C- Kết tập Phật ngôn lần III.

Vua Susūnāga dời kinh đô về kinh thành Vesālī vì đây là cố đô của dân xứ Vajjī, vua Susū nāga cai trị đựơc 18 năm thì mệnh chung, truyền ngôi cho con là vua Kāḷāsoka.

Vua Kāḷāsoka cai trị được 28 năm thì bị sụp đổ, thay thế triều đại Susūnāga là triều đại Nanda. Vua Nanda lại dời kinh đô về thành Pāṭaliputta.

Triều đại Nanda tồn tại được 22 năm qua chín đời vua, vào đời vua thứ chín là Dhanananda thì Ấn Độ bị đại đế Alexandre (ALịchSơn) kéo quân xâm chiếm vào năm 327 trước Tây lịch (tTL).

*Vua Nanda.

Xuất thân là một tướng cướp có tài, chiêu mộ được nhiều dũng sĩ. Nanda tấn công vào kinh thành Vesālī, giết được vua Kāḷāsoka đoạt ngôi.

Khi lên ngôi, y lấy vương hiệu là Nanda, triều đại này có chín vị vua Nanda, cai trị vương quốc Magadha được 22 năm. Vị vua cuối cùng là Dhanananda.

Sách Mahābodhivạmsa (Đại giác sử) có liệt kê 9 nhà vua Nanda như sau: Nanda; Uggananda, Pandukananda, Bhūtapālananda, Raṭṭhapālananda, Govisānakananda, Dasasiddhakananda, Kevattananda và Dhanananda([28]).

Vua Dhanananda bị Candagutta giết và đoạt ngôi, chấm dứt triều đại Nanda, mở đầu cho triều đại Moriya (Khổng tước).

Đại đế Alexandre vốn là người Hy Lạp xứ Macédoin, sau khi chiếm xong Ba Tư, đoàn quân của ông tiếp tục vượt qua đèo Hindoukouch tiến vào Ấn Độ, cuộc chinh phục này kéo dài một năm.

Năm đầu ông xông pha các chiến trường của các tiểu quốc trù phú vùng Tây – bắc Ấn độ (trước kia thuộc đế quốc Ba Tư).

Đầu năm 326 (tTL), ông xua quân vượt dòng sông Indus (sông Ấn) tiến dần xuống phía Đông-nam Ấn độ qua các xứ Taxila (Takkasilā) và Rawalpindi.

Đoàn quân viễn chinh này gặp phải sự chống trả mãnh liệt của dân bản địa, nhưng với thiên tài quân sự, Đại đế Alexandre đều chiến thắng những cuộc chống trả của dân bản xứ. Trận đánh nổi tiếng của Đại Đế Alexandre là “dẹp tan đạo binh của vua Porus xứ Simha tại Pana, trong cuộc chiến này lực lượng của Alexandre không cân xứng với đạo quân hùng mạnh gồm 30.000 bộ binh, 4.000 kỵ binh, 200 chiến xa và 200 thớt voi.

Quân của Alexandre đã đánh tan đạo quân này, giết chết 12.000 quân của Porus, nhưng vua Porus vẫn ngoan cường chiến đấu không chịu đầu hàng.

Tuy bắt được vua Porus nhưng Đại đế Alexandre cảm phục sự anh dũng của vua Porus, đồng thời thấy tướng mạo của vua Porus “oai phong lẫm liệt”, nên hỏi:

– Này Porus, ông muốn tôi đối xử với ông ra sao?

– Này Alexandre, ông nên đối xử với tôi vào hàng quốc vương.

– Dĩ nhiên rồi, nhưng đó là việc của tôi, còn riêng ông có ước muốn gì nữa không?

– Ồ không! Như thế tôi đã mãn nguyện rồi, chẳng cần xin ông cái gì khác.

Đại đế Alexandre cười khoái trá trước lời lẽ đầy khẳng khái, kiêu hùng của vua Porus, nên cho vua Porus cai quản vùng đất Ấn Độ mà Alexandre chiếm được, tuy nhiên vua Porus phải thần phục xứ Macédoine.

Sau trận thắng này, vua Alexandre lại muốn tiến chiếm xứ Magadha, nhưng binh sĩ của ông đã ngã lòng vì xa quê hương quá lâu, mọi biện pháp đều bất lực trước sự “nhớ quê” của tướng sĩ, vua Alexandre đành nhượng bộ, kéo quân trở về dọc theo sông Hydaspe rồi đến bờ biển phía Tây Ấn độ.

Nơi đây ông chia quân làm hai đạo rút về Macédoine, Alexandre theo đường biển trở về với đạo quân nhỏ hộ vệ, còn đại quân kia theo đường bộ ngược lên Gédroise và Béloutchistan trở về Macédoine.

Trên đường trở về, đạo quân này bị các bộ tộc bất qui phục chận đánh, gần như ngày nào cũng phải chiến đấu, sau 20 tháng mới trở về tới Suse.

Đạo quân hùng mạnh ba năm trước tiến vào Ấn Độ, nay trở thành xơ xác thiểu não. Đại đế Alexandre về đến Babilon và chết ở đó vào lúc 33 tuổi.

Lúc giặc ngoại xâm xem như tạm ổn thì triều đại Nanda lại bị Candagutta (Chandragupta) lật đổ, thành lập vương triều Moriya (Khổng tước).

Candagutta là một vị tử hoàng (giai cấp Khattiya – Sát-Đế-Lỵ) dòng Nanda. Nhưng vị vương tử này bị vua Dhanananda trục xuất ra khỏi xứ Magadha, vì mẹ ông thuộc dòng hạ lưu, làm nghề nuôi chim công.

Nên sau khi lên ngôi Candagutta gọi dòng dõi mình là Moriya (Khổng tước).

Một thuyết khác nói rằng: “Candagutta là một thủ lãnh xứ Moriya, sở dĩ xứ này có tên gọi như vậy vì sở trường nuôi và huấn luyện chim công”.

Lại có thuyết cho rằng: “Candagutta thuộc dòng Sākya (Thích – Ca), khi dòng Thích – Ca bị thảm sát, một số người chạy vào núi sâu sinh sống và lập quốc nơi đó.

Vì ngọn núi mà họ cư ngụ có nhiều chim công, nên lấy tên nước là Moriya (Khổng tước), Candagutta cùng đoàn quân của mình chính là những người thuộc dòng dõi đó.

Thuyết này xét ra không hợp lý lắm, vì khi công phân Xálợi Phật đã có xứ Moriya đến trể, nên nhận lấy tro than nơi hỏa đài, mang về xứ lập tháp thờ.

Sự lập quốc nhanh lắm cũng phải vài ba năm, huống chi dòng Thích – Ca bị thảm sát trước khi ĐứcPhật viên tịch khoảng 2 – 3 tháng.

Nhưng cho dù thuyết nào chăng nữa, xét ra Candagutta cũng có liên hệ ít nhiều đến xứ Moriya (dù là bộ tộc hay là mẹ), đồng thời cũng là giai cấp Khattiya.

Candagutta được thầy mình là Bà-la-môn Cāṇakka giúp đỡ khi đang làm quan tại xứ Magadha.

Bà-la-môn Cāṇakka (còn gọi là Kautilya) là một người túc trí đa mưu, vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là vị cố vấn đã giúp Candagutta tổ chức một đạo quân bên ngoài xứ Magadha. Bà-la-môn Cāṇakka cho những người thân tín đào một đường hầm dẫn đến kho tàng của hoàng cung, từ đó mang kho tàng ra ngoài mà vua Dhanananda không hề biết, dùng số tài sản này chiêu mộ quân. Mặt khác, ông cho người bắt cóc vương tử Pabbata con vua Dhanananda khi còn nhỏ, mang về cho Candagutta nuôi dưỡng. Nhưng Candagutta thấy Pabbata hèn yếu nên lập mưu giết chết khi Pabbata đang ngủ([29]).

Sau khi dẹp tan các lãnh chúa ở lại để cai trị vùng đất Ấn chiếm được của Đại Đế Alexandre, Candagutta tuyên bố “Ấn Độ được độc lập”.

Bà-la-môn Kautilya khuyên Candagutta tiến về Pāṭaliputta (nay là Patna) lật đổ vương triều Nanda, thành lập Vương triều Moriya hùng mạnh nhất thời đó.

Theo các nhà sử gia Âu Châu: Bà la môn Kautilya (Cāṇakka) là một chính trị gia đại tài, ông đã đem hết tài trí của mình giúp Ấn Độ có được một thời kỳ vàng son mà ngay cả Akhar, vị minh quân đệ nhất của Mông Cổ cũng không thể sánh bằng.

Chính quyền Moriya chỉ có một nhược điểm là “chuyên chế”, dùng sức mạnh để trị, nên tổ chức một đội quân do thám rất lớn.

Vua Candagutta trì vì được 24 năm, nhà vua phần lớn ở trong cung điện, đôi khi mới ra ngoài thành tiếp xúc với dân chúng, vua Candagutta rất sợ bị ám sát (do sự chuyên chế của ông), đêm nào ông cũng thay đổi phòng ngủ, lúc nào cũng có vệ binh ở xung quanh.

Vua Candagutta lên ngôi cai trị xứ Magadha vào năm 222PL (khoảng 312 tTL). Khi ấy xứ Magadha có lắm thành phần đối lập trong nước thường hay xảy ra nội chiến nên “sức mạnh và chuyên chế” là hai vũ khí hữu hiệu để đối phó với tình trạng này.

Khi còn hàn vi, Candagutta thường tìm hiểu về cuộc đời các vị giáo chủ. Ông sùng mộ nhất là Mahāvīra (Đại Hùng) là vị giáo tổ của phái Nigantha (sau này là Kỳ Na Giáo).

Candagutta làm vua được 24 năm, bấy giờ trong nước phát sinh nạn đói kéo dài quá lâu làm cho đất nước điêu tàn, Candagutta thất vọng vì thấy mình bất lực, không cứu được dân chúng thoát khỏi tai ương, nên thoái vị xuất gia làm đạo sĩ sống đời khổ hạnh theo phái Nigantha. Mười hai năm sau ông khổ hạnh bằng cách nhịn đói và đã mệnh chung.

Con trưởng của Candagutta là Thái tử Sihalena, lẽ ra vị này nối ngôi theo ý định của Candagutta nhưng triều thần lại mến mộ vương tử Biṇḍusāra em trai của Sihalena hơn, nên đã tôn vị này lên ngôi. Trước khi lên ngôi, vương tử Bindusāra phải tỏ ra can đảm giết chết dạxoa Devagabbha; khi vua Candagutta lâm chung, dạxoa Devagabbha nhập vào xác vua Candagutta, giả như vua còn sống. Vương tử Bindusāra theo thường lệ đến hầu cha, nhân lúc dạxoa vô ý, dùng gươm chém phăng đầu dạxoa([30]).

* Vua Bindusāra.

Vua Candagutta cưới người em gái chú bác của mình là Chánh hậu. Khi bà có mang hài tử thứ hai, gần đến ngày sinh, một hôm bà cùng vua Candagutta dùng vật thực, thông thường những vật thực để vua dùng được đặt riêng, vua Candagutta ban cho bà loại vật thực dành cho đức vua, bà ăn vào bị trúng độc, vì Bà-la-môn Cāṇakka lén bỏ độc dược vào với ý tốt là: “Để cơ thể Đức vua quen với độc chất, khi bị hạ độc sẽ không bị hại”. Bà-la-môn Cāṇakka vừa đi đến, thấy hiện tượng trúng độc của Chánh hậu, Bà-la-môn Cāṇakka rút gươm chém đứt đầu Chánh hậu để thuốc độc không kịp xuống bao tử, để cứu thai nhi. Ông mổ bụng Chánh hậu lấy thai bào ra, rồi mổ bụng một con cừu đặt thai bào vào trong đó, vì thai bào chưa đủ tháng. Mỗi ngày thay một con cừu, bảy ngày sau hài nhi đủ tháng để sống, nhưng thân của hài tử nổi lên những chấm đỏ như máu, nên hài tử được đặt tên là Biṇḍusāra (lõi có dấu, chữ bindu là dấu hiệu)([31]).

Theo bộ Mahāvaṃsa, vua Biṇḍusāra là người sùng bái Bà-la-môn giáo, mỗi ngày ông cho thỉnh 60 ngàn vị tu sĩ Bà-la-môn thuộc nhiều chi phái khác nhau vào hoàng cung để cúng dường([32]). Vua Bimdusāra cai trị vương quốc được 28 năm, có 101 người con trai, con trưởng là Thái tử Sumana, khi lên ngôn vua Asoka đã giết hết 99 vương tử (kẻ cả Thái tử Sumana) chỉ chừa lại vương tử Tissa.

Chánh hậu của vua Bindusāra là bà Dhammā thuộc tộc Moriya, sinh hai người con trai là vương tử Asoka và vương tử Tissa([33]).

Mặc dù vua Candagutta và Biṇḍusāra là những tín đồ ngoại đạo nhưng trong thời gian hai vị vua này trị vì, Phật giáo vẫn phát triển bình thường, các bộ phái Phật Giáo vẫn được truyền bá rộng rãi khắp xứ Ấn như: Theravāda thịnh hành ở Avanti, Mahāsaṇghika (Đại chúng bộ) thì thịnh hành ở Gandhāra (Bắc Ấn), Sarvastivāda (Hữu Bộ) ở Mathurā, Mahisāsaka (Hóa Địa Bộ) thịnh hành ở Mahisamaṇḍala…

* Mẹ vua Asoka (Adục).

Mẹ vua Asoka là cô gái dòng Bà-la-môn ở xứ Moriya, khi mới sinh ra có thầy tướng số Bà-la-môn tiên đoán rằng: “Cô bé này ngày sau sẽ là bậc vương giả, con của cô sẽ là một vị đại đế”, cô bé được đặt tên là Dhammā.

Càng lớn lên cô càng xinh đẹp, nhớ lời tiên đoán năm xưa của vị Bà-la-môn, cha nàng dâng nàng vào cung để hầu hạ vua Biṇḍusāra.

Các cung phi khác ganh tỵ với nhan sắc của nàng, đồng thời sợ nàng được vua Biṇḍusāra sủng ái nên tìm cách cách ly nàng với Đức vua, nàng cố gắng tìm mọi cách để tự giới thiệu mình với Đức vua nhưng chưa có cơ hội.

Một hôm nàng nữ nô chuyên việc cắt tỉa tóc râu cho Đức vua qua đời, nàng xin được thay thế công việc này.

Ấn Độ thời bấy giờ cho rằng: “Đây là công việc của dòng Caṇḍala (dòng nô lệ), nên các cung phi đồng ý.

Có lần, khi vua tỉnh giấc nhìn vào gương thấy râu tóc của mình được cắt tỉa rất khéo, cho đòi nàng nữ hầu lo việc cắt tỉa râu tóc của Ngài đến để ban thưởng. Nàng chỉ xin cho nàng được chung chăn gối với Đức vua.

Ngỡ nàng là dòng hạ tiện nên Đức vua từ chối, nàng trình bày dòng họ mình, đồng thời nói lên lý do mình chọn phương cách này.

Nghe vậy, Đức vua cho người tra xét và khi biết nàng thuộc dòng Bà-la-môn nên Đức vua đồng ý, sau đó đã lập nàng lên làm Hoàng Hậu.

Chẳng bao lâu bà sinh ra một Hoàng nam, đặt tên là Asoka (vô ưu), về sau lại hạ sinh một Hòang nam nữa có tên là Vitasoka (Tận ưu).

Hoàng tử Asoka càng lớn càng xấu tướng, có nước da đen, nhám, sần sùi, nên còn có tên là Kāḷāsoka (Hắc Vô ưu).

Một lần nọ, Đức vua Bindusāra cho mời các thầy tướng số Bà-la-môn đến xem tướng cho các vị tử hoàng, chọn người tài đức để nối ngôi vua sau này.

Các chiêm tướng gia yêu cầu đức vua cho triệu tập các vị tử hoàng đến vườn Ngự Uyển để xem tướng.

Các tử hoàng khác được vua Biṇḍusāra cưng chìu nên ăn mặc lộng lẫy, đưa rước bằng Long xa, mang theo những vật thực của hàng vua chúa dùng.

Riêng tử hoàng Asoka vì xấu xí nên không được vua cha yêu chuộng, y phục là lọai bình thường, chỉ mang theo cơm trắng nước trong cùng bát đĩa bằng đất, lại phải đi bộ vì chẳng có chi là vật đỡ chân.

May thay, trên đường đến vườn Ngự Uyển, Hoàng tử Asoka gặp công tử Rādhagupta đang cưỡi con voi già đi dạo cảnh. Hoàng tử liền mượn con voi để cưỡi đi đến vườn Ngự Uyển (công tử Rādhagupta là đứa bé tên Vijaya ở kiếp quá khứ, sau này là vị đại thần của vua Asoka)

Các chiêm tướng gia sau khi quan sát tướng mạo của các vị tử hoàng, biết Hoàng tử Asoka sẽ là vị Đại Đế, nhưng e ngại tính mạng của Asoka nên tiên đoán bằng ẩn ngữ rằng:

“Tâu Đại Vương! Trong số các tử hoàng đây, vị nào dùng đồ vật quý giá, sẽ là người kế vị sau này”.

Các ông hoàng khác đều tỏ vẻ vui mừng vì thầm nghĩ: “đồ vật mà ta dùng đều là vật sang cả”, riêng Hoàng tử Asoka cũng suy nghĩ:

“Có lẽ những vị tướng số gia này ám chỉ ta, vì vật ta cưỡi là voi, biểu tượng của vương quyền, đĩa bát ta dùng bằng đất mà đất là nơi nâng đỡ của muôn loài, cơm sữa là món ăn cần thiết cho đại đa số, nước trong là loại nước tinh khiết nhất.

Thuở ấy, trong nước các chư hầu thường nổi loạn, Đức vua Bindusāra thường sai Hoàng tử Asoka đem quân chinh phục, nhưng chỉ cấp cho số lượng ít ỏi cùng với quân dụng thiếu thốn. Tuy nhiên, với tài trí của mình Asoka luôn chiến thắng.

* Du sĩ Janasoa.

Tương truyền: Vào thời Đức Phật Kassapa có một con rắn nhỏ trú ở bệ một giảng đường, nó thường nghe chư Tăng trì tụng tạng Abhidhamma (có lẽ là bộ Thập Nhị Duyên Sinh) nó nhớ được chữ Āyatana (xứ) và làm tăng trưởng tâm thiện của mình bằng những hình ảnh và âm thanh đó.

Có lần đi kiếm ăn nó bị con diều hâu bắt được, trong lúc sắp mệnh chung nó nhớ được từ Āyatana, nên sinh về cõi chư thiên hưởng lạc thú chư thiên trong một thời gian dài.

Sau khi Đức Phật hiện tại viên tịch hơn 100 năm, vị Thiên Tử ấy giáng hạ vào dòng Bàlàmôn ở Pāṭaliputta.

Lớn lên chàng trai này bỏ nhà, xuất gia theo một giáo phái lõa thể Bà-la-môn có tên là du sĩ Janasoṇa, du sĩ Janasoṇa được bà Hoàng Dhammā hộ độ.

Khi bà Hoàng Dhammā mang thai (là vua Asoka sau này), bà có những sự thèm muốn kỳ lạ:

– Thèm một chân dẫm lên mặt trời, một chân dẫm lên mặt trăng.

– Muốn nuốt mây, tinh tú, rừng rậm và trùn đất vào bụng.

Sự thèm muốn chưa được giải tỏa nên bà trở nên xanh xao, vàng vọt, khi vua Bindusāra gặn hỏi, bà tường trình những ước muốn kỳ quặc của mình.

Vua Bindusāra cười thích chí rằng:

– Ồ! Ngỡ chuyện gì lớn lao, chứ việc này có gì khó khăn đâu, Ta sẽ làm Hậu thỏa mãn.

Bán tính, bán nghi Hoàng hậu Dhammā hỏi:

– Thưa Đại vương! Có thật được như vậy không?

– Này Hậu! Hãy nán đợi.

Vốn là người giàu sáng kiến “lạ đời”, vua Biṇḍusāra cho căng màn trước sân chầu, tạo ra một khung quang bầu trời, làm hai cái bánh một lớn một nhỏ, đặt lưng lửng không cao quá cũng không thấp quá, tượng trưng cho mặt trời – mặt trăng đang chiếu giữa không trung.

Bầu trời lấp lánh các “vì sao” là những miếng thịt có hình các vì tinh tú dính vào “màn bầu trời”, cắt thịt thành những vẩy nhỏ kết lại làm thành những “cụm mây” lơ lửng giữa bầu trời, ở gốc sân đền là những miếng thịt được cắt ra tạo thành rừng, những cây “thịt” này lớn nhỏ, cao thấp không đều.

Sân đền được rửa sạch, căng trên đó là chiếc chiếu lủng, bên dưới là những miếng thịt tạo thành những con trùn.

Mọi việc xong xuôi, Đức vua bảo Hoàng hậu đứng trên hai chiếc bánh, tay ngắt các “vì sao”, bẻ các “cụm mây” mà ăn, sau đó đi đến khu rừng “nuốt gọn cả khu rừng” vào bụng, rồi moi đất “tìm lấy trùn” mà ăn … Hoàng hậu y lời và cơn thèm muốn “lạ đời” cũng không còn.

Sau đó, Đức vua có hỏi du sĩ Janasoṇa về sự thèm muốn lạ đời của Hoàng hậu, du sĩ đáp: “Đây là điềm báo vị Tử hoàng này sẽ là bậc đại phú gia”.

Du sĩ Janasoṇa chỉ nói bấy nhiêu với đức vua, nhưng khi gặp Hoàng hậu Dhammā, ông nói:

Hoàng hậu chân đạp nhật – nguyệt. Là điềm báo hài tử này sẽ thống trị toàn cõi Diêmphù (Jambūdīpa – chỉ cho Ấn Độ).

– Ăn tinh tú và mây. Chỉ cho vị này sẽ giết anh em của mình.

Ăn rừng và trùn. Chỉ cho uy lực của vị này có ảnh hưởng trên không trung một do-tuần, dưới đất một do-tuần.

Nhưng Hoàng Hậu chớ nên tiết lộ những lời này, e hài tử sẽ gặp tai hại.

Rồi du sĩ Janasoṇa từ giã hoàng cung đến xứ khác trú ngụ, cách Pāṭaliputta cả trăm do-tuần.

Về sau, khi vua Asoka lên ngôi, nghe mẹ thuật lại việc này, đức vua hoan hỷ cho người mời du sĩ về triều để hộ độ.

Trên đường về hoàng cung, du sĩ Janasoṇa đi ngang qua trú xứ của vị Trưởng lão Assagutta (Phục Mã), thấy cảnh tịch tịnh du sĩ suy nghĩ: “Đây mới là chỗ ở của bậc xuất gia”.

Du sĩ Janasoṇa xuống kiệu đi lần vào khu rừng an tịnh, bỗng du sĩ thấy quanh liêu thất của Trưởng lão đủ loại thú rừng: cọp, beo, hưu, hoẵng… đi thành đàn như đàn gia xúc lẩn quẩn khắp nơi.

Lấy làm lạ, khi gặp Trưởng lão Assagutta ngồi trong liêu thất, ông hỏi trưởng lão rằng:

– Thưa Ngài! Đây là nơi nào vậy?

Vị Trưởng lão là bậc A-La-Hán, đưa trí quán thấy tiền duyên của du sĩ nên đáp:

– Này du sĩ! Đây là xứ (āyatana) chứ gì mà hỏi.

Trong thời còn là con rắn, danh từ này quá quen thuộc khi nghe chư Tăng tụng Abhidhamma, giờ nghe lại du sĩ Janasoṇa dường như vừa tỉnh mộng, trí nhớ như trổi dậy, đột nhiên vị ấy hổ thẹn với hạnh lõa thể của mình, vội ngồi xuống. Vị Trưởng lão cho du sĩ Janasoṇa một y choàng và Janasoṇa xin xuất gia với Ngài Assagutta, chẳng bao lâu vị ấy thành tựu quả A-La-Hán.

* Vua Asoka (Adục).

Vua Asoka là một đại hộ pháp (Mahādhammapāla) của Phật giáo, chính nhờ những nỗ lực của ông mà Phật giáo trải rộng trên xứ Ấn lẫn ngoài xứ Ấn.

Sở dĩ vua A Dục có màu da đen lại sần sùi xấu xí là do tiền nghiệp của ông trước kia.

Tương truyền. Có lần Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng đi khất thực trong thành Rājagaha, đến cổng thành có hai đứa trẻ đang chơi trò chơi “xây dựng thành phố” bằng cách đấp cát.

Trẻ Jaya thuộc gia đình trâm anh thế gia, nhìn thấy Đức Thế Tôn phát tâm tịnh tín với Đức Thế Tôn, nó lấy lương thực (bằng cát) trong kho lương thực của chúng, nắn thành cái bánh cát, đem đến dâng lên Đức Phật với tâm hoan hỷ. Khi dâng cúng trẻ Jaya thầm ước nguyện rằng : “Với phước này, xin cho con gồm thâu thiên hạ”.

Đức Phật nhận bánh cát, bảo Ngài Ānanda rãi cát phía trước đường đi của Ngài và Tăng chúng, rồi dạy rằng: “Đứa bé ấy sau này sẽ là người hộ trì Giáo Pháp của Như Lai”.

Còn trẻ Vijaya nhìn thấy việc làm của bạn, cũng mỉm cười hoan hỷ, chấp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Trẻ Jaya sau này chính là vua Asoka, còn trẻ Vijaya sau này là vị đại thần Rādhagupta của vua Asoka. Do quả dâng bánh bằng cát nên Asoka có màu da đen và sần sùi, nhưng lại là người có đại oai lực vì dâng bánh cát với tâm tịnh tín và hoan hỷ.

Vì dung sắc xấu xí nên vua Bindusāra không ưa chuộng Asoka bằng các vị Hoàng tử khác, đồng thời các anh chị của ông tỏ ra khinh miệt ông vào thời thơ ấu. Sự khinh khi của các ông Hoàng bà Chúa đã hình thành sự oán hận trong tâm vị Tử hoàng xấu xí, sau khi chiếm ngôi từ ông Hoàng Susima (con cả của vua Bindusāra), Asoka tàn sát những ai khinh thường ông khi trước, ngoại trừ người em cùng mẹ là ông Hoàng Vitasoka Tissa.

Tánh tình ông rất hung bạo nhưng rất đàng hoàng “giống như vua Candagutta”, do đó ông còn có tên là Caṇḍāsoka (Bạo vương Adục).

Khi Asoka trưởng thành, vua Biṇḍusāra cảm thấy e ngại trước sự dũng mãnh, thông minh kỳ diệu cùng uy lực của vị tử Hoàng “xấu trai” này, nên đưa ông đi xa, bằng cách cho ông cai quản kinh đô Ujjenī của xứ Avanti.

Vua Bindusāra rất hài lòng ông Hoàng Susima (theo Mahāvaṃsa, ông Hoàng này có tên là Sumana), định truyền ngôi cho Susima, nhưng triều thần không hài lòng vì ông hoàng Susima rất hung bạo, họ âm thầm chờ dịp để tôn ông Hoàng Asoka lên ngôi.

Có lần xứ Takkasilā có loạn, vua Bindusāra sai Susima đem lực lượng hùng hậu đi dẹp loạn, bất ngờ bị thất trận. Nghe tin thất trận của Susima vua Bindusāra lo lắng sinh trọng bịnh, vua Biṇḍusāra sai Asoka đi dẹp loạn thay cho Susima, để ông Hoàng Susima trở về kinh thành Pāṭaliputta, nhân đó khi vua Bindusāra mệnh chung sẽ làm lễ Tôn vương cho ông Hoàng Susima, trong khi ông Hoàng Asoka ở xa.

Theo sự hiến kế của các vị Đại thần ở Ujjenī, Asoka “cáo bịnh” không đi dẹp loạn để chờ đợi vua Bindusāra mệnh chung, đồng thời ông Hoàng Asoka bỏ kinh thành Ujjenī, kéo đoàn quân về Pupphapura gần kinh thành Pāṭaliputta.

Thấy bịnh tình vua Bindusāra ngày càng trầm trọng, các Đại thần tâu với vua Biṇḍusāra rằng:

  • Tâu Đại vương, hiện giờ Ngài đang lâm trọng bịnh, không ai trông nom việc triều chính, tạm thời Đại vương hãy giao cho Thái tử Asoka trông coi, khi Thái tử Susima trở về sẽ giao lại.

Nhưng vua Bindusāra không đồng ý, triều thần vẫn sắp đặt cho Asoka tức vị, nghe tin này vua Biṇdusāra tức giận ói máu mà chết.

Thái tử Susima kéo quân về tranh ngôi vua, đã rơi vào kế của Asoka như sau:

Ở ba cổng thành Bắc, Tây, Nam vua Asoka cho ba vị Đại tướng trấn giữ, ở cổng thành Đông, ông cho làm một hình tượng giống như mình đang cưỡi trên con voi trắng, cho đào hào sâu rộng ở phía trước, bên dưới là lửa cháy đỏ rực, bên trên ngụy trang bằng lớp cỏ mỏng.

Ông Hoàng Susima nóng lòng lại thấp trí, xua quân ồ ạt tấn công Asoka, nên rơi vào bẫy mà thiệt mạng.

Chiếm được vương quyền, vua Asoka tìm cách giết hết những ai khinh thường mình, đầu tiên là những ông Hoàng trong thành Pāṭaliputta, tiếp theo là những vị Đại thần coi thường ông, để “rửa nhục thời thơ ấu”.

Sau đó, Asoka cho quân tiến đánh tất cả những thủ phủ trong vương quốc do anh em của ông cai quản, lần lượt tất cả đều trả giá cho sự khinh miệt “tên da đen xấu xí” thời xưa.

Sau bốn năm bình định xong lãnh thổ, Asoka chính thức lên ngôi (vào năm 273 tTl), kinh đô đặt tại Pāṭaliputta.

Ban đầu, vua Asoka theo gương cha cho mời 60 ngàn tu sĩ Bà-la-môn vào hoàng cung thọ thực mỗi ngày, nhưng về sau đức vua thấy những Bà-la-môn này thiếu tự chế khi được phân phát vật thực, nên phán rằng: “Từ nay Ta sẽ bố thí theo sự lựa chọn của Ta”.

Đức vua khôn ngoan, cho tất cả các Bà-la-môn của mọi trường phái hội lại với nhau để tranh luận, trường phái nào bị luận bại phải ra đi. Ba năm sau, các Bà-la-môn không còn đến hoàng cung thọ thực nữa.

Lúc mới lên ngôi, vua Asoka rất hung ác, theo ký sự của Ngài Huyền Trang chép rằng: “Dân Ấn vẫn còn nhớ khám đường có tên “địa ngục Bồng Lai”, được vua Asoka cho xây dựng ở phía Bắc Kinh đô, dân thời ấy gọi là địa ngục Asoka”.

Vua Asoka dùng đủ thứ cực hình có thể tưởng tượng ra để tra tấn tội nhân, nhà vua còn ra lịnh “ai lọt vào nơi đây thì phải chết không thể còn sống mà đi ra”.

Đức vua cho tìm một người cực ác để cai quản địa ngục Asoka, người ta tìm được gã Girika, tên này thường ngày chửi cha mắng mẹ, không từ một việc ác nào mà không làm.

Khi nghe Đức vua cho giữ chức quản ngục, y vô cùng sung sướng, cha mẹ hắn không bằng lòng, hắn liền giết cả cha mẹ rồi đi nhận chức.

Một ngày kia có vị Tỳkhưu trẻ tên là Samudda lớ ngớ đi lọt vào “địa ngục Bồng Lai”, bị gã quản ngục toan dùng hình phạt để sát hại, Ngài Samudda xin hoãn lại 7 ngày, trong 7 ngày còn lại Ngài tinh tấn hành pháp, chứng đắc quả vị A-La-Hán.

Vào ngày hành hình, gã quản ngục ném Ngài vào chảo dầu sôi sùng sục nhưng Ngài vẫn bình an, chảo dầu trở nên lạnh tanh dù lửa hừng hực bên dưới, gã quản ngục báo lại cho vua Asoka hay. Ngạc nhiên vua A Dục vào tận “địa ngục Bồng Lai” để xem xét.

Khi ấy, vị thánh Tăng dùng thần lực ngồi giữa hư không, nhà vua kinh sợ nghĩ rằng :” Duyên cớ nào mà vị này cũng là người, lại có được năng lực như thế?”.

Đức vua chấp tay đảnh lễ vị Thánh Tăng, hỏi rằng:

– Bạch Ngài ! Xin Ngài hãy giải thích cho tôi rõ những điều kỳ diệu này?

Trưởng lão Samudda nhân đó thuyết giảng Phật pháp cảm hóa được Đức vua.

Rồi vị Thánh Tăng biến mất, Đức vua ra lịnh phá bỏ “địa ngục Bồng lai”, rồi toan trở về hoàng cung, gã cai ngục liền ngăn cản rằng: “Đại vương đã ra lịnh, ai vào đây thì phải chết, không được còn sống mà đi ra. Vậy Đại vương cũng phải chết tại nơi này.”

Trí thông minh linh hoạt của đức vua Asoka chợt nảy sinh.

– Nhưng Ta và ngươi, ai là người vào đây trước?

– Thưa Đại vương, là con.

– Vậy hãy hành hình ngươi trước.

Đức vua ra lịnh ném gã quản ngục vào chảo dầu sôi, sau đó cho phá tan “địa ngục Bồng Lai”.

Người ta nói rằng: khi về hoàng cung, đức vua Asoka thay đổi hẳn tính tình, do nghe được lời “giảng Phật Pháp” của Ngài Samudda.

Đức vua cho cải tổ lại luật lệ nhân đạo hơn, rồi xin quy y Tam Bảo, khoác y vàng trong một thời gian để sám hối tội lỗi đã tạo, đúng vào lúc đó tin thắng trận từ Kaliṅga gởi về, khác với những lần trước thay vì vui mừng mở tiệc khao quân, đức vua than rằng:

– Cũng vì cảnh chém giết tàn nhẫn này mà biết bao nhiêu người đau khổ vì mất mát người thân.

Trận chiến Kaliṅga được xem là trận chiến thảm khốc nhất trong thời vua Asoka; dân xứ Kaliṅga rất ngoan cường chống lại đạo quân xâm lược của vua Asoka, trận chiến tàn rồi có đến hàng vạn người chết, hàng vạn người bị bắt làm tù binh.

Đức vua Asoka ra lịnh phóng thích toàn bộ tù nhân Kaliṅga, trả lại đất chiếm được, đồng thời viết thư xin lỗi người dân xứ Kaliṅga.

Tuy không nhận biết rõ: “bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu là hư cấu”, nhưng rõ ràng lịch sử đã xác nhận: “từ một hung vương (caṇḍarāja), sau khi hấp thụ giáo lý của Đức Phật, vua Asoka trở thành một đấng minh quân”, để rồi sau này tập sử thi “Trường ca Kaliṅga” có những câu thơ tán tụng công đức của vua Asoka như:

Ai ngày xưa du hóa

Ai ngày sau hành hương

Thấy chăng trong bóng hoằng dương

Bóng người hộ pháp lồng khuôn Phật Đà([34]).

Theo Mahāvaṃsa (Đại sử) người cảm hóa vua Asoka là sadi Nigrodha([35]).

Có lần Ngài Nigrodha trên đường về nhà thăm mẹ, rồi trở vào thành theo cổng phía Nam, con đường này dẫn ngang qua Hoàng cung.

Khi ấy Đức vua đang đứng trên lầu, bên cửa sổ nhìn xuống trông thấy vị sadi, trong tâm chợt phát sanh niềm thương mến dào dạt, cho người mời vị sadi đến trước mặt mình, khi nhìn thấy rõ diện mạo xinh đẹp cùng phong thái trang nghiêm thanh tịnh của sadi, Đức vua càng nảy sinh một tình thương đặc biệt đối với sadi.

– Này vị Sa môn, hãy ngồi vào ngôi vị của mình đi.

Không thấy có vị Tỳ- khưu nào, nên Ngài Nigrodha bước lên chỗ ngồi cao nhất, không ngờ đó là ngai vàng của Đức vua có che lọng trắng ở trên. Đức vua suy nghĩ: “Hôm nay vị Sa môn này là chủ ở đây”.

Khi Ngài Nigrodha ngồi yên trên ngai vàng, Đức vua cúng dường đến Ngài những vật thực thượng vị dành riêng cho Đức vua, sau khi sadi dùng vật thực xong, Đức vua ngồi xuống một bên hỏi đạo, Ngài Nigrodha thuyết giảng Pháp thoại về phẩm Bất phóng dật (appamādavagga) trong kinh Pháp Cú đến Đức vua.

Vô cùng hoan hỷ với Ngài Nigrodha, khi hỏi ra Đức vua mới biết: “Đây là cháu của mình, con của ông Hoàng Sumana”.

Đức vua nói rằng :

– Này Samôn thân yêu! Mỗi ngày ta sẽ ban cho người tám phần vật thực.

– Những vật thực này tôi sẽ dâng cho thầy Tế độ của tôi.

– Vậy ta sẽ ban thêm tám phần vật thực nữa.

– Những vật thực này tôi sẽ dâng cho thầy Giáo thọ của tôi.

– Ta sẽ ban thêm tám phần vật thực nữa.

– Tôi sẽ dâng đến chư Tăng.

– Ta sẽ ban thêm tám phần vật thực nữa.

Sadi Nigrodha im lặng nhận lời, ngày hôm sau sadi Nigrodha cùng với chư tăng (gồm 31 vị Tỳ- khưu với sadi là 32) đến Hoàng cung thọ thực.

Sau đó, vua Asoka xin được thọ Tam quy cùng năm giới, chính thức trở thành vị cận sự nam đại hộ pháp của Phật giáo

Từ đó trở đi, mỗi ngày Đức vua Asoka dâng cho Ngài Nigrodha ba bộ tam y. Vào buổi sáng, trước khi dùng điểm tâm, Đức vua hỏi:

– Có dâng Tam Y đến Ngài Nigrodha chưa?

Nếu nghe trả lời “chưa” Đức vua ra lệnh người hầu mang Tam y đến cho Ngài Nigrodha, khi nào nghe báo “đã dâng y đến Ngài Nigrodha rồi”, đức vua mới dùng vật thực, buổi trưa, buổi chiều cũng y như thế.

Ngài Nigrodha mang Tam Y cúng dường đến chư Tăng.

Người ta nói rằng: “Chư Tăng trong cõi Diêm Phù khi ấy đã mặc y của Ngài Nigrodha cúng dường”.

Đây là quả “cộng hưởng phước” khi còn là người bán mật ong của Ngài Nigrodha khi trước.

* Tiền nghiệp của vua Asoka.

Trong thời quá khứ có ba anh em, hai người em đi lấy mật, người anh bán mật tại một cửa hàng.

Có vị Độc Giác Phật bị bệnh lở loét cần mật dùng làm thuốc trị bệnh và vị Độc Giác Phật bạn đi tìm mật cho vị kia.

Khi đi đến thành phố thường ngày khất thực, trên đường đi Ngài gặp một thiếu nữ đi đến bờ sông lấy nước, Ngài hỏi rằng:

– Này cô, tôi đang cần dùng mật ong, nơi nào có mật ong.

– Thưa Ngài, nơi kia là tiệm bán mật ong, Ngài hãy đi đến đó đi.

Rồi nàng duỗi tay ra chỉ đường đến cửa hàng bán mật ong, Ngài theo lối chỉ của thiếu nữ, đến cửa hàng bán mật, ôm bát đứng đợi.

Người chủ bán mật ong phát tâm tịnh tín nơi Ngài, cúng dường đầy bát mật ong, sau đó y phát nguyện rằng: “Do phước báu này, xin cho tôi sẽ là vị Đại đế thống trị cõi Diêmphù này (Jambūdīpa) mệnh lệnh của tôi có hiệu lực trên không một do-tuần, dưới đất một do-tuần.

Đức Độc Giác chúc phúc rằng: “Icchitaṃ paṭṭhitaṃ tuyhaṃ khippameva samijjhātu: Mong ước nguyện chân chánh của người hãy thành tựu như vậy” rồi Ngài quay ra trở về núi.

Nói về cô gái sau khi chỉ đường cho vị Độc Giác xong, nàng tiếp tục đi lấy nước, nàng suy nghĩ rằng: “nếu người bán mật ong không cúng dường cho Ngài, ta sẽ mua mật ong cúng dường cho Ngài”.

Trên đường trở về gặp vị Độc Giác đang trở ra, nàng đặt bình nước xuống đảnh lễ Ngài rồi bạch hỏi:

– Thưa Ngài! Ngài được mật ong chưa?

– Này cô! Đã được rồi.

Để tế độ nàng, Ngài thuật lại lời nguyện của người bán mật ong, nghe xong nàng suy nghĩ “ước nguyện của người này lớn thật, chắc chắn sẽ thành tựu trong tương lai thôi”.

Nàng liền cúng dường đến Đức Phật một chiếc khăn dùng để lọc mật ong, rồi phát nguyện rằng: “Do phước cúng dường khăn lọc mật này, xin cho tôi sẽ là Hoàng Hậu của người bán mật trong tương lai”.

Đức Độc Giác Phật chúc phúc rằng: “Icchitaṃ paṭṭhitaṃ tuyhaṃ khippameva samijjhatu: Mong ước nguyện chân chánh của người hãy thành tựu như vậy” .

Hai người em của người bán mật trở về, người bán mật thuật lại câu chuyện, người em kế bảo rằng: chắc là kẻ Caṇḍala (Chiên Đà La: giai cấp nô lệ) vì mặc y phục vàng, người em út bảo:” Hãy quăng kẻ ấy xuống biển đi”.

Người anh nói:

– Đây là mật ong chung của ba anh em chúng ta, phước báu này sẽ chia đều cho ba anh em ta.

Nghe người anh chia phước nên cả hai cũng hoan hỷ phước với anh mình.

Người anh cả chính là vua Asoka sau này, người em út là vị tử hoàng Tissa, còn người em kế vì gọi Đức Độc Giác là “kẻ nô lệ” nên khi sanh ra lọt vào giai cấp nô lệ, đó chính là vị sadi Nigrodha. Nàng thiếu nữ chỉ đường chính là Hoàng Hậu Asandhimittā.

Tương truyền: những khớp tay, khớp chân của nàng không lộ ra chỗ mối nối, nên gọi là Asandhi (không nối liền). Có lần nàng dùng mía do chư thiên dâng, Đức vua Asoka vào thấy đùa rằng: “Đây là do phước của Ta đấy”.

Hoàng Hậu Asandhi Mittā đáp:

– Tâu đại vương! Đó là phước riêng của thần thiếp chứ!

Nghe vậy, vua Asoka tự ái phán rằng:

– À! Nếu là phước của Hậu, vậy thì ngày mai ta có cúng dường đến 500 vị Tỳ- khưu, Hậu phải có 500 bộ y để cho ta dâng đến chư Tăng. Nếu không có đủ y ta sẽ trị tội Hậu.

Biết vua Asoka “nói là làm”, nên Hoàng hậu Asandhimittā vô cùng lo sợ, có vị Thiên nhân địa cầu biết được việc cúng dường khăn lọc mật của nàng, suy nghĩ: “Ta biết được giai thoại cúng dường khăn lọc mật ong của Hoàng hậu, nếu ta bỏ qua việc này, Hoàng hậu bị tai hại, đầu ta sẽ bị bể bảy mảnh, hoặc không được dự đại hội chư thiên”.

Đêm ấy vị Thiên nhân hiện ra chỗ ngụ của Hoàng hậu, nói rằng:

– “Thưa Hoàng hậu, phước báu dâng khăn lọc mật đến Đức Phật Độc Giác rất lớn, xin bà hãy an tâm. Đây là chiếc hộp Như ý, bà muốn rút ra bao nhiêu bộ y cũng có đủ.

Rồi đưa chiếc hộp Như ý cho Hoàng hậu, Hoàng hậu y lời, rút ra hơn 500 bộ y mà vẫn còn có thể rút ra được nữa. Thế là Hoàng hậu an tâm đi ngủ ngon.

Sáng hôm sau, khi vua cúng dường vật thực xong truyền lịnh cho Hoàng hậu đến dâng y, điều kinh ngạc đã xẩy đến cho đức vua, đức vua hiểu rằng: “Quả thật là phước của Hoàng hậu”.

* Sadi Nigrodha.

Khi vua Asoka kéo quân về kinh thành Pāṭaliputta để tranh ngôi vua với ông Hoàng Sumana, phần thắng nghiêng về vua Asoka, khi ông Hoàng Sumana bị giết chết, bà Hoàng Sumanā (vợ của Sumana) kinh sợ, lo ngại giọt máu của vua Sumana đang nằm trong thai bào bị hại, bà trà trộn theo những người đào tẩu ra hướng Đông thành, đi đến một ngôi làng của người Caṇḍala (nô lệ), vừa đến cội cây Nigrodha (cây bàng) Hoàng Hậu chuyển dạ, sanh ra một bé trai dưới cội cây ấy nên hài tử có tên là Nigrodha.

Vị Thần cây Nigrodha (rukkhadeva) tạo cho bà một cái chòi trước đó để bà tạm ngụ. Khi người trưởng làng Caṇḍala đi thăm ruộng, trông thấy Hoàng hậu và nhìn thấy hài tử Nigrodha kháu khỉnh, ông có cảm giác như là con của mình.

Thế là ông đưa Hoàng hậu về nhà nuôi dưỡng cùng với hài tử Nigrodha, ông nhận Hoàng hậu làm vợ, bảo vệ hai mẹ con Hoàng hậu trong bảy năm (đây là quả của lời khinh suất khi gọi Đức Phật Độc giác là kẻ nô lệ).

Một lần nọ, Trưởng lão Mahāvaruṇa đi khất thực, đứng nơi nhà của trưởng làng Caṇḍala, cậu bé Nigrodha nhìn thấy phong cách của Ngài phát sinh tâm tịnh tín, nên xin mẹ được xuất gia.

Hoàng hậu suy nghĩ: “Nigrodha là dòng vua, không nên cho ở nơi này quá lâu, vì ở mãi nơi này hẳn Nigrodha phải mang giai cấp Caṇḍala. Phẩm mạo xuất gia là phẩm mạo cao quý, vậy ta nên cho Nigrodha xuất gia là tốt đẹp nhất”.

Bà đồng ý cho Nigrodha xuất gia, Trưởng lão Mahāvaruṇa biết được duyên lành cùng tiền sự của Nigrodha nên nhận lời là Tế độ Sư của Nigrodha, Ngài đưa hài tử Nigrodha về chùa, cho xuất gia Sadi.

Trong khi cạo tóc, giới tử (sīlaputta) Nigrodha đưa tâm quán tưởng thể trược “Lomā (tóc), kesā (lông), nakhā (móng), dantā (răng), taco (da)…”, khi đường cạo tóc cuối cùng chấm dứt, cũng là lúc Giới tử Nigrodha chấm dứt mọi ô nhiễm (āsava) trở thành vị A-La-Hán. Và đã tế độ được vua A Dục như đã thuật ở trên.

Trong Mahāvaṃsa (Đại Sử) không có nói đến “địa ngục Bồng Lai”. Có lẽ vì Trưởng lão Mahinda (con vua ADục) truyền bá Phật giáo ở xứ Tích, do tôn trọng Ngài Mahinda cùng vua Asoka nên “địa ngục Asoka” được “lờ đi”, tạo niềm tin cho dân Tích. Việc giết cả anh em, chỉ là oan trái giữa “gia đình Bindusāra” không liên hệ chi đến dân chúng.

Mặc khác, khi Trưởng lão Mahinda sang Tích lan, vua xứ Tích là Devā- naṃpiya Tissa là bạn tâm giao với vua Asoka, nên chi tiết “ác độc với dân chúng” cũng nên “quên đi”, không khéo dân chúng Tích cho rằng vua Devanaṃpiya Tissa thâm giao, ủng hộ Hung vương thì cũng là cũng là “Hung vương”, như vậy Vương triều Devanaṃpiya Tissa khó mà ổn định.

Lại nữa, từ khi quay về với Phật pháp vua Asoka là vị minh quân, đã giúp cho xứ Tích nhiều lợi ích như: Nhánh Bồ Đề từ Bodhigāya (Bồ đề đạo tràng) được cung nghinh sang xứ Tích, giáo hội Tỳ- khưu ni tại xứ Tích được thành lập cũng do nương vào bà Tỳ khưu ni Saṅghamittā (con gái vua Asoka).

Với những lý do trên, nên chuyện “nhỏ” về Địa ngục Bồng lai được “quên đi”.

Về Trưởng lão Samudda chỉ xuất hiện lần ấy, rồi không thấy nhắc đến trong sử sách, phải chăng vị ấy chính là Sadi Nigrodha?

* Ông Hoàng Tissa.

Ông Hoàng Tissa là em trai cùng mẹ với vua Asoka, có tên là Vitasoka (Tận Ưu), vị này rất tin tưởng vào những đạo sĩ khổ hạnh, thường nhạo báng và chỉ trích các Samôn Phật giáo “hành đạo quá dễ dãi, không bằng các vị Đại Sư khổ hạnh”.

Khi thấy đức vua Asoka cung kỉnh đảnh lễ chư Tăng, ông tỏ ý không hài lòng bảo rằng:

– Hoàng huynh là bậc chí tôn trong thiên hạ, sao còn phải đảnh lễ những Samôn tu hành “dễ dãi” này chứ.

Đức vua im lặng thầm nghĩ: “Ta hãy làm cho Hoàng đệ thức tỉnh”. Hôm sau khi lâm triều, đức vua ra lịnh rằng:

– Ba ngày sau, tất cả những đại thần, mỗi người phải mang vào triều một cái đầu của con vật đã chết. Riêng Hoàng đệ phải mang cái đầu người đã chết.

Khi triều thần mỗi người mang đầu đến, Đức vua sai các quan cho người hầu mang ra chợ bán mang tiền về, buổi chiều tất cả đều mang tiền đến nộp, chỉ riêng cái đầu người chẳng ai mua cả.

Thấy thế, vua Asoka nói với ông hoàng Tissa rằng:

– Hoàng đệ thấy chưa? Đầu người này chẳng ai thèm mua cả, ta mang cái đầu vô giá trị này đảnh lễ chư Tăng tạo phước cho mình, chẳng phải là lợi ích hơn ư ?

Có lần ông Hoàng Tissa vào rừng săn bắn, gặp một đạo sĩ khổ hạnh có thân hình gầy gò, đang ngồi hơ mình cạnh lò lửa nóng đỏ, ông phát tâm cung kỉnh, đi đến đảnh lễ vị ấy, hỏi rằng:

– Bạch Ngài! Ngài hành đạo như thế này được bao lâu rồi ?

– Này gia chủ! Được 12 năm rồi.

– Bạch Ngài! Ngài thường dùng vật thực chi ?

– Này gia chủ! Tôi chỉ ăn rễ, trái cây thôi.

– Bạch Ngài! Ngài dùng chi che thân ?

– Dùng lá để che thân, dùng cỏ để làm giường ngủ.

– Bạch Ngài! Trên đường tu tập khó khăn này, điều nào làm Ngài khó chịu nhất ?

– Này gia chủ! Điều làm cho tôi khó chịu nhất là thấy bọn thú đực cùng thú cái đùa giỡn với nhau.

– Ồ! Người tu hành tinh tấn (tāpa) như Ngài còn khó chịu trước tình dục như thế, huống hồ chi nhóm Samôn tu hành dễ dãi kia chứ. Chính hoàng huynh tôi không suy xét kỹ, bị bọn Samôn ấy cám dỗ nên đem tiền của ra cúng dường họ một cách vô ích.

Nghe được câu chuyện này, vua Asoka lập mưu để cảnh tỉnh ông Hoàng Tissa, Đức vua âm thầm bàn tính với triều thần.

Một trưa nọ, vua cởi bỏ cân đai và áo mão của mình, mặc thường phục đi vào phòng tắm, các vị đại thần nói với ông Hoàng Tissa rằng:

“Thưa Ngài! Đức vua nay đã già, sau khi đức vua mệnh chung, ngai vàng này sẽ thuộc về Ngài. Nhân lúc vắng đức vua, Ngài thử đội mão, mặc vương phục rồi ngự lên ngai vàng, chúng tôi ngắm dung nhan Ngài trông giây lát xem sao? Sẽ chỉnh trang cho Ngài để sau này Ngài sẽ oai vệ hơn”.

Người thì nói, người thì mang mão đội lên đầu, người thì mang vương phục ướm vào người ông Hoàng Tissa, Hoàng tử Vitasoka không kịp suy nghĩ, để mặc cho các đại thần muốn làm gì thì làm.

Chỉ đợi có thế, vua Asoka từ trong phòng tắm đi ra, giả vờ nổi cơn thịnh nộ:

– Hoàng đệ thật to gan, Ta chưa mệnh chung đã có ý soán ngôi.

Rồi ra lệnh cho đao phủ thủ đem ông Hoàng Tissa ra chém, các quan quỳ xuống tâu xin cho ông Hoàng Tissa.

Đức vua khăng khăng ra lệnh chém, vì dù sao ông Hoàng Tissa đã vi phạm luật nước. Đức vua phán:

– Hoàng đệ đã phạm tội tày trời, không thể tha chết được, nhưng vì lời can gián của các quan, cũng như Hoàng đệ muốn làm vua, ta cũng chìu ý. Cho Hoàng đệ tạm sống làm vua 7 ngày, sau bảy ngày sẽ mang Hoàng đệ ra chém.

Trong bảy ngày ấy, Đức vua sắp đặt mọi cuộc vui trong triều đình cho Tân vương Tissa hưởng lạc như: Yến tiệc linh đình, các nữ nhạc múa vũ lả lơi, các cung phi trang điểm xinh đẹp chuốc rượu cho Tân vương.

Đứng gác bốn góc phòng là bốn vệ sĩ mặt mày hung tợn, hễ chiều vừa xuống, chúng đánh chuông trống hô lên rằng: “Một ngày đã trôi qua, còn sáu ngày nữa sẽ mang Tân vương ra chém”.

Đến ngày thứ hai, chúng hô rằng: “một ngày nữa đã trôi qua, còn năm ngày nữa sẽ mang Tân vương ra chém”.

Đến ngày thứ tám, giám sát quan mang Hoàng đệ ra giữa triều chờ lịnh xử tội. Đức vua hỏi:

– Trong bảy ngày làm vua, Hoàng đệ có sung sướng hưởng lạc thú Đế vương không?

– Tâu Hoàng huynh! Trong bảy ngày, em không còn lòng dạ nào hưởng lạc thú được, cứ mỗi chiều bọn võ sĩ đánh còng (phèng la) báo hiệu sự chết đến gần. Lo sợ cái chết đến gần, em còn lòng dạ nào mà vui thú được nữa chứ .

– Hoàng đệ chỉ lo sợ cái chết trong một kiếp mà còn như vậy, nói gì đến các bậc Samôn, các vị ấy nghĩ đến sự chết trong luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, thì còn lòng dạ nào mà hưởng dục lạc chứ. Các Ngài đang tinh tấn hành đạo để thoát ra sự chết đấy.

Nghe những lời chính đáng của vuaAsoka, ông Hoàng Tissa hối hận vì đã nghĩ sái quấy về các vị Samôn, nên thưa với vua Asoka rằng:

– Thưa Hoàng huynh! Em đã hiểu rồi, xin Hoàng huynh cho em được Quy y Tam Bảo kể từ nay đến trọn đời.

Đức vua hỷ dạ, truyền tha tội chết cho ông Hoàng Tissa.

Từ đó, ông Hoàng Tissa thường đến chiêm bái Tháp thờ Xá Lợi, cúng dường đến các vị Samôn, nghe Pháp từ các Ngài.

Duyên lành đã đến nên một hôm ông hoàng Tissa xin vua Asoka cho mình xuất gia.

Nghe lời xin xuất gia của ông Hoàng Tissa, đức vua Asoka rất ngạc nhiên. Để thử ông Hoàng Tissa, đức vua cho ông một cái bát và một cây gậy, phán rằng:

– Hoàng đệ muốn xuất gia, vậy kể từ hôm nay Hoàng Đệ phải ở dưới cội cây, phải đi khất thực mà ăn, ngủ trên chiếu cỏ.

Khi Ngài Tissa đi bát, đức vua bảo bọn thị tỳ đừng dâng cúng món ăn thượng vị, hãy dâng cho Ngài Tissa những món ăn bình thường của người dân giả.

Nhưng Ngài Tissa vẫn kham nhẫn, ở dưới cội cây, ngủ trên giường cỏ, dùng vật thực bình thường.

Khi ấy, đức vua Asokabằng lòng cho ông Hoàng Vitasoka xuất gia và có dặn rằng:

– Bao giờ Hoàng Đệ đắc quả hãy trở về độ ta.

Tế độ sư của Hoàng tử Vitasoka Tissa là Trưởng Lão Mahādhammarakkhita (Đại Hộ Pháp), khi Hoàng Tử Vitasoka Tissa xuất gia, có người cháu của Ngài (chồng của Công chúa Saṅghamittā) là Aggibrahmā cùng xuất gia với ông Hoàng Vitasoka Tissa.

Sau khi thọ giới Tỳ- khưu, Ngài Vitasoka Tissa rời hoàng thành Pāṭaliputta, tìm nơi thanh vắng hành đạo, chẳng bao lâu đắc quả A-La-Hán cùng với sáu Thắng trí.

Khi Ngài Tissa trở về thăm vua Asoka như lời hứa, Đức vua cùng với vị đại thần Rādhagupta đã không thể giữ tâm được trước vẽ tề chỉnh khác phàm của ngài Vitasoka Tissa, cả hai đến đảnh lễ và tán thán Ngài.

Sau đó Ngài Vitasoka Tissa giáo giới hai người “nên tạo phước lành như: Bố thí, trì giới, tu thiền …”.

* Đại trưởng lão Moggalliputta Tissa.

Theo Mahāvaṃsa (Đại sử), Ngài Moggalliputta Tissa là hậu thân của Đại Phạm thiên Tissa.

Sau cuộc kết tập Phật Ngôn lần II, các vị Trưởng lão đưa Thắng trí (Abhiññāṇa) quán xét về tương lai, thấy rằng: “Sau 118 năm, do tri kiến bất đồng, giáo pháp của Đức Thế Tôn đi vào suy vong. Ai là người có thể trùng hưng phật giáo?”.

Các Ngài thấy rằng có Đại Phạm thiên Tissa sắp mệnh chung, vị này sẽ giúp Phật giáo trùng hưng trở lại, nên có di ngôn đến hai Sa môn trẻ tuổi là Siggava và Canḍavajji rằng:

– Sau 118 năm, vào thời vua A soka sẽ có Tỳ- khưu Moggalliputta Tissa, là vị chủ tọa cuộc kết tập Phật Ngôn lần III. Hai người nhớ tiếp độ vị ấy.

Tỳ- khưu Siggava và Canḍavajji là đệ tử của Trưởng Lão Dāsaka, Trưởng Lão Dāsaka là đệ tử của Đại Trưởng Lão Upāli.

Trưởng Lão Dāsaka trước khi xuất gia trong giáo Pháp này, Ngài là một Bà-la-môn tinh thông ba bộ Vedā, là một biện sĩ nổi tiếng đương thời.

Dāsaka là người sinh ra trong thành Vesālī có đồ chúng 300 người, thường cùng đồ chúng đi khắp làng mạc, thị trấn, kinh thành để tìm người luận chiến.

Trưởng lão Upāli, sau khi kết tập Phật ngôn lần I xong, Ngài về Tịnh Xá Vālikārāma trong thành Vesālī trú ngụ.

Có lần Biện sĩ Dāsaka cùng đồ chúng của mình đến tự viện này, gặp Đại Trưởng lão Upāli, vấn nạn Trưởng lão bằng những điểm khó hiểu của kinh Vedā, Trưởng lão Upāli ung dung giải đáp tất cả. Khi Biện sĩ Dāsaka không còn gì để hỏi, Trưởng lão hỏi Dāsaka rằng:

“Này Bà-la-môn, sau giáo lý Vedā là một giáo lý mà tất cả mọi giáo thuyết nằm trong đó. Vậy đó là giáo lý gì?”

Biện sĩ Dāsaka không đáp được nên hỏi rằng:

– Bạch Ngài! Đó là gì?

– Này Bà-la-môn! Đó là Chánh Pháp.

Rồi Đức Upāli đọc một đoạn kinh an lành (pāritta), Bà-la-môn Dāsaka hỏi:

– Đây là manta gì?

– Là manta của Đức Phật.

(Chữ Manta có hai nghĩa: Chú thuật và kinh điển).

– Xin Ngài hãy dạy tôi manta này đi.

– Được thôi! Nhưng này Bà-la-môn, ngươi phải xuất gia trong Giáo pháp này.

Thế là, Dāsaka cùng 300 đồ chúng xuất gia thọ giới Tỳ- khưu, về sau tất cả đều tchứng Thánh quả A-La-Hán.

Trưởng Lão Dāsaka là thầy Tế độ của Trưởng lão Soṇaka người xứ Caṇḍavajjī.

Trưởng Lão Soṇaka là thầy của Trưởng Lão Siggava và Caṇḍavajjī.

Hai vị Trưởng lão Siggava và Caṇḍavajjī vì không dự cuộc kết tập lần II, nên chư Tăng phạt hai Ngài phải tế độ hậu thân của Đại Phạm thiên Tissa vào trong Phật giáo, để trùng tuyên Giáo pháp Đức Phật lần III.

Chính Trưởng lão Siggava tế độ Ngài Moggalliputta Tissa vào trong Giáo pháp này.

Tương truyền.

Khi biết Đại Phạm thiên Tissa sanh vào một gia tộc Bà-la-môn tên là Moggalli, Trưởng lão Siggava đi khất thực trước nhà Bà-la-môn này trọn bảy năm, nhưng không một ai cho gì đến Ngài cũng không nói gì đến Ngài cả, Ngài vẫn lặng lẽ đến rồi đi.

Một hôm có nữ nô cảm thấy ái ngại nên nói rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài hãy đi nơi khác đi

Ngài Siggava lui ra, vừa khi ấy Bà-la-môn Moggalli trở về gặp Ngài, y chế nhạo rằng:

– Này ông Samôn! Ông có được chi không?.

– Này Bà-la-môn! Có được chút ít.

Bà-la-môn Moggalli tức giận trở về tra gạn người nhà, khi biết rằng: “Không có ai cho gì đến vị Samôn cả”.

Hôm sau, Ngài Siggava lại đến nhà Bà-la-môn Moggalli khất thực, Bà-la-môn Moggalli nói rằng:

– Này ông Samôn! Ông đã nói dối, hôm qua người nhà của tôi chẳng có cho ông cái chi cả, vì sao ông lại bảo “có được chút ít?”

– Này Bà-la-môn! Tôi đến đây đã tám năm nhưng người nhà ông chẳng có ai nói gì đến tôi, cũng chẳng cho tôi chút gì cả. Hôm qua, có cô nữ tỳ đã nói “xin thỉnh Ngài ngự đi nơi khác”, tôi bảo “được chút ít” là được lời nói êm dịu đó.

Bà-la-môn Moggalli suy nghĩ: “Vị Samôn này chỉ được nghe lời êm dịu mà có sự hoan hỷ như thế, nói gì được sự cúng dường vật thực chứ. Đây là vị có đại ân đức”.

Ông phát tâm tịnh tín cung thỉnh Ngài vào nhà, rồi cúng dường vật thực vào bát của Ngài, sau khi thọ thực xong Ngài Siggava thuyết giảng Pháp thoại làm hoan hỷ đến gia đình gia chủ Moggalli.

Kể từ đó gia đình Moggalli thường xuyên cung thỉnh Ngài Siggava đến tư gia để cúng dường, dần dần người nhà Moggalli trở thành những tín đồ sùng bái Phật giáo.

Khi thanh niên Tissa được 16 tuổi, thông thạo ba bộ Vedā, rất đắc ý về kiến thức của mình, Trưởng Lão Siggava suy nghĩ: “Đã đến lúc đưa Tissa trở về Phật giáo”.

Nguyên thanh niên Tissa có cái ghế ngồi dành riêng cho mình, khi chàng không ngồi thì ghế ấy được treo lên, Trưởng lão Siggava tạo điều kiện để tế độ thanh niên Tissa bằng cách ngồi vào chiếc ghế của Tissa.

Thanh niên Tissa sau buổi học Vedā tại nhà thầy của mình trở về, thấy Trưởng lão ngồi trên ghế của mình, chàng rất tức giận hỏi rằng:

– Này ông Samôn! Ông là ai mà ngồi trên ghế này.

– Này thanh niên! Ta là người cao hơn cả Phạm thiên.

– Nếu ông nói thế, tôi sẽ hỏi ông.

Rồi chàng đem kinh Vedā ra hỏi Trưởng lão, Trưởng lão là người thông ba bộ Vedā khi chưa đi vào Phật giáo. Ngài lại là bậc A-La-Hán Tuệ phân tích, nên dễ dàng trả lời tất cả những câu hỏi của thanh niên Tissa, cho đến khi chàng không còn gì để hỏi được nữa. Khi đó, Trưởng lão hỏi thanh niên Tissa rằng:

– Này Tissa! Tâm nào sinh mà không diệt? Tâm nào diệt mà không sinh?

Tissa không thể trả lời được, vì đây là câu hỏi trong phẩm Citta yamaka (Tâm song) của bộ Abhidhamma.

“Tâm sinh mà không diệt là chỉ sátna sinh của tâm, tâm diệt mà không sinh là tâm Đạo”.

Câu hỏi của Trưởng lão ví như người đem bóng tối phủ trùm tâm trí của Tissa, chàng hỏi Trưởng lão:

– Đây là loại Manta gì thế, thưa Ngài?

– Là Manta của Đức Phật.

– Ngài có thể dạy cho con không?

– Được thôi! Nhưng con phải xuất gia trong Giáo pháp này.

Chàng Tissa xin cha mẹ được xuất gia để học Manta của Đức Phật.

Khi xuất gia xong, Sadi Tissa được ngài Siggava giảng về “Quán Pháp trong Pháp” của kinh Đại Niệm xứ (Mahā satipaṭṭhāna).

Nghe vừa xong Sadi Tissa chứng quả Dự Lưu, Trưởng lão suy nghĩ: “Giờ đây, ta hãy cho Sadi làm đầy trí tuệ bằng cách học thông Tam Tạng trước đã”. Ngài bảo rằng:

– Này Sadi Tissa! Con hãy đến thọ giáo nơi Trưởng lão Caṇḍavajjī, vị ấy là bậc đa văn trong Giáo pháp này.

Vâng lời thầy, Sadi Tissa đi đến trú xứ của Trưởng lão Caṇḍavajjī, Trưởng lão Caṇḍvajjī dạy Sadi Tissa về Tạng Kinh (Suttapiṭaka) cùng Tạng Thắng pháp (Abhidhamma pītaka).

Khi đến tuổi thọ Cụ túc giới (upasampadā) Sadi Tissa thọ giới Tỳ- khưu, Ngài Siggava tiếp tục dạy cho vị ấy Luật tạng cùng Kinh tạng lẫn Luận tạng.

Sau khi thông thạo Pháp học, Ngài Moggalliputta Tissa tinh cần hành Pháp, chẳng bao lâu chứng quả A-La-Hán.

Bấy giờ danh tiếng của Ngài Moggalliputta Tissa rực chiếu như vầng thái dương ở cõi Diêmphùđề.

Đức vua Asoka khi trở về với Chánh Pháp, Ngài cho xây dựng ở những nơi Đức Phật ngự đến, mỗi nơi một ngôi chùa, lập 84.000 tháp thờ Xá lợi Phật.

Tại kinh thành Pāṭaliputta, Đức vua cho xây dựng Đại tự Asokārāma do Đại Trưởng lão Pudagutta trông coi.

Sau ba năm, tất cả chùa – tháp đều hoàn tất, từ 84.000 thành phố gởi về kinh thành Pāṭaliputta báo rằng: “Chùa đã hoàn thành”, “Tháp thờ đã hoàn thành”… Ngay cả đại tự viện Asokārāma cũng vừa kiến tạo hoàn tất.

Những tin vui này đã tập trung về kinh đô Pāṭaliputta trong một ngày, như đàn bướm “sớ” cùng đổ về hội tụ tại kinh đô Pāṭaliputta.

Vô cùng hoan hỷ trước hiện tượng này, Đức vua Asoka liền tổ chức Đại lễ hội trong tất cả những tự viện, Đức vua công bố rằng: “Sau bảy ngày kể từ hôm nay, một Đại lễ hội được khai mở”.

Người ta nói rằng: “Trong Đại lễ hội này, toàn cõi Ấn độ đều trang hoàng xinh đẹp với hoa đèn như cõi chư Thiên Ba mươi ba. Tất cả thần dân xứ Ấn đều thọ trì Bát quan giới, sau khi cúng dường đến chư Tăng, tất cả đều nghe Pháp từ các vị Đại Trưởng lão.

Lễ hội diễn ra suốt bảy ngày đêm”.

Vào ngày khai mở lễ hội, Đức vua Asoka mặc vương phục cùng với Vương tộc, Cung nhân đi đến Đại Tự viện Asokārāma. Đức vua cúi mình cung kính trước chư Tăng rồi khai mở lễ hội.

Chính lễ hội này khai diễn rực rỡ như cõi chư Thiên, nên từ danh hiệu Caṇḍāsoka trở thành Dhammāsoka.

Vô cùng hoan hỷ việc làm của mình, Đức vua Asoka hỏi Trưởng lão Moggalliputta Tissa rằng:

-Trong lịch sử Phật giáo, có ai cúng dường trọng thể như vầy chăng? Thưa Đại đức”.

Trưởng lão Moggalliputta Tissa đáp rằng.

– Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế, cũng không có một vị thí chủ nào làm được như Đại vương cả.

Tâm đức vua càng hoan hỷ bội phần, hỏi rằng: “Như vậy Trẫm có được gọi là người hộ trì Giáo pháp không?”

Trưởng lão Moggalliputta Tissa thấy được duyên lành của Thái tử Mahinda cùng Công chúa Saṅghamittā, hai vị này sẽ là người truyền Phật giáo sang xứ Tích Lan (Srilankā) nên đáp rằng:

– Tâu Đại vương! Đại vương chưa thể gọi là người hộ trì Giáo Pháp được. Đại vương chỉ được gọi là Đại Thí chủ (mahā paccayādāsaka) lớn nhất mà thôi.

– Thưa Ngài! Như thế nào mới được gọi là “người hộ trì Giáo pháp ?”.

– Tâu Đại vương! Người nào cho con trai hay con gái mình xuất gia trong Giáo pháp này, người ấy mới được gọi là “người hộ trì chánh Pháp”.

Khi ấy đức vua có tâm rất hoan hỷ, mong mõi “mình là vị Đại Hộ pháp của Phật giáo”, nên phán hỏi Thái tử Mahinda cùng Công chúa Saṅghamittā đang đứng bên cạnh rằng:

– Này hai con! Các con có muốn xuất gia không ? Vì xuất gia là một phước báu lớn.

Nghe được mẩu đối thoại giữa Ngài Moggalliputta cùng Phụ vương, vã lại khi ông Hoàng Tissa xuất gia, cả Thái tử Mahinda lẫn Công chúa Saṅghamittā cũng có ý muốn xuất gia, nay nghe đức vua hỏi, cả Thái tử lẫn Công chúa như được ban một đặc ân, đã tâu rằng:

– Tâu Phụ vương! Nếu Phụ vương cho phép, ngay chính hôm nay chúng con xin được xuất gia, sự xuất gia của chúng con hôm nay sẽ mang lợi ích đến cho chúng con cùng Phụ vương.

Từ khi ông Hoàng Tissa xuất gia, ngôi Phó vương đức vua muốn truyền lại cho Thái tử Mahinda, tuy nhiên khi ấy đức vua nghĩ rằng: “Phẩm mạo xuất gia rất cao quý, hơn hẳn địa vị Phó vương nhiều”.

Đức vua lập tức tiến hành lễ xuất gia cho Thái tử Mahinda cùng Công chúa Saṅghamittā. Khi ấy, Thái tử Mahinda được 20 tuổi nên được thọ giới Tỳ- khưu ngay trong ngày khai mở lễ hội, còn Công chúa Saṅghamittā được 18 tuổi..

Vị Tế độ sư (upajjhāya) của Ngài Mahinda là Đại Trưởng lão Moggalliputta Tissa, hai vị tuyên ngôn sự (kamma vācāriya) là Đại Trưởng lão Mahādeva và Trưởng lão Majjhantika. Hai vị này là hai trong chín đoàn truyền giáo, Ngài Majjhantika truyền Phật giáo đến vùng Tây-Bắc Ấn độ là xứ Gandhāra (Apganistan) và xứ Kasmīra (kasmir), còn ngài Mahādeva truyền Phật giáo nơi miền Nam Ấn, vùng Mahismaṇḍala (Mysor) thuộc thung lũng sông Godhāvarī.

Ngay chỗ thọ giới Tỳ Khưu Ngài Mahinda quán xét Pháp chứng quả A-La-Hán cùng các Thắng trí.

Vị Tế độ Sư của Công chúa Saṅghamittā là Trưởng lão ni Dhammapālā (Hộ Pháp), vị Y chỉ sư của nàng là Trưởng lão ni Ayupālā (Hộ Thọ).

Sau hai năm thọ giới Học nữ (sikkhāmana), tròn 20 tuổi nàng thọ giới Tỳ- khưu ni, tinh tấn hành đạo, chẳng bao lâu chứng đắc quả vị A-La-Hán.

Từ đó, trong xứ Ấn Độ với sự sùng mộ Phật giáo của vua A Dục, Phật giáo phát sinh nhiều lợi lộc, một số giáo sĩ Bà-la-môn cũng xuất gia để hưởng vật chất sung mãn từ Phật giáo, nhưng lại công bố những giáo lý Bà-la-môn trái đi truyền thống Phật giáo, đồng thời thực hành những phương pháp riêng của họ.

Thấy được sự hỗn loạn trong Phật giáo phát sinh, Đại Trưởng lão Moggalliputta quán xét kỹ lưỡng thấy rằng: “Chưa hợp thời để chấn chỉnh”, nên Ngài giao lại Tăng chúng lại cho Ngài Mahinda trông coi, đi đến núi Ahogaṅgā tịnh cư ẩn dật suốt bảy năm.

Số lượng ngoại đạo gia nhập vào Tăng đoàn ngày càng đông đảo, do đó phát sanh tệ nạn “buông lung giới luật”.

Chính ngay tại Đại Tự viện Asokārāma cũng không thoát khỏi tệ nạn này, các Tỳ- khưu trong sạch đi đến quyết định “không làm lễ Uposatha (Bốtát) với các Tỳ- khưu giả hiệu, sự kiện này kéo dài suốt bảy năm.

Đức vua Dhammāsoka biết chuyện, để hòa giải Tăng chúng trong tự viện Asokārāma, đức vua sai vị đại thần đến tự viện bảo rằng: “Đức vua yêu cầu các vị hãy hành lễ Uposatha chung với nhau”.

Chư Tỳ- khưu chân chánh cương quyết không chịu rằng: “Chúng tôi chỉ hành trì đúng theo Pháp Luật của Đức Thế tôn”.

Cho rằng: “Những vị Tỳ- khưu này chống lại lệnh đức vua”, nên những ai không chịu hành lễ Uposatha chung với nhau, vị đại thần liền vung gươm chém đầu vị ấy. Máu tuôn đổ trong tự viện Asokārāma ngập tràn, thấy thế Đại Trưởng lão Tissa (Vitasoka) bước ra, đi đến chổ vị đại thần.

Nhận ra đây là “ông hoàng Tissa” vị ấy buông gươm đảnh lễ Ngài, Trưởng lão Tissa bảo:

– Ông hãy về tâu lại Đức vua việc này đi.

Và vị đại thần trở về tâu lên Đức vua sự kiện xảy ra trong Đại Tự viện Asokārām, Đức vua bàng hoàng khi nghe sự việc diễn biến theo chiều bi thảm ấy.

Tâm Đức vua ray rứt rằng: “Trong việc này, ai là người có tội? Ta hay vị đại thần?”. Đức vua mang nghi vấn này ra hỏi chư Tăng, một số Tỳ- khưu thiếu trí đã bảo: “Đại vương là người có tội, vị đại thần vô tội vì vị ấy chỉ làm theo lệnh của Đại vương”.

Một số khác thì bảo: “Cả hai cùng có tội”. Những tỷ kheo có trí đáp rằng: “Đại vương vô tội, vị đại thần có tội”.

Tâm trạng đức vua Asoka càng lúc càng hoang mang, nên phán hỏi rằng:

Ai là người có thể phán đoán chính xác nhất?

Chư Tăng đồng ý rằng: “Chỉ có Đại Trưởng lão Moggalliputta Tissa là người có sự phán đoán chuẩn xác, sẽ đoạn nghi cho Đại vương được mà thôi”.

Nghe vậy, Đức vua Asoka lập tức cử bốn vị Trưởng lão cùng bốn vị quan Đại thần lên đường, cung thỉnh Đại Trưởng lão Moggalliputta về kinh thành Pāṭaliputta.

Mỗi vị Trưởng lão có ngàn Tỳ- khưu tùy tùng, mỗi đại quan có ngàn quan quân tùy tùng, tất cả đều lên đường trong ngày ấy.

Tuy đoàn sứ giả khẩn cầu, nhưng Trưởng lão kiên quyết không về kinh thành, sau khi hỏi lý do rằng:

– Thưa các vị! Đức vua cho mời tôi về Hoàng thành có việc chi chăng?

– Bạch Đại Trưởng lão! Để đoạn nghi cho Đức vua về một vấn đề trong Phật pháp.

– Nếu thế thì! Việc này không quan trọng lắm.

Đoàn sứ giả thứ nhất đành ra về tâu lại Đức vua, Đức vua lại cử đoàn thứ hai gồm tám vị Trưởng lão và tám vị Đại thần cung thỉnh Đại Trưởng lão hồi kinh, nhưng kết quả cũng như lần trước.

Đức vua hỏi chư Tăng rằng: “Làm thế nào để Trưởng lão đến?” Chư Tăng trả lời:

– Đại vương hãy cung thỉnh rằng: “Bạch Trưởng lão, xin Ngài hãy là người làm lợi ích đến Giáo pháp, hãy là người hộ trì chúng con trong phận sự hành chánh pháp”.

– Thưa vâng! Bạch chư tăng.

Lần này, Đức vua cử đoàn sứ giả gồm 16 vị Trưởng lão và 16 đại quan, Đức vua có dặn rằng:

– Trưởng lão đã già, không nên dùng xe hay kiệu sẽ làm nhọc thân Trưởng lão. Hãy dùng thuyền rước Trưởng lão theo dòng sông Hằng trở về kinh thành Pāṭaliputta.

Lần này, đoàn sứ giả thành công, Trưởng lão Moggalliputta trở về kinh thành Pāṭaliputta bằng thuyền. Đức vua tiếp rước Trưởng lão rất trang trọng, chính Đức vua đã lội xuống nước ngang đầu gối, cung kính đưa bàn tay phải của mình đến Trưởng lão, tỏ ý mình là đệ tử của Ngài.

Theo vương lịnh triều đại Moriya “ai chạm vào tay của Đức vua sẽ bị chém” Trưởng lão Moggalliputta tiếp nhận Đức vua là đệ tử bằng dấu hiệu là: “Nắm lấy tay của đức vua”, những tùy tướng cận vệ toan chém Trưởng lão, nhưng Đức vua đã ngăn lại.

Đức vua cũng thỉnh Trưởng lão đến hoa viên Rativaddhana, tự thân Đức vua rửa chân và thoa dầu cho Ngài. Rồi Đức vua ngồi xuống một bên, trình lên sự kiện “thảm sát ở Asokārāma”, bạch hỏi rằng:

– Bạch Trưởng lão! Trong việc này Trẩm có tội không?

Trưởng lão đáp:

– Không có ý ác thì không có nghiệp, Đức Phật có dạy:

“Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi: Này các Tỳ- khưu! Như Lai tuyên thuyết: sự cố ý là nghiệp”.

Rồi Trưởng lão tuyên thuyết lên Bổn sự Tittirajātaka.

Một tuần lễ trú ngụ tại hoa viên Rātivaddhanam Trưởng lão trình bày chánh pháp của Đức Thế Tôn đến Đức vua Asoka để Đức vua phân biệt rõ: đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp.

Cũng trong tuần này, Đức vua ra lịnh triệu tập tất cả chư Tỳ- khưu trong xứ Ấn về kinh thành Pāṭaliputta, chư Tỳ khưu hội lại tại Đại tự Asokārāma.

Vào ngày thứ bảy, Đức vua tự thân thẩm vấn chư Tỳ- khưu qua Chánh pháp được học hỏi tuần qua, Trưởng lão Moggalliputta Tissa ngồi bên Đức vua sau tấm rèm che.

Đức vua cho mời từng vị lên để hỏi về Giáo lý của Đức Phật rằng:

– Bạch Đại đức! Đức Thế Tôn đã giảng dạy điều gì?

Những Tỳ khưu trả lời theo khuynh hướng thường kiến (sassata diṭṭhi) của Bà-la-môn giáo, lập tức Đức vua cho xếp vào một bên. Còn những vị Tỳ khưu đáp rằng: Đức Thế Tôn giảng dạy Giáo lý phân biệt luận (vibhajjavāda).

Đức vua hỏi Trưởng lão: Đức Chánh Biến Tri có dạy Giáo lý phân biệt luận chăng?

– Tâu Đại vương! Có thật vậy.

Đức vua hớn hở.

– Bạch Ngài! Vậy từ nay Tăng chúng sẽ thanh tịnh.

Những vị Tỳ- khưu chánh kiến được xếp một bên.

Sau cuộc kiểm tra này, số Tỳ- khưu ngoại đạo bị trục xuất hơn 60 ngàn vị. Và từ đó, Tăng chúng làm lễ Uposatha trong sự hòa hợp.

Từ trong Tăng chúng, Trưởng lão Moggalliputta Tissa chọn ra 1000 vị Trưởng lão đa văn tinh thông Tam Tạng để kết tập Phật ngôn lần III, dưới sự bảo trợ của vua Asoka.

Cuộc kết tập này quy tụ 18 tông phái Phật giáo lúc bấy giờ, trong cuộc kết tập này bộ Kathāvatthu Pakaraṇa (Luận sự) được hình thành, trong đó những chủ thuyết dị giáo, những quan điểm sai lệch với truyền thống Nguyên thủy được bàn luận kỹ càng và bị bác bỏ.

Thể thức kết tập cũng giống như lần đầu, suốt chín tháng Đại Trưởng lão Moggalliputta cùng với chư Tỳ khưu hoàn tất “trùng tuyên Tam Tạng”, khi ấy, Đại Trưởng lão Mogalliputta được 72 tuổi (vào năm thứ 17 của triều đại Đại đế Asoka).

Và cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ ba hoàn tất sau một năm (ba tháng đầu bàn về những điểm sai biệt trong Giáo lý)

Sau cuộc kết tập Phật ngôn lần III, vua Asoka khởi lên ý niệm: “Nên hoằng bá Phật pháp sang các nước láng giềng”. Đức vua đem ý nghĩ này bàn với Trưởng lão Mogalliputta Tissa rằng : “Nếu Phật giáo tại Ấn độ bị hoại mất, thì vẫn còn tiếp tục phát triển lớn mạnh ở các quốc gia khác”.

Tất nhiên, Trưởng lão Mogalliputta Tissa tán thành ý kiến tuyệt vời này.

Thế là, Trưởng lão cùng Đức vua mời thỉnh mười vị Đại Trưởng lão có năng lực truyền giáo, rồi phân thành chín đoàn đi chín địa phương.

  1. Trưởng lão Majjhantika đi về hướng Tây Bắc đến xứ Gandhāra (Apganistan) và Kasmīra (Kasmir).
  2. Trưởng lão Mahādeva xuống nam Ấn đến Mahismaṇḍa (Mysore) thuộc thung lũng sông Godhāvarī.
  3. Trưởng lão Rakkhita đến xứ Vanavāsī hướng núi Vindhaya nằm ở Tây Nam Ấn độ.
  4. Trưởng lão Dhammarakkhita đi về hướng Tây Bắc Ấn, đến xứ Aparanta. Trưởng lão là người gốc Hy Lạp (có thể là người Ấn gốc Hy Lạp đầu tiên xuất gia trong phật giáo).
  5. Trưởng lão Mahādhammarakkhita đến xứ Mahārākhata (mahāraṭṭha) nay thuộc bang Mahartth, nằm về thượng lưu sông Godhāvarī (cách thành phố Bombay ở phía Đông Bắc) nay là Andhara pradesh.
  6. Trưởng lão Mahārakkhita đi sang Trung Á đến Hy Lạp, nếu khi ấy chư Tăng cử Ngài Dhammarakkhita đến hoằng Pháp ở Hy Lạp có lẽ hay hơn, vì Ngài là người Hy lạp, đồng thời Hy Lạp có thể có được một giáo hội Tăng chúng.

Dựa vào sự có mặt lâu đời của Phật giáo ở Hy Lạp (200 năm trước khi Thiên Chúa giáo ra đời), bà Giáo sư Rhys David cho rằng tiếng God (Thượng đế) xuất phát từ tiếng Gotama của Pāli và tiếng Allah xuất phát từ tiếng Arahaṃ.

  1. Trưởng lão Majjhima lên mạn Bắc vùng Hy Mã Lạp Sơn.
  2. Trưởng lão Sona và Uttara đến xứ Vaṇṇabhūmi (xứ vàng) thuộc vùng Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Miến Điện (kể cả xứ Môn), Khmer, Tây Việt ngày nay.
  3. Trưởng lão Mahinda truyền giáo sang Tích Lan, Trưởng lão Mahinda chọn thêm bốn vị Trưởng lão nữa là: Iṭṭhiya, Uttiya, Sambala, Bhaddasāla, về sau có thêm Ngài Sadi Sumana cùng đi truyền giáo ở Sri Laṅka (Tích Lan).

Sự phân phái và Luận Kāthavatthu.

I- Sự xuất hiện các bộ phái.

Sau cuộc Kết tập Phật ngôn lần II ở Vālikārāma (Tự viện Vālika), Phật giáo chính thức phân thành hai Bộ phái: Theravāda (Trưởng lão bộ) và Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ).

Theo sự nghiên cứu của Giáo sư André Bareau, có nhiều truyền thuyết về lịch sử xuất hiện các bộ phái, ở đây chúng tôi chỉ ghi lại sự phân phái theo truyền thuyết Tích Lan, truyền thuyết này được ghi nhận theo bộ Dīpavaṃsa (Đảo sử)([36]), cùng với Bản Sớ giải Kāthavatthu (Luận điểm) của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm), ngoài ra có nhiều truyền thuyết về sự hình thành các bộ phái như: Truyền thuyết Sammitiya (Chính lượng bộ), truyền thuyết Kasmir (Kế Tân), theo Dị tôn bộ luận (Samayabhedoparaca-nacakra) …([37]).

Theo truyền thuyết Tích Lan.

Từ hai nhánh lớn ban đầu là Theravāda và Mahāsaṅghika, theo dòng thời gian vào cuộc Kết lần Phật ngôn lần III, bấy giờ đã hình thành 18 bộ phái. Như sau:

A- Từ Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ) tách ra 2 bộ phái là:

– Ekavyohārika (còn viết là Ekabbohārika) (Nhất thiết bộ).

– Gokulikavāda (Kê dận bộ).

*Từ Gokulikavāda (Kê dận bộ) tách ra 2 bộ phái là:

– Paññattivāda (Thi thiết bộ).

– Bahulika (Bahusuttiyavāda) (Đa văn bộ).

Về sau có thêm bộ phái Cetiyavāda (Chế sơn bộ) tách ra từ Mahāsaṅghika.

Như vậy, có 6 bộ phái thuộc nhánh Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ).

B- Từ Theravāda (Trưởng lão bộ) tách ra hai bộ phái là:

– Vajjiputtaka (Độc tử bộ).

– Mahiṃsāsaka (Hóa địa bộ).

*Vajjiputtaka lại tách ra bốn bộ phái:

a- Dhammuttarā (còn viết là Dhammuttarikā, Dhammuttariyā) (Pháp thượng bộ).

b- Bhaddayānika (Hiền trụ bộ).

c- Channagarika (Mật lâm sơn trú bộ).

d- Samitiya (Chánh lượng bộ), còn viết là Sammatiya.

*Từ Mahiṃsāsaka (Hóa địa bộ) tách ra hai bộ phái là:

a- Dhammaguttika (còn viết là Dhāmagutta) (Pháp tạng bộ).

b- Sarvāstivāda (Hữu bộ), còn gọi là Sabbatthivādī .

*Từ Sarvatthvāda (Hữu bộ) lần lượt có thêm ba bộ phái.

Trước tiên là Kassapiyā (Ẩm quang bộ), từ Kassapiyā nảy sinh Saṅkantikā (Thuyết chuyển bộ), từ Saṅkantikā nảy sinh Suttavāda (Kinh bộ).

Như vậy, có 12 bộ phái thuộc nhánh Theravādā(sđd).

Ngoài ra, ở vùng Andhaka có 4 bộ phái khác đó là:

a- Rājagiriya (Vương sơn trú bộ).

b- Siddhatthika (Nghĩa thành bộ).

c- Pubbaseliya (Đông sơn trú bộ).

d- Aparaseliya (Tây sơn trú bộ).

Theo sự nghiên cứu của Giáo sư André Baraeu, Ngài Buddhaghosa có cho biết: “Vào thế kỷ sau đó, bốn bộ phái này mới xuất hiện” (sđd). Như vậy, 4 bộ phái này xuất hiện sau cuộc Kết tập Phật ngôn lần III (sđd).

Theo Bắc truyền, ba bộ phái vùng Andhaka là: Siddhatthikā (Nghĩa thành bộ), Pubbaseliyā (Đông sơn trú bộ), Aparaselita (Tây sơn trú bộ) hình thành từ nhánh Mahāsaṅghika([38]), hai bộ phái Pubbaseliyā và Aparaseliyā không chấp nhận “năm điều Mahādeva” nên tách ra từ nhánh Mahāsaṅghikā.

Lại có 4 bộ phái khác cũng được Bản Sớ giải Kathāvatthu đề cập là:

a- Hetuvāda (Nhân chấp bộ).

b- Vetullaka (Phát triển bộ).

c- Vajiriya (Kim cương bộ).

d- Uttarapathaka (Bắc sơn trú bộ)([39]).

Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ).

Chấp nhận 5 điều của Tỳ- khưu Mahādeva. Ngoài ra Mahāsaṅghikā (Đại chúng bộ) không công nhận:

– Bộ Parivāra (Tập yếu) của Luật Tạng (Vinayapiṭaka).

– Sáu 6 bộ đầu của Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka).

– Bộ Paṭisambhidāmagga ( Đạo Vô ngại giải), bộ Nidesa (Xiển Minh) và một số kệ ngôn Jātaka (Bổn sự) của Tạng Kinh (Suttapiṭaka)([40]).

Theo Ngài Huyền Trang, Mahāsaṅghikā chia Kinh điển thành 5 Tạng: Luật, Kinh, Luận, Tạp và Dhāraṇī.

Ngài Pháp Hiển có đưa trọn bộ Luật của Mahāsaṅghikā về Trung quốc (Luật Ma-ha-Tăng-kỳ)([41]).

Mahāsaṅghikā (Đại chúng bộ) có một Tự viện ở gần Abhayagiri-vihāra của Tích Lan, Được biết vua Tích Lan Sena I có xây một Tự viện Vīraṅkurārāma để họ xử dụng([42]).

Nhánh Mahāsaṅghikā đều dùng tiếng Saṅskrit ghi chép kinh điển.

([1])– UdA. 238.

([2])– Xem D.ii. Mahāsudassamnsuttaṃ (Kinh Đại Thiện Kiến vương).

([3])– UdA. 402; DA. ii. 573.

([4])– D.ii. Kinh Đại Viên tịch ( Mahāparinibbānasuttam).

([5])– D. ii. 160.

([6])– Xem Indacanda (d). Luật Tiểu phẩm II. Số 614.

([7])– Sp. i, 10; ThagA. i. 351

([8])– Mhv. iii, 19.

([9])– Dpv. iv, 14; Dpv. v, 5.

([10])– Nguyễn Đức Tư – Hữu Song (d). 2.500 năm Phật giáo. Bốn nghị hội kết tập của Phật giáo.

([11])– Xem ĐĐ Indacanda(d). Luật Tiểu Phẩm II. Số 617.

([12])– Cullavagga II. Chương 11.

([13])– Cuộc Kết tập Phật ngôn lần II được ghi nhận trong bộ Culla vagga II, chương 12, trong Tạng Luật

([14])– Sp.i, 72.

([15])– Mhv. iv. 1.

([16])– Vajjiputtaka được dịch là “người con xứ Vajji”, chữ “Bạt-kỳ-tử” không chuẩn, vì vừa âm vừa dịch. Nhưng để độc giả đọc ngắn gọn nên chúng tôi tạm dùng “Bạt-kỳ-tử”. Mong các bậc hiền trí thứ tha – Ns.

([17])– Người Ấn xem sữa chua là vật thực, giống như người Miến xem trà là vật thực – Ns.

([18])– Yasa Kākaṇḍakaputta nghĩa là: “Yasa con trai của Bà-la-môn Kākaṇḍaka”. Ngài Yasa là đệ tử của Ngài Ānanda, Ngài Yasa có diễm phúc nhìn thấy Đức Thế Tôn khi Đức Thế Tôn còn hiện tiền (Mhv. 57).

([19])– A.ii, 53. Kinh các uế nhiễm.

([20])– S.iv, 325.

([21])– Ahogaṅgā là ngọn núi ở Bắc Ấn trên thượng lưu sông Hằng. Tập Mahāvaṃsa (Đại sử) mô tả núi Ahogaṅgā “ở trên sông Hằng” (uddhaṃ Gaṅgāya).. Ngài Moggaliputta Tissa đi thuyền từ Ahogaṅgā đến Pāṭaliputta.

([22])– Culla vagga II. Chương XII.

([23])– Mhv. iv, 30.

([24])– Tính theo tuổi đời thì vị Trưởng lão Sabbakāmi được 140 tuổi.

([25])– Culla vagga II. Chương XII.

([26])– Ngưới Ấn xem sữa chua là loại vật thực phụ ( anatirittabhojana).

([27])– Kuyki (Khuy-cơ) là đệ tử của Ngài Huyền Trang, Ngài Huyền trang thành lập Pháp Tướng tông ở Trung Hoa.

([28])– Mbv. p. 98; xem chi tiết trong MṬ. 177- 179.

([29])– Chi tiết, xem MṬ. 183,

([30])– MṬ. 188.; cp. JA. iv. 474.

([31])– MṬ. 187.

([32])– Sp. i. 44,

([33])– MṬ.189, 324.

([34])– Những đoạn trên trích theo tập Mahāvastu của Bắc truyền.

([35])– Mhv. Chương V.

([36])– Dp.V. Phần đầu.

([37])– Xem Pháp Hiền (d). André Bareau- Các bộ phái Tiểu thừa. Chương I.

([38])– Rockhill, op. cit. 182.

([39])– Xem Tâm An – Minh Tuệ (d). Luận điểm.

([40])– KvuA, p. 4; Dpv. v. 32.

([41])– Giles, p. 64, Nañjio’s Catalogue có Mahāsaṅghika và Mahāsaṅghabikhsunī Vinaya bằng tiếng Trung Hoa (Cols. 247, 253. Ms. No. 543).

([42])– Cv. l. 68.

 

Theravada tổng hợp

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app