Cấp Cô Ðộc – Phần 1: Tu-ðà Cấp-cô-ðộc Gặp Phật Và Trở Thành Môn Đồ & Một Đại Hộ Pháp

Phần 1

 

[I] TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC GẶP PHẬT VÀ TRỞ THÀNH MÔN ÐỒ

Vào mùa hạ thứ nhất, sau khi Thái tử Sĩ Ðạt Ta Cồ Ðàm (Siddhatta Gotama) chứng quả Phật Toàn Giác, và thu nhận đệ tử tại Vương Xá thành (Ràjagaha), thủ đô xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha), thì Tăng đoàn lúc ấy chỉ gồm một ít người. Họ sau khi được nghe Phật giảng pháp Tứ Diệu Ðế (Catu Àriyasaccàni), đều đắc quả A La Hán (Arahatta) giải thoát.

Chư Thánh Tăng A La Hán đầu tiên ấy đã dứt tận phiền não, nên sống một cuộc đời thanh tịnh, thoát ly gia đình, rày đây mai đó, lấy quãng trống hay rừng xanh làm nhà, lấy đồi núi hay đồng nội làm nơi hành đạo…

Khi ấy có một đại phú thương, vốn là anh rể của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, đã quy y đức Phật, và chứng kiến đời sống giải thoát, cao thượng của chư vị Thánh Tăng, bèn đề nghị họ yêu cầu đức Phật cho phép ông xây cúng những tịnh xá cố định.

Khi đức Phật chuẩn lời, ông phú thương liền xây cất hơn sáu chục tịnh cốc, để dâng đến đức Phật và chư Thánh Tăng. Ðược hỏi tại sao ông tạo số tịnh cốc quá nhiều, so với số Thánh Tăng có thể cư ngụ thì ông phú thương vui vẻ trả lời rằng:

– Tôi làm như vậy vì muốn được nhiều phước báu!

Và với những tịnh cốc nguyên khởi ấy, một tu viện Phật giáo đầu tiên đã được thành hình, để khai sáng giai đoạn truyền bá chánh pháp, đón tiếp những ai hữu duyên, muốn xuất gia tu học, và rèn luyện phẩm hạnh giải thoát. (Theo Cullavagga VI. 1: Tiểu phẩm số VI. 1).

Một hôm Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, người phú thương bá hộ Mạnh Thường Quân của thành Xá Vệ (Sàvatthì), trên chuyến thương hành xuyên qua nước lân cận Ma Kiệt Ðà (Magadha), đến thủ đô Vương Xá thành (Ràjagaha). Như thường lệ, ông trước tiên ghé thăm người anh rể vừa cũng là một bạn thân của mình.

Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đi vào nhà người anh rể, thì ông lấy làm ngạc nhiên, vì không ai chú ý đến ông cả. Thói quen mỗi lần ông đến là người anh rể cùng toàn thể gia nhân đã vui mừng ra đón tiếp ông một cách thân mật tận ngoài cửa. Nhưng hôm nay khác hẳn, tất cả đều tỏ ra quá bận rộn đến nỗi hời hợt trước sự có mặt của ông, dường như họ đang để hết tâm ý sửa soạn nghinh đón một nhân vật vô cùng quan trọng!

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền hỏi người anh rể:

– Phải chăng trong nhà đang có đám cưới, hoặc gia đình đang chuẩn bị một cuộc đại tế lễ, hay tin quốc vương ngoạn cảnh sắp viếng thăm?

Thì câu trả lời vỏn vẹn chỉ có:

– Ngày mai đức Phật và chư Thánh Tăng đến thọ trai và ban phước lành.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc chợt chú ý hỏi tiếp:

– Hiền huynh nói có một vị Phật sẽ đến?

– Ðúng vậy thưa thân đệ! Ngày mai, đức Phật, đấng Toàn Giác sẽ đến.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lộ hẳn sự kích thích. Ông nhắc lại câu hỏi ấy đến lần thứ hai, rồi lần thứ ba:

– Hiền huynh xác nhận là có một vị Phật sống trong vùng và ngày mai Ngài sẽ đến đây?

– Vâng! Thưa thân đệ! Ðấng Toàn Giác ấy sẽ đến ban phước lành trong ngôi nhà này! Hiện giờ Ngài đang an trú tại vườn Sìtavana, cạnh Trúc Lâm tịnh xá, phía Tây Vương Xá thành.

Trước câu trả lời đầy đức tin đó, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc vừa kinh cảm vừa ngạc nhiên. Ông rùng mình hít một hơi dài rồi thở ra từ từ, đồng thời lẩm bẩm:

“Ðức Phật là một danh từ mình đã hiếm được nghe trên đời rồi. Bây giờ lại có thể nhìn thấy một vị Phật bằng xương bằng thịt”.

Người anh rể của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nghe thế liền xen vào:

– Bữa nay vì trời tối, nên thân đệ không thể gặp đức Phật được, nhưng ngày mai chuyện ấy sẽ chắc chắn.

Ðêm đó, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc ở lại tại nhà người anh rể, nhưng sự kinh cảm và lòng nôn nóng muốn gặp Phật đã làm cho ông không sao ngủ ngon được. Ông đã thức giấc đến ba lần, nghĩ rằng: “Chắc trời sáng rồi” và nhìn ra ngoài thấy màng đêm vẫn dày đặc. Lần thức giấc sau cùng nghe tiếng gà gáy đầu, nhằm lúc trời gần rạng đông, nên ông mạnh dạn rời nhà người anh rể, định ra khỏi Vương Xá thành, rồi hướng về Trúc Lâm tịnh xá.

Tuy nhiên, trong bóng đêm tàn tịch mịch, sự sợ sệt và lòng nghi ngại lại phát sinh trong ông. Vì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một đại phú thương nổi tiếng, của cải rất nhiều, nếu ông phiêu lưu như thế, nhỡ gặp phải phường bất lương sẽ vô cùng nguy hiểm! Do đó, bản năng tự vệ lại khiến ông chùn chân quay lại.

Chợt Tu Ðà Cấp Cô Ðộc bình tĩnh, ông nghe tận trong tâm tư dường như có một âm thanh kỳ diệu thúc giục: “Hãy tiến bước! Ðến gặp một vị Phật Tổ không bao giờ nguy hiểm!”. Thế là ông dũng mãnh tiến tới.

Ði một lúc khá lâu, ông đến bìa cụm rừng Sitavana, gần Trúc Lâm tịnh xá. Và trong màng sương rạng đông đùng đục mờ mờ, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc chợt thấy một bóng người thấp thoáng, trầm mặc bước đi.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền dừng chân quan sát, thì bóng người thanh tịnh ấy lại quay về phía ông, và một giọng nói thanh tao, hiền hòa, khó diễn tả, phát ra:

– Hãy đến đây! Này thiện bá hộ của dòng họ Tu Ðà!

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc giật mình đánh thót, kinh ngạc vô cùng khi nghe mấy lời “đón tiếp” nghiêm trang ấy. Vì trong vùng Vương Xá thành, ngoại trừ gia đình người anh rể, không một ai biết được tên họ của ông. Người ta chỉ biết ông qua cái danh hiệu Mạnh Thường Quân “Cấp Cô Ðộc”, nhưng cũng ít người biết được mặt thật của ông, bởi trong việc cứu giúp hàng ngàn, hàng vạn dân nghèo, gia nhân ông đã thay thế ông làm hầu hết. Càng ngạc nhiên hơn nữa, là ông chưa bao giờ làm quen với “bóng người” đứng trước mặt kia. Nhất là ông đã đến bất thình lình không báo trước!

Một phút ngạc nhiên và yên lặng trôi qua… Lời “đón tiếp” của “bóng người” dường như có một linh lực khiến cho hai chân ông tự động bước tới. Khi đến gần thì ông nhận ra một đạo nhân phi phàm thoát tục. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tự nhiên không nghi ngờ gì nữa. Ông tin chắc đây là đức Phật, liền sụp lạy và vì cảm động, nói đứt quãng, không thông lời, rằng:

– Lạy Phật! Ngài có được bình an không?

– Như Lai luôn luôn bình an! Chúc lành ông vừa đến thăm.

Nghe câu trả lời thanh tịnh và từ ái ấy Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cảm thấy vô cùng thỏa thích, và đến gần Phật hơn nữa để nghe những lời cao thượng tiếp theo:

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Một bậc đã chứng quả Toàn Giác, Giải Thoát thì không còn đau khổ, dù cho ấy là những đau khổ vi tế.

Ðoạn đức Phật dẫn Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nối theo bước chân kinh hành buổi sáng của Ngài. Vừa đi Ngài vừa giảng giải những Pháp bảo căn bản nhiệm mầu, nhất là các pháp có liên quan đến sự bố thí, trì giới, sinh diệt, vô thường, biến hoại, xuất gia, rồi bảo rằng ấy là “Nghiệp thiện và ý thức tiến hóa” có thể đưa con người tới các cõi cao hơn, được giải thoát khỏi những khổ đau phiền não do say đắm trong các nhục dục ở đời.

Khi đức Toàn Giác nhận thấy Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thiện căn đã bộc lộ, tâm tánh đã khai mở, kiến chấp đã vỡ tan, ý thức đã an tịnh, sẵn sàng để hấp thụ chánh pháp, Ngài liền giảng giải cho ông bốn chân lý vô song của Phật giáo là Tứ Diệu Ðế (Catu Ariyasaccàni) gồm:

1- Khổ Ðế: Khổ đau là một thật tế.

2- Tập Ðế: Ái dục, nguyên nhân của khổ đau là một thật tế.

3- Diệt Ðế: Niết bàn, trạng thái dập tắt mọi ái dục, hết khổ đau là một thật tế.

4- Ðạo Ðế: Bát Chánh Ðạo, con đường có tám chi dẫn đến chỗ dập tắt mọi ái dục là một thật pháp.

Thấu đáo được bốn chân lý vô song đó, Tuệ nhãn (hay Pháp nhãn: Dhammacakkhu) nhìn thấy mọi sự vật liền phát sinh trong tâm Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, khiến cho ông mặc nhiên nhất niệm rằng: “Cái gì hễ có sinh thì phải có diệt”. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc bây giờ là một người hiểu đúng sự thật, dẹp bỏ được hoài nghi, tự tin chắc chắn vào đạo giải thoát, không còn trông đợi vào một tha ân nào khác. Và khi Phật giảng giải chánh pháp xong, ông đã đắc quả đầu Nhập Lưu Tu Ðà Hườn (Sotàpatti), một phẩm Thánh chỉ có tiến lên đích giải thoát chứ không bao giờ còn sa đọa vào ác đạo nữa.

Sau đó Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thành tâm thỉnh mời đức Thế Tôn đến dự trai Tăng tại nhà người anh rể ngày mai và được đức Thế Tôn nhận lời. Sau buổi trai Tăng, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền xin phép đấng Toàn Giác chấp thuận cho ông xây cất một ngôi chùa dâng đến chư Tăng để cư ngụ trong thành phố Xá Vệ của mình.

Ðức Phật thay vì chấp thuận một cách xác định, Ngài lại bổ túc sự đồng ý của Ngài bằng cách lưu ý người yêu cầu rằng:

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Các bậc Giác Ngộ chỉ thích những nơi thanh tịnh.

– Bạch đức Thế Tôn! Con đã hiểu! Con rất hiểu tôn ý của đức Phật! Con sẽ chọn một nơi gần thành Xá Vệ nhưng không ồn ào.

Vừa nói Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tỏ vẻ vô cùng hoan hỷ, vì ông biết rằng đức Thế Tôn đã gián tiếp chấp thuận lời yêu cầu của ông (Theo Samyutta Nikàya 10, 8: Tạp A Hàm 10, 8 và CV VI. 4: Tiểu phẩm VI. 4).

Trên đường trở về thành Xá Vệ (Sàvatthi) đi đến đâu Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cũng loan tin cho dân chúng biết ý định lập chùa của ông, và ông còn khuyến khích họ chuẩn bị thật chu đáo, để nghinh đón đức Phật một cách long trọng suốt quãng đường dài từ Vương Xá thành (Ràjagaha) đến thủ đô Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu).

Khi về đến đất nhà, ông lập tức đi tìm địa điểm để xây chùa. Nhất là chỗ nào không xa mà cũng không gần thành phố lắm. Ðịa thế phải đúng tiêu chuẩn ban ngày dẫu người đến đông cũng không trở thành hỗn độn và ban đêm tuyệt đối không có tiếng động. Ngôi chùa trong tương lai ấy cũng phải là nơi Phật tử bốn phương có thể lui tới dễ dàng, đồng thời nó phải thích hợp cho những Cao Tăng quen sống trong cảnh ẩn dật, thanh tịnh.

Sau cùng, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã tìm ra trong dải đồi bao quanh thành phố Xá Vệ một quãng đất rừng thưa rất thích hợp cho mục đích lập chùa. Khoảng đất rừng này hiện thuộc về Thái tử Kỳ Ðà (Jeta), con vua Ba Tư Nặc (Pasenadi).

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lập tức đến gặp vị Hoàng tử ấy, để yêu cầu Hoàng tử nhường lại khoảng đất tốt kia. Nhưng Hoàng tử Kỳ Ðà trả lời rằng:

– Dải đất bằng rừng thưa này, bản Vương tử không có ý định bán cho ai cả.

Rồi Hoàng tử thấy nét mặt Tu Ðà Cấp Cô Ðộc có vẻ khẩn khoản, liền nói tiếp, nửa đùa nửa thật, nêu một cái giá cao gấp trăm lần thực tế:

– Cho dù có ai chịu trả đến mười tám triệu đồng tiền vàng, bản Vương tử cũng chưa chắc đã thuận.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nghe thế liền chụp lấy cơ hội:

– Nếu Hoàng tử chịu nhượng đất cho hạ thần thì giá nào hạ thần cũng mua cả có thể trả bằng vàng lập tức, không để trễ nải.

Hoàng tử Kỳ Ðà tưởng mình nói dọa bằng một giá cực đắc như thế để Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tự ý rút lui, nào ngờ ông tuyên bố chấp thuận mua vô điều kiện, khiến Hoàng tử đâm ra lúng túng.

Sự lúng túng đó đã làm cho Hoàng tử Kỳ Ðà không biết giải quyết ra sao. Một mặt Hoàng tử không muốn bán đất, mặc khác Hoàng tử cũng không muốn mất thể diện đã nêu giá cao mà lại nuốt lời.

Sau cùng cả Hoàng tử Kỳ Ðà lẫn bá hộ Cấp Cô Ðộc phải đến nhờ một người làm trọng tài. Người trọng tài này, tuy sợ oai quyền của Hoàng tử Kỳ Ðà, nhưng trong tâm vốn kính nể Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không kém, nên nghĩ ra một cách, đề nghị rằng:

– Ðất của Hoàng tử là đất rất quí. Ai muốn mua đất ấy thì phải đem tiền vàng lót kín diện tích khoảng đất mà mình muốn mua để định giá trả cho Hoàng tử.

Do đó một giao kèo bán đất đã được thiết lập và cuộc thương thuyết kết thúc.

Sau đó, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc ra lệnh cho gia nhân dùng mấy chục cỗ xe chở đầy tiền vàng đến lót kín khoảng đất mà ông đã chọn. Tuy nhiên tổng số vàng của mấy chục cỗ xe chỉ đủ cho diện tích đất chùa mà thôi, còn các lối vào chưa lót, nên ông phải phái tùy tùng trở về, mở kho lấy vàng thêm.

Trong khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc chưa kịp làm vậy, thì Thái tử Kỳ Ðà, vì cảm kích hạnh bố thí của bá hộ Cấp Cô Ðộc nên phát tâm hiến dâng phần đất làm lối đi xung quanh chùa, nơi ấy Hoàng tử sẽ ra lệnh xây cất những ngọ môn, ngoại viên và vòng thành rất trang nghiêm hùng vĩ. Vòng thành và các ngọ môn đó sẽ bảo vệ ngôi chùa, ngăn cản tiếng động từ các trục giao thông có xe cộ di chuyển, đồng thời cũng ấn định ranh giới giữa thánh địa tôn nghiêm và làng xóm bên ngoài. Còn ngoại viên là một lối rộng làm vòng đai xung quanh chùa, cũng được Hoàng tử cho trồng nhiều thứ hoa trang trí, đủ màu sắc, và lót gạch men rất đẹp! Thế là việc Tu Ðà Cấp Cô Ðộc dùng vàng mua đất xây chùa đã kết thúc mỹ mãn.

Tiếp theo, người đại Thiện nam phi thường ấy còn dùng đến mười tám triệu đồng tiền vàng để xây cất chính điện, tịnh thất và tất cả các cơ sở cần thiết khác trong chùa. Chẳng hạn như Tăng phòng, giảng đường, phạn đường, hương đăng khố, hành lang, lối kinh hành, giếng nước, nhà vệ sinh, ao sen, chỗ tắm v.v…! Vì vậy chẳng bao lâu sau, khoảng đất rừng thưa đã trở thành một đại tu viện nguy nga đồ sộ, nổi bật như một trung ương tôn nghiêm, linh địa số một của Phật giáo, thời đức Toàn Giác còn tại thế (Theo CV. VI. 4: Tiểu phẩm số VI. 4).

Khi mọi kiến trúc hoàn tất, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc vội đích thân đi cung thỉnh đức Phật và chư Thánh Tăng đến chứng minh lễ khánh thành. Cuộc khánh thành đã được tổ chức vô cùng trọng thể dưới hình thức nhiều ngày trai Tăng, làm phước, cúng dường thực phẩm và tứ vật dụng đến Thánh nhân.

Phần cúng dường thực phẩm ngày đầu vừa kết thúc thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc yêu cầu đức Phật chỉ dạy cách nào đúng chánh pháp nhất, để ông dâng ngôi chùa vừa kiến tạo đến đấng trọn lành, đức Phật liền bảo:

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Ông hãy hiến dâng ngôi đại tự này cho tứ phương Tăng chúng cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Thế là Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã thành khẩn làm theo lời Phật dạy. Và ngôi chùa cũng kể từ đó, được đặt tên là Kỳ Viên Tự (Tức là một tu viện được xây lên ở trung tâm công viên của Thái tử Kỳ Ðà).

Nhân để khen ngợi thiện tâm có một không hai của hiền nhân Cấp Cô Ðộc, đức Phật còn ban kệ ngôn rằng:

“Tạo nơi che chở nhiệt, hàn, thú dữ,
Ngăn khỏi phi trùng, rắn, rít, gió mưa.
Tránh loạn cuồng phong, nóng bức hạn mùa,
Ðể Thánh chúng được yên lành tu tập.
Ðây bảo tự, duyên Tu Ðà nguyện lập,
Thiện hạnh nào hơn nghĩa cử đang làm!
Tịnh xá xây là trú sở cho tâm,
Hiến dâng vật dụng càng đầy ân đức.

Hành pháp Phật, ấy phước điền chân thật,
Gieo giống lành, quả giải thoát về sau.
Hoa nở là khi tâm hết ra vào,
Trong tam giới đầy khổ đau sinh diệt”.

(N. Ð. Thoát dịch thành văn vần)

Sau lễ dâng chùa, cuộc làm phước còn kéo dài nhiều ngày, lôi cuốn toàn thể dân chúng quanh vùng tất cả giai cấp đều có mặt: Từ thượng tầng xã hội đến cùng đinh hạ tiện. Mỗi người đến lễ bái đều được Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tặng cho một món quà làm kỷ niệm, khiến chi phí cuộc lễ một lần nữa lên đến mười tám triệu đồng tiền vàng.

Như vậy tổng kết cuộc bố thí của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trong ba đợt: mua đất, xây chùa và làm lễ đã trở thành một con số khổng lồ là năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng. Ông quả thật là một tín thí vô địch của Phật giáo vậy! (Theo Anguttara Nikàya I. 19: Tăng Chi A Hàm số I. 19).

 

[II] TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC – MỘT ÐẠI HỘ PHÁP

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tình nguyện tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm nuôi nấng Tăng Già và bảo trì ngôi chùa Kỳ Viên cho đến trọn đời. Ông cung cấp hằng ngày tứ sự cúng dường đến chư Tăng. Mỗi buổi sáng, ông dâng cơm nước. Còn buổi chiều thì ông hộ độ thuốc men, nhang khói các lễ đài, và đôn đốc gia nhân rửa sạch bát dĩa, giặt giũ y phục, mền chiếu, cũng như quét dọn, lau chùi toàn diện ngôi chùa một cách thận trọng. Nói tóm lại là những công tác gì chư Tăng không thể làm được thì ông cắt đặt nhân viên thực hiện chu toàn. Nhất là việc chăm sóc vườn hoa và những cây cối rợp bóng mát, cùng ao sen, giếng nước và hồ tắm, để cho khuôn viên xung quanh ngôi chùa được luôn luôn tươi nhuận, hợp vệ sinh.

Về sau này, khi số Tăng chúng tụ tập tại chùa và những thiền viện phụ cận, lên đến hàng ngàn vị, thì hằng ngày, ngoài việc hộ trì toàn thể chùa Kỳ Viên, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc còn thỉnh thêm bảy trăm đại Tỳ khưu về nhà trai Tăng nữa. Nhà ông là một tòa lâu đài cao bảy từng, mỗi từng chứa một trăm Sa môn, nên đến giờ ngọ thực, lâu đài ấy trông giống như một cõi Phạm hạnh, vì từ trên xuống dưới thấp thoáng đầy bóng y vàng và lời ăn tiếng nói thấm nhuần thiện pháp.

Khi tiếng khen về tấm lòng hộ pháp, rộng rãi phi thường của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lan rộng khắp nơi, thấu tai quốc vương Ba Tư Nặc (Pasenadi). Nhà vua muốn ganh đua danh tiếng với ông, đã bảo cận thần mời năm trăm vị Tỳ khưu vào cung cúng dường mỗi ngày. Một hôm nhà vua có ý định gặp chư Sa môn để xem phản ứng của họ về sự hộ độ rộng rãi của mình ra sao thì được vệ quan cho biết rằng:

– Các thức ăn thức uống của triều đình dành cho chư Tăng, tuy đã dọn sẵn và mời họ tự tiện dùng nhưng các Sa môn lại đem trao cho những Phật tử nhiệt thành khác, rồi bảo họ dâng cúng trở lại, cho hợp lẽ đạo.

Nhà vua cảm thấy khó chịu, thắc mắc rằng:

– Thực phẩm của hoàng gia là những thức ăn thượng hạng, không phải tầm thường, thế mà chư Sa môn đã chẳng tranh nhau thọ dụng, để khen ngợi mà còn có những cử chỉ kỳ lạ?

Sau đó, quốc vương Ba Tư Nặc đến gặp Phật để hỏi duyên cớ thì được Phật trả lời:

– Này bệ hạ! Sự cúng dường đến chư Tăng mời vô hoàng cung của bệ hạ chỉ có hình thức vật chất, nhưng không có giá trị tinh thần. Các quan quân được bệ hạ giao làm việc ấy chỉ biết hành động vì tuân lệnh. Họ tuân lệnh bố thí đến các hàng Sa môn như tuân lệnh dọn quét, rửa ráy một chỗ dơ bẩn, hay tuân lệnh lùng bắt một tên trộm nộp trước triều đình, chứ trong thâm tâm họ không có tối thiểu hiểu biết gì về thiện nghiệp của mình cả. Cũng như họ không có một niềm kính ngưỡng xứng đáng nào đến chư Tỳ khưu Tăng. Trong đầu họ còn nghĩ rằng: “Những Sa môn cao tuổi này chắc không biết làm gì để sống nên phải ăn bám nhờ dân chúng!”

– Này bệ hạ! Khi hiến tặng một vật mà người làm tỏ ra thái độ ấy thì người nhận không dám thọ dụng một cách yên tâm, cho dù vật hiến tặng có đắt giá đến đâu đi nữa! Ngược lại, khi những thí chủ gương mẫu như Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hay Nguyệt Trang tín nữ dâng cúng bất cứ vật gì, họ cũng hành động với tất cả lòng thành. Chư Tỳ khưu Tăng lúc nhận, cũng thọ dụng một cách thanh tịnh và quán tưởng rằng: “Bậc xuất gia hằng ngày được thiện nam tín nữ hộ độ thì phải chăm lo tu hành để hồi hướng phúc đức cho toàn thể nhân loại chúng sanh”. Rồi họ từ bi đón nhận vật thí.

– Một bữa cơm đạm bạc, hiến dâng bởi một tấm lòng thành vẫn quý hơn cao lương mỹ vị mà đem cho với sự lạnh lùng hay bằng một thái độ khinh bỉ.

– Này bệ hạ! Chắc bệ hạ còn nhớ câu ngạn ngữ: “Cơm chua mà thành tâm chia sớt cho nhau thì cũng trở thành ngon ngọt!?” (Theo Jàtaka 465: Túc Sinh truyện số 465).

Rồi để nhà vua dễ nhớ, đức Phật còn ngâm câu kệ rằng:

“Nắm cơm tuy có tầm thường,
Nhưng tâm thành kính khi nhường cho nhau.

Thì cơm ngon biết dường nào,
Ăn cơm ngon ấy tâm vào an vui”.

(N. Ð. Phỏng dịch thành văn vần theo Jàtaka 346: Túc Sinh truyện số 346)

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc và Nguyệt Trang tín nữ không phải chỉ là hai thí chủ lớn nhất của Tăng Già tại thành Xá Vệ, mà họ còn là hai cư sĩ hộ pháp đặc biệt được đức Thế Tôn ban cho diễm phúc thay mặt Phật để tổ chức hàng ngũ Phật tử lúc bấy giờ. (Theo các Jàtaka 337, 346, 465: Túc Sinh truyện số 337, 346, 465).

Tuy nhiên Tu Ðà Cấp Cô Ðộc dù có tiền rừng, bạc biển đến đâu, ông cũng không tránh khỏi cái luật thịnh suy, vô thường và bất trắc. Trong một trận đại bão lụt nọ, ông đã bị nước cuốn trôi đi toàn thể tiền dự trữ gồm mười tám triệu đồng tiền vàng. Rồi những người vay tiền ông tổng cộng đến mười tám triệu đồng tiền vàng khác, cũng quịt luôn không trả!

Gia tài khổng lồ chín chục triệu đồng tiền vàng của ông vốn đã xuất ra ba phần năm để mua đất, cất chùa và làm lễ hết năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng rồi (18×3=54). Bây giờ ông gặp nạn bị thiên tai và những kẻ thiếu nợ cướp mất ba mươi sáu triệu đồng tiền vàng còn lại nữa, thành thử bỗng chốc ông trở thành tay không. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc mới ngày nào là một đại triệu phú thì hiện tại là một người nghèo.

Nhưng điều đáng quí là đối diện với nghịch cảnh, ông vẫn tiếp tục làm bổn phận của một người hộ pháp, nuôi dưỡng Tăng Già. Khác chăng là ngày trước ông đủ điều kiện để dâng cúng những bữa ăn đầy đủ, thì ngày nay ông có món gì, thành kính đem dâng chư Sa môn món ấy, để cùng nhau thanh tịnh tu tập, sống qua ngày.

Nhắc lại lúc đó có một vị Thọ thần ngụ trong đỉnh tháp trên tầng lầu thứ bảy tòa nhà Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. Cứ mỗi lần đức Phật và chư Thánh Tăng đến, y vì kinh sợ oai đức của Thánh nhân, không dám ở yên trong trú sở trên cao của mình phải bước xuống đất. Ðiều này làm cho y bực bội. Do đó, đã từ lâu, vị Thọ thần hằng tìm cách để làm cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không mời Phật và chư Thánh Tăng tới nhà nữa, nhưng y vốn chưa tìm ra dịp tốt.

Nhân cơ hội Tu Ðà Cấp Cô Ðộc trở thành nghèo, Thọ thần liền hiện đến trước mặt viên quản gia của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nói rằng:

– Này bạn! Nhà bá hộ bây giờ đã nghèo rồi, bạn nên khuyên ông chủ đừng cúng dường các Sa môn nữa.

Nhưng người quản gia lại làm ngơ, không nghe theo lời xúi giục ấy. Thọ thần bực tức quay sang dụ dỗ cậu con trai của viên quản gia với mục đích tương tự là chống lại đức Phật và chư Tăng. Rồi y cũng thất bại luôn.

Sau cùng Thọ thần vận dụng hết phép lực của mình, hiện nguyên hình có hào quang bao phủ, trước mặt chủ nhà Tu Ðà Cấp Cô Ðộc để khuyên ông không nên tiếp tục bố thí nữa. Thọ thần viện dẫn rằng: “Vàng bạc là của quí trên đời, không có nó đời sống sẽ vô cùng cơ cực. Vậy nếu còn chút ít, ông không nên đánh mất v.v…”.

Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền điềm tỉnh trả lời:

– Này Thọ thần! Ðối với tôi, trên đời chỉ có ba thứ quí nhất: Ðó là Phật, đấng thân, khẩu, ý trọn lành, hoàn toàn giải thoát. Pháp những lời dạy chân chánh cứu khổ của Ngài, và Tăng, những Sa môn sống đúng phạm hạnh, diệt tận tham, sân, si phiền não, làm phước điền cho chúng sanh nhân loại.

– Này Thọ thần! Tu Ðà Cấp Cô Ðộc này từ ngày giác ngộ được chân lý, chỉ biết tìm kiếm và bảo vệ ba thứ ấy, ngoài ra không ưa thích bất cứ vật gì khác! Bây giờ yêu cầu Thọ thần hãy đi chỗ khác, vì trong nhà này không có chỗ để cho một Thọ thần chống lại Phật, Pháp, Tăng.

Thế là vị Thọ thần, theo luật của cõi Ðịa tiên dục giới phải rời chỗ ở nhà Tu Ðà, mong mỏi đến gặp vị Ðịa tiên đang là thần hoàng của thành Xá Vệ (Sàvatthì) để yêu cầu xin lên bậc trên cho mình có một trú sở mới. Nhưng khi ước muốn của Thọ thần được trình với Tứ Ðại Thiên Vương, thì bốn vị vua trời này cũng không đủ khả năng thẩm xét một vị Thọ thần chống lại Tam bảo, nên cuối cùng số phận của Thọ thần phải đặt vào trong tay của vua trời Ðế Thích (Sakka).

Sống trong cảnh không có trú sở nhất định, rày đây mai đó vị Thọ thần bắt đầu xét lại việc mình đã làm, và ý thức được ấy là nghiệp xấu nên âm thầm hối hận. Vua trời Ðế Thích biết được chuyện ấy bèn để cho Thọ thần lang thang một thời gian, chừng nào can đảm quay về sám hối thì ông mới giải quyết.

Khi Thọ thần đến trước Ðế Thích cầu sám hối và xin một thiện nghiệp gì làm, để chuộc tội thì Ðế Thích phán rằng:

– Này Thọ thần! Ngươi ở trong nhà Tu Ðà Cấp Cô Ðộc biết trước mọi tai nạn suy sụp của chủ nhà mà không báo trước để gia chủ tránh là một lầm lỗi quan trọng! Bây giờ muốn chuộc tội, người phải làm cách nào để hoàn lại gia sản cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc.

Cách chuộc tội đã được đưa ra, vị Thọ thần vô cùng mừng rỡ nhận thi hành lập tức những phán quyết của Ðế Thích để phục thiện. Trước tiên, Thọ thần dùng thần thông gom lại tất cả số đồng tiền vàng của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã bị nước cuốn trôi ra biển. Kế tiếp, Thọ thần tìm kiếm những kho tàng chôn dấu vô chủ nằm trong lòng đất hay dưới nước, hoặc những kho tàng đã có chủ, nhưng cả dòng họ con cháu hiện chết hết không còn ai thừa hưởng. Tìm xong Thọ thần đem tặng tất cả cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Sau cùng, Thọ thần quay sang đòi nợ cho ông bá hộ bằng cách hiện vào trong giấc mơ của những người thiếu nợ, dùng thần lực biểu diễn, bảo phải trả nợ cho ông Tu Ðà Cấp Cô Ðộc v.v…

Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc bỗng tự nhiên giàu có như cũ. Ngoài việc thu hồi số của cải xưa, ông còn được hoạch tài thêm năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng nữa. Số của này tương đương với tổng cộng chi phí ba lần mua đất, cất chùa và làm lễ, chứng tỏ rằng sự cúng dường Tam bảo của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã không làm gia tài ông giảm xuống!

Sau đó, Thọ thần hiện ra trước mặt đức Phật để sám hối, xin Ngài tha thứ cho những nghiệp ác mà y đã tối tăm phạm phải. Ðức Thế Tôn với lòng từ bi vô lượng đã giải tội cho Thọ thần. Ngài còn ban pháp lành cho Thọ thần giác ngộ, rồi y xin qui y trở thành đệ tử Phật nữa.

Ðức Phật giảng thêm cho Thọ thần hiểu rằng:

– Một bậc đại hạnh khi đã dùng pháp bố thí để trở thành hoàn toàn giải thoát, thì không có sức mạnh nào trên thế gian này có thể ngăn cản họ được, dù cho sức mạnh ngăn cản đó phát xuất từ vua chúa, phát xuất từ hiền thần hay hung thần, phát xuất từ ác tiên hay thiện tiên, và ngay cả phát xuất từ thần chết. (Theo Jàtaka 140 và 340: Túc Sinh truyện số 140 và 340).

Sau khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã tái trở thành triệu phú, còn giàu có hơn trước, một người Bà la môn trong vùng vì ganh ghét, muốn tước đoạt cái “phép lạ” (hay bí quyết) đã cứu giúp và phục hồi gia tài Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nhanh chóng như thế. Y bèn nghĩ ngay đến thần tài Siri. (Theo văn minh Bà la môn giáo thì thần tài Siri xuất hiện dưới hình thức “điềm lành” trong nhà người nào thì người đó sẽ trở nên giàu có).

Vậy việc phải làm của người Bà la môn ác tâm kia, là tìm cách chiếm đoạt cái “thần tài” hay điềm lành ấy đem về nhà y, thì tự nhiên y sẽ trở nên giàu có. Ðiều này cũng phản ảnh niềm tin của tín đồ Bà la môn giáo rằng: Ai giàu có trên đời là nhờ tìm được “tín hiệu”, tức thần tài hay phú lệnh (còn gọi là điềm lành) do Thượng đế ban xuống trần gian. Chứ không phải sự giàu có hiện tại là do gặt hái quả lành từ thiện nghiệp của mình đã tạo trong kiếp trước như đức Phật đã dạy! Nói một cách khác “thần tài” là một loại “âm binh” của Thượng đế rải xuống trần gian. Ai tìm cách chiếm đoạt hay dụ dỗ, cầm giữ được những hình tướng của các “âm binh” này trong nhà mình, thì mình sẽ trở nên giàu có.

Nghĩ đoạn, người Bà la môn tìm đến nhà Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. Y xin phép được vào tận bên trong để quan sát tìm kiếm tín hiệu của thần tài. Nhờ biết nham độn và có khả năng bói toán nên y liền thấy thần tài “nằm” trong con gà trống lông trắng được bá hộ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc rất cưng, nhốt trong một lồng bằng vàng.

Người Bà La môn lập tức hỏi xin con gà cồ lông trắng, y viện lý do rằng y sẽ dùng tiếng gà gáy buổi sáng của nó để đánh thức đám học trò dậy. Với hạnh nguyện bố thí, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không chần chừ liền cho con gà. Nhưng ngay lúc ấy “tín hiệu thần tài” lại rời con gà, nhập vào một viên ngọc trên áo của chủ nhà. Người Bà la môn biết được sự việc quay qua xin viên ngọc thì y thấy “thần tài” bỏ viên ngọc, nhập vào trong cây gậy của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. Y lại xin cây gậy thì “thần tài” di chuyển đến mái tóc của người đệ nhất phu nhân Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, tên là Punnalakkhana, một người đàn bà rất nhiều phúc đức và luôn luôn được các hàng chư Thiên vô hình bảo vệ.

Khi người Bà la môn nhìn thấy đệ nhất phu nhân Punnalakkhana thì y giật mình hoảng sợ, tự nhủ rằng: “Chết chửa! Bây giờ thần tài nằm trên mái tóc của đệ nhất phu nhân Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, lại có Thiên chúng hộ vệ thì ta hết đường chiếm đoạt”.

Cuối cùng, người Bà la môn vì hổ thẹn đã thú thật dã tâm của mình với chủ nhà, rồi trả lại con gà, viên ngọc và cây gậy, đoạn bỏ đi.

Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đến thăm Phật, thuật hết mọi chuyện liên quan đến người Bà la môn biết một thứ nham độn mà ông không hiểu gì cả, thì được nghe đức Phật giảng giải rằng:

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Sự định tâm của con người có thể giúp họ biểu diễn được một số khả năng đặc biệt.

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Nếu khả năng vật chất của loài người có thể tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và tối tân hơn, nhờ vào những dụng cụ hay máy móc tinh vi, thì khả năng tâm linh của họ cũng có thể nhiệm mầu tuyệt diệu hơn, nhờ những ưu tính tu luyện thuần thục, thanh tịnh và thánh thiện.

– Xa hơn nữa, này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Niết bàn là một phẩm cách siêu việt đối với phàm nhân và những ai chưa dứt sạch phiền não. Nhưng Niết bàn là một pháp rất hiển nhiên và thực tế đối với các bậc đã hoàn toàn giải thoát. (Theo Jàtaka 284: Túc Sinh truyện số 284).

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc vốn có một lòng sùng kính đức Phật vô cùng chu đáo. Ông nghĩ đến mọi hình thức tạo phúc hướng về đức Phật. Khi đấng Toàn Giác có mặt gần ông tại đất nhà, thành phố Xá Vệ, thì ông hẳn đến Kỳ Viên Tự lễ bái hằng ngày. Nhưng những lúc đức Bổn Sư phải đi xa, lê gót chân ban bố chánh pháp các nơi khác, thì ông phải làm sao? Thế là một ý nghĩ tạo phương tiện để gián tiếp lễ bái đức Phật tại Xá Vệ lại nảy ra trong đầu óc ông.

Một hôm Tu Ðà Cấp Cô Ðộc ngỏ ý với Tôn giả A Nan Ðà rằng: “Ông muốn xây một kiến trúc dành riêng cho đức Phật gần Kỳ Viên Tự”. Rồi qua trung gian của Tôn giả A Nan Ðà, ông được nghe đức Phật dạy:

– Có ba hình thức kiến trúc để tưởng nhớ lâu dài đến tròn giáo pháp một vị Phật. Ðó là Bảo tháp (hay đền thờ), đài Kỷ niệm, và Thánh địa:

1/ Bảo tháp (hay đền thờ) dành để an trí các di thể, từ nhục thân của Phật để lại. Chẳng hạn như Xá lợi hay tro quí sau khi viên tịch hỏa táng v.v…

2/ Ðài Kỷ niệm dùng để lưu giữ những vật dụng của đức Phật đã từng ít nhất là dùng một lần lúc sinh tiền. Chẳng hạn như bình bát, cội Bồ đề.

3/ Thánh địa dùng để gợi hình ảnh tượng trưng cho sự xuất hiện và những sinh hoạt của đức Phật khi còn tại thế.

Trong ba hình thức ấy để gián tiếp lễ bái này, cái thứ nhất không có được, vì đức Thế Tôn còn sống. Cái thứ ba cũng không thích hợp, vì Thánh địa gợi hình ảnh tượng trưng cho sự xuất hiện và sinh hoạt của đức Phật, chỉ có giá trị sau khi đức Phật đã khuất bóng! Còn lại hình thức lễ bái gián tiếp thứ hai là “Phật dụng” (hay đồ dùng của đức Phật) thì khả dĩ tạo được.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền nghĩ ngay đến cây Bồ đề ở xứ Uruvela, gần sông Ni Liên (Anoma) mà đức Phật đã dùng che nắng che mưa, để tìm ra con đường giải thoát, cứu khổ cho mình và toàn thể chúng sanh. Chính dưới cội Bồ đề này, Ngài đã tìm ra và mở được cánh cửa bất tử.

Suy nghĩ về những giá trị vật dụng như thế, sau cùng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc quyết định mang một nhánh Bồ đề, từ chỗ đức Phật đã đắc đạo kia, về trồng trong thành Xá Vệ.

Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên biết được thiện ý của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, liền tình nguyện dùng thần thông chiết một nhánh con Bồ đề từ Bồ đề đạo tràng, mé rừng Uruvela (Khổ Hạnh lâm) thuộc nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) mang về thành Xá Vệ. (Lời thêm của dịch giả: Khoảng cách từ thành Xá Vệ đến Bồ đề đạo tràng rất xa, ngày nay nếu đi xe hơi cũng phải chạy một ngày ròng rã mới tới. Vả lại, thuở ấy kỹ thuật canh nông trồng trọt không tối tân như bây giờ. Một nhánh Bồ đề con mà chuyên chở bằng kỵ mã hay mã xa, dưới ánh nắng như thiêu như đốt của miền Trung Ấn thì không cách gì còn sống đến chỗ trồng. Ðây chính là lý do mà Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên đã phải dùng thần thông, một khả năng mà Thánh Tăng chỉ dùng trong những trường hợp bị bắt buộc.

Nhắc lại việc trồng cây Bồ đề tại đại ngọ môn chùa Kỳ Viên thành Xá Vệ. Khi ấy, ngoài sự chứng minh của đức Phật và Thánh chúng, còn có sự hiện diện của quốc vương Ba Tư Nặc. Tôn giả A Nan Ðà nhìn Ðại thánh Mục Kiền Liên thì thấy tự nhiên ông biến mất. Rồi chỉ một nháy mắt sau, ông đã hiện nguyên hình trở lại, trên tay cầm một nhánh Bồ đề con tươi rói, như mới được chiết từ thân cây mẹ cách đó vài giây. Tôn giả A Nan Ðà nhân muốn đề cao thẩm quyền cai trị của một vị quốc vương trong lãnh thổ của họ, nên đã đón lấy cây Bồ đề con trên tay Ðại thánh Mục Kiền Liên và trao lại cho vua Ba Tư Nặc.

Nhưng vua Ba Tư Nặc vội khiêm nhường nói rằng:

– Bạch đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng! Trẫm chỉ là người đứng đầu trong vương quốc về mặt đời. Còn về mặt đạo, chính Tu Ðà Cấp Cô Ðộc mới là bậc cư sĩ duy nhất xứng đáng gieo trồng giống Bồ đề thánh thiện này trên lãnh thổ của chúng ta. Vậy trẫm đề nghị nhường danh dự ấy cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc”.

Thế là cây Bồ đề được trồng tại trung tâm công trường, cổng chính dẫn vào Kỳ Viên Tự.

Và thời gian lặng lẽ trôi qua cây Bồ đề trước, chùa Kỳ Viên mỗi ngày một cao lớn, cành lá sum suê, cho bóng mát và nhắc nhở những kẻ thiện tâm tưởng nhớ đến khung cảnh nơi đức Phật đã thành đạo. Ðể tăng cường ý nghĩa sự hiện diện của cây Bồ đề chùa Kỳ Viên, Tôn giả A Nan Ðà còn cung thỉnh đức Phật ngồi tham thiền bên gốc cây Bồ đề này để ban phúc đến Thọ thần và làm cho địa điểm càng lúc càng tăng sự thánh thiện, thanh tịnh.

Riêng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, kể từ ngày cây Bồ đề hiện diện trước Kỳ Viên Tự ông đã xem đó như một hình ảnh thứ hai của đức Phật, nhất là những khi đấng Toàn Giác đi hóa đạo phương xa. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hằng ngày lại dùng cây Bồ đề làm đề mục tu thiền và ông đã ổn định được tâm hồn mình xuyên qua một hình ảnh gần nhất với sự đắc đạo của đức Phật (Theo Jàtaka 479: Túc Sanh truyện số 479).

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app