B- Cuộc Kết tập Phật ngôn lần II ([13]).

1- Địa bàn Magadha (Ma-Kiệt-Đà).

Phụ hoàng của vua Bimbisāra (Bình-Sa) và vua Suddhodana (Tịnh Phạn) là bạn của nhau, Thái tử Bimbisāra có kết giao với Thái tử Siddhattha (SĩĐạtTa) qua thư từ.

Bồtát Siddhattha lớn hơn vua Bimbisāra (Bình-Sa) năm tuổi, Thái tử Bimbisāra lên ngôi lúc 15 tuổi.

Sau khi trị vì vương vị được 16 năm, năm 30 tuổi vua Bimbisāra đắc Thánh quả Dự Lưu. Vua Bimbisāra cai trị vương quốc Magadha được 52 năm, trong 37 năm (kể từ khi chứng Thánh quả Dự Lưu) vua Bimbisāra tích cực ủng hộ Phật pháp.

Năm 67 tuổi vua Bimbisāra bị con là Thái tử Ajātasatta (A-Xà-Thế) nghe theo lời Tôn giả Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) giết chết để đoạt ngôi, khi ấy Đức Thế Tôn được 72 tuổi.

Năm Đức Thế Tôn 80 tuổi, lãnh thổ Magadha (MaKiệtĐà) của vua Ajātasattu (A-Xà-Thế) được mở rộng qua sự kiện vua Viḍūḍabha (Lưu Ly) tru diệt dòng Sakya (Thích – Ca), đoàn quân của vua Vidūdabha kéo về đến sông Aciravatī, trong đêm ấy nước dâng cao cuốn trôi cả đoàn quân trong đó có vua Vidūdabha xuống sông Hằng, do đó vương quốc Kosala (Kiều-Tất-La) được sát nhập vào vương quốc Magadha (Ma-Kiệt-Đà), vì vua Ajātasattu (A-Xà-Thế) là cháu gọi vua Pasenadi (Pa-Tư-Nặc) xứ Kosala (Kiều-Tất-La) bằng cậu (em của vua Pasenadi là bà Videhī, bàVidehī là mẹ của vua Ajātasattu), đồng thời cũng là con rễ của vua Pasenadi, vua Pasenadi gả công chúa Vajirā cho vua Ajātasattu.

Ngoài vua Vidūdabha, vua Pasenadi không có người con trai nào khác, nên các Đại thần bàn nhau “mang vương quốc Kosala sát nhập vào vương quốc Magadha”.

Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch được 3 năm, vua Ajātasattu (A-Xà-Thế) cất quân chinh phục thành công xứ Vajjī (Bạt-Kỳ), sát nhập xứ Vajjī (Bạt-Kỳ) vào vương quốc Magadha (Ma-Kiệt-Đà).

Trị vì vương quốc Magadha được 32 năm, vua Ajātasattu bị con là Thái tử Udayabhaddaka (còn được gọi là Udāyibhadda; Udāyibhaddaka) giết để soán ngôi, cai trị Vương quốc Magadha (Ma-Kiệt-Đà) được 16 năm. Trưởng lão Ānanda và Trưởng Lão Upāli viên tịch vào thời đại của vị vua này.

Vua Udayabhaddaka cho dời kinh đô về Pupphapura, Pupphapura cách Pāṭaliputta từ 2-3 do-tuần. Có thuyết cho rằng: “Chính vua Udayabhaddaka dời kinh đô về Pāṭaliputta”, vì Pupphapura là tên gọi khác của Pāṭaliputta.

Trong Dīpavaṃsa (Đảo sử) gọi vị vua này là Udaya, còn trong Mahābodhivaṃsa (Đại giác sử) gọi là Udāyabhadda.

Vua Udāyabhaddaka cai trị vương quốc Magadha được 16 năm. Vào năm thứ 8 của triều đại này, vua Vijaya xứ Tích Lan mệnh chung và vào năm thứ 15 của triều đại này, vua Paṇḍuvāsudeva xứ Tích Lan lên ngôi([14]).

Con vua Udāyabhaddaka là Thái tử Anuruddhaka lại giết cha cướp ngôi([15]), vua Anuruddhaka cai trị được 4 năm, lại bị con là Thái tử Muṇḍaka giết chết để cướp ngôi.

Vua Muṇḍaka cai trị được 4 năm lại bị con là Thái tử Nāgadāsaka giết chết đoạt ngôi.

Vua Nāgadāsaka trị vì được 24 năm, dân chúng thấy giòng họ này có truyền thống “giết cha soán ngôi” nên nổi dậy lật đổ vương triều Magadha, giết chết vua Nāgadāsaka; rồi lập ông hoàng dòng Licchavī là Susūnāga lên làm vua.

Vua Susūnāga trị vì được 18 năm thì mệnh chung, Thái tử Kāḷāsoka nối ngôi, vào năm thứ 10 của triều đại vua Kālāsoka thì Phật lịch tròn 100 năm.

Trong thời gian đó, Phật Giáo thăng trầm ra sao? Không có sử liệu nào ghi rõ, chỉ có thể ghi nhận rằng “Chư Tăng âm thầm tách phái”, xuất phát từ mối bất đồng của trưởng lão Purāṇa qua 8 điều nhỏ đã nêu trên.

Chính từ tám điểm nhỏ của mối bất đồng này, về sau nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka (Bạt-kỳ-tử)([16]) thuộc phái Purāṇa nơi kinh thành Vesālī đã cải cách thêm 10 điều sai luật, sự kiện này xẩy ra vào Phật Lịch 100.

Mười điều đó là:

1-Kappati sigiloakappo.

Được phép cất giữ muối trong ống sừng để nêm vào những loại vật thực không có muối (khi đã thọ lãnh vật thực ấy).

Điều này trái với điều học pācittiya thứ 38: “Cấm trữ thức ăn”.

2-Kappati dvagulakappo

Được dùng bữa khi bóng chưa xế quá 2 ngón tay bề rộng.

Điều này trái với điều học pācittiya thứ 37: “Không được ăn khi quá ngọ”.

3- Kappati gamantarakappo

Được đi vào làng dùng bữa thứ hai sau bữa ăn chính.

Điều này trái với điều học pācittiya thứ 25: “Cấm ăn nhiều lần”.

4- Kappati āsāvakappo

Trong khu vực Mahāsīmā (ranh giới lớn) các Tỳ- khưu có thể chia thành nhiều nhóm để hành Uposatha (Bốtát).

Điều này trái với Mahāvagga (Luật Đại phẩm) về sự cư trú trong một Sīmā .

5- Kappati anumatikappo

Được làm Tăng sự khi thiếu Tỳ- khưu, Tăng sự vẫn thành tựu nếu sau này được sự đồng ý của những vị vắng mặt.

6-Kappati āciṇṇakappo.

Được làm một điều gì đó, (dù là phạm luật) do vị Hòa Thượng sai bảo.

7- Kappati amathitakappo.

Được uống sữa chua lúc quá ngọ([17]).

Điều này trái với điều pācittya (ưngđốitrị) thứ 35.

8- Kappati jaogi pātu.

Được uống nước trái cây lên men chưa đủ nồng độ.

Điều này trái với điều pācittiya (ưngđí6itrị) thứ 51: “Cấm uống chất say”.

9- Kappati adasaka nisīdana.

Được dùng tọa cụ không viền.

Điều này trái với điều pācittya thứ 89:“Cấm dùng tọa cụ không viền”.

1o- Kappati jātarūparajata.

Được thọ lãnh vàng bạc.

Điều này trái với điều nissaggiya pācittiya (ưngxả đối trị) thứ 18.

Nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka (Bạt-kỳ-tử) đề xướng và thực hành 10 điều này từ lâu, nhưng vì cư dân thành Vesālī không biết Luật, nên vẫn tôn kính và ủng hộ các Tỳ- khưu Vajjiputtaka.

Có lần, Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta([18]) người xứ Kosambī, du hành trong xứ Vajji đi đến thành Vesālī, trú nơi Kūṭārāma (Tự viện Kūṭa) trong Mahāvana (Đại Lâm). Các Tỳ- khưu Vajjiputtaka ở Vesalī vào ngày Uposatha (Bốtát), lấy một chậu bằng đồng đổ đầy nước đặt giữa hội chúng Tỳ- khưu, kêu gọi các cư sĩ rằng:

– Hãy bố thí đến hội chúng 1 kahāpana (đồng vàng), 1 nửa, 1 pāda, 1 māsaka. Hội chúng sẽ có việc phải làm về vật dụng.

Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta cố ngăn chặn nhưng không được, các cư sĩ gia chủ thành Vesalī vẫn mang vàng bạc đến cúng dường theo thông lệ từ trước đến giờ.

Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta khiển trách các Tỳ- khưu Vajjiputtaka đồng thời cũng rầy các gia chủ cư sĩ thành Vesalī.

Vào cuối đêm các Tỳ- khưu Vajjiputtaka chia số vàng bạc ấy theo số lượng Tỳ- khưu hiện diện, rồi mang đến dâng cho Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta, Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta từ chối và khiển trách các Tỳ- khưu ấy một lần nữa.

Tức giận trước thái độ của Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta, các Tỳ- khưu Vajjiputtaka họp nhau lại tụng tuyên ngôn phạt paisaranakamma (sám hối cư sĩ) đối với Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta. Trước áp lực số đông, Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta đành chấp hành đi cùng một Tỳ- khưu trong nhóm Vajjiputtaka đại diện Tăng chúng để chứng minh.

Nhưng tại đó, Ngài lại giải thích cho cư sĩ hiểu về Luật, nói rõ việc làm này của nhóm Tỳ- khưu Vajjipattaka là sai Luật.

Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta nêu ra ba sự kiện chứng minh: “Các Samôn Thích tử không được thọ dụng vàng bạc”.

a- Lập lại bài kinh Các uế nhiễm.

“Này các Tỳ- khưu! Có bốn uế nhiễm (upakkilesā) của mặt trời, mặt trăng, do bốn uế nhiễm này, mặt trời, mặt trăng không chiếu sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. Thế nào là bốn ?

* Này các Tỳ- khưu, mây (abbhaṃ) là uế nhiễm của mặt trởi mặt trăng, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt trời mặt trăng không chiếu sáng, không chói sáng, không rực sáng.

* Này các Tỳ- khưu, sương mù (mahiyā) là uế nhiễm…

* Này các Tỳ- khưu, khói bụi là uế nhiễm…

* Này các Tỳ- khưu, Rāhu vua của các loài A-tu-la là uế nhiễm (vì nuốt mặt trời hay mặt trăng, tạo ra hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực)…

Do những điều uế nhiễm này, mặt trời, mặt trăng không thể chiếu sáng, không thể chói sáng, không thể rực sáng.

Cũng vậy, có 4 uế nhiễm cho các Samôn, Bà-la-môn, do bốn uế nhiễm này khiến cho các Samôn, Bà-la-môn không được chiếu sáng, không được chói sáng, không được rực sáng. Thế nào là bốn ?

* Này các Tỳ- khưu, uống rượu men, rượu nấu là uế nhiễm…

* Này các Tỳ- khưu, hưởng thụ dâm dục là uế nhiễm…

* Này các Tỳ- khưu, thọ nhận vàng bạc là uế nhiễm…

* Này các Tỳ- khưu, nuôi sống tà mạng là uế nhiễm…([19]).

b- Thôn trưởng Maicūlaka.

Một thời Đức Thế Tôn trú tại Veḷuvanavihāra (Đại tự Trúc Lâm) nơi nuôi dưỡng những con sóc, gần thành Rājagaha (Vương xá).

Bấy giờ trong cung của vua Bimbisāra, các đại thần, Đức vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện trên đây được khởi lên: “Các Samôn thuộc giòng Thích tử được dùng vàng bạc. Các Samôn thuộc giòng Thích tử được giữ vàng bạc. Các Samôn thuộc giòng Thích tử được nhận lấy vàng bạc”.

Bấy giờ có thôn trưởng Maṇicūḷaka đang ngồi trong hội chúng, thôn trưởng Maṇicūḷaka nói rằng:

– Các Tôn giả chớ có nói như vậy. “Các Samôn thuộc giòng Thích tử không được phépdùng vàng bạc. Các Samôn thuộc giòng Thích tử không được phép giữ vàng bạc. Các Samôn thuộc giòng Thích tử không được phép nhận lấy vàng bạc. Các Samôn thuộc giòng Thích tử từ bỏ châu báu và vàng; chúng đã ly khai vàng và bạc”.

Nhưng hội chúng không chấp nhận lời thôn trưởng Maṇicūḷaka, thôn trưởng Maṇicūḷaka đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên hợp lẽ, bạch trình đến Đức Thế Tôn sự kiện trên rồi bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn, trả lời như thế, không biết con có nói đúng lời Đức Thế Tôn? Con không xuyên tạc Đức Thế Tôn với điều không thật? Con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích.

– Này thôn trưởng, trả lời như thế ngươi đã trả lời đúng pháp. Ngươi không có xuyên tạc Ta với điều không thật. Ngươi đã trả lời đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích.

Tiếp theo Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này thôn trưởng, Ta nói rằng: “Cỏ được tầm cầu với những ai cần đến cỏ. Củi được tầm cầu với những ai cần đến củi. Cổ xe được tầm cầu với những ai cần đến cổ xe. Nhưng này thôn trưởng, không có bất cứ lý do gì Ta nói rằng “vàng bạc được chấp nhận, vàng bạc được tầm cầu”([20]).

c- Dẫn chứng điều học nisaggiya-pācittiya (ưngxảđốitrị) số 18.

Điều học này do Tôn giả Upananda giòng Sākya vi phạm đầu tiên và Đức Thế Tôn chế định học giới: “Cấm các vị Tỳ- khưu thọ nhận vàng bạc”.

Sau khi nghe Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta giải thích, các cư sĩ gia chủ thành Vesālī tán thán rằng: “Chỉ có Tôn giả Yasa Kākaṇḍaka là Samôn thuộc giòng Thích tử, các vị kia đều không phải là Samôn, không phải là Thích tử”. Và các cư sĩ gia chủ thành Vesālī bạch rằng:

– Xin Tôn giả Yasa Kākaṇḍakaputta hãy trú ngụ tại kinh thành Vesālī , chúng tôi sẽ nỗ lực hộ độ bốn món vật dụng đến Tôn giả.

Vị Tỳ- khưu đi chung với Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta đã tường trình sự việc đến các Tỳ- khưu Vajjiputtaka. Họ quyết định dùng số đông phạt Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta theo cách Ukkhepanīyakamma nghĩa là cô lập mọi sinh hoạt của Ngài Yasa Kākaṇdaka.

Đoán được ý đồ của nhóm Vajjiputtaka nên Ngài Yasa Kākaṇḍaka đã theo đường hư không trở về kinh thành Kosambī trước khi họ đến.

Khi trở về kinh thành Kosambī Ngài Yasa Kākaṇḍa suy nghĩ: “Nếu ta làm ngơ sự kiện này thì không bao lâu Giáo pháp sẽ suy vong, các ác Tỳ- khưu tăng thịnh”.

Ngài Yasa Kākaṇḍaka cử người đến xứ Pāvā, xứ Avanti và Dakkhiṇāpatha để thông báo “sự kiện ở Vesāli” cho chư Tăng rõ và thỉnh chư Tăng chấn chỉnh “10 điều sái Luật” này.

Tự thân Trưởng Lão Yasa Kākaṇḍaputta đi đến núi Ahogaṅgā([21]) gặp Trưởng Lão Sambhūta Sāṇavasī trình bày duyên sự. Ngài Sambhūta Sāṇavasī đồng ý với Ngài Yasa trên mọi điểm.

Bấy giờ có 60 vị Trưởng Lão ở thành Pāṭhā xứ Pāvā, 80 vị Trưởng Lão xứ Avanti tất cả đều là A-La-Hán cùng đi đến núi Ahogaṅgā hội với Ngài Yasa và Sambhūta, ngoài ra còn có rất nhiều vị Thánh tăng ở nhiều nơi đi đến.

Theo Mahāvaṃsa thì có đến 90.00o vị đồng tình đi đến dự hội tại núi Ahogaṅgā và số lượng chư Tăng khi ấy lên đến 112 ngàn vị.

Các Ngài quyết định sẽ giải quyết “việc sái Luật” này, bằng cách thỉnh thêm Trưởng Lão Revata người xứ Soreyya là vị A-La-Hán đa văn, thông suốt Phật Ngôn. Và các Ngài lên đường đi đến Soreyya tìm Trưởng Lão Revata.

Trưởng lão Soreyya Revata biết “việc sái Luật” ở Vesāli, tuy muốn giải quyết nhưng Ngài ngại sẽ tạo ra phân hóa trầm trọng trong Tăng chúng nên rời chỗ ngụ đến thành Saṇkassa.

Chư Tăng đến Soreyya được tin Ngài Revata đến thành Saṅkassa liền đi đến thành Saṅkassa, Ngài Revata lại du hành đến Kaṇṇakujja; chư Tăng đến Kaṇṇakujja thì Ngài Revata lại đi đến Udumbara, chư Tăng tìm đến Udumbara, Ngài Revata di chuyển đến Aggalapura, chư Tăng lại đi đến Aggalapura thì Ngài Revata lại đến Sahajāti và chư Tăng gặp được Ngài Revata ở nơi này.

Ngài Sambhūta Sāṇavāsī bảo Ngài Yasa chọn một vị Tỳ- khưu đọc đúng âm từ, đến hội kiến Ngài Soreyya Revata. Sau khi vị ấy đọc hết 10 điều sáng tạo của nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka, Ngài Yasa hỏi Ngài Soreyya Revata từng điều một và tất cả được Ngài Revata đáp là “sai Luật”. Và Ngài Yasa thỉnh Ngài Revata tham dự vào việc chỉnh lý này, đồng thời sẽ Kết tập Phật ngôn lần II. Ngài Soreyya Revata nhận lời.

Được tin chư Tăng tìm gặp được Ngài Soreyya Revata ở Sahajāti, nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka e ngại, nghĩ đến việc: “Nhờ Trưởng lão Revata che chở”.

Nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka liền đáp thuyền đi ngược dòng sông đến Sahajāti, mang nhiều dụng cụ Samôn như y, bát, toạ cụ, dây buộc thân… đến dâng Ngài Revata, nhưng Ngài từ chối lễ vật của họ.

Bằng cách này không áp dụng được với Ngài Revata, họ liền chuyển hướng sang áp dụng với thị giả của Ngài là Đại đức Uttara, nhờ vị này nói giúp “nhờ Ngài Revata giúp đỡ họ”.

Đại đức Uttara là vị Tỳ- khưu được 20 tuổi hạ, là thị giả của Ngài Soreyya Revata, tuy được 20 tuổi hạ nhưng vì chưa thông suốt Luật nên Đai đức Uttara phải sống nương nhờ thầy Tế độ.

Ban đầu, Đại đức Uttara cũng từ chối, nhưng bị ép buộc nên có nhận 1 bộ y, Ngài Uttara hỏi các vị Tỳ- khưu Vajjiputtaka rằng:

– Này các Tôn giả, hãy nói rõ lý do về việc này.

– Xin Ngài Đại đức nói với Ngài Trưởng lão chỉ một điều: “Thưa Ngài, xin Ngài Trưởng lão hãy nói giữa hội chúng chỉ có một điều này: “Chư Phật Thế Tôn đều sinh lên trong các quốc độ ở hướng Đông. Các Tỳ- khưu về hướng Đông là nói đúng Pháp, còn các Tỳ- khưu ở Pāvā là các vị nói phi pháp”.

Ngài Revata đã khiển trách Đại đức Uttara đồng thời tẩn xuất Đại đức Uttara ra khỏi chỗ ngụ([22]).

Sách Mahāvaṃsa (Đại sử) có nói thêm rằng: “Ngài Uttara sau khi bị tẩn xuất ra khỏi chổ ngụ, các Tỳ- khưu Vajjiputtaka muốn kéo Ngài Uttara về phe mình, một số xin làm đệ tử của Ngài Uttara và Ngài Uttara đã theo nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka”([23]).

Thất bại trong việc nhờ Trưởng lão Revata che chở, nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka trân tráo tâu lên vua Kāḷāsoka (Hắc Vô Ưu) rằng: “Tự viện Kūṭārāma ở Mahāvana nơi chúng tôi trú ngụ trong thành Vesāli này, có hương phòng của Đức Thế Tôn, chúng tôi đang bảo vệ hương phòng đó. Nhưng có những Tỳ- khưu từ miền núi đến với ý: “Chúng ta sẽ giành lấy Tự viện Kūṭārāma cho chúng ta”, xin Đại vương hãy ngăn họ lại”.

Vua Kāḷāsoka không suy sét nên hứa bảo vệ họ.

Ở Sahajāti có vị Trưởng lão A-La-Hán Sāḷha là bậc làu thông Pháp luật của Đức Thế Tôn, chư Tăng thỉnh Ngài Sāḷha tham dự vào việc giải quyết tranh sự về Luật. Ngài Sāḷha chấp thuận.

Trong việc giải quyết tranh sự về Luật, Ngài Sāḷha có vai trò rất quan trọng, là một trong bốn đại biểu hội đồng Giám Luật đại diện cho các vị Tỳ- khưu hướng Đông (chỉ cho nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka).

Khi chư Tăng tụ hội đông đảo ở Sahajāti, Ngài Revata đề nghị việc này cần phải giải quyết ở kinh thành Vesālī vì Đức Thế Tôn có dạy “nhân sinh nơi nào, diệt tại nơi ấy”, các vị Trưởng lão đồng ý.

Tiếp theo Ngài Revata tụng tuyên ngôn thông báo đến chư Tăng: “Sẽ giải quyết tranh sự về Luật này tại kinh thành Vesālī”. Chư Tăng đồng ý, cùng nhau đi đến kinh thành Vesālī.

Nơi kinh thành Vesālī có vị Đại trưởng lão có được 12o hạ Tỳ- khưu([24]), đó là Ngài Sabbakāmi đệ tử của Ngài Ānanda([25]), Ngài Sabbakāmi là bậc làu thông Pháp Luật của Đức Thế Tôn.

Trưởng lão Revata đề nghị thỉnh thêm Trưởng lão Sabbakāmi, chư Tăng đề cử Ngài Revata đến hội kiến với Ngài Sabbakāmi.

Ngài Revata đi đến chỗ cư ngụ của Đại trưởng lão Sabbakāmi, chỗ nằm ngồi của Đại trưởng lão Sabbakāmi được bố trí ở phòng trong, chỗ nằm ngồi của Ngài Revata được bố trí ở trước phòng. Khi ấy Ngài Revata suy nghĩ: “Vị trưởng lão cao niên này không nằm”, nên Ngài cũng không nằm; Đại trưởng lão Sabbakāmi thấy vậy suy nghĩ: “Vị Tỳ- khưu khách này đang mệt vẫn không nằm”, nên Ngài cũng không nằm xuống.

Vào lúc gần sáng của đêm, Đại trưởng lão Sabbakāmi trở ra nói với Ngài Revata rằng:

– Này Hiền giả thân mến, hiện nay Hiền gia an trú với sự an trú nào?

– Thưa Ngài, hiện nay tôi thường an trú với sự an trú tâm từ.

Ngài Sabbakāmi tán thán Ngài Revata. Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi rằng:

– Thưa Ngài trưởng lão, hiện nay Ngài thường an trú tâm trong sự an trú nào?

– Này hiền giả, ta thường an trú tâm trong sự an trú với trạng thái suññatā (rỗng không).

Ngài Revata tán thán Ngài Đại trưởng lão Sabbakāmi. Cuộc trao đổi thân tình giữa hai vị Trưởng lão chưa chấm dứt, Ngài Sambhūta đi đến, sau khi đảnh lễ Đại trưởng lão Sabbakāmi rồi, Ngài Sambhūta ngồi xuống một bên thưa với Ngài Sabbakāmi rằng:

– Thưa Ngài Đại trưởng lão, các Tỳ- khưu ở thành Vesālī này sáng tạo 10 điều…

Thưa Ngài, Ngài là vị Đại trưởng lão đã học tập được nhiều Pháp Luật từ nơi thầy Tế Độ. Thưa Ngài, khi Ngài quán xét về Pháp Luật thì Ngài khởi ý như thế nào? Những ai là người nói đúng Pháp? Những vị Tỳ- khưu ở hướng Đông (pācinaka) hay những vị Tỳ- khưu ở Pāvā?

Đại trưởng lão Sabbakāmi thừa nhận: “Nhóm Tỳ- khưu ở hướng Đông nói phi Pháp. Nhóm Tỳ- khưu ở Pāvā nói đúng pháp”.

Ngài Sabbakāmi còn nói thêm rằng: “Tuy nhiên, tôi sẽ không nói rõ quan điểm, cho đến khi nào tôi được chỉ định trong sự tranh tụng này”.

Và hai Ngài Sambhūta và Revata thỉnh Ngài Sabbakāmi tham dự vào việc giải quyết tranh sự này. Ngài Sabbakāmi chấp thuận.

Chư Tăng quyết định chọn Vālikārāma (Tự viện Vālika) trong thành Vesālī là nơi giải quyết tranh sự, đồng thời cũng là nơi Kết tập Phật ngôn lần II.

Theo lời đề nghị của Đại trưởng lão Sabbakāmi, Đại hội cử ra một hội đồng giám luật gồm bốn vị Trưởng lão ở Pācinaka (Đông Ấn) là: Ngài Sabbakāmi, Ngài Saḷha, Ngài Khujjasobhita và Ngài Vāsabbagāmika, đại diện cho nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka trả lời về Luật.

Bốn vị Trưỡng lão ở Pāvā (Tây Ấn) là: Ngài Revata, Ngài Sambhūta, Ngài Sumaṇa và Ngài Yasa đại diện cho tuyên cáo, vấn hỏi Luật..

Các vị Trưởng Lão quyết định chọn chùa Vālukārāma (còn gọi là Vālikārāma) ở Vesāli để giải quyết tranh sự vềLuật”. Và chùa này trở thành địa điểm kết tập Phật Ngôn lần II.

Chư Tăng thỉnh Ngài Revata tụng tuyên ngôn “giải quyết 10 điều sai luật bằng cách Ubāhika (đoạn trừ nguyên nhân) tại Vesāli”, rồi vấn hỏi Luật. Thỉnh Ngài Sabbakāmi là vị trả lời về Luật.

Trong tám vị hội đồng giám luật có hai vị là đệ tử của Ngài Anuruddha đó là: Trưởng Lão Vāsabhagāmika và Trưởng Lão Sumana, sáu vị còn lại là đệ tử của Trưởng lão Ānanda.

Tám vị Trưởng Lão này có được duyên lành chiêm ngưỡng Đấng Như Lai khi Đức Phật còn tại thế.

Hai vị Trưởng lão Anuruddha và Ānanda là hai Kết tập sư quan trọng trong cuộc Kết tập Phật ngôn lần I.

Hội đồng đề cử Trưởng lão Ajita là người sắp xếp chổ ngồi cho các vị Đại trưởng lão và chư Tăng.

Nói về vua Kāḷāsoka vì thiểu trí, tin lời nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka, khi nghe chư Tăng về đến Vesālī, liền ra lệnh cấm chư Tăng không được vào khuôn viên Vālikārāma, cho các quan Đại thần dẫn quân đến để ngăn chận chư Tăng, nhưng chư Thiên dẫn họ đi lạc đường.

Đêm ấy, vua nằm mộng thấy mình rơi vào địa ngục Lohakumbhī (địa ngục Đồng sôi), tỉnh dậy vua vô cùng sợ hãi, đến sáng cho hội triều thần để bàn điềm mộng đêm qua.

Bấy giờ, em gái vua Kāḷāsoka là vị thánh nữ A-La-Hán Nandā đi đến tâu rằng:

– Đây là một ác trọng nghiệp mà Đại vương đã làm, Đại vương hãy sám hối và làm hòa với chư Tăng, đó là những vị Tỳ- khưu có chánh kiến.

Đại vương hãy đứng về phía các vị ấy để bảo vệ chánh pháp, đó là việc làm có lợi ích cho Đại vương.

Đức vua Kāḷāsoka cho thỉnh Chư Tăng hai bên họp lại tại Kūṭārāma (Tự viện Kūṭa) yêu cầu hai bên trình bày lại sự việc.

Nghe xong, Đức vua tán đồng quan điểm của Chư Thánh Tăng, đồng thời đứng về chánh pháp, Đức vua nói rằng:

– Các Ngài hãy làm những gì mà các Ngài cho là thánh thiện, hãy phát triển chánh pháp rộng rãi.

Chư Thánh Tăng tỏ ý muốn nhà vua bảo trợ cuộc Kết tập Phật Ngôn lần II tại chùa Vālikārāma, Đức vua chấp thuận.

Khi ấy số lượng Thánh Tăng được tuyển chọn là 700 vị, tất cả là bậc A-La-Hán tối thiểu là Lục thông.

2- Nội dung kết tập Phật ngôn

Sau khi tụng tuyên bố cho chư Tăng biết rõ: Bốn vị trưởng lão đại diện ch0 các Tỳ- khưu Pāvā sẽ hỏi 10 điều của nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka đến 4 vị trưởng lão đại diện cho các vị Tỳ- khưu Pācinaka (hướng Đông). Bốn vị trưởng lão đại diện cho các Tỳ- khưu Pācinaka sẽ trả lời.

Điều 1.

Rồi Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định cất giữ muối trong ống sừng là được phép?

– Này hiền giả, quy định cất giữ muối trong ống sừng ấy, là thế nào?

– Thưa Ngài, là mang theo muối đựng trong ống bằng sừng (nghĩ rằng) “Ta sẽ thọ dụng vào trường hợp thức ăn thiếu muối” có được phép không?

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga (Phân tích Giới bổn).

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng-đối-trị) về vật thực được tích trữ.

Ngài Revata tuyên ngôn cho chư Tăng biết điều thứ nhất là không đúng Pháp không đúng Luật của Đức Thế Tôn và Ngài để riêng thẻ thứ 1.

Điều 2.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định hai ngón tay là được phép?

– Này hiền giả, quy định hai ngón tay ấy là như thế nào?

– Thưa Ngài, là ăn vật thực sái giờ khi bóng nắng mặt trời (chiếu ở trên đất) đã dài hai ngón tay, có được phép không?.

– Này hiền giả, không được phép.

– Thưa Ngài, việc ấy được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở thành Rājagaha, trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?.

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng-đối-trị) về vật thực sái giờ.

Và Ngài Revata tuyên ngôn cho chư Tăng biết “điều này là sai pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, Ngài Revata để riêng thẻ thứ 2

Điều 3.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

Thưa Ngài, quy định trong làng là được phép?

– Này hiền giả, quy định trong làng ấy là như thế nào?

– Thưa Ngài, vị đã ăn xong, đã được thoả mãn (nghĩ rằng): “Bây giờ ta sẽ đi vào làng”, rồi thọ dụng vật thực, không phải là vật thực dư thừa, có được phép không?

– Này hiền giả, không được phép.

– Thưa ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở thành Sāvatthī, trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng-đối-trị) đối với vật thực không phải còn thừa.

Ngài Revata tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều thứ ba là sai pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”. Và Ngài để riêng thẻ thứ 3.

Điều 4.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định về chổ cư trú là được phép?

– Này hiền giả, quy định về chổ cư trú ấy là thế nào?

– Thưa Ngài, là trú xứ có chung ranh giới (sīmā) thực hiện lễ Uposatha (Bốtát) riêng biệt, có được phép không?

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Rājagaha, trong chương về Uposatha.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm dukkata (làm sái quấy) về việc vi phạm Luật.

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Việc này sai Pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi Ngài Revata để riêng thẻ thứ tư.

Điều 5.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định về sự thỏa thuận là được phép?

– Này hiền giả, quy định về sự thỏa thuận ấy là như thế nào?

– Thưa Ngài, là thực hành Tăng sự với hội chúng không đủ số lượng (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ thuyết phục các Tỳ- khưu đi đến”, có được phép không?

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, Ở trong câu chuyện về Luật của các vị ở Campā.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm dukkata về vi phạm về luật.

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều này sai Pháp, sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi Ngài Revata rút thẻ thứ 5 để riêng.

Điều 6.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định theo tập quán là được phép?

– Này hiền giả, quy định theo tập quán ấy là như thế nào?

– Thưa Ngài, là vị (nghĩ rằng): “Điều này đã được thực hành bởi thầy Tế Độ của ta, điều này đã được thực hành bởi thầy giáo thọ của ta”, rồi thực hành theo, có được phép không?

– Này hiền giả, quy định theo tập quán có điều được phép, có điều không được phép.

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết rõ: “Việc này không đúng Pháp không đúng Luật, đi sái với lời dạy của Đức Thế Tôn”, rồi rút thẻ thứ 6 để ra riêng.

Điều 7.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định chưa được khuấy là được phép?

– Này hiền giả, quy định chưa được khuấy ấy là như thế nào?

– Thưa Ngài, có loại sữa đã qua trạng thái sữa, nhưng chưa đạt đến trạng thái sữa đông, vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn, lại uống lại sữa ấy không phải còn thừa lại (từ bữa ăn), có được phép không?

– Này hiền giả, không có được phép([26]).

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng-đối-trị) về vật thực không phải là còn thừa (điều học pācittiya thứ 35).

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều này sai Pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi Ngài Revata rút thẻ thứ 7 để riêng ra.

Điều thứ 8.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định uống nước trái cây lên men là được phép?

– Này hiền giả, quy định uống nước trái cây lên men ấy là thế nào?

– Thưa Ngài, là uống loại rượu vừa mới lên men, nhưng chưa đạt đến trạng thái rượu mạnh.

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Kosambī, trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya về việc dùng rượu và chất say.

Ngài Revata tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều này sai pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi Ngài rút thẻ thứ 8 để riêng ra.

Điều 9.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, quy định toạ cụ không có viền quanh là được phép?

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng-đối-trị) về vật cần được cắt bỏ.

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều này sai Pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi Ngài rút ra thẻ thứ 9 để ra riêng.

Điều 10.

Ngài Revata hỏi Ngài Sabbakāmi.

– Thưa Ngài, vàng bạc là được phép?

– Này hiền giả, không có được phép.

– Thưa Ngài, (việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

– Này hiền giả, ở Rājagaha trong Suttavibhaṅga.

– Thưa Ngài, (làm việc ấy) phạm tội gì?

– Này hiền giả, phạm pācittiya (ưng đối trị) về việc thọ lãnh vàng bạc.

Ngài Revata tụng tuyên ngôn cho chư Tăng biết: “Điều này sai Pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, rồi rút thẻ thứ 10 để riêng ra.

Hội đồng Giám luật lập lại vấn đáp này trước đại chúng Tỳ- khưu.

Tiếp theo 700 vị trưởng lão A-La-Hán Lục thông tiến hành Kết tập Phật ngôn lần II, thể thức giống như Kết tập Phật ngôn lần I. Cuộc Kết tập Phật ngôn này kéo dài 8 tháng.

3- Mahāsaghika (Đại chúng bộ) hình thành.

Các Tỳ- khưu nhóm Vajjiputtaka không chấp nhận quyết định của Hội đồng Giám luật: “10 điều ấy là sai Pháp sai Luật của Đức Thế Tôn”, và họ cũng không chịu lặng yên.

Các Tỳ- khưu nhóm Vajjiputtaka phối hợp với các Tỳ- khưu nhóm Mahādeva (Đại thiên), tổ chức cuộc Kết tập Phật ngôn theo thể thức của họ: “Điều nào được đa số chư Tăng chấp thuận, điều ấy là hợp pháp, hợp Luật”.

Kinh thành Vesālī là địa bàn hoạt động của nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka nên Tăng chúng của họ hợp với các Tỳ- khưu của nhóm Đại thiên ở Pāṭaliputta được 10 ngàn vị.

Các Tỳ- khưu nhóm Vajjiputtaka cùng các Tỳ- khưu nhóm Đại Thiên Kết tập lại Phật ngôn và gọi cuộc Kết tập này là Ācariyavāda (lời bậc Thánh), còn cuộc Kết tập Phật ngôn của 700 vị Trưởng Lão gọi là Theravāda (lời Trưởng Lão).

Hai nhóm Tỳ- khưu này thành lập bộ phái mới có tên gọi là Mahāsaṅghika (Đại Chúng Bộ), gọi chư Trưởng lão chính thống là Theravāda (Trưởng lão bộ).

Phật giáo chính thức tách thành hai bộ phái từ thời điểmnày.

Trong bộ Dhammabhidacakkasutta của Ngài Vasumitra (Thế Hữu) và quyển phụ chú giải bộ này của Kuyki (Khuy-cơ)([27]) ở Trung Hoa soạn, có ghi: “Sự bất đồng quan điểm tri kiến trong Phật Giáo xuất phát từ năm điều của Ngài Mahādeva (Đại thiên) chủ trương”.

Ngài Mahādeva chủ trương năm điều:

  1. Vị A-La-Hán có thể bị ác ma khuấy phá, làm cho xuất tinh trong lúc ngủ.
  2. Vị A-La-Hán có thể không hiểu biết một số vấn đề, gọi là Aññāṇārahanta (bất tri A-La-Hán).
  3. Vị A-La-Hán còn hoài nghi một số vấn đề.
  4. Vị A-La-Hán không thể tự mình biết chứng quả phải nhờ người khác nói mới biết.
  5. Thánh quả được hiển lộ khi người ta nói “Aho dukkhaṃ! Aho dukkhaṃ” (Khổ quá ! Khổ quá!).

* Ngài Mahādeva (Đại Thiên).

Theo một số tư liệu thì Tỳ- khưu Mahādeva là con một thương buôn hương liệu ở thành phố Mathurā (Madhurā).

Tương truyền rằng: Mahādeva rất khôi ngô và thông minh.

Trong thời gian cha đi buôn, Mahādeva đã tư thông với chính mẹ mình, khi cha trở về y giết cha vì sợ đổ bể việc bất chánh này. Để tránh pháp luật xử phạt, hai mẹ con y đưa nhau đến Pāṭaliputta sinh sống.

Nơi đây hai người gặp lại vị Thánh tăng đã từng được hai người hộ độ, lại sợ Ngài tố giác tội ác, hai người lại giết luôn vị A-La-Hán ấy.

Về sau, mẹ của Mahādeva tư thông với thanh niên khác, Mahādeva giết luôn mẹ mình.

Thấy mình tạo nhiều ác nghiệp nên Mahādeva ăn năn, bỏ nhà đi xuất gia tại chùa Kukkuṭārāma. Sau khi xuất gia, Mahādeva học hỏi Giáo Pháp thông suốt trở thành một pháp sư danh tiếng có đông đảo đồ chúng cùng đệ tử, y tự xưng là bậc A-La-Hán.

Để chiếm lòng tin của đệ tử đồng thời làm tăng thêm danh lợi, y chứng nhận người này là Thánh Hữu Học, người kia là Bậc A-La-Hán…

Một hôm trong lúc ngủ Mahādeva bị xuất tinh người đệ tử giặt y thấy thế, thắc mắc hỏi thì Mahādeva trả lời:

– Vị A-La-Hán vẫn có thể bị xuất tinh trong giấc ngủ do thiên ma khuấy phá.

Có một đệ tử y xác nhận là bậc A-La-Hán, thấy mình chẳng biết gì hết, hỏi y, y đáp:

– Có hạng A-La-Hán bất tri (aññaṇarahanta). Người đệ tử lại hỏi:

– Thầy xác nhận con là vị A-La-Hán, nhưng sao con thấy mình còn hoài nghi quá nhiều vậy. Mahādeva lại tiếp tục lừa phỉnh.

– Vị A-La-Hán vẫn còn hoài nghi một số vấn đề.

Người học trò lại nghi ngờ rằng:

– Thưa thầy! Những ai ngộ đạo quả cũng đều tự biết, nhưng sao chính con vẫn nghi ngờ về đạo quả mà thầy xác nhận con đã chứng đắc.

– Này con! Người ta không thể tự biết mình chứng đắc, phải do người khác bảo cho biết.

Thế rồi, một đêm khi cơ thể Mahādeva khó chịu vì mỏi mệt, y buột miệng than “Aho dukkhaṃ ! Aho dukkhaṃ” (khổ quá! khổ quá).

Một đệ tử nghe được, thắc mắc, y liền giải thích.

– Thánh đạo hiển lộ khi người ta than thở như vậy.

Năm điểm do Mahādeva đề xứơng, được đệ tử cùng đồ chúng của y hưởng ứng. Mahādeva trình bày lên chư Tăng chùa Kukkuṭārāma với mục đích chư Tăng sẽ đồng tình, nhưng các vị Tỳ- khưu chánh kiến đã bác bỏ.

Mahādeva quyết định tụng tuyên ngôn để hợp thức hóa năm điểm trên, bằng Tăng sự Yebhuyyasikā (là đa số Tỳ- khưu chấp nhận thì điều ấy được xem là chính thức).

Trước khi diễn ra Tăng sự, Mahādeva cho đệ tử cùng những vị Tỳ- khưu ủng hộ mình đến dự đông đảo, các vị Tỳ- khưu chánh kiến thấy mình thiểu số biết rằng: “Sẽ bị cô lập” nên bỏ Pātaḷiputta đến xứ khác.

Vua Kāḷāsoka nghe tin những vị hiền thiện bỏ đi, cho bắt giữ lại. Chính vua Kāḷāsoka cũng không phân biệt phải trái vì không thông Phật Pháp, chư Trưởng Lão kiên quyết ra đi vì không thể kết hợp với phần đông ác Tỳ- khưu.

Vua Kāḷāsoka tức giận ra lệnh dìm chết các Ngài dưới sông Gaṅgā, các vị Trưởng Lão thị hiện thần thông bay lên hư không, đến xứ Kashmire trú ngụ.

Vua Kāḷāsoka biết mình vì si mê phạm đến các bậc thánh, nên cử người đến xin sám hối và thỉnh các Ngài trở về Pāṭaliputta, các Ngài từ chối trở về Pāṭaliputta, vua Kāḷāsoka cho kiến tạo tại Kashmire một ngôi Tự viện để các Ngài cư ngụ.

Nhóm Tỳ- khưu Vajjiputtaka đứng trước sự phê phán nghiêm khắc của chư Trưởng Lão đã tìm cách thoát ra sự bế tắc vì sợ danh lợi đã bị tổn giảm, nên tách khỏi Theravāda trước tiên.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app