Nội Dung Chính
- MINH SÁT TUỆ ĐẦU TIÊN LÀ GÌ, ĐƯỢC TU TẬP NHƯ THẾ NÀO (Bài 1/2)
- [MINH SÁT TUỆ THỨ NHẤT – TUỆ PHÂN TÍCH DANH SẮC – NĀMA-RŪPA-PARICCHEDA-ÑĀṆA]
- [1] HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO THIỀN SƯ U PANDITA THEO TRUYỀN THỐNG CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO THIỀN SƯ MAHASI (MYANMAR)
- 1. Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ
- 2. Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ hiển lộ
- 3. Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã
- 4. Khi thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát sẽ xuất hiện
- 5. Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv…) cần phải trình bày cho thiền sư
- 6. Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày cho thiền sư
[lwptoc]
MINH SÁT TUỆ ĐẦU TIÊN LÀ GÌ, ĐƯỢC TU TẬP NHƯ THẾ NÀO (Bài 1/2)
- Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
- Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
– CTH: Bạch sư ! Khi ngồi thiền quán theo dõi hơi thở ra vào sự diễn biến của sắc ta biết đó là hoại diệt ngay tại đó có phải là thấy pháp của sắc đang hoại diệt phải kg thưa sư ? Xin sư hoan hỷ chỉ dạy thêm cho con. Sadhu Sadhu
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Thấy được sắc gì vậy?
– CTH: dạ bạch sư con thấy được sự hoại diệt của sắc pháp kéo dài cái đau từng cơn đi qua và đến khi cơn đau biến mất. Thì tiếp theo sau đó con phải quán như thế nao cho đúng pháp. Bạch sư con xin trình bày. Sadhu
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Chưa trả lời được “Thấy sắc pháp là thấy sắc pháp nào?”: tức chưa như lý tác ý quán sát chân đế là sắc pháp như đất nước gió lửa hay tâm nhận biết chẳng hạn, mới dừng ở việc tưởng tri quán sát khái niệm tục đế là cái đau trong trường hợp này.
Quán sát mà dừng lại ở mức vẫn chỉ thấy đối tượng là khái niệm như vậy thì chưa phải là thực hành đúng thiền minh sát, chưa thể làm phát sinh và phát triển minh sát tuệ thứ nhất là Tuệ phân tích Danh Sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa), cũng như các tầng tuệ minh sát tiếp theo.
Cái đau không phải là sắc pháp, cũng không phải là danh pháp, đó là khái niệm. Cần tác ý như lý quán sát sắc pháp thông qua việc trực tiếp kinh nghiệm các đặc tính riêng của các sắc pháp như đất – cứng, mềm; lửa – nóng lạnh, gió; gió – đẩy ép, di động trong cái mà chúng ta thường gọi là cái đau (cái đau: một khái niệm của tưởng tri) đó [1].
Quán sát cái đau mới là Niệm mà bất cứ ai cũng có, chưa phải là Chánh niệm. Việc thấy sinh diệt của cái đau cũng đã là bắt đầu có hiểu biết đúng, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, mới chỉ là Văn tuệ và Tư tuệ, chưa phải là Tu tuệ vì Minh sát tuệ đầu tiên – Tuệ phân tích Danh Sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) và Minh Sát Tuệ thứ hai là Tuệ phân biệt nhân duyên (paccaya-pariggaha-ñāṇa) – chưa có mặt vì chưa có mặt của như lý tác ý cùng sự tập trung liên tục (Chánh định) vào đặc tính riêng của sắc pháp hoặc danh pháp để từ đó có thể vun bồi Tuệ thấu đạt tam tướng – sammāsana ñāṇa và lần lượt các Minh Sát Tuệ dẫn đến Đạo tuệ và Quả Tuệ.
Minh sát tuệ cần vun bồi sắc bén tới mức phân biệt được sinh diệt của danh, sắc trong từng sát na nhờ có chánh định thì mới đủ sức phá vỡ vô minh, chứng ngộ chân lý vô thường khổ vô ngã của các Pháp, sau đó kiên nhẫn, liên tục vun bồi các Minh Sát Tuệ tiếp theo cho đến Tuệ chuyển tộc, đắc Đạo Tuệ Quả Tuệ trở thành bậc Thánh [3].
Về cái thấy thanh tịnh không cấu uế về bản chất thế gian ngay trong thân tâm ngũ uẩn này bằng Tuệ minh sát thứ nhất – Tuệ phân tích Danh Sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) thông qua thực hành thiền Minh Sát Vipassana, Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw, vị Thầy lỗi lạc trong Truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada Myanmar thời cận đại có giảng giải, hướng dẫn thực tập như sau [3]:
[MINH SÁT TUỆ THỨ NHẤT – TUỆ PHÂN TÍCH DANH SẮC – NĀMA-RŪPA-PARICCHEDA-ÑĀṆA]
Vị hành giả đã viên mãn thành tựu “Tâm Tịnh” và tiếp tục gia công ghi nhận danh và sắc như sau: “Tác động phồng lên (ở bụng) là một tiến trình; xẹp xuống là một tiến trình; ngồi là một tiến trình; đứng là một tiến trình v.v…” Bằng cách ấy hành giả biết làm thế nào để phân biệt rõ ràng mọi tiến trình của thân mà mình đã ghi nhận.
Lại nữa, “Hiểu biết trạng thái phồng lên là một tiến trình; hiểu biết xẹp xuống là một tiến trình.” Bằng cách ấy hành giả biết mọi tác động của tâm ghi nhận.
Lại nữa, “Cử động phồng lên là một tiến trình; sự hiểu biết cử động ấy là một tiến trình khác. Cử động xẹp xuống là một tiến trình; sự hiểu biết cử động ấy là một tiến trình khác v.v…” Bằng cách ấy hành giả biết làm thế nào để phân biệt rành mạch và rõ ràng mọi tiến trình của thân (sắc) và của tâm (danh).
Tất cả những kiến thức ấy, quả thật vậy, hành giả chỉ thâu thập bằng cách ghi nhận, không phải bằng lý luận. Điều nầy có nghĩa: đây là tuệ giác mà hành giả trực tiếp chứng nghiệm, chỉ bằng cách ghi nhận, không phải kiến thức được thâu thập do suy luận.
Như vậy, khi mắt thấy một hình thể, hành giả biết làm thế nào phân biệt rõ ràng từng yếu tố đã tạo nên sự thấy: “con mắt (nhãn căn) là một, hình thể (nhãn trần) là yếu tố khác, và sự hiểu biết hình thể (nhãn thức) là một yếu tố khác nữa.”
Trường hợp các giác quan khác cũng phải được hiểu cùng một thế. Lúc bấy giờ, trong mỗi tác động ghi nhận hành giả biết phân biệt rõ ràng tiến trình danh của sự ghi nhận và những tiến trình danh của suy tư và quán niệm.
Hành giả tự mình thấu hiểu bằng cách trực giác, trực tiếp chứng nghiệm như sau: “Bản chất của danh là hướng về một đối tượng, thiên về một đối tượng, hay biết một đối tượng.”
Đàng khác hành giả biết phân biệt rõ ràng tiến trình vật chất (sắc) đang diễn tiến trong toàn thân, mà ở đây được gọi bằng tên là “cử động phồng lên và xẹp xuống của bụng”, “ngồi”, “đứng” v.v… và hiểu biết như sau: “Bản chất của sắc không phải là hướng về đối tượng, thiên về đối tượng, hay biết đối tượng.”
Sự hiểu biết như vậy được gọi là “tuệ hiểu biết sắc (hay thân) do sự biểu hiện ‘không có quyết định’ của nó.”
Bản Phụ Chú Giải, tức chú giải Chánh Yếu của Bản Chú Giải (Mùla-Tikà), bộ Abhidhamma Vibanga (Phân Biệt Luận), có ghi như sau:
“Nói cách khác, ‘không có quyết định’ phải được hiểu là không có khả năng hay biết một đối tượng.”
Một kiến thức như vậy, phân tích từng sinh hoạt ghi nhận của cả hai: tiến trình sắc được ghi nhận và tiến trình danh làm công việc ghi nhận, thích ứng với bản chất chánh yếu thật sự của nó, được gọi là “Tuệ Phân Tích Danh-Sắc” (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa).
Khi tuệ giác này được phát triển đến mức độ thuần thục hành giả thấu hiểu rằng: “Lúc thở vào, chỉ có chuyển động phồng lên ở bụng và sự hay biết chuyển động ấy, ngoài ra không có cá nhân, “Tôi”, hay “Tự Ngã”.
Lúc thở ra, chỉ có chuyển động của bụng xẹp xuống và sự hay biết chuyển động ấy, ngoài ra không có tự ngã.
Thấu hiểu điều nầy như vậy, trong trường hợp này và trong những trường hợp khác, hành giả tự mình thấu hiểu và tự mình thấy, do sự ghi nhận, như sau: "ở đây chỉ có cặp đôi: một tiến trình sắc làm đối tượng và một tiến trình danh hiểu biết đối tượng ấy. Và chỉ có cặp đôi nầy mà trong ngôn ngữ chế định thông thường (tục đế), người ta gọi là "chúng sanh", "người", hay "linh hồn", "tôi", hay "người khác", "đàn ông", hay "đàn bà".
Ngoài tiến trình cặp đôi này không có riêng rẽ người hay chúng sanh, tôi hay người khác, đàn ông hay đàn bà. Đó là "Kiến Tịnh", hay quan kiến trong sạch.
…
– Hết trích dẫn –
Hãy kiên nhẫn bền bỉ tu tập đúng theo hướng dẫn [1,2,3] thì mới có thể đắc Định (sát na Định – Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định với các mức độ Định khác nhau từ Cận hành Định tới các tầng Thiền jhāna của An Chỉ Định) trong khi Tuệ Quán Minh Sát [4], nhờ Chánh Định như vậy mà thấy như thật Tam tướng Khổ Vô Thường Vô Ngã, là thực tính các Pháp chân đế, có kết được quả thiết thực, đắc các Tầng Tuệ Minh Sát, thành tựu Đạo và Quả tuệ, nhập dòng Thánh Dự Lưu, chứng ngộ Niết bàn, bất tử, bình an mãi mãi.
Con Đường không hề dễ dàng vì vô minh đã và đang bao phủ chúng ta từ muôn kiếp, ngăn cản chúng ta hiểu đúng và thực hành đúng, nhưng không còn con đường nào khác giúp chúng ta giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]
GHI CHÚ
[1] HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO THIỀN SƯ U PANDITA THEO TRUYỀN THỐNG CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO THIỀN SƯ MAHASI (MYANMAR)
…
Khi hành thiền minh sát chúng ta phải quán sát các hiện tượng vật chất và tâm.
Kinh điển đã giải thích rõ ràng là hiện tượng tâm-vật lý luôn luôn khởi lên qua sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Chẳng hạn, khi có một sự nhìn thì mắt nhìn và vật được nhìn là hiện tượng vật chất, và nhãn thức khiến ta nhận ra vật được nhìn là hiện tượng của tâm. Tương tự như vậy, sự nhận biết âm thanh, mùi, vị, đụng chạm hay suy nghĩ cũng như những hoạt động khác của cơ thể như duỗi tay, co tay, bước đi v.v… cũng chỉ là các hiện tượng vật chất và tâm.
Hòa thượng Mahasi dạy chúng ta phải quán sát ghi nhận tất cả mọi chuyện trên khi chúng xảy ra, đừng bỏ sót mảy may nào dù nhỏ nhặt đến đâu.
Mặc dầu được hướng dẫn kỹ càng, nhưng khi thực hành thiền sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Ðể giúp thiền sinh vượt qua các khó khăn, Hòa thượng Mahasi đã dạy những điều căn bản cho thiền sinh mới là chỉ quan sát một cách tỉnh thức chuyển động phồng xẹp của bụng.
Thiền sinh phải biết cách quan sát các đề mục chính, cũng như phải ghi nhận như thế nào trong trường hợp có đề mục phụ phát sinh (đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng; đề mục phụ là suy nghĩ, liên tưởng, cảm giác, hình sắc, âm thanh, mùi, vị v.v… cũng có khi là phản ứng của chính thiền sinh trước các đối tượng phụ đó).
Ðể giúp đỡ cho thiền sinh vượt qua những chướng ngại, các thiền sư đã đặt ra sáu câu châm ngôn ngắn gọn sau đây:
- Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ.
- Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ hiển lộ.
- Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã.
- Khi thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát sẽ xuất hiện.
- Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv…) cần phải trình bày cho thiền sư.
- Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày cho thiền sư.
1. Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ
Thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã quan sát chuyển động phồng xẹp như thế nào từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt. Khi hít vào, bụng bắt đầu căng lên nhanh rồi tiếp tục căng cho đến lúc chấm dứt là lúc hít vào.
Hãy quan sát từ lúc bắt đầu phồng, đoạn giữa của phồng và đoạn cuối của phồng (Sabhakaya patisamvedi). Nghĩa là tâm quan sát phải đi song song với tiến trình của sự chuyển động từ lúc khởi đầu, kéo dài cho đến khi chấm dứt.
Thiền sinh mới rất khó ghi nhận ba giai đoạn trên nhưng phải cố gắng. Nếu thiếu cố gắng thì không có kết quả gì cả. Một khi thiền sinh đã biết ghi nhận đề mục một cách chánh niệm, biết cách chú tâm song song với diễn biến của đề mục, biết theo dõi các giai đoạn liên tiếp của phồng xẹp, biết ghi nhận những gì mình thấy, những gì mình kinh nghiệm thì sẽ biết cách trình pháp một cách chính xác.
Có hai diễn biến song song trong khi thiền sinh hành thiền: Trước tiên là sự chú tâm quán sát hay ghi nhận đối tượng. Thứ hai là diễn biến của tâm quán sát đối tượng ấy. ít nhất thiền sinh phải nhận ra được điều này thì mới có thể gọi là thấy hay kinh nghiệm.
Ðối với đề mục chính thiền sinh phải nói được kết quả của tâm lúc đối tượng diễn biến, hay nói được sự diễn biến song song của tâm chánh niệm và đề mục. Nghĩa là thiền sinh thấy rõ được diễn tiến của đề mục và diễn tiến của tâm ghi nhận đề mục. Nếu cả hai xảy ra cùng lúc thì phải ghi nhận như thế nào? Ghi nhận chính cái bụng? Ghi nhận tư thế của bụng? Hay ghi nhận diễn tiến của bụng trong khi phồng?
Có ba yếu tố hiện hữu trong sự phồng:
2. Tư thế hay vị thế của bụng.
3. Ðặc tính của sự phồng.
Hình dạng: là hình dạng của cái bụng mà tâm thiền sinh chú vào. Toàn thể thân hình của thiền sinh là hình dạng của thân thể. Hình dạng của cái bụng cũng như vậy.
Tư thế của bụng: điều này tùy thuộc vào vị thế riêng biệt từng lúc một của bụng. Nghĩa là bụng đang xẹp, phồng, hay đứng yên. Tiếng Pali gọi là akara: có nghĩa là tư thế hay vị thế. Ví dụ: bàn tay đang ở tư thế nắm lại hay đang xoè ra? Hoặc cơ thể đang ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi?
Nếu thiền sinh chú tâm quan sát bụng thì sẽ thấy hoặc hình dạng hay tư thế trước khi thấy đặc tính. Nhưng thấy hình dạng hay tư thế thì không phải là thiền minh sát. Thiền sinh phải thấy đặc tính chủ yếu của sự phồng, như là sự căng thẳng, sự chuyển động của bụng trong lúc phồng. Nếu quan sát kỹ thì thiền sinh sẽ thấy đặc tính này ngay mà có thể trình bày cho thiền sư một cách chính xác và rõ ràng khi trình pháp. Nhưng thiền sinh phải thấy chứ không phải tưởng tượng hay nghĩ là thấy. Khi trình pháp phải chú trọng đặc biệt vào những điểm căn bản này.
Giai đoạn xẹp, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát ghi nhận như thế. Cũng vậy trong lúc kinh hành, khi dở chân, thiền sinh phải quan sát kịp thời và cùng lúc với diễn tiến của sự dở chân: Từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt.
Nếu làm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh sẽ thấy hình dáng của chân hay tư thế của chân trong giai đoạn dở hay thiền sinh cảm nhận rằng chân bắt đầu nhẹ và nâng lên hay chân bắt đầu căng và đang đưa tới?
Thiền sinh phải trình bày cả ba đặc tính trên và dĩ nhiên thiền sinh phải hết sức chú tâm theo dõi chuyển động đi để có thể trình bày một cách rõ ràng và chính xác. Khi chân bước tới thiền sinh cũng phải quan sát kịp thời và cùng lúc với chuyển động của sự bước tới. Và thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh thấy hình dáng của chân mình, hay tư thế hoặc cách thức của chân trong giai đoạn đưa tới, hay cảm nhận được sự chuyển động của chân được đưa từ sau tới trước.
Khi đạp chân xuống, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát từ lúc chân bắt đầu hạ xuống cho tới lúc chân chạm đất. Nếu chú tâm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì. Phải chăng thiền sinh thấy chân mình hay trạng thái của sự đạp chân xuống hay cảm nhận đặc tính chuyển động của sự đạp xuống, chẳng hạn như bắt đầu cảm thấy nhẹ và mềm?
Ðối với các đối tượng khác cũng phải chú tâm ghi nhận kỹ càng như vậy. Chẳng hạn: khi co tay, duỗi tay, cúi mình, đổi chân, ngồi xuống, đứng dậy v.v… cũng phải chú tâm ghi nhận như vậy.
Thiền sinh cũng phải hiểu ý nghĩa ba đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý. Ðó là:
2. Nhân Duyên hay điều kiện (Sankhata Lakkhana)
3. Ðặc Tính Chung hay Tam Tướng (Sannanna Lakkhana)
1) Ðặc Tính Riêng của hiện tượng vật chất và tâm
(1.a) Ðặc Tính Riêng của Vật Chất hay Sắc:
- Sự cứng, mềm, đó là yếu tố chiếm chỗ, làm nền tảng (đất), là đặc tính của xương và thịt.
- Lạnh và nóng đó là yếu tố nhiệt độ (lửa), là đặc tính nóng lạnh của cơ thể.
- Sự kết hợp và tính chất lỏng (nước), đó là đặc tính dính chặt hay liên hợp của cơ thể.
- Sự chuyển động đó là yếu tố lưu chuyển (gió), là đặc tính của hơi thở, của sự phồng xẹp, của sự nâng đỡ, của sự di chuyển v.v…
(1.b) Ðặc Tính Riêng của Tâm hay Danh:Ðặc Tính Riêng của Tâm hay Danh là nhận biết, bao gồm: xúc (sự tiếp xúc của Tâm với đối tượng), Thọ (cảm giác), cùng các trạng thái và phản ứng của Tâm (vui, buồn, giận, chánh niệm, tinh tấn, ganh tỵ, phóng tâm vv…).
2) Nhân duyên hay điều kiện là đặc tính: khởi lên, kéo dài, và biến mất
Các diễn biến tâm vật lý (danh và sắc) đều có điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Tiếng Pali gọi ba giai đoạn này là uppada, thiti và bhanga. Uppada có nghĩa là bắt đầu hay khởi lên. Thiti có nghĩa là diễn tiến hay trải dài (cho đến khi chấm dứt). Bhanga có nghĩa là chấm dứt hay biến mất. Cả ba đặc tính này được gọi là Sankhata Lakkhana (Lakkhana: đặc tính, Sankhata: bao gồm hay tương duyên).
3) Tam tướng: là vô thường, khổ và vô ngã
Mọi hiện tượng, mọi pháp trong thế gian (danh và sắc) đều mang ba đặc tính này. Trong ba đặc tính trên của các hiện tượng, thiền sinh phải hướng đến đặc tính đầu tiên trong khi thực hành thiền, tức là phải chú ý đến đặc tính chuyên biệt của hiện tượng vật chất (đất, nước gió, lửa).
Làm thế nào để nhận thức được hay thấy các hiện tượng vật chất chuyên biệt này? Nghĩa là làm thế nào để nhận thức hay thấy các hiện tượng đất, nước, gió, lửa?
Chúng ta phải chú tâm quan sát, ghi nhận kịp thời khi chúng xuất hiện. Khi chú tâm quan sát ghi nhận ta sẽ thấy đặc tính chuyện biệt này, chứ chẳng có cách gì khác hơn.
Khi hít vào bụng phồng lên. Trước khi hít vào bụng chưa phồng. Thiền sinh phải quan sát sự phồng của bụng từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh phải thấy được bản chất của sự chuyển động.
Nhưng thế nào là bản chất của sự chuyển động? Khi hít vào: gió vào. Nhưng thế nào là gió? Ðó là yếu tố bành trướng hay chuyển động. Yếu tố bành trướng hay yếu tố chuyển động chính là bản chất của gió mà thiền sinh phải nhận ra hay phải thấy.
Thiền sinh sẽ thấy được ba bản chất của gió (chuyển động) khi nào thiền sinh chăm chú theo dõi sự chuyển động của bụng từ lúc khởi đầu, diễn tiến cho đến lúc chấm dứt.
Không chịu chú tâm quan sát, theo dõi thì ngay đến hình dáng hay tư thế của bụng cũng không thấy được, nói chi đến chuyện thấy được bản chất: vô thường, khổ não, vô ngã của gió. Cứ cố công theo dõi các hiện tượng phồng xẹp một cách chánh niệm thì năng lực tập trung tâm ý sẽ càng ngày càng mạnh lên.
Khi khả năng tập trung tâm ý hay định lực mạnh mẽ thì thiền sinh sẽ không còn thấy hình dáng hay tư thế của phồng xẹp mà sẽ thấy sự bành trướng, sự căng phồng của chuyển động phồng. Khi thở vào thiền sinh sẽ thấy cường độ phồng tăng đến một điểm nào đó rồi chấm dứt. Khi thở ra thiền sinh cũng sẽ thấy cường độ căng phồng giảm xuống đến một điểm nào đó rồi biến mất. Dần dần thiền sinh sẽ thấy rõ ràng ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã trong các chuyển động của bụng này.
Tương tự như thế, trong khi đi kinh hành thiền sinh cũng phải quán sát các các chuyển động: dở, bước, đạp một cách thận trọng và tinh tế. Thiền sư sẽ không nói cho biết thiền sinh sẽ thấy gì mà chỉ hướng dẫn cho thiền sinh cách quan sát và ghi nhận. Cũng như khi làm toán thầy giáo chỉ dạy phương pháp làm chứ không cho đáp số.
Sự chỉ dẫn này cũng được áp dụng trong những loại chuyển động khác của cơ thể, trong cảm thọ, hay khi có một tư tưởng hiện khởi trong tâm. Tất cả đều phải được ghi nhận ngay từ lúc chúng khởi lên. Có như thế mới bảo đảm là thấy được bản chất của chúng.
2. Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ hiển lộ
Nghĩa là khi đã thấy được đặc tánh riêng của thân và tâm thì sẽ thấy được ba giai đoạn: khởi lên, diễn biến hay kéo dài, và chấm dứt.
3. Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã
Khi đã thấy được ba giai đoạn này thì sẽ thấy được Tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Thực ra, nếu kiên trì, tinh tấn hành thiền và đã nhận thấy được đặc tính của tứ đại thì chắc chắn sẽ thấy được yếu tố Nhân Duyên và Tam tướng
4. Khi thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát sẽ xuất hiện
Khi thiền sinh thấy được tam tướng thì Tuệ Minh Sát sẽ xuất hiện. Sau khi xuất hiện, Tuệ Minh Sát (Vipassananana) sẽ dần dần phát triển và chín muồi, và cuối cùng thiền sinh sẽ đạt được tuệ ariyamagganana (Tuệ thấy được thánh đạo).
Với tuệ này thiền sinh có đủ khả năng để “thấy” Niết Bàn, chấm dứt danh, sắc và đau khổ. Cần phải nhắc lại một lần nữa điều quan trọng sau đây: Trong lúc trình pháp, thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã thực sự ‘thấy’ gì, chứ không phải là ‘nghĩ’ mình đã ‘thấy’ gì.
Chỉ những gì thiền sinh ‘thấy’ mới là tuệ giác. ‘Nghĩ’ là mình ‘thấy’ chỉ là vay mượn tuệ giác hoặc chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Sự vay mượn tuệ giác không phù hợp với đặc tính của các hiện tượng mà thiền sinh phải quan sát và ghi nhận.
5. Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv…) cần phải trình bày cho thiền sư
Khi ngồi thiền, quan sát đề mục chính là sự phồng xẹp của bụng, nhiều tư tưởng và đối tượng của tâm sẽ đến với thiền sinh, đó là chuyện tự nhiên. Tâm có khuynh hướng rời đề mục chính để tiến đến tất cả mọi ý niệm: một số là tư tưởng thiện, một số là tư tưởng bất thiện.
Thiền sinh phải làm thế nào? Chỉ cần ghi nhận bất cứ những gì đã đến với tâm. Bạn có thể làm được điều đó không? Bạn phải làm điều đó, nghĩa là phải ghi nhận sự suy nghĩ hay sự phóng tâm.
Nếu đã ghi nhận được chúng, bấy giờ chuyện gì sẽ xảy ra ? Phải chăng sự suy nghĩ đang tiếp tục diễn biến ? Sự suy nghĩ đang dừng lại hay đã biến mất tất cả? Lúc ấy thiền sinh có trở về được với đề mục chính không?
Tất cả những điều đó đều phải được nói rõ trong lúc trình pháp.
6. Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày cho thiền sư
Ðối với những thiền sinh mới, mọi cảm giác hay cảm xúc sẽ không khởi lên khi thiền sinh đang chú tâm vào đề mục chính. Nhưng sự suy nghĩ sẽ xảy ra nhiều hơn. Thiền sinh mới cũng chưa đủ khả năng ghi nhận được tất cả mọi tư tưởng đang khởi dậy đó. Ðể giảm thiểu những sự suy nghĩ này, nên cố gắng chú tâm khắn khít vào đề mục chính, càng nhiều càng tốt.
Nhưng khi thiền sinh đã ngồi thiền được chừng năm, mười, hay mười lăm phút, một vài cảm giác khó chịu trên cơ thể sẽ đến, tương hợp với những gì đã diễn biến trong tâm.
Khi cảm giác hay xúc cảm xuất hiện thiền sinh phải ghi nhận. Khi trình pháp nên mô tả chúng bằng những ngôn ngữ thông thường như: “ngứa”, “đau”, “tê”, v.v… chứ đừng dùng danh từ kinh điển như “cảm thọ” (Vedana). Những cảm giác khởi lên cũng phải được ghi nhận từ lúc chúng xuất hiện, diễn tiến cho đến khi biến mất.
Thiền sinh cũng phải ghi nhận hình sắc, âm thanh, mùi, vị và những trạng thái khác của tâm như: ưa thích, nóng giận, dã dượi buồn ngủ, phóng tâm, ân hận, hoài nghi, nhớ thương, thấy rõ, chú tâm, thỏa mãn, dễ chịu, nhẹ nhàng, yên tĩnh v.v… những trạng thái này là “đối tượng của tâm” (Dhammarammana). Giả sử có sự ưa thích xuất hiện; khi đã ghi nhận được nó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thiền sinh phải biết trình cho thiền sư điều này.
Lấy một thí dụ khác: Thiền sinh cảm thấy dã dượi buồn ngủ. Khi thiền sinh ghi nhận được trạng thái này thì sự phóng tâm xuất hiện. Lúc bấy giờ thiền sinh phải ghi nhận như thế nào? Thiền sinh phải ghi nhận phóng tâm. Như vậy là thiền sinh phải quan sát ghi nhận tất cả mọi đối tượng của tâm. Trong một khóa thiền tích cực, cần phải thường xuyên trình pháp, tốt nhất là trình pháp hằng ngày.
Việc trình pháp nên theo đúng phương cách. Sau khi thiền sinh trình bày kinh nghiệm của mình thiền sư sẽ đặt một vài câu hỏi liên quan đến các chi tiết mà thiền sinh kinh nghiệm được trong lúc hành thiền.
Cách trình pháp thật đơn giản. Chỉ cần mười phút là đủ cho thiền sinh trình bày kinh nghiệm của mình. Nên nhớ trình bày những kinh nghiệm liên quan đến thân và tâm mà bạn có được trong lúc hành thiền. Thiền Minh Sát là quan sát những gì đã thực sự xảy ra trong chính thân tâm bạn.
Trong khi trình pháp cần chú ý những điểm chính sau đây: phải ngắn gọn, chính xác và rõ ràng.
…
Nguồn trích dẫn: Ngay Trong Kiếp Sống Này – Đại Trưởng Lão Thiền sư U Pandita.
[2] Mahasi Sayadaw – Hướng Dẫn Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassnā
- Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
- U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát, Budsas
- Liệu Có Thể Thực Hành Vipassanā Mà Không Cần Học Tỉ Mỉ Vi Diệu Pháp, Web, FB
- Về Trường Hợp Tôn Giả Channa, Web, FB
- Có Nhất Thiết Phải Phân Tích Hay Nhận Dạng Tâm, Web, FB
- Có Thể Thực Hành Thiền Minh Sát Mà Không Cần Hoàn Tất Sự Thanh Tịnh Tâm, Web, FB
- Liệu Có Thể Hoàn Thành Minh Sát – Vipassanā, Chỉ Nhờ Đọc Hay Nghe Không, Web, FB
- Thiền Sư Ta-Ma-Nê-Chô Và Cuốn Sách “Phỏng Vấn Thiền Sư Mahasi”, Web, FB
- Thiền Sư Mahasi – Thiền Minh Sát Vipassana, Web, FB
- Thực Tập Thiền Minh Sát, Budsas
- Căn Bản Thiền Minh Sát, Budsas
- Thực Tập Thiền Quán, Budsas
- Những Giai Đoạn Tiến Triển Của Thiền Minh Sát – Mahasi Sayadaw, Budsas
- Ngay Trong Kiếp Sống Này – U Pandita, Budsas
[3] Tu Tập Vun Bồi Các Tuệ Minh Sát
- Những Giai Đoạn Tiến Triển Của Thiền Minh Sát – Mahasi Sayadaw, Budsas
[4] Tu Tập Vun Bồi Định Trong Minh Sát Quán Vipassnā
- Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
- U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát, Budsas
- “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
- Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
- Có Sự Khác Nhau Rất Lớn Giữa Chỉ – Samatha Và Định – Samādhi Quán – Vipassanā Và Tuệ – Paññā, Web, FB
- Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định – Trong Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana., Web, FB