Kinh Tụng Phật Giáo – Oai Lực Tụng Kinh, Phương Pháp Tụng và Truyền Thống Tụng Đọc Ở Sri Lanka

Kinh Tụng Phật Giáo – Oai Lực Tụng Kinh, Phương Pháp Tụng và Truyền Thống Tụng Đọc Ở Sri Lanka

Kinh Tụng Phật Giáo – Sư Đức Hiền biên soạn

OAI LỰC TỤNG KINH

Về việc tụng kinh (Paritta/Sutta) sẽ mang lại năm yếu tố công năng hay oai lực như sau:

1. Oai lực của Sự Thật (Saccānubhava):

Điều này có ý nghĩa là khi một người thiết lập oai lực của sự chân thật để mong đạt được điều mong mỏi. Người tụng đọc nương nhờ vào những ân đức cao thượng của Đức Phật hay các vị A-la-hán chúc phúc đến người nghe bằng câu kệ: Etena saccavajjena sotthi te hotu sabbadā! (Mong với chân ngôn này, tự thành muôn hạnh phúc).

2. Oai lực của Giới (Sīla):

Việc tụng đọc sẽ có oai lực khi người tụng đọc và người nghe đều là những người thiết lập trên giới bằng việc gìn giữ giới luật và thực hành theo những lời Phật dạy (dhamma). Chính vì thế, việc tụng đọc dựa trên căn bản chính yếu là: Dhammo have rakkhati dhammacariṃ (Pháp Bảo vệ người thực hành Pháp).

3. Oai lực của Tâm Từ và sự Bi Mẫn (Mettāvà Karuṇā):

Những lời dạy của Đức Phật không vắng bóng tâm từ và sự bi mẫn. Những người tụng đọc kinh Paritta cũng mong mỏi khơi dậy lòng từ (mettā) đến cho mọi người, để họ được an tịnh tâm từ nhờ đó việc tụng đọc càng thêm oai lực.

4. Sức mạnh của Âm Thanh:

Một điều mà chúng ta tin tưởng rằng là có một sóng âm được phát ra bằng sự nhịp nhàng và rập ràng của việc tụng đọc. Việc này đã tác động đến hệ thần kinh và các nơ-ron (neurons) của chúng ta và mang lại sự bình an, vắng lặng của tâm tư, mang lại sự điều hòa trong hệ tuần hoàn cơ thể. Lại nữa, sức mạnh của những lời kinh, tiếng kệ cũng mang lại cho người đọc lẫn người nghe ôn lại ý nghĩa những lời dạy của Phật, các công hạnh và trí tuệ của Ngài.

5. Ân Đức Tam Bảo (Tisaraṇa):

Là một yếu tố thiết lập tín tâm (saddhā) cả người đọc lẫn người nghe. Những bảo tháp xá-lợi, cội cây Bồ Đề hay kim thân Phật đã tạo thờ là những hình ảnh nhắc chúng ta nhớ đến Đức Phật là bậc Giác Ngộ vĩ đại. Và toàn bộ kinh điển được viết lại trên lá buông (lá bối, lá cọ) hay được in ấn thành sách là những lời dạy của Ngài được gọi chung là Tam Tạng; và chư Tăng là những vị đang tụng đọc và thực hành những lời dạy trong Tam Tạng.

Cách Phát Âm:

Vì là chữ tượng thanh nên việc phát âm tiếng Pāḷi tương đối dễ dàng cho những ai nghiên cứu ngôn ngữ này. Nhìn chung, việc tụng đọc của các nước đều có phong cách khác nhau. Chúng ta vẫn theo kiểu Thái Lan, Cam-pu-chia, hay Sri Lanka là tụng đọc những câu từ Pāḷi một cách liên tục. Ở Sri Lanka, người xướng thường kéo dài trường âm (dīgha-sara) dài. Tùy theo mỗi nước mà cũng có những từ phát âm Pāḷi khác như Myanmar thì âm ‘s’, được phát âm ‘t’; Cam-pu-chia nguyên âm ‘a’ thì đọc thành ia (‘dhamma’ thành ‘dhammia’); Sri Lanka thì nguyên âm ‘a’ cuối câu đọc nhẹ như ‘ờ’ (Namo… tas-sờ). Riêng Việt Nam, chúng ta vẫn không khó để làm quen mẫu tự Pāḷi La-tinh này, nên việc phát âm tương đối tương đồng với bản quốc tế (Xem thêm phần trình bày cách phát âm ở phần giới thiệu cách phát âm Pāḷi), nhưng đôi khi chúng ta vẫn không chú ý đến trường âm (âm dài) và đoản âm (âm ngắn) hay âm họng và mũi cũng khó cho người Việt nói chung. Việc tụng đọc kinh ở Việt Nam gần giống như Thái Lan, Cam-pu-chia nghĩa là đọc xuyên suốt liên tục. Còn ở Myanmar thì người ta tụng theo câu hay từng câu kệ.

CHIA SẺ PHƯƠNG PHÁP TỤNG ĐỌC

Với kinh điển đồ sộ của Tam Tạng thì hầu hết những người học Phật đều cảm thấy khó để đủ tinh tấn đọc hay tụng hết. Với kinh nghiệm chúng tôi, việc tụng đọc cũng cần có thời gian và sự kiên nhẫn, đồng thời cần phải có phương pháp hợp lý để tìm ra cách hiệu quả nhất trong việc tìm hiểu hay sách tấn hằng ngày. Đối với Pāḷi thì phải nhuần nhuyễn trong trường âm và đoản âm. Nếu đoản âm là âm ngắn ‘a, i, u’ thì phải nhấn âm rõ, và dứt khoát; còn trường âm ‘ā, ī, ū, e, o, …’ hay các nguyên âm đi kèm phụ âm thì người tụng cần kéo dài âm vừa đủ. Đối với trường âm, là âm vực có thể kéo dài để tạo lực cho các âm tiếp. Riêng phần tiếng Việt, đối với những bản kinh thơ ngắn, hay các bài kinh không quá dài (bố cáo) thì tụng đọc được ngắt theo từng câu (5, 7 chữ) là chấp nhận được. Riêng đối với các bài kinh dài như Kinh Chuyển Pháp Luân, Kinh Girimānanda, Kinh Koṭigāma (Kinh Hàng Triệu Ngôi Làng)… thì phải tụng đọc liên tục và chỉ lấy hơi (ngắt) khi ở cuối câu hay từ thích hợp nào đó. Truyền thống tụng đọc theo âm điệu bên Phật Giáo Nguyên Thủy thì là sự kết hợp các âm to rõ, thong thả, đều đặn.

Việc tụng đọc kinh điển rất có lợi ích vì đây là cơ hội để ôn lại những lời dạy của Đức Phật, nhằm sách tấn việc tu học của mỗi cá nhân hay tập thể đại chúng. Nếu chúng ta chỉ đọc bằng mắt mỗi khi rảnh rỗi thì đôi khi không có nhiều sự chuyên nhất mỗi khi điện thoại hay tin nhắn đến. Điều này sẽ quấy nhiễu sự tập trung câu chuyện hay ý nghĩa lời kinh. Do vậy chúng tôi sách tấn quý vị nên dành một thời gian cố định, khoảng một tiếng đồng hồ trong ngày (hay hai thời, sáng và tối) để chuyên nhất hơn việc tụng đọc. Mọi thiết bị liên lạc như điện thoại đều ở chế độ im lặng và chỉ tập trung vào một giờ đồng hồ hay 45 phút tụng đọc. Đối với những tập kinh dày từ Tam Tạng như Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, … thì quý vị cũng có thể đem và ngồi trước tượng Phật và tụng đọc cũng được xem như một khóa kinh hằng ngày. Khi quý vị thấy hết giờ quy định thì quý vị chuẩn bị chấm dứt thời kinh bằng việc chuyển sang phần hồi hướng hay quán niệm.

Ở đây, chúng tôi khuyên quý vị nên TỤNG ĐỌC to rõ bằng lời được phát ra và chính mình sẽ được nghe lại để KIỂM NGHIỆM ý nghĩa hay đã phát âm đúng chưa. Điều này là sự kết hợp thành công giữa hai phương pháp NGHE và NHÌN (Audio and Visual Technic). Phương pháp này sẽ giúp cho quý vị ghi nhớ và ấn tượng hơn về những lời dạy Đức Phật. Khi chúng ta tụng đọc to rõ bằng miệng thì các cơ miệng được hoạt động và những rung động âm thanh đến tai và truyền lên não bộ. Mắt dẫn dữ liệu lên não, và được kiểm chứng qua tai bằng âm thanh, thì não bộ lại được hai lần kiểm nghiệm và thông tin.

Tóm lại, việc tụng đọc kinh điển rất có lợi ích và nên thực hành hằng ngày bởi những lợi ích, phước báu như sau:

1. Cơ hội tốt để ôn lại những lời dạy của Đức Phật,
2. Nhằm sách tấn việc tu học của mỗi cá nhân hay tập thể đại chúng.

3. Tự bản thân được an trú thâm sâu trong những lời dạy Trí Tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn
4. Do năng lực của bài kinh, nên gia đạo thái hòa, mọi người trong gia đình an vui, mát mẻ, phát sanh đức tin.

5. Chư thiên quy tụ và quý mến, hộ trì cho người tụng đọc
6. Danh thơm tiếng tốt của người tụng đọc được lan xa.
7. Khiến đức tin của bản thân người tụng đọc được duy trì, tăng trưởng. 8. Là Pháp hành giúp cho tâm định dễ dàng phát sanh.

Như thế với bấy nhiêu lợi ích, quả báu đã liệt kê ở trên, chúng ta rất nên tập trung toàn tâm, toàn ý cho 45 phút, hay một tiếng tụng đọc mỗi ngày. Nếu quý vị thực hành việc tụng đọc với sự tôn kính và thường xuyên mỗi ngày, chắc chắn rằng những sự vi diệu sẽ đến luôn và ngay trong cuộc sống của quý vị.

TRUYỀN THỐNG TỤNG ĐỌC Ở SRI LANKA

Chúng tôi sẽ trình bày sơ qua việc tụng đọc kinh ở Sri Lanka vào mỗi chiều chùa Sri Vinayalaṅkāra Ramaya, 127/23 Deans Roads, Mawatha, Colombo 10. Trước hết các Phật tử đến chùa từ 4.30pm hay 5.00pm chiều để sắm lễ vật như hương hoa, nước uống, nước trong trên một bàn sắm lễ ở trước điện Phật tầm 5 mét. Sau khi nghe tiếng chuông, tất cả xếp một hàng cho đến bảo điện. Vị sư trụ trì và các sư trong chùa sẽ cùng Phật tử xếp thành một hàng dài đến tận bên trong bảo điện. Và những Phật tử bắt đầu chuyền tay nhau những hương, đèn, và nước uống, và tán thán sādhu, sādhu, sādhu; và cứ như thế mọi lễ phẩm cúng dường được đặt lên bàn Phật hay trước bảo tháp. Nhà Sư là người ở cuối để nhận phẩm vật và đặt chúng lên bàn thờ. Sau đó, tất cả Phật tử cùng nhau vào điện Phật; trước tiên vị Sư trụ trì sẽ bảo đọc ‘Namaska’ (lời chào hay lời nhắc nhở Phật tử tụng đọc). Những người Phật tử bắt đầu tụng đọc lên bài ‘Namo tassa…’ (3x), và Sư trụ trì sẽ đọc tam quy và ngũ giới. Sau đó, tất cả hội chúng sẽ cùng nhau tụng đọc phần Kinh Tam Bảo cho đến ‘Vandāmi cetiyaṃ…’. Kế đến tất cả mọi người đều ngồi thiền trong vòng 3 hay 7 phút và rải tâm từ. Tụng kinh tiếp và hồi hướng. Cuối cuộc lễ, vị Sư trụ trì nhắc đến việc bố thí như nhang đèn, dầu thắp, hương trầm, trì giới (tụng đọc ngũ giới), và tham thiền tụng kinh, hãy là pháp duyên lành để dứt khỏi những điều rủi ro và sự tai hại; là pháp duyên lành giải thoát trong ngày vị lai.

Đối với truyền thống Sri Lanka, mỗi buổi tụng kinh là có phần xin giới (ngũ giới). Đối với Myanmar, ở mỗi buổi tụng kinh, các Sa-di cũng được xin giới lại trước mỗi buổi tụng kinh.

Tụng Kinh Cả Đêm Ở Sri Lanka:

Thêm vào đó, có những đêm rằm, 30 hay những ngày cần thiết, tùy theo thí chủ mà họ cung thỉnh các Sư ngồi trong các nhà tám góc hình tròn (gọi là Mandapa), được bao bọc bởi lá hay giấy, cắt theo nhiều hoa văn (màu trắng). Trong Mandapa này gồm tầm 10 cái ghế và bắt đầu họ tụng kinh Paritta trọn cả đêm. Tối thiểu là yêu cầu 8 vị (cả sa-di) để tiến hành tụng kinh Paritta. Các vị Sư đều thay phiên nhau, mỗi vị thay nhau khoảng 2 giờ đồng hồ tụng đọc xuyên đêm. Và không quên một lọ gốm đất đựng nước và xuyên suốt là sợi chỉ trắng đến bảo tháp xá lợi Phật, cuốn kinh tụng Paritta và đến tay chư Tăng. Mọi người Phật tử ngồi xung quanh lắng nghe kinh cả đêm. Những người Phật tử cùng ngồi xung quanh và cùng nhau giữ sợi chỉ trắng Tam Bảo ở bên ngoài Mandapa. Nhiều bài kinh được tụng đọc như Ratanasuttaṃ, Karaṇīyamettasuttaṃ,… Khi mặt trời vừa ló dạng, chư Tăng sẽ hồi hướng và cho Phật tử uống nước (trong lọ gốm được tụng kinh), cột chỉ trắng Tam Bảo vào tay phải. Đó là hình ảnh mà chúng tôi đã chứng kiến khi còn du học ở Sri Lanka vào năm 2005-2009. Tương tự ở Myanmar, những ngôi làng nhỏ cũng được tụng đọc kinh Paritta tại bốn góc làng để mong nhờ oai lực Tam Bảo hộ trì cho trú xứ được bình an.

HỒI HƯỚNG VÀ ƯỚC NGUYỆN

Hy vọng tập kinh này chỉ là một sự sưu tầm, chia sẻ đến chư Tăng, Ni và Phật tử gần xa để tiện tụng đọc hằng ngày. Con thành kính tri ân Thượng Tọa Pháp Cao đã tạo điều kiện chỗ ở và mọi sinh hoạt tại chùa được dễ dàng. Con kính chúc Thượng Tọa được nhiều sức khỏe và an lạc. Chúng tôi chân thành tri ân đến PT. Chơn Phúc và PT. Đặng Phúc Nguyên đã rà soát nhiều lỗi chính tả. Kính tri ân Câu Lạc Bộ Ấm Áp Tình Người của PT. Diệu Tâm đứng ra kêu gọi hùn phước để Pháp Bảo này được thành tựu.

Với phước báu mà chúng tôi đã tạo đây, xin hồi hướng Tứ Đại Thiên Vương, chư Thiên ở trên địa cầu này; xin các ngài hoan hỷ hộ trì chánh Pháp được trường tồn; hộ trì cho chư Tăng, Ni và Phật tử được sức khỏe, an vui và tấn tu giải thoát trong ngày vị lai.

Mong thay,

Tỳ khưu Đức Hiền

Chùa Thái Bình, Điện Phước, Quảng Nam

Ngày 26/9/2018 (Âm lịch 17/8 Mậu Tuất)

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app