Chương 5. Tu tập giới hạnh

Để thoát khổ, chúng ta phải diệt trừ nguyên nhân gây ra khổ: tham, sân và si (thèm muốn, chán ghét, vô minh). Để đạt được điều này, Đức Phật đã

khám phá, đã thực hành và đã dạy một con đường thực tiễn để đạt được mục đích này. Ngài gọi con đường này là Bát Thánh Đạo.

Có lần, được thỉnh cầu giải thích giáo huấn này bằng ngôn từ giản dị dễ hiểu, Ngài nói:

“Không làm các việc ác, Thành tựu mọi điều lành, Giữ tâm ý thanh tịnh, Chính lời chư Phật dạy.”1

(1 Dhammapada, XIV. 5 (183). Lời dạy này cũng được ghi chép nguyên vẹn trong kinh Đại Bát Niết-bàn của hệ thống kinh điển Bắc truyền như sau: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.”)

Sự trình bày này rất rõ ràng, và mọi người đều đồng ý chúng ta nên tránh những hành động gây hại và thực hành những hành động có ích lợi. Nhưng làm sao định nghĩa được thế nào là lợi hay hại, thế nào là thiện hay bất thiện? Khi cố gắng phân biệt như vậy, chúng ta dựa vào các quan điểm, niềm tin truyền thống, những sở thích và định kiến của mình, kết quả là chúng ta luôn đưa ra những định nghĩa hạn hẹp, có tính cách tông phái, có thể chấp nhận được với một số người nhưng không được những người khác chấp nhận.

Thay vì những diễn giải hạn hẹp như thế, Đức Phật đưa ra một định nghĩa phổ quát về thiện và bất thiện hoặc tốt lành và tội lỗi. Bất cứ hành động nào gây hại, làm xáo trộn sự bình an và hòa hợp của người khác đều là xấu xa, tội lỗi. Và bất cứ hành động nào giúp đỡ người khác, góp phần trong việc tạo dựng sự bình an và hòa hợp của họ thì đều là tốt đẹp, thiện lành. Hơn nữa, tâm chỉ thực sự thanh tịnh nhờ vào sự trải nghiệm trực tiếp thực tại của chính mình và nỗ lực một cách có hệ thống để loại trừ những điều kiện gây ra khổ đau chứ không phải bằng cách thực hành những nghi thức tôn giáo hay rèn luyện tri thức.

Bát Chánh Đạo có thể chia ra làm ba giai đoạn rèn luyện gồm: giới (sila), định (samadhi), tuệ (panna). Giới là thực hành giới hạnh, tránh tất cả những hành động bất thiện bằng việc làm cũng như lời nói. Định là rèn luyện sự chú tâm, phát triển khả năng điều khiển và kiểm soát một cách có ý thức những tiến trình của tâm. Tuệ là trí tuệ, là sự phát triển tuệ giác thanh tịnh về tự tánh.

Giá trị của sự giữ giới

Bất cứ người nào muốn thực hành giáo pháp (Dhamma) đều phải bắt đầu bằng sự giữ giới (sila). Đây là bước đầu tiên, nếu không giữ giới thì không thể nào tiến bộ được. Chúng ta phải tránh mọi hành vi và lời nói làm thương tổn đến người khác.

Đây là điều dễ hiểu: xã hội đòi hỏi hành vi như vậy để tránh xáo trộn. Thật ra, chúng ta tránh những hành vi như vậy không chỉ vì chúng làm tổn thương người khác, mà còn vì chúng làm tổn hại đến chính ta. Chúng ta không thể phạm vào một điều bất thiện – như chửi rủa, giết người, trộm cắp, hiếp dâm – mà không tạo ra tâm trạng bồn chồn, tham muốn, chán ghét mạnh mẽ. Giây phút tham muốn hay chán ghét này mang lại khổ đau ngay bây giờ và càng nhiều đau khổ hơn trong tương lai.

Đức Phật nói:

Bị thiêu đốt bây giờ, bị thiêu đốt về sau

Người làm ác chịu khổ đau gấp đôi…

Hạnh phúc bây giờ, hạnh phúc về sau

Người có đức hạnh hưởng hạnh phúc gấp đôi.

Chúng ta không cần đợi đến sau khi chết mới trải nghiệm được thiên đàng hay địa ngục; chúng ta có thể trải nghiệm những điều ấy ngay trong đời này, và ngay bên trong bản thân ta. Khi chúng ta làm những điều xấu xa, chúng ta phải chịu lửa hỏa ngục của sự tham lam và sân hận. Khi chúng ta làm điều tốt lành, chúng ta được hưởng thiên đàng của sự bình an nội tâm. Vì vậy tránh những việc làm và lời nói bất thiện không chỉ vì lợi ích cho người khác mà còn là lợi lạc cho chính mình, tránh gây hại cho chính mình.

Còn một lý do nữa để giữ giới. Chúng ta muốn khảo sát tự thân để có tuệ giác sâu xa về thực tại của chính mình. Muốn làm được như vậy đòi hỏi một tâm thanh tịnh. Chúng ta không thể nào nhìn rõ đáy ao khi nước bị khuấy động. Muốn nội quán cần một tâm an tĩnh, không dao động. Khi chúng ta làm điều bất thiện, tâm ta bị dao động. Chỉ khi nào ta tránh được những hành động bất thiện bằng việc làm và lời nói thì tâm mới có cơ hội trở nên an bình đủ để thực hiện việc nội quán.

Còn một lý do khác nữa giải thích vì sao giữ giới lại tối quan trọng. Người thực hành Dhamma là luyện tập để đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát khỏi mọi đau khổ. Trong khi làm công việc này, người ấy không thể phạm vào những hành động làm gia tăng các thói quen mà người đó muốn loại bỏ. Bất cứ hành động nào làm tổn hại người khác đều là do tham, sân, si (thèm muốn, chán ghét, vô minh) đi kèm theo gây ra. Thực hiện những hành động đó là thụt lùi hai bước cho mỗi bước tiến trên đường, làm trở ngại cho bất kỳ sự tiến triển nào hướng đến mục tiêu.

Như vậy, giới không những cần thiết cho sự tốt lành của xã hội, mà còn cho sự tốt lành của mỗi người trong xã hội, và không chỉ vì lợi ích trần tục, mà còn cho sự tiến bộ của người đó trên con đường Dhamma.

Ba phần của Bát Thánh Đạo thuộc về sự thực hành giới hạnh (sila) là: lời nói chân chánh (chánh ngữ), hành động chân chánh (chánh nghiệp), nghề nghiệp chân chánh (chánh mạng).

Lời nói chân chánh (chánh ngữ)

Lời nói phải trong sạch và thiện lành. Thanh tịnh đạt được nhờ xóa bỏ bất tịnh, và chúng ta phải hiểu thế nào là lời nói bất tịnh. Đó là: nói dối, nói thêm bớt ngoài sự thật; bịa chuyện làm chia rẽ bạn bè; nói xấu sau lưng, hay vu oan; ác khẩu làm người khác bực bội, không có lợi ích gì; nói chuyện tầm phào, vô nghĩa, mất thì giờ của mình và của người khác. Tránh được tất cả những lời nói bất tịnh như trên là nói lời chân chánh.

Đây không chỉ là một khái niệm thụ động. Đức Phật giải thích:

“Người thực hành lời nói chân chánh, nói thật và luôn luôn trung thực, đáng tin cậy, thẳng thắn với người khác. Người đó hòa giải những tranh cãi và khuyến khích đoàn kết. Người đó hân hoan trong sự hòa hợp, tìm kiếm sự hòa hợp, vui hưởng và tạo ra sự hòa hợp bằng lời nói. Lời nói của người đó nhẹ nhàng, dễ nghe, hiền từ, làm ấm lòng người, lễ độ, dễ chịu và làm vui lòng nhiều người. Người đó nói đúng lúc, đúng sự thật, phù hợp với những gì hữu ích, thuận theo Dhamma và thuận theo Giới hạnh. Lời người đó đáng ghi nhớ, đúng lúc, đúng lẽ, khéo chọn, và xây dựng.”1 (M. 27, Cūḷa-hatthi-padopama Sutta.)

Hành động chân chánh (chánh nghiệp)

Hành động cũng phải thanh tịnh. Cũng như lời nói, chúng ta phải hiểu những hành động nào là bất tịnh để có thể tránh. Đó là: giết hại sinh vật, trộm cắp, tà dâm, chẳng hạn như hãm hiếp hay ngoại tình, và uống rượu hoặc dùng chất gây say làm mất lý trí, không còn biết mình làm gì hay nói gì. Tránh bốn hành động trên là hành động chân chánh.

Đây cũng không phải là một khái niệm thụ động. Diễn tả một người có hành động chân chánh, Đức Phật nói: Buông bỏ gươm giáo và gậy gộc, người này cẩn thận không làm hại ai, đầy lòng nhân từ, tìm sự tốt đẹp của mọi chúng sinh. Không còn giấu giếm, người ấy sống như một người thanh tịnh.”

Giới luật

Đối với người bình thường sống đời thế tục, để thực hành lời nói chân chánh và hành động chân chánh là giữ Năm giới:

  1. Tránh giết hại bất cứ sinh vật nào; 
  2. Tránh trộm cắp;
  3. Tránh tà dâm;
  4. Tránh nói dối;
  5. Tránh say nghiện.

Năm giới trên là căn bản tối thiểu cần cho đức hạnh. Người nào muốn thực hành Dhamma đều phải giữ theo.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi khi cũng có những lúc có cơ hội tạm thời để ta tạm thời buông bỏ việc đời sang một bên – có thể trong vài ba ngày, hoặc chỉ trong một ngày – để thanh lọc tâm, để tu tập hướng đến giải thoát. Một giai đoạn như thế là lúc để thực hành Dhamma nghiêm chỉnh, và vì vậy ta phải thận trọng trong hành động hơn là những lúc bình thường.

Điều quan trọng là tránh những hành động có thể làm xao lãng hay ảnh hưởng đến công việc tự thanh lọc. Bởi vậy, lúc đó ta phải giữ tám giới. Những giới này bao gồm năm giới căn bản trên với một thay đổi: thay vì chỉ tránh tà dâm, ta phải tránh hẳn mọi hoạt động tình dục, và thêm vào ba giới nữa là (1) tránh ăn không đúng giờ (nghĩa là không được ăn sau giữa trưa); (2) tránh những trò giải trí bằng khoái cảm (như nghe, xem ca múa nhạc kịch…) và tránh trang điểm; (3) tránh ngủ trên giường cao rộng xa hoa.

Yêu cầu từ bỏ hoạt động tình dục và các giới bổ sung là để trợ giúp thêm cho sự an tĩnh và tỉnh giác, cần thiết cho công việc nội quán, và giúp cho tâm khỏi bị quấy rối bởi những xáo động bên ngoài. Tám giới này chỉ cần giữ trong thời gian chuyên chú thực tập Dhamma mà thôi. Khi thời gian này chấm dứt, một người cư sĩ có thể quay lại giữ Năm giới như là kim chỉ nam cho đức hạnh của mình.

Cuối cùng, có Mười giới dành cho một người tu sống đời thoát ly gia đình, như một vị tăng hay một vị ni. Mười giới này gồm tám giới vừa nói ở trên, với giới thứ bảy chia thành hai giới và thêm một giới nữa là: tránh không nhận tiền bạc. Những người tu ẩn dật buộc phải sống nhờ hoàn toàn vào sự cúng dường của người khác để có thể dành trọn thời gian vào việc thanh lọc tâm, mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người.

Giới luật, dù là năm giới, tám giới hay mười giới, không phải là những khuôn mẫu trống rỗng do truyền thống quy định. Chúng là những “bước bổ sung cho sự tập luyện” theo đúng nghĩa, là phương tiện rất thực tiễn để giúp cho hành động và lời nói của chúng ta không gây tổn hại đến người khác cũng như chính bản thân mình.

Nghề nghiệp chân chánh (chánh mạng)

Mỗi người đều phải tự nuôi sống bản thân bằng một phương thức thích hợp. Có hai tiêu chuẩn cho nghề nghiệp chân chánh. Thứ nhất, nghề đó không phạm vào Năm giới, vì nếu như vậy rõ ràng sẽ làm hại đến người khác. Hơn nữa, ta cũng không được làm bất kỳ điều gì khuyến khích người khác phạm vào Năm giới, vì như vậy cũng gây hại. Nghề nghiệp của ta cũng không được gây tổn thương cho người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp. Vì vậy nghề nghiệp nào đòi hỏi sự giết chóc người hay súc vật hiển nhiên không phải nghề nghiệp chân chánh.

Ngay cả việc giết hại do người khác làm và ta chỉ buôn bán các phần của con vật đã bị giết như da, thịt, xương, vân vân, thì đó cũng không phải là nghề nghiệp chân chánh, vì phụ thuộc vào hành động sai quấy của người khác. Bán rượu hay ma túy có thể được nhiều lãi, và mặc dầu ta không dùng, nhưng hành động bán đó là khuyến khích người khác dùng độc dược, như vậy có hại cho họ. Mở một sòng bạc có thể rất có lãi, nhưng những người đến đánh bạc đều tự làm hại họ. Bán chất độc hay khí giới – súng ống, bom đạn, hỏa tiễn – là việc buôn bán phát đạt, nhưng làm hại sự bình an và hòa hợp của bao nhiêu người. Tất cả những nghề nêu trên đều không phải nghề nghiệp chân chánh.

Ngay cả những công việc có thể không thật sự làm hại người khác, nhưng nếu làm với ý định hại người, thì cũng không phải là nghề nghiệp chân chánh. Bác sĩ hy vọng có bệnh dịch, người buôn hy vọng có nạn đói đều không phải thực hành nghề nghiệp chân chánh.

Mỗi người là một thành viên của xã hội. Chúng ta mỗi người phục vụ xã hội bằng công việc chúng ta làm, phục vụ người khác bằng những cách khác nhau. Để đổi lại, chúng ta nhận thù lao để sinh sống. Ngay cả các nhà sư hay những người tu ẩn dật cũng phải làm việc đúng đắn để được cúng dường: nỗ lực thanh lọc tâm để ích lợi cho mình và cho người khác. Nếu họ lạm dụng người khác bằng cách lừa dối, thực hiện những trò quỷ thuật hay dối trá xưng mình đã chứng thánh, đó đều là không thực hành nghề nghiệp chân chánh.

Những thù lao ta nhận được do công việc ta làm là để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu còn dư thừa, ít nhất một phần trong số đó nên được trả lại cho xã hội bằng cách giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta làm với ý định lợi ích cho xã hội và để nuôi sống bản thân, giúp đỡ người khác, thì công việc chúng ta làm là nghề nghiệp chân chánh.

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Tải cuốn sách bản PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Nghệ Thuật Sống Của William Hart & S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app