Kinh Pháp Cú số 285

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Kính bạch chư Tăng
Kính thưa các vị Phật tử

Chúng ta có thể xem lại cái phần duyên sự này ở trong kinh Bổn Sanh của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch sang tiếng Việt từ năm 1982. Câu chuyện rất là thú vị, rất là hay. Để bắt đầu buổi giảng này chúng tôi cũng xin phép điểm lại chút xíu vài điều dường như chưa được nhắc đến trong phần duyên sự. Trong Trung Bộ kinh tập 3, có một lần Đức Phật ngài dạy cho chư tăng rằng “Này các tỳ kheo, Xá Lợi Phất giống như là sanh mẫu tức là người mẹ ruột của chư tăng. Còn Mục Kiền Liên giống như dưỡng mẫu tức là bà vú nuôi. Tại sao như vậy? Này các tỳ kheo, là bởi vì Xá Lợi Phất có khả năng hướng dẫn cho vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ, tỳ kheo, tỳ kheo ni từ trình độ phàm phu sang Thánh quả Tu Đà Hườn rất là thiện xảo. Ngài Xá Lợi Phất rất là giỏi, rất là chuyên về lãnh vực này cho nên Xá Lợi Phất được xem là sinh mẫu của tứ chúng đệ tử của Như Lai. Riêng về Mục Kiền Liên có thể xem là vị dưỡng mẫu vì các vị nào đang trên con đường tu tiến đến những tầng thánh đạo cao hơn thì ngài Mục Kiền Liên ngài có khả năng, ngài rất là thiện xảo trong chuyện này. Cho nên ngài Mục Kiền Liên là một vị dưỡng mẫu của chư tăng và tứ chúng nói chung”. Tuy nhiên chúng ta biết là sở dĩ ngài Xá Lợi Phất được xem là bậc sanh mẫu, người hướng dẫn cho những cá nhân phàm phu chứng đắc sơ quả là bởi vì Ngài có cùng một lúc nhiều cái thắng hạnh đặc biệt. Một, Ngài là bậc đệ nhất trí tuệ. Tức là trí tuệ của Ngài ở trong Thanh Tịnh Đạo nói là (Pali) là ngoại trừ vị Chánh Đẳng Giác ra thì trong vô lượng thế giới này không có một chúng sanh nào có được một phần mười sáu trí tuệ của tôn giả Xá Lợi Phất. Và ở đây chúng ta nên nhớ là cái chữ (Pali), một phần mười sáu, là cách nói theo kiểu số học của Ấn Độ thời xưa, chứ một phần mười sáu nó giống như một phần trăm của mình bây giờ vậy. Tức là trong vô lượng thế giới, trong vô lượng thái dương hệ, trong vô lượng vũ trụ thì không có một chúng sanh nào có được một phần trăm trí tuệ của ngài Xá Lợi Phất chỉ trừ ra bậc đạo sư mà thôi, bậc đạo sư là sư phụ của ngài Xá Lợi Phất. Chính vì vậy ngài Xá Lợi Phất ngài có một khả năng là hiểu được cơ tánh của chúng sanh. Tuy nhiên Ngài vẫn có những cái giới hạn nhất định của một vị Thinh Văn. Vào một mùa an cư đó, có một vị tân thọ tỳ kheo là đệ tử của Ngài. Vị tỳ kheo này trước khi xuất gia vốn là một công tử con nhà giàu có, ăn sung mặc sướng quen rồi. Ngài Xá Lợi Phất ngài mới suy nghĩ thế này “Nếu mà học trò của mình nó quen như vậy, mình hãy cho nó sống ngược lại, một nếp sống bần cư, khổ hạnh, hạn chế đi thói quen hưởng thụ, tham dục ở ngoài đời”. Ngài nghĩ như vậy nên Ngài hướng dẫn cho người học trò này ăn rồi thì cứ răng, tóc, móng, lông, da, tim, gan, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, nước tiểu…Mà vị tân thọ này mỗi lần quán tới đó là ốc ác nổi đầy người, không có cách nào quán được. Ba tháng an cư trôi qua mà mỗi lần hành thiền nó ớn lạnh, sợ quá, gớm quá. Thậm chí mình đang ăn mình thấy người ta khạc nhổ hoặc là thò ta vào lỗ mũi là thấy khó chịu rồi thì nói chi là một người ăn rồi cứ ngồi nghĩ đến mấy chuyện đó, thiệt tình là phải nói rất là khó xử cho vị này. Ngài Xá Lợi Phất ngài không phải là ngã mạn nhưng dù sao Ngài cũng tự tin vào khả năng của mình. Nhưng mà lần này Ngài lấy làm lại là tại sao đã tận lực rồi mà không thể giúp được người học trò tiến được trên con đường tu chứng. Vì vậy vào một buổi sáng, ngài Xá Lợi Phất đã dắt người học trò này đến gặp Đức Phật. Sau khi ngài Xá Lợi Phất trình bày sự kiện học trò của mình như vậy cho Đức Phật nghe. Đức Phật chỉ nói một câu ngắn gọn thôi “Thôi được rồi, Xá Lợi Phất cứ để vị học trò tân thọ tỳ kheo của ngươi ở đây, chiều nay ngươi đến nhận về. Chỉ vậy thôi, đừng có bận tâm nữa”. Sau khi đãnh lễ Thế Tôn từ biệt ra về, ngài Xá Lợi Phất đã để người học trò ở lại với Đức Phật. Trong kinh nói Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một cái lá y rất là đẹp, đẹp tương đương với vải silk của mình, loại vải tốt vài đẹp, màu y đẹp mà thân vải cũng tốt. Ngài cho vị này mặc y mới. Chúng ta cũng nên biết thêm Đức Thế Tôn ngài có vô số tín chủ luôn luôn có một lời cầu thỉnh dài hạn là “bất cứ khi nào Thế Tôn và chúng Tăng có duyên sự không thể tuần tự hóa duyên thì xin tự động đến nhà chúng con khất thực không cần mời thỉnh trước”. Chúng ta phải nhớ rõ chuyện này, không nhớ rõ lại đâm ra rắc rối nữa. Tức là “Khi nào có một duyên sự đặc biệt xin Thế Tôn và Tăng chúng cứ tùy tiện, tự ý đến đây để mà hóa độ chúng con không cần một lời cầu thỉnh thứ hai”. Lúc đó sau khi Thế Tôn đã cho vị tỳ kheo này một lá y mới rồi dắt đi đến một gia đình tín chủ để mà thọ thực những món gọi là sơn hào hải vị. Sau khi đã cho ăn ngon, mặc đẹp rồi, Đức Phật đưa vị này trở về chùa Kỳ Viên. Nói chưa bao giờ thì hơi quá đáng mà là hiếm khi Ngài cư xử như vậy với một vị tân thọ tỳ kheo mà xa lạ như vậy, hậu hỷ và nồng ấm như vậy. Ngài kêu vị tỳ kheo này vào nghỉ trong một căn phòng. Căn phòng mà vị tỳ kheo này nghỉ trưa cũng là do Đức Thế Tôn hóa hiện thần thông, căn phòng với đầy đủ nhiệt độ thích hợp. Xong xuôi Ngài mới nói “Hãy nghỉ trưa”. Rồi buổi chiều hôm đó Ngài mới dắt vị này ra cái hồ sen ở chùa Kỳ Viên. Đức Thế Tôn có chỉ cho vị này nhìn ngắm hồ sen, các đóa sen đó có cái sắp nở, đang nở và đã nở, đó là mặt nước trong, những con cá, con rùa đang bơi lội. Ngài hướng dẫn, Ngài chỉ cho vị này bằng những lời lẽ ngọt ngào chân tình của một người cha, người thầy. Xong xuôi Ngài nói “Bây giờ ngươi ngồi đây, Như Lai có việc phải vào nghỉ trong tịnh thất”. Đức Phật nói vậy rồi Ngài trở vào trong tịnh thất. Khi mà Ngài nằm trong tịnh thất Ngài dùng tha tâm thông để theo dõi tâm của vị này.

Thì thấy vị này đang để mắt theo dõi nhìn ngắm một đóa sen tuyệt đẹp nó đang nở rực rỡ ở trên mặt hồ với tất cả sự hoan hỷ, thỏa thích. Không thỏa thích sao được, vì mình vinh hạnh được bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Tứ Sanh Từ Phụ, Thiên Nhân Sư, bậc Thế Tôn lo lắng từ sáng tới giờ mà giờ được dắt ra ngồi ngắm sen, cảnh đẹp như thế này, trời trong mây trắng. Đang hoan hỷ như vậy, trong lúc vị này đang chú mục vào một đóa sen thì Thế Tôn dùng thần thông khiến cho đóa sen từ từ nó đổi màu từ hồng phấn nó chuyển sang cái màu tái sạm, rồi từ từ nó héo úa đi, nó rơi rụng từng cái đài, cái cánh, cuối cùng nó chỉ còn trơ lại cái gương và từ từ cái cuốn của nó cũng héo, nó khô, teo tóp và đóa sen nó gục xuống. Trong lúc đó vị này theo dõi từng bước từng bước như vậy. Tất cả những hiện tượng biến hoại của đóa sen hoàn toàn do khả năng thần lực của Đức Phật tác động. Vị này lúc đó trong vô thức nhìn ngắm mà không biết gì đến thực tại xung quanh và vị này chợt nghĩ ra một điều “Thì ra vạn pháp là vô thường. Nó sao thì ta vậy” (Pali) “Đây sao kia vậy. Kia sao đây vậy”. Vị đó lập tức chứng quả Alahán. Cách đó chừng một chút xíu thôi ngài Xá Lợi Phất trở lại hầu Phật và Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất rằng “Hãy đem học trò ngươi trở về đi. Những chuyện gì cần làm cho vị này, vì lòng bi mẫn của bậc đạo sư đối với đệ tử Như Lai đã làm xong. Ngài đã hoàn tất cái cứu cánh tu học của một vị Sa môn, của một vị đệ tử, vị này đã làm xong lời Phật dạy”. Thì lúc đó khi mà ngài Xá Lợi Phất ngài dắt người học trò đi về rồi thì chư tăng mới hỏi Đức Phật “Vì sao?”. Dĩ nhiên, Ngài là vị Pháp Vương Vô Thượng, Ngài là bậc đầy đủ phương tiện tế độ chúng sanh nhưng mà vì sao đối với vị tỳ kheo này Ngài lại dùng một phương thức tế độ đặc biệt như vậy? Đức Phật mới dạy rằng lý do đơn giản ở đây là một vấn đề về yếu tố tâm lý quan trọng trong tâm hồn của vị tỳ kheo.Trước khi gặp Như Lai trong kiếp này để trở thành một vị Alahán vị này đã trãi qua năm trăm kiếp liên tục làm thợ bạc, thợ kim hoàn. Ăn rồi là cứ nấu vàng, đúc lò, sửa, khoét, nạo, cạo, làm các món nữ trang. Đầu óc và cặp mắt lúc nào cũng nhìn, cũng ngõ, ngắm, suy tư, chìm đắm ở trong cái đẹp nó quen rồi, bây giờ mà bắt vị này ngồi ngắm, suy tư những cái dơ bẩn thì vị này bị sốc, nó bị phản cảm. Tuy nhiên ở đây chúng ta phải mở ngoặc nói thêm: Không phải trường hợp nào cũng như vậy cả. Trong trường hợp vị tỳ kheo này từ thói quen sạch sẽ nhiều đời, bây giờ bắt tu học cái đề mục bất tịnh dễ mắc phải vào trường hợp phản cảm. Nhưng cũng có trường hợp phải lấy độc trị độc. Chúng ta phải nên ghi nhận rõ điều này chứ không thôi đâm ra hoài nghi, thắc mắc “Ủa nếu như vậy sao trong kinh nói là đề mục bất tịnh lại thích hợp với người nặng về tham dục”. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì lại là một cái eo hẹp. Cho nên đó là lý do tại sao trong mười cái Như Lai lực của Đức Phật có một điều gọi là ‘Chúng sanh chư căn thượng hạ tri lực’. Đức Thế Tôn trong mười cái trí của Như Lai có một cái trí đặc biệt Thinh Văn không có được. Đó là Ngài biết rõ cái căn cơ, sở tánh của chúng sanh. Cái người có tánh tham như vậy đó nhưng sẽ hướng dẫn bằng cách nào, cái người nặng về tánh sân sẽ hướng dẫn bằng cách nào, mà sân có trăm ngàn cách sân, tham có trăm ngàn cách tham, si có trăm ngàn cách si.

Cho nên nội dung bài kệ Pháp Cú này mở ra cho chúng ta ít nhất là ba điều cực kỳ quan trọng. Vấn đề thứ nhất là bệnh nào thì thuốc nấy. Đó là điều quan trọng nhất. Theo như lời Đức Phật dạy trong bài Kiều Đàm Di mẫu, khi nào trong cuộc tu của mình mình thấy cái sự tinh tấn, cái trí tuệ, cái sự an lạc của mình mà nó không được phát triển thì khi đó mình phải xét lại mình đã uống đúng thuốc hay chưa. Cho nên cái nội dung thứ nhất mình cần phải quan tâm, cần phải lưu ý ở trong cái bài kệ Pháp Cú này đó chính là hãy lưu ý đến một cái vấn đề quan trọng đó là bệnh nào thuốc nấy. Coi mình đã uống đúng thuốc chưa và coi mình đã tìm ra bệnh chưa. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai rất rất là quan trọng. Đó chính là đối với những người ở ngoài đời có cơ thể khỏe mạnh thì họ rất dễ chịu thuốc. Có lẽ chúng ta ai cũng từng nghe cái câu “Phước chủ may thầy”, tức là bệnh nhân cũng gặp lúc may mắn mà thầy cũng gặp cái lúc hên, cho nên nhiều khi gặp lúc may mắn thầy cho uống nước lạnh cũng hết bệnh. Mà nếu mà thầy xui, gặp bệnh nhân xui, cho uống hoài sơn, nhân sâm cũng chết. Cho nên điều quan trọng thứ nhất là mình phải tự xem, biết rõ mình đang bị bệnh gì. Đây là trách nhiệm của người tu, phải luôn luôn để ý coi mình bị bệnh gì. Điều thứ hai là mình đã uống đúng thuốc hay chưa. Và điều thứ ba là rất rất quan trọng là khi mình là một phàm phu thì mình là một bệnh nhân và nếu mình là một bệnh nhân thì mình hãy biến mình trở thành một bệnh nhân dễ chịu thuốc. Dễ chịu thuốc là sao? Dễ chịu thuốc là cái “Cơ thể tâm lý” của mình nó luôn luôn sẵn sàng thích hợp với tất cả thiện pháp. Ví dụ như Đức Phật hoặc ngài Xá Lợi Phất trước khi thành Phật, trước khi thành Thánh, các Ngài là những bệnh nhân thích hợp với tất cả các loại thuốc, ở trong hoàn cảnh nào các Ngài tu cũng được hết. Còn nếu mà mình trang bị phước báu quá ít, có người tín mạnh, cơ người tấn mạnh, có người tuệ mạnh, có người niệm mạnh, có người định mạnh, năm quyền của mình không được trang bị đầy đủ thì nhiều khi chúng ta phải đau lòng nhắc lại những đoạn kinh này. Tức là trong thời Đức Phật còn tại thế, có những người có duyên giác ngộ mà để tế độ được họ thì Thế Tôn phải trãi qua biết bao nhiêu là gian khổ. Phải nói như vậy. Có nhiều người chỉ tế độ cho họ đắc Sơ quả thôi, hoặc là chỉ giúp cho họ một cái chủng tử giác ngộ trong tương lai thôi mà Đức Thế Tôn phải đi bộ mấy do tuần, có khi phải nhịn đói, dầm mưa, dãi nắng. Còn có nhiều người gặp Đức Phật Ngài chỉ nói một câu tự nhiên họ giác ngộ. Cho nên đối với những vị Ngài chỉ nói một câu như vậy, mỗi lần mình đọc lại, nếu có lòng thương Phật mình sẽ xót xa, Ngài nói “Này các tỳ kheo những người, những cá nhân như vậy đó là những bậc hiền trí không có làm phiền nhiễu Như Lai”. Tức là Đức Thế Tôn ngài chỉ nói nhẹ một câu thôi, một vấn đề, một chút xíu thôi, nói nhẹ, nói thoáng qua là vị này đã hiểu được bản ý của Thế Tôn rồi. Bài kệ này không phải là một bài kệ để chúng ta học sơ qua, coi sơ qua cho vui mà nó mở ra cho chúng ta nhiều điều. Một là chúng ta phải luôn luôn kiểm tra rằng mình bị bệnh gì. Thứ hai là mình đã uống đúng thuốc chưa. Và ba là mình phải biến mình thành bệnh nhân thích hợp với càng nhiều loại thuốc càng tốt, gặp trường hợp nào mình tu cũng được. Có nhiều khi mình gặp mình đòi hỏi một vị pháp sư phải giới luật trong sạch mình mới tu được, cái điều đó tốt chứ không phải sai nhưng mà tự mình đã mở ra cho mình một cái hạn chế. Hoặc mình đòi hỏi vị pháp sư của mình phải là một vị thiền sư mình mới nghe, như vậy mình cũng là một bệnh nhân khó tánh. Hoặc là mình đòi hỏi vị pháp sư, vị giảng sư của mình phải nổi tiếng, như vậy mình cũng đặt ra cho mình một cái hạn chế. Mình đòi hỏi pháp sư của mình phải đẹp trai, ăn nói dễ thương, phải nhỏ nhẹ, phải duyên dáng… Khi mà chúng ta đòi hỏi bác sĩ của mình nhiều quá như vậy thì có lẽ chúng ta nên đăng kí ở ‘Funeral home’ trước. Vì sao? Vì hiếm có ông bác sỹ nào được như ý mình lắm. Ổng đẹp trai mà nhiều khi cái tay nghề ổng dở mà cái tay nghề ổng giỏi là ổng không có đẹp trai. Cho nên bản thân mình mình phải là một bệnh nhân thích hợp với tất cả, một bệnh nhân dễ chịu thuốc và đồng thời mình có thể dễ dàng đi đến sự thỏa hiệp với tất cả các bác sĩ. Điều đó rất có lợi cho mình.

Cái bài kệ này mở ra cho chúng ta một vấn đề nữa đó là thiện pháp ở bản thân mình được tu dưỡng, được hàm dưỡng càng nhiều thì cái cơ hội mà tu chứng càng nhiều, cơ hội gặp gỡ thánh nhân hiền trí trong đời càng nhiều. Còn nếu như tự mình đặt ra cho mình quá nhiều điều kiện, quá nhiều đòi hỏi, quá nhiều giới hạn thì cái chuyện khổ trước mắt là chính mình chứ không phải là ai hết.
Nãy giờ nói mênh mông thiên địa mà chúng tôi chưa có đọc lại câu kệ

“Hãy tự cắt ái tình
Như tay ngắt sen thu
Hãy tiến tu Tịnh Đạo
Niết bàn…

Đó là cái chỗ hiểu của chúng tôi qua cái bài kệ này theo cái kiểu triển khai của chúng tôi. Và chúng tôi rất là mong mỏi là những gì chúng tôi trình bày sẽ mở ra cho các vị những hướng đi xa hơn, rộng hơn nhưng không sai lệch với ý Kinh, Pháp nhủ, Phật thân.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app