Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa

Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác

-0-0-0-

Phần I. Khai mở

Ba cuộc kết tập Phật Ngôn.

A- Kết tập Phật Ngôn lần I.

Nội dung cuộc Kết tập này có bốn điều chính.

– Trùng tuyên Luật.

– Trùng tuyên Pháp.

– Khiển trách Ngài Ānanda.

– Phạt Brahmadaṇḍa (Phạm Đàn) đối với Tỳ- khưu Channa (XaNặc).

1- Nguyên nhân kết tập Phật ngôn.

Do lời nói phi pháp luật của vị Tỳ- khưu già Subhadda (trong hội chúng của Đại Trưởng lão Mahā Kassapa).

Câu chuyện.

Sau 45 năm hoằng pháp tế độ nhân thiên chứng đắc Thánh quả từ Bậc Dự Lưu cho đến bậc A-La-Hán nhiều vô số.

Vào năm 80 tuổi, Đức Thế Tôn đến kinh thành Kusinārā của dân xứ Malla để viên tịch (parinibbāna). Khi ấy, Kusinārā chỉ là một kinh thành nhỏ của dân xứ Malla, trên đường từ xứ Pāvā đến kinh thành Kusinārā cách nhau 3 gāvuta (# 12 km), Đức Thế Tôn đi qua con suối Kakuṭṭha, rừng Ambavana (rừng Xoài), vượt qua sông Hiraññavatī và Ngài dừng chân nơi rừng Upavavatta bên ngoài kinh thành Kusinārā, nằm về hướng Tây Nam của kinh thành([1]). Rừng Upavattana toàn những cây sāla, khi ấy rừng cây sāla đang nở rộ hoa.

Khi nghe Đức Thế Tôn chọn Kusinārā là nơi viên tịch, Trưởng lão Ānanda rất thất vọng, thỉnh Đức Thế Tôn viên tịch ở những kinh thành lớn như: Sāvatthi (Xá-Vệ), Rājagaha (Vương Xá), Kosambi (Kiêu-Thưởng-Di), Sāketa … nhưng Đức Thế Tôn dạy:

“Chớ khinh thường Kusinārā, nơi đây chính là kinh thành Kusāvatī của vua Chuyển Luân Mahā Sudassana (Đại Thiện Kiến) thuở trước. Kinh thành này về phía Đông và phía Tây dài 12 do-tuần, phía Nam và phía Bắc dài 7 do-tuần, rất trù phú thịnh vượng, nơi đây tiền thân Đức Thế Tôn có 6 lần mệnh chung và lần này thì viên tịch([2]).

Theo Bản Sớ giải kinh Trường bộ (Dīgha – Atthakathā) và kinh Cảm hứng ngữ (Udāna – atthakathā), Đức Thế Tôn chọn thị trấn nhỏ Kusinārā để viên tịch do ba nguyên nhân.

* Có cơ hội để Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Mahāsudassana (Đại Thiện Kiến).

* Nơi đó thuận tiện cho Dusĩ Subhadda đến yết kiến Ngài, rồi nghe Pháp từ Ngài chứng đắc Thánh quả A-La-Hán khi Ngài hiện tiền. Đây là vị đệ tử cuối cùng của Đức Thế Tôn.

* Nơi đây có Bà-la-môn Dona là bậc có danh tiếng lớn, là người sẽ hòa giải chiến tranh giữa các nước khi tranh giành XáLợi của Đức Phật. Bà-la-môn Dona là người chủ trì phân chia XáLợi Phật đồng đều cho các nước tham chiến([3]).

Khi Đức Thế Tôn viên tịch được 7 ngày, Đại Trưởng lão Mahā Kassapa cùng 500 Tỳ- khưu tùy tùng đang trên đường từ Pāvā đến Kusinārā để đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối.

Đại Trưởng lão Mahā Kassapa rời khỏi đường đi, đến ngồi nơi một gốc cây, bấy giờ có một du sĩ lõa thể đi từ Kusinārā đến xứ Pāvā đang từ xa đi lại, trên tay cầm cánh hoa Mandārava (Mạn-đà-la). Đại Trưởng lão Mahā Kassapa hỏi du sĩ lõa thể rằng:

– Này Hiền giả, hiền giả có biết bậc Đạo Sư chúng tôi không?”.

Này Hiền giả, tôi có biết. Hôm nay Sa-môn Gotama đã viên tịch được bảy ngày rồi. Từ nơi đó, tôi có được hoa Mandārava (Mạn-đà-la) này.

Nghe vậy những vị Tỳ- khưu chưa giải thoát ái dục một số đưa tay lên khóc lóc, một số khuỵu chân ngã xuống lăn qua lăn lại:

Đức Thế Tôn viên tịch quá sớm, Đấng Thiện Thệ viên tịch quá sớm, bậc Đại Trí Tuệ đã biến mất trên đời quá sớm.”

Còn những vị Tỳ khưu nào đã đoạn tận ái dục, các vị ấy có sự suy niệm và hiểu biết thời chấp nhận: “Các Pháp hữu vi là vô thường, nhưng vì sao việc ấy lại có thể xảy ra ở đây quá sớm?”.

Đại Trưởng Lão Mahā Kassapa nói với các vị Tỳ- khưu rằng:

Này chư Hiền, thôi đủ rồi. Chớ có buồn, chớ có than vãn nữa. Này chư Hiền, không phải điều ấy đã được đức Thế Tôn khuyến cáo và đề cập đến hay sao? Chính ngay với tất cả các vật thân yêu vừa ý đều có bản chất đa dạng, có bản chất không thật, và có bản chất thay đổi. Này chư Hiền, làm thế nào được? Bởi vì vật gì sanh lên, tồn tại, thay đổi, thuận theo pháp thế gian, (nếu nghĩ rằng): “Mong sao vật ấy chớ có bị hư hoại”, sự kiện này không thể có được!”.

Bấy giờ có vị xuất gia lúc đã già tên Subhadda đang ngồi trong tập thể ấy, nói rằng:

– Này các vị, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Chúng ta được hoàn toàn tự do rồi, chúng ta đã bị vị đại sa-môn ấy làm khó khăn rằng: “Điều này được phép cho các ngươi, điều này không được phép cho các ngươi”. Giờ đây, điều gì chúng ta thích chúng ta sẽ làm điều ấy, điều gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm điều ấy([4]).

Khi Đức Thế Tôn viên tịch, kim quan của Ngài được đưa vào kinh thành Kusinārā qua cổng hướng Đông đến đền Makuṭabanhana của dân xứ Malla, hỏa đài được thiết lập nơi đền này. Lễ hỏa táng kim thân Đức Phật kéo dài 7 ngày([5])

Sau khi phân chia Xálợi Phật xong, Đại Trưởng lão Mahā Kassapa thuật lại lời phi pháp phi luật của Tỳ- khưu già Subhada đến các vị Trưởng lão và đề nghị rằng:

– Này chư Hiền, chúng ta hãy trùng tuyên Pháp và Luật trước khi điều phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.

Các vị Đại Trưởng lão chấp thuận, thưa rằng:

– Thưa Ngài, chính vì điều ấy, xin Ngài hãy tuyển chọn các vị Tỳ- khưu.

Đại Trưởng lão Mahā Kassapa tuyển chọn 499 vị A-La-Hán. Các vị Trưởng lão đã nói với Ngài Mahā Kassapa rằng:

– Thưa Ngài, Tỳ- khưu Ānanda tuy còn là bậc hữu học nhưng không thể nào bị chi phối bởi tham, bởi sân, bởi si mê, bởi sợ hãi. Và vị này thuộc lòng nhiều Pháp và Luật từ Đức Thế Tôn. Thưa Ngài, chính vì điều ấy xin Ngài hãy tuyển chọn luôn cả Tỳ- khưu Ānanda.

Và Ngài Mahā Kassapa đã tuyển chọn luôn cả Trưởng lão Ānanda([6]).

2- Địa điểm kết tập Phật Ngôn.

Các Ngài quyết định chọn Kinh thành Rājagaha (Vương Xá) là nơi Kết tập Phật Ngôn. Ngài Đại Trưởng lão tuyên ngôn trước Tăng chúng rằng:

“Năm trăm vị Tỳ- khưu được tuyển chọn Kết tập Phật ngôn được an cư mùa mưa nơi thành Rājagaha (Vương xá) lần này. Những vị Tỳ- khưu khác không được an cư mùa mưa nơi thành Rājagaha lần này”.

Ngài Buddhaghosa trong Samantapasādikā (Sớ giải Tạng Luật) có giải thích thêm là: “Sở dĩ các Tỳ- khưu trưởng lão chọn thành Rājagaha (Vương xá) là nơi kết tập Phật ngôn, vì có vua Ajātasattu (A-Xà-Thế) rất sùng kính Đức Thế Tôn, vua Ajātasattu sẽ bảo trợ cho cuộc Kết tập Phật ngôn này”.

Sách Dulva của Tây Tạng cũng ủng hộ ý kiến này.

Theo Bản Sớ giải Tạng Luật (Samantapasādikā) và Bản Sớ giải Kệ ngôn Trưởng lão Tăng (Theragāthā-atthakathā)([7]), bộ Đại sử (Mahāvaṃsa)([8]) và bộ Đảo sử (Dīpavaṃsa)([9]), cuộc Kết tập Phật Ngôn lần I được các vị Thánh Tăng tiến hành nơi thạch động Sattapaṇṇi nằm trên sườn núi Vebhāra trong thành Rājagaha (Vương Xá), trước cửa thạch động là một Sảnh đường rộng lớn do vua Ajātasattu (A-Xà-Thế) kiến tạo, để các vị Trưởng lão hội lại trùng tuyên Phật Ngôn.

Nhưng thạch động này không được Tạng Luật đề cập đến khi mô tả cuộc Kết tập Phật ngôn lần thứ I trong chương 11 của tập Culla Vagga (Tiểu Phẩm).

Sách Dulva nói rằng: “Nơi kết tập Phật ngôn lần I, là hang Niyagrodha”.

Xuất thế bộ (Lokuttaravāda) cho rằng: “Nơi Kết tập Phật ngôn lần I, đó là một địa điểm ở mạn Bắc của núi Vebhāra”.

Trong bài tường thuật của Ngài Mã Minh (Asvaghosa) lại cho rằng: “Nơi Kết tập Phật ngôn lần I, đó là hang Indasala trong núi Grdhakuta”([10]).

3Thời điểm. Vào tháng thứ hai của mùa an cư.

Ngài Ānanda suy nghĩ: “Ngày mai là ngày kết tập Pháp Luật của Đức Thế Tôn, ta hiện còn là bậc Hữu học như vậy không thích hợp lắm”.

Ngài Ānanda nỗ lực thực hành pháp với đề mục thân hành niệm (Kāyagatasati).

Vào lúc rạng đông, Ngài khởi ý nghĩ rằng: “Ta sẽ nằm xuống nghỉ, rồi sẽ tiếp tục thực hành pháp cho đến khi chứng đắc Thánh quả A-La-Hán”.

Khi Ngài Ānanda chân vừa giở lên khỏi mặt đất, đầu chưa chạm gối, Ngài chứng đắc Thánh quả A-La-Hán.

Như vậy, Ngài Ānanda dự kết tập Phật ngôn lần I với tư cách là vị Thánh A-La-Hán([11]).

4- Cách thức kết tập.

Ngài Mahākassapa là vị chủ toạ, Trưởng lão Upāli được hội nghị đề cử là: Vị trả lời Luật Tạng. Trưởng lão Ānanda được hội nghị đề cử: “Là vị trả lời Pháp tạng”.

Trước tiên Ngài Mahākassapa thông báo cho hội nghi biết: “Sẽ hỏi Ngài Upāli về Luật”.

Ngài Upāli cũng thông báo trước Đại hội là: “Sẽ trả lời Ngài Mahākassapa về Luật”.

– Này hiền giả (āvuso) Upāli, điều pārājika (trục xuất) thứ 1, đã được quy định ở đâu?

– Thưa Ngài, ở Vesālī.

– Liên quan đến ai?

– Liên quan đến Tỳ- khưu Sudinna con trai của Kalanda.

– Về sự việc gì?

– Về việc (thực hiện) đôi lứa.

Rồi Ngài Mahākassapa hỏi Ngài Upāli về câu chuyện, về nguyên nhân, về nhân sự, về sự quy định thêm, về sự phạm tội, về sự không phạm tội của điều pārājika thứ nhất.

– Này hiền giả Upāli, điều pārājika (trục xuất) thứ hai đã được quy định tại đâu?

– Thưa Ngài, ở Rājagaha.

– Liên quan đến ai?

– Liên quan đến Tỳ- khưu Dhaniya con trai người thợ gốm.

– Về sự việc gì?

– Về việc lấy vật không được cho.

Rồi Ngài Mahākassapa hỏi Ngài Upāli về câu chuyện, về nguyên nhân, về nhân sự, về sự quy định thêm, về sự phạm tội, về sự không phạm tội của điều pārājika thứ hai.

Theo cách thức này, Ngài Mahākassapa đã hỏi Ngài Upāli về Luật Tỳ- khưu, Luật Tỳ- khưu ni.

Sau khi hỏi hết phần Luật, Ngài Mahākassapa thông báo trước đại hội rằng: “Sẽ hỏi Ngài Ānanda về Pháp”; Ngài Ānanda thông báo trước đại hội: “Sẽ trả lời Ngài Mahākassapa về Pháp”.

– Này hiền giả Ānanda, kinh Brahmajāla (Phạm võng) đã được thuyết ở đâu?

– Thưa Ngài, ở nhà nghỉ của vua tại Ambalaṭṭhikā ở khoảng giữa Rājagaha (Vương xá) và Nālanda.

– Liên quan đến ai?

– Đến du sĩ ngoại đạo Suppiya và thanh niên Brahmadatta.

Rồi Ngài Mahākassapa hỏi Ngài Ānanda về duyên khởi, về nhân sự của kinh Brahmajāla

Bằng cách này. Ngài Mahākassapa đã hỏi Ngài Ānanda về năm bộ kinh và Ngài Ānanda đã trả lời.

Sau vấn đáp Luật- pháp xong, các vị Trưởng lão trùng tuyên Phật Ngôn.

Trong cuộc kết tập Phật Ngôn lần I, Trưởng lão Anuruddhadha là người trùng tụng 120 phẩm của bộ Tăng chi kinh (Aṅguttaranikāya).

* Về những học giới nhỏ.

Sau khi trùng tuyên Pháp tạng xong rồi, Ngài Ānanda thông báo đến đại hội rằng:

– Thưa các Ngài, vào thời điểm sắp viên tịch, Đức Thế Tôn đã nói với tôi như vầy: “Này Ānanda, khi Ta không còn, hội chúng nếu muốn có thể bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng”.

– Này hiền giả Ānanda, hiền giả có hỏi Đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào” không?

– Thưa không, bạch Ngài.

Sau khi thảo luận về những học giới được xem là nhỏ, các vị Trưởng lão có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng Đại Trưởng lão Mahā Kassapa tuyên ngôn giữa Đại hội:

“Không quy định thêm những điều chưa quy định, không bỏ đi điều đã được quy định”. Các vị trưởng lão trong đại hội kết tập Phật ngôn chấp nhận bằng cách im lặng([12]).

5-Khiển trách Ngài Ānanda.

Các vị Trưởng lão đã khiển trách Ngài Ānanda 5 điều.

1’- Không hỏi Đức Thế Tôn những giới luật nhỏ.

– Này hiền giả Ānanda, đây là một tội dukkaṭa (làm sai) của hiền giả. Hiền giả không hỏi Đức Thế Tôn những giới luật nào nhỏ nhặt và ít quan trong, hiền giả hãy sám hối tội dukkata ấy.

– Thưa các Ngài, vì không lưu ý nên tôi không hỏi Đức Thế Tôn điều ấy, tôi không thấy đó là một tội dukkaṭa (làm sai), nhưng vì niềm tin với các Ngài, tôi xin sám hối tội dukkata này.

2’- Đạp lên y tắm mưa của Đức Thế Tôn.

– Này hiền giả Ānanda, đây là một tội dukkaṭa của hiền giả. Hiền giả đã đạp lên y tắm mưa của Đức Thế Tôn rồi may y, hiền giả hãy sám hối tội dukkaṭa ấy.

– Thưa các Ngài, không phải vì không kính trọng mà tôi đã đạp lên y tắm mưa của Đức Thế Tôn rồi may y, vì khi ấy không có vị nào trợ giúp tôi cả. Tôi không thấy đó là một tội dukkaṭa, nhưng vì niềm tin đối với các Ngài, tôi xin sám hối tội dukkaṭa này.

3’- Cho nữ nhân đảnh lễ thân Phật trước những người nam khác.

– Này hiền giả Ānanda, đây là một tội dukkaṭa của hiền giả. Hiền giả đã cho phép nữ nhân đảnh lễ nhục thân của Đức Thế Tôn trước tiên, trong khi họ khóc lóc nhục thân của Đức Thế Tôn bị lấm lem bởi nước mắt, hiền giả hãy sám hối tội dukkaṭa ấy.

– Thưa các Ngài, tôi nghĩ rằng: “Những người nữ này không nên ở lại vào ban đêm”. Nên tôi đã cho họ đảnh thể nhục thân Đức Thế Tôn trước. Tôi không thấy đó là một tội dukkaṭa, nhưng vì niềm tin đối với các Ngài, tôi xin sám hối tội dukkaṭa này.

4’- Không thỉnh Đức Thế Tôn sống trọn kiếp.

– Này hiền giả Āananda, đây là một tội dukkaṭa của hiền giả. Hiền giả không thỉnh cầu Đức thế Tôn sống trọn kiếp, hiền giả hãy sám hối tội dukkaṭa ấy.

– Thưa các Ngài, vì tâm tôi bị ác ma ám ảnh nên tôi không cầu thỉnh Đức Thế Tôn sống trọn kiếp. Tôi không thấy đó là một tội dukkaṭa, nhưng vì niềm tin đối với các Ngài, tôi xin sám hối tội dukkaṭa này.

5’- Cố gắng xin Đức Thế Tôn cho nữ nhân xuất gia trong giáo pháp này.

– Này hiền giả Ānanda, đây là một tội dukkaṭa của hiền giả. Hiền giả cố gắng xin Đức Thế Tôn cho nữ nhân xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn, hiền giả hãy sám hối tội dukkaṭa ấy.

– Thưa các Ngài, tôi nghĩ rắng: “Bà Mahāpajāpati Gotamī này là dì ruột của Đức Thế Tôn, bà là người chăm sóc, nuôi dưỡng, cho sữa đến Đức Thế Tôn khi người mẹ ruột đã qua đời”.

Nên tôi cố gắng xin cho bà được xuất gia trong Pháp Luật được Đức Thế Tôn công bố.

Tôi không thấy đó là một tội dukkaṭa, nhưng vì niềm tin đối với các Ngài, tôi xin sám hối tội dukkaṭa này.

Sách Samantapasādikā (Sớ giải Tạng Luật) ghi nhận: “Sự khiển trách Ngài Ānanda sau khi trùng tuyên Luật- Pháp của Đức Thế Tôn kết thúc.

Sách Dulva của Tây Tạng cho rằng: “Sự khiển trách này xảy ra trước khi chấp nhận Ngài Ānanda tham dự cuộc kết tập”.

Mặt khác, sách Dulva còn gán cho Ngài Ānanda hai tội khác là:

*Không lấy nước cho Đức Thế Tôn dùng, mặc dù Đức Thế Tôn đã ba lần bảo Ngài Ānanda đi lấy nước.

Ngài Ānanda giải thích: “Khi ấy nước sông bị vẩn dục, không thể lấy cho Đức Thế Tôn uống”.

*Để hàng cư sĩ (nam lẫn nữ) còn phàm được xem tướng Mã âm tàng của Đức Thế Tôn.

Ngài Ānandagiải thích: “Để diệt trừ sự nghi ngờ về ái dục của Đức Thế Tôn đối với những phàm nhân này”.

Sự trả lời này đã làm hài lòng đại hội.

(Đây là điều có khả năng không đúng sự thật. Vì rằng: “Ngài Ānanda rất thương kính Đức Thế Tôn, lẽ nào lại để lộ tướng kín của Đức Thế Tôn cho đại chúng thấy? Mặt khác, khi ấy những vị Trưởng lão như Ngài Anuruddha, Upavāna … lại yên lặng để cho Ngài Ānanda làm như thế sao?).

Cuốc kết tập Phật ngôn lần I hoàn tất sau ba tháng.

6- Trừng phạt Phạm Đàn với Ngài Channa.

Trong cuộc kết tập này, Ngài Ānanda trình với các vị Tỳ- khưu trưởng lão rằng:

– Thưa các Ngài, khi sắp viên tịch Đức Thế Tôn có dạy: “Này Ānanda, sau khi Ta viên tịch, hãy áp dụng Brahmadaṇḍa (Phạm- đàn – Phạm thiên phạt) đối với Tỳ- khưu Channa.

– Này hiền giả Ānanda, hiền giả có hỏi Đức Thế Tôn Brahmadaṇḍa (Phạm- đàn) là như thế nào không?

– Thưa các Ngài có, thật sự tôi có hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Thế Tôn, Phạm thiên phạt là như thế nào?

– Này Ānanda, Tỳ- khưu Channa muốn nói gì thì có thể nói điều ấy, còn các Tỳ- khưu không được nói chuyện, không được nhắc nhở, không được chỉ dạy Tỳ- khưu Channa”.

Các vị Tỳ- khưu trưởng lão đề cử Ngài Ānanda đi cùng nhiều vị Tỳ- khưu đến tự viện Ghosita ở thành Kosambī, tuyên ngôn phạt Brahmadaṇṇa đến Tỳ- khưu Channa, khi biết được hình phạt Brahmadaṇḍa, Ngài Channa đã ngất xỉu.

Sau đó, Ngài Channa sống tách biệt, nỗ lực thực hành pháp, chẳng bao lâu chứng đắc thánh quả A-La-Hán.

Khi chứng đắc Thánh quả A-La-Hán, Ngài Channa đi đến gặp Ngài Ānanda nói rằng: “Bạch Ngài, xin hãy thu hồi hình phạt Brahmadaṇḍa cho tôi”.

– Này hiền giả Channa, kể từ khi chứng Thánh quả A-La-Hán, hình phạt Brahmadaṇḍa mất hiệu lực.

7- Sự bất đồng của trưởng lão Purāṇa.

Sau cuộc kết tập lần thứ nhất hoàn tất, có Trưởng Lão Purāṇa đang ngụ ở Dakkhināgiri (Nam sơn) cùng đồ chúng 500 vị Tỳ- khưu.

Nghe chư tăng kết tập Phật ngôn, Trưởng Lão Puraaṇa cùng 500 đồ chúng đi về thành Rājagaha (Vương xá), bấy giờ cuộc kết tập Phật ngôn đã kết thúc, Ngài Purāṇa nói với các vị Tỳ- khưu trưởng lão rằng:

– Thưa các Tôn giả! Các Ngài tự kết tập Phật ngôn với nhau, không thông báo cho chư Tăng biết. Chính bản thân tôi cũng không được thông báo, nay tôi chỉ chấp trì những gì tôi trực tiếp thọ trì nơi Bậc Đạo sư.

Khi đối chiếu những gì Trưởng Lão Purāṇa thọ trì với sự kết tập của các vị Trưởng Lão, chỉ thấy khác nhau tám điều nhỏ là:

  1. Antovuṭṭha. Tạm thời (yāvakālika) cất giữ thực phẩm trong chỗ ngụ.
  2. Antopakka. Được có bếp nấu ở chỗ ngụ.
  3. Sāmapakka. Được tự nấu nướng.
  4. Uggahita. Được thọ dụng vật thực của thí chủ chưa dâng đến Tăng.
  5. Tatonīhata. Được mang vật thực từ bàn ăn về chỗ ngụ.
  6. Purabhatta. Được dùng trước, nghĩa là khi nhận thọ trai có quyền dùng trước ở nơi nào đó rồi đến thọ trai.
  7. Vanaṭṭha. Được tự do dùng bất cứ thực vật tự nhiên trong rừng.
  8. Pokkharaaṭṭha. Được tự do dùng bất cứ thực vật nào trong hồ như củ sen, bông súng…

Điều 7-8 là: “Cho phép chư Tỳ- khưu hái lá, hái rau, móc củ sen…”.

Đây là hai giới thuộc về Pācittiya (Ưngđốitrị): “làm hại thực vật”.

Tám điều này, Tỳ- khưu Purāṇa không chịu bỏ qua, Trưỡng lão Mahā Kassapa có giải thích:

“Tám điều ngoại lệ này, Đức Thế Tôn tạm thời cho phép khi có nạn đói, khi nạn đói đã qua thì tám ngoại lệ này được đình chỉ, nếu vi phạm là phạm luật”.

Dường như chỉ thấy Đức Phật cho phép trong hai lần có nạn đói là: ở kinh thành Vesāli và ở kinh thành Rājagaha (Vương xá) mà thôi.

Nhưng Ngài Purāṇa chỉ biết “Đức Phật có cho phép”, khi Đức Phật cấm chỉ thì Ngài Purāṇa không biết và kiên quyết chấp trì những điều này.

Thế là, Đức Thế Tôn viên tịch chưa được bao lâu, đã có sự rạn nứt trong Tăng chúng về phương diện Giới luật, nên chia làm hai cánh.

– Một nhóm nhỏ chư Tăng theo đường lối của Trưởng Lão Purāṇa, đó là 500 Tỳ- khưu đồ chúng của Ngài.

– Chư Tăng còn lại, đa số chấp trì những gì được Chư Thánh Tăng kết tập.

Chính từ tám điểm nhỏ này, về sau nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka thuộc phái Purāṇa đã cải cách thêm 10 điều sai luật, sự kiện này xẩy ra vào Phật Lịch 100.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app