: Với trạng-thái diệt, chết là thường.

10 trạng-thái chi tiết của trạng-thái vô-thường cũng là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ aniccānupassanā. Mỗi trạng-thái chi tiết phát sinh tuỳ theo năng lực trí-tuệ thiền-tuệ của mỗi hành-giả. 

2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ

Trạng-thái khổ có 25 trạng-thái chi-tiết: 

1- Dukkhato: Với trạng-thái khổ khó chịu.

2- Rogato: Với trạng-thái khổ như bệnh tật.

3- Gaṇḍato: Với trạng-thái khổ như ung nhọt.

4- Sallato: Với trạng-thái khổ như mũi tên độc.

5- Aghato: Với trạng-thái khổ bất hạnh.

6- Ābādhato: Với trạng-thái khổ như ốm đau. 

7- Ītito: Với trạng-thái khổ suy đồi.

8- Upaddavato: Với trạng-thái khổ tai nạn.

9- Bhayato: Với trạng-thái khổ đáng kinh sợ.

10- Upasaggato: Với trạng-thái khổ cản trở.

11- Atāṇato: Với trạng-thái khổ không có nơi bảo hộ.

12- Aleṇato: Với trạng-thái khổ không có nơi ẩn náu.

13- Asaraṇato: Với trạng-thái khổ vì không có nơi nương nhờ.

14- Ādīnavato: Với trạng-thái khổ vì tội chướng.

15- Aghamūlato: Với trạng-thái nguồn gốc của khổ.

16- Vadhakato: Với trạng-thái khổ như kẻ sát hại.

17- Sāsavato: Với trạng-thái khổ do phiền-não trầm-luân

18- Mārāmisato: Với trạng-thái khổ như mồi của Ma.

19- Jātidhammato: Với trạng-thái khổ sinh là thường.

20- Jarādhammato: Với trạng-thái khổ già là thường.

21-Byādhidhammato: Với trạng-thái khổ bệnh là thường.

22- Sokadhammato: Với trạng-thái khổ sầu não là thường.

23- Paridevadhammato: Với trạng-thái khổ than khóc là thường.

24- Upāyāsadhammato: Với trạng-thái nỗi thống khổ cùng cực.

25- Saṃkilesikadhammato: Với trạng-thái khổ bị ô nhiễm bởi phiền-não.

25 trạng-thái chi-tiết của trạng-thái khổ cũng là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ dukkhānupassanā. Mỗi trạng-thái chi tiết phát sinh tuỳ theo năng lực trí-tuệ thiền-tuệ của mỗi hành-giả. 

3- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã

Trạng-thái vô-ngã có 5 trạng-thái chi-tiết: 

1- Anattato: Với trạng-thái vô-ngã, không phải ta.

2- Parato: Với trạng-thái khác lạ (không phải ta).

3- Rittato: Với trạng-thái rỗng không, không có thường, lạc, ngã.

4- Tucchato: Với trạng-thái không có thật là ta.

5- Suññato: Với trạng-thái hoàn toàn không phải ta, không phải của ta.

5 trạng-thái chi-tiết của trạng-thái vô-ngã cũng là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ anattānupassanā. Mỗi trạng-thái chi tiết phát sinh tuỳ theo năng lực trí-tuệ thiền-tuệ của mỗi hành-giả.

Như vậy, 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp được phân loại ra trạng-thái chi tiết gồm có 40 trạng-thái chi-tiết, mà mỗi loại trạng-thái chi-tiết của sắc-pháp, của danh-pháp này được hiện rõ đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, tuỳ theo 10 pháp-hạnh ba-la-mật, tuỳ theo năng lực của 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ pháp-chủ và tuỳ theo năng lực của pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ của mỗi hành-giả.

Mỗi loại trạng-thái chi-tiết ấy đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo như sau:

– Nếu hành-giả có tín-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ pháp-chủ), và có pháp-hành giới có nhiều năng lực thì trạng-thái vô-thường hiện rõ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong Phật-giáo.

Hành-giả trở thành Thánh-nhân bậc nào tuỳ theo 10 pháp-hạnh ba-la-mật, và năng lực của 5 pháp-chủ của hành-giả.

– Nếu hành-giả có định-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ pháp-chủ) và có pháp-hành thiền-định có nhiều năng lực thì trạng-thái khổ hiện rõ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong Phật-giáo.

Hành-giả trở thành Thánh-nhân bậc nào tuỳ theo 10 pháp-hạnh ba-la-mật, và năng lực của 5 pháp-chủ của hành-giả.

– Nếu hành-giả có tuệ-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ) và có pháp-hành thiền-tuệ có nhiều năng lực thì trạng-thái vô-ngã hiện rõ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong Phật-giáo.

Hành-giả trở thành Thánh-nhân bậc nào tuỳ theo 10 pháp hạnh ba-la-mật, và năng lực của 5 pháp-chủ của hành-giả.

Bốn bậc Thánh-nhân

Trong Phật-giáo có 4 bậc Thánh-nhân:

1- Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).

2- Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).

3- Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).

4- Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app