Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

PHÁP-HÀNH-THIỀN-TUỆ

(VIPASSANĀBHĀVANĀ)

Chương IX: Bhāvanā: Pháp-hành thiền của bộ Nền-Tảng Phật-Giáo có 2 quyển: 

– Quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định đã được trình bày xong, tiếp theo:

– Quyển X: Pháp-Hành Thiền-Tuệ 

* Pháp-hành thiền-tuệ (Vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Pháp-hành thiền-tuệ có từ khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, và giáo pháp của Đức-Phật còn đang lưu truyền trên thế gian, do nhờ các hàng thanh-văn đệ-tử trí-tuệ của Đức-Phật, đã cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo và theo thực-hành pháp-hành Phật-giáo, nhất là thực-hành pháp-hành thiền-tuệ. 

Theo các Chú-giải, Phật-giáo chỉ được tồn tại trên thế gian khoảng 5.000 năm mà thôi, đến nay thời gian đã trải qua 2.562 năm, Phật-giáo chỉ còn 2.438 năm. 

Giáo pháp của Đức-Phật sẽ bị suy đồi, bị tiêu hoại dần dần theo thời gian, bởi vì các hàng thanh-văn đệ-tử không có khả năng trí-tuệ giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo nữa, cho nên, pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) sẽ bị suy đồi, sẽ bị tiêu hoại trước. 

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng trong Phật-giáo.

Vì vậy, pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành vô cùng vi-tế, sâu sắc, khó hiểu về phần pháp-học lại càng khó thực-hành đúng về phần pháp-hành thiền-tuệ.

Sở dĩ phần pháp-học của pháp-hành thiền-tuệ khó hiểu, là vì những danh từ ngôn-ngữ chế-định (vijjamāna-paññatti) sắc-pháp, danh-pháp có thật-tánh-pháp. Song thật-tánh-pháp (sabhāvadhamma) của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), hoàn toàn không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định.

Phần pháp-học này cốt yếu là để hiểu biết, phân biệt trạng-thái, tính chất của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, cho nên phần pháp-học này là điều thiết yếu đầu tiên đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Phần thực-hành pháp-hành thiền-tuệ lại càng khó hơn, bởi vì các đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp hoặc thật-tánh-pháp (sabhāvadhamma), hoàn toàn không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định.

Định Nghĩa Vipassanā

“Rūpādi ārammaṇesu paññattiyā ca niccasukha atta-subhasaññāya ca visesena nāmarūpabhāvena vā aniccādi ākārena vā passatī’ti vipassanā.”

Định nghĩa có 2 phần:

– Phần đầu là:

“Rūpādi ārammaṇesu paññattiyā visesena nāmarūpa-bhāvena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ các đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tiếp xúc nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), thoát ra khỏi 2 loại chế-định-pháp (paññattidhamma): Ý-nghĩa chế-định (atthapaññatti) và danh-từ chế-định (saddapaññatti).

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

– Phần sau là:

“Rūpādi ārammaṇesu nicca-sukha-atta-subha-saññāya visesena aniccādi ākārena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ các đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tiếp xúc nhãn, nhĩ, tỷ thiệt, thân, ý đều là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng, hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh, nên diệt được tưởng đảo-điên (saññāvipallāsa), tâm đảo-điên (cittavipallāsa), tà-kiến đảo-điên (diṭṭhivipallāsa), cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

Hoặc

“Pañcakkhandhesu vividhena aniccādi ākārena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn sinh rồi diệt, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh.

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa), có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

Phần giảng giải

Sắc-pháp, danh-pháp là những pháp nào?

* Sắc-pháp: Rūpadhamma là pháp bị huỷ hoại do sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… Sắc-pháp có 28 pháp.

Mỗi người bình thường không bệnh tật có đầy đủ 27 sắc-pháp.

– Nếu là người nam thì trừ sắc-nữ-tính.

– Nếu là người nữ thì trừ sắc-nam-tính.

– Nếu người nào bị mù mắt, bị tai điếc, v.v… thì trừ sắc-pháp liên quan đến bệnh tật của người ấy.

Sắc-pháp là sắc-uẩn (rūpakkhandha).

* Danh-pháp: Nāmadhamma là pháp hướng tâm biết các đối-tượng. Danh-pháp đó là tâm với tâm-sở.

– Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

– Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở.

– Tâm có 89 hoặc 121 tâm thuộc về thức-uẩn.

– Tâm-sở có 52 tâm-sở với 4 trạng-thái:

– Đồng sinh với tâm (ekuppāda).

– Đồng diệt với tâm (ekanirodha).

– Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana).

– Đồng nơi sinh với tâm (ekavatthuka).

– Thọ tâm-sở đồng sinh với tâm thuộc về thọ-uẩn.

– Tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm thuộc về tưởng-uẩn.

– 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm thuộc về hành-uẩn.

Như vậy, mỗi tâm nào phát sinh, chắc chắn có một số tâm-sở đồng sinh, đồng diệt, đồng đối-tượng, đồng nơi sinh với tâm ấy.

Trong mỗi tâm đều có đầy đủ 4 uẩn:

– Thọ tâm-sở (vedanācetasika) đồng sinh với tâm thuộc về thọ-uẩn (vedanākkhandha).

– Tưởng tâm-sở (saññācetasika) đồng sinh với tâm thuộc về tưởng-uẩn (saññākkhandha).

– Số tâm-sở còn lại (trừ thọ và tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm thuộc về hành-uẩn (saṅkhārakkhandha).

– Tâm (citta) ấy thuộc về thức-uẩn (viññāṇakkhandha).

* Vatthurūpa sắc-pháp là nơi sinh của tâm với tâm-sở thuộc về sắc-uẩn.

Sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn đều thuộc về chân-nghĩa-pháp, là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp là pháp chân-thật, có thật-tánh bất biến thể theo thời gian và không gian, nghĩa là chân-nghĩa-pháp nào đã phát sinh trong thời quá-khứ như thế nào thì chân-nghĩa-pháp ấy đang phát sinh trong thời hiện-tại và sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng như thế ấy, thật-tánh không hề biến thể.

Chân-nghĩa-pháp nào phát sinh nơi chúng-sinh này, ở nơi này như thế nào, thì chân-nghĩa-pháp ấy phát sinh nơi chúng-sinh kia, ở nơi kia cũng như thế ấy, thật-tánh không hề biến thể. Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp có 4 pháp:

1- Citta: Tâm có trạng-thái biết đối-tượng. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

2- Cetasika: Tâm-sở có trạng-thái luôn luôn nương nhờ nơi tâm với 4 trạng-thái: Đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm. Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở.

Tâm và tâm-sở thuộc về danh-pháp.

3- Rūpadhamma: Sắc-pháp có trạng-thái bị huỷ hoại bởi sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp.

Tâm, tâm-sở, sắc-pháp đều thuộc về pháp hữu-vi (saṅkhatadhamma).

4- Nibbāna: Niết-bàn có trạng-thái tịch tịnh, vắng lặng mọi phiền-não và ngũ-uẩn, an-lạc tuyệt đối.

Niết-Bàn là pháp vô-vi (asaṅkhatadhamma) thuộc về danh-pháp đặc biệt, hoàn toàn khác với danh-pháp: Tâm và tâm-sở.

Chế-định-pháp là những pháp nào?

Paññattidhamma: Chế-định-pháp là danh từ ngôn-ngữ do con người chế định, đặt ra để gọi, diễn tả cho người khác hiểu biết được.

Chế-định-pháp cần phải nương nhờ nơi chân-nghĩa-pháp, để chế định ra ý nghĩa, hình dạng, … rồi chế định đặt ra danh từ ngôn-ngữ gọi ý nghĩa, hình dạng,… ấy.

Paññattidhamma: Chế-định-pháp có 2 pháp:

– Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng, … chế định.

– Saddapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định.

1- Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng, … chế định cho biết được sự khác biệt của mỗi pháp, mỗi đối-tượng, có rất nhiều loại. Ví dụ:

– Nương nhờ nơi tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) kết dính liền lại với nhau trở thành khối có hình dạng khác nhau như: Mặt đất bằng, núi cao, sông dài, biển rộng, v.v…

2- Saddapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định đặt ra danh từ ngôn-ngữ gọi, diễn tả làm cho người nghe biết được ý nghĩa, hình dạng của atthapaññatti ấy và hiểu biết được ý nghĩa của atthapaññatti ấy.

Mỗi ngôn ngữ có danh từ nói, gọi khác nhau, nếu biết ngôn ngữ thì hiểu được ý nghĩa của atthapaññatti ấy.

Saddapaññatti hoặc nāmapaññatti

Saddapaññatti hoặc nāmapaññatti có 6 loại:

1- Vijjamānapaññatti.

2- Avijjamānapaññatti.

3- Vijjamānena avijjamānapaññatti.

4- Avijjamānena vijjamānapaññatti.

5- Vijjamānena vijjamānapaññatti.

6- Avijjamānena avijjamānapaññatti.

Giảng giải

1- Vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp (nāmapaññatti) có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) làm nền tảng.

Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp có 4 pháp là:

– Citta: Tâm có 89 hoặc 121 tâm.

– Cetasika: Tâm-sở có 52 tâm-sở.

– Rūpadhamma: Sắc-pháp có 28 sắc-pháp.

– Nibbāna: Niết-bàn có 2 hoặc 3 loại.

Như vậy, danh từ ngôn-ngữ gọi citta: Tâm, cetasika: Tâm-sở, rūpadhamma: Sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn không phải là chân-nghĩa-pháp, mà chỉ là chế-định-pháp thuộc về vijjamānapaññatti mà thôi.

Vậy, citta: Tâm, cetasika: Tâm-sở, rūpadhamma: Sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn là thật-tánh chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) như thế nào?

– Trạng-thái biết đối-tượng là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của citta: Tâm.

– Trạng-thái đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm, hoặc trạng-thái của mỗi tâm-sở là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của cetasika: Tâm-sở.

– Trạng-thái huỷ hoại bởi sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của rūpa-dhamma: Sắc-pháp.

– Trạng-thái tịch tịnh, vắng lặng mọi phiền-não và ngũ-uẩn, an-lạc tuyệt đối là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của Nibbāna: Niết-bàn.

Như vậy, thật-tánh của mỗi chân-nghĩa-pháp không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định mà là trạng-thái của mỗ i chân-nghĩa-pháp.

Để phân biệt sự khác nhau của mỗi chân-nghĩa-pháp, cần phải học hỏi 4 pháp trong lakkhaṇacatukka: Lakkhaṇa, rasa, paccupaṭṭhāna, padaṭṭhāna của mỗi chân-nghĩa-pháp.

2- Avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Mặt đất, cái nhà, chiếc xe, con người, người nam, người nữ, con voi, v.v…là những danh từ ngôn-ngữ không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

3- Vijjamānena avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Chaḷabhiñño, tevijjo, paṭisambhidappatto, sotāpanno, v.v…. những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi này ám chỉ rằng: Chaḷabhiññapuggala, tevijjapuggala, paṭisam-bhidappattapuggala, sotāpannapuggala.

– Chaḷabhiññapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc lục-thông (6 abhiññācitta).

– Tevijjapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc tam-minh (3 vijjāñāṇa).

– Paṭisambhidappattapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc tứ-tuệ paṭisambhidā (4 paṭisambhidāñāṇa).

– Sotāpannapuggala: Bậc Thánh-Nhập-lưu (Sotāpatti-phalacitta), v.v…

Những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi chế-định-pháp cha-ḷabhiñño, v.v… này có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với puggala (người) không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là vijja-mānena avijjamānapaññatti.

4- Avijjamānena vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Itthisaddo: Âm thanh đàn bà, suvaṇṇavaṇṇo: Màu vàng, pupphagandho: Mùi hương hoa, v.v…

Danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi Itthi: Đàn bà, suvaṇṇa: Vàng, puppha: Cái hoa, … là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng; với danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi saddo: Âm thanh, vaṇṇo: Màu sắc, gandho: Mùi hương,… là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là avijjamānena vijjamānapaññatti.

5- Vijjamānena vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm là thức-tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-tịnh-sắc, cakkhusamphassa: Nhãn xúc là xúc tâm-sở đồng sinh với nhãn-thức-tâm, v.v…

Danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi cakkhu đó là cakkhu-pasāda: Nhãn-tịnh-sắc, viññāṇa đó là citta: Tâm; phassa đó là phassacetasika: Xúc tâm-sở, … đều là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là vijjamānena vijjamānapaññatti.

6- Avijjamānena avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Rājaputto: Hoàng tử của Đức vua, seṭṭhi-bhariyā: Phu nhân của phú hộ, jeṭṭhabhaginī: Chị cả, v.v… Những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi Rāja: Đức vua, putto: Hoàng tử; seṭṭhi: Phú hộ, bhariyā: Phu nhân; jeṭṭha: Lớn, cả, bhaginī: Chị, v.v… đều là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là avijjamānena avijjamāna-paññatti.

Paññattidhamma với paramatthadhamma

* Paññattidhamma: Chế-định-pháp luôn luôn nương nhờ nơi chân-nghĩa-pháp để chế định ra danh từ ngôn-ngữ gọi, nói chuyện, v.v…

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp nương nhờ chế-định-pháp (paññattidhamma) để hiểu biết, phân biệt trạng-thái của mỗi chân-nghĩa-pháp.

Trong mỗi đối-tượng có thể phân biệt về chế-định-pháp và chân-nghĩa-pháp.

Ví dụ: “Con người” được phân biệt về chế-định-pháp và chân-nghĩa-pháp như sau:

* Paññattidhamma: Chế-định-pháp

– Danh từ ngôn-ngữ gọi “con người” thuộc về saddapaññatti hoặc nāmapaññatti.

– Hình dạng toàn thân thể con người thuộc về atthapaññatti, thuộc về paññattidhamma: Chế-định-pháp.

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp

-“Con người” có đủ ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn), có 2 pháp là sắc-pháp và danh-pháp.

-“Con người” có đầy đủ 6 thức (nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm).

-“Con người” có đầy đủ 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), v.v… thuộc về chân-nghĩa-pháp.

– Tất cả ý nghĩa, hình dạng của các pháp có sinh mạng và không có sinh mạng, … thuộc về atthapaññatti.

– Tất cả danh từ của các loại ngôn ngữ đều thuộc về saddapaññatti hoặc nāmapaññatti.

– Tất cả thật-tánh của sắc-pháp và danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp không hiện rõ do nguyên nhân nào?

Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp vốn có thật hiển nhiên, nghĩa là sắc-pháp, danh-pháp có sự sinh, sự diệt, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh.

Thế mà, khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không thấy rõ, biết rõ được thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp; không thấy rõ, biết rõ được sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; không thấy rõ, biết rõ được trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, bởi vì vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, do tham-ái (taṇhā) lôi cuốn theo đối-tượng ngũ dục: Sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, nên say mê trong các đối-tượng ấy.

Vì vậy, hành-giả biết sai, thấy sai, tưởng sai chấp lầm đảo ngược với thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên gọi là vipallāsa: Pháp-đảo-điên như sau:

– Saññāvipallāsa: Tưởng đảo-điên tưởng sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Cittavipallāsa: Tâm đảo-điên biết sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Diṭṭhivipallāsa: Tà-kiến đảo-điên thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường (nicca), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là lạc (sukha), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là ngã (atta), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là tịnh (subha), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh; làm cho chúng-sinh say mê trong sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn bên trong của mình, và ngũ-uẩn bên ngoài mình, của người khác; nên không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh.

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành mà hành-giả thực-hành để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, mới diệt được 3 pháp-đảo-điên là tưởng đảo-điên, tâm đảo-điên, tà-kiến đảo-điên nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh, diệt vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, diệt tham-ái (taṇhā) trong các đối-tượng ngũ dục.

Pháp-hành thiền-tuệ chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app