Dứt trừ nghiệp cũ

Khi hành thiền Vipassana, nhiệm vụ của ta là chỉ quan sát cảm giác trên toàn thân. Chúng ta không quan tâm đến nguyên nhân của bất kỳ cảm giác cụ thể nào, ta chỉ cần hiểu rằng mỗi một cảm giác đều là biểu hiện của một sự thay đổi bên trong. Sự thay đổi đó có thể bắt nguồn từ tâm hay thân. Hoạt động của tâm và thân liên quan mật thiết với nhau và thường không thể phân biệt được. Bất cứ điều gì xảy ra ở lãnh vực này rất có thể được phản ánh ở lãnh vực kia.

Như đã nói trong Chương 2, về mặt vật chất thân thể được cấu tạo bởi các hạ nguyên tử – kalāpa – vốn sinh ra và diệt đi cực kỳ nhanh chóng trong từng khoảnh khắc. Và trong lúc sinh diệt như vậy, chúng biểu hiện những tính chất của vật chất – như trọng lượng, sự kết dính, nhiệt độ, chuyển động – trong vô số kết hợp đa dạng, tạo thành tất cả những cảm giác trong ta.

Có bốn nguyên nhân làm khởi sinh kalāpa. Nguyên nhân thứ nhất là thức ăn chúng ta ăn vào, nguyên nhân thứ hai là môi trường ta đang sống. Nhưng bất kỳ điều gì xảy ra trong tâm đều có ảnh hưởng đến cơ thể và có thể là nguyên nhân làm khởi sinh các kalāpa. Vì vậy, các vi tử cũng có thể sinh ra do những phản ứng của tâm ở hiện tại hay do những phản ứng trong quá khứ đã ảnh hưởng đến trạng thái tâm trong hiện tại. Muốn hoạt động, cơ thể cần thức ăn. Tuy nhiên, nếu ta ngưng ăn vào thì cơ thể ta cũng chưa suy sụp ngay. Nếu cần thiết, cơ thể có thể tiếp tục tự nuôi dưỡng trong nhiều tuần lễ bằng cách tiêu thụ năng lượng dự trữ trong các mô. Khi tất cả năng lượng dự trữ đã tiêu thụ hết thì cơ thể sẽ suy sụp và chết: đời sống thể chất chấm đứt.

Cũng theo cách như vậy, tâm đòi hỏi hoạt động để duy trì dòng ý thức. Hoạt động của tâm là saṅkhāra. Trong chuỗi tiến trình duyên khởi, thức (viññāṇa) bắt nguồn từ hành (saṅkhāra) hay sự phản ứng (xem Chương 4). Mỗi phản ứng của tâm tạo ra sự thúc đẩy cho dòng chảy của thức. Và trong khi cơ thể đòi hỏi thức ăn vài ba lần mỗi ngày thì tâm lại đòi hỏi những kích thích mới liên tục. Không có những kích thích, dòng tâm thức không thể tiếp tục dù chỉ trong khoảnh khắc. Chẳng hạn, trong một thời điểm nào đó ta khởi sinh sự chán ghét trong tâm, thức nảy sinh trong thời điểm kế tiếp sẽ là kết quả của sự chán ghét này, và cứ tiếp tục như thế, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Chúng ta tiếp tục lặp lại phản ứng của chán ghét từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và tiếp tục nạp [nhiên liệu] mới cho tâm.

Tuy nhiên, bằng cách thực hành thiền Vipassana, thiền sinh học cách không phản ứng. Vào một thời điểm nào đó, hành giả không tạo ra saṅkhāra, không đưa vào tâm kích thích mới nào. Như vậy thì điều gì sẽ xảy ra với dòng tâm thức? Nó không dừng lại ngay. Thay vì vậy, một trong những phản ứng cũ từ quá khứ sẽ xuất hiện lên bề mặt của tâm để duy trì dòng tâm thức. Một phản ứng bị điều kiện hóa từ quá khứ sẽ khởi sinh và trên nền tảng này thức được tiếp tục thêm một khoảng khắc nữa. Điều kiện này sẽ biểu hiện trên bình diện cơ thể bằng cách làm cho một loại kalāpa khởi sinh và ta cảm nhận một cảm giác trong thân. Có thể một saṅkhāra chán ghét trong quá khứ khởi sinh, tự biểu hiện như những vi tử mà chúng ta cảm thấy như một cảm giác nóng bỏng khó chịu trong cơ thể. Nếu ta phản ứng với cảm giác đó bằng sự không thích, thì sự chán ghét mới được tạo ra. Ta lại bắt đầu nạp nhiên liệu mới cho dòng chảy tâm thức và khiến cho những phản ứng tích lũy cũ trong quá khứ không còn cơ hội trồi lên bề mặt ý thức.

Tuy nhiên, nếu một cảm giác khó chịu nảy sinh và ta không phản ứng thì saṅkhāra mới không được tạo thành. Saṅkhāra trồi lên từ những kho tích lũy trong quá khứ sẽ diệt đi. Trong giây phút kế tiếp, một saṅkhāra trong quá khứ lại biểu hiện như cảm giác. Và nếu ta vẫn không phản ứng thì nó sẽ mất đi. Theo cách này, bằng việc duy trì sự bình tâm chúng ta để cho những nghiệp trong quá khứ lần luợt trồi lên bề mặt của tâm, hết cái này đến cái khác, tự biểu hiện thành những cảm giác. Dần dần, bằng cách duy trì ý thức và sự bình tâm đối với cảm giác, ta dứt trừ hết những nghiệp trong quá khứ.

Khi các nghiệp của chán ghét vẫn còn thì khuynh hướng của vô thức vẫn còn phản ứng lại bằng sự chán ghét khi gặp bất kỳ kinh nghiệm khó chịu nào trong đời sống. Khi các nghiệp thèm muốn vẫn còn thì tâm vẫn sẽ phản ứng lại bằng sự thèm muốn đối với bất kỳ trường hợp dễ chịu nào. Pháp thiền Vipassana tạo hiệu quả tốt bằng cách bào mòn những phản ứng bị điều kiện hóa này. Khi hành thiền chúng ta tiếp tục gặp những cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Bằng cách quan sát mọi cảm giác với sự bình tâm, chúng ta làm suy yếu dần dần và tiêu diệt các khuynh hướng thèm muốn, chán ghét. Khi các phản ứng bị điều kiện hóa thuộc một loại nào đó bị dứt trừ thì ta thoát khỏi những khổ đau loại đó. Và khi tất cả mọi phản ứng bị điều kiện hóa đều được dứt trừ, tâm thức sẽ hoàn toàn giải thoát. Người đã thấu hiểu tiến trình này nói:

Các hành nghiệp đều vô thường,

bản tính của chúng là sinh diệt.

Nếu chúng nảy sinh và bị diệt trừ,

sự diệt trừ mang lại chân hạnh phúc. 1 – D.16, Maha-Parinibbana Suttana. Bài thơ do Sakka, vua của các vị thần đọc, sau khi Đức Phật nhập diệt. Bài thơ này có thấy ở những nơi khác, và có thay đổi đi chút ít. Thí dụ như xem: S.I.ii.1, Nandana Sutta, cũng thấy trong S.IX.6, Anuruddha Sutta.

Mọi saṅkhāra (hành nghiệp) nảy sinh và diệt đi, chỉ để rồi lại khởi sinh vào giây phút kế tiếp trong chu kỳ lặp lại không ngừng. Nếu chúng ta phát triển trí tuệ và quan sát một cách khách quan thì chu kỳ lặp lại đó sẽ dừng và sự dứt trừ bắt đầu. Hết lớp này đến lớp khác, những saṅkhāra cũ sẽ trồi lên và bị dứt trừ với điều kiện ta không phản ứng. Càng nhiều saṅkhāra được xóa bỏ thì ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc hơn, niềm hạnh phúc của sự thoát khổ. Nếu tất cả các saṅkhāra trong quá khứ bị diệt trừ thì ta sẽ được hưởng hạnh phúc vô biên của sự giải thoát hoàn toàn.

Phương pháp thiền Vipassana vì vậy là một loại nhịn ăn tinh thần để dứt trừ những hành nghiệp trong quá khứ. Mọi giây phút trong suốt cuộc đời, chúng ta đều tạo ra những phản ứng. Bây giờ, nhờ sự ý thức và bình tâm, chúng ta có được một vài lúc không phản ứng, không tạo ra bất kỳ saṅkhāra nào. Những giây phút đó dù ngắn ngủi đến đâu cũng rất mạnh mẽ, chúng khởi động một tiến trình đảo ngược, tiến trình thanh lọc tâm.

Để khởi động tiến trình này, chúng ta nhất thiết không được làm gì cả, theo đúng nghĩa đen như vậy. Có nghĩa là, chúng ta phải kiềm chế không được có bất kỳ phản ứng mới nào. Bất kể nguyên nhân của những cảm giác mà ta trải nghiệm có là gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ quan sát chúng với sự bình tâm. Chính việc tạo ra ý thức và sự bình tâm sẽ tự động loại trừ những phản ứng cũ, giống như thắp đèn lên xua tan bóng tối trong một căn phòng.

Có lần, Đức Phật kể câu chuyện về một người bố thí rất nhiều. Nhưng để kết luận, Ngài nói:

“Dù cho ông ta có dâng hiến thật nhiều đi nữa cũng không bằng quy y Phật, Pháp, Tăng. Và dù có quy y Phật, Pháp, Tăng cũng không bằng giữ năm giới. Và dù có giữ năm giới cũng không bằng vun trồng thiện ý với tất cả chúng sanh dù chỉ bằng thời gian vắt sữa một con bò. Và dù cho ông có làm tất cả những điều nói trên cũng không bằng phát triển ý thức về vô thường chỉ trong khoảng thời gian một búng ngón tay.”

Có lẽ thiền giả ý thức về thực tại của những cảm giác trong cơ thể chỉ một khoảnh khắc và không phản ứng vì hiểu được bản tính vô thường của chúng. Ngay cả giây phút ngắn ngủi này vẫn có một hiệu quả mạnh mẽ. Với sự kiên nhẫn, liên tục hành thiền, vài giây phút bình tâm đó sẽ gia tăng, và những giây phút phản ứng sẽ giảm đi. Dần dần, thói quen tạo nghiệp sẽ bị phá vỡ và những nghiệp cũ bị tiêu diệt, cho đến lúc tâm thoát khỏi mọi nghiệp, quá khứ và hiện tại, giải thoát mọi khổ đau.

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of LivingThiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Tải cuốn sách bản PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Nghệ Thuật Sống Của William Hart & S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app