Pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ

Pháp-hành tứ-niệm-xứ có 4 đối-tượng là thân, thọ, tâm, pháp đó là sắc-pháp, danh-pháp, là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ, là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, không có ngoài Phật-giáo, cho nên, pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành duy nhất dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vấn: Tại sao đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma)?

Đáp: Chế-định-pháp (paññattidhamma) là pháp không có thật-tánh, không có sự sinh, sự diệt, không có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ không thuộc về chế-định-pháp (paññatti-dhamma) được.

* Chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp mà không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma) được.

Tứ-niệm-xứ có 4 pháp:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm, gồm có 14 đối-tượng thuộc về sắc-pháp.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm, có 1 đối-tượng chia ra 9 loại thọ thuộc về danh-pháp.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm, có 1 đối-tượng chia ra 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm, gồm có 5 đối-tượng thuộc về sắc-pháp, danh-pháp.

Như vậy, thân, thọ, tâm, pháp gồm có 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc các sắc-pháp, các danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma).

Thật ra, trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc trong các đối-tượng sắc-pháp, các đối-tượng danh-pháp của pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả khó biết được đối-tượng nào là đối-tượng phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ ban đầu cho được thuận lợi, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả cần phải nên học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, mọi đối-tượng danh-pháp của pháp-hành thiền-tuệ, rồi thực-hành thử nghiệm mỗi đối-tượng để biết kết quả ban đầu.

Nếu hành-giả xét thấy đối-tượng ấy phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình thì tiếp tục thực-hành đối-tượng ấy, để dẫn đến kết quả cuối cùng theo ý nguyện mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Để thực-hành đúng theo pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả cần phải nên học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta và Chú-giải của bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā trong Trường-bộ-kinh (Dīghanikāya), phần Mahāvagga-pāḷi và Trung-bộ-kinh (Majjhimanikāya), phần Mūla-paṇṇāsapāḷi và bộ Chú-giải (Aṭṭhakathā) của bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, để làm nền tảng căn bản của pháp-hành tứ-niệm-xứ.

Và hành-giả còn cần phải học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bộ Visuddhimagga: Thanh-tịnh-đạo và bộ Visuddhi-maggamahāṭīkā: Thanh-tịnh-đạo Phụ-chú-giải làm nền tảng căn bản của pháp-hành thiền-tuệ, để hành-giả hiểu biết cách thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.

Nhận xét về 21 đối-tượng trong tứ-niệm-xứ

Trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, đối-tượng nào cũng có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Trong 21 đối-tượng ấy đều là những đối-tượng vô cùng vi-tế và vô cùng sâu sắc, bởi vì thật-tánh của mỗi đối-tượng đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma), không phải chế-định-pháp (paññattidhamma).

Danh từ ngôn-ngữ gọi mỗi đối-tượng ấy tuy là chế-định-pháp (paññattidhamma) nhưng thuộc về vijjamāna-paññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định có thật-tánh-pháp hiện hữu làm nền tảng, mà thật-tánh thật sự đó là mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp hoàn toàn không phải danh từ ngôn-ngữ chế định nào cả.

Cho nên, thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, mà thân thuộc về sắc-pháp, thọ và tâm thuộc về danh-pháp, còn pháp thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Như vậy, đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ và đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có khác nhau về danh từ ngôn-ngữ mà thôi, còn thật-tánh của đối-tượng thuộc về chân-nghĩa-pháp là hoàn toàn giống nhau.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ chỉ có đối-tượng là thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà thôi, bởi vì chỉ có đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mới có thật-tánh có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Còn chế-định-pháp thuộc về danh từ ngôn ngữ thì hoàn toàn không có thật-tánh, không có sự sinh, sự diệt, không có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên không thể làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ, cũng không thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không thể giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app