Phần 3
[V] NHỮNG BÀI PHÁP PHẬT THUYẾT CHO TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC
Trong bốn mươi lăm năm trường hoằng dương chánh pháp, đức Phật đã nhập hạ mười chín lần ở thành Xá Vệ, tại chùa Kỳ Viên, do Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tạo lập, thuộc tư thổ của Thái tử Kỳ Ðà (Jeta). Mỗi khi Phật nhập hạ (tức ở yên một chỗ tinh tấn hành thiền suốt ba tháng mùa mưa) như thế, thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hằng ngày đến thăm Phật hai lần. Mục đích chính của ông là chỉ để thấy mặt đức Bổn Sư, nhưng nếu thuận duyên, cũng được nghe pháp. Vì vậy, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thường do dự lúc định hỏi đức Phật một vài vấn đề liên quan đến Pháp học. Bởi ông nghĩ rằng: “Ta là đại thí chủ của Giáo hội, ta không nên gây cảm tưởng nơi Tăng chúng hiểu lầm việc bố thí cúng dường của ta, là để đổi lấy những bài Pháp quí báu của đức Phật!”.
Ðối với Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, sự cúng dường bắt nguồn từ thiện tâm, từ sự thỏa thích trong hành động làm phước, chứ không phải làm phước để được đền bù. Vả chính trong sự thanh tịnh làm phước ấy, niềm hoan hỷ cao thượng hẳn là một đền bù xứng đáng rồi! Ông luôn luôn cố tránh không gây cho Tăng chúng hay đức Phật cảm giác rằng: “Mỗi lần Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đến, Phật phải thuyết pháp cho ông nghe” – mà trái lại nếu đức Thế Tôn hay một Ðại Sa môn nào đó nói pháp đến ông, là do lòng từ bi và sự hoan hỷ muốn bố thí pháp của các Ngài!
Từ nguyên nhân đó, khi đến hầu Phật, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, sau phần đảnh lễ đức Bổn Sư, luôn luôn yên lặng ngồi sang một bên, trước tiên xem Phật có điều gì dạy bảo không. Sau đó nếu đức Thế Tôn chẳng có chi nhắn nhủ thì ông sẽ tùy cơ hội thuật lại cho đức Phật nghe, những biến đổi thăng trầm trong đời sống của ông, nhất là kể lại các giai thoại tiếp nối với những gì đức Phật đã biết.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc làm vậy không phải để khoe khoang đời mình, mà để xin đức Phật sự phân tích chính xác, nhận xét sâu xa mỗi hoàn cảnh rồi chấp thuận hay phê bình hạnh kiểm của ông. Nhiều khi ấy cũng chính là phần gợi đầu cho một bài pháp Phật sẽ thuyết. Kết quả có rất nhiều những thiện hạnh trong đời sống của ông đã làm căn bản nội dung những bài pháp Phật đã thuyết.
Do đó, nhiều lời dạy của đức Phật dành riêng cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lại trở thành “pháp số” khá phổ thông trong giáo lý giải thoát, nhất là giáo lý hướng dẫn sự trau giồi đức hạnh của người cư sĩ. Tất cả những lời dạy ấy khi hợp lại có thể xem như một bộ luật áp dụng trong lãnh vực cải thiện tư tưởng của các hàng Phật tử tại gia. Nếu xét trên khía cạnh này, thì Cấp Cô Ðộc không chỉ là một đại ân nhân của giáo hội khi đức Phật còn tại tiền, mà ông là một người có công làm sung túc Pháp học cho các thế hệ cư sĩ về sau nữa!
Những Pháp học ấy nằm rải rác trong toàn bộ kinh Tăng Chi A Hàm (Anguttara Nikàya – Quí vị nào cần tham khảo đầy đủ, hãy tìm đọc “The discourse collection in numerical order” (Pháp Số tuyển tập) của Nyanaponika, do The Wheel xuất bản: phần I các số 153, 155. Phần II các số 208, 211 và phần III các số 238, 240.) trải dài từ các phúc ngôn đơn giản nhất cho đến những giáo lý sâu xa nhất. Sau đây, chúng tôi chỉ xin trích một số ít tượng trưng những phúc ngôn căn bản dành riêng cho các giới cư sĩ:
– Này các con! Người Phật tử tại gia cao thượng, khi đã thấm nhuần Pháp bảo, hằng ngày sẵn sàng hộ trì khung cảnh sống đạo, chăm sóc bốn thứ gieo trồng. Vì nhờ đó họ sẽ có danh thơm, sẽ có trú sở trong kiếp sau trên thiên cảnh! Vậy bốn thứ gieo trồng ấy là gì?”.
– Này các con! Bốn thứ gieo trồng ấy là vật thực, y phục, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Bốn thứ này, các con nên thường xuyên dâng cúng cho chư Tăng tròn đủ giới hạnh, vì các Ngài là phước điền của chúng sanh vậy!” (Theo Anguttara Nikàya IV. 60: Tăng Chi A Hàm IV. 60).
Một chỗ khác, Phật nói:
– Này các con! Có bốn loại hạnh phúc mà người cư sĩ có thể đạt tới là “hạnh phúc được làm chủ”, “hạnh phúc có nhiều của cải”, “hạnh phúc không thiếu nợ kẻ khác”, và “hạnh phúc không bị ai chê cười”.
Rồi Phật giảng giải:
1/ Này các con! Kẻ giàu có nhờ nghị lực và tính cần mẫn của mình, bằng đôi bàn tay, cùng mồ hôi nước mắt với lòng dũng cảm. Ðồng thời nghĩ rằng: Những gì ta có đều xứng đáng, hợp pháp, là niềm hãnh diện! Nhân suy tư như thế, và thỏa mãn thì ấy là “Hạnh phúc của người làm chủ”.
2/ Kẻ nào giàu có hợp pháp, và do tính chuyên cần của mình, rồi thụ hưởng cho bản thân, và biết chia sớt cho những ai khốn khổ hay tạo thiện duyên, gieo trồng vào phước điền Tăng bảo, đồng thời nghĩ rằng: Ta xứng đáng hưởng sự giàu sang này. Ta còn biết dùng một phần giàu có ấy để làm phúc, tạo an lành kiếp sau. Ta là người sống đúng chánh nghiệp và chánh mạng. Ta luôn luôn thỏa mãn! Suy nghĩ như vậy là hạnh phúc có nhiều của cải.
3/ Một người không thiếu nợ ai, dù lớn hay nhỏ. Ðồng thời nghĩ rằng: Ta là một công dân xứng đáng trong xã hội. Ta không phải là nguồn nghi kỵ, nguồn lường gạt cho bất cứ kẻ nào. Tâm tư như vậy là hạnh phúc không thiếu nợ.
4/ Người Phật tử cao thượng là kẻ không bao giờ bị ai phàn nàn hay chê trách, dù sự chê trách ấy trong tâm, bằng hành động hay bằng lời nói! Rồi Phật tử ấy nghĩ rằng: Ta thật an lành vì không bị ai chê trách hay khinh bỉ qua ba ngõ thân, khẩu và ý. Sự an lành này làm cho đời sống của ta luôn luôn tự tin và thanh tịnh. Tư duy như vậy gọi là Hạnh phúc không bị thế gian chê cười (Theo Anguttara Nikàya IV. 62: Tăng Chi A Hàm số IV. 62).
Trên đây là bài “Pháp số bốn” (tức các pháp có bốn chi). Còn “Pháp số năm” (Pháp có năm chi) thì xin trích như sau:
Phật nói:
– Này các hàng Phật tử tại gia! Có năm điều mà người đời hằng ao ước được có, hằng thích gần gũi và hằng tìm cách để kiến tạo cho mình là: sống lâu, sắc đẹp, an vui, danh tiếng và thượng sinh lên cõi trời.
Nhưng này các hàng Phật tử tại gia! Như Lai không dạy cho các con đêm ngày đốt nhang cầu khẩn hay nguyện ước để được năm hạnh phúc đó, vì ấy là hành động mê tín và làm chuyện vô ích.
Hàng Phật tử tại gia cao thượng là những người biết rõ thế nào là mê tín dị đoan, không tin tưởng và thỏa thích trong những hình thức tế lễ thần linh, cầu khẩn nơi tha lực. Ngược lại, họ lúc nào cũng tự tin, thanh tịnh và sống đúng theo Bát Chánh Ðạo. Rồi tuổi thọ của họ nhờ đó sẽ gia tăng, gia tăng đến vô lượng.
Tương tự như vậy, đối với bốn điều ao ước còn lại, người Phật tử sống trong chánh kiến cũng không tin vào Thượng đế hay Thần linh có thể ban cho mình sắc đẹp, sự an vui, danh tiếng, hay đưa mình lên cõi trời. Họ chỉ hằng ngày sống đúng theo Bát Chánh Ðạo. Rồi sắc đẹp của họ sẽ gia tăng, hạnh phúc của họ sẽ lâu dài, danh thơm của họ sẽ loang rộng, và hết kiếp, họ sẽ được sinh lên nhàn cảnh cao hơn (Theo Anguttara Nikàya V. 43: Tăng Chi A Hàm số V. 43).
Trong một bài “Pháp năm chi” khác, đức Phật đã nói:
– Này các hàng Phật tử tại gia! Có năm cơ duyên để cho một người giàu có, có thể duy trì được hạnh phúc là:
- Ðối xử đúng phép với cha mẹ, vợ con và kẻ ăn người ở trong nhà: Người có chánh tín là người biết sử dụng của cải, do công lao chính họ hợp pháp tạo ra, không những để mang lại hạnh phúc bản thân mà còn mang lại hạnh phúc cho gia đình gồm cha mẹ, vợ con và kẻ ăn người ở. Từ đó những người sống dưới mái nhà chung của họ, sẽ luôn luôn tìm cách bảo vệ sự giàu có đó để cộng đồng thụ hưởng.
- Ðối xử đúng phép với bạn bè, đồng liêu: Người giàu có đủ đức hạnh, là người biết tạo dịp cho bạn bè, đồng liêu của mình cùng tiến thân phát đạt như mình. Từ đó họ sẽ được bạn bè hay đồng liêu kính trọng và tìm dịp trả ơn.
- Ðối xử đúng phép với của cải: Ý nói biết cách giữ gìn, biết phòng ngừa gian tặc, và chọn người xứng đáng để giao phó, hay cất kín vào những nơi an toàn.
- Ðối xử đúng phép với thân tộc, dòng họ. Nếu trong lãnh vực thương mại, thì còn phải biết đối xử đúng phép với các khách hàng, chức sắc địa phương (có sách gọi là quỉ thần), vua chúa và chư Thiên. Những đối tượng đó, khi đã được kẻ giàu có đối xử đúng phép, sẽ hài lòng, khen ngợi và nhân dịp che chở họ.
- Ðối xử đúng phép với Thiên sứ, Thánh nhân và các hàng phạm hạnh: Nhất là đối xử đúng phép với các bậc Sa môn giữ đúng giới luật, dẹp bỏ tà kiến ngã mạn, lười biếng và tu pháp nhẫn nhục, khiêm nhường, hằng ngày tinh tấn và làm chủ lấy mình, an định tinh thần và thanh lọc nội tâm.
Năm cơ duyên nói trên hằng nghiệm đúng cả hai phương diện: Vật chất và tinh thần! Vì những người cư sĩ sống đạo chân chánh, biết và thực hành đầy đủ năm cách đối xử đúng phép ấy, rồi bởi dư nghiệp tiền kiếp, họ có thể trở thành nghèo khổ, mất hết của cải, họ cũng còn cái hạnh phúc chánh tín trong tâm, suy nghĩ rằng: “Thăng trầm vật chất trên cuộc đời vốn nằm trong lẽ vô thường! Nhưng ta vẫn toại nguyện, vì đã sống đúng theo pháp lành!”. Rồi tâm tư họ bình thản!
Ngược lại, ví thử người cư sĩ sống đạo chân chánh ấy, nhờ thực hành đầy đủ năm cách đối xử cao thượng mà trở nên phát đạt, giàu có hơn trước gấp bội đi nữa, thì họ cũng không mất cái chánh tín, thanh tịnh trong tâm. Họ tư duy rằng: “Ta nhờ hưởng quả giàu sang do thiện nhân đã gieo trồng trong kiếp trước mà hiện tại tạo được nghiệp lành, đối xử đầy đủ với năm cơ duyên duy trì hạnh phúc! Và ta đã gặt hái được trái tốt ngay trong kiếp này là một điều nghiệm đúng chân lý! Ta không nên vì vậy mà trở nên dễ duôi, chểnh mảng trong việc trau giồi đức hạnh!”. Nghĩa là trong hai trường hợp “thăng trầm” người cư sĩ có chánh tín không bị vật chất lung lạc tâm hồn! (Theo Anguttara Nikàya V. 41: Tăng Chi A Hàm số V. 41).
Ðiểm quan trọng cần được nhắc lại ở đây là xuyên qua một “Pháp số bốn” khác, trong tạng kinh, đức Phật, nhân một cơ hội nói pháp đến các hàng trưởng giả, thân hữu của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, Ngài đã nhấn mạnh với người tạo lập ra ngôi chùa Kỳ Viên rằng:
– Này đại cư sĩ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Bốn phúc đức mà người đời cho là quí báu, đáng ao ước, hân hạnh và khó tìm là:
- Xin cho tôi tạo được sự giàu sang hợp pháp.
- Khi được nhiều của cải hợp pháp rồi, xin cho tôi tạo được danh thơm, cùng với thân tộc, thầy tổ.
- Xin cho tôi được sống lâu, tuổi thọ càng cao càng tốt.
- Khi mạng chung, xin cho tôi được lên thiên cảnh.
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Muốn tạo duyên đưa đến quả lành, thụ hưởng bốn phước báo vừa nêu trên, ông hãy gieo trồng bốn thiện nhân.
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Vậy bốn thiện nhân đó là gì? Là hoàn toàn trong niềm tin, hoàn toàn trong giới đức, hoàn toàn trong bố thí, và hoàn toàn trong trí tuệ (Theo Anguttara Nikàya IV. 61: Tăng Chi A Hàm số IV. 61).
Vả lại, niềm tin chân chánh chỉ có thể đạt tới khi chúng ta may mắn gặp được một đấng Toàn Giác, ngưỡng mộ Ngài và hiểu thấu chân lý trong phúc âm của Ngài! Nhất là phải nhận thức rõ bản chất của mọi vật hiện hữu trong phúc âm đó! Một Phật tử muốn viên tròn giới đức, phải gìn giữ đầy đủ tối thiểu năm giới cấm, xem ấy như “luân lý căn bản” trong cuộc đời. Và hạnh bố thí cũng là một thiện pháp khác, có khả năng dũa mòn tính tham lam, keo kiệt, một thứ ác pháp hằng làm chật hẹp tâm tính!
Người đạt được trí tuệ giải thoát là người thấy rõ rằng: Ai tâm hồn còn bị ô nhiễm bởi những tham luyến, ác ý, chán nản, khích động, quên mình và nghi kỵ, thì kẻ ấy sẽ thường xuyên làm những nghiệp trần không đáng làm, và ngược lại sẽ bỏ qua các cơ hội thực hiện nhiều thiện nghiệp! Chưa kể người quen làm tội, thì lơ là việc lành, rồi kết quả nhãn tiền là họ sẽ mất dần “uy tín” và tiêu hao tiền bạc!
Nhưng bậc có thiện hạnh khác hẳn. Họ luôn luôn thanh tịnh gìn giữ con tâm, quan sát những động cơ thúc đẩy họ tạo tác, để lúc nào họ cũng sẵn sàng loại bỏ những chướng ngại phiền não(Chướng ngại phiền não có năm là: 1/ tham lam, 2/ ác tâm, 3/ lười biếng cộng hôn trầm, 4/ băn khoăn cộng lo âu, 5/ nghi kỵ. Muốn biết thêm hãy đọc cuốn “The Five Mental Hindrances” (Năm chướng ngại nội tâm) của Nyànaponika. The Wheel xuất bản số 26. ) rình chờ đẩy họ vào ác nghiệp! Và kết quả của sự cảnh giác đó, là đạt được trí tuệ vậy!
Người Phật tử sống đạo chân chánh, do nhờ trau giồi niềm tin, giới đức, bố thí và trí tuệ, mà thừa hưởng bốn điều hạnh phúc là giàu sang, danh thơm, sống lâu, và tái sinh thiên cảnh. Rồi họ cũng không chểnh mảng vui chơi, lại sử dụng những phúc lành ấy để không ngừng tạo thêm thiện nghiệp, thì họ không những đã làm cho bản thân, gia đình mình hạnh phúc, mà họ còn làm cho bạn bè, xã hội được an vui lây. Tai nạn xung đột giữa con người với con người họ hằng tránh khỏi, để thường xuyên hành động theo “năm cách đối xử đúng phép” như đã nói trên. Nhất là sự đối xử đúng phép với các bậc chân tu, phạm hạnh.
Trái lại, kẻ nào giàu có mà không biết sử dụng tài sản của mình để gieo trồng nhân lành đẻ ra bốn “quả hạnh phúc” ấy, thì gọi là người sống không có mục đích, phung phí sự giàu sang của mình một cách vô nghĩa. (Theo Anguttara Nikàya IV. 61: Tăng Chi A Hàm số IV. 61).
Một dịp khác, đức Phật cũng giảng giải và phân loại về các cách tạo và sử dụng tài sản khác nhau, trong một bài pháp có tựa là “Mười hạng người tạo và sử dụng của cải”. Phật nói:
- Kẻ ngu muội, nhất là người ham thích tạo của cải một cách bất chánh rồi khư khư cất giữ, không dám sử dụng cho chính bản thân, cũng không dám sử dụng cho vợ con, gia đình.
- Nhẹ hơn một chút là người có của cải, tạo được bằng mọi cách, mà chỉ biết sử dụng cho riêng mình, chứ không ngó ngàng gì đến vợ con, gia đình.
- Hạng người thứ ba chiếm phân nửa nhân loại trên thế gian này là loại người ham tạo của cải, bất chấp chánh đáng hay không chánh đáng, nhưng chỉ thích sử dụng cho riêng mình và vợ con trong gia đình mà thôi. Tuyệt đối họ không chia sớt cho một ai khác.
Cả ba hạng người này vốn coi thường pháp luật, khinh rẻ thiện nghiệp. Nhưng nếu họ thấy gian nhân bị quan chức bắt được thì họ cũng gân cổ kết tội việc xấu xa. Nghĩa là họ chỉ thấy cái lỗi của người khác, chứ không thích bình phẩm về hành động của chính mình.
- Hạng người thứ tư có kiến thức tối thiểu là biết rằng: Mục đích căn bản của việc tạo ra tài sản và giữ gìn của cải, là để mang lại hạnh phúc cho bản thân, mà sự sợ sệt là một trong những bất hạnh. Do đó, họ cố gắng tạo ra một phần của cải hợp pháp, hầu công khai sử dụng trước tiên cho mình, và sau cho người thân, một cách yên tâm.
- Hạng người thứ năm thích sự an ổn trong tâm hồn, nhất là không sợ sệt. Nên họ luôn luôn cố gắng tạo của cải một cách chánh đáng, hầu khi sử dụng cho riêng mình hay chia sớt cho kẻ khác, cả hai trường hợp, họ đều thỏa mãn, chẳng bị lương tâm cắn rứt hay lo sợ xung đột giữa hai cách thức được của lành và bất lành.
- Hạng người thứ sáu là kẻ tậu được của cải hoàn toàn bất hợp pháp. Nhưng vì quá sợ sệt, đem chôn giấu một chỗ bí mật, có khi đến chết cũng không dám sử dụng. Nên tài sản đó chẳng mang lại hạnh phúc cho chính họ, hay cho bất kỳ ai.
- Hạng người thứ bảy là hạng người tạo ra tài sản, không những đúng pháp luật của nhà nước, mà còn giữ đúng lẽ đạo, và họ rất hài lòng sử dụng. Nhưng nghĩ rằng: Của cải này không dễ tìm, nên họ chỉ dành riêng cho bản thân và gia đình mà thôi. Họ không dám bố thí.
- Hạng người thứ tám là hạng người luôn luôn sống theo chánh nghiệp và chánh mạng, dùng tài năng và thiện hạnh để tạo ra tài sản, rồi sử dụng cho bản thân, gia đình, và giúp đỡ kẻ khác.
- Hạng người thứ chín là những kẻ giàu nhân tính, thích hướng thượng. Khi họ giàu sang trong hiện tại thì nghĩ đến nhân lành đã tạo trong quá khứ, rồi họ đem của giúp đời, biến nó thành chỗ nương nhờ tương lai. Họ thường xuyên bố thí, làm phước, xây chùa v.v…
- Hạng người thứ mười là các bậc Ðại thiện sĩ, hay Chuyển luân thánh vương, tài sản rất nhiều. Nhưng nhờ trí tuệ họ thấy rằng: Trong sự sang cả ấy, có sẵn mầm nguy hiểm, nếu ta dễ duôi, sẽ bị dắt dẫn vào sự sa đoạ hay vướng mắc trong vòng luân hồi! Rồi họ luôn luôn dùng tài sản ấy, đem lại an vui, hạnh phúc cho kẻ khác, nhắm đến toàn thể nhân loại, chúng sanh. Nhất là trong chiều hướng tạo thiện duyên để về sau họ sẽ được giải thoát. (Theo Anguttara Nikàya V. 91)
Trong Tăng Chi A Hàm có một đoạn đức Phật hỏi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc xem người nhà ông đã chuẩn bị thực phẩm “chu đáo” chưa?
Câu này hẳn phải làm cho người đọc cảm thấy có cái gì là lạ, vì một vị Phật hiếm khi đặt một câu hỏi tò mò, “tầm thường” như vậy!
Nhưng theo chú giải thì câu nói đó ám chỉ “sự kính trọng” nơi vật thí. Hai chữ “chu đáo” có nghĩa là “một cách kính trọng”, vì đức Phật thừa biết rằng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc luôn luôn cúng dường đến chư Tăng và bố thí đến dân nghèo một cách đầy đủ, rộng rãi, song Ngài vẫn e ngại, biết đâu gia nhân thay mặt ông làm việc đó, có thể tỏ ra thiếu kính trọng, khi trao thực phẩm đến người nhận.
Từ đó, một vấn đề được nêu ra là thái độ dâng cúng hay bố thí có được lễ phép hay không?!
Ðức Phật phân tích:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Khi một người hiến dâng hay cho một món gì đến kẻ khác, thì phước báu của việc làm ấy không xác định trên giá trị của vật dụng, mà xác định trên tâm thành của người thực hành thiện nghiệp. Ví thử người chỉ tặng một món ăn tầm thường với lòng thành kính thì phước báu vẫn nhiều hơn là cho một vật quí giá mà tỏ vẻ hời hợt, lấy lệ, nếu không muốn nói là khinh bỉ! Kẻ nào tặng y phục hoặc thực phẩm đến chư Tăng hay dân nghèo mà chỉ “thảy ra đó” hoặc “mời lơi” lấy lệ, chứ thực tế trong lòng không có niềm tin, không có sự tôn kính, thì hậu quả của thái độ ấy, kiếp sau người thấy thực phẩm dù ngon đến mấy miệng cũng sẽ không muốn ăn, quần áo tốt hay mới toanh, đáng mặc thì họ lại mắc cỡ, đi tìm đồ cũ của mình để mặc. Còn năm giác quan của họ thì sẽ chậm chạp, không linh động. Chưa kể con cái, kẻ ăn người ở trong nhà sẽ không vâng lời họ v.v… Ai giàu có mà chịu sự bất lành này, là do tiền kiếp đã bố thí một cách không kính trọng vậy.
Mặt khác, đức hạnh của người nhận vật thí cũng vô cùng quan trọng! Liên quan đến vấn đề này, đức Phật đã kể cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nghe câu chuyện tiền kiếp của một người Bà la môn tên là Velàma. Ông Bà la môn này đã đích thân phân phát một cách thành tâm rất nhiều thực phẩm đến một đám đông hành khất, nhưng rất tiếc là trong số ấy, không có lấy một người hành khất có đủ đức hạnh tối thiểu để xứng đáng với tấm lòng bố thí kia.
Do đó, đức Phật kết luận:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Sự bố thí bằng lòng thành dĩ nhiên sẽ luôn luôn đem lại quả lành. Nhưng bố thí đến một trăm người không có giới hạnh, chẳng thể so sánh với sự cúng dường đến chỉ một Sa môn tròn đủ giới hạnh, nhất là các Thánh nhân kể từ Nhập Lưu trở lên! Riêng sự cúng dường đến các Thánh giải thoát A La Hán, các Bích Chi Phật hay đấng Toàn Giác thì phước báu vô lượng. Cũng như sự xây chùa, truyền bá chân lý và hộ trì Tam bảo thì phước báu nhiều bằng tổng số hạt bụi hợp thành quả đất.
Tuy nhiên, nguồn phước báu vô lậu vẫn là ba ngôi đáng nương nhờ: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nói một cách dễ hiểu hơn là “qui y Phật, qui y Pháp và qui y Tăng”. Ðồng thời giữ đúng năm giới cấm là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Rồi hằng ngày, người Phật tử thấm nhuần chánh pháp, cũng không quên dành ra năm mười phút, để rải tâm từ bi đến tất cả chúng sinh. Nhưng cái hành động tạo phước vô lậu cao nhất vẫn là sau khi rải tâm từ bi, hành giả giữ thêm một phút mặc niệm nữa, để quán tưởng đến sự vô thường. Vì theo kinh Tăng Chi A Hàm số IX. 20 (A. IX. 20) nói, thì “Sự tưởng nhớ đến lẽ vô thường” này dù chỉ kéo dài bằng một cái “búng ngón tay” cũng có nhiều phước báu vô lậu! (Ghi chú: Phước báu vô lậu là phước báu đưa đến phẩm giải thoát, còn phước báu hữu lậu là phước báu sẽ trổ quả lành trong các kiếp vị lai. Nhiều khi do hưởng quả lành ấy, mà người ta có thể rơi vào cảnh vướng mắc, bị luân hồi, không thể được giải thoát).
Những lời giảng trên đây của đức Phật đến ông Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cho chúng ta một phương pháp hành đạo từ thấp lên cao. Ngài sẽ bắt đầu bằng hạnh bố thí để đưa người Phật tử đến trình độ thanh tịnh hơn, mở rộng lòng từ bi thấu cả muôn loài vạn vật. Khoảng giữa hai phẩm hạnh bố thí và thanh tịnh tâm hồn ấy, là sự giữ gìn giới luật, một khả năng làm tiêu trừ các gốc rễ xấu xa, ác độc nơi tâm hồn con người. Ðồng thời xuyên qua sự vững chắc trong an định, hành giả lại chứng thật được lẽ vô thường, để không bị khổ não, bởi bất cứ cái gì thay đổi, biến, hoại, có, không. Nói một cách khác là ba giai đoạn: Bố thí, Trì giới, và Tham thiền là ba nấc thang sẽ đưa người Phật tử đến phẩm hạnh giải thoát, thấy rõ chẳng có gì bền vững, chẳng có cái gì là của ta, hay là ta cả. Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là ngoài thiền pháp ra không có một phép mầu nào khác, đủ sức tẩy trừ được mọi phiền não trong tâm tư con người!
Sự phân tích của đức Phật về các loại người xứng đáng nhận vật thí còn thấy xuất hiện trong một bài pháp ngắn khác. Theo đó, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã hỏi Phật:
– Có bao nhiêu hạng người xứng đáng để đàn na tín thí cúng dường?
Ðức Phật liền trả lời:
– Có hai hạng: Ðó là các bậc đang đi trên con đường trong sạch giải thoát, và chư Thánh A La Hán hay chư Phật đã đến đích rồi. (Theo Tăng Chi A Hàm số II. 27: A. II. 27)
Trở lại vấn đề thanh tịnh con tâm. Trong những đoạn trước, đức Phật đã giảng giải khá đầy đủ về hai pháp Bố thí và Trì giới, nhưng Thiền pháp chỉ được Ngài giới thiệu phớt qua, chưa nêu thí dụ rõ rệt, thì bây giờ đức Bổn Sư thuyết minh một cách cụ thể hóa. Phật nói với Tu Ðà Cấp Cô Ðộc rằng:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Nếu tâm tánh của một người chứa đầy tham vọng thì tất cả hành động, lời nói và ý nghĩ của họ cũng bị hoen ố! Một người như thế tất bị ái dục cuốn trôi, quay cuồng, và khi hết tuổi thọ, họ sẽ nhận lãnh một cái chết vô cùng đen tối, phiền não… Ví như một ngôi nhà mà những phần nòng cốt là cột, kèo, đòn dông và các bức tường chính đã mục nát trước một cơn thác lũ vậy (Theo Tăng Chi A Hàm số III. 107-108: A. III. 107-108).
Khi tâm tánh đã bị tham vọng lôi cuốn và phiền não che mờ rồi, thì chỉ có thiền pháp mới đủ sức đem lại thanh tịnh, cứu giúp nó được, chứ các phước báu do nghiệp lành đã tạo, cũng không hiệu quả gì! Bởi thế, một lần khác, đức Phật đã dạy Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, trước một đám đông thiện nam tín nữ, vừa đến thăm Ngài:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc và chư Phật tử! Quí vị hằng ngày thành tâm hộ trì ngôi chùa Kỳ Viên, dâng cúng đầy đủ bốn món vật dụng là thực phẩm, y phục, chỗ ở và thuốc men đến chư Tăng… Dĩ nhiên, quí vị rất thỏa thích trong phước lành. Nhưng Như Lai khuyên quí vị không nên quá mắc dính trong các phước lành ấy! Hãy để tâm hướng về thiền pháp, cố gắng tập tành an trụ để được phỉ lạc (Pìti) trong thiền pháp, nhất là trong khuynh hướng ưa chuộng sự sống ẩn dật, thanh tịnh. (Nguyên chữ Pàli “Pìtim pavivekam” có nghĩa là phỉ lạc đầu tiên chỉ lóe lên trong vòng một hay hai giây đồng hồ, sau một thời gian tinh tấn tập sự hành thiền (Jhàna).
Khi nghe Phật dạy xong, Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta) liền tiếp:
– Khi Sa môn đệ tử cao thượng của Phật đạt được an trụ phỉ lạc thích sống trong cảnh ẩn dật thì tránh được năm loại phiền não (ngũ phiền) hằng có mặt trong tâm là:
- Ðau đớn và ưu sầu câu hữu với các căn. (Các căn là các “cửa tâm” gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và xúc giác).
- Thỏa mãn và vui mừng cột chặt với các căn.
- Ðau đớn và ưu sầu câu hữu với những gì thế gian cho là xấu.
- Thỏa mãn và vui sướng cột chặt với những gì thế gian cho là xấu (Kẻ ác, vui sướng khi thành công trong những chuyện bất thiện, thì người tu hành tránh được tình trạng đó).
- Ðau đớn và ưu sầu câu hữu với những gì thế gian cho là tốt “(Nghĩa câu này nói rằng: Khi người Phật tử vô ý để mất cơ hội làm phước, rồi sau đó hối tiếc, thì ấy cũng là một loại phiền não, có thể làm cho đau đớn và ưu sầu) (Theo Anguttara Nikàya V. 176: Tăng Chi A Hàm số V. 176).
Vào một dịp khác, do sự có mặt của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc và một nhóm Phật tử, mà đức Phật nói với Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng:
– Này Xá Lợi Phất! Người cư sĩ phạm hạnh giữ đúng ngũ giới, thận trọng trong mọi hành động hằng ngày, thì họ sẽ an định dễ dàng nơi thiền pháp, và sẽ thể hiện được bốn niệm tưởng cao thượng là:
- Tôi đã phá hủy con đường dẫn đến địa ngục.
- Tôi đã phá hủy con đường dẫn đến súc sanh.
- Tôi đã phá hủy con đường dẫn đến ngạ quỉ.
- Tôi đã phá hủy con đường dẫn đến A tu la hay các loại thấp sinh (Những số phận hoàn toàn bất hạnh, vì không bao giờ thấy được ánh sáng chân lý ). Rồi họ biết chắc và có thể tuyên bố rằng: “Họ đã bước vào thánh đạo Nhập Lưu. Họ không còn thoái hóa vào cảnh khổ vĩnh viễn luân hồi và tịnh quả giải thoát cuối cùng họ sẽ đạt đến.
Nhưng dựa vào niềm tin gì, người cư sĩ phạm hạnh có thể giữ đúng ngũ giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, và có thể thực hiện được bốn niệm tưởng quí báu vừa kể?
– Này Xá Lợi Phất! Một cư sĩ phạm hạnh cao thượng nhờ dựa vào niềm tin không lay chuyển nơi đức Phật, nhờ dựa vào niềm tin không lay chuyển nơi đức Pháp, nhờ dựa vào niềm tin không lay chuyển nơi đức Tăng, nhờ dựa vào niềm tin không lay chuyển nơi giới hạnh, một nền tảng giải thoát vững chắc, hằng được các Thánh nhân khen ngợi. Vì giới luật trong sạch không làm cho tâm trí lu mờ, không làm cho tư duy khuyết điểm để dễ bị ảnh hưởng bởi những ác pháp vi tế. Giới luật trong sạch chính là bước đầu giải thoát, hay khởi điểm của an tịnh và phát sinh trí tuệ.
Trong ba cõi sinh tử luân hồi, không có hạnh phúc nào quí hơn thực hiện được bốn niệm tưởng quí báu kể trên! Và thiền pháp trong Phật giáo không những chỉ giúp cho hành giả đạt đến các mục đích ấy, mà nó còn giúp cho các bậc phạm hạnh thanh lọc sạch tâm hồn một cách dễ dàng không dư sót (Theo Tăng Chi A Hàm số V. 179: Anguttara Nikàya V. 179).
Lại một dịp khác, đức Phật giảng giải về sự đắc Thánh quả Nhập Lưu đến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, bằng ba cách khác nhau. Sự dạy đạo này đức Thế Tôn chỉ dành riêng cho ông mà thôi. Phật nói:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Khi người cư sĩ phạm hạnh loại trừ hết năm điều sợ sệt và thấm nhuần đủ bốn yếu tố dẫn đến Thánh quả Nhập Lưu, đồng thời nếu hành giả hiểu rõ và nắm vững pháp thiền của mình, thì họ sẽ tự biết là họ đã bước vào Thánh Lưu, chứ không chờ ai xác nhận! Ngược lại, người thường xuyên phạm năm giới cấm là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì năm điều tội lỗi này sẽ mang lại cho họ năm sự sợ sệt triền miên cả trong tâm hồn lẫn ở thân xác, không những trọn kiếp này, mà còn trong kiếp vị lai.
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Vả lại, người cư sĩ phạm hạnh, nhờ giữ ngũ giới là cách thứ nhất chấm dứt năm điều tội lỗi, tránh khỏi bốn đường ác đạo, nhờ tin tưởng không lay chuyển vào ba ngôi Phật, Pháp, Tăng là cách thứ hai, tiến vào Thánh quả Nhập Lưu, và nhờ thiền pháp là cách thứ ba duy trì được thanh tịnh tuyệt đối để trí tuệ giải thoát phát sinh, giác tánh bừng tỏ, thấy rõ cái vòng luân hồi của mình có thể bị chặt đứt từ chỗ nào. (Theo Tăng Chi A Hàm số X. 92: Anguttara Nikàya X. 92).
Một câu chuyện được ghi lại trong kinh rằng: “Lần nọ, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đến thăm Phật vào buổi sáng tinh sương. Duy cảm thấy quá sớm, nên thay vì đi vô chùa, ông lại ghé xem cảnh tu viện của những đạo sĩ Bà la môn du phương gần đó. Các đạo sĩ này vốn biết Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là đệ tử của Phật, bèn hỏi rằng:
– Này bá hộ Cấp Cô Ðộc! Thầy của ông, đạo sĩ Cồ Ðàm (Gotama) kiến thức uyên bác như thế nào?”
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trả lời:
– Tôi không thể đo lường được sự hiểu biết của đức Bổn Sư.
Các đạo sĩ Bà la môn lại hỏi:
– Vậy trình độ của Tăng chúng Phật giáo thâm sâu ra sao?
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cũng vui vẻ nói:
– Tôi không đủ khả năng để bàn luận đến kiến thức của Thánh chúng.
Nhưng khi các đạo sĩ du phương Bà la môn hỏi về kiến thức của chính ông, thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trầm tĩnh trả lời:
– Kính thưa quí vị đạo sĩ! Kiến thức của tôi thì tôi có thể bày tỏ dễ dàng! Chỉ yêu cầu quí vị là chủ, hãy thuyết giảng kiến thức của quí vị cho tôi nghe trước, còn tôi là khách, tôi sẽ trình bày sau.
Thế là Tu Ðà Cấp Cô Ðộc được nghe các đạo sĩ du phương Bà la môn, đề cao những định kiến của họ. Ðạo sĩ thứ nhất nói: “Linh hồn con người vốn bất diệt”. Còn đạo sĩ thứ hai thì: “Linh hồn không bất diệt”. Ðạo sĩ thứ ba phát biểu: “Linh hồn con người hữu hạn”, khác với đạo sĩ thứ tư cho rằng: “Linh hồn con người vô hạn”. Rồi đạo sĩ thứ năm quyết chắc: “Thể xác và linh hồn là một, không phân biệt! Hễ thể xác còn là linh hồn còn, mà thể xác diệt là linh hồn cũng diệt”. (Lời thêm của dịch giả: Ðây là thuyết vừa duy vật vừa đoạn kiến). Riêng đạo sĩ thứ sáu lại bảo rằng: “Thể xác và linh hồn là hai thực thể khác nhau. Chỉ có thể xác bị hoại, di chuyển, chứ linh hồn không bị hoại, không di chuyển.
Ngoài sáu định kiến ấy ra, còn hai nhóm đạo sĩ khác nêu lên hai định kiến trái nghịch nhau là: “Thứ nhất, sau khi viên tịch, linh hồn của Thánh nhân sẽ trở thành trường cửu ở một cõi Cực lạc. Thứ hai, sau khi nhắm mắt, linh hồn của các bậc siêu thoát sẽ tiêu mất!”.
Bây giờ, đến lượt Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, ông nói:
– Bất cứ thuyết nào trong các định kiến mà quí đạo sĩ vừa trình bày, cũng đều do quí vị suy tư, đoán ra, hay do nghe người khác nói lại. Trong cả hai trường hợp, do suy tư, hay do người khác nói, những định kiến như thế vốn phát nguồn từ nhiều điều kiện khác nhau, mà bất cứ thuyết lý nào có điều kiện đều chỉ là giai đoạn, tạm thời! Cái gì tạm thời, vô thường, vốn là nguyên nhân của bất toại nguyện và khổ não. Ai tư duy như thế sẽ thất vọng, rồi gục ngã vì tin tưởng không thật.
Sau khi nghe vậy, các đạo sĩ Bà la môn du phương liền yêu cầu Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hãy bày tỏ niềm tin tưởng của ông. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nghiêm chỉnh phát biểu:
– Vạn pháp vốn bản chất tạm thời, vô thường, và đưa đến khổ não! Rồi khổ não cũng không phải thuộc về của ai cả, mà thuộc về pháp thế gian. Kẻ nào cố chấp vào các pháp vô thường, cho là “Cái đó chẳng phải là chính ta, cái này mới là chính ta” hay “Cái đó không phải là của ta, cái này là của ta” v.v… Thì họ sẽ bị lầm lạc vô tận, và họ sẽ ôm cứng khổ não làm hành trang.
Ðể tìm cách biện hộ, các đạo sĩ du phương Bà la môn giáo vội bào chữa rằng:
– Những điều chúng tôi vừa trình bày là những chân lý cao cả, và niềm tin đó không bao giờ mất trong lòng. Chúng tôi chỉ diễn tả những gì mình nhận thấy là sự thật. Và hơn nữa, chúng tôi còn biết nhiều giải pháp diệt khổ. Khi áp dụng bí quyết diệt khổ ấy, chúng tôi sẽ không bị các tư kiến ảnh hưởng v.v…
Những đạo sĩ Bà la môn này, tuy ngoài miệng cố gắng biện bác như thế, nhưng trong lòng vẫn tự biết lúng túng! Cuối cùng, họ cảm thấy không thể thuyết phục được Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, nên tất cả ngồi im…
Sau đó Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lặng lẽ đến thăm Phật. Ông thuật lại cuộc đối thoại vừa qua cho đức Thế Tôn nghe, thì được đức Bổn Sư khen ngợi:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Ông đã nói đúng! Như Lai khuyên ông nên thỉnh thoảng hướng dẫn những người lầm lẫn như thế, đến gần chân lý hơn.
Rồi đức Phật phúc chúc đến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, đồng thời thuyết một bài pháp cho riêng một mình ông nghe, để khuyến khích người đại cư sĩ này tiến vững chắc trên con đường đạt tới Thánh quả.
Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đi rồi, đức Phật bèn thuật chuyện và tuyên bố với Tăng chúng rằng:
– Ngay cả một Tỳ khưu sống trong Giáo hội một trăm năm, có khi cũng chưa đủ thấm nhuần giáo lý, để có thể trả lời với các đạo sĩ Bà la môn đúng đắn như thế. (Theo Tăng Chi A Hàm số X. 93: A. X. 93).
Sau cùng, còn hai thuật sự nữa có thể kể lại, trước khi chuyển qua chương VI. Ðó là hai lần Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nằm trên giường bệnh, yêu cầu đức Phật cho phép một vị Sa môn đến nhà thuyết pháp “tiếp độ” cho ông. Bởi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một đại ân nhân của Tăng Già, nên hai vị được đức Phật lần lượt cử đi thuyết pháp là hai Trưởng tông đồ.
Lần thứ nhất, Tôn giả A Nan Ðà đến ân cần nói với Tu Ðà Cấp Cô Ðộc rằng:
– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Một tâm hồn không thuần thục trong chánh niệm hằng sợ sệt sự chết, và sợ sệt những gì phải nhận nơi kiếp sau. Lý do vì họ thiếu bốn loại niềm tin cao quí là: Tin vào Phật bảo, tin vào Pháp bảo, tin vào Tăng bảo, và tin vào Giới đức là hành trang độ mạng trong vòng luân hồi.
“Nhưng này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu là người đang có niềm tin không lay chuyển nơi đức Phật, đức Pháp, và đức Tăng. Ðạo hữu còn giữ giới hạnh hoàn toàn trong sạch nữa, thì đạo quả giải thoát không xa. Nhất là hiện tại, đạo hữu đã đắc đạo Nhập Lưu. (Theo Samyutta Nikàya 55.27: Tạp A Hàm số 55.27).
Lần thứ hai, Trưởng lão Xá Lợi Phất đến bên giường bệnh Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, phân tích rằng:
– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðối với những kẻ sống theo dục vọng, tinh thần không được huấn luyện, không thanh tịnh, thì địa ngục là nơi họ sẽ thấy.
Nhưng này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu là người có Tam bảo trong tâm. Ðạo hữu biết giữ giới thanh tịnh, không để cho ác pháp lôi cuốn. Nếu bây giờ đạo hữu tinh tấn niệm tưởng ba ân đức Phật, Pháp, Tăng, rồi niệm tưởng qua giới đức, thân, khẩu, ý của mình hằng trọn lành, thì thân bệnh của đạo hữu sẽ thuyên giảm, do nhờ thiền pháp vậy.
Vả lại, này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu đừng quên rằng đạo hữu là người có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ðời sống của đạo hữu đúng theo Bát Chánh Ðạo, thì trí tuệ giải thoát tuyệt đối sẽ phát sinh. Ðạo hữu là bậc đã bước vào Thánh lưu, có mười duyên lành cao thượng, tâm linh đang hướng về cứu cánh Niết bàn, thì xuyên qua thiền pháp, thân bệnh của đạo hữu sẽ biến mất. Nhất là khi đạo hữu tăng cường sức mạnh an trụ, tưởng nhớ đến hành trang là thiện nghiệp của một đại Hộ pháp Phật giáo. Ðây là thứ thần dược chữa trị phiền não và thân bệnh hiệu quả và nhanh chóng nhất.
Trưởng lão Xá Lợi Phất tập trung tâm ý để nói pháp. Khi chữ “nhất” vừa chấm dứt, thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã hết đau. Ông tươi tỉnh ngồi dậy, rời giường bệnh, tự tay mang thức ăn cúng dường buổi trưa đến Giảng sư Xá Lợi Phất. Sau đó, ông đàm luận với Trưởng lão Xá Lợi Phất về Phật giáo thật lâu, như một người khỏe mạnh.
Bởi vậy, trước khi trở về chùa Kỳ Viên, Trưởng lão Xá Lợi Phất còn ngâm mấy câu kệ, tặng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc như sau:
“Ai tin vào đức Phật,
Ðức Pháp và Ðức Tăng
Nhớ biết mình chân thật
Có đời sống an lành.
Ai tin vào Thánh chúng
Chánh kiến và thiện căn
Khổ nghèo không thể đụng
Ðời sống quí vô ngần!
Ai tin vào Tam bảo
Vào giới hạnh, định tâm
Pháp thiền làm chánh báo
Lời Phật dạy không lầm!
Người trí hằng phát triển
Niềm tin, giới, định luôn
Thánh nhân hằng thân thiện
Phật cũng khen vô cùng”.
(Theo Samyutta Nikàya 55. 26: Tạp A Hàm số 55. 26 – N. Ð. thoát dịch ra văn vần).
Trong mười tám bài pháp thuyết đến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, ghi trong Tạng kinh, có mười bốn bài do đức Phật tùy cơ duyên tự nói ra. Một bài Phật thuyết do Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đặt câu hỏi. Một bài khác Phật giảng sau khi nghe Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thuật chuyện đã đối thoại với những đạo sĩ Bà la môn giáo. Và sau cùng là hai bài pháp do Tôn giả A Nan Ðà và Trưởng lão Xá Lợi Phất đến bên giường bệnh của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc để nhắc nhở.
Mười tám bài pháp này chứng tỏ rằng trong kho tàng Phật giáo, hẳn đã có một phần quan trọng, dành riêng cho người cư sĩ hay Phật tử tại gia, khi họ muốn đạt đến Thánh quả, mà không cần sống trong Giáo hội!
[VI] ÐOẠN CHÓT CUỘC ÐỜI…
Ðại cư sĩ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nhuốm bệnh lần thứ ba vô cùng trầm trọng. Sự đau đớn và tiều tụy thân xác đã là một trở ngại lớn cho việc tập trung tinh thần. Một lần nữa, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lại mời hai Ðại tông đồ của đức Phật là A Nan Ðà và Xá Lợi Phất đến bên giường bệnh để tiếp độ.
Khi Trưởng lão Xá Lợi Phất nhìn thấy sắc diện xanh xao của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thì biết rằng ông sắp từ trần. Trưởng lão liền nhắn nhủ:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu hãy thực hành pháp giải thoát bằng cách dứt khoát buông bỏ sự mắc dính với lục căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn! Ông nên dửng dưng, khách quan mà nhìn sáu căn ấy, xem nó như sáu nguyên nhân đã từ lâu làm cho mình đau khổ. Thứ nữa, đạo hữu cần tự giải thoát mình bằng cách tách rời tâm thức ra khỏi lúc trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp thế gian. Ðừng để cho lục thức của đạo hữu (tức nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức) duyên theo chúng nữa! Như vậy, sáu “yếu tố gây khổ”, hay còn gọi một cách khác là “ngũ uẩn” (gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn) tạo thành một con người, sẽ không hợp tác với “Tứ đại” (đất, nước, gió, lửa: thổ đại, thủy đại, phong đại, và hỏa đại) để làm khổ đạo hữu xuyên qua những cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và suy nghĩ nữa!”…
Lúc ấy Tôn giả A Nan Ðà cũng có mặt bên giường bệnh. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc chăm chú lắng nghe Trưởng lão Xá Lợi Phất thuyết pháp. Ông cố gắng để tâm hành đúng theo lời nhắc nhở của vị giảng sư…
Chợt mấy giọt lệ rịn ra nơi khoé mắt bệnh nhân Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, Tôn giả A Nan Ðà quay lại thấy vậy, bèn động lòng từ bi nói:
– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu nên giữ tâm bình thản, thanh tịnh!”
Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền yếu ớt đáp rằng: “Ôi! Tôn giả A Nan Ðà! Tôi không thể giữ tâm an tịnh được! Tôi quá sung sướng và cảm động, vì từ trước đến nay, tuy hằng sống với Giáo hội và đức Bổn Sư, tôi chưa bao giờ được nghe một bài pháp sâu xa, thần diệu như thế!
Lập tức Trưởng lão Xá Lợi Phất phân giải:
– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Bài pháp thâm mật ấy, Phật chỉ thuyết cho các hàng Sa môn an tịnh xuất gia. Vì đối với các hàng cư sĩ, nó quá trừu tượng, khó hiểu. Nhưng lần này, đức Thế Tôn đã chỉ thị bần đạo đến lập lại cho đạo hữu nghe, bởi hiện tại tâm hồn của đạo hữu chẳng khác gì tâm hồn của một Ðại Sa môn vậy.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền vui mừng tiếp:
– Bạch Trưởng lão Xá Lợi Phất! Kể từ nay, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc này yêu cầu chư Thánh Tăng và đức Phật hãy ban bố cho các hàng cư sĩ túc duyên những bài pháp nhiệm mầu như thế! Bởi vì, tuy sống đời cư sĩ, nhưng cũng có nhiều bậc đủ phạm hạnh, pháp nhãn đã bừng sáng, chỉ còn dính chút bụi trần. Nếu họ may mắn được nghe những bài pháp thâm diệu như thế, chắc chắn họ sẽ được giải thoát, kẻo không họ phải tiếp tục chờ đợi duyên lành xuất gia, chừng đó họ mới có thể hưởng pháp tiếp độ thì thật là tội nghiệp.
Sự khác biệt giữa bài pháp mà Trưởng lão Xá Lợi Phất vừa thuyết đến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, với những gì Phật đã giảng giải trước đây cho ông, là tác dụng đánh thẳng vào tâm linh, khi con người thực sự phân biệt được ngũ trần và các pháp thế gian, vốn chỉ là ngoại tại, và hằng xâm nhập vào các căn thức, phối hợp với nội ma là tham, sân, si, làm khổ tâm linh như thế nào.
Ở đây, bài pháp đang trực tiếp đi vào những vấn đề thực tế, và cứu cánh tối hậu giải thoát, chứ không phải là một lý thuyết giúp người nghe hiểu biết một khía cạnh Phật giáo. Nói cách khác, Trưởng lão Xá Lợi Phất vừa chỉ cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc những phương pháp thực hành, vì ông đã đắc đạo Nhập Lưu Tu Ðà Hườn. Ông ví như người làm vườn đã có sẵn tấm kiếng thần trong tay. Ông chỉ cần biết cách nhìn vào tấm kiếng thần ấy, để tự mình nhận ra những loại cỏ độc mà nhổ bỏ đi, rồi vun xới những hoa lành, để được bình an. Và ngôi vườn chính là tâm hồn con người vậy.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một Thánh nhân bậc thấp, giác tánh đã biểu lộ. Trưởng lão Xá Lợi Phất chỉ cần chỉ cho ông thấy rõ bản chất rỗng tuếch và tạm thời của ngũ uẩn đang vừa bám víu vừa phá hoại lẫn nhau, để ông tự mình nhận ra các lẽ vô thường, khổ não và vô ngã trong ông.
Vả lại, dù cho ấy là phương pháp thực tiễn, người nghe vẫn có thể chia làm hai loại: Loại thứ nhất nghe để mà suy gẫm. Loại này nhận được lợi ích chỉ có năm phần mười. Loại thứ hai đã thấm nhuần Phật giáo, nghe xong lập tức thực hành, thì sự giải thoát là một điều chắc chắn! Thông thường các hàng Phật tử cư sĩ thuộc loại thứ nhất. Còn các hàng Sa môn thanh tịnh xuất gia thuộc loại thứ hai. Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trong trường hợp này, nằm trong loại thứ hai đó!
Ðối với các hàng Phật tử tại gia sơ đẳng, biết được sự thay đổi không ngừng của mọi vật chỉ là một kiến thức. Nhưng đối với những bậc xuất gia thanh tịnh, thì sự biết ấy chính là một phương pháp để tiêu trừ phiền não phát sinh do tham sống, sợ chết!
Nếu chúng ta quan sát, theo dõi cách trình bày Pháp bảo của Trưởng lão Xá Lợi Phất dẫn dắt từng bước một, đưa tâm linh của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hướng đến giải thoát Niết bàn, thì chúng ta sẽ thấy rằng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, trước đó chưa bao giờ được nghe một bài pháp cốt lõi, mô tả dưới dạng thức cứu cánh như thế!
Trong giờ phút sắp lâm chung, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nhờ pháp tiếp độ ấy, đã tự tách rời được tâm linh, khỏi những tham luyến thế gian, nhất là tham luyến thân xác (ám chỉ sự sống), rồi an định thần trí trong chánh niệm, thì ông quả thật là một cư sĩ phúc duyên vẹn toàn. Nhiều Sa môn đệ tử Phật cũng chưa chắc sánh bằng!
Có thể nói đây là một trường hợp hy hữu của một cư sĩ phạm hạnh hy hữu được nghe một giảng sư vô song trình bày một pháp giải thoát thần hiệu nhất!
Khi Trưởng lão Xá Lợi Phất và Tôn giả A Nan Ðà chấm dứt lời nhắc nhở cuối cùng, thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hoàn toàn an trụ trong chánh định. Rồi ông từ trần, tái sinh lên cõi trời Tusita Ðâu Suất, ở đó giác linh Tu Ðà Cấp Cô Ðộc được gặp lại “cô con gái út” hiện là một tiên nữ.
Nhưng điều đáng tưởng niệm và ngưỡng mộ vị cố đại ân nhân Phật giáo ở đây là sau khi gia nhập Thiên chúng, “ông” đã là vị thiên thần hộ trì Tam bảo nhiệt thành nhất. Theo kinh sách kể lại thì chùa Kỳ Viên, sau lễ hỏa táng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, có nhiều đêm được Thiên chúng viếng thăm, lễ bái. Hào quang sáng rực. Vị dẫn đầu chư Thiên thần ấy dĩ nhiên là giác linh cố cư sĩ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc.
Một hôm đại Thiên thần Hộ pháp này đến đảnh lễ đức Phật, còn cúng dường bằng những câu kệ rằng:
“Kỳ Viên Thánh địa Phật Ðà,
Ngôi chùa, Tăng chúng một nhà sắc không.
Pháp vương an độ cõi trần,
Ðây nguồn hạnh phúc trong ngần bất lai.
Kiếp xưa duy có hình hài?
Mà thân, khẩu, ý miệt mài tịnh tu.
Hộ trì Tam bảo công phu,
Giúp đời, danh lợi không mù mắt linh.
Làm sao cho được biết mình,
Thông trong chánh pháp, vô tình cõi mơ.
Tập rèn theo đức hạnh sơ,
Tu Ðà Hườn quả, nay nhờ cõi Thiên.
Noi gương “Xá Lợi” Thánh hiền (*)
Tịnh tâm, tịnh ý, ưu phiền lọc trong.
Sa môn ấy bậc vô song,
Siêu sinh nhân Phật gieo trồng hôm nay”.
(Theo Majjhima Nikàya 143 và Samyutta Nikàya 2. 20: Trung A Hàm 143 và Tạp A Hàm 2. 20)
(*) “Xá Lợi” ám chỉ Trưởng lão Xá Lợi Phất, người đã tiếp độ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trước giờ phút lâm chung.
Và với bài kệ cúng dường này, chúng tôi xin kết thúc câu chuyện Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, một vị Hộ pháp vô song, khi đức Phật còn tại thế!
Dịch xong tại Paris ngày 5-10-1993
Nguyễn Ðiều
-ooOoo-
Ý TƯỞNG ÐẸP
Người Phật tử chân chánh là người
chỉ biết giữ gìn giới hạnh của
chính mình luôn luôn trong sạch
và rất bình thản, lịch sự cùng độ lượng với
những ai hung dữ
hay kém giới hạnh hơn mình!
-ooOoo-