PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9

TÍNH CỦA HÀNH GIẢ

Pháp-hành thiền-định có 40 đề-mục thiền-định, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, ban đầu nếu biết chọn được đề-mục thiền-định phù hợp với tính (carita) của mình, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ấy thì rất thuận lợi, để cho pháp-hành thiền-định dễ dàng phát triển tốt, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, tùy theo mỗi đề-mục thiền-định.

Trong bộ Visuddhimagga, bậc Tiền-bối phân chia tính của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định có 6 loại tính gốc căn bản như sau:

Tính của hành-giả có 6 tính gốc căn bản:

1- Tính-tham (rāgacarita).

2- Tính-sân (dosacarita).

3- Tính-si (mohacarita).

4- Tính-tín (saddhācarita).

5- Tính-giác (buddhicarita).

6- Tính-suy-diễn (vitakkacarita).

Thật ra, mỗi người có nhiều loại tính xen lẫn vào nhau, nhưng nếu người nào có tính nào thường hay phát sinh, dễ phát sinh hơn hết thì xem người ấy có tính ấy.

Ví dụ: Nếu người nào thường hay phát sinh tâm tham, dễ phát sinh tâm tham trong các đối-tượng tốt đẹp đáng hài lòng thì xem người ấy có tính-tham (rāgacarita).

Cho nên, phân chia 6 loại tính gốc căn bản của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, cốt yếu phân loại 40 đề-mục thiền-định, các đề-mục thiền-định nào phù hợp với tính gốc căn bản của mỗi hành-giả.

– Nếu hành-giả nào chọn đề-mục thiền-định nào phù hợp với tính của mình thì hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ấy rất thuận lợi, để cho pháp-hành thiền-định dễ dàng phát triển tốt.

– Nếu hành-giả nào chọn đề-mục thiền-định nào không phù hợp với tính của mình thì hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ấy không được thuận lợi, pháp-hành thiền-định khó phát triển được.

Tính (Carita) của mỗi hành-giả là điều khó xác định chính xác, bởi vì mỗi người có nhiều loại tính. Cho nên mỗi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định chọn cho mình một đề-mục thiền-định phù hợp với mình không phải là điều dễ dàng đâu!

Tính gốc căn bản có 6 loại tính, nếu phân loại tính chi tiết thì có 2 nhóm tính:

1- Suddhacarita: Tính thuần là tính xấu hợp với tính xấu, tính tốt hợp với tính tốt có 14 loại tính là rāgacarita, dosacarita, mohacarita, rāgadosacarita, rāgamoha-carita, dosamohacarita, rāgadosamohacarita, saddhā-carita, buddhicarita, vitakkacarita, saddhābuddhicarita, saddhāvitakkacarita, buddhivitakkacarita, saddhābuddhi-vitakkacarita.

2- Missakacarita: Tính tạp là tính xấu và tính tốt lẫn lộn với nhau có 49 loại tính là rāgasaddhācarita, rāga-buddhicarita, rāgavitakkacarita, rāgasaddhābuddhi-carita, rāgasaddhāvitakkacarita, v.v…

Để biết hành-giả nào thuộc loại bản tính nào, nên thực-hành đề-mục thiền-định nào cho phù hợp, thì chỉ có những bậc Thiền-sư có phép-tha-tâm-thông (cetopariya-ñāṇa) mà thôi. Ngoài ra, không có một ai có khả năng biết được người khác thuộc loại tính nào.

Tuy nhiên, trong bộ Visuddhimagga, chư bậc Tiền-bối dạy căn cứ vào 5 điều để phân biệt bản tính của hành-giả thuộc loại bản tính nào trong 6 bản tính gốc căn bản bằng câu kệ rằng:

Iriyāpathato kiccā, bhojnā dassanādito.

Dhammappavattito ceva, cariyāyo vibhāvaye.

Chư bậc thiện-trí biết phân biệt hành-giả có bản tính nào do căn cứ vào 5 điều là:

1- Iriyāpatha các oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, v.v…

2- Kicca công việc làm.

3- Bhojana các món ăn uống.

4- Dassanādi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, v.v…

5- Dhammappavatti các pháp thường ngày.

1- Người có tính-tham (rāgacarita)

Người có tính-tham (rāgacarita) là người dễ phát sinh tâm tham hơn các tâm khác, thường hay phát sinh tâm tham trở thành thói quen, nên gọi là người có tính-tham.

Người có tính tham thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi: Người có tính-tham (rāgacarita) trong 4 oai nghi như khi đi, bước đi khoan thai nhẹ nhàng; khi đứng, khi ngồi nghiêm chỉnh đàng hoàng; khi nằm, nằm trên chỗ sạch sẽ, sang trọng, thân hình nằm đàng hoàng.

Khi bị đánh thức, từ từ thức dậy, trả lời như người còn ngáp ngủ, …

Các oai nghi phụ khác cử động cũng đàng hoàng.

Trong Chú-giải Suttanipāta giải về tư thế đi của 4 hạng người như sau:

– Người có tính-tham nhón bàn chân đi nhẹ nhàng,

– Người có tính-sân đi kéo bàn chân.

– Người có tính-si đi nhấn gót bàn chân.

– Bậc không còn mọi phiền-não đi đạp bàn chân bằng phẳng.

2- Các công việc: Người có tính-tham khi làm công việc nào đều cố gắng tận tụy trong công việc ấy cho được hoàn thành tốt đẹp, có tính mỹ thuật cao.

3- Các món ăn uống: Người có tính-tham thích dùng những món ăn ngon miệng, khi ngồi ăn đàng hoàng, ăn uống thong thả, không vội vàng, thường thích những món ngon vật lạ miệng.

4- Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, … Người có tính-tham, mắt thích nhìn thấy những hình ảnh, cảnh vật xinh đẹp; tai thích nghe những âm thanh, tiếng hát hay; mũi thích ngửi những mùi hương thơm tho ngào ngạt; lưỡi thích nếm những vị ngon bổ; thân thích xúc giác chỗ êm ấm sang trọng, …

Người có tính-tham say mê trong các đối-tượng tốt, khi đối-tượng tốt ấy không còn nữa, cảm thấy tiếc.

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-tham thường phát sinh tâm tham được thể hiện là người xảo trá, người khoe khoang, người có ác tâm muốn làm ác, người muốn được người khác khen ngợi, tán dương ca tụng mình, người không hài lòng những gì mà mình đã có, … là người thích điểm trang những đồ trang sức quý giá, vv…

2- Người có tính-tín (Saddhācarita)

Người có tính-tín (saddhācarita) là người dễ phát sinh đức-tin hơn các tính khác, thường hay phát sinh đức-tin trở thành thói quen, nên gọi là là người có tính-tín.

Người có tính-tín thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi,

2- Các công việc,

3- Các món ăn uống,

4- Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác,… Người có tính-tín gần giống như người có tính-tham, nhưng chỉ có điều thứ 5 là các pháp thường ngày hoàn toàn khác hẳn với người có tính-tham như sau:

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-tín hoàn toàn khác hẳn với người có tính tham.

Người có tính-tín là người trung thực, không xảo trá, không khoe khoang, v.v…

Người có tính-tín là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, thích tạo mọi phước-thiện, hoan hỷ tạo phước-thiện bố-thí, có giới đức trong sạch, mong gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, mong nghe chánh-pháp của bậc thiện trí, có đại-thiện-tâm cung kính, lễ bái cúng dường cha mẹ, thầy tổ, tôn kính những bậc đáng tôn kính.

3- Người có tính-sân (dosacarita)

Người có tính-sân (dosacarita) là người dễ phát sinh tâm sân hơn các tâm khác, thường phát sinh tâm sân trở thành thói quen, nên gọi là người có tính-sân.

Người có tính-sân thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi: Người có tính-sân (dosacarita) trong 4 oai nghi như khi đi, bước đi nặng nề, dở bàn chân lên, rồi đạp bàn chân xuống mau lẹ, dáng đi vội vã; khi đứng, khi ngồi không nghiêm chỉnh; khi nằm, nằm trên chỗ không sắp đặt gọn gàng, thân hình nằm không đàng hoàng.

Khi bị đánh thức, vội vàng thức dậy, trả lời như người bực bội, …

Các oai nghi phụ cử động không đàng hoàng.

2- Các công việc: Người có tính-sân khi làm công việc đều vội vàng, dù có hoàn thành cũng không tốt đẹp.

3- Các món ăn uống: Người có tính-sân dùng món ăn cốt đỡ đói, no bụng là đủ. Món ăn có vị mặn, vị đắng, vị cay. Khi ngồi ăn không đàng hoàng, ăn miếng đồ ăn lớn, ăn uống vội vàng, khi gặp món ăn không thích dễ phát sinh tâm sân cau có.

4- Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác,… Người có tính sân mắt nhìn thấy những hình ảnh xấu, cảnh vật xấu; tai nghe những âm thanh, tiếng hát không hay; mũi ngửi những mùi hôi hám; lưỡi nếm vị dở, thân xúc giác chỗ thô cứng, dù những đối-tượng ấy có xấu chút đỉnh, cũng phát sinh tâm sân bực bội.

Dù những đối-tượng ấy có phần tốt, cũng không quan tâm đến phần tốt ấy. Những đối-tượng ấy bị mất, cũng không luyến tiếc.

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-sân thường phát sinh tâm sân được thể hiện là người hay giận hờn, người hay thù hận, hay quên ơn người khác, người có tính ganh tị tài đức của người khác.

4- Người có tính-giác (buddhicarita)

Người có tính-giác (buddhicarita) là người dễ phát sinh trí-tuệ hơn các tính khác, thường phát sinh trí-tuệ trở thành thói quen, nên gọi là người có tính-giác.

Người có tính-giác thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi, 2- các công việc, 3- các món ăn uống, 4- khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, … Người có tính-giác gần giống như người có tính-sân, nhưng chỉ có điều thứ 5 là các pháp thường ngày hoàn toàn khác hẳn với người có tính sân như sau:

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-giác hoàn toàn khác hẳn với người có tính-sân.

Người có tính-giác là người có đức-tính nhẫn-nại, không hay giận-hờn, không hay thù-hận, v.v…

Người có tính-giác là người dễ dạy, khi nghe người nào chỉ dạy đúng theo chánh-pháp, dù người ấy không phải là thầy, cha mẹ, thân quyến, bạn hữu,… cũng biết cung kính nghe và thực-hành theo lời dạy của người ấy.

Người có tính-giác là người biết tìm đến bậc thiện-trí làm bạn, mà không phân biệt dòng dõi, giai cấp, già trẻ, là người có trí-tuệ thấy rõ sự khổ sinh, lão, bệnh, tử, là người có sự tinh-tấn trong mọi thiện-pháp, để làm duyên lành cho sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

5- Người có tính-si (mohacarita)

Người có tính-si (mohacarita) là người dễ phát sinh tâm si hơn các tâm khác, thường phát sinh tâm si trở thành thói quen, nên gọi là người có tính-si.

Người có tính si thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi: Người có tính-si (mohacarita) trong 4 oai nghi như khi đi, bước đi dáng đi thẫn thờ như người mất trí, dở bàn chân lên, rồi đạp bàn chân xuống nặng gót chân; khi đứng, khi ngồi nghĩ lung tung như người mất trí; khi nằm, nằm trên chỗ không sắp đặt gọn gàng, thân hình nằm co quắp, phần đông thích nằm sấp.

Khi bị đánh thức, thức dậy chậm chạp, ngái ngủ, hoặc có trạng-thái ngáp ngủ, …

Các oai nghi phụ khác cử động chậm chạp.

2- Các công việc: Người có tính-si khi làm công việc nào dù tầm thường cũng được không kỹ càng, hoặc bỏ dở công việc, dù có hoàn thành công việc cũng không đạt yêu cầu.

3- Các món ăn uống: Người có tính-si dùng món ăn có vị không chắc chắn. Khi ngồi ăn không đàng hoàng, ăn miếng đồ ăn nhỏ, đồ ăn rơi rớt ra ngoài, vừa ăn vừa phóng-tâm chuyện này chuyện kia.

4- Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, … Người có tính-si mắt nhìn thấy những hình ảnh đẹp hoặc xấu, cảnh vật đẹp hoặc xấu thế nào, cũng không biết. Nếu nghe người ta khen đẹp thì cũng khen đẹp theo, nếu nghe người ta chê xấu thì cũng chê xấu theo.

Cũng như vậy, khi tai nghe những âm thanh, khi mũi ngửi những mùi, khi lưỡi nếm vị, khi thân xúc giác chỗ cứng hoặc mềm, người có tính-si vẫn không nhận thức được tốt xấu.

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-si là người thường hay phát sinh tâm hoài-nghi các pháp, hoài-nghi nơi Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, hoài-nghi nơi nghiệp và quả của nghiệp, là người thường hay nghĩ lung tung, phóng-tâm chuyện này, chuyện khác; là người thường hay buồn-chán, buồn-ngủ, hay có tính hối hận, đặc biệt là người khó dạy.

6- Người có tính-suy-diễn (vitakkacarita)

Người có tính-suy-diễn (vitakkacarita) là người dễ phát sinh tâm suy-diễn hơn các tính khác, thường suy-diễn trở thành thói quen, nên gọi là người có tính-suy-diễn.

Người có tính-suy-diễn thường thể hiện ra 5 điều:

1- Các oai nghi, 2- Các công việc, 3- ác món ăn uống, 4- Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, … Người có tính-suy-diễn gần giống như người có tính-si, nhưng chỉ có điều thứ 5 là các pháp thường ngày hoàn toàn khác hẳn với người có tính si như sau:

5- Các pháp thường ngày: Người có tính-suy-diễn hoàn toàn khác hẳn với người có tính-si.

Người có tính-suy-diễn hay nói nhiều, hay phóng-tâm, nói lung tung, là người thích chung chạ nhiều người, không thích bố-thí, giữ-giới, hành-thiền, tâm tính hay thay đổi, không vững tâm, khi thế này thế khác, ban đêm nghĩ thế này, đến ban ngày thay đổi thế khác, không biết nhận thức đúng sai.

Người có tính-suy-diễn là người hay nghĩ lung tung không có cơ sở.

Hành-giả với tính

Bộ Visuddhimagga: Thanh-tịnh-đạo cũng dạy rằng:

“Sự phân biệt hành-giả có tính nào do căn cứ vào 5 điều đã trình bày không có trong Tam-tạng Pāḷi, cũng không có trong các bộ Chú-giải Pāḷi (neva Pāḷiyaṃ na Aṭṭhakathāyaṃ āgataṃ), mà đó chỉ là 5 điều dạy của bậc Tiền-bối phân biệt hành-giả thuộc tính nào, rồi truyền dạy đề-mục thiền-định cho phù hợp với tính của hành-giả mà thôi.”

Tuy nhiên, căn cứ vào 5 điều ấy chỉ hỗ trợ một phần để xác định hành-giả bình thường thuộc tính nào mà thôi, nhưng thật ra, mỗi hành-giả không những chỉ có 1 tính gốc căn bản, mà còn có 2, 3, 4 tính khác lẫn lộn với nhau, cho nên căn cứ vào 5 điều ấy, để xác định hành-giả thuộc về tính nào là chưa đủ.

Hơn nữa, nếu hành-giả vốn là bậc thiện-trí, dù có tính xấu cũng có thể chế ngự tính xấu ấy không cho phát sinh do trí-tuệ sắc bén của vị ấy.

Cho nên, để biết rõ tính của hành-giả không phải việc dễ dàng. Vậy, chỉ có bậc chứng-đắc tha-tâm-thông (cetopariyañāṇa) mới có khả năng biết chính xác được tính của hành-giả mà thôi.

Nguyên nhân của mỗi tính

Phàm sinh ra làm người giống nhau, mà mỗi người mỗi tính khác nhau, thậm chí anh em, chị em, sinh đôi cùng cha mẹ, nhưng tính cũng hoàn toàn khác nhau.

Vấn: Do nguyên nhân nào mà mỗi người có tính khác nhau như vậy?

Đáp: Theo Phật-giáo, mỗi chúng-sinh đều do nghiệp riêng của họ (sabbe sattā kammassakā), thì mỗi người cũng có nghiệp riêng của mỗi người, cũng có quả của nghiệp riêng mỗi người, cho nên mỗi người có mỗi tính khác nhau.

Vấn: Do nguyên nhân nào mà mỗi người có tính khác nhau vậy?

Đáp: – Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, v.v… rồi phát sinh tâm tham-ái mong ước được giàu sang phú quý, danh thơm tiếng tốt, chức trọng quyền cao, quả báu cõi người, quả báu cõi trời, …

– Phát sinh tâm ngã-mạn tự cho mình cao thượng hơn người, hoặc bằng người, hoặc thấp hơn người, …

– Phát sinh tâm tà-kiến chấp ngã, …

Khi người ấy đã tạo phước-thiện ấy, rồi tâm tham-ái, tâm ngã-mạn, tâm tà-kiến nương nhờ nơi phước-thiện ấy phát sinh.

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-tham (rāgacarita).

– Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, rồi phát sinh tâm sân, hối tiếc, ganh tị, keo kiệt, bỏn xỉn, bực bội một điều nào đó, nên làm cho phước-thiện ấy bị ô nhiễm bởi phiền-não tâm sân, hối tiếc, ganh tị, keo kiệt, bực bội, …

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-sân (dosacarita).

– Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới mà không hiểu biết về phước-thiện của mình đã tạo, chỉ làm theo phong tục, theo người khác, hoặc phát sinh tâm hoài-nghi trong sự bố-thí, sự giữ-giới, hoặc phát sinh phóng-tâm chuyện khác, không quan tâm hoan hỷ đến phước-thiện của mình đã tạo.

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-si (mohacarita).

– Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-tín (saddhācarita).

– Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, rồi phát sinh trí-tuệ biết rõ nghiệp là của riêng mình (kammassakatāñāṇa), trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp, sắc-pháp, thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, …

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-giác (buddhicarita).

– Người nào khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, rồi phát sinh tâm tham nghĩ trong ngũ-dục (kāma-vitakka) hoặc nghĩ đến làm khổ chúng-sinh khác (byāpādavitakka) hoặc nghĩ đến làm hại chúng-sinh khác (vihiṃsāvitakka).

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-suy-diễn (vitakkacarita).

Tóm lại, mọi người có tính (carita) khác nhau: Tính tốt, tính xấu đều do từ đại-thiện-nghiệp đã tạo trong kiếp quá-khứ của họ, có liên quan đến đại-thiện-tâm hoặc ác-tâm của họ suy nghĩ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm người trong kiếp hiện-tại.

Đó là nguyên nhân khiến cho mọi người có các tính khác nhau.

Như vậy, nếu mỗi người muốn cho mình có tính-giác buddhicarita trong kiếp vị-lai, thì ngay trong kiếp hiện-tại khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, nên có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nghiệp là của riêng mình, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, …

Đó là nguyên nhân mà người ấy trở thành người có tính-giác (buddhicarita) trong kiếp vị-lai.

Kiếp hiện-tại được sinh làm người, gặp được Phật-giáo đang còn tồn tại trên thế gian, đó thật là điều diễm phúc vô cùng hy hữu.

Vậy, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt, nên cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-pháp nhất là pháp-hành thiền-tuệ, cố gắng tinh-tấn tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Tính của hành-giả với đề-mục thiền-định

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định có 6 loại tính là: Tính-tham, tính-sân, tính-si, tính-tín, tính-giác, tính-suy-diễn. Trong 6 loại tính này chia ra làm 2 loại:

1- Tính-tham, tính-sân, tính-si, tính-suy-diễn, 4 loại tính này thuộc loại tính xấu. Hành-giả có loại tính xấu nào cần phải biết tránh đề-mục thiền-định nào không phù hợp với tính của mình, và biết chọn sử dụng đề-mục thiền-định nào phù hợp với tính của mình, để cho pháp-hành thiền-định được phát triển tốt dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới.

2- Tính-tín, tính-giác, 2 loại tính này thuộc loại tính tốt. Hành-giả có loại tính tốt này cần phải biết sử dụng đề-mục thiền-định phù hợp với tính của mình, để cho pháp-hành thiền-định được phát triển tốt dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới.

* Tính-tham (rāgacarita):

– Hành-giả có tính-tham hài lòng trong các đối-tượng đáng hài lòng, nên tránh 8 đề-mục thiền-định này:

– 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm.

– 4 đề-mục thiền-định màu sắc kasiṇa (màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng).

Nếu hành-giả có tính-tham mà sử dụng 8 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì tâm tham càng tăng trưởng, pháp-hành thiền-định không thể phát triển.

Vì vậy, 8 đề-mục thiền-định này không phù hợp đối với hành-giả có tính-tham.

– Hành-giả có tính-tham nên sử dụng 11 đề-mục thiền-định này:

– 10 đề-mục thiền-định bất tịnh.

– 1 đề-mục thiền-định niệm 32 thể trọc trong thân.

Nếu hành-giả có tính-tham sử dụng 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì chế ngự được tâm tham không cho phát sinh, pháp-hành thiền-định được phát triển.

Vì vậy, 11 đề-mục thiền-định này phù hợp đối với hành-giả có tính-tham.

* Tính-sân (Dosacarita):

– Hành-giả có tính-sân không hài lòng trong các đối-tượng không đáng hài lòng, nên tránh 11 đề-mục thiền-định này:

– 10 đề-mục thiền-định bất tịnh.

– 1 đề-mục thiền-định niệm 32 thể trọc trong thân.

Nếu hành-giả có tính-sân sử dụng 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì tâm sân càng tăng trưởng, pháp-hành thiền-định không thể phát triển.

Vì vậy, 11 đề-mục thiền-định này không phù hợp đối với hành-giả có tính-sân.

– Hành-giả có tính-sân nên sử dụng 8 đề-mục thiền-định này:

– 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm.

– 4 đề-mục thiền-định màu sắc kasiṇa (màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng).

Nếu hành-giả có tính-sân sử dụng 8 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì chế ngự được tâm sân không cho phát sinh, pháp-hành thiền-định được phát triển.

Vì vậy, 8 đề-mục thiền-định này phù hợp đối với hành-giả có tính sân.

* Tính-si (mohacarita) và tính-suy-diễn (vitakkacarita)

– Hành-giả có tính-si thường phát sinh tâm si không hiểu biết rõ các thật-tánh của các pháp, tâm hoài-nghi trong chánh-pháp, hay phóng-tâm nghĩ chuyện này chuyện kia, và hành-giả có tính-suy-diễn đủ điều, nói năng lung tung đủ chuyện, nên tránh 4 đề-mục thiền-định này:

– Đề-mục thiền-định niệm về sự chết.

– Đề-mục thiền-định niệm trạng-thái tịch tịnh an-lạc Niết-bàn.

– Đề-mục thiền-định vật thực đáng ghê tởm.

– Đề-mục thiền-định phân tích tứ-đại.

Nếu hành-giả có tính-si và hành-giả có tính-suy-diễn mà sử dụng 4 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì tâm si càng thêm tối tăm, và tâm suy-diễn càng thêm phóng-tâm nhiều, pháp-hành thiền-định không thể phát triển.

Vì vậy, 4 đề-mục thiền-định này không phù hợp đối với hành-giả có tính-si và hành-giả có tính-suy-diễn.

– Hành-giả có tính-si và hành-giả có tính-suy-diễn nên sử dụng đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra rõ ràng không có gì đáng hoài-nghi.

Nếu hành-giả có tính-si và hành-giả có tính-suy-diễn sử dụng đề-mục thiền-định niệm hơi thở vào, hơi thở ra này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì chế ngự được tâm-si hoặc tâm suy-diễn không phát sinh, pháp-hành thiền-định được phát triển.

Vì vậy, đề-mục thiền-định niệm hơi thở vào, hơi thở ra này phù hợp đối với hành-giả có tính-si và hành-giả có tính-suy-diễn.

* Tính-tín (saddhācarita):

– Hành-giả có tính-tín thường có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-Bảo, Đức-Pháp-Bảo, Đức-Tăng-Bảo, có giới trong sạch, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên phù hợp với 6 đề-mục thiền-định này:

1- Đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 Ân-Đức-Phật.

2- Đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp.

3- Đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 Ân-Đức-Tăng.

4- Đề-mục thiền-định niệm-niệm về giới trong sạch của mình.

5- Đề-mục thiền-định niệm-niệm về sự bố-thí của mình.

6- Đề-mục thiền-định niệm-niệm về 5 pháp chư-thiên có nơi mình.

Nếu hành-giả có tính-tín sử dụng 6 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì đức-tin càng thêm tăng trưởng, nên pháp-hành thiền-định được phát triển.

Vì vậy, 6 đề-mục thiền-định này phù hợp đối với hành-giả có tính-tín.

* Tính giác (Buddhicarita):

– Hành-giả có tính-giác có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp, trí-tuệ có khả năng hiểu biết rõ các pháp vi-tế, nên phù hợp với 4 đề-mục thiền-định này:

– Đề-mục thiền-định niệm về sự chết.

– Đề-mục thiền-định niệm về trạng-thái tịch tịnh an-lạc Niết-bàn.

– Đề-mục thiền-định vật thực đáng ghê tởm.

– Đề-mục thiền-định phân tích tứ-đại.

Nếu hành-giả có tính-giác sử dụng 4 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì trí-tuệ càng thêm tăng trưởng, nên pháp-hành thiền-định được phát triển.

Vì vậy, 4 đề-mục thiền-định này phù hợp đối với hành-giả có tính-giác.

6 tính đều phù hợp các đề-mục thiền-định

Hành-giả có bất cứ tính nào trong 6 tính cũng đều phù hợp với 10 đề-mục thiền-định này là:

– 4 đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa đất, nước, lửa, gió.

– Đề-mục thiền-định hư-không ākāsakasiṇa.

– Đề-mục thiền-định ánh-sáng ālokakasiṇa.

– 4 đề-mục thiền-định vô-sắc.

Hành-giả có bất cứ tính nào đều có thể sử dụng 10 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-định, đều có thể chế ngự được mọi phiền-não bậc trung là 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa), chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Đặc biệt, đối với hành-giả có tính-si, nếu sử dụng đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa)… làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-định thì nên làm đề-mục thiền-định hình tròn đất có đường kính lớn rộng hơn bình thường, làm cho tâm trí hành-giả không cảm thấy khó chịu, để cho định-tâm an trú trong đề-mục thiền-định hình tròn đất được dễ dàng.

Và đối với hành-giả có tính-suy-diễn, nếu sử dụng đề-mục thiền-định hình tròn đất (pathavīkasiṇa)… làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-định thì nên làm đề-mục thiền-định hình tròn đất có đường kính nhỏ hẹp hơn bình thường, làm cho tâm trí hành-giả không phóng-tâm nghĩ ngợi, để cho định-tâm an trú trong đề-mục thiền-định hình tròn đất dễ dàng.

Đối với hành-giả có tính-tham, tính-sân, tính-tín, tính-giác, nếu sử dụng đề-mục thiền-định hình tròn đất làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-định thì nên làm đề-mục thiền-định hình tròn đất, … có đường kính trung bình 1 gang và 4 lóng tay nằm ngang để cho định-tâm an trú trong đề-mục thiền-định hình tròn đất được dễ dàng.

Tóm lại, sự phân loại đề-mục thiền-định phù hợp với tính của mỗi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định như đã trình bày, chỉ cốt yếu cho hành-giả hiểu biết đề-mục thiền-định nào phù hợp với tính nào và không phù hợp với tính nào mà thôi.

Nếu hành-giả có tính xấu nào thì nên sử dụng đề-mục thiền-định chế ngự được tính xấu ấy của mình, để cho pháp-hành thiền-định được dễ dàng phát triển.

Nếu hành-giả có tính tốt nào thì nên sử dụng đề-mục thiền-định phù hợp với tính tốt ấy của mình, để cho pháp-hành thiền-định được dễ dàng tăng trưởng.

Thật ra, trong 40 đề-mục thiền-định, đề-mục nào cũng có khả năng chế ngự được tính xấu là tính-tham, tính-sân, tính-si, tính-suy-diễn được, và hỗ trợ tính tốt là tính-tín, tính-giác thực-hành pháp-hành thiền-định được phát triển và thêm tăng trưởng.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app