Niệm Thân – Cách Chủ Tâm (manasā)

Cách chủ tâm (manasā)

  1. Tóc (kesā)

Vannato – màu: tóc có 9 triệu sợi màu đen hoặc màu hơi hoe hoe cũng có. Santhanato – hình: thân hình giống như đòn cân tiểu-ly hoặc giống như sợi chỉ tơ nhuộm đen. Disato– hướng: tóc ở hướng trên. Okāsato – chỗ ở: tóc mọc trên da đầu phía trước mọc tới trán, phía sau mọc tới ót, hai bên mọc tới vành lỗ tai. Paricchedato – phân biệt: tóc, dưới gốc mọc trong da đầu độ bằng cái đuôi hột lúa trên ngọn thì đụng với không khí, hai bên thì đụng với nhau, tóc lại mọc trong mỗi lỗ mỗi sợi, chớ không khi nào mọc hai sợi trong một lỗ bao giờ. Lại nữa tóc mọc trên da đầu, nhưng tóc cũng không biết rằng: ta mọc trên da, da cũng không biết rằng: tóc ở trên mình ta. Thí dụ: cỏ mọc trên mặt đất nhưng cỏ không biết rằng ta mọc trên đất mà đất cũng không biết rằng: cỏ mọc trên mình ta, hai pháp này không biết nhau thể nào thì tóc và da cũng không biết nhau như thế ấy. Hành giả nên để tâm cho là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Lông (lomā)

Màu: lông có 90 mươi triệu sợi màu đen cũng có, màu hơi vàng vàng cũng có. Hình: giống như rễ cây thốt nốt xụ xuống. Hướng: lông ở trên và ở dưới. Chỗ ở: lông mọc ở khắp cả châu thân chỉ trừ ra lòng 2 bàn tay, 2 bàn chơn và nơi tóc mọc. Phân biệt: lông mọc mỗi lỗ mỗi sợi, dưới gốc ăn vô trong da độ bằng trứng chí, trên ngọn thì đụng với không khí, hai bên thì đụng với nhau, lông ấy thật là vật đáng ghê gớm lắm. Sự phân biệt chỗ này là không cho lầm lộn tóc không phải là lông, lông cũng không nên lầm cho là tóc. 

  1. Móng (nakhā)

Màu: móng có 20 cái, màu trắng. Hình: giống như vảy cả. Hướng: móng ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: móng mọc nơi đầu 10 ngón tay và 10 ngón chân. Phân biệt: móng gốc mọc ăn vô trong thịt. Phía ngoài thì đụng với không khí, móng mọc ở đầu ngón tay, ngón chơn thiệt, nhưng móng và ngón tay, ngón chơn không có biết với nhau.Ví dụ: như hột trơm mà đứa trẻ cạy ruột ra rồi máng lên trên đầu cây cầm chơi, hột trơm cũng không biết là ta ở trên đầu cây, cây cũng không biết rằng hột trơm ở trên đầu ta thế nào, thì móng và đầu ngón tay ngón chơn cũng không có ý mà biết nhau như thế ấy. Móng ấy là vật đáng ghê tởm lắm.

     4. Răng (danta)

Màu: răng màu trắng như người có nhiều phước lành thì răng có 32 (chỉ trừ ra Đức Phật thì rằng Ngài có 40 cái) còn như người ít phước thì chỉ có 24 hoặc 29 mà thôi. Hình: răng hình có nhiều thứ như là: 4 cái răng cửa giống như hột bầu mà ghim dưới đất, hai cái răng kế 2 bên nhọn (răng chó) giống bông lài chưa nở, 2 cái răng kế nữa hình giống như cây nạn trên ngọn có 2 khía dưới gốc có 2 chơn, 2 cái răng kế nữa (2 bên thành ra 4 cái) ở phía trên có 3 khía gốc có 3 chơn, 2 cái răng kế tiếp ở trong hết (hai bên thành ra 4 cái) phía trên có 4 khía dưới gốc có 4 chơn; cộng chung thành ra 16 cái, hàm trên có 16 cái, hàm dưới cũng có 16 cái, thành ra có 32 cái răng. Khi hành giả chủ tâm ở hàm trên rồi cũng phải chủ tâm luôn răng hàm dưới, in như cách chủ tâm ở hàm trên vậy. Hướng: răng ở hướng trên. Chỗ ở: răng mọc ở hàm trên và hàm dưới. Phân biệt: răng dưới dốc thì mọc vô hàm trên và hàm dưới, phía trên thì đụng với không khí, hai bên thì đụng với nhau; răng này thật là đáng ghê gớm lắm vì nào là đàm, nước miếng, mủ máu, kẻ dính theo với răng, đừng nói chi lâu trong một đêm mà không súc rửa thì răng ấy trở nên thúi hôi ghê gớm lắm; răng mọc trên hàm thiệt, nhưng răng không biết mình ở trên hàm, mà hàm cũng không biết rằng răng ở trên mình ta; thí dụ như cây cột để trên táng, cây cột không biết mình ở trên táng mà táng cũng không biết rằng mình đương chịu lấy cây cột, hai vật này không có ý biết nhau thế nào, thì răng và hàm cũng không có ý biết nhau cũng như thế ấy.

  1. Da (taco)

Màu: da có nhiều màu, trắng cũng có, đỏ cũng có, hơi vàng vàng, hơi đen đen cũng có tùy theo chỗ ở của nó. Hình: nếu như gom lại thì da hình giống thân thể ta còn nói rộng ra thì da có nhiều hình thể khác nhau: da ngón chơn hình như ổ con tằm, da bàn chân thì giống như chiếc với, da ống quyển giống như lá thốt nốt gói cơm, da bắp vế giống như cái túi dài mà người ta đổ gạo vô đầy, da bàn tay thẳng giống như vải lượt nước, da lưng giống như da người ta gói cây, da bụng giống da bao đờn kiềm, da ngực co dồng có khoản tùy theo ba sườn và vú, da cánh tay giống như da ống tên, da bắp tay giống như da bao dao cạo, da ngón tay giống như túi đựng chìa khóa, da cổ giống như bâu áo, da miệng giống như ổ con cào cào, da đầu giống như áo bát. Hướng: da ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: da bao bọc khắp châu thân. Phân biệt: phía dưới thì da bàn chơn đụng với đất, phía trên thì đụng với không khí. Khi hành giả chủ tâm phải để trí đi luồn phía trong da cho thấy da và thịt rời nhau, ví như người thọc tay vào áo bát vậy; khi chủ tâm thì bắt từ da môi lên da đầu, xuống da cổ, từ cổ theo qua tay mặt, từ tay mặt trở qua tay trái, từ tay trái trở lại da lưng, từ lưng xuống bàn tọa, từ bàn tọa xuống tới bàn chơn mặt, từ bàn chơn mặt trở lại bàn tọa rồi qua chơn trái, từ bàn chơn trái trở lên háng, từ háng trở lên bụng, từ bụng trở lên ngực, từ ngực lên cổ, từ cổ lên cằm, từ cằm dưới lên môi dưới thì ăn ráp với da môi trên như trước; phải để tâm cho da ấy là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Thịt (maṃsaṃ)

Màu: thịt màu đỏ như bông bụp tây có 900 cục. Hình: thịt có nhiều hình thể khác nhau như thịt đầu giống như đất sét trét vào gáo dừa một lớp mỏng, thịt gò má giống như thịt bụng con ếch, thịt cánh tay giống như con chuột lớn lột da chẻ làm hai rồi úp vô, thịt ba sườn giống như đất trét vào cách nhà, thịt vú giống như hai cục đất bỏ vô túi treo lên, thịt bụng giống như bẹ dừa ốp đọt, thịt bàn tọa giống như đất chai dưới đít cà ràng, thịt bắp vế giống như chày đá, hoặc tấm đá mài dao, thịt ống quyển giống như cơm gói trong lá. Hướng: thịt ở hướng dưới và hướng trên. Chỗ ở: thịt ấy bao bọc và ẩn núp theo 300 khúc xương phía ngoài thì đụng với da chính giữa thì là thịt; nếu để tâm cho là vật đáng ghê gớm lắm. Thịt bao bọc theo xương, nhưng xương và thịt không biết nhau; thí dụ: như đất sét trét vào vách tre, tre không biết rằng đất bao bọc ta, mà đất cũng không biết rằng ta bao bọc tre, hai vật này không biết nhau thể nào thì thịt và xương cũng không biết như thế ấy.

hinh

  1. Gân (nhāru).

Màu: gân toàn là: màu trắng có 900 sợi. Hình: gân có nhiều hình thể khác nhau: có 5 sợi gân lớn từ cổ ăn xuống phía trước, có 5 sợi gân lớn từ cổ ăn xuống ra phía sau, có 5 sợi gân lớn từ cổ ăn qua hông phía tay mặt, có5 sợi gân lớn từ cổ ăn qua hông phía tay trái, có 5 sợi gân lớn ăn ra phía trước cánh tay mặt, có 5 sợi gân ăn qua phía trước cánh tay trái, có 5 sợi gân lớn ăn ra phía sau tay trái, có 5 sợi gân lớn ăn xuống phía trước chơn mặt, có 5 sợi gân lớn ăn xuống phía trước chơn trái, có 5 sợi gân ăn ra phía sau chơn trái; gân 2 bàn tay và hai bàn chơn giống như ngón cẳng con vịt, gân ngoài các thứ kể trên ấy có thứ thì giống như sợi dây vải xe lại, gân nhỏ hơn nữa thì giống như sợi nhợ câu, gân nhỏ hơn nữa thì giống như sợi tơ, gân đầu dày như tấm vải the đậy lên, gân lưng giống như cái chài (lưới) phơi nắng. Hướng: gân ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: gân ở khắp châu thân và cột rút theo 300 khúc xương. Phân biệt: gân phía trong thì đụng với xương phía ngoài thì ăn phủng thịt đụng với da, hai bên thì đụng với nhau, gân ấy thật đáng ghê gớm lắm. Gân tuy cột với xương nhưng gân cũng không biết rằng ta cột các mảnh xương còn xương thì cũng không biết rằng ta bị gân cột trói: thí dụ như: dây cột vào sườn nhà, dây không biết rằng ta đương cột vào sườn nhà, mà sườn nhà cũng không có ý biết rằng: dây cột ta, hai vật này không biết nhau thể nào thì gân và xương cũng không biết nhau như thế nào.

  1. Xương (aṭṭhi).

Màu: xương toàn là: màu trắng có 300 đoạn. Hình: xương có nhiều hình thể khác nhau. Xương đầu ngón chơn giống như hột sen, xương lóng giữ giống như hột mít, xương trong cây giống như cây kèn vấn bằng lá, xương bàn chơn giống như đầu cộng thốt nốt hoặc như tấm tre, xương gót giống như sợ thốt nốt chẻ ra làm hai, xương mắt cá giống như hai hột thốt nốt dính lại, xương ống quyển phía dưới giống như cán ná, xương ống quyển phía trên giống như lưng con rắn khô, xương đầu gối giống như trái tràm, chỗ xương ống quyển ráp với xương đầu gối giống như hai sừng con bò con, xương bắp vế giống như cán búa đẽo sơ, chỗ xương bắp vế ráp ăn vô xương bàn tọa giống như trái quít, xương háng hai bên ráp lại giống như cà ràng, xương khu giống như đầu con rắn phùng mang trút đầu xuống có lỗ lớn, lỗ nhỏ, bảy, tám lỗ, xương sống phía trong giống như đất nén tròn để chồng lên, phía ngoài thì giống như sợi dây có gai theo mỗi khoảng trống như răng cưa, xương sườn có 12 cái, hai bên thành ra 24 cái, xương sườn non giống như lưỡi hái cụt, xương sườn già giống như lưỡi hái dài mà cong. Tất cả các xương sườn ráp lại giống như cánh con gà xòe, xương ngực có 14 cái giống như móng chim, xương ức giống như muỗng múc canh, xương hang cua giống như cán dao hơi cong, xương chả vai giống như lưỡi cuốc cũ, xương cánh tay giống như dùi trống chầu, xương bắp tay giống như hai cọng thốt nốt, xương bàn tay giống như tấm tre chẻ ra, xương ngón tay phía trong giống như cái kèn vấn bằng lá, xương lóng giữa giống như hột mít lép, xương đầu ngón tay giống như hột sen, xương cần cổ có bảy mắt giống như măng tre cắt khoanh tròn rồi chồng lên có từng, xương hàm dưới giống như cái kẹp gắp lửa, xương hàm trên giống như cái dao úp lưỡi xuống, xương lỗ mũi và xương hai con mắt giống như hột thốt nốt đã móc ruột ra, xương sọ khỉ giống như cái vá dừa múc canh, xương trán giống như miếng ô bể úp xuống, xương sọ đầu có nhiều miếng ráp lại giống như vỏ trái bầu thủng bể mà ràng lại. Hướng: xương ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: xương ở khắp châu thân như xương đầu ở trên xương cổ, xương cổ ở trên xương sườn và xương sống, xương sống ở trên xương háng, xương háng ở trên bắp vế, xương bắp vế ở trên xương ống quyển, xương ống quyển ở trên xương mắt cá, xương mắt cá ở trên xương bàn chân.

Phân biệt: xương phía trong đụng với tủy xương, phía ngoài đụng với thịt, phải để ý cho xương ấy là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Tủy xương (aṭṭhimiñajaṃ).

Màu: tủy xương màu trắng. Hình: giống như sợi mây đút vào ống tre mà đốt lửa. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: tủy xương đầy trong 300 khúc xương như khúc xương lớn thì tủy xương lớn, như xương nhỏ thì tủy xương nhỏ. Phân biệt: ở trong xương phải chủ tâm cho thấy tủy xương ấy là vật đáng ghê gớm. 

  1. Thận (vakkaṃ).

Màu: thận màu hơi đỏ dợt. Hình: giống như hai trái xoài chỉ có một cuống dính chung lại mà thôi. Hướng: thận ở hướng trên và phía sau rún. Chỗ ở: nương với một sợi gân từ cuống họng thòng xuống phía dưới trái tim. Phân biệt: xung quanh thì đụng với tim, gan, phổi, thận ấy là vật đáng ghê gớm lắm. 

  1. Tim (hadayaṃ).

Màu: tim màu đỏ như bông sen đỏ.

 Hình: tim hình giống như bông sen búp thòng đầu xuống ở phía ngoài coi láng, phía trong có xơ giống như xơ mướp, nên người có trí huệ thì tim ấy nở lớn ra, còn người ngu si dốt nát thì tim ấy bóp lại như bông sen héo. Hướng: tim ở hướng trên. Chỗ ở: tim ở trong ngực hơi về phía tay trái và chính giữa khoản hai cái vú, có hai sợi gân, một sợi để rút máu mới vô, một sợi để phát máu cũ ra. Phân biệt: theo thể của nó trong tim ấy có thứ nước độ nửa lòng bàn tay để giữ trái tim không cho khô héo nước ấy gọi là nước tâm, nếu người có tham dục thì nước tâm ấy đỏ như nước máu, nếu có sân hận thì nước tim ấy đen, nếu tánh si mê thì nước đục giống như nước rửa thịt, nên người có trí huệ thì nước ấy giống như dầu mè. Tim là vật đáng ghê gớm lắm. Tim ở nơi ngực thiệt nhưng tim và ngực không có biết nhau. Thí dụ như ổ chim treo trên cây, ổ chim ấy không biết rằng: ổ chim đương treo ở trên cây mà cây cũng không biết rằng: ổ chim đương nương theo với mình thế nào thì tim và ngực tuy ở chung nhau nhưng cũng không biết như thế ấy. 

  1. Gan (yakanaṃ).

Màu: gan màu đỏ như màu của bông sen. Hình: gan hình giống như lá vông, nếu người có trí huệ thì ở dưới chót lại rẽ ra làm hai, còn nếu người không có trí huệ thì dầu lớn thế nào gan ấy cũng không có rẽ ra. Hướng: gan ở hướng trên. Chỗ ở: gan ở bên tay mặt phía dưới cái vú. Phân biệt: theo thể của nó. Gan ấy là vật đáng ghê gớm lắm. 

  1. Bầy nhầy (kilomakaṃ).

Màu: bầy nhầy màu trắng.

Hình: giống như tấm lụa trắng mỏng. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: bầy nhầy ở hai thứ, một thứ ở theo gan, tim (paticchinna), một thứ ở theo da và thịt (appaticchinna). Paticchinna: bầy nhầy ở hướng trên thòng xuống che thận, tim, gan, bao tử. Appaticchinna: bầy nhầy ở hướng trên và hướng dưới, phía dưới đụng với thịt trên đụng với dưới da. Phân biệt: nhứt định theo mỗi thứ bầy nhầy ấy phải suy xét cho là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Bao tử (pihakaṃ).

Màu: bao tử màu xanh giống như màu lưỡi bò đen. Hình: giống như cái túi độ bằng bảy ngón tay. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: ở phía bên trái quả tim phía dưới bụng hơi qua bên phía tay trái. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Bao tử này là vật đáng ghê gớm lắm, vì bao tử ấy phía ngoài coi láng nhưng phía trong thì sần sượng giống như da mít, trong bao tử có 32 thứ vi trùng cư ngụ rút rỉa như là: lãi, sên, dòi, sán kim, v.v… nếu người sống được 10 năm, 20 năm, 30 năm v.v.. hoặc 70 năm, 80 năm thì cái bao tử ấy không khác nào như cái thùng phẩn 10 v.v… hoặc 70 năm, 80 năm không rửa vậy, thật đáng chán nản ghê gớm.

  1. Phổi (papphasaṃ).

Màu: phổi màu hơi đỏ. Hình: giống như bánh bò ổ hoặc như tàng ong. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: trên từ cuống họng ăn xuống bao trùm từ sau lưng ra tới trước ngực che đậy cả thận, tim, gan, bao tử. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Nếu người nào nhịn đói quá, chất lửa từ dưới bụng đốt lên tới phổi làm cho phổi phải khô héo, khi ăn vật thực vô thì chất lửa ấy trở lại đốt vật thực, phổi trở lại tốt tươi như trước, phổi ấy đáng ghê gớm lắm.

  1. Ruột già (antaṃ).

Màu: ruột già màu trắng đục như vôi trộn với cát ở phía trong thì màu bàng như mít nghệ. Hình: giống như con rắn cắt đầu lột da để khoanh trong vũng máu, ruột già của người đàn bà bề dài 28 hắc tay, của đàn ông 32 hắc tay, đều có 21 đoạn in nhau. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: ở trên từ cuống họng phía dưới ăn thấu ra hậu môn. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Ruột già thật là đáng ghê gớm lắm vì trong ruột ấy có 32 thứ trùng trú ngụ, các loại vi trùng này bò tới, bò lui trong đại trường có bầy có lũ, nếu người nào nhịn đói thì các loài vi trùng nhô đầu lên rút rỉa gan, tim, phổi làm cho người ấy rất khó chịu, nếu khi ăn vật thực vô 2, 3 miếng đầu thì các loài trùng ấy giành nhau rút hết, ruột già là nơi sanh diệt của các loài vi trùng, sanh ra đó và chết cũng đó là nơi mồ mả là cầu tiêu của chúng nó. Ruột già đáng ghê gớm lắm.

  1. Ruột non (antagūnaṃ).

Màu: ruột non màu trắng. Hình: giống như ngó sen. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: ăn dính theo 21 đoạn ruột già. Phân biệt: theo thể của nó. Khi nào làm công việc chi nặng nề thì ruột non ấy trở nên mềm mại, nếu ruột non mềm thì ruột già cũng mềm theo, khi người ấy nghỉ không làm công việc chi thì nó rút cứng theo ruột già. Thật là đáng ghê gớm lắm.

  1. Vật thực mới (udariyaṃ).

Màu: Vật thực mới giống như màu vật thực lúc ăn. Hình: giống như cơm để trong túi vải hơi mềm mềm. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: ở trong bao tử. Phân biệt: nhứt định ở trong bao tử ấy. Vật thực mới là vật vô cùng ghê gớm lắm, vì lúc ăn vô nhai với hai hàm răng lừa với lưỡi trộn với nước miếng, đàm, mủ, máu, ke trong chân răng, vật thực ấy lúc bấy giờ trở nên ghê gớm ví như một đống vật thực chó mửa hoặc như một bãi vật thực của người ăn không tiêu rồi mửa ra vậy. Nếu trong ruột máu nhiều thì vật thực ấy trở nên hồng hồng, đàm nhiều thì vật thực trở nên xanh, mủ nhiều thì giống như mỡ thúi, mật nhiều thì vật thực ấy trở nên vàng, vật thực ấy bây giờ trộn xà bần với nhau nào cơm, canh, cá, thịt, rau cải, trái cây trộn chung lại với mật, đàm, mũ máu ví như một cái hầm đổ rác, nào đầu tôm, xương cá, rác rến, phẩn chó, phẩn heo, nước tiểu, phẩn người ta trộn chung lại dưới đầm nước xanh dờn, các vật này ghê gớm thế nào thì vật thực trong bụng ta cũng như thế ấy. Vật thực ấy chia ra làm 5 phần: một phần thì các loài vi trùng rút rỉa, một phần thì tiêu ra nước tiểu, một phần tiêu ra phẩn, một phần đi bồi bổ trong châu thân, một phần thì bị lửa đốt. Khi lửa đốt làm cho vật thực ấy sôi lên có bọt, có bèo trào lên ra con mắt ta gọi là ghèn hoặc nước mắt, trào ra lỗ tai cho là cứt ráy, trào ra lỗ mũi ta gọi là cứt mũi, trào ra miệng ta gọi là nước miếng, đóng vào răng ta gọi là ke trong răng, trào ra lỗ chân lông ta cho là mồ hôi hoặc đất, trào ngược xuống dưới thì thành ra nước tiểu và phẩn, thật là đáng ghê gớm lắm.

  1. Phẩn (karīsaṃ).

Màu: phẩn màu hơi vàng hoặc hơi xanh tùy theo vật thực ăn vô. Hình: giống đất sét nhét trong ống tre. Hướng: ở hướng dưới. Chỗ ở: ở từ lỗ rún tới hậu môn độ 8 ngón tay. Phân biệt: ở trong đại trường, Phẩn này là xác của vật thực bị lửa đốt tiêu ra đóng lại có cục. Thật là vô cùng ghê gớm lắm. 

  1. Óc (mattalunāgaṃ).

Màu: óc màu trắng như nấm hay mọng dừa, có 4 cục ráp lại trong sọ đầu. Hình: giống như cục bột. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: óc 4 cục ráp lại trong sọ. Phân biệt: ở trong sọ đầu. Óc là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Mật (pittaṃ).

Màu: mật màu vàng như mật ong đặc. Hình: tùy theo mỗi thứ, mật có 2 thứ: một thứ ở trong bao độ bằng nụ mướp (baddapittaṃ) một thứ ở ngoài bao thấm cùng khắp bộ phận lớn nhỏ trong châu thân (abaddapittaṃ). Hướng: ở hướng trên và hướng dưới (mật ở trong bao thì ở hướng trên, mật ở ngoài bao thì ở hướng trên và dưới). Chỗ ở: mật ở trong bao thì dính với lá gan, trên cuống thì dính qua bao tử. Phân biệt: nhứt định riêng theo của mỗi thứ mật ấy. Thứ mật ở trong bao nếu xao động thì làm cho ta phải điên khùng, không biết chi hết, thật là ghê gớm lắm. 

  1. Đàm (semhaṃ).

Màu: đàm màu hơi xanh hoặc trắng cũng có. Hình: nhớt như tròng trắng hột gà và theo thể của nó. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: ở trong bao tử và nổi lên như rong nổi trên mặt nước vậy, đàm độ lối 1 bát. Phân biệt: theo thể của nó. Khi ăn vật thực vô thì đàm ấy rẽ làm 2 ra cho vật thực rớt xuống, rồi trở bít kín lại như thường, ví như cái hồ đầy những rong nổi trên mặt nước khi ta lấy cục đất thảy xuống, rong ấy vẹt ra cho cục đất rớt xuống thế nào thì vật thực vô đàm vẹt ra cho vật thực rớt xuống rồi trở lại đậy kín như thường cũng như thế ấy. Nếu đàm ít không đủ sức đậy kín các mùi hôi thúi trong thân bốc lên không khác nào như trứng gà ung. Ví như tấm nắp…đậy thùng phẩn không cho bay mùi hôi thúi thế nào thì đàm để che đậy các mùi hôi thúi trong thân ta cũng như thế ấy. Thật là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Mủ (pubbo).

Màu: mủ màu vàng như lá cây chín, hoặc hơi đỏ. Hình: giống như sữa bò đặc trộn chung với một chút gạch tôm, hoặc tùy theo chỗ của nó. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: ở theo mấy chỗ ghẻ nhọt và thương tích. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Mủ là vật vô cùng ghê gớm lắm, hành giả nên lấy mủ đương chảy ra theo ghẻ nhọt thương tích ấy mà niệm. 

  1. Máu (lohitaṃ).

Màu: máu màu đỏ Hình: tùy theo thể của nó. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: máu có hai thứ, một thứ máu đọng lại (sannicitalohita), một thứ máu thông lưu cùng khắp trong các bộ phận lớn nhỏ trong châu thân (samsaranalohita) thứ máu đọng lại độ một bát ở đầy phía dưới lá gan, nếu máu này ít không đủ sức ngập tràn lên tới thận, tim, phổi, thì làm cho chúng ta bực bội nóng nảy hay khát nước, nếu máu ấy có đủ như thường thì làm cho thân tâm được mát mẻ, yên vui. Máu ấy thật là một vật đáng ghê gớm lắm, nhứt là ghê gớm màu đỏ của nó. 

  1. Mồ hôi (sedo).

Màu: mồ hôi màu trắng như dầu mè thật trong. Hình: giống như nước đọng theo trong mình. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: ở cùng khắp trong châu thân, mồ hôi này không phải có luôn luôn, khi ăn uống vật chi nóng, hoặc đi ngoài nắng hoặc làm công việc mệt nhọc thì mồ hôi ấy mới đổ ra theo lỗ chơn lông và chơn tóc. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Mồ hôi là vật đáng ghê gớm, chẳng cần nói mồ hôi của người, tới mồ hôi của ta mà dính vào y phục độ đôi ba ngày thì có mùi hôi chua khó chịu lắm, hành giả nên lấy mồ hôi đương chảy ra mà niệm.

  1. Mỡ đặc (medo).

Màu: mỡ đặc màu vàng như nghệ. Hình: giống như tấm lụa vàng mỏng. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: nếu người mập mạp thì mỡ đặc ở cùng khắp trong châu thân, nếu người ốm yếu thì thường ở theo xương sống, da bụng, hai bắp vế và hai ống quyển. Phân biệt: mỡ đặc ở phía dưới thì đụng với thịt, phía trên thì đụng với da bề ngang là thể của nó. Mỡ đặc màu vàng như nghệ thiệt, nhưng không ai dám đem dùng hoặc xài trong việc nọ việc kia, vì mỡ đặc là vật thật đáng ghê gớm. 

  1. Nước mắt (assu).

Màu: nước mắt màu trắng trong. Hình: giống như giọt mưa nhểu xuống. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: ở theo trong hai lỗ con mắt, nước mắt không phải có luôn, khi ta ăn vật chi cay hoặc cười quá sức, hoặc bụi cát rớt vào hoặc buồn rầu, tức tưởi điều chi mà phải khóc thì nước mắt ấy mới chảy ra. Phân biệt: nhứt định theo thể của nó. Nước mắt là vật đáng ghê gớm lắm, hành giả nên lấy nước mắt đương chảy ra mà niệm. 

  1. Mỡ lỏng (vasā).

Màu: mỡ lỏng giống màu dầu dừa.Hình: giống như màng mở nổi trên mặt nước, hoặc giống như đờm nước thật nhỏ dính theo mình trong khi tắm. Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: thường ở nơi trán, sóng mũi, hai bên má, hai bên chả vai, hai lòng bàn tay và hai lòng bàn chơn nhiều hơn các chỗ khác. Phân biệt: tùy theo chỗ ở của nó. Mỡ lỏng không phải có luôn, khi ta đi ngoài nắng hoặc ngồi gần lò lửa hoặc ở nơi nào nóng nực chẳng hạn thì mỡ lỏng ấy mới tuôn ra. Thật là vật đáng ghê gớm lắm.

  1. Nước miếng (khelo).

Màu: nước miếng màu trắng. Hình: giống như bọt nước hoặc như bọt nước cá lia thia.  

Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: ở hai bên má chảy ra. Nước miếng này khi ta ăn vật chi vào miệng hoặc cay, hoặc chua, mặn, ngọt thì nước miếng ấy chảy ra cũng không cần nói chi tới ăn, dẫu khi nhớ tới hoặc thấy thức ăn nào nhứt là đồ chua thì nước miếng ấy cũng chảy ra đầy miệng, nước miếng lỏng thì đóng ở nơi chót lưỡi, nước miếng đặc thì đọng ở trong cuống lưỡi, dầu ta khạc nhổ đi, nước miếng cũng vẫn chảy ra. Thí dụ như cái giếng mà người đào nơi đất cát, dầu có múc nước đổ đi đâu nước giếng ấy vẫn rịn ra hoài không ngớt, nước giếng ấy rịn ra ngoài như thế nào thì nước miếng ấy cũng vẫn rịn ra hoài như thế ấy. Thật là vật vô cùng ghê gớm lắm. Phân biệt: nhứt định ở hai bên má ấy mà chảy ra. 

  1. Nước mũi (singhānika).

Màu: nước mũi màu trắng giống như nước ở trong trái thốt nốt còn non. Hình: hơi lền và tùy theo nước mũi ấy. Hướng: ở hướng trên. Chỗ ở: nước mũi ấy không phải có luôn hoài, khi nào ta ăn vật chi cay quá hoặc tức tưởi khóc than hoặc cảm gió nhức đầu thì nước mũi ấy mới chảy ra đầy lỗ mũi rồi nhểu ra ngoài. Thí dụ như lá sen gói sữa treo lên lấy gai chích một lỗ ở dưới nước sữa ấy rịn ra ngoài và nhểu đi thế nào thì nước mũi cũng rịn từ trên óc chảy xuống rồi đi cũng như thế ấy. Phân biệt: từ trong óc chảy dần theo nơi sóng mũi nước mũi, thật là vật đáng ghê gớm lắm; hành giả lấy nước mũi chảy đầy trong hai lỗ mũi mà niệm. 

  1. Nước nhớt (lasika).

Màu: nước nhớt màu trắng như mủ cây. Hình: tùy theo chỗ ở của nó (là máy lắt léo). Hướng: ở hướng trên và hướng dưới. Chỗ ở: ở theo trong các khớp xương (articulation). Phân biệt: nhứt định theo thể của nó.Nước nhớt là có phận sự là để cho ta có xếp tay chơn được dễ dàng, nếu người nào nước nhớt trong lắt léo ít thì lúc đi, đứng, ngồi nằm hay kêu rắc rắc, nếu đi xa một chút thì than mỏi mệt, còn người nào nước nhớt ấy nhiều thì đi, đứng, ngồi, nằm không biết đau và đi xa cũng không biết mỏi. Nước nhớt thật là đáng ghê gớm lắm.

  1. Nước tiểu (muttaṃ).

Màu: nước tiểu màu hơi vàng như nước trà dợt hoặc hơi trắng như nước hàng đồ. Hình: giống như cái bong bóng heo trút cuống xuống Hướng: ở hướng dưới. Chỗ ở: ở trong bộng tiểu, nước tiểu chỉ có ngã chảy ra rõ rệt mà thôi còn ngả chảy vô thì không có, chỉ tự rút ên vào ví như cái ve lọc nước mà người nhét nút rồi thọc dưới nước bùn sình, ve ấy có thể rút nước vào ve thế nào thì bọng tiểu cũng tự rút nước tiểu vào ên như thế ấy. Phân biệt: nhứt định ở trong bọng tiểu ấy, hành giả phải chủ tâm cho là vật đáng ghê gớm lắm3. Đây là tròn đủ 7 cách chủ tâm theo 32 thể.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app