Chương 9. Mục đích
Bất cứ cái gì có tính nảy sinh thì cũng có tính diệt đi. 1
1 S.LVI (XII).ii. 1, Dhamma-Cakkapavattana Sutta. Phương thức này được dùng để diễn tả huệ đạt được bởi những vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật khi lần đầu tiên hiểu được Pháp.
Kinh nghiệm của thực tại này là tinh túy giáo huấn của Đức Phật. Tâm và thân chỉ là một mớ những tiến trình liên tiếp sinh và diệt. Sự đau khổ của chúng ta phát sinh khi chúng ta phát triển sự bám chấp vào những tiến trình đó, vào những thứ mà thật ra rất phù du và không có thực thể. Nếu chúng ta có thể trực tiếp hiểu được bản tánh vô thường của những tiến trình này, thì sự bám chấp của ta vào chúng sẽ mất đi.
Đây là công việc mà những người hành thiền phải làm: hiểu được tính chất phù du của chính mình bằng cách quan sát những cảm giác luôn luôn thay đổi ở bên trong. Mỗi khi có cảm giác xuất hiện, ta không phản ứng, mà cứ để nó nảy sinh và diệt đi. Làm như vậy, ta để cho những nghiệp cũ của tâm trồi lên bên trên và diệt đi. Khi phản ứng và sự bám chấp ngưng thì đau khổ ngưng và ta trải nghiệm sự giải thoát.
Đây là công việc lâu dài, đòi hỏi sự thực hành liên tục. Lợi ích thấy rõ ở mọi bước đi, nhưng để đạt được những lợi ích đó đòi hỏi sự cố gắng liên tục. Chỉ bằng cách luyện tập kiên nhẫn, bền bỉ và liên tục thì người hành thiền mới tiến bộ trên con đường hướng đến mục đích.
Thâm nhập sự thật tối hậu
Sự tiến triển trên con đường gồm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là học về kỹ thuật, phải làm như thế nào và tại sao làm như vậy. Giai đoạn thứ hai là thực hành.
Giai đoạn thứ ba là thâm nhập, dùng kỹ thuật để xuyên vào thực tại của chính mình, và nhờ vậy tiến tới mục đích cuối cùng.
Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu của thế giới hiển nhiên như hình dạng, hình thể, màu sắc, vị nếm, mùi hương, đau đớn và khoái lạc, tư tưởng và cảm xúc – ta và tha nhân. Ngài chỉ nói rằng thế giới đó không phải là sự thật tối hậu. Với nhãn quan thông thường, chúng ta chỉ nhìn thấy những hình thức lớn mà không thấy được những thành phần vi tế tạo ra chúng. Chỉ thấy những hình dạng mà không thấy được những thành phần bên trong, chúng ta ý thức được những sự khác biệt của chúng, và do vậy đã phân biệt, đặt tên, ưa thích, có thiên kiến, và bắt đầu thích và ghét – tiến trình này phát triển thành thèm muốn và chán ghét.
Để có thể thoát khỏi thói quen của thèm muốn và chán ghét, chúng ta không những cần có một cái nhìn tổng quát, mà còn phải thấy được những sự vật ở phần thâm sâu, phải hiểu được những hiện tượng bên trong cấu tạo nên thực tế hiển nhiên. Đây chính là những gì mà pháp thiềnVipassana cho phép chúng ta làm.
Bất cứ sự tự khảo sát nào cũng tự nhiên bắt đầu với những khía cạnh hiển nhiên nhất của chúng ta: các phần khác nhau của cơ thể, tứ chi và các cơ quan. Quan sát kỹ hơn sẽ cho thấy một vài phần của cơ thể thì chắc đặc, có phần thì lỏng, có phần di động, có phần thì bất động. Có thể chúng ta thấy thân nhiệt khác với nhiệt độ không khí chung quanh. Tất cả những sự quan sát này có thể giúp chúng ta phát triển sự tự ý thức, nhưng chúng vẫn còn là kết quả của sự quan sát thực tế bên ngoài dưới dạng hình thể hay hình dáng. Bởi vậy vẫn có sự phân biệt, sự ưa thích, thiên kiến, thèm muốn và chán ghét.
Là những người hành thiền, chúng ta tiến xa hơn bằng cách tập ý thức về cảm giác bên trong. Những cảm giác này rõ ràng cho thấy một thực tại vi tế hơn mà trước kia chúng ta không hề biết đến. Trước hết chúng ta ý thức về những loại cảm giác khác nhau ở những phần khác nhau của cơ thể, những cảm giác có vẻ nảy sinh, tồn tại một thời gian, rồi rốt cuộc diệt đi. Mặc dầu chúng ta đã tiến ra khỏi mức độ bên ngoài, nhưng chúng ta vẫn còn quan sát những hình thức kết hợp của sự thật hiển nhiên. Vì lý do này chúng ta vẫn chưa thoát khỏi sự kỳ thị, khỏi thèm muốn và chán ghét.
Nếu chúng ta tiếp tục hành thiền một cách chuyên cần, không sớm thì muộn, chúng ta cũng tới được giai đoạn mà ở đó tính chất của cảm giác thay đổi. Lúc đó chúng ta ý thức được những cảm giác tinh tế đồng nhất khắp cơ thể sinh diệt rất nhanh. Chúng ta thâm nhập qua những hình thức kết hợp để thấy được những hiện tượng bên trong mà chúng được cấu tạo, những hạ vi tử mà mọi vật chất được tạo thành. Chúng ta kinh nghiệm trực tiếp bản chất phù du của những vi tử này, không ngừng sinh diệt. Bây giờ, bất cứ những gì chúng ta quan sát, máu hay xương, chất đặc hay chất lỏng, chất khí, đẹp hay xấu, chúng chỉ là một khối rung động không thể nào phân biệt được. Và cuối cùng tiến trình phân biệt và đặt tên ngừng. Chúng ta kinh nghiệm trong phạm vi cơ thể của chính mình sự thật tối hậu về vật chất: đó là một dòng chảy không ngừng sinh diệt.
Tương tự như vậy, thực tại hiển nhiên của tiến trình của tâm có thể thâm nhập tới một tầng lớp vi tế hơn. Thí dụ, ở một lúc nào đó, thích hay không thích xảy ra, dựa trên một kinh nghiệm quá khứ của ta. Khoảnh khắc kế tiếp, tâm lặp lại phản ứng thích hay không thích, và cứ vậy càng lúc càng tăng cường nó lên, cho đến lúc nó trở thành thèm muốn hay chán ghét. Chúng ta chỉ ý thức được những phản ứng có cường độ mạnh. Với sự nhận thức nông cạn này, chúng ta bắt đầu nhận định và phân biệt giữa cái dễ chịu và khó chịu, tốt và xấu, cái muốn và cái không muốn. Cũng như trường hợp của thực tế hiển nhiên của vật chất, cảm xúc mạnh cũng vậy; khi chúng ta quan sát nó bằng cách quan sát những cảm giác ở bên trong, thì nó phải tan rã. Cũng như vật chất chỉ là những gợn sóng li ti của các vi tử, thì cảm xúc mạnh cũng chỉ là một hình thức được củng cố của những cái thích hay không thích, của những phản ứng nhất thời đối với những cảm giác. Một khi cảm xúc mạnh tan rã thành những hình thức vi tế hơn, thì nó không còn sức mạnh nào để chế ngự ta nữa.
Từ sự quan sát những cảm giác chắc đặc ở những phần khác nhau của cơ thể, chúng ta tiến tới sự ý thức về những cảm giác tinh tế hơn có cùng tính chất, sinh diệt không ngừng khắp cấu trúc thể chất. Vì cảm giác sinh diệt ở một tốc độ rất nhanh nên chúng được cảm thấy như một luồng rung động chạy khắp cơ thể. Bất cứ ta chú tâm tới một nơi nào trong cơ thể, ta cũng chỉ thấy sự sinh diệt. Bất cứ lúc nào trong tâm ta nảy sinh một ý nghĩ, là ngay sau đó ta cảm nhận được những cảm giác sinh rồi diệt. Khi sự chắc đặc hiển nhiên của thân và tâm bị tan rã, và chúng ta chứng nghiệm được thực tế tối hậu của thân, tâm và tâm ý: không gì ngoài những rung động, sinh và diệt ở một tốc độ rất nhanh. Một người chứng nghiệm được sự thật này đã nói:
Toàn thế giới bốc cháy, toàn thế giới thành khói. Toàn thế giới đang cháy, toàn thế giới rung động.1
1 Sv.7, Upavala Sutta. Diễn giả là một vị nữ a-la-hán Upacala.
Để đạt tới giai đoạn tan rã này (bhanga), thiền giả chỉ cần phát triển ý thức và sự bình tâm. Cũng như một khoa học gia có thể quan sát những hiện tượng vi tế bằng cách tăng độ khuếch đại của kính hiển vi, chúng ta tăng cường khả năng quan sát những thực tại vi tế hơn ở bên trong bằng cách phát triển ý thức và sự bình tâm.
Kinh nghiệm này khi xảy ra chắc chắn là rất thích thú. Mọi đau, nhức tan biến, tất cả những nơi không có cảm giác đều biến mất. Chúng ta chỉ cảm thấy bình an, hạnh phúc, ngây ngất. Đức Phật đã diễn tả kinh nghiệm đó như sau:
Khi ta chứng nghiệm được
sự sinh và diệt của những tiến trình tâm – thân, thì ta hưởng được sảng khoái và hân hoan. Người đó đạt tới sự bất tử, như các bậc thánh.1 – 1 Dhammapada, XXV.15 (374).
Nếu chúng ta tiến bước trên con đường, và khi sự chắc đặc hiển nhiên của tâm và thân tan rã, thì chắc chắn ta được hưởng hạnh phúc tuyệt vời. Hân hoan trong tình trạng khoan khoái này, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là mục đích cuối cùng. Nhưng đó mới chỉ là một trạm, và từ đó chúng ta tiến xa hơn để chứng nghiệm sự thật tối hậu vượt ra ngoài tâm và thân, để đạt tới sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau.
Do hành thiền mà ý nghĩa những lời nói của Đức Phật trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Chúng ta bắt đầu vui hưởng dòng rung động khắp cơ thể khi chúng ta tiến từ thực tế bên ngoài đến thực tế vi tế. Nhưng đột nhiên dòng rung động mất đi, và chúng ta lại kinh nghiệm những cảm giác mãnh liệt, khó chịu ở một vài nơi trong cơ thể, và ở một vài nơi khác thì chẳng có cảm giác gì. Và trong tâm ta lại có xúc động mạnh. Nếu chúng ta bắt đầu cảm thấy chán ghét tình trạng mới này và thèm muốn dòng rung động trở lại thì chúng ta chẳng hiểu gì về Vipassana cả. Chúng ta đã biến Vipassana thành một trò chơi trong đó mục đích chỉ để đạt được những kinh nghiệm khoan khoái, và để tránh hay vượt qua những kinh nghiệm khó chịu. Đây cũng là trò chơi mà chúng ta đã từng chơi suốt cuộc đời – cái vòng lẩn quẩn của đẩy đi và kéo lại không bao giờ ngưng, lôi kéo và xua đuổi, chẳng mang lại gì ngoài khổ đau.
Tuy nhiên, khi trí tuệ gia tăng, ta sẽ nhận thấy rằng sự tái diễn của các cảm giác thô thiển, ngay cả sau khi đã kinh nhiệm được sự tan rã, chứng tỏ là sự tiến bộ chứ không phải là sự thụt lùi. Thiền Vipassana không phải với mục đích để kinh nghiệm một cảm giác nào đặc biệt, mà là để giải thoát tâm khỏi mọi nghiệp chướng. Nếu ta phản ứng với bất cứ cảm giác nào, thì ta chỉ bị khổ thêm mà thôi. Nhưng nếu ta giữ được sự bình tâm, thì ta cho phép một số nghiệp qua đi, và dùng cảm giác làm phương tiện để giải thoát khỏi khổ đau. Nhờ vào sự quan sát những cảm giác khó chịu mà không phản ứng, chúng ta xóa bỏ được sự chán ghét. Và do quan sát những cảm giác dễ chịu mà không phản ứng chúng ta xóa bỏ được sự thèm muốn. Và do quan sát những cảm giác trung tính mà không phản ứng; chúng ta tẩy trừ được vô minh. Bởi vậy không có cảm giác nào, không có kinh nghiệm nào là thật sự tốt hay xấu. Nó tốt, nếu ta giữ được sự bình tâm, nó xấu nếu ta mất quân bình.
Với sự hiểu biết này, ta dùng mọi cảm giác như công cụ để tẩy trừ nghiệp. Đây là giai đoạn được gọi là saṅkhāra- upekkhā, quân bình đối với tất cả các nghiệp; từng bước một tiến tới sự thật tối hậu của sự giải thoát, nibbāna (Niết Bàn).
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Tải cuốn sách bản PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG