ĐỊNH NHƯ CÂY CỐT XE
Trong cái xe có cây cốt để xỏ vào hai bánh xe mới lăn đi không xiên xẹo nghiêng qua bên này bên kia được, cũng như trong Pháp xa có thiền định ví như cây cốt để xỏ vào hai bánh là tinh tấn cho dính với chiếc xe là Bát chánh đạo mới có thể lăn đi ngay đến Niết-bàn, và kềm tâm không có xu hướng theo con đường khổ hạnh hay dung dưỡng.
Tiếng nói định nghĩa là pháp dùng để thiêu đốt các pháp đối phương nhất là năm pháp che lấp (nivarana). Định có hai cách là: cận định (upacārajjhāna) và nhập định (appanājhāna).
Giải rằng: khi hành giả chọn một đề mục tham thiền nào trong 40 đề mục; như lấy đề mục về tử thi đang sình có mủ máu chảy phía trên phía dưới mà niệm: “Vipubbakaṃ paṭikulaṃ: tử thi có mủ chảy ghê gớm lắm” chỗ tâm lấy tử thi làm cảnh giới để niệm gọi là “parikamma nimitta – để niệm cảnh” khi hành giả nhìn kỹ tử thi mà niệm như câu Pāli phía trên cho đến khi nhắm mắt lại cũng thấy rõ y như lúc mở mắt lúc ấy gọi là “uggaha nimitta – đắc lực cảnh” là ấn tượng mình học đã phát sanh lên rõ rệt trong tâm, khi ấy hành giả lìa ra khỏi chỗ tử thi ấy tìm nơi thanh vắng ngồi day mặt về hướng tử thi, gom thâu hết tinh thần nhớ lại “đắc lực cảnh” mình đã thấy rồi niệm luôn câu Phạn như trên cho đến khi “paṭibhāga nimitta – bình tĩnh cảnh” phát sanh lên thấy rõ tử thi yên lặng như người nằm ngủ êm đềm, lúc ấy năm pháp che lấp cũng yên lặng theo, năm chi thiền định cũng phát sanh lên rõ rệt, nhưng không đủ lực lượng, khi thì tâm nương dựa níu lấy cảnh giới khi thì rớt ra, đứng níu vững lấy cảnh giới không lâu, ví như đứa bé mới biết đứng chựng người mẹ đỡ lên cho đứng không bao lâu lại té xuống, mãi như thế, chỗ này tâm đã vào cảnh “cận định” khi đã được “cận định” rồi thì ráng gìn giữ ấn tượng ấy đừng cho mất và luôn luôn siêng năng chú tâm niệm theo ấn tượng “bình tĩnh cảnh” ấy cho đến khi tâm phát sanh lên mạnh mẽ có thể đè nén cảnh dục để xông vào cảnh sắc tùy theo người huệ chậm (dandābhiññā) hay là huệ mau (khippabhiññā). Như người huệ chậm thì có năm tốc lực tâm còn huệ mau thì có bốn tốc lực10 khi ấy tâm đã “nhập định”.
Có thể định trong một ngày một đêm được, ví như người lớn có đủ sức khỏe khi đứng dậy làm công việc, có thể đứng luôn trong một ngày hoặc một đêm cũng đặng.
Thiền định này còn chia ra làm hai hạng là phàm định và thánh định. Phàm định (lokiyajhāna) là tâm hành giả nhập định như đã giải nhưng không có diệt trừ được phiền não nào chỉ có năng lực đè nén các thứ phiền não, nhất là năm pháp che lấp: trong lúc nhập định, khi xả định ra rồi thì phiền não ấy lại chậm rãi mọc lên ví như tấm đá thật to đè tạm trên cỏ không cho mọc lên được, nếu khi dỡ tảng đá ấy ra thì cỏ cũng có thể mọc lên vì chưa dứt gốc rễ. Hành giả nếu lúc nhập định mà năm tốc lực tâm thuộc về “lạc cảnh” thì hành giả đắc về “loại tứ thiền” (cattunaya). Còn như lúc nhập định mà tâm về “xả cảnh” thì đắc “loại ngũ thiền” (pañcakanaya), hai loại thiền này thuộc về “phàm định”. Còn thánh định (lokuttarajhāna) là khi hành giả niệm “minh sát tuệ” đến lúc gần đắc đạo thì tốc lực tâm thứ 2 và 3 có thể diệt trừ ái dục phiền não theo thứ tự cho đến tốc lực tâm thứ 4 có thể đưa tâm hành giả qua ranh giới thánh đức và chỉ cho tâm thấy rõ Niết-bàn, kế đó tốc lực đạo tâm phát sanh lên một lần rồi tắt đi để chỗ cho “tốc lực quả tâm” phát sanh lên hai lần hay là ba lần (tùy theo huệ chậm hay mau), rồi mới sa vào chỗ “tâm trú” (bhavanga). Nếu bốn tốc lực tâm dẫn đầu thuộc về “lạc huệ cảnh” thì hành giả đắc loại “tứ thiền về thánh định”. Còn nếu bốn tốc lực tâm đầu mà thuộc về “xả huệ cảnh” thì đắc “loại ngũ thiền về thánh định” nghĩa là tâm định vào các quả thánh tùy theo loại thiền mình nhập vào gọi là thánh định.
Định có hai thứ khác nữa là: định tâm vào cảnh giới (ārammaṇūpanijjhāna) là lấy đề mục của bát thiền làm cảnh giới cho tâm; định tâm vào đặc tánh (lakkaṇūpanijjhāna) là minh sát tuệ lấy đặc tánh của các pháp hữu vi là vô thường, khổ não và vô ngã mà niệm cho đến khi đắc đạo quả Niết-bàn, tâm trụ vào chơn tánh của pháp Niết-bàn ấy gọi là “đặc tánh định”.
Tất cả các loại thiền nhờ có “chi” (aṅga) để phân biệt. Như sơ thiền có năm chi là: tầm (vitakka), sát (vicāra), phỉ (piti), an (sukha), định (cittekaggatā). Nhị thiền bên “loại ngũ thiền” thì có bốn chi là sát, phỉ, an, định. Tam thiền có ba chi là: phỉ, an, định. Tứ thiền có hai chi là: an, định. Ngũ thiền có hai chi là: định và xả (upekkhā). Còn như định thuộc về “loại tứ thiền” thì sơ thiền cũng giống nhau chỉ khác nhị thiền thì có ba chi là: phỉ, an, định. Tam thiền có hai chi là: an, định. Tứ thiền cũng có hai chi là: định, xả.
Có một thí dụ cho hành giả dễ hiểu trong mỗi chi là: cũng như người thợ bạc làm cái ô, một tay cầm búa, một tay cầm cái ô (cái thân ô làm chưa xong) cho thật chắc để lên viên đe đập sửa cái ô cho thật kỹ, tay kia thì lăn đi lăn lại coi chỗ nào còn chưa đều đập sửa cho đều, mắt thì nhìn kỹ lưỡng coi chỗ nào chưa đều cứ xoay đi xoay lại đập sửa mãi cho thật tròn đều, rồi đánh bóng cho thật láng, khi thấy cái ô đã được bóng láng tốt đẹp, thì vui mừng thỏa thích rồi tâm lại khỏa khoắn an vui không còn lo nghĩ gì tới sự làm cái ô nữa chỉ có yên lặng mà thôi.
Ví cũng như hành giả tham thiền, tâm bắt đầu niệm (cột tâm) vào đề mục cho chắc chắn đừng cho tâm phóng túng đi đâu được cũng như người thợ tay cầm búa tay cầm cái ô cho thật chắc đừng cho rớt, gọi là tầm. Sát là quan sát niệm đề mục cho thật kỹ càng xem cho rõ rệt cũng như người thợ cầm cái ô lăn đi lăn lại, đập sửa cho tròn trịa và đánh bóng cho thật láng. Phỉ là tâm thỏa thích làm cho rởn ốc hoặc mát mẻ cả thân mình v.v… cũng như người thợ, khi đánh bóng cái ô xong cho thật láng rồi, thì vừa lòng thỏa thích, với việc mình đã làm ấy. An là yên tịnh khỏe khoắn cả thân tâm cũng như người thợ làm ô xong, thì tâm yên vui không còn bận rộn gì đến việc làm cái ô nữa. Định là trạng thái của tâm yên trụ vào một cảnh giới cũng như người thợ tâm yên lặng trung bình chỉ biết mình đã làm xong cái ô.
Khi hành giả nhập vào sơ định thì có đủ cả năm chi này, tâm lúc ấy không còn nhớ đến tình dục nữa, nên gọi là “diệt dục tưởng” (kāma saññā nirodha). Khi nào đã thuần thục trong sơ thiền do năm pháp thuần thục (vasī)11 rồi thì muốn niệm lên nhị thiền phải suy xét rằng: “Chi tầm và sát còn thô sơ bận rộn lắm lại gần năm pháp che lấp”, rồi chán nản không muốn có hai chi này nữa, lại suy xét đức tánh của ba chi trên là phỉ, an, định rất vi tế hơn, ráng chú tâm niệm ba chi ấy cho đến khi nào không cần tầm và sát nữa mà tâm vẫn nhập định được với ba chi kia là phỉ, an, định thì hành giả đã nhập vào nhị thiền (chỗ này gọi là tầm và sát diệt – vitakavicāra nirodha).
Hành giả nào mà nhập nhị thiền bỏ luôn được hai chi tầm và sát thì định ấy thuộc về bên “loại tứ thiền” (cattukkanaya).
Khi đã lão luyện năm pháp thuần thục trong nhị thiền rồi muốn niệm lên tam thiền thì phải suy xét rằng “Chi phỉ cũng còn thô sơ vì ở gần bên tầm và sát, chỉ có an và định thì vi tế nhỏ nhen hơn”, rồi cứ niệm lấy hai chi an và định cho đến khi nhập định được không còn phỉ nữa, chỉ có hai chi an và định, lúc ấy tâm đã nhập vào tam thiền (chỗ này gọi là phỉ diệt).
Khi đã thuần thục trong năm pháp vasī rồi, muốn niệm lên tứ thiền, phải suy xét rằng “Chi an cũng còn thô sơ vì gần phỉ, hễ có vui thì còn khổ, chỉ có tâm xả mới thiệt là quí báu cao thượng hơn, rồi niệm lấy tâm xả cho đến khi nhập định được, không còn có chi an nữa, chỉ có tâm xả và định mà thôi, lúc ấy tâm đã vào tứ thiền, chỗ này gọi là “hơi thở diệt” (assāsa passāsa nirodha), vì khi hành giả nhập tứ thiền rồi thì hơi thở ra vô không còn nữa.
Tất cả các cõi thiền này là pháp để thiêu đốt các pháp che lấp không cho chúng sanh thấy rõ con đường đi đến Niết-bàn như câu kệ ngôn rằng: “Natthi jhānaṃ apaññasa natthī paññā ajhāyino, yamhi jhānañca paññanca save nibbāna santike: thiền định không bao giờ có với người không trí tuệ; trí tuệ cũng không bao giờ có với người không có thiền định; người nào có thiền định và trí tuệ người ấy đã ở gần Niết-bàn vậy”.