Nội Dung Chính
- PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9
- Trong thân thể con người có tứ đại (catudhātu):
- Thực-hành đề-mục thiền-định Catudhātuvavatthāna
- * Phương pháp thực-hành tứ-đại
- * Phương pháp thực-hành tứ-đại 42 pháp
- Suy xét phân tích tứ-đại
- Suy xét phân tích 42 pháp bằng 13 cách
- Giải thích
- 1- Vacanatthato: Ý nghĩa của mỗi đại:
- 2- Kalāpato: Nhóm sắc-pháp vi-tế:
- 3- Cuṇṇato: Tế bào vi-tế:
- 4- Lakkhaṇādito: Trạng-thái, phận sự, quả hiện hữu:
- 5- Samuṭṭhānato: Nơi phát sinh sắc-pháp:
- 6- Nānattekattato: Trạng-thái-riêng, trạng-thái-chung:
- 7- Vinibbhogāvinibbhogato: Phân tích được, phân tích không được:
- 8- Sabhāgavisabhāgato: Hợp nhau, không hợp nhau:
- 9- Ajjhattikabāhiravisesato: Bên trong, bên ngoài:
- 10- Saṅgahato: Gom vào nhau, ghép vào nhau:
- 11- Paccayato: Làm duyên với nhau:
- 12- Asamannāhārato: Không biết đối-tượng:
- 13- Paccayavibhāgato: Phân chia nhân duyên hợp mỗi đại:
- Giải thích
- Nimitta, bhāvanā, samādhi và Magga, Phala
- Quả báu của đề-mục catudhātuvavatthāna
PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9
GIẢNG GIẢI 40 ĐỀ MỤC THIỀN ĐỊNH
Đề-Mục Thiền-Định Phân Tích Tứ-Đại (Catudhātuvavatthāna)
Catudhātuvavatthāna: Phân tích tứ-đại trong thân thể để trí-tuệ thấy rõ, biết rõ chỉ có tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) mà thôi, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma), không phải người, không phải người nam, người nữ, không phải chúng-sinh nào cả.
Catudhātuvavatthāna là một đề-mục thiền-định, có chi-pháp là paññācetasika: Trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định catudhātu-vavatthāna: Phân tích tứ-đại trong thân thể.
Trong thân thể con người có tứ đại (catudhātu):
1- Pathavīdhātu: Địa-đại là chất đất.
2- Āpodhātu: Thủy-đại là chất nước.
3- Tejodhātu: Hỏa-đại là chất lửa.
4- Vāyodhātu: Phong-đại là chất gió.
Tứ-đại trong thân thể con người, nếu tính theo chi tiết thì tổng cộng gồm có 42 pháp.
1- Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 pháp.
2- Āpodhātu: Thủy-đại có 12 pháp.
3- Tejodhātu: Hỏa-đại có 4 pháp.
4- Vāyodhātu: Phong-đại có 6 pháp.
Tứ-đại: Địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại này luôn luôn nương nhờ lẫn nhau, không thể tách rời nhau. Trong 4 đại này, nếu đại nào có số lượng nhiều thì gọi tên đại ấy.
1- Pathavīdhātu: Địa-đại chất đất có trạng-thái cứng hoặc mềm.
Trạng-thái cứng: Nếu địa-đại có lượng nhiều trong vật nào thì vật ấy có cảm giác cứng như xương, đá, sắt, …
Trạng-thái mềm: Nếu địa-đại có lượng ít trong vật nào thì vật ấy có cảm giác mềm như da, thịt, bông gòn, …
Địa-đại nương nhờ nơi thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại, cũng làm nơi nương nhờ của tất cả các sắc-pháp.
Địa-đại trong thân thể có 20 thể trọc (trược) là:
Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ.
Tóc, lông, móng, răng, da; thịt, gân, xương, tủy, thận; tim, gan, màng phổi, bao tử, buồng phổi; ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc.
2- Āpodhātu: Thủy-đại chất nước có trạng-thái chảy hoặc đông đặc:
Trạng-thái chảy: Nếu một vật nào có nhiều chất nước thì vật ấy có thể chảy được.
Khi nhìn thấy vật chảy không phải là āpodhātu: Chất nước, mà chính là chất đất chảy, bởi vì sự thật chất nước không thể nhìn thấy bằng mắt, cũng không thể tiếp xúc bằng thân được.
Thật vậy, khi nhìn thấy chất đất ít trong nước chảy đó là phong-đại, khi tắm rửa, thân tiếp xúc chất đất mềm đó là địa-đại, khi thân xúc giác nóng hoặc lạnh đó là hỏa-đại. Còn thủy-đại chất nước vi-tế chỉ biết được bằng ý-thức-tâm mà thôi.
Nếu một vật nào có ít chất nước có nhiều chất đất thì chất nước làm cho vật ấy kết dính lại với nhau.
Trạng-thái đông đặc: Nếu chất nước có nhiều ở trong nhiệt độ bình thường thì chất nước chảy qua lại được, nhưng gặp nhiệt độ lạnh dưới 0oC thì chất nước ấy bị đông đặc biến thành nước đá.
Nếu chất nước ít ở trong chất sáp, chất chì, chất đồng, khi gặp nhiệt độ cao thì chất sáp, chất chì, chất đồng ấy chảy tan ra thành nước, khi gặp nhiệt độ thấp bình thường trở lại đông đặc như trước.
Thủy-đại trong thân thể có 12 thể trọc (trược) là:
Pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo; assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ.
Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc; nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.
3- Tejodhātu: Hỏa-đại có trạng-thái nóng hoặc lạnh.
Hơi nóng hoặc hơi lạnh là trạng-thái của hỏa-đại (tejodhātu). Hơi nóng, hơi lạnh làm chín các món ăn, thức uống, làm cho thân thể tăng trưởng và suy giảm.
Cho nên, đối-tượng xúc chỉ có 3 đại là địa-đại, hỏa-đại, phong-đại mà thôi.
Tejodhātu: Hỏa-đại trong thân thể con người có 4 pháp là:
– Santappanatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm tăng nhiệt độ trong thân thể.
– Dahanatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm tăng cao nhiệt độ trong thân thể.
– Jīraṇatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm cho thân thể trở nên già yếu dần.
– Pācakatejo: Hỏa-đại hơi nóng trong bụng làm phận sự tiêu hóa vật thực.
Còn Usmātejo: Hỏa-đại hơi nóng ở trong thân thể của tất cả chúng-sinh này ghép chung vào 3 loại hỏa-đại là santappanatejo, dahanatejo, jīraṇatejo nên không kể riêng biệt.
4- Vāyodhātu: Phong-đại có trạng-thái căng phồng hoặc di chuyển:
Trạng-thái căng phồng: Chất gió trong quả bóng tròn, trong bánh xe, làm căng phồng lên.
Trạng-thái di chuyển: Chất gió trong thân thể làm cho thân cử động, đi, đứng, ngồi, nằm, v.v…
Vāyodhātu: Phong-đại trong thân thể con người có 6 pháp là:
– Uddhaṅgamavāyo: Phong-đại bốc lên phía trên.
– Adhogamavāyo: Phong-đại đẩy xuống phía dưới.
– Kucchiṭṭhavāyo: Phong-đại ở trong bụng.
– Koṭṭhāsayavāyo: Phong-đại ở trong ruột già.
– Aṅgamaṅgānusārīvāyo: Phong-đại ở khắp thân thể. – Assāsapassāsavāyo: Phong-đại hơi thở vào,hơi thở ra.
Thân thể của mỗi chúng-sinh nói chung, con người nói riêng chỉ có tứ-đại: Địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại mà thôi, nhưng mà khác nhau về hình thể thô hoặc vi-tế phát sinh do nghiệp riêng của mỗi chúng-sinh ấy.
Nhìn thấy thân thể của mỗi chúng-sinh mà gọi rằng:
“Ta, người, người nam, người nữ, loài gia súc, chư-thiên, phạm-thiên, v.v…”
Theo sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) đó chỉ là sắc-pháp tứ-đại mà thôi, còn hình thể tứ-đại khác nhau phát sinh do nghiệp của riêng mỗi chúng-sinh ấy.
Thực-hành đề-mục thiền-định Catudhātuvavatthāna
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định catudhātu-vavatthāna: Phân tích tứ-đại trong thân thể của mình có 2 hạng hành-giả:
1- Nếu hành-giả là hạng người tikkhapuggala có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, khi thực-hành đề-mục catu-dhātuvavatthāna, hành-giả có trí-tuệ sắc bén suy xét phân tích tứ-đại theo 4 dhātu: Pathavīdhātu (địa-đại), āpodhātu (thủy-đại), tejodhātu (hỏa-đại), vāyodhātu (phong-đại) là sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp tứ-đại (địa-đai, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại) là pháp-vô-ngã, nên diệt được tà-kiến thấy sai, chấp lầm rằng:
“Ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh,…”
2- Nếu hành-giả là hạng người mandapuggala có trí-tuệ chậm, khi thực-hành đề-mục catudhātuvavatthāna, hành-giả có trí-tuệ suy xét phân tích tứ-đại theo 4 dhātu chi tiết gồm có 42 pháp:
1- Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 thể trọc (trược).
2- Āpodhātu: Thủy-đại có 12 thể trọc (trược).
3- Tejodhātu: Hỏa-đại có 4 pháp.
4- Vāyodhātu: Phong-đại có 6 pháp.
Hành-giả thực-hành đề-mục catudhātuvavatthāna suy xét phân tích tứ-đại theo chi tiết gồm có 42 sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp tứ-đại (địa-đai, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại) là pháp-vô-ngã, nên diệt được tà-kiến thấy sai, chấp lầm rằng:
Ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, …
* Phương pháp thực-hành tứ-đại
Hành-giả là hạng người tikkhapuggala có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, khi thực-hành đề-mục catudhātu-vavtthāna này, hành-giả có trí-tuệ sắc bén suy xét phân tích tứ-đại (địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại) trong thân này như sau:
1- Đại nào trong thân thể có trạng-thái cứng hoặc mềm, đại ấy gọi là địa-đại (pathavīdhātu).
2- Đại nào trong thân thể có trạng-thái chảy hoặc đông đặc, đại ấy gọi là thủy-đại (āpodhātu).
3- Đại nào trong thân thể có trạng-thái nóng hoặc lạnh, đại ấy gọi là hỏa-đại (tejodhātu).
4- Đại nào trong thân thể có trạng-thái căng phồng hoặc làm cho thân thể cử động, đại ấy gọi là phong-đại (vāyodhātu).
Trí-tuệ phân tích trong thân này, thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ-đại (địa-đại, thuỷ-đại, hoả-đại, phong-đại) là sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma), sắc-pháp tứ-đại ấy là pháp-vô-ngã, không phải ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, v.v…
Ví dụ: Gọi là “chiếc xe”
Trong chiếc xe, nếu người ta tháo rời bánh xe, sườn xe, mui xe, v.v … ra từng phần thì không còn gì gọi là chiếc xe nữa.
Cũng như vậy, nếu hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy phân tích trong thân này ra thành mỗi đại thuộc về mỗi sắc-pháp có trạng-thái khác nhau, trong thân này chỉ có 4 đại mà thôi, thì không phải là ta, cũng không phải là người, cũng không phải là người nam, người nữ, chúng-sinh, v.v… nào cả.
Trong Chú-giải Pāḷi giải rằng: Thân này ví như chiếc xe, tâm ví như người lái xe.
Thật ra, chiếc xe không thể chạy nhanh, chạy chậm, chạy tới, chạy lui, rẽ trái, rẽ phải được, sở dĩ chiếc xe chạy nhanh, chạy chậm, … là nhờ người lái xe.
Cũng như vậy, sở dĩ thân này đi, đứng, ngồi, nằm, cử động, nói năng được là do nhờ tâm điều khiển.
Hành-giả có trí-tuệ suy xét rằng:
“Iti ayaṃ kāyo acetano abyākato suñño nissatto nijjīvo dhātusamūhoyeva, …”
Thân này không có tâm thức, không phải pháp thiện, ác, không phải là ta, không phải là người, không phải là chúng-sinh, không có jīva đấng thiêng liêng điều hành, mà là tứ-đại hợp thành mà thôi.
* Phương pháp thực-hành tứ-đại 42 pháp
Hành-giả là hạng người mandapuggala có trí-tuệ chậm, khi thực-hành đề-mục catudhātuvavatthāna này, hành-giả có trí-tuệ suy xét phân tích tứ-đại trong thân này theo chi tiết gồm có 42 pháp:
– Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 thể trọc (trược).
– Āpodhātu: Thủy-đại có 12 thể trọc (trược).
– Tejodhātu: Hỏa-đại có 4 pháp.
– Vāyodhātu: Phong-đại có 6 pháp.
1- Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 thể trọc (trược) là:
Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ.
Tóc, lông, móng, răng, da; thịt, gân, xương, tủy, thận; tim, gan, màng phổi, bao tử, buồng phổi; ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc.
2- Āpodhātu: Thủy-đại có 12 thể trọc (trược) là:
Pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo; assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ.
(Mật, đàm, mũ, máu, mồ hôi, mỡ đặc; nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.)
3- Tejodhātu: Hỏa-đại có 4 pháp là:
1- Santappanatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm tăng nhiệt độ trong thân thể.
2- Dahanatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm tăng cao nhiệt độ trong thân thể.
3- Jīraṇatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm cho thân thể trở nên già yếu dần.
4- Pācakatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm phận sự tiêu hóa vật thực.
4- Vāyodhātu: Phong-đại có 6 pháp là:
1- Uddhaṅgamavāyo: Phong-đại bốc lên phía trên.
2- Adhogamavāyo: Phong-đại đẩy xuống phía dưới.
3- Kucchiṭṭhavāyo: Phong-đại ở trong bụng.
4- Koṭṭhāsayavāyo: Phong-đại ở trong ruột già.
5- Aṅgamaṅgānusārīvāyo: Phong-đại ở khắp thân thể. 6- Assāsapassāsavāyo: Phong-đại hơi thở vào, hơi thở ra.
Suy xét phân tích tứ-đại
1- Hành-giả suy xét phân tích địa-đại có 20 pháp theo tuần tự từng mỗi pháp từ kesa: Tóc cho đến mattaluṅgaṃ: Óc như sau:
Kesa: Tóc mọc trên da đầu, không biết mình mọc trên da đầu, và da đầu cũng không biết có tóc mọc trên mình.
Tóc chỉ thuộc về địa-đại (pathavīdhātu) mà thôi, tóc có hình dáng sợi.
Tóc thuộc về địa-đại là nơi nương nhờ của thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại và 4 sắc-pháp là vaṇṇa (màu sắc), gandha (mùi), rasa (vị), ojā (chất bổ) gồm có 8 sắc-pháp được gọi là avinibbhogarūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được.
Tuần tự lomā: Lông cho đến mattaluṅgaṃ: Óc thuộc về địa-đại, suy xét phân tích tương tự như kesa: Tóc mỗi địa-đại gồm có 8 sắc-pháp gọi là avinibbhogarūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được.
2- Hành-giả suy xét phân tích thủy-đại có 12 pháp theo tuần tự từng mỗi pháp từ pittaṃ: Mật cho đến muttaṃ: Nước tiểu thuộc về thủy-đại, suy xét phân tích mỗi thủy-đại gồm có 8 sắc-pháp gọi là avinibbhogarūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được. Suy xét phân tích tương tự như kesa: Tóc vậy.
3- Hành-giả suy xét phân tích hỏa-đại có 4 pháp theo tuần tự từng mỗi sắc-pháp từ santappanatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm tăng nhiệt độ trong thân thể cho đến pācakatejo: Hỏa-đại hơi nóng làm phận sự tiêu hóa vật thực thuộc về hỏa-đại, suy xét phân tích mỗi hỏa-đại gồm có 8 sắc-pháp gọi là avinibbhogarūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được. Suy xét phân tích tương tự như kesa: Tóc vậy.
4- Hành-giả suy xét phân tích phong-đại có 6 pháp theo tuần tự từng mỗi pháp từ uddhaṅgamavāyo: Phong-đại bốc lên phía trên cho đến assāsapassāsavāyo: Phong-đại hơi thở vào, hơi thở ra thuộc về phong-đại, suy xét phân tích mỗi phong-đại gồm có 8 sắc-pháp gọi là avinibbhogarūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được. Suy xét phân tích tương tự như kesa: Tóc vậy.
Như vậy, hành-giả suy xét phân tích trong thân gồm có 42 pháp, có 8 sắc-pháp là địa-đại (pathavī), thủy-đại (āpo), hỏa-đại (tejo), phong-đại (vāyo), màu sắc (vaṇṇa), mùi (gandha), vị (rasa), chất bổ (ojā) gọi là avinibhoga-rūpa: Đó là 8 sắc-pháp không tách rời nhau được.
Hành-giả suy xét phân tích biết 8 sắc-pháp gọi là avinibbhogarūpa như sau:
– Biết 3 đại là địa-đại (pathavī), hỏa-đại (tejo), phong-đại (vāyo) bằng thân-thức-tâm xúc giác cứng, mềm, nóng, lạnh, căng phồng, cử động, …
– Biết thủy-đại (āpo) bằng ý-thức-tâm.
– Biết màu sắc (vaṇṇa) bằng nhãn-thức-tâm thấy sắc.
– Biết mùi (gandha) bằng tỷ-thức-tâm ngửi mùi.
– Biết vị (rasa) bằng thiệt-thức-tâm nếm vị.
– Biết chất bổ (ojā) bằng ý-thức-tâm.
Suy xét phân tích 42 pháp bằng 13 cách
Nếu thực-hành suy xét phân tích tứ-đại gồm có 42 pháp theo tuần tự mỗi pháp như đã trình bày, thế mà trí-tuệ vẫn chưa thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ-đại thì hành-giả cần phải suy xét phân tích thêm 13 cách như sau:
1- Vacanatthato: Ý nghĩa của mỗi đại.
2- Kalāpato: Nhóm sắc-pháp vi-tế.
3- Cuṇṇato: Tế bào vi-tế.
4- Lakkhaṇādito: Trạng-thái v.v…
5- Samuṭṭhānato: Nơi phát sinh.
6- Nānattekattato: Trạng-thái riêng, trạng-thái chung.
7- Vinibbhogāvinibbhogato: Tách rời, không tách rời.
8- Sabhāgavisabhāgato: Hợp nhau, không hợp nhau.
9- Ajjhattikabāhiravisesato: Bên trong, bên ngoài.
10- Saṅgahato: Gom vào, ghép vào.
11- Paccayato: Làm duyên với nhau.
12- Asamannāhārato: Không biết đối-tượng.
13- Paccayavibhāgato: Phân chia nhân duyên hợp mỗi đại.
Giải thích
1- Vacanatthato: Ý nghĩa của mỗi đại:
Địa-đại (pathavīdhātu) có nghĩa là rộng lớn, thủy-đại (āpo) có nghĩa là lưu chuyển, thấm ướt, hỏa-đại (tejo) có nghĩa là nóng, lạnh, hơi ấm; phong-đại (vāyo) có nghĩa là chuyển động, căng phồng. Mỗi đại đều có thật-tánh riêng của mình.
Toàn thân của mình phần lớn là địa-đại, phần lưu chuyển, thấm ướt là thủy-đại, phần nóng, lạnh ấm áp là hỏa-đại, phần căng phồng, chuyển động là phong-đại.
2- Kalāpato: Nhóm sắc-pháp vi-tế:
Nhóm sắc-pháp gồm có 11 sắc-pháp: Avinibbhoga-rūpa 8 + kāya + bhāva + jīvitarūpa.
– Pācakatejo có nhóm 9 sắc-pháp: Avinibbhogarūpa 8 + jīvitarūpa.
– Tejodhātu và vāyodhātu có nhóm 8 sắc-pháp: Avinibbhogarūpa có 8 sắc-pháp.
Thân này chỉ có các nhóm sắc-pháp mà thôi.
3- Cuṇṇato: Tế bào vi-tế:
Thân này nếu thật sự phân tích ra thành tế bào nhỏ thì pathavīdhātu: Địa-đại được bao nhiêu cân, nhưng sự-thật tứ-đại không thể phân tích ra được, sở dĩ thân này hiện hữu là nhờ āpodhātu: Thủy-đại có phận sự làm kết dính tất cả địa-đại lại với nhau, nhờ tejodhātu: Hỏa-đại có phận sự nuôi dưỡng, nhờ vāyodhātu: Phong-đại có phận sự giữ gìn, bảo vệ thân này.
4- Lakkhaṇādito: Trạng-thái, phận sự, quả hiện hữu:
– Pathavīdhātu có trạng-thái cứng, mềm, có phận sự làm nơi nương nhờ của 3 đại khác, tiếp nhận 3 đại khác là quả hiện hữu.
– Āpodhātu có trạng-thái lưu chuyển và đông đặc, có phận sự làm cho 3 đại khác phát triển, kết dính gom 3 đại khác thành hình dáng là quả hiện hữu.
– Tejodhātu có trạng-thái hơi ấm, nóng, lạnh, có phận sự làm cho 3 đại khác già dặn, làm cho 3 đại khác mềm mại là quả hiện hữu.
– Vāyodhātu có trạng-thái nâng đỡ 3 đại khác bền vững, có phận sự làm tác động 3 đại khác, làm cử động, đi l ại 3 đại khác là quả hiện hữu.
5- Samuṭṭhānato: Nơi phát sinh sắc-pháp:
Sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên là kamma: Nghiệp, citta: Tâm, utu: Thời tiết, āhāra: Vật thực.
Sắc tứ-đại gồm có 42 pháp thuộc về sắc-pháp:
– Một số sắc-pháp phát sinh do nghiệp.
– Một số sắc-pháp phát sinh do tâm hoặc thời tiết.
– Một số sắc-pháp phát sinh do tâm.
– Một số sắc-pháp phát sinh do thời tiết.
6- Nānattekattato: Trạng-thái-riêng, trạng-thái-chung:
Mỗi đại của sắc tứ-đại này đều có trạng-thái-riêng, phận sự, quả hiện hữu riêng biệt khác nhau.
Sắc tứ-đại là sắc-pháp có sự sinh, sự diệt, nên có 3 trạng-thái-chung là trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
7- Vinibbhogāvinibbhogato: Phân tích được, phân tích không được:
Sắc tứ-đại này chỉ có thể phân tích mỗi đại theo trạng-thái, phận sự, quả hiện hữu, nên gọi là vinibbhogarūpa.
Sắc tứ-đại luôn luôn liên kết với nhau, nên không thể phân tích ra được gọi là avinibbhogarūpa.
8- Sabhāgavisabhāgato: Hợp nhau, không hợp nhau:
– Pathavīdhātu với āpodhātu là 2 đại nặng hợp với nhau.
– Tejodhātu với vāyodhātu là 2 đại nhẹ hợp với nhau.
– Pathavīdhātu, āpodhātu với tejodhātu, vāyodhātu là 2 nhóm đại không hợp với nhau, bởi vì, nhóm đại nặng với nhóm đại nhẹ.
9- Ajjhattikabāhiravisesato: Bên trong, bên ngoài:
– Sắc tứ-đại phát sinh bên trong thân thể của tất cả chúng-sinh, khi phát sinh có đầy đủ 4 duyên sinh sắc-pháp là kamma, citta, utu, āhāra thuộc về ajjhattika-visesa: Bên trong.
– Sắc tứ-đại phát sinh bên ngoài thân thể của tất cả chúng-sinh, khi phát sinh chỉ có 1 duyên sinh sắc-pháp là utusamuṭṭhāna: Nguồn gốc utu mà thôi, thuộc về bāhiravisesa: Bên ngoài.
10- Saṅgahato: Gom vào nhau, ghép vào nhau:
– Pathavīdhātu phát sinh do kamma thì gom vào, ghép vào với āpodhātu, tejodhātu, vāyodhātu cũng phát sinh do kamma.
– Pathavīdhātu phát sinh do citta, utu, āhāra thì gom vào, ghép vào với āpodhātu, tejodhātu, vāyodhātu cũng
phát sinh do citta, utu, āhāra.
11- Paccayato: Làm duyên với nhau:
– Pathavīdhātu là nền tảng của 3 đại khác là āpodhātu liên kết không tách rời, tejodhātu giữ gìn, vāyodhātu giúp nâng đỡ do năng lực của các duyên như sahajāta-paccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, v.v…
– Āpodhātu liên kết 3 đại khác không tách rời là pathavī-dhātu làm nền tảng, tejodhātu giữ gìn, vāyodhātu giúp nâng đỡ do năng lực của các duyên như sahajāta-paccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, v.v…
– Tejodhātu làm cho 3 đại khác già dặn, mềm mại là pathavīdhātu làm nền tảng, āpodhātu liên kết không tách rời, vāyodhātu giúp nâng đỡ do năng lực của các duyên như sahajātapaccaya, aññamaññapaccaya, nissaya-paccaya, v.v…
– Vāyodhātu giúp nâng đỡ cho 3 đại khác là pathavī-dhātu làm nền tảng, āpodhātu liên kết không tách rời, tejodhātu giữ gìn do năng lực của các duyên như sahajāta-paccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, v.v …
12- Asamannāhārato: Không biết đối-tượng:
– Pathavīdhātu không biết mình là địa-đại, và cũng không biết mình làm nền tảng cho 3 đại khác.
– Āpodhātu không biết mình là thủy-đại, và cũng không biết mình liên kết 3 đại khác không tách rời.
– Tejodhātu không biết mình là hỏa-đại, và cũng không biết mình làm cho 3 đại khác già dặn, mềm mại.
– Vāyodhātu không biết mình là phong-đại, và cũng không biết mình giúp nâng đỡ cho 3 đại khác.
Mỗi đại có tự-tánh-riêng của mình đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh, v.v…
13- Paccayavibhāgato: Phân chia nhân duyên hợp mỗi đại:
Thân thể của tất cả chúng-sinh được hiện hữu đều do 4 nhân-duyên phát sinh là kamma (nghiệp), citta (tâm), utu (thời tiết), āhāra (vật thực).
– Một số sắc-pháp phát sinh do nghiệp (kamma) gọi là kammajarūpa, còn citta, utu, āhāra theo giúp hỗ trợ sự sinh của kammajarūpa ấy.
– Một số sắc-pháp phát sinh do utu, āhāra gọi là utujarūpa, āhārajarūpa, còn kamma, citta, theo giúp hỗ trợ sự sinh của utujarūpa, āhārajarūpa ấy.
– Một số sắc-pháp phát sinh do citta gọi là cittajarūpa, còn kamma, utu, āhāra theo giúp hỗ trợ sự sinh của cittajarūpa ấy.
– Pathavīdhātu (địa-đại) phát sinh do kamma làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do nghiệp với nhau do năng lực của các duyên như sahajāta-paccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, atthi-paccaya, avigatapaccaya,… làm nền tảng cho 3 đại khác.
– Āpodhātu (thủy-đại) phát sinh do kamma làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do nghiệp với nhau do năng lực của các duyên như sahajātapaccaya, añña-maññapaccaya, nissayapaccaya, atthipaccaya, avigata-paccaya,… liên kết không tách rời.
– Tejodhātu (hỏa-đại) phát sinh do kamma làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do nghiệp với nhau do năng lực của các duyên như sahajātapaccaya, añña-maññapaccaya, nissayapaccaya, atthipaccaya, avigata-paccaya,… làm cho già dặn, mềm mại.
– Vāyodhātu (phong-đại) phát sinh do kamma làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do nghiệp với nhau do năng lực của các duyên như sahajāta-paccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, atthi-paccaya, avigatapaccaya, giúp hỗ trợ cho được vững chắc.
– Pathavīdhātu (địa-đại) phát sinh do citta, utu, āhāra làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do citta, utu, āhāra với nhau …
– Āpodhātu (thủy-đại) phát sinh do citta, utu, āhāra làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do citta, utu, āhāra với nhau …
– Tejodhātu (hỏa-đại) phát sinh do citta, utu, āhāra làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do citta, utu, āhāra với nhau …
– Vāyodhātu (phong-đại) phát sinh do citta, utu, āhāra làm duyên hỗ trợ cho 3 đại khác cũng phát sinh do citta, utu, āhāra với nhau do năng lực của các duyên như sahajātapaccaya, aññamaññapaccaya, nissayapaccaya, atthipaccaya, avigatapaccaya.
Trong sắc tứ-đại này, khi chân bước tới, bước lui, thì phong-đại với hỏa-đại làm nhân duyên của sự dở chân lên, bước tới, bước lui, và thủy-đại với địa-đại làm nhân duyên của sự thả chân xuống.
Khi tay đưa lên, tay thả xuống, sắc tứ-đại cũng cử động tương tự như chân vậy.
Nimitta, bhāvanā, samādhi và Magga, Phala
Đề-mục thiền-định catudhātuvavatthāna này có đối-tượng sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Ba loại nimitta
Đề-mục thiền-định catudhātuvavatthāna có đối-tượng sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma), nên chỉ có parikammanimitta: Đối-tượng ban đầu là tứ-đại (địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại) mà thôi.
Đề-mục thiền-định này không thể phát sinh đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāganimitta.
Ba loại bhāvanā, ba loại samādhi
Đề-mục thiền-định catudhātuvavatthāna chỉ có 2 loại bhāvanā là parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, định-tâm đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ ấy gọi là parikam-masamādhi: Sơ-định trong đề-mục tứ-đại ấy, và upacāra-bhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền, định-tâm đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ ấy gọi là upacāra-samādhi: Cận-định trong đề-mục tứ-đại ấy.
Đề-mục thiền-định này không có khả năng dẫn đến appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và không thể đạt đến appanāsamādhi: An-định chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, bởi vì đề-mục thiền-định này không có đối-tượng uggaha-nimitta và đối-tượng paṭibhāganimitta. Cho nên, tâm vẫn còn là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ .
Magga, Phala
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định catudhātu-vavatthāna này có đối-tượng sắc-pháp tứ-đại thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Nếu hành-giả chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng-thiền-tuệ là sắc-pháp tứ-đại này, trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp tứ-đại, tiếp tục trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp tứ-đại, hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Hành-giả trở thành Thánh-nhân bậc nào là hoàn toàn tùy thuộc vào các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ của hành-giả.
Quả báu của đề-mục catudhātuvavatthāna
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định catudhātu-vavatthāna có đối-tượng sắc-pháp tứ-đại là đối-tượng thiền-định và cũng là đối-tượng-thiền-tuệ, nên có được 9 quả báu đặc biệt như sau:
1- Suññataṃ avagāhati: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.
2- Sattasaññaṃ samugghāteti: Diệt được tâm tưởng sai, chấp lầm rằng:“Chúng-sinh, ta, người, người nam, người nữ, v.v…”
3- Sattasaññāya samūhatattā: Diệt được tưởng sai lầm cho là chúng-sinh, …
4- Vāḷamigayakkharakkhasādivikappaṃ anāpajjamāno, … không xảy đến những tai hoạ từ các loài thú dữ, dạ-xoa, v.v… nên chế ngự được tai họa lớn nhỏ.
5- Aratiratisaho hoti: Chế ngự được sự say mê trong ngũ-dục, ham thích thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
6- Iṭṭhāniṭṭhesu ugghātanigghātaṃ na pāpuṇāti: Không coi trọng đối-tượng tốt, cũng không coi khinh đối-tượng xấu.
7- Mahāpañño ca hoti: Có đại trí-tuệ.
8- Amatapariyosāno vā hoti: Hoặc cuối cùng sẽ chứng ngộ Niết-bàn.
9- Sugatiparāyano vā hoti: Hoặc nếu kiếp hiện-tại chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì sau khi chết sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện giới.
(Xong đề-mục thiền-định catudhātuvavatthāna.)
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)