Pháp-Hành Giới-Định-Tuệ
Trong Phật-giáo có 3 pháp-hành chính là:
– Pháp-hành giới.
– Pháp-hành thiền-định.
– Pháp-hành thiền-tuệ
Ba pháp-hành này có 2 bậc:
– Ba pháp-hành thuộc về tam-giới.
– Ba pháp-hành thuộc về siêu-tam-giới.
1- Ba pháp-hành thuộc về tam-giới thực-hành thế nào?
Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ thuộc về tam-giới, hành-giả cần phải thực-hành theo tuần tự trước sau: Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
* Pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả cần phải thực-hành ở giai đọan đầu, hành-giả thực-hành pháp-hành giới, có tác-ý (cetanā) trong đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho trong sạch và trọn vẹn, tránh xa mọi ác-nghiệp do thân và khẩu.
Tránh xa thân hành-ác có 3 loại:
– Tránh xa sự sát sinh.
– Tránh xa sự trộm cắp.
– Tránh xa sự tà dâm.
Tránh xa khẩu hành-ác có 4 loại:
– Tránh xa sự nói-dối.
– Tránh xa sự nói lời chia rẽ.
– Tránh xa sự nói lời thô tục.
– Tránh xa sự nói lời vô ích.
Hành-giả thực-hành pháp-hành giới, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là điều dễ dàng đối với người thiện biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi. Cho nên, tất cả mọi người đều nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, bởi vì giữ gìn giới là trong khả năng bình thường của mỗi người.
Người nào có giới trong sạch trọn vẹn, sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người, 6 cõi trời dục-giới, hưởng sự an-lạc trong cõi-giới ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, rồi tái-sinh kiếp sau cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của người ấy.
Người có giới trong sạch trọn vẹn làm nền tảng làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.
* Pháp-hành thiền-định là pháp-hành mà hành-giả thực-hành ở giai đọan giữa. Hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapugala) có giới của mình được trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-định.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm như sau:
Năm bậc thiền sắc-giới thiện-tâm
1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi thiền là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 5 pháp chướng-ngại.
2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi thiền là quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền hướng-tâm.
3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi thiền là hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền quan-sát.
4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền là lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền hỷ.
5- Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm do thay thế chi thiền lạc bằng chi thiền xả.
Đó là sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc thiền đối với hành-giả thuộc về hạng người mandapuggala có trí-tuệ chậm.
Bốn bậc thiền sắc-giới thiện-tâm
Đối với hành-giả thuộc về hạng người tikkhapuggala có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, thì thiền sắc-giới thiện-tâm chỉ có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.
1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi thiền là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 5 pháp chướng-ngại.
2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi thiền là hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 2 chi thiền hướng-tâm và quan-sát.
3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền là lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền hỷ.
4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm do thay thế được chi thiền lạc bằng chi thiền xả.
Bốn bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm
Hành-giả sau khi đã chứng đắc được 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
Thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc mà mỗi bậc thiền có mỗi đề-mục thiền-định riêng biệt dẫn đến chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ấy như sau:
1- Đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là không-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm.
2- Đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là thức-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm.
3- Đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm.
4- Đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi thiền là xả, nhất-tâm.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, đặc biệt chứng đắc 5 phép thần-thông thế-gian.
Hành-giả nào có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn chỉ có vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên.
Vị phạm-thiên ở trong cõi vô-sắc-giới tột đỉnh này, có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất lâu dài nhất, vị phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ, chuyển kiếp (chết), dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau xuống cõi-thiện dục-giới.
– Thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không còn có cơ hội cho quả được nữa.
Hành-giả đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có thể làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đặc biệt hỗ trợ cho bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) hưởng pháp-vị an-lạc suốt 7 ngày đêm.
* Pháp-hành thiền-tuệ thuộc về phần cuối sau pháp-hành thiền-định.
Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Hành-giả nào thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapugala) đã từng thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ đầy đủ được tích-lũy ở trong tâm.
Kiếp hiện-tại, hành-giả ấy là người có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, có phước-duyên đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, có ý nguyện thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ là sắc-pháp hoặc danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới trải qua 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, đàn bà,… tiếp theo:
– Trí-tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ ba gọi là sammasanañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là uddayabbayānupas-sanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại. Tiếp theo tuần tự cho đến:
– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau.
* Từ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa còn thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā), bởi vì tâm vẫn còn là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ và đối-tượng thiền-tuệ vẫn còn là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới sinh rồi diệt, có 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, liền tiếp theo:
– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân, …
Như vậy, trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa đặc biệt này tuy tâm vẫn còn là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ nhưng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, liền tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, đó là 2 trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Magga-ñāṇa: Thánh-đạo-tuệ trong 4 Thánh-đạo-tâm có khả năng diệt tận được tham-ái, phiền-não,… liền tiếp theo:
– Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là Phala-ñāṇa: Thánh-quả-tuệ trong 4 Thánh-quả-tâm có khả năng làm an tịnh được tham-ái, phiền-não,… mà 4 Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận được, trở thành 4 bậc Thánh-nhân, liền tiếp theo các lộ-trình-tâm gọi là:
– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇañāṇa: Trí-tuệ làm phát sinh quán triệt 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, phiền-não đã diệt tận được, phiền-não còn lại chưa diệt tận được.
Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ (Sotāpattimaggañāṇa).
– Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ (Sakadāgāmimaggañāṇa).
– Bất-lai Thánh-đạo-tuệ (Anāgāmimaggañāṇa).
– A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ (Arahattamaggañāṇa).
Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ (Sotāpattiphalañāṇa).
– Nhất-lai Thánh-quả-tuệ (Sakadāgāmiphalañāṇa).
– Bất-lai Thánh-quả-tuệ (Anāgāmiphalañāṇa).
– A-ra-hán Thánh-quả-tuệ (Arahattaphalañāṇa).
Maggacitta: Thánh-đạo-tâm có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
– Nhất-lai Thánh-đạo-tâm (Sakadāgāmimaggacitta).
– Bất-lai Thánh-đạo-tâm (Anāgāmimaggacitta).
– A-ra-hán Thánh-đạo-tâm (Arahattamaggacitta).
Phalacitta: Thánh-quả-tâm có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-quả-tâm (Sotāpattiphalacitta).
– Nhất-lai Thánh-quả-tâm (Sakadāgāmiphalacitta).
– Bất-lai Thánh-quả-tâm (Anāgāmiphalacitta).
– A-ra-hán Thánh-quả-tâm (Arahattaphalacitta).
Ariyapuggala: Bậc Thánh-nhân có 4 bậc:
– Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
– Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
– Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).
– Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
* Ba pháp-hành: Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ thuộc về tam-giới, hành-giả cần phải thực-hành theo tuần tự trước sau, bởi vì pháp-hành giới làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ; pháp-hành thiền-định làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-tuệ.
Thật vậy, trong bộ Visuddhimagga (Thanh-Tịnh-Đạo) giảng giải 7 pháp visuddhi (thanh-tịnh) theo tuần tự từ tam-giới cho đến siêu-tam-giới như sau:
1- Sīlavisuddhi: Giới-thanh-tịnh thuộc về pháp-hành giới thanh-tịnh.
Hành-giả có tác-ý (cetanā) trong đại-thiện-tâm thực-hành giới, tránh xa 3 thân-hành-ác, 4 khẩu-hành-ác, giữ gìn giới của mình cho được hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh không bị tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến nương nhờ nơi giới của mình, để làm nền tảng, làm nhân-duyên nương nhờ phát sinh pháp-hành thiền-định thanh-tịnh.
2- Cittavisuddhi: Định-thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-định thanh-tịnh.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm không bị tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến nương nhờ nơi thiền-định, để làm nền tảng, làm nhân-duyên nương nhờ phát sinh 5 loại pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh.
3- Diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thiền-tuệ thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ nhất.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhất phát sinh gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), đều là pháp-vô-ngã, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), nên hành-giả đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thiền-tuệ-thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ nhất của pháp-hành thiền-tuệ.
4- Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát-ly hoài-nghi-thanh-tịnh.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì phát sinh gọi là nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên trong của mình với paccakkhañāṇa: Trí-tuệ trực tiếp thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên trong của mình (ajjhatta) như thế nào, và với anumānañāṇa: Trí-tuệ gián tiếp thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên ngoài mình (bahiddhā) của người khác, của chúng-sinh khác, thậm chí tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai cũng như thế ấy.
Khi hành-giả có trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccaya-parigggahañāṇa này diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tâm hoài-nghi (vicikicchā) về sự-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, nên hành-giả đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát-ly hoài-nghi-thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ nhì của pháp-hành thiền-tuệ.
5- Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Đạo-phi-đạo tri-kiến-thanh-tịnh:
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 phát sinh gọi là udayabbayānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp ngay hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được 3 pháp-đảo-điên là tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ sáng suốt nhận thức, phân biệt rõ rằng:“10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanupakkilesa) là phi-đạo không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế. Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, đó là chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, nên hành-giả đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5 gọi là maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Đạo-phi-đạo tri-kiến-thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ 3 của pháp-hành thiền-tuệ.
6- Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến-thanh-tịnh:
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có 9 loại trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 saccānulomikañāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, sau khi đã thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanu-pakkilesa), để tiến triển lên trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại thật đáng kinh sợ.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại đầy tội chướng.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại thật đáng nhàm chán.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại thật đáng nhàm chán, nên chỉ muốn giải thoát khổ mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, một cách rõ ràng, để lựa chọn con đường giải thoát khổ của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại là pháp-vô-ngã, nên trí-tuệ thiền-tuệ đặt trung-dung giữa sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái vô-ngã làm đối-tượng, không có tham-tâm muốn sắc-pháp, danh-pháp, cũng không có tâm chán ghét sắc-pháp, danh-pháp, rồi lựa chọn 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã dẫn đến giải thoát khổ của sắc-pháp, của danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước, và thuận dòng theo 37 pháp chứng đắc Thánh-đạo phần sau, để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. Theo tuần tự trải qua 9 loại trí-tuệ thiền-tuệ này, nên hành-giả đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 6 gọi là paṭipadā-ñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ 4 của pháp-hành thiền-tuệ.
7- Ñāṇadassanavisuddhi: Tri-kiến thanh-tịnh
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 phát sinh gọi là Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với 4 Thánh-đạo tâm:
Thánh-đạo-tuệ có 4 bậc:
1- Sotāpattimaggañāṇa: Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ.
2- Sakadāgāmimaggañāna: Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ.
3- Anāgāmimaggañāṇa: Bất-lai Thánh-đạo-tuệ.
4- Arahattamaggañāṇa: A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ.
Hành-giả chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ này, nên bậc Thánh-nhân đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 7 cuối cùng gọi là ñāṇadassanavisuddhi: Tri-kiến thanh-tịnh thuộc về pháp-hành thiền-tuệ thanh-tịnh thứ 5 của pháp-hành thiền-tuệ.
Phương-pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ
Trong bộ Paṭisambhidāmaggapāḷi, phần Yuganaddha-kathā có 3 phương pháp thực-hành để chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn được tóm lược như sau:
1- Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định trước, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ sau, dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
2- Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trước, dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, thực-hành pháp-hành thiền-định sau.
3- Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ cả 2 đi đôi với nhau, dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. .
2- Phần giới, phần thiền-định, phần thiền-tuệ thuộc về siêu-tam-giới như thế nào?
Trong bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đó là 8 tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, thuộc về 9 pháp siêu-tam-giới.
Bát chánh đó là 8 tâm-sở:
– Chánh-kiến đó là trí-tuệ tâm-sở.
– Chánh-tư-duy đó là hướng-tâm tâm-sở.
– Chánh-ngữ đó là chánh-ngữ tâm-sở.
– Chánh-nghiệp đó là chánh-nghiệp tâm-sở.
– Chánh-mạng đó là chánh-mạng tâm-sở.
– Chánh-tinh-tấn đó là tinh-tấn tâm-sở.
– Chánh-niệm đó là niệm tâm-sở.
– Chánh-định đó là nhất-tâm tâm-sở.
Trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có 36 tâm-sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng Niết-bàn với tâm, đồng nơi sinh với tâm.
Trong 36 tâm-sở ấy có 8 tâm-sở gọi là bát-chánh-đạo cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
Bát-chánh-đạo trong 4 Thánh-đạo-tâm thuộc về pháp siêu-tam-giới này gồm có phần giới, phần thiền-định, phần thiền-tuệ được phân chia như sau:
– Chánh-kiến, chánh-tư-duy, 2 chánh này thuộc về phần thiền-tuệ của bát-chánh-đạo trong 4 Thánh-đạo-tâm.
– Chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, 3 chánh này thuộc về phần giới của bát-chánh-đạo trong 4 Thánh-đạo-tâm.
– Chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định, 3 chánh này thuộc về phần thiền-định của bát-chánh-đạo trong 4 Thánh-đạo-tâm.
Như vậy, phần thiền-tuệ, phần giới, phần thiền-định của bát-chánh-đạo đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm thuộc về siêu-tam-giới.
Trong bát-chánh-đạo là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định. Sở dĩ đặt chánh-kiến trước tiên là vì chánh-kiến đóng vai trò chính yếu trong sự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Bát-chánh-đạo gồm có 8 chánh sắp đặt theo tuần tự trước sau còn có nghĩa là chánh trước hỗ trợ cho chánh sau theo tuần tự như sau:
Chánh-kiến hỗ trợ cho chánh-tư-duy; chánh-tư-duy hỗ trợ cho chánh-ngữ; chánh-ngữ hỗ trợ cho chánh-nghiệp; chánh-nghiệp hỗ trợ cho chánh-mạng; chánh-mạng hỗ trợ cho chánh-tinh-tấn; chánh-tinh-tấn hỗ trợ cho chánh-niệm; chánh-niệm hỗ trợ cho chánh-định.
Ví dụ: Một thang thuốc gồm có 8 vị thuốc, có vị thuốc chính trị bệnh, còn 7 vị thuốc kia phụ trợ. Khi bỏ thang thuốc có 8 vị thuốc vào siêu, đổ 3 chén nước sắc thuốc đun sôi cạn còn 8 phân. Trong chén thuốc 8 phân này có vị thuốc chính hoà lẫn 7 vị thuốc phụ kia, khi uống thuốc vào cùng một lúc, không thể phân biệt vị thuốc nào trước, vị thuốc nào sau.
Cũng như vậy, bát-chánh-đạo có 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định gồm có phần thiền-tuệ, phần giới, phần thiền-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, đồng thời cùng một lúc không trước không sau thuộc về pháp-thành Phật-giáo (paṭivedhadhamma).
Tuy nhiên trong bát-chánh-đạo có 3 chánh là chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng đó là 3 tâm-sở: Chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở nếu đồng sinh với đại-thiện-tâm thì thuộc loại aniyatayogī-cetasika: Bất-định tâm-sở không chắc chắn, khi thì đồng sinh, khi thì không đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, và 3 tâm-sở này còn thuộc loại nānākadācicetasika: Bất-định tâm-sở riêng rẽ đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, bởi vì mỗi tâm-sở này có mỗi đối-tượng khác nhau.
Nhưng nếu 3 tâm-sở: Chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với siêu-tam-giới-tâm thì thuộc loại niyata ekatocetasika: Cố-định tâm-sở chắc chắn đồng sinh với nhau trong 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
Cho nên, bát-chánh-đạo gồm đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.