Nội Dung Chính
Kinh Trung Bộ số 001
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Ngày nay chúng ta nghiên cứu về lịch sử Ấn độ, người Ấn họ có nhắc về nền văn minh Vedas và nền văn minh tiền Vedas. Nền văn minh tiền Vedas chỉ cách thời điểm hôm nay khoảng 6000 năm thôi. Theo như lời Đức Phật nói trong kinh thì nó có trước đó nữa, nhưng mà vì đó là thời điểm khuyết sử tức là lúc đó người Ấn họ không có bận tâm đến chuyện viết lách sử sách. Một vị giáo sư sử học có nói một câu rất thú vị “Có lẽ người Ấn họ quá quan tâm đến những vấn đề siêu hình triết học cho nên họ không có để ý đến vấn đề ghi chép thực tiễn”. Trong khi bên Tàu có ông Tư Mã Thiên, Việt Nam có ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, v v… Thật ra Ấn độ có nền văn minh rất là lâu đời, nhưng nói về sử gia thì họ chỉ có những sử gia khoảng 1000 năm trở lại đây thôi. Chứ còn đời xưa trước đó nữa thì trong khi người Tàu họ đã có ông Tư Mã Thiên đời Hán, chứ còn Ấn họ không bận tâm. Họ nói rằng lịch sử sẽ soi rọi ra những chỗ rất là phàm tục của thế giới trong khi đó thì các thiên thần thì họ lại thích bóng tối hơn, họ thích cái gì nó mù mờ hơn. Chính vì họ suy nghĩ như vậy cho nên họ không có viết sử. Có lẽ cũng chính vì chỗ này cho nên lịch sử của Tam vệ đà (Vedas) cũng bị nhận chìm theo dòng chảy của thời gian.
Thời Đức Phật cái bộ Tam vệ đà được xem là nền học vấn căn bản của một người trí thức Bà la môn. Trong đó gồm 18 môn học từ thiên văn, địa lý, nhân tướng cho đến toán, lý, hóa. Các vị nên nhớ người Ấn độ có bước tiến về toán học từ rất sớm và chính họ là người đã nghĩ ra toán thập phân, con số zero trong toán học. Người Ấn độ họ rất thông minh. Và ngày nay trong giới sinh viên Mỹ giỏi về toán và computer là dẫn đầu trong số sinh viên ngoại quốc phải kể là người Ấn độ. Học sử, mình vẫn biết người Đức rất là giỏi toán nhưng thật ra một số nguyên tắc đặc biệt là về toán thập phân như tôi vừa trình bày. Sau này người ta đọc một số tài liệu của Ấn độ, người ta mới biết người Ấn đã biết điều đó từ lâu. Nhưng sau đó do tình trạng chiến tranh loạn lạc họ bị quên rồi coi như công đầu là nằm bên thế giới Tây phương. Thật ra người Ấn độ đã có những khái niệm về toán học rất sớm, và tất cả những khái niệm đó được cất dấu ở trong Tam vệ đà.
Tam vệ đà thời Đức Phật họ có cả pháp dạy tu thiền từ sơ nhị tam tứ thiền, dạy cách luyện các thứ bùa chú thăng thiên độn thổ di sơn đảo hải …, họ giỏi lắm. Tam vệ đà bây giờ các vị có thể gặp và đọc được trong các bản Anh văn không được như vậy nữa, nó gồm có Rig-Veda, Atharva-Veda, Yajur-Veda. Ba tập này nội dung chủ yếu toàn là ca ngợi xưng tán các vị thánh thần giống như tập nhã ca của Catholic vậy thôi. Nói chung, nhìn nội dung Tam vệ đà còn lưu truyền bây giờ mình ê hề, mình không biết Tam vệ đà đó làm sao đủ để xem là đại diện cho một nền minh triết Ấn độ cổ đại!
Thực ra Tam vệ đà bây giờ là đã bị manh mún, thay đổi và thêm thắt sửa chửa rất là nhiều cho hợp với thời đại và hợp với nhu cầu tôn giáo, … các vị mà đọc kỹ trong đó vừa sử vừa thư (sách lạm bàn) thì nội dung có vay mượn rất nhiều từ trong Phật giáo.
Thôi thì bây giờ đang giảng về kinh nên mình không đi sâu đi xa vào trong chuyện của thiên hạ. Hôm nào muốn có một cuộc mạn đàm thì mình sẽ có một bữa riêng. Còn bữa nay thì mình sẽ nói chuyện với nhau về bài kinh này, bài Kinh Căn bản pháp môn.
Năm trăm vị tỳ kheo học giả vốn rất giỏi về Tam vệ đà, về văn chương Sankrit, khi đi tu rồi các vị lại được học Phật Pháp, học thuộc lòng rất là nhiều Phật ngôn, nói theo trong kinh Tipitaka là thuộc lòng Tam tạng. Thì khi mà học được như vậy rồi thì các vị xem như mình đã không còn gì để học trên đời này nữa. Trước khi đi tu thì nghĩ Tam vệ đà là nhất, tới hồi đi tu rồi mình có được Tam tạng là đủ rồi. Khi có được vốn liếng đó, các vị mới nghĩ là bây giờ cỡ như tụi mình đâu còn chỗ nào để mà học nữa. Mà nếu không có môn gì để học thì cũng không có ai đáng để cho mình tới lui thăm viếng hết. Sau khi nghĩ như vậy, 500 trăm vị dắt nhau vô ở một nơi riêng biệt không gần gũi ai hết, không tiếp xúc, không đến đảnh lễ Phật mà cũng không đến thăm hỏi chư vị trưởng lão, mà chỉ có 500 vị đó với nhau thôi. 6:06
Nhiều vị tỳ kheo khác biết được chuyện này, thấy tội nghiệp cho họ vì sở tri chướng, kiến chấp kiêu ngạo, ngã mạn đó không cách gì tiến bộ được. Trong Tăng chi bộ kinh phần pháp 8 chi, Đức Phật có dùng hình ảnh một khúc gỗ trôi sông. Lúc đó Ngài đang đi trên bờ sông với Ngài Anan thì Ngài nhìn thấy dưới sông có khúc gỗ trôi, Ngài mới hỏi Ngài Anan:
-Theo Ananda thì khúc gỗ này có trôi ra tới biển hay không?
Thì Ngài Anan mới nói:
-Bạch Thế tôn, cái đó thì cũng không có chắc lắm. Bởi vì có nhiều nguyên nhân cản trở khúc gỗ này. Trên đường ra biển nếu mà không gặp những nguyên nhân đó, những cản trở đó thì khúc gỗ này may ra mới trôi ra tới biển được.
Đức Phật mới hỏi:
-Những trở ngại nào Ananda có thể kể ra không?
Ngài Anan mới bạch:
-Dạ được, chẳng hạn như là nó tắp vào bờ này, tắp vào bờ kia, bị người ta vớt hoặc bị chư thiên vớt hoặc là nó bị chìm giữa dòng hoặc nó bị mắc cạn, vướng chỗ này chỗ kia, hoặc tự nó trên đường chưa ra tới biển nó đã bị mục rã ra rồi thì nó cũng không ra tới biển được.
Đức Phật Ngài nói:
-Cũng vậy, cái người trên đường giải thoát nhiều khi cũng bị tắp vào bờ bên này, tắp vào bờ bên kia, bị chư thiên vớt, bị người ta vớt, rồi bị mục, bị mắc cạn hoặc là bị chìm giữa dòng cũng không đi đến cứu cánh giải thoát.
Ngài Anan hỏi:
-Bạch Thế tôn, khúc gỗ thì nó còn bị tắp vào bờ này, tắp vào bờ kia, bị loài người vớt, bị chư thiên vớt, bị mục. Còn con người, chúng sanh thì sao có chuyện đó được? Con không có hiểu, xin Đức Thế tôn từ bi giải thích cho con.
Đức Thế tôn mới nói:
-Tắp vào bờ này, tắp vào bờ kia có nghĩa là bị vướng mắc bởi Lục Căn, Lục Trần, Lục Cảnh, Lục Thức; nói chung là Sáu Nội Xứ Sáu Ngoại Xứ. Coi như tắp vào bờ này, tắp vào bờ kia do bị Lục Trần chi phối, bị những tham chấp vào Lục Căn làm cho đường tu chứng của mình bị gián đoạn.
Hồi còn trẻ, cách đây mười mấy năm về trước, cũng bài kinh này, tôi thắc mắc và nghĩ rằng tại sao Đức Phật Ngài phân hai: Tắp vào bờ này là Sáu Nội Xứ, tắp vào bờ kia là Sáu Ngoại Xứ, phân như vậy làm chi? Bởi vì Sáu Ngoại Xứ nó phải y cứ trên Sáu Nội Xứ, tại sao Đức Thế tôn phân ra làm chi. Nhưng sau đó tôi đọc sớ giải và khi va chạm với đường đời tôi mới hiểu “Ồ! Thì ra tại sao Đức Thế tôn ngày đó Ngài đã phân đôi ra như vậy”.
Có những người họ sống rất là hưởng thụ thì mình không có nói bởi vì đó là những người thế tục. Nhưng có những người họ sống không có hưởng thụ, mình lấy mắt mình nhìn thì họ không có cái gì họ hưởng thụ đam mê trong đời sống hết. Mình thấy rõ ràng họ tốt rồi, nhưng không phải. Chưa hẳn. Họ không có hưởng thụ đối với ngoại cảnh đó là chuyện mình lấy mắt mình nhìn, nhưng trong thực tế họ có những cái tham chấp nó nằm ở bên trong sâu thẳm nội tâm của họ, họ hướng đến những cảnh giới tương lai, thí dụ như vậy.
Khi họ quay về đời sống nội tâm mà cái quay về đó không có sự soi rọi của trí tuệ thiền quán mà chỉ quay về bằng ba cái năng lực của phiền não là của Vô minh, của Ngã mạn thì coi như là sự quay về đó là quay về với đời sống nội tâm, tức là quay về với Sáu Nội Xứ, nhưng cái sự quay về đó cũng bị xem là một cực đoan. Cho nên Đức Phật Ngài đã phân hai Sáu Nội Xứ Sáu Ngoại Xứ là như vậy. 10:03
Rồi trường hợp bị mục tức là tỳ kheo bị phiền não chi phối quá nặng. Bị chư thiên vớt có nghĩa là vị này có mong mỏi sanh về cõi này cõi kia trên thiên giới. Bị loài người vớt là do những liên hệ với cư sĩ trong đời sống hiện tại. Nhưng cái quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh qua bài kinh này là để giảng cho bài Kinh Căn bản pháp môn, đó là Đức Phật nói “Khúc gỗ sẽ không thể nào tôi ra biển được nếu như khúc gỗ đó bị mắc cạn”. Tức là nó bị mắc kẹt vào cái cù lao hay cái gò nào đó giữa dòng thì coi như không có cách nào nó ra biển được, mà nó sẽ nằm lì ở đó suốt đời cho đến ngày nào nó mục thì thôi.
Cái chuyện mắc cạn của khúc gỗ được ví dụ cho trường hợp vị tỳ kheo ngã mạn. Thay vì mình đi trót lót luôn, tức là ngày nào mình chưa chứng quả A la hán thì bất cứ một trạm dừng nào cũng chỉ là mang tính cách tạm thời thôi. Dù đó là tri kiến, dù đó là thần thông, thiền định gì cao siêu cách mấy đi nữa nhưng chưa phải hoàn toàn giải thoát chấm dứt phiền não thì tất cả chỉ là trạm dừng thôi chứ không phải là cứu cánh.
Còn chuyện 500 vị tỳ kheo này ở ngoài đời giỏi Tam vệ đà, vào đạo giỏi Tam tạng, coi như vậy là nhất luôn. Đúng theo dân gian Việt Nam nói “Ếch ngồi đáy giếng”, là người thỏa mãn quá sớm, chỉ mới bỏ cái gánh hàng rong nhảy lên làm chủ tiệm tạp hóa là mình nghĩ mình nhất rồi. Nhưng không ngờ trong trời đất này còn hàng trăm hàng triệu hàng tỷ thứ tài sản khác chứ không phải chỉ cái tiệm tạp hóa là nhất đâu. Bởi vì trước đây mình là gánh hàng rong, bây giờ mình bỏ được cái đòn gánh rồi mình nhảy vô trong tiệm mình ngồi như vậy là nhất rồi. Người mà thông suốt Phật ngôn mà không có (?) trong chuyện hiểu biết Phật Pháp mà cứ nghĩ là mình thông suốt vậy là mình giỏi thì người đó cũng chỉ là khúc gỗ bị mắc cạn mà thôi.
Sau khi chư tăng huynh đệ thấy 500 vị này bị bệnh ngã mạn như vậy nên đã cùng nhau vào thưa với Đức Phật:
-Tình trạng xảy ra như vậy đối với 500 vị đó con thấy tội nghiệp, khuyên giải cách gì cũng không được.
Khi Đức Phật nghe như vậy rồi, Ngài dùng Phật trí suy tư, Ngài thấy rằng đã đến lúc Ngài phải giúp đỡ. Thật ra chuyện này Ngài đã biết từ lâu nhưng Ngài thấy chưa đến lúc. Các tỳ kheo đã lên tiếng rồi thì Ngài thấy nhân duyên đã đến lúc, Ngài mới cho mời 500 vị này đến, Ngài hỏi:
-Có phải các ngươi từng suy nghĩ như vậy hay không?
Thì các vị này nhìn nhận:
-Bạch Thế tôn, đúng.
Đạo và đời cái nào cũng ok hết rồi, nếu nói ngoài đời đã có bằng PhD về sử học hoặc về văn chương, về ngoại ngữ rồi hoặc có cái bằng bác sĩ rồi. Bây giờ vô đạo mình lại thuộc lòng Tam tạng, được cấp cái bằng Cao đẳng Pali của Miến Điện hay tốt nghiệp A tỳ đàm 7 năm của Thái lan thì coi như còn cái gì để mà học đây? Nhưng mà thật ra bao nhiêu đó chưa đủ.
Đi máy bay mình thấy trời đất bao la, nhìn xuống mặt đất bao la có biết bao nhiêu thứ mà mình không biết, mình chỉ là hạt cát giữa bầu trời thôi, mình chẳng là cái gì hết. Xưa nay chẳng qua mình ở dưới đất rồi mình nhìn đời từ dưới đất nhìn lên thôi, nhưng mà ở trên nhìn xuống nó khác. Những tòa cao ốc cao ngất trời ngó mỏi cổ, ở trên máy bay nhìn xuống giống như những cái hộp quẹt chồng lên nhau vậy thôi. Trong khi đó chỉ một căn nho nhỏ trong tòa cao ốc đó, phải mất CẢ ĐỜI chưa chắc mình có đủ tiền để mua. Chẳng hạn như hai tòa tháp đôi ở New York mà bị không tặc khủng bố, trong đó có nhiều gian như có gian bán vàng bạc đá quí v v, có những gian mà cả đời mình không làm chủ nỗi, không đủ tài chánh để mình tậu nỗi đâu. Vậy mà ở trên trời ngó xuống tất cả chỉ là những cái hộp quẹt nho nhỏ thôi.
Cho nên kiến thức hiểu biết trời đất này của mình hiểu bao nhiêu? Mình ra ngoài biển mình ngồi trên tàu lớn nhìn xuống biển thấy trời đất bao la vậy mình biết được cái gì? Tuổi thọ thì ngắn ngủi, thân xác thì nhỏ bé, kiến thức có giới hạn, hoàn cảnh điều kiện của mình chỉ là những hạn chế thì tất cả những giới hạn, những hạn chế bé bỏng mong manh ngắn ngủi đó nó là cái gì giữa trời đất? Không gian, thời gian bao la vô tận. 15:08
Hỏi các vị này xong, Ngài yên lặng coi như không có chuyện gì xảy ra, Ngài đem nội dung của bài kinh này ra Ngài giảng. Chúng ta phải hiểu thêm, tuy nói rằng các vị này thông suốt Tam tạng nhưng dĩ nhiên Tam tạng lúc đó không đầy đủ như bây giờ. Tam tạng ở đây có nghĩa là các vị này học được nhiều bài kinh ở trong Tam tạng, một phần căn bản của Luật tạng, một phần căn bản của Tạng Vi diệu pháp. Bởi vì khi Thế tôn ra khỏi hạ thứ 7 là Phật giáo đã có Tạng Vi diệu pháp, còn Tạng Luật phải sau khi Đức Thế tôn được 12 hạ thì Ngài mới bắt đầu cấm chế từng điều. Cho nên Luật tạng không giống như Tạng A tỳ đàm chỉ mất 3 tháng là đã có, mà Tạng Luật là theo thời gian có người phạm rồi Đức Phật Ngài mới cấm chế.
Dựa theo bài kinh này mình hiểu là lúc đó Đức Thế tôn đã cao tuổi lắm rồi, nói chung là nội dung Tam tạng tùy theo tuổi của Đức Phật, Ngài càng cao tuổi chừng nào thì Tam tạng coi như càng có chiều dầy chừng nấy. Khi Ngài đã viên tịch hẳn rồi thì 3 tháng sau chư thánh tăng mở kỳ kết tập lần thứ nhất là đúc kết lại tất cả những gì mà Đức Thế tôn đã thuyết giảng trong suốt 45 năm vừa qua. Theo nội dung bài kinh này, mình hoàn toàn có cơ sở để xác định là bài kinh này được thuyết giảng vào lúc Đức Thế tôn đã cao tuổi rồi.
500 vị này chưa từng nghe qua bài kinh này, mà bài kinh này nói cái gì? Để khỏi mất thời giờ tôi xin trình bày thẳng nội dung của bài kinh này luôn. Thay vì trên nguyên tắc thì tôi chỉ trình bày duyên khởi của bài kinh này thôi. Nhưng nếu chỉ trình bày duyên khởi bỏ ngang đây không biết ngày mai tôi có rảnh hay còn sống để mà trình bày bài kinh này hay không. Thôi thì tôi cứ trình bày được bao nhiêu hay bấy nhiêu rồi ngày mai tính tiếp.
Nội dung của bài kinh là thế này, Đức Phật Ngài trình bày ra 24 điểm ngộ nhận của phàm phu, theo chánh kinh là 24 nhưng chúng ta thu gọn lại chỉ còn có 6 thôi. Dựa vào cái gì mà mình thu gọn còn có 6 thôi? Xin nói rõ là ở trong chánh kinh, lúc đó Ngài không giảng, thời đó đại Phật ngôn không có kinh điển, không có chữ viết như mình bây giờ mà chỉ là khẩu truyền tâm thọ thôi. Đức Phật Ngài nói rồi người nghe nhớ được bao nhiêu thì nhớ, chứ không phải như mình bây giờ các vị nghe giảng không rõ rồi mình về mở cái bài kinh đó ra mình coi hay là lên internet mình đọc. Đời trước không có, chính vì cái chỗ này cho nên Đức Phật và chư tăng ngày xưa khi giảng kinh các vị hay có chuyện lặp đi lặp lại mà mình không biết cái chuyện này, mình thấy “Ủa! Sao trong kinh hay có cái chuyện trùng lặp.”
Thí dụ Đức Phật Ngài trình bày về Thất giác chi hay về Tứ niệm xứ, có nhiều câu Ngài đã nói trước đó rồi bây giờ Ngài lặp lại nguyên vẹn không bớt không thêm một dấu phẩy nào hết, mà mình không biết, mình nói “Ủa! Sao kỳ vậy?” Thí dụ Ngài nói về thân quán niệm xứ “Ở đây vị tỳ kheo trong giáo pháp này tinh cần nỗ lực chánh niệm tỉnh giác sống quán thân trên thân diệt trừ tham ưu ở đời”. Rồi Ngài mới hỏi “Thế nào là thân quán niệm xứ?”, Ngài giảng hết thân quán niệm xứ. Rồi Ngài hỏi “Thứ hai, thế nào là thọ quán niệm xứ?”, Ngài nói tiếp “Ở đây vị tỳ kheo tinh cần chánh niệm tỉnh giác sống quán thọ trên các thọ để diệt trừ tham ưu ở đời”. Mình thấy “Ủa! Sao kỳ vậy?” Ở trên Ngài đã nói nguyên cái đoạn đó rồi mà xuống tới đây Ngài lại tiếp tục Ngài lặp lại. Mà mình phải hiểu thêm một chuyện nữa để không thắc mắc, đó là vì Ngài nói chuyện cho một đám đông nghe mà những lời Ngài nói là không có sách vở.
Không phải như mình bây giờ mình nghe sư giảng như vậy mà trước khi giảng sư có thông báo hôm nay tôi giảng về bài Kinh Trung bộ thứ 5, thì lỡ sư đó giảng mình nghe mà nhớ không hết thì về mình mở cuốn Trung bộ bài thứ 5 ra mình coi, khỏe quá. Chưa kể trường hợp mình có ghi âm lại, nhưng đời xưa thì không có phương tiện đó. Cho nên tất cả tùy thuộc vào chuyện lặp đi lặp lại sẽ nhớ dai hơn. Chính vì chỗ này cho nên Đức Phật khi trình bày vấn đề giáo lý Ngài cũng giảng giải rất là chi tiết và cặn kẻ để người ta vừa hiểu mà vừa nhớ được. Chính vì chỗ này mà Thế tôn đã chia chẻ vấn đề ra thành 24 khía cạnh để cho người ta có thể thấm thía ý nghĩa và ghi nhớ một cách dễ dàng. Thấy nó dài nhưng thật ra lại giúp người ta dễ nhớ, còn nếu nói vắn tắt quá người ta khó hiểu mà lại khó nhớ. Khi hiểu rồi tự nhiên người ta nhớ thôi. 21:06
Nội dung bài kinh là Ngài trình bày về 24 điểm ngộ nhận của phàm phu. Đó là phàm phu chấp vào đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng; vào các cảnh trời dục thiên, phạm thiên. Nói chung Ngài đi từ chi li đến đại thể, từ thấp lên cao. Ngài nói phàm phu nhìn cuộc đời này bằng cái nhìn ngã chấp. Nhìn đất, nước, lửa, gió và cố tìm thấy trong đó một cái TÔI, TA, cái CỦA TÔI, CỦA TA. Chưa hết, nếu có tu học hiểu và tin được sự hiện hữu tồn tại của các tầng dục thiên (tứ đại thiên vương, đao lợi, dạ ma, đấu xuất) rồi các tầng phạm thiên đáo đại (phạm phụ, phạm chúng, đại phạm thiên, quang âm thiên, vô lượng quang thiên, biến tịnh thiên, quảng quả, vô tưởng, các cõi tịnh cư), các cõi vô sắc. Thì phàm phu có hiểu được, có tin sự tồn tại của các cõi này thì cũng hiểu và tin bằng cái nhìn Ngã chấp.
Bài kinh này nếu một người không có học A tỳ đàm hoặc mới chỉ là người xem qua lần đầu thì thấy bài kinh này hơi khó hiểu. Nhưng nếu có học A tỳ đàm hoặc bài kinh này được giảng qua một lần rồi, sau này trong một đêm mưa nào đó không ngủ được chúng ta ngồi thắp ngọn nến hay mở đèn lên ngồi đọc thong thả từng trang thì sẽ thấy thấm. Bài kinh này rất là sâu sắc.
Tại sao Đức Phật lại chọn đề tài này? Là bởi 500 vị này tự mình có những Kiến chấp cho rằng kiến thức của bản thân là những kiến thức cao vời không còn gì cao hơn nữa. Đức Phật Ngài mới đem những quan điểm được trình bày sau đó gồm có quan điểm về Tứ Đại, về các cõi dục thiên, các cõi phạm thiên cho đại chúng đặc biệt là các vị tỳ kheo này thấy rằng phàm phu có học được gì có biết được gì thì cũng nhìn mọi sự qua lăng kính của Ngã chấp.
Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện mà có lẽ quí vị đã biết rồi. Trong sách thiền Nhật bản kể một giai thoại, có 4 vị thiền sinh đang ngồi trong thiền thất, mà các vị này có tật nhiều chuyện. Trước vào trong thiền thất thì họ dặn nhau:
-Bữa nay là mình nghiêm túc, không nói chuyện cười đùa nữa. Tất cả đều phải lặng yên để hành thiền. Dù có chuyện gì thì cũng không nói.
Tất cả đồng ý với nhau như vậy rồi thì họ đóng cửa lại ngồi thiền. Lát sau, trời nổi gió lớn thổi bung cánh cửa bật vô bật ra,
Ông đầu tiên lên tiếng: Ai quên gài cánh cửa?
Ông thứ hai nói: Tôi đã gài rồi mà tại sao nó như vậy?
Ông thứ ba nói: Hành thiền mà sao nói chuyện?
Ông thứ tư nói: Nãy giờ có mình tôi là im lặng.
Các vị thấy không, ông thứ nhất và ông thứ hai coi như là hai ông có lỗi ở chỗ là hai ông chấp thủ đã quên lời hẹn lúc nãy giữa huynh đệ với nhau là hành thiền không nói chuyện, muốn cái gì thì đứng dậy mà làm trong yên lặng chứ không cần phải nói om sòm. Nhưng thật sự khi cánh cửa bị gió thổi bung họ chịu không nổi. Thì thôi hai ông này có lỗi mình không có trách, nhưng hai ông sau đúng là lỗi. Ông thứ ba trách hai ông đầu là hành thiền tại sao nói chuyện, rồi tới ông thứ tư lại nói nãy giờ có mình tôi là không có nói thôi, mà hóa ra ổng cũng nói như ai vậy thôi!
Tại sao tôi đem câu chuyện này ra kể ở đây? Nếu không trình bày rõ các vị nghĩ là tôi nói lạc đề hoặc dẫn chứng không chính xác trường hợp, nhưng vấn đề là thế này. Trong Tương ưng bộ kinh, Phẩm Ngã chấp, Đức Phật Ngài nói giống như một con chó mà bị cột vào trong gốc cây thì dù nó có cắn, sủa, cào cấu cách mấy đi nữa thì nó cũng không ra khỏi gốc cây đó. Thì điều đó như thế nào? Đối với kẻ phàm phu mà còn Tà kiến, còn Ngã chấp thì dù họ có lý luận có suy tư, có giỏi có dỡ, có khôn có ngu, có học nhiều có học ít, bất cứ trường hợp nào hễ mà họ còn Tà kiến, còn Ngã chấp thì dứt khoát họ còn quẩn quanh chừng đó thôi. Họ có suy tư gì đi nữa nhưng họ còn Ngã chấp, còn Thân Kiến thì họ có suy tư gì đi nữa thì cũng lòng vòng quẩn quanh cái Thân Kiến đó thôi, không có ra được.
Chẳng hạn như mình ngồi suy tư về sự hiên hữu của một đấng thượng đế nào đó, về sự hằng tại hằng sống của một linh hồn nào đó rồi mong mỏi có một cảnh giới nào đó thật là sung sướng để sanh về ở đó không còn sanh già đau chết v v… Ở đó có đầy đủ hạnh phúc, không có nước mắt, không có chông gai hầm hố, không có thú dữ, không có chuyện người hại người, chỉ có sống không có chết v v… Khi mình ngồi suy nghĩ ra những chuyện như vậy, mình tạo ra một thiên đường ảo tưởng nếu mà mình là người có uy tín trong xã hội và mình trở thành một vị giáo chủ, mình lập ra một tông phái thì có phải nói theo trong kinh Đức Phật nói trường hợp đó chẳng khác nào một người mù mà dắt theo một đám người mù khác vậy thôi. Đã mù rồi dắt đám đui vậy thôi, cứ dìu nhau mà đi trong cuộc đời tăm tối này.
Mình bị cái Tà Kiến nào, bị Kiến chấp như thế nào thì mình sẽ cũng tạo ra những sản phẩm y hệt như con người mình vậy. Người Tây phương có câu “Văn tức người”, văn sao người như vậy. Câu này nếu hiểu sâu theo nghĩa của Phật Pháp rất thú vị, nghĩa là nghe mình nói người ta đọc văn của mình và đoán ra con người của mình. Nếu mình có Chấp thủ như thế nào, con người của mình như thế nào thì tác phẩm của mình nó ra thế đó “Người sao của vậy” là vậy đó.
Đối với phàm phu chưa diệt trừ được Thân Kiến, Ngã mạn và Vô minh thì suy tư của mình nếu không có Phật Pháp dẫn đường rất dễ bị mắc vào lầm lạc. Kể cả trường hợp người đã biết Phật Pháp rồi nhưng họ lại bị mắc kẹt trong đó họ không ra được. Không biết Phật Pháp mình chấp theo kiểu không biết “Đây là con tôi, tài sản tôi, vợ con tôi, gia tài tôi”. Nhưng khi biết Phật Pháp rồi mình không chấp cái đó nữa nhưng lại chấp “Đây là kiến thức của tôi tôi đã hiểu như vậy, đây là trí tuệ của tôi, tri kiến của tôi và tôi thấy trong đám đông này không ai bằng tôi, trong hội chúng này không ai bằng tôi, ai cũng thua tôi, tôi hơn hết mọi người”.
Chính cách nghĩ này giống như là 4 huynh đệ ngồi thiền trong thiền thất khi nãy. Hai ông đầu coi như là đã phạm lỗi rồi, thiền mà còn nói chuyện. Còn ông thứ ba thì đi trách người ta nói chuyện trong lúc tu thiền nhưng chính ổng cũng lại mắc lỗi đó trong hình thức khác. Hai ông kia mắc lỗi vì ham nói, còn ổng mắc lỗi vì ổng ham trách người khác. Ông thứ tư cũng phạm lỗi y chang vậy nhưng không phải trách mà vì sự tự mãn của bản thân ổng. Hóa ra cả 4 ông, ông nào cũng đều nói chuyện trong lúc hành thiền.
Trình bày 24 ngộ nhận của phàm phu, Đức Phật Ngài nói phàm phu có nhìn về vấn đề gì đi nữa thì cũng nhìn qua cái lăng kính của Ngã chấp. Đúng ra Ngài chỉ nói một nửa bài kinh này là 500 vị tỳ kheo đã hiểu rồi nhưng vì muốn cho các vị này được chín muồi trí tuệ để cho họ có thể đạt tới quả vị A la hán cho nên Ngài trình bày xuyên suốt cả bài kinh.
Trọn vẹn bài kinh chỉ có một nội dung vắn tắt: Đối với kẻ vô văn phàm phu không từng tu tập pháp tánh, hiểu biết theo tri kiến của bậc chân nhân thì có nhìn cái gì cũng nhìn qua cái lăng kính của Ngã chấp, thấy rằng “Địa đại là ta, ta là địa đại, có địa đại trong ta, có ta trong địa đại. Này các tỳ kheo ta nói rằng kẻ ấy không bao giờ hiểu được địa đại”. Bởi vì địa đại không phải là cái mà vị ấy vẫn tưởng tượng. 30:25
Thí dụ như có một số người hỏi tôi “Vô ngã là sao?” Thì tùy lúc hoặc tùy hoàn cảnh mà tôi trả lời, nhưng hầu hết người ta nghĩ rằng Vô ngã là một vấn đề của giáo lý Phật Pháp, kiến thức về giáo lý Vô ngã là một cái trình độ tu chứng. Nói vậy cũng đúng chứ không sai nhưng thật ra Vô ngã chỉ là một cái nhìn thôi.
Như hôm trước tôi nói Ngã chấp giống như cái bánh vẽ vậy thôi. Bản thân cái bánh vẽ đó là không có rồi, mà người từ chối cái bánh vẽ là từ chối cái không có, chứ nó không có gì là linh thiêng huyền bị ở đây cả. Từ chối cái bánh vẽ nghĩa là từ chối cái không có thôi. Người hiểu được lý Vô ngã chỉ là người từ chối một cái nhìn mà trước đây mình vẫn dùng, thì đó được gọi là trí tuệ Vô ngã. Chứ nếu mình hiểu được lý Vô ngã là mình có quyền tự hào thì đó là sai. Bởi vì mình hiểu lý Vô ngã chẳng qua là rũ bỏ được cái nhìn sai lầm trước đây của mình mà thôi.
Một đêm tối trên mặt hồ, chúng ta đang chèo xuồng thình lình có một chiếc xuồng khác nó tông vào chiếc xuồng của chúng ta. Ở chỗ này tôi nói thật chậm và các vị cũng nghe cho kỹ dùm. Chúng ta đang đi xuồng trên một mặt hồ giữa đêm tối thì có một chiếc xuồng khác nó tông vào chiếc xuồng của chúng ta. Chúng ta rất là giận, nhưng nếu chúng ta rọi đèn nhìn kỹ lại trên chiếc xuồng đó không có người thì cái giận đó nó sẽ thay đổi, có thể nó vẫn còn đó nhưng nó giảm xuống rất là nhiều. Bởi vì chỉ cần liếc nhìn trên đó có một người nào đó thì chúng ta sẽ giận tại sao người đó họ có ác ý họ tông vào chúng ta hoặc là họ bất cẩn, vô ý hay vụng về tới mức mà họ để cho chiếc xuồng đó nó tông vào chúng ta.
Nhưng đằng này không thấy ai trên đó hết thì cái giận của chúng ta không có nữa mà lại bật cười một mình, còn nếu có thì nó cũng giảm xuống rất là nhiều bởi vì chúng ta nghĩ rằng bị xui thôi, chứ còn mình không biết trách ai bây giờ vì trên xuồng không có ai hết. Cái nhìn về lý Vô ngã cũng như vậy.
Khi mà ai đó mắng tôi, tôi nghĩ rằng ông đó bà đó mắng tôi thì có ông đó bà đó mắng tôi, nó có cái TÔI nữa, thì như vậy nó mới ra lửa. Hai cục đá chạm vào nhau mới ra lửa. Còn đằng này trong cái nhìn xuyên suốt của Phật Pháp thì không có ông đó cũng không có bà đó cũng không có cái TÔI, nó chỉ là sự va chạm của các đơn thể Danh Sắc với nhau thôi. Tức là ở bên cái Danh Sắc đó nó có phiền não, chính cái phiền não ở đó nó mới xui khiến nên nẩy sinh ra những thân nghiệp khẩu nghiệp không tốt.
Tại sao Danh Sắc đó không chọn cái Danh Sắc khác, đối tượng khác để phô bày những thân nghiệp, khẩu nghiệp đó mà lại chọn cái Danh Sắc này? Là bởi vì Danh Sắc này trước đây đã từng có những thân nghiệp, khẩu nghiệp không tốt đời quá khứ. Cho nên đời này Danh Sắc này, Lục Căn này nó mới là đối tượng cho Danh Sắc khác nhìn vào nó ghét, nó mới chọn Danh Sắc này làm đối tượng để mà nó phô diễn những thân nghiệp, khẩu nghiệp không tốt. Còn nếu ngày trước Danh Sắc này không có những thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện thì đời này sẽ không bị bất cứ một cái Danh Sắc nào khác chọn làm đối tượng để mà họ mắng chửi đâu, đó là một chuyện. Chuyện thứ hai, ở trong Phật Pháp không nhìn nhận có chuyện một cái gì đó trong Danh Sắc này nó tồn tại từ đời này qua đời khác, không hề có.
Tôi không biết được trong room mình hiện giờ bao gồm những ai và gồm có những người học A tỳ đàm hay chưa. Tôi hoàn toàn chỉ nói chuyện vậy thôi chứ cũng không thấy ai ngồi trước mặt mình, tôi chỉ trình bày một cách tận tình thôi. Cái gọi là Danh Sắc của kiếp này nó chính là cái hệ quả, cái tác động từ một Danh Sắc quá khứ. 35:50
Thí dụ, khuynh hướng của phàm phu thích nhìn cái gì mình thấy đẹp, tai mình thích nghe cái gì hay thì mới nghe, mũi thích đi tìm mùi thơm, lưỡi thích ăn ngon, thân thích cái êm ấm v v, thì chính cái thích đó của Lục Căn đời này sẽ tạo ra một Lục Căn cho kiếp sau. Rồi qua kiếp đó mà chúng ta vẫn không tiếp tục tu hành, chúng ta tiếp tục dùng Lục Căn của đời đó để hưởng thụ nữa thì chính Lục Căn mà nó tiếp xúc với Lục Trần mà không có tu học đó sẽ nẩy sinh ra Lục Ái. Chính Lục Ái đó sẽ tiếp tục tạo ra Lục Căn khác nữa.
Chúng ta có thể nghĩ như thế này, mình ăn một trái xoài rồi ném hột xoài đó xuống một chỗ đất thích hợp, về sau ở đó sẽ nẩy sinh ra một cây xoài và trên cây đó lại có trái. Những trái xoài mới này không phải là trái xoài mà chúng ta đã ăn mấy chục năm về trước, trái xoài của lúc này không phải là trái xoài của thế hệ trước. Tuy nó không phải nhưng nó là hệ quả, kết quả có được từ trái xoài trước đây.
Cũng giống như chúng ta được cha mẹ tạo ra cái hình hài này, chúng ta riêng mà cha mẹ chúng ta là riêng, nhưng cái hình hài này là do mẹ sanh ra. Sau này nếu chúng ta có gia đình chúng ta lại có con, thì con không phải là chúng ta mà con chính là tác phẩm của chúng ta. Tuy nó không phải là chúng ta nhưng nó là tác phẩm của chúng ta, thì chính mình là người tạo ra mình. Lục Căn hay Danh Sắc Ngũ uẩn của đời trước tạo ra chúng ta.
Nếu một người hiểu lý Vô ngã thì hiểu rằng Lục Căn đời trước nó tạo ra Lục Căn đời này và nếu không tu tập thì Lục Căn đời này nó tiếp tục tạo ra Lục Căn đời sau. Trong quá trình đó không hề có một cái gì gọi là TÔI, TA; không có một cái gì mà nó transfer từ đời này qua đời khác hết.
Giống như Bà la môn giáo họ lại hiểu sai là có một cái TÔI, một cái TA, có một linh hồn. Linh hồn giống như con chim khi nào cái lồng bị hư thì con chim đó mới bỏ cái lồng đó bay qua cái lồng mới.
Nhưng trong giáo lý A tỳ đàm thì không nhìn nhận chuyện đó. Trong kinh điển Nam tông thì không nhìn nhận có chuyện có một cái TÔI, có một cái linh hồn hoặc có một cái A lại gia thức nó đi từ kiếp này qua kiếp khác, không có. Tất cả các tâm của mình, tâm phàm hay tâm thánh, nó chỉ tồn tại trong một sát- na rồi nó mất, rồi một tâm khác xuất hiện. Trong đời sống của mình có vô số sát-na tâm tiếp nối nhau sanh diệt liên tục mà vì nó quá nhanh đi cho nên mình không thấy được; mà nghĩ rằng có một cái TÔI, cái TA trong một cái linh hồn thường hằng bất biến hết giờ này qua giờ khác, trước sau chỉ có một linh hồn, một cái TÔI đó thôi.
Nhưng nếu chúng ta là hành giả tứ niệm xứ chúng ta sẽ thấy rõ rằng cái tâm của mình nó không phải là một. Vì có lúc nó vui, có lúc nó buồn, có lúc nó dễ chịu, có lúc nó khó chịu, có lúc nó thiện, có lúc nó ác, có lúc nó nghĩ về chuyện tốt, có lúc nó nghĩ chuyện xấu.
Đừng nói ở đâu xa, ngay cái nội tâm của tôi lúc đang giảng bài kinh này đây thì cũng lúc vầy lúc khác. Khi mà sắp sửa giảng tới cái chỗ khó hiểu thì tôi nhiều khi có hơi bực mình là vì không biết sự hy sinh của mình có đúng chỗ hay không. Vì trước mắt mình không có ai hết, mình chỉ ngồi giảng một mình thôi. Không biết người ta còn nghe hay người ta đi ngủ, chỉ cần người ta không off máy thì mình vẫn thấy cái tên người ta vẫn còn ở đó, mình ở đây mình cứ nói, mà nói những chỗ khó nhớ khó hiểu, mình tìm cách cho người ta nhớ, người ta hiểu mà trong khi mình chỉ đang nói chuyện trước mắt mình chỉ là cái máy thôi, và ở đầu kia thì họ dắt nhau đi ngủ mất tiêu mình cũng không thấy gì hết. Chính sự bận tâm này cũng là cái Vô thường. 40:21
Khi mình cầm cái mic lên được vài phút thì cái tâm mình rất là mát mẻ. Nhưng khi thấm mệt rồi thì nhiều khi mình quạu, chưa kể nhìn lên đọc mấy câu “chat” trời ơi đất hỡi mình còn dễ sùng nữa. Tại sao tôi nói điều đó là vì tôi muốn mượn bản thân mình để làm cái ví dụ là có một cái TÔI nào đó thì tự nhiên có cái phiền, có cái thích, có cái bực, có cái thương, có cái ghét, có cái phân biệt. Nhưng đối với một bậc thánh đã đoạn diệt Ngã chấp thì các Ngài không còn cái bực mình đó nữa. Các Ngài chỉ tự hỏi lòng mình đã sống trọn vẹn với chúng sanh hay chưa. Tâm hồn của bậc thánh đối với chúng sanh trong kinh mô tả như tâm hồn của bà mẹ đối với con, lúc nào cũng nghĩ có lợi ích cho chúng sanh là được rồi, còn mình sao cũng được. Nhưng đối với phàm phu thì họ làm sao mà có thể vị tha, xả kỷ một cách tuyệt đối như bậc thánh được, cái đó rất là khó vì chúng ta có Ngã chấp bỏ không được.
Cho nên trong bài kinh này Đức Phật nói rằng một người mà chưa có hiểu được, chưa có tu được tới nơi tới chốn pháp của bậc thánh; chưa có hiểu, chưa có hành được pháp của bậc chân nhân thì có nhìn về cái gì đi nữa thì cũng nhìn qua cái lăng kính Ngã chấp. Thí dụ mình có đi buôn bán, cái này mình cho con mình, cái này đi mua nhà, cất tiền bạc đem về nuôi vợ con của mình, mua cái nhà bự hơn đẹp hơn trong làng trong xóm ai cũng biết mình. Sau đó khi trở thành ông chủ rồi mình mong mỏi cho cái làng, cái xã mình; nếu có làm vua thì cũng mong mỏi cho quốc gia của mình. Nói trên mặt từ ngữ thấy có vẻ mình là người có trách nhiệm nhưng thật ra trong đáy lòng của mình có phân biệt, có chấp thủ cái này là TÔI, cái đó CỦA TÔI. Cho nên cái chức vụ, cái địa vị của chúng ta càng lớn chừng nào thì cái Ngã của chúng ta càng lớn chừng đó.
Thí dụ thời chiến tranh một bà mẹ có hai đứa con, một đứa đi lính ở vùng 1, một đứa đi lính ở vùng 4. Mỗi lần coi báo hoặc nghe đài mà nói ở vùng 1 có đụng trận hay ở vùng 4 có đụng trận thì bà mẹ có hai cái lo “Hỏng biết cái thằng ở vùng 1 nó có sao hay không? Cái thằng ở vùng 4 có sao hay không?” Nhưng nếu bà mẹ có bốn đứa con ở 4 vùng chiến thuật thì mỗi lần bả nghe ở trên cao nguyên Ban mê thuộc có đụng trận bả cũng lo nữa “Không biết trên cao nguyên ra sao rồi?” Tới năm 1975 không còn cái chuyện Nam Bắc phân tranh nữa thì 4 đứa con đi vượt biên từ 4 tỉnh khác nhau, đứa đi ở Bà Rịa, đứa đi ở Nhà Bè Tân Quy, đứa đi ở biển Ba Động Trà Vinh, đứa đi ở Bạc Liêu. Khi tiễn chân 4 đứa rồi thì bả nghe đài báo bão coi ở vùng nào bị bão, nghe ở miền Tây bị bão thì lo cho 2 đứa ở biển Ba Động Trà Vinh và ở Bạc Liêu; bả nghe miền Đông bị bão thì sợ cho đứa ở Bà Rịa hoặc ở Nhà Bè.
Khi mà mình có nhiều cái để mình thương thì cái lo, cái Ái của mình nó cũng vương rộng ra đó. Cái Ái nó vương ra đến đâu thì cái lo nó vương ra tới đó. Sau này 4 đứa con đó qua tới Mã Lai, Indo rồi được Mỹ hoặc được Anh, Úc, Đức cho đi định cư ở 4 quốc gia khác nhau thì sau đó bả nghe nói tụi khủng bố nó quậy ở Mỹ thì bả có đứa con ở đó nên bả bắt đầu lo. Nay mai bả nghe nói người Anh họ cũng xua quân đi đánh Iraq, thế nào Hồi giáo cũng trả thù người Anh, lúc đó bả chực nhớ lại đứa con bả ở Anh bả cũng lo, thí dụ như vậy.
Sở dĩ nói dài dòng như vậy vì tôi muốn trình bày một vấn đề đó là khi mà mình có cái thương, cái thích nó vương dài đến đâu thì cái lo của mình nó cũng vương dài ra đến đó. Thí dụ mình không nghĩ về mình nhiều lắm thì bớt khổ, tài sản mình càng ít chừng nào thì mình cũng sẽ bớt khổ. Còn mình có nhiều tài sản hoặc có nhiều cái để lo, như tôi chẳng hạn không có tài sản gì, chỉ có mấy cuốn sách thôi mà nếu mình đi đâu ngoài phố lát sau mình về, tới đầu hẻm mình thấy sao gần cái chỗ ở của mình sao nó bốc khói tự nhiên mình cũng lo. Mình thì tắt lò tắt bếp rồi yên tâm rồi, nhưng không biết chung quanh hàng xóm có ai ẩu tả làm cho cháy nhà lây qua chỗ mình ở hay không, thí dụ vậy. Đó cũng là cái lo. Mình có cái thích thì sẽ có cái lo. Cái thích, cái lo ở đâu thì cái Ngã chấp nằm ở đó. Ngã chấp nằm ở đâu thì có cái lo nằm ở đó. 45:40
Mà phàm phu thì từ kiến thức cho tới địa vị, văn hóa, xã hội, những thành đạt trên đường công danh v v , thì bất cứ cái gì phàm phu có thì phàm phu nhìn những cái mà mình có bằng cái nhìn của Ngã chấp. Đó là TÔI, đó là CỦA TÔI. Khi mà phàm phu thấy như vậy rồi thì tất cả những cái phàm phu có nó chỉ vừa đủ để làm cho phàm phu thấy khổ nhiều hơn là thấy được an lạc. Trong khi đó, đối với các bậc thánh nhân thì những gì mà các Ngài chứng đắc, những gì mà các Ngài thành tựu các Ngài nhìn thấy nó chỉ như sương khói mà thôi. 46:15
Cho nên trong kinh nói tất cả Chư Phật Chánh đẳng chánh giác sau khi thành đạo thì ngoài 7 tuần lễ đầu tiên ngồi quán sát và hoan hỷ trong những gì mà mình vừa giác ngộ. Sau đó các Ngài đều có ý muốn niết bàn vì hai lẽ, một là vì đối với một người không còn phiền não nữa, theo ngôn ngữ bây giờ là không còn nhựa sống nữa, sống không còn cái gì để mà đam mê nữa. Các Ngài thấy rằng cái chuyện kéo dài thời gian sống không cần thiết, các Ngài không có ý chán đời nhưng có điều là các Ngài thấy nó không cần thiết.
Mình đừng đem suy nghĩ đó của chư Phật để mình so sánh với mấy người tự tử rồi nói chư Phật với mấy người đó giống nhau. Không phải. Các Ngài là những người đã hoàn tất được đại sự rồi thì các Ngài thấy không còn gì để tha thiết nữa. Còn mình tự tử là vì sao? Là vì mình hưởng thụ tới mức không còn gì để thưởng thức nữa cho nên mình mới chán. Hai hình thức đó mới nhìn qua thì thấy giống nhau nhưng hiểu kỹ thì khác nhau nhiều lắm.
Lý do thứ hai các Ngài muốn viên tịch là bởi vì các Ngài thấy rằng pháp mà các Ngài chứng đắc rất là khó hiểu, nếu đem trình bày cho chúng sanh thì có được bao nhiêu người hiểu đây? Khi mà hiểu ra Duyên Khởi, Phạm thiên hiện xuống thỉnh Đức Phật tiếp tục trụ thế để mà hoằng dương chánh pháp, nói theo kinh điển Pali. Nếu nói theo phàm phu mình mà chứng đắc nhất thiết trí tức là hiểu được tất cả mọi pháp như Đức Phật rồi trí tuệ, thần thông của mình cũng được như Ngài thì mình sẽ nghĩ là mình rất là hạnh phúc, mình vui lắm bởi vì mình hiểu được 1/4 của trời đất này đã thấy vui rồi.
Còn đằng này Đức Phật cái gì Ngài cũng biết từ vô thủy luân hồi quá khứ cho tới vô tận tương lai theo như kinh nói Đức Như lai hướng tâm đến điều gì thì Ngài lập tức biết ngay điều đó, trí tuệ của Ngài là vô ngại không bị vướng kẹt. Nhưng khi mình hiểu mọi chuyện như Đức Phật thì mình cũng sẽ có cái nhìn giống như Ngài tức là mình không có tha thiết gì nữa.
Tôi nhớ năm 1993 có dịp tôi về miền Tây Việt Nam có một số Phật tử ở phà Mỹ Thuận họ mời tôi về giảng ở làng của họ. Họ có hỏi tôi vậy chứ họ đi nghe giảng ở chùa là các bậc thánh không còn nghi ngờ thắc mắc về vấn đề của thế giới, của vũ trụ nữa thì tại sao như vậy?
Tôi nhớ tôi đã trả lời là tôi không phải là thánh, dĩ nhiên tâm trạng của bậc thánh còn tôi là tâm của người phàm làm sao tôi có thể trình bày. Nhưng tôi có thể y cứ trên Phật Pháp mà trả lời thế này, trong kinh Đức Phật Ngài đã xác nhận ở đâu mà có Danh có Sắc, đã có Sanh thì nó phải có Diệt. Bên Bắc tông thì có câu “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, cái gì có hình tướng thì nó chỉ là sương khói hư vọng mà thôi.
Mình không biết, không nhớ những điều đó, mình đi du lịch được một nước, tham quan được một thắng cảnh thì mình thấy mình thích thú mình đam mê. Nhưng đối với các Ngài giống như những người đã từng trãi cuộc đời thì không có gì mà đáng để cho các Ngài phải bận tâm nữa. Như một người từng lăn lóc trong cuộc đời, nơi nào cũng đến, từng ăn cơm ngàn nhà, buồn vui gì cuộc đời mình cũng từng nếm qua thì bây giờ có vào trong mấy chỗ như sở thú hoặc ở những chỗ vui chơi giữa lúc mọi người đang cười vui hỷ hả, đừng nói chi bậc thánh, chỉ cần người phàm mà từng trải cuộc đời cũng nghĩ rằng sau chuyến đi này mình phải tiếp tục mình lo chén cơm manh áo cho gia đình. Chỉ nghĩ bao nhiêu chuyện đó đã mất vui rồi, không còn tha thiết nữa. 51:18
Các bậc thánh cũng vậy, khi các Ngài nhìn thấy cuộc đời này là Vô thuờng Khổ Vô ngã, thấy vô số chúng sanh bị lặn hụp lăn trôi trong vòng sanh tử luân hồi, thấy vô số chúng sanh bị sa đọa trầm luân trong các khổ cảnh, các Ngài thấy rằng cái chuyện sanh lại cảnh người hoặc tái sanh vào trong cảnh trời rất là khó khăn. Khi mà nhìn thấy chỗ đó thì lòng đam mê của mình đối với cuộc sống nó không còn nữa, thấy nó ngao ngán.
Lúc đó tôi nhớ đang ngồi giảng kế bên một con rạch, lấy tay chỉ con rạch tôi hỏi từ đây mà vô trong ruộng là bao xa? Mấy người ngồi bên cạnh tôi họ nói khoảng chừng cây số. Tôi hỏi cây cỏ và những động vật mà nó sống dưới con rạch này như còng, cua, tép, cá ở dưới đây các vị có biết tên hết không? Họ nói gần như biết hết, thí dụ có con gì hoặc cỏ gì, họ lớn lên ở miền đó họ biết. Tôi hỏi có bao giờ vì một thắc mắc mà họ phải lặn hụp trong con rạch đó từ ở đầu vàm vô tới trong ruộng 1 cây số để mà mò ở trong từng cái hang cua, hang còng để mà ngắm nghía coi có bao nhiêu con ếch, nhái, bụi cỏ, lục bình, bụi rác, bụi điên điển, ô rô, bao nhiêu dề rau mác hay không? Họ cười và nói rằng đâu có cần bởi vì chỉ cần biết vậy là đủ rồi, biết từ đây vô đó là 1 cây số và trên bờ thì gồm có mấy cái bụi ô rô, bụi sậy, bụi lác, bụi năng; ở trên mặt nước gồm có lục bình, rau mác; biết vậy là đủ rồi chứ đâu có cần phải lặn hụp dưới đó để tìm kiếm, soi mói từng chỗ từng nơi làm chi.
Nó chỉ chừng đó thôi.
Sau khi tôi hỏi xong và họ đã trả lời như vậy thì tôi nói rằng chúng ta cũng có thể hiểu ở trong pháp không có hoài nghi với Phật Pháp là như vậy, thấy ở đâu cũng vậy thôi, ở đâu cũng là Vô thuờng Khổ Vô ngã, cũng chỉ là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, ở đâu cũng là Sanh Già Đau Chết. Các Ngài không còn nghi vấn, không thèm thắc mắc làm chi mấy thứ đó. Đối với phàm phu vì quá quan trọng những cái mình có, cho dầu mình có làm ăn mày đi nữa thì mình cũng vẫn nghĩ rằng mình là mình, TÔI là TÔI. Khi mà người ta có xúc phạm tới mình mình mới thấy bị sốc, vì mình còn thấy mình là mình, mình quan trọng hóa bản thân mình thì mình thấy chuyện gì cũng là quan trọng cả. Còn đối với bậc thánh các Ngài nhìn thấy vạn pháp trong một cái nhìn hiểu biết thì không phải như vậy nữa.
Và có lẽ ở đây chúng tôi cũng nên nhắc lại một câu gần như thành ngữ trong nhà đạo của mình mà mình cũng thường nghe là “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Nói theo kinh điển Nam tông thì bồ tát cũng là chúng sanh phàm phu 100% như mình không gì khác, chỉ có điều là các Ngài có lòng đại bi với chúng sanh, có trí tuệ rộng lớn hiểu được cuộc đời này trên bình diện sâu và rộng hơn thôi. Bởi vì các Ngài là những vị Phật tương lai mà. 54:54
Bồ tát sợ nhân là sao? Tức là khi có điều kiện tạo tội lỗi dù có hấp dẫn cách mấy các Ngài cũng từ chối bởi vì đó là hành động tội lỗi là không làm dù vui cách mấy, hạnh phúc cách mấy mà đã là tội lỗi thì không có rớ tay vào. Gặp nhân ác thì không làm nhưng khi gặp quả khổ như gặp ai đó đánh đập, chửi bới thì các Ngài lại tỉnh bơ. Còn phàm phu mình lại khác, phàm phu khi có điều kiện để làm ác chỉ cần vui là mình làm, lúc đó là tạo nhân mình không có sợ. Nhưng tới lúc gặp quả thì mình lại sợ, tức là gặp ai chửi mình, đánh mình thì mình bị sốc.
… Người lớn trước khi đi ngủ đánh răng là vì không muốn đau răng và khi bị đau răng thì không có khóc. Còn trẻ con bất cứ lúc nào có kẹo là ăn, kể cả trước khi đi ngủ gặp kẹo cũng ăn, chỉ biết là ăn cho sướng cái miệng mình thôi. Nhưng khi nào bị nhức răng thì bắt đầu khóc. Thì đó có thể tạm ví dụ bồ tát ở đây là người lớn biết giữ vệ sinh cho mình và lúc răng bị nhức thì không có khóc. Còn trẻ con không biết vấn đề vệ sinh lúc tạo nhân thì nó không có sợ nhưng lúc gặp quả thì nó lại không đủ can đảm để gánh chịu. Phàm phu mình trong cái nhìn Ngã chấp cũng vậy.
Có người hỏi tôi tại sao trong kinh nói cuộc đời này là biển khổ? Lý do rất đơn giản là bởi vì chúng ta có khuynh hướng ác nhiều hơn thiện, chúng ta thích làm ác nhiều hơn làm thiện. Cho nên cuộc đời này mở mắt ra là mình đã thấy cảnh bất toại nhiều hơn là cảnh toại nguyện, thế là cuộc đời là khổ. Nếu mà mình không hiểu chỗ này, mình nói Phật giáo là đạo bi quan, phải nói rất nhiều học giả đã mắc vào lầm lỗi đáng tiếc này khi nói Phật giáo là bi quan bởi vì thấy trong kinh lúc nào cũng nói chuyện Sanh Già Đau Chết hết. Như vậy Phật giáo là bi quan? Không phải. Đức Phật Ngài nhìn nhận cuộc đời này có hạnh phúc nhưng Ngài cũng nói thêm là không hạnh phúc nào bền hết, cái gì nó có rồi cũng mất, nó có Sanh rồi nó có Diệt chứ không phải Ngài không thấy. Mình đâu có hơn được Ngài mà mình còn thấy được những hạnh phúc thế gian thì làm sao mà Ngài không thấy. Ngài đích thân là một ông vua mà, Ngài thấy chứ, nhưng có điều là Ngài hiểu ra được một chuyện có rồi thì nó phải mất, có rồi thì nó không có bền. Sau khi mà mình hiểu được chuyện đó rồi thì mình mới hiểu là đạo Phật không phải bi quan như trước giờ mình vẫn nghĩ.
Tóm tắt lại bài Kinh Căn bản pháp môn này là trong đó Đức Phật trình bày 24 quan điểm ngộ nhận của phàm phu mà đặc biệt là Ngài gom cả vấn đề niết bàn vào trong đó. Ngài nói: Kể cả vấn đề niết bàn, phàm phu suy nghĩ về niết bàn cũng tìm cách gán ghép áp đặt vào đó một cái suy nghĩ về TÔI, CỦA TÔI, thấy TÔI là NIẾT BÀN, NIẾT BÀN là TÔI, trong TÔI có NIẾT BÀN, trong NIẾT BÀN có TÔI. Người như vậy sẽ không bao giờ hiểu được NIẾT BÀN là gì cả.
Đất nước Lửa Gió cũng vậy, vị ấy nhìn về Đất nước Lửa Gió, nhìn về các cảnh trời, nhìn vào hạnh phúc nhân thiên vị ấy cũng có cái suy nghĩ đem cái TÔI gắn vào trong đó. Người như vậy thì sẽ không hiểu được gì về thế giới này cả. Để hiểu về thế giới này phải là người có cái nhìn khách quan. Cuộc đời nó ra sao thì thấy nó như vậy và mình không có can dự vào nó, giống như mình không nhìn đời qua cặp kính màu. Bữa nào mình buồn thì mình thấy cuộc đời nó buồn, bữa nào mình vui thì mình thấy cuộc đời nó vui là vì mình nhìn cuộc đời qua chính cái lăng kính của BẢN NGÃ này, qua lăng kính TÔI và CỦA TÔI, còn bậc thánh thì không phải như vậy.
Chính từ chỗ này có điểm khác biệt rất là lớn giữa phàm và thánh, giữa người có tu tập pháp thánh nhân và giữa những người không có tu tập pháp của thánh nhân, giữa những người có nghe pháp của bậc chân nhân và giữa những người không có nghe pháp của bậc chân nhân là như vậy. 1:00:00
Nội dung bài kinh này đức Phật Ngài muốn nhắm đến chuyện hướng dẫn cho 500 vị tỳ kheo đa văn bác học kia thấy rằng cho dù có học giỏi cách mấy đi nữa thì cái giỏi đó, nếu những hiểu biết đó vẫn bị nhìn, bị đánh giá, bị nhận xét thông qua cái nhìn NGÃ CHẤP của phàm phu thì những kiến thức đó nó chỉ có hại cho mình nhiều hơn là có lợi cho mình.
Và ở trong Tăng chi bộ kinh, bài Ví dụ về con rắn, Đức Phật Ngài có dùng cái ví dụ một người bắt rắn mà không biết cách bắt mà nắm nhầm chỗ thì bị rắn cắn như thế nào, thì đối với việc học Phật Pháp mà không hiểu đúng ý của Phật Pháp thì coi chừng mắc vào TÀ KIẾN khác nguy hiểm hơn nữa.
Cho nên với Bài Kinh căn bản pháp môn, Ngài nhằm mục đích cho mình thấy tất cả chỉ là phương tiện mà thôi. Ngay cả Đất Nước Lửa Gió, những kiến thức của mình về các cõi trời, về các cõi nhân thiên, về Danh Sắc; tất cả những cái đó chỉ là phương tiện, chỉ là đò qua sông mà thôi. Còn nếu mình muốn ôm giữ nó vào mình thì cũng giống như một người thấy cái miếng miểng chai đẹp quá thì đưa tay nắm chặt nó lại thì tay mình bị đứt bị chảy máu như thế nào thì đối với Phật Pháp mình có hiểu biết Phật Pháp được chút đỉnh gì đó rồi mình chấp chặt vào trong đó thì mình sẽ bị chảy máu chứ còn miếng miểng chai đó không có ảnh hưởng gì hết.
Bài Kinh Căn bản pháp môn lẽ ra nếu mà đem phân tích ra từng điều thì nội dung rất là sâu sắc nhưng vì tôi giảng bài kinh này cho một đại chúng mà tôi không thấy mặt cho nên tôi nghĩ có lẽ chỉ một bài giảng đêm nay cũng đã kết thúc nội dung của bài kinh này. Và các vị muốn đọc sâu, đọc rộng hơn thì có thể đọc thẳng vào bản Trung bộ kinh Tập 1 của Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ Tiếng Pali ra Tiếng Việt. Còn các vị nào có điều kiện thì đọc thêm Chú giải của kinh này có tựa Pali là (?) của Hội Pali Text Society, đi vào đó nếu đọc bản Tiếng Thái hay bản Tiếng Anh thì cứ lên internet tìm thì sẽ thấy bản kinh đó.