Chánh-Niệm, Trí-Tuệ Tỉnh-Giác

2 pháp chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác (satisampajañña) đóng vai trò chủ-thể chính yếu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

* Sati: Niệm là niệm tâm-sở (saticesika) đồng sinh với 59 tâm hoặc 91 tâm đó là 8 đại-thiện-tâm + 8 đại-quả-tâm + 8 đại-duy-tác-tâm + 15 sắc-giới-tâm + 12 vô-sắc-giới-tâm + 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm (trừ 12 bất-thiện-tâm và 18 vô-nhân-tâm) ghi nhớ 6 đối-tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

* Sati trong pháp-hành tứ-niệm-xứ gọi là sammāsati: Chánh-niệm trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, Đức-Phật thuyết giảng rằng:

“Katamā ca bhikkhave, sammāsati?…”

– Này chư tỳ-khưu! Thế nào gọi là chánh-niệm?

– Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, tỳ-khưu:

1- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong phần thân-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

2- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong phần thọ-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

3- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tâm trong phần tâm-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

4- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong phần pháp-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

– Này chư tỳ-khưu! Như vậy, gọi là chánh-niệm.

Đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp của pháp-hành tứ-niệm-xứ có nghĩa là gì?

Theo Chú-giải Pāḷi giảng giải rằng:

* Kāyo’va atthi: Thân chỉ là sắc-thân mà thôi. Sắc-thân thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Vedanā’va atthi: Thọ chỉ là thọ mà thôi. Thọ tâm-sở thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Cittaṃ’va atthi: Tâm chỉ là tâm mà thôi. Tâm thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Dhammo’va atthi: Pháp chỉ là pháp mà thôi. Pháp thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ là sắc-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong thọ-niệm-xứ là danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ danh-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ tâm trong tâm-niệm-xứ là danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ,v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ danh-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong pháp-niệm-xứ là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không còn biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không còn biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.

Sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác

Trí-tuệ đó là paññācetasika: Trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm đó là 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ + 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ + 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ + 15 sắc-giới-tâm + 12 vô-sắc-giới-tâm + 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, biết 6 đối-tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Trí-tuệ gọi là trí-tuệ tỉnh-giác (sampajañña) đóng vai trò chính yếu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp, bởi vì trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ 4 pháp theo tuần tự như sau:

1- Sātthaka sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ lợi và bất lợi.

2- Sappāya sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ thuận lợi và bất thuận lợi.

3- Gocara sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ biết đối-tượng và không biết đối-tượng.

4- Asammoha sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

4 pháp trí-tuệ tỉnh-giác này hỗ trợ chính cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt. 

Nhân-duyên phát sinh chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác

Tất cả các pháp phát sinh đều do nhân-duyên, chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác phát sinh cũng do nhân-duyên.

Vậy, do nhân-duyên nào để cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác phát sinh?

Trong bài kinh Avijjāsutta Đức-Phật thuyết giảng đọan nhân quả liên hoàn tuần tự như sau:

“Thường được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, mới lắng nghe chánh-pháp được đầy đủ.

– Có lắng nghe chánh-pháp được đầy đủ, mới có đức-tin được đầy đủ.

– Có đức-tin được đầy đủ, mới có yonisomanasikāra được đầy đủ.

– Có yonisomanasikāra được đầy đủ, mới có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ.

– Có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ, mới có thu thúc giữ gìn lục căn được đầy đủ.

– Có thu thúc, giữ gìn lục căn được đầy đủ, mới có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ.

– Có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ, mới có tứ-niệm-xứ được đầy đủ.

– Có tứ-niệm-xứ được đầy đủ, mới có thất-giác-chi được đầy đủ.

– Có thất-giác-chi được đầy đủ, mới có trí-minh (vijjā) Thánh-đạo-tuệ và giải-thoát (vimutti) Thánh-quả-tuệ được đầy đủ.”

Đọan kinh trên đây “có yonisomanasikāra được đầy đủ, mới có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ”.

Vậy, yonisomanasikāra là pháp như thế nào?

Ý nghĩa yonisomanasikāra

Yonisomanasikāra có 3 từ ghép là: Yoniso + manasi + kāra

– Yoniso: Với trí-tuệ.

– Manasi: Trong tâm.

– Kāra: Sự làm nghĩa là sự hiểu biết.

Yonisomanasikāra là sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới là:

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-thường (anicca).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-ngã (anattā).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái-bất-tịnh (asubha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là bất-tịnh (asubha).

Yonisomanasikāra là sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh trong tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, làm nhân-duyên phát sinh chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác hỗ trợ chính cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Tính chất đặc biệt của yonisomanasikāra

* Yonisomanasikāra là 1 trong 4 chi pháp để trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, như trong bài kinh Sotāpattiyaṅga-sutta Đức-Phật dạy 4 chi pháp để trở thành bậc Thánh Nhập-lưu như sau:

“1- Sappurisasaṃseva: Sự gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo.

2- Saddhammassavana: Sự lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí.

3- Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng theo 4 trạng-thái của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới.

4- Dhammānudhammapaṭipatti: Sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ hướng đến chứng đắc 9 siêu-tam-giới-pháp: 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”

Như vậy, muốn trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, hành-giả cần phải có đầy đủ 4 chi pháp này.

Yonisomanasikāra là chi pháp quan trọng hỗ trợ thực-hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ, để hướng đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Yonisomanasikāra là pháp hỗ trợ hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭi-padā) diệt tham-tâm và sân-tâm, bởi vì nhờ yoniso-manasikāra nên ngăn chặn được tham-tâm và sân-tâm không phát sinh trong mọi đối-tượng thiền-tuệ.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng oai-nghi ngồi, có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi ấy là sắc-ngồi (không phải ta ngồi), nên tham-tâm không phát sinh. Dù khi phóng-tâm là danh-pháp phát sinh, nhưng sân-tâm vẫn không phát sinh.

Đó là do nhờ yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết sắc-ngồi có trạng-thái vô-ngã, nên tham-tâm không phát sinh; dù khi phóng-tâm là danh-pháp phát sinh, cũng có trạng-thái vô-ngã, nên sân-tâm vẫn không phát sinh.

Cũng như trên, khi oai-nghi ngồi là sắc-ngồi phát sinh thọ khổ, sắc-ngồi khổ (không phải ta khổ), sân-tâm không hài lòng không phát sinh.

Hành-giả cần phải thay đổi oai-nghi ngồi cũ sang oai-nghi đi mới là sắc-đi, để làm giảm bớt thọ khổ của oai-nghi ngồi cũ. Dù khi thay đổi oai-nghi đi mới cho bớt khổ, tham-tâm hài lòng vẫn không phát sinh.

Đó là do nhờ yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết, dù thay đổi đối tượng nào chánh-niệm trí tuệ tỉnh giác vẫn theo dõi đối tượng ấy một cách tự nhiên.

Cho nên, yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hỗ trợ cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo diệt-từng-thời được tham-tâm và sân-tâm.

* Yonisomanasikāra còn là pháp hỗ trợ cho mọi thiện pháp, kể từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới-thiện-pháp.

Ý nghĩa ayonisomanasikāra

Trái ngược với yonisomanasikāra là ayonisomanasi-kāra có 3 từ ghép là:

Ayoniso + manasi + kāra

– Ayoniso: Do si-tâm.

– Manasi: Trong tâm.

– Kāra: Sự làm nghĩa là sự biết.

Ayonisomanasikāra là sự biết trong tâm do si-tâm biết sai lầm trong 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới là:

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì do si-tâm biết sai lầm cho là thường (nicca).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì do si mê biết sai lầm cho là lạc (sukha).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì do si-tâm biết sai lầm cho là ngã (attā).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái-bất-tịnh (asubha) thì do si-tâm biết sai lầm cho là tịnh (subha).

Ayonisomanasikāra là sự biết trong tâm do si-tâm biết sai lầm trong 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh, nên làm nhân-duyên phát sinh pháp-đảo-điên (vipallāsa).

Pháp-đảo-điên có 3 loại:

1- Tưởng-đảo-điên (saññāvipallāsa): Tưởng sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”.

2- Tâm-đảo-điên (cittavipallāsa): Tâm biết sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”.

3- Tà-kiến-đảo-điên (diṭṭhivipallāsa): Tà-kiến thấy sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”. Như vậy, pháp-đảo-điên có 3 pháp nhân với 4 điều sai lầm (thường, lạc, ngã, tịnh) gồm có 12 pháp-đảo-điên này làm nhân-duyên phát sinh mọi tham-ái, mọi phiền-não tuỳ theo đối-tượng, làm che phủ mọi thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên chỉ có yonisomanasi-kāra, trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, mới ngăn chặn được 12 pháp-đảo-điên ấy mà thôi. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app