Phần 2
[III] GIA QUYẾN TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cũng có gia đình, vợ con một cách êm ấm như tất cả mọi người. Vợ hiền ông tên là Punnalakkhana, nghĩa là “Nữ nhân phúc tướng”, và bà đã có một đời sống trưởng giả đúng như ý nghĩa cái tên của bà. Trong gia đình, phu nhân Punnalakkhana luôn được sự yêu kính của tất cả mọi người. Bà như một nữ thần hằng bảo vệ toàn gia tộc, hiền lành với kẻ ăn người ở và thường xuyên hộ độ chư vị Thánh Tăng. Ngoài xã hội, bà là một tín nữ rất thầm nhuần Phật giáo, vì bà đã theo chân người anh rể góp mặt trong số những tín đồ đầu tiên của đức Phật.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc có bốn người con: ba gái một trai. Trong ba tiểu thư ấy, có hai nàng tên là Tiểu Minh (Little Subhaddà) và Ðại Minh (Big Subhaddà) rất thấm nhuần chánh pháp và đã đắc quả Nhập Lưu Tu Ðà Huờn (Sotàpatti) như thân phụ của hai cô. Ba nghiệp thân, khẩu, ý hằng ngày của hai cô này vốn noi gương cha nên danh thơm đạo đức và sinh hoạt kinh doanh luôn luôn thịnh vượng. Hai cô đã lấy chồng xứng đáng và trở nên giàu có. Riêng cô gái thứ ba mà cũng là cô con gái út của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, tên là Sumanà (tạm dịch là Mỹ Hoa) thiện căn vượt hẳn mọi người trong gia đình. Cô này có trí tuệ phi thường. Lần đầu tiên Mỹ Hoa nghe Phật thuyết pháp, cô liền đắc quả Tư Ðà Hàm, tức quả Nhất Lai (chỉ còn bị luân hồi một lần nữa). Thánh quả Tư Ðà Hàm là bậc thứ hai sau thánh quả bậc thứ nhất là Tu Ðà Huờn (còn bị luân hồi bảy lần nữa ). Kể từ đó, tâm hồn c?a Mỹ Hoa (Sumanà) thường xuyên thanh tịnh. Cô không chịu lấy chồng vì cô không bao giờ để tâm mình bị ô nhiễm trong tình yêu nhục dục. Mỗi lần cô nhìn thấy cái hạnh phúc lứa đôi mà cô biết là không tránh khỏi luật vô thường, của hai người chị, cô đâm ra buồn bã và lo ngại cho họ. Sau cùng vì không còn một chút gì mắc dính với cuộc sống thế gian, cô đã tinh tấn tu thiền, không màng đến ăn uống, nên cô đã viên tịch trước sự tiếc thương của toàn thể gia đình.
Sau khi chết, Mỹ Hoa (Sumanà) được sinh lên cõi trời Tusita, thiên cảnh cao nhất của cõi Dục giới. Và ở đó cô đã tinh tấn tu tập, diệt trừ những phiền não vi tế còn lại, rồi đắc quả hoàn toàn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. (Theo chú giải Kinh Pháp Cú).
Người con trai duy nhất của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tên là Kàla, có nước da ngâm đen. Cậu ta là đứa con nối dòng của gia tộc họ Tu Ðà. Kàla không muốn biết bất cứ một giáo thuyết nào cả, hằng ngày cậu chỉ miệt mài trong nghề buôn bán làm giàu. Một hôm Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã khuyến khích con mình giữ Bát quan trai giới bằng cách thưởng cho một ngàn đồng tiền vàng. Cậu ta liền bằng lòng, và sau đó cảm thấy ngày thọ giới Bát quan trai đã làm cho tâm hồn cậu ta dễ chịu. Thế là từ ấy về sau, mỗi tuần Kàla nghỉ buôn bán một ngày, để cùng với gia đình thọ Bát quan trai giới. Nhờ vậy mà cái không khí giữ Bát quan trai của gia đình Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã trở nên đồng thuận, thoải mái, chứ không phải là một hình thức làm cho Kàla bực bội, khó chịu như thuở trước.
Tiếp theo Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lại khuyến khích con trai mình đến chùa vào những ngày lễ để nghe đức Phật thuyết pháp, cũng bằng cách thưởng cho một ngàn đồng tiền vàng khác. Kàla lại một lần nữa vui mừng chấp thuận. Nhưng lần này chính là khúc quanh của đời sống tâm linh cậu ta. Vì sau khi nghe pháp, cậu liền đắc quả Tu Ðà Huờn.
Kể từ đó, sinh hoạt hằng ngày của Kàla cũng giống như phụ thân chàng là chỉ biết tu hành làm phước. Cậu đã trở thành một trong những thí chủ quan trọng nhất của Phật giáo. Người ta đã gọi Kàla là “Thiếu Mạnh Thường” Cấp Cô Ðộc để phân biệt với danh hiệu của phụ thân chàng là “Thái Mạnh Thường” Cấp Cô Ðộc (Theo chú giải Pháp Cú Kinh: Dhammapada).
Kàla lập gia đình với nàng Sujàtà, em gái của một nữ thí chủ nổi tiếng là bà Visàkhà (Nguyệt Trang). Visàkhà là dâu của một ông bá hộ khác trong vùng tên là Migàra. Nhưng người đương thời thường gọi Visàkhà (Nguyệt Trang) là “Pháp mẫu” của bá hộ Migàra. Lý do chỉ vì Visàkhà rất thấm nhuần Phật giáo và đã đem chánh pháp truyền lại cho cha chồng. Người cha chồng này lúc trước vốn quẩn trí, đau khổ vì một số phiền não, suýt từ trần nên sau khi nhờ dâu hiền dùng Phật giáo cứu khổ liền không ngần ngại gọi nàng là “Pháp mẫu”, tức là kẻ đã dùng Pháp bảo làm cho ông được “tái sinh” lại vậy.
Visàkhà (Nguyệt Trang) là một người đàn bà hiền hậu, gương mẫu bao nhiêu, thì cô em gái Sujàtà, vợ của Kàla, lại là một nữ nhân xấu tính, tự đắc bấy nhiêu. Cô ỷ vào sự giàu có của cả bên mình lẫn bên chồng nên tỏ ra gay gắt, bắt bẻ, chấp nhất mọi người từng chút. Trong đầu óc Sujàtà, không bao giờ có một tư tưởng cao thượng hay thiện cảm được gợi lên, mà chỉ toàn là bất mãn, thiếu thốn, buồn bực sẵn sàng tuôn ra để làm phiền lụy cho bất cứ ai nằm trong tầm nóng giận của cô.
Sujàtà có thể đánh đập kẻ ăn người ở bất cứ lúc nào. Và cô có mặt ở đâu là ở đó có sự sợ hãi, khủng bố. Cô cũng chẳng bao giờ tôn trọng gia giáo, trật tự trong gia đình cha mẹ chồng, và ngay cả của chính chồng nàng nữa. Ðây vốn là lý do mà Sujàtà đã không được người ngoài hay thân nhân trong gia đình thương mến, kính trọng.
Một hôm, sau bữa thọ trai, như thường lệ, đức Phật bắt đầu thuyết pháp thì nhiều tiếng la hét, gắt gỏng, quở mắng gia nhân của Sujàtà làm kinh động cả nhà. Ðức Thế Tôn bèn ngưng thuyết pháp hỏi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc xem tiếng ồn ào xẳng xói ấy từ đâu tới, thì Phật được biết giọng gắt gỏng kia không phải của ai khác, mà là của cô dâu trong nhà, một người đàn bà đanh đá vô lễ đối với chồng con, cha mẹ. Cô ta chẳng bao giờ biết bố thí, chẳng bao giờ có tín đức và thường xuyên gây gổ cãi cọ với mọi người xung quanh.
Ðức Phật liền cho mời cô dâu của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc ra nghe thuyết pháp. Khi thiếu phụ ấy xuất hiện trước mặt, thì đấng Toàn Giác bèn hiền từ hỏi:
– Này nữ thiếu chủ! Cô là vợ của một thanh niên bá hộ. Vậy cô có thể vui lòng cho Như Lai biết cô tự xếp hạng nào trong bảy loại vợ trên thế gian này?
– Thưa Sa môn Cồ Ðàm! Ngài muốn hỏi gì tôi không hiểu. Xin Ngài hãy giải ra cho.
– Này nữ thiếu chủ! Ðược lắm! Như Lai sẵn sàng giải đây, vậy cô cần lắng nghe!
Rồi đức Phật thuyết một bài kệ dài gồm chín đoạn:
1.”Nữ nhân mê của, niềm tin chẳng có
Chê chồng mình, đàn ông khác lại trông
Ðể được giàu sang, bụng sẵn giết chồng
Vợ như thế, vợ sát nhân ác loại”.
2.”Của chồng kiếm bằng bán buôn lặn lội
Bằng cấy cày, bằng đồng áng quanh năm
Mà nữ nhân mưu sự giữ riêng mình
Vợ như thế, khác nào phường trộm cắp”.
3-“Thích ngủ, ham ăn, biếng lười, dụng lập
Lời lẽ cộc cằn, tư cách chanh chua
Chồng càng nhịn, thương, càng hiếp đáp bừa
Vợ như thế, vợ bạo tàn cay độc”.
4.”Nữ nhân nào xem mình như nô bộc
Chăm sóc chồng như hiền mẫu chăm con
Giữ của cho chồng không để hao mòn
Vợ như thế sánh mẹ hiền chẳng khác”.
5.”Nữ nhân nào kính thương chồng trong mắt
Như em gái dành cho một người anh
Phục vụ chồng luôn theo ý phu quân
Vợ như thế, tỷ muội nào dám sánh?”.
6.”Nữ nhân nào chồng thấy là hân hạnh
Như bạn xa nhau gặp lại hằng năm
Dung mạo dịu dàng, nhân đức thấm nhuần
Vợ như thế, thiện hữu nhân chánh trực”.
7.”Nữ nhân nào, không giận hờn thành thực
Mềm mỏng với chồng, kiên nhẫn khoan tâm
Giận chẳng giữ lâu, vâng ý chồng làm
Vợ như thế, chính là viên phụ tá”.
8-“Các vợ sát nhân, độc tài, lang chạ
Cướp của, bất lành, chẳng kính nể ai
Mạng thọ hết rồi, sẽ khổ chẳng sai
Cửa địa ngục hẳn là nơi họ đến”.
9-“Nhưng nếu vợ như mẹ hiền, em mến
Như bạn thân hay phụ tá nhân từ
Ðầy đủ đức lành, thanh nhã tâm tư
Sau khi chết sẽ tái sinh hạnh phúc!”.
(N. Ð. Thoát dịch ra văn vần).
– Này nữ thiếu chủ Sujàtà! Ðây là bảy hạng người vợ mà một người đàn ông có thể gặp! Vậy Như Lai xin hỏi Sujàtà: Trong bảy hạng vợ ấy Sujàtà tự mình xếp vào hạng nào?
Bài kệ đã làm cho Sujàtà thức tỉnh và động lòng. Cô liền hứa với đức Phật từ rày về sau cô sẽ cố gắng hành động như một viên phụ tá đối với chồng. Lời dạy của đức Thế Tôn quả đã có hiệu lực làm cho Sujàtà trở thành một người vợ tốt. Từ đó, nàng hết lòng tin tưởng vào đức Phật và không quên nhớ ơn Ngài đã dùng chánh pháp cứu độ tâm hồn mình.
Tin đồn nàng Sujàtà, con dâu của ông Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã phục thiện loan ra rất nhanh. Một buổi tối, đức Thế Tôn đi vào trong giảng đường chùa Kỳ Viên, bỗng thấy nhiều Tỳ khưu đang bàn tán. Phật hỏi lý do thì mới biết họ ca ngợi kết quả kỳ lạ của Pháp bảo. Sau đó họ còn tán thán oai lực của đấng Toàn Giác đã kỳ diệu, có thể chuyển hóa được một người đàn bà ác độc như rồng, như rắn, trở thành một nữ chủ nhân hiền lành, kiều diễm. Nhân đó, đức Phật đã thuật lại cho chư Tỳ khưu đệ tử nghe một câu chuyện trong quá khứ giữa tiền thân Phật và tiền thân nàng Sujàtà. Kiếp ấy nàng sinh làm mẹ vị Bồ Tát, và người con Bồ Tát đã sáng suốt khuyên nhủ bà mẹ nhiều tật xấu của mình, chừa bỏ chửi mắng và hống hách, bằng cách so sánh phong cách của loài chim sơn ca có cử chỉ thanh nhã và tiếng hót thanh tao với giống quạ có cử chỉ xấc xược và tiếng kêu chói tai, ai nghe cũng cảm thấy khó chịu. (Theo Jàtaka 269 và Anguttara Nikàya VII 59: Túc Sinh truyện 269 và Tăng Chi A Hàm VII 59). (Lời thêm của dịch giả: Nàng Sujàtà, con dâu của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một người khác. Xin quí Phật tử chớ lầm lẫn nàng với nữ thí chủ Sujàtà đã dâng cơm sữa lần đầu tiên đến đức Phật, sau khi Ngài từ bỏ cách tu khổ hạnh thái quá để trở về con đường giữa: Trung đạo).
Sau cùng là nói đến người cháu trai của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. Cậu này được thừa hưởng một gia tài lên đến bốn chục triệu đồng vàng. Nhưng cậu ta chỉ thích sống hoang đàng ăn chơi, phung phí, tối ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc. Cậu đã dùng hàng trăm ngàn đồng tiền vàng trong việc chơi bời trác táng với những cô gái lầu xanh và bạn bè hư hỏng. Một con người ngu muội như cậu thì tiền bạc dù chất cao bằng núi cũng có lúc hết sạch.
Ngày kia, khi gia tài mạc tận, cậu bèn tìm đến người chú để xin giúp đỡ. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền tặng cho cậu ta một ngàn đồng tiền vàng và khuyên cháu mình nên dùng số ấy để làm vốn, gầy dựng lại sản nghiệp.
Nhưng cậu ta vẫn chứng nào tật nấy, nên chẳng bao lâu số tiền ấy cũng xài hết. Lần thứ hai cậu đến xin, rồi lần thứ ba, lần thứ tư v.v… Cứ mỗi lần người cháu phá sản yêu cầu, thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lại cho tăng sự giúp đỡ thêm một ngàn đồng tiền vàng nữa, hy vọng rằng cháu mình sẽ đủ số làm vốn hầu xây lại cuộc đời.
Nhưng khi người cháu đến xin lần thứ năm thì Tu Ðà Cấp Cô Ðộc vừa cho năm ngàn đồng tiền vàng vừa cảnh cáo: “Nếu cậu không lo tự sinh kế, tình chú cháu sẽ chấm dứt”. Mặc dù lời hăm dọa đoạn giao của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, người cháu vẫn đem nướng số tiền ấy vào những nơi chơi bời trác táng.
Về sau, mỗi lần người cháu hư hỏng này đến xin, thì toàn thể gia đình Tu Ðà Cấp Cô Ðộc xem cậu như một người ăn mày chứ không coi cậu là con cháu trong nhà nữa. Từ đó họ chỉ cho quần áo và thức ăn, chứ không tặng tiền bạc.
Nhưng con người trụỵ lạc đó đã không còn biết hổ thẹn, tự trọng và danh dự. Cậu cứ nài nỉ thân nhân hãy cho tiền để cậu xài, chứ cậu không muốn nhận áo quần hay thực phẩm. Bởi tính lười biếng và ương ngạnh, nên thậm chí việc đi hành khất để kiếm ăn, cậu cũng không làm. Kết quả cậu đã chết đói trong một góc đường tăm tối.
Khi thi hài cậu được tìm thấy cạnh một chân tường, người ta đã nhặt nó vất vào trong hầm xác, chôn những tử thi vô chủ. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc được gia nhân thuật lại chuyện này, ông liền tự hỏi rằng: “Phải chăng ông đã gián tiếp để cho cháu ông chết khổ như thế?”.
Sau đó Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đến gặp Phật, thuật lại mọi chuyện, và hỏi đức Thế Tôn xem ở cương vị một người chú như ông, ông có thể hành động cách nào khác, đối với đứa cháu hư hỏng như thế?
Ðức Phật liền dùng khả năng Chánh Biến Tri của một bậc Toàn Giác để “nhìn vào” trong quá khứ, thấy rõ những nhân duyên ác nghiệp của người cháu Tu Ðà Cấp Cô Ðộc chồng chất như thế nào, rồi biện giải được sự lo âu, sợ cộng nghiệp trong tâm hồn Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. Phật nói:
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Lòng tham tiền bạc tích tụ của loài người tuy vô đáy, nhưng còn có cách điều chỉnh, trước khi sự chết xuất hiện. Chỉ có lòng tham hưởng thụ khoái lạc nhục dục thì không thể nào cứu vãn sớm hơn lưỡi hái của tử thần”.
– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Vì tính say mê sắc dục và hưởng thụ vật chất (sinh ra lười biếng ) mà đứa cháu trụy lạc của ông đã chịu chết đói hẩm hiu như thế trong quá khứ (tiền kiếp) nhiều lần rồi, chứ đây không phải là lần thứ nhất!” (Theo Túc Sinh truyện 291: Jàtaka 291).
[IV] TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC TIẾP ÐỘ GIA NHÂN, THÂN HỮU
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, một khi đã đắc quả Nhập Lưu, ông tinh tấn giữ đúng giới luật, thanh tịnh tâm hồn và nhiệt thành hướng dẫn thân thuộc xung quanh ông hướng về thiện nghiệp. Vì vậy ông đã sống trong một gia đình mà mọi người đều biết tu hành. Ðức hạnh của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không phải chỉ thấm nhuần đến vợ con, kẻ ăn người ở, mà còn thuyết phục được họ hàng của những cộng sự viên này nữa, khiến họ cũng thích bố thí, thích giữ giới và lo trai tịnh trong các ngày lễ (Theo Jàtaka 382).
Tư gia của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tự nhiên đã biến thành một trung tâm từ thiện và phạm hạnh. Rồi tiếng lành lan rộng khắp vùng, thấu tai bạn bè và những bá hộ trong giới trưởng giả thành Xá Vệ.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không ép buộc bất kỳ ai tin theo Phật giáo. Ông cũng chẳng né tránh các khó khăn trong công cuộc làm ăn hằng ngày. Nhiều giai thoại về sự dũng cảm tranh đấu để tiến bước kinh doanh thuở ấy của ông, cũng đã được ghi lại trong nhiều kinh điển.
Một lần nọ, một nhóm người nghiện nhậu trong thành Xá Vệ hết tiền mua rượu. Họ bèn nghĩ ngay đến cách làm thế nào để phục rượu Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, ông bá hộ rất bình dân, hằng sống gần gũi với những dân nghèo. Trong đầu óc bọn người nghiện rượu này nghĩ rằng: “Hễ phục rượu được cho ông bá hộ thật say thì họ sẽ dễ dàng móc túi lấy tiền!”. Sau thời gian theo dõi, họ biết Tu Ðà Cấp Cô Ðộc thường dùng một con đường đặc biệt để tới lui thăm viếng nhà vua, họ bèn dựng lên một quán nhậu trên con đường ấy. Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đi ngang thấy họ, dừng chân lịch sự chào hỏi, thì họ lập tức mời ông uống rượu. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền nhã nhặn từ chối và nói rằng:
– Một Phật tử thuần thành không bao giờ say sưa. Rồi ông bỏ đi.
Nhưng nhóm người nghiện rượu vẫn không chịu bỏ qua. Họ chờ ông bá hộ thăm vua xong, trên đường trở về, sẽ mời uống rượu một lần nữa. Lần này, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nhìn thẳng vào mặt nhóm người dã tâm nghiêm nghị nói rằng:
– Phải chăng các anh muốn phục rượu tôi để móc túi? – Nếu thật sự mấy anh thích nhậu thì tại sao tất cả các bình rượu ở đây vẫn còn nguyên? Ác tâm của các anh không thể qua mắt tôi được đâu”.
Nhóm dân nhậu nghe thế, hoảng sợ, vội biện hộ cầm chừng rồi rút lui mất dạng. (Theo Jàtaka 53).
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc còn có một đức tính đáng khen khác là “hỷ xả” trước những kẻ sống nhờ một số nghề đồng lõa với sự phạm giới. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây:
Một trong những người bạn của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc làm nghề bán rượu. Ông biết vậy nhưng vẫn đối xử bình thường như một người bạn. Ngày kia, người bạn “bán rượu” này, vì sự bất cẩn của một tên giúp việc, đã mất hết sản nghiệp. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc hay tin ấy, liền đến chia buồn và tùy khả năng giúp bạn, chứ không phân biệt nghề nghiệp của bạn mình có hợp với Phật giáo hay không. Nói một cách khác: Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một thiện tín giữ giới luật rất trong sạch, gương mẫu, nhưng ông không bao giờ ép buộc người thân phải làm như ông, hay tỏ ra mình đủ giới hạnh rồi xem thường kẻ khác! (Theo Jàtaka số 47).
Một lần khác, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc điều động chuyên chở một số hàng hóa ngang qua một vùng có nhiều trộm cướp. Ông đã khôn khéo chọn sự vất vả tìm đường đi, tránh nơi bọn cướp phục kích, dù phải hành trình suốt đêm. Kết quả đoàn vận tải của ông đã được bình yên. Và lời Phật dạy ông đem áp dụng thực sự mang lại kết quả tốt.
Phật dạy: “Người có trí là người biết tạo sự an toàn bằng cách tránh xa những địa điểm nguy hiểm, hơn là biểu dương anh hùng tính của mình, để chạm trán với kẻ dữ”.
Tu Ðà Cấp Cô Ðộc cũng có tài tuyển chọn người hợp tác rất chính xác. Ông có một người bạn từng chơi với nhau từ lúc tuổi còn thơ. Người bạn này mang một cái tên nghe không mấy gì đẹp tai là “Bất Hạnh Ðiểu” (tức con chim xui xẻo). Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc không úy kỵ cái tên “xấu” ấy, ông luôn luôn đối xử thân mật với Bất Hạnh Ðiểu, và khi người bạn nghèo túng, ông còn sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, rồi đua bạn mình vào làm việc trong tư gia!
Thân nhân và người lối xóm ai cũng chỉ trích Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã mang điềm xấu (Bất Hạnh Ðiểu) vô nhà. Nhất là họ viện dẫn rằng: “Bất Hạnh Ðiểu thuộc về giai cấp thấp hèn hơn Tu Ðà Cấp Cô Ðộc”. Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã thẳng thắn phản đối. Ông nói:
– Cái tên chỉ là cái tên! Trong biệt danh không có sự lành sự dữ! Người trí không bao giờ bận tâm với chuyện dị đoan vô ích.
Ngày kia, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đi buôn bán xa. Ông giao phó nhà cửa cho Bất Hạnh Ðiểu trông coi. Bọn ăn trộm nghe tin ông bá hộ vắng mặt liền lập mưu cướp của. Nhưng khi chúng núp xung quanh ngôi nhà, chờ dịp xâm nhập, thì Bất Hạnh Ðiểu nhờ tính cảnh giác và thông minh canh chừng, đã dùng chuông trống đánh ầm lên, như trong nhà đang thiết lễ lớn, khiến cho bọn gian nhân đang rình ăn trộm bên ngoài hoảng sợ, tưởng rằng ông bá hộ và đoàn vệ sĩ hiện có mặt trong nhà chứ không đi đâu cả. Thế là chúng im lặng rút lui.
Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc và đoàn tùy tùng trở về, thấy nhà cửa an toàn, đồng thời nghe câu chuyện bọn cướp bị thất bại ấy, ông bèn tuyên bố với những người “dị đoan” đã chỉ trích ông rằng:
– Ðấy! Quí vị thấy chưa? Bất Hạnh Ðiểu đã làm việc rất hữu hiệu, đẩy lui được trộm cướp. Nếu tôi nghe theo lời khuyên dị đoan của các người, đuổi Bất Hạnh Ðiểu đi, thì bây giờ tôi đã mất của rồi” (Theo Jàtaka 83. 121).
Hầu hết những thân hữu của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là những người không Phật giáo, và giữ tín ngưỡng riêng. Thậm chí một số lớn còn là đệ tử của những đạo sĩ du phương cầm đầu, đại diện cho nhiều môn phái đang phát triển mạnh ở Trung Ấn Ðộ thuở bấy giờ. Thế mà một hôm Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tỏ nhã ý mời hết những thân hữu ấy kéo nhau đến nghe đức Phật thuyết pháp, thì họ đồng loạt vui vẻ đi liền. Và chỉ sau khi nghe thuyết pháp, lần đầu tâm hồn họ đã đổi khác. Một sự kinh cảm thấy được chân lý đã thúc đẩy họ lần lượt xin làm đệ tử Phật.
Và kể từ đó họ thường xuyên lui tới Kỳ Viên Tự, mang bốn món vật dụng đến dâng cúng cho chư Tăng và tinh tấn giữ tám giới trong những ngày thánh lễ. Nhưng tiếc thay, thiện hạnh ấy họ không thực hiện được lâu, vì sau đó, khi đức Phật đi hóa đạo phương xa, vắng mặt trong thành Xá Vệ, thì họ lại chểnh mảng ít đi chùa, rồi dần dần quay trở lại với những giáo chủ cũ.
Mấy tháng sau, khi đức Thế Tôn trở về thành Xá Vệ, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc lại dẫn những người bạn ấy đến thăm đức Phật. Lần này, đấng Toàn Giác không những giải rõ cho họ thấy các khía cạnh thực tế hữu ích của Phật giáo, mà Ngài còn cảnh cáo rằng:
– Chẳng có một Thần linh hay Thượng đế nào có thể che chở cho con người tránh khỏi khổ đau phiền não hơn là tự mình tự tu, tự độ, trong sự thường xuyên thân cận với Phật, Pháp, Tăng, lấy ba ngôi ấy làm chỗ nương nhờ tuyệt đối và làm đuốc soi đường.
Ai sinh ra vào thời có đức Phật độ sinh là một dịp may hiếm có. Nếu vì tăm tối lại để mất cơ hội học hỏi, tu hành theo Phật giáo là một điều vô cùng đáng tiếc! Ngược lại, ai sáng suốt khi tìm thấy chân lý Phật giáo rồi, liền nhất tâm qui y Tam bảo, trau giồi giới hạnh, tăng cường thiện nghiệp, thì người ấy nếu không được giải thoát trong kiếp này thì kiếp sau chắc chắn sẽ hạnh phúc tái sinh làm người hay làm trời.
Ðoạn đức Thế Tôn tán dương đức lành của Tam bảo (Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng) bằng những kệ ngôn sau đây:
“Ai nương tựa vào ân Phật bảo (I)
Thì cõi đời khổ não được xa
Thân người khi tận tuổi già
Hạnh sinh thiên giới một nhà an vui.
Ai nương tựa vào ân Pháp bảo
Thì cõi đời khổ não được xa
Thân người khi tận tuổi già
Hạnh sinh thiên giới một nhà an vui.
Ai nương tựa vào ân Tăng bảo
Thì cõi đời khổ não được xa
Thân người khi tận tuổi già
Hạnh sinh thiên giới một nhà an vui.
Tìm giải khổ vào nơi rừng núi
Hay đền thờ, cây cối vườn hoang
Nơi nào vốn cũng lầm than
Tử sinh đeo đuổi không đường thoát thân.
Nhưng nếu đặt niềm tin Tam bảo
Phật, Pháp, Tăng thánh báu rõ ràng
Tâm nhuần Tứ Ðế, hành trang
Sống theo Bát Chánh, con đường cứu thân.
Ðến cõi giác bụi trần phủi sạch (II)
Nẻo luân hồi cũng tách lìa xa
Không sinh, không bệnh, không già
Không trong tam giới, không là triệt tiêu!
Phẩm giải thoát không nhiều, không ít
Không thấp, cao, xương thịt, buộc ràng
Không vui, không khổ Niết bàn
Tự do tuyệt đối, tịnh tràng vô biên!”
(I, II theo Dìgha Nikàya, 20 và Dhammapada các câu 188 -192 -N. Ð. thoát dịch ra văn vần).
Xuyên qua những câu kệ ngắn, gọn và thâm thúy như thế, đức Toàn Giác đã kích thích được chánh tâm của những người bạn Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, khiến họ hiểu thấu chân lý giải thoát trong Phật giáo, nhất là các pháp Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo. Rồi sau câu kệ cuối cùng tất cả đã đắc quả Nhập Lưu Tu Ðà Hườn, trước sự hiện diện của Tu Ðà Cấp Cô Ðộc. (Theo Jàtaka 1). Do đó, chúng ta có thể nói chính Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đã tiếp độ được bạn bè mình vậy!
-ooOoo-