Kinh Pháp Cú Số 007

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Con xin đãnh lễ chư Tăng
Kính chào quý Phật tử trong room.

Kính thưa quý vị Phật tử, sáng nay chúng ta tiếp tục bài kệ số 77 của kinh Pháp Cú. Bài kệ này có một bản dịch không rõ bản dịch này của vị dịch giả nào, có lẽ là của ngài Minh Châu hoặc cô Minh Hạnh đã đánh sẵn ở đây: những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính thương, bị người ác không thích. (Pali) Ở đây có mấy chữ chúng ta cần để ý là (Pali) nó có nhiều nghĩa mà trong trường hợp này được hiểu là người thiện hay người hiền, người lành. (Pali) có nghĩa là người xấu, hay người ác. Một chữ tương đối là đặc biệt, chúng ta thường thấy trong văn kệ Tiểu Bộ. Đó là điểm đặc biệt về từ ngữ cần chú ý trong đây thôi. (Pali) nghĩa là hướng dẫn hay giáo dục. (Pali) cúng là một chữ đồng nghĩa. Còn (Pali) có nghĩa là tội lỗi…

Kính thưa quý vị, như có một lần nào đó chúng tôi đã trình bày qua một điều ở trong một buổi giảng đó là mỗi một chúng sinh phàm phu giống hệt một người bệnh vậy. Chúng ta có biết được mình bệnh, biết được nhu cầu thuốc men của mình thì mình mới chịu đi bác sĩ, mới chấp nhận các liệu pháp, mới chấp nhận các thứ thuốc men cay, đắng, mặn, chát. Còn nếu như mình là người bệnh mà mình không biết rõ, không ý thức được, không nhận ra được cái tình trạng bệnh hoạn của mình, từ đó mình rất khó chấp nhận dùng đến các liệu pháp hay các cái phương thức phục dược, nói chi là chuyện tìm đến các vị lương ý, thầy thuốc. Điều đó như thế nào? Trong đời sống, trong cuộc tu chứng của mỗi người Phật tử cũng như vậy, chúng ta không có nhận ra được cái nhu cầu tu học của mình thì chúng ta không thể nào chấp nhận được những lời giáo hóa. Chúng sanh trong đời này cũng như vậy thôi. Ở đây Đức Phật cũng đã nói rõ rồi, Ngài dùng chữ (Pali) để chỉ cho người tốt và người xấu trong thế gian này. Người xấu là người không có nhận ra được tam nghiệp của mình nó như thế nào, và khi mình không nhận ra được cái tam nghiệp của mình thì mình cũng không thực hiện những liệu pháp mà người khác họ giúp đỡ mình để mình chữa trị, giải quyết những vấn đề của chính mình. Đó chính là lý do tại sao Đức Phật ngài dạy người ác không có kham được, không có chấp nhận được, không có cam tâm được trước những lời giáo hóa. Bởi vì họ là bệnh nhân mà không nhận ra mình là người bị bệnh, họ không nhận ra được những vấn đề của bản thân. Còn người thiện thì trong quá trình hoàn chỉnh bản thân, trước hết cái vấn đề tiên quyết là họ nhận ra được vấn đề của bản thân. Giống như hôm trước chúng tôi nhớ có một câu Pháp Cú mà chúng ta cũng đã có dịp bàn qua rồi, đó là “Người ngu mà biết mình ngu nhờ vậy thành người trí. Người ngu tưởng mình trí kể thật là kẻ ngu”. Chúng ta phải hiểu câu kệ này qua một hướng khác. Tương tự như vậy người bệnh mà biết mình bệnh, nhờ vậy có lúc sẽ hết bệnh. Mà người bệnh mà cứ ngỡ là mình khỏe thì không cách gì mà hết bệnh được. Khi mà bản thân mình có vấn đề mà mình thấy ra được cái vấn đề của bản thân thì chúng ta mới chấp nhận sự đóng góp, chấp nhận những giải pháp mà người khác họ đề nghị cho mình. Nếu bản thân mình có vấn đề về thân nghiệp, tâm nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp nhưng mà mình không nhận ra được những vấn đề đó, thế là mình không thể cam tâm mình chấp nhận những cái giải pháp do người khác họ đề nghị. Cái câu kệ này nó cũng giống vô vàn câu Phật ngôn khác trong kinh điển mà thôi. Đó là có nhiều khi xét trên mặt ngữ nghĩa rất là bình thường, chúng ta liếc mắt qua thấy cái chuyện đó rất là dễ hiểu. ai xem qua cũng thấy cả. Nhưng phải có cái lao tâm, cái khổ tâm trong đó thì chúng ta mới nhận ra được tôn ý của Đức Thế Tôn sâu sắc hơn thế rất là nhiều. Cái câu kệ này không chỉ áp dụng cho đời tu mà áp dụng cho cuộc sống thường nhật của mình ở ngoài xã hội. Và câu kệ này không chỉ áp dụng cho hàng xuất gia mà nó còn có hiệu quả, ý nghĩa nhất định đối với hạng tại gia, cư sĩ nữa.

Ai đi chùa cũng vì một lý do duy nhất là cầu phúc, xây dựng công đức cho riêng mình nhưng mà có thể một thời pháp, một câu nói của chư Tăng làm cho mình bị sốc, đó cũng là một thiệt thòi cho mình. Mình bị sốc mình không tiếp tục đi chùa nữa, mình bị sốc mình không có tiếp tục nghe pháp nữa. Chúng tôi được biết có một số Phật tử đi vào room này nghe giảng, trong một lúc họ được nghe chư Tăng trả lời những thắc mắc vô tình chạm phải mục nhọt tự ái nào của họ thế là họ không có đi nghe pháp nữa, hoặc là họ tránh qua một cái room khác, họ dùng một cái nick khác,… Trường hợp đó là mình bị bệnh, mình phải nhận ra cái bệnh của mình. Có một điều mà chúng ta không để ý, đó là khi mà chúng ta được người khác khen, mình không có cái khả năng kham nhẫn. Sở dĩ phải nói như vậy vì chúng tôi muốn gợi ý một chuyện rất quan trọng. Đó là cái chữ “Kham nhẫn” xưa này thường bị người Phật tử hiểu một cách rất là chật hẹp. Mình nghĩ chữ “Kham nhẫn” đó là sự chịu đựng trước những thử thách cay đắng, nghiệt ngã của cuộc đời, trước những tấn công của cuộc đời vào những cái ngã chấp của mình. Sự chịu đựng trước những tấn công cay đắng đó thì mình gọi tên của nó là “Kham nhẫn”. Nhưng mà thật ra theo trong kinh điển cái chữ “Kham nhẫn” có nghĩa rất là rộng. Tức là cái sự chịu đựng, cái sự gan cường trước mọi áp lực của phiền não dầu đó là tham hay là ưu thì đó đều được gọi là kham nhẫn. Thí dụ như trước một cái cám dỗ lớn mà mình vẫn có được cái hùng tánh vượt qua thì đó vẫn được gọi là kham nhẫn. Hôm trước chúng tôi có trình bày một trường hợp rất là thú vị. Trong chữ Hán có chữ gọi là chữ “Kham” hay là chữ “Cam”, tức là cái sự chịu đựng, mà ở trong Pali có chữ (Pali). Chữ (Pali) bắt đầu bằng chữ (Pali), đó là một sự trùng hợp rất thú vị mà nó cũng là một yếu tố ngữ học giúp cho mình dễ nhớ. Dĩ nhiên đó là một sự ngẫu nhiên, sự tình cờ trong ngữ âm thôi nhưng mà nó gợi ý cho mình một cái rất là đáng.

Sự chịu đựng, sự dằn lòng trước một cái cám dỗ vẫn là sự kham nhẫn. Mà cái sự chịu đựng, sự dằn lòng trước một thử thách nghiệt ngã cũng là kham nhẫn. Khi mà mình được người khác khen mà mình không có tự chủ, mình để cái lòng mình chiều theo đó, đam mê theo đó, đắm đuối trong đó, nó thích thú trong đó, nó quen cái thói rồi, chúng tôi phải xài chữ nó nặng như vậy. Đến khi mình bị người khác họ chê, họ chửi mình chịu không nổi. Đúng. Vì sao? Vì mình là một đứa baby ở trong trường đời. Mình quen ăn ngọt, mình nghiện ăn kẹo, nghiện ăn bánh. Mình không có tự chủ trước bánh, trước kẹo, trước những cái vị ngọt của trần gian thì khi mình gặp cái vị đắng mình chịu không nổi. Con nít nó mê kẹo, mê bánh bao nhiêu thì khi nó bị rơi vào hoàn cảnh phải uống thuốc đắng, nó rất là đau khổ. Sự đau khổ này phần lớn là nó đến từ người khác. Trước vị ngọt của bánh, của kẹo mình có cái sự tự chủ, mình có khả năng kiềm chế của mình, thì chính khả năng đó vô tình nó trở thành nguồn tâm lực để mình có thể chịu đựng được cái hoàn cảnh mình phải uống, phải ăn cái vị đắng, vị chát, vị cay, vị mặn trong trường hợp mình phải uống thuốc. Đó là một kinh nghiệm tu chứng rất là quan trọng. Mà cái gì Đức Phật ngài dạy ra chỉ có điều là mình chưa có thời giờ hoặc mình chưa có cơ hội hoặc chưa chịu tu học thì mình không có hiểu được tôn ý của Thế Tôn. Tất cả những lời dạy của Đức Phật đều có một dụng ý rất rất là quan trọng, rất rất là sâu sắc.

Cái chánh niệm của hành giả trước mọi cảnh đời cáy đắng hay ngọt ngào mà Đức Phật đã dạy trong kinh Niệm Xứ – một cái giá trị tuyệt đối quan trọng, đó là hễ khi mình có được cái bình tĩnh trong vị ngọt thì mình cũng có được bình tĩnh trong vị đắng. Khi có những người khen mình mình chịu được thì có nghĩa là khi người ta chê mình mình chịu được. Khi mà người ta khen mình mình chịu được, khi mà người ta nhắc nhở, dạy dỗ mình bằng một phương thức nghiêm khắc mình cũng có thể chịu được. Vì sao? Nói theo ngôn ngữ đời thường là vì chúng ta có được một sự trưởng thành trong tâm tưởng, chúng ta đã có một sự già dặn ở trong khả năng chịu đựng cuộc đời. Bão tố đời sống được khởi đi từ những cơn gió nhẹ, cơn bão nào cũng bắt đầu từ những cơn gió cả. Những lời giáo huấn, những lời chỉ trích nó có thể bắt đầu từ những lời nói rất là nhẹ của ai đó mà chúng ta không có làm quen được. Đến khi chúng ta gặp phải những trường hợp dư luận cuộc đời, chỉ trích, những lời giáo giới nghiêm khắc, cứng rắn, chúng ta không có chịu được.

Trở lại vấn đề, cái chuyện quan trọng nhất của người Phật tử đó là chúng ta có nhận ra mình là người bị bệnh thì chúng ta mới chịu uống thuốc đắng, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là ở trong Tăng Chi Bộ kinh có kể một câu chuyện rất thú vị rằng một buổi chiều khi Đức Thế Tôn ngồi ở Kỳ Viên tịnh xá cùng với đại chúng tỳ kheo nhìn ra ngoài Đại Lâm Kỳ Viên tự. Ngài nhìn thấy khu vườn Kỳ Viên hôm đó đầy ngâp những ý vàng của chư tăng từ các phương trở về hầu Phật. Trong đó ngài Xá Lợi Phất ngài có 500 đệ tử tùy tùng, ngài Mục Kiền Liên có 500 đệ tử tùy tùng. Nói đến đây các vị hoài nghi sao hồi đó cái gì cũng 500, thôi giờ mình nói là sau lưng các vị trưởng lão trong các vị cao đồ của Thế Tôn buổi chiều hôm đó họ vân tập về hầu Phật, thì sau lưng mỗi vị đó có hàng trăm đệ tử, đông lắm. Lúc đó Đức Phật có hỏi chư tăng bên cạnh Ngài rằng “Này các tỳ kheo, các ngươi có thấy các vị đi sau lưng ngài Xá Lợi Phất hay không?”. Chư tăng nói “Dạ chúng con có thấy”. Đức Phật nói “Đó là những vị tỳ kheo đại trí tuệ, thiện tài, thiện xảo”. “Này các tỳ kheo, các ngươi có thấy những vị tỳ kheo đi sau lưng ngài Mục Kiền Liên hay không?”. Chư tăng nói “Dạ chúng con có thấy”. Đức Phật nói “Những vị đó là những vị đại thần lực, đại thắng trí, có khả năng di sơn đảo hải,… hô phong hoán vũ,… trong nháy mắt”. Đức Phật ngài hỏi tiếp “Chư tăng có thấy những vị đi sau ngài Upali hay không?”, “…những học trò của ngài Ananda?”, “…học trò của ngài Analục?”…. Chư tăng nói “Dạ chúng con có thấy”. “Đó là những vị đệ nhất Sư Tử Hống”, “Đệ nhất về đa văn”, “Đệ nhất về trí luật”, “Đệ nhất về thiên nhãn”… Sau đó Đức Phật ngài mới đúc kết một câu thế này “Này các tỳ kheo, chúng sanh giới nào thì đi theo cái giới nấy”. Chữ ‘giới’ ở đây trong kinh Đức Phật muốn nói tới bản tính, hay cái căn cơ, hay cái trình độ, hay cái khuynh hướng, chiều hướng tâm lý như thế nào thì nó sẽ như thế đó. Chúng ta là người thiện, người hiền có khuynh hướng tu tập thiện pháp thì chúng ta sẽ chấp nhận những người bạn người thầy có khuynh hướng giống như chúng ta, là những người có khuynh hướng thiện, khuynh hướng hiền lành, tốt đẹp. Và khi mình có khuynh hướng tốt đẹp mình cũng dễ dàng chấp nhận những lời khuyên bảo tốt đẹp. Bởi vì mình và với người bạn, người thầy giúp mình cùng một khuynh hướng, một giới tánh. Giới tánh ở đây không phải nam nữ. Chứ ‘giới’ Đức Phật dùng là khuynh hướng tâm lý, còn ‘tính’ ở đây cũng có nghĩa là khuynh hướng tâm lý. (15:44)

Cùng một khuynh hướng nội tâm, cùng một khuynh hướng tu tập, cùng một khuynh hướng hành xử. Trước một lời khuyên, một lời dạy bảo của thầy, của bạn mà nếu mình xét thấy đó là một lời khuyên tốt đẹp mà mình không có chấp nhận được cho dầu cái lời khuyên ấy được gửi gắm qua một cái luận điệu khó chấp nhận, nhưng mà nó có một cái giá trị nhất định của nó thì mình phải chấp nhận. Nếu trước một lời khuyên tốt đẹp mà mình lại không kham nhẫn được, không chấp nhận được thì điều đó chứng tỏ rằng bản tâm của chúng ta đã có vấn đề. Tức là mình bị bệnh, mình không uống thuốc được mà còn bị mửa ra. Nghĩa rằng ngoài bệnh cảm mạo, thương hàn ra coi chừng cái bao tử của chúng ta có vấn đề. Có vấn đề là vì mình bị sốt rồi là một chuyện, mà uống thuốc vào cái thuốc đó nó không nằm yên mà nó lại vọt ra. Điều đó chứng tỏ bên cạnh cái chuyện nhứt đầu, cảm mạo, thương hàn, chúng ta còn có vấn đề về bao tử nữa. Trong việc tu học phải là một người có khả năng hay tạm gọi là một “bao tử tâm lý” rất tuyệt vời. Bất cứ một thức ăn hay một thứ dược phẩm nào mà có lợi cho đời sống tâm lý của mình thì mình cần có một cái bao tử thật tuyệt vời để có thể chấp nhận những thứ dược phẩm, thực phẩm đó mà không có mửa ra, không có chối từ một cách hoang phí.

Đức Phật ngài dạy rằng trên đời này có ba hạng người khó tìm. Người thứ nhất là người tri ân. Người thứ hai là người biết ân rồi báo ân. Người thứ ba là hạng người có thể thuyết giảng được chánh pháp. Đây là ba hạng người rất là khó tìm ở trong đời… Khi có người chỉ cho mình được điều hay lẽ phải mình phải hiểu rằng chính Đức Phật ngài cũng nhìn nhận cái người thầy đó, người bạn đó là người chỉ cho ta một kho tàng. Bởi vì phải nói rằng trên đời này người xấu nhiều hơn người thiện. Trong số những người thiện những người chịu mở miệng ra là hiếm hơn những người không có nói. Tại sao người ta không có nói? Có thể là người ta không có khả năng nói hoặc là vì người ta không muốn nói. Mà tại sao người ta không muốn nói? Không phải là người ta ích kỷ, người thiện thì có thể là không ích kỷ đâu. Không muốn nói có thể là người ta không tìm được cách nói, cơ duyên thích hợp hoặc là người ta không có tin tưởng vào đối phương có thể chấp nhận được, có thể tiêu hóa được cái điều mình nói. (19:09)

Đừng có nói ai, đến cả như Đức Thế Tôn là bậc chúng sanh từ phụ, Thiên Nhân Sư, Điều Ngự Trượng Phu, cha lành ba cõi, ngay sau khi thành Đạo rồi Ngài cũng có ý viên tịch. Cho nên trong bài kinh, pháp sư đời trước thế hệ Phật tử Nam Tông đời xưa Việt Nam có câu là “Đại Phạm Thiên kêu la thảm thiết ôi thế gian như vậy còn đâu!” mà chúng ta hay trích dẫn. Tại sao ổng kêu la thảm thiết? Bởi vì ổng biết Thế Tôn vừa có cái ý hướng tới Niết Bàn, không có muốn duy trì thọ hành nữa, không có muốn sống nữa. Phạm Thiên không có muốn Thế Tôn viên tịch. Mà theo thông lệ chư Phật ba đời ngay sau khi thành Đạo, chư Phật đều có cái ý đó vì thấy hai lẽ. Một, cái (giáo pháp) của Ngài thành Đạo nó quá là cao siêu, giảng cho người ta nghe người ta không có hiểu. Chính Đức Phật ngài dạy giáo pháp đó (Pali) là cái pháp ngược dòng đời. Đời là chủ trương của đam mê, đắm nhiễm. Chư Phật dạy phải buông bỏ. Cái đó không phải ngược dòng chứ là cái gì nữa. Đời chạy theo cái thích, tìm vui, trốn khổ mà Ngài dạy phải đối diện với sự thật, thì đó là ngược dòng chứ gì nữa. Lý do thứ nhất là Ngài thấy cái giáo pháp này quá là cao siêu, màu nhiệm. Ngài thấy không có cái lý do gì để mà sống, nói cho người ta nghe người ta không có hiểu mà người ta còn phỉ báng, dòm xét, vô tình gây ra cái bất lợi cho người ta. Và thêm một điều nữa với một vị đã vượt ra ngoài vòng sanh tử Thế Ngoại Cao Nhân như chư Phật, một người không còn tham đắm nữa thì cuộc đời này còn gì để mà nắm níu, nấng ná, tham đắm, luyến lưu, để chần chừ, chờ đợi cái gì nữa mà không ra đi. Kiếm được một người hiền, người thiện trên đời là đã khó. Mà kiếm được một người thiện họ chịu mở miệng nói cho mình nghe càng khó hơn. Cho nên Đức Phật dạy rằng một trong những hạng người khó tìm trên thế gian này đó là người thiên thuyết chánh pháp. Mà ở đây Đức Phật ngài dạy rằng người thiên thuyết chánh pháp ngăn người khác làm điều ác, khuyến thiện người khác tu học điều lành, cái người đó giống như là con voi mà đi giữa trận tiền vậy. Có nghĩa là bên cạnh sự chăm sóc của quân đội nhà, họ còn phải chấp nhận những gươm đao từ kẻ địch. Như chúng tôi vừa trích dẫn một bài kinh, Đức Phật ngài nói người cùng giới với mình, người cùng căn tánh với mình sẽ chấp nhận mình nghĩa là họ ‘welcome’ mình, họ chấp nhận mình, họ lắng nghe mình với tất cả sự cảm thông và chia sẻ, với sự kham nhẫn. Nhưng cái người họ khác căn tính với mình, không cùng cái lý tưởng, khuynh hướng tâm tư với mình thì họ chấp nhận không được. Mà người nói Pháp phải mang một cái tâm sự của một người dấn thân, phải có sẵn một thứ hành trang tâm lý của một người chiến sỹ xông pha ngoài Cách mạng, cái chiến thắng không biết đạt được hay không nhưng mà cái rõ ràng trước mắt là người lính, người chiến sĩ ở ngoài trận địa phải chấp nhận sự tấn công từ mọi phía. Vì sao? Vì anh nói những cái điều ngược lại với đời thường, anh nói ngược lại với tâm tư tình cảm mà chúng tôi vẫn nghĩ thì làm sao mà chúng tôi chấp nhận được anh. Đó là chưa kể cái tâm lý đại chúng khi mình lắng nghe ai đó, mình nhìn ngắm ai đó ở một cương vị mô phạm, một cương vị sư phạm thì dứt khoát chúng ta có một cái tâm bệnh phổ thông tức là mình đánh giá đối phương trước cái đã “Anh là ai? Anh là người như thế nào mà anh có thể thiên thuyết về những cái điều như vậy? Đó có phải là những lời đường mật, ru ngủ, chiêm bìm, nhồi sọ đại chúng?”. Tức là khoan nghĩ đến những món quà mà người khác mang lại cho mình thì đại chúng thường hay có một cái tâm bệnh là nhìn ngắm cái bàn tay nào đó đem lại cho mình món quà, xem bàn tay đó có phải là bàn tay của giai nhân? hay bàn tay đó là bàn tay của một người cùi người lủi trong đêm, ghẻ tróc lầy lở trên người? Đó là cái tâm bệnh của quần chúng. Trong khi đó, một nhu cầu cấp thiết giữa cuộc đời sinh tử này đó chính là một điều gì đó có thể mang lại cho mình một sự xây dựng, cái gì đó nó mang một giá trị chữa lửa cho mình giữa cái cuộc sống tử sinh cấp bách này, cái đó mới là điều cần thiết. Nhà mình đang cháy mà có một cái vòi nước nào đó chuyển tới tay mình thì mình phải tiếp nhận nó, chỉ vậy thôi, chứ lúc đó mình không thể đong đếm những người truyền cho mình cái vòi nước chữa lửa đó phải là một cô gái đẹp, phải là người đàn ông kiểu Tom Cruise, kiểu DiCaprio mình mới nhận, còn xấu xí quá mình không có nhận. Đó là cái sai lầm. Đã là vàng, là bạc là quý thì cái người trao tặng vàng bạc đó cho mình dầu là một hoa hậu hay là một bà lão mình cũng nhận, chỉ vì đó là vàng là bạc thôi. Người ta có bị phong đơn, lở loét thì đó là chuyện của người ta nhưng người ta trao tặng cho mình món quà mình vẫn nhận. Đến bây giờ chúng tôi được biết chỉ có một hạng người mà người ta trao quà mình không có nên nhận, kể cả chúng tôi, đó là người bị bệnh Sars, mình ngại thiệt. Vì theo các nghiên cứu của giới y học thế giới bệnh Sars ngoài lây qua đường hô hấp, ho hen, hắt hơi, thì nó còn lây qua cái đường tiêu tiểu tiện có mùi hôi hoặc là một món đồ trao tay mà nhận không có găng tay, không có khẩu trang thì cũng bị lây. Chỉ có ngại người bị bệnh Sars là họ cho đồ mình ớn thôi. Nhưng nếu mình có găng tay, khẩu trang, thì đồ của người bị bệnh Sars cho mình nếu đó là món đồ giá trị thì mình cũng nhận luôn. Nói như vậy có nghĩa rằng nhiều khi chúng ta cũng phải có một “đôi găng tâm lý” cho cái đôi tay của mình, có một “khẩu trang tâm lý” cho tâm lý của mình. Để chi? Để mình có thể đón nhận được những lời đề nghị, lời xây dựng của đối phương mà mình không có bị sốc, mình không có bị khó chịu, mình không có bị phương hại. Các vị có thể nghĩ “Cái ông đó mỗi lần nghe ổng giảng là tôi bị khó chịu, tôi bị sốc bởi vì ổng có cách nói chuyện không được mát mẻ, không được từ hòa, không được từ bi”. Cũng được. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ cứ kệ ổng là một người bị bệnh Sars đi, ổng có thể làm cho mình lây lan những khó chịu, ổng là người nóng nẩy ổng có thể làm cho mình lây cái nóng nẩy của ổng, thôi thì mình hãy có một đôi găng, mình hãy có một khẩu trang để mình che lại một phần nào đó, phần nhạy cảm nhất trong tâm lý của mình để mình có thể đón nhận được những cái xây dựng của ổng. Cái chuyện đó cũng bình thường thôi. “Đôi găng tâm lý” là gì? Là lòng hiếu học, đó là một sự tỉnh táo biết mình cần cái gì. Chính cái hiểu biết này nó trở thành một cái đôi găng tay cho mình, trở thành cái khẩu trang che cái miệng mình lại để mình không bị lây cái khó chịu.

Nội dung bài kệ Pháp Cú số 77 trước sau chỉ có chừng đó thôi. Đức Phật ngài dạy rằng sứ mạng hay con đường của một người tuyên giảng Chánh pháp ở đời này nó là một con đường nhiêu khê. Nhưng mà một người thấy ra được cái giá trị của Chánh pháp, thấy ra được cái tình người cần có giữa cuộc đời thân ly phách tán này thì dứt khoát ta phải dấn thân. Và cái con đường thuyết giảng Chánh pháp đó không chỉ dành riêng cho hạng xuất gia mà còn dành cho cả người cư sĩ nữa. Có một số Phật tử quen cũng có, lạ cũng có họ gặp gỡ chúng tôi ở trong cái Paltalk này bằng Private message và họ tâm sự rằng không biết phải trả lời ra sao cho những bạn Đạo tôn giáo bạn hay là những người không có Đạo, không phải là Phật tử. Họ hỏi về Phật pháp, về Nam tông, Bắc tông, những người này họ không có trả lời được mà nhiều khi họ bị bắt bẻ, vặn vẹo, khó chịu quá, họ buồn quá, họ sốc quá. Chúng tôi cũng thường bị sốc như vậy, nhưng chúng tôi nhớ rằng trong những trường hợp đó chúng tôi có cái lời nhận xét thế này là nhiều khi mình chịu lắng nghe đối phương thì đó cũng là một phương thức tiếp cận với họ dễ dàng hơn. Còn cái chuyện vị đắng mà mình phải đón nhận lúc mình thuyết giảng Chánh pháp thì đó là cái điều không có tránh được. Bởi vì chính ngài Ca Diếp có một lần Ngài bạch với Thế Tôn, lúc đó Ngài cũng lớn tuổi và Thế Tôn cũng gần viên tịch rồi thì ngài Ca Diếp bạch Thế Tôn thế này: “Bạch Thế Tôn, nếu mà phải nói một cách chơn chánh thì đời sống phạm hạnh quả là một đời sống đầy hiểm nạn”. Đức Phật dạy “Đúng vậy, này Ca Diếp, nếu mà nói một cách chơn chánh thì phải nói rằng đời sống phạm hạnh là một đời sống hiểm nạn”. Câu nói đó đã mở ra cho chúng ta một cái tiền đề rất là quan trọng. Tức là đời sống phạm hạnh là một đời sống hiểm nạn đã đành rồi, việc thuyên giảng đời sống phạm hạnh cũng là một con đường đầy hiểm nạn. Tại sao là hiểm nạn? Bởi vì khi chúng ta đọc kinh, đọc sách, nghe giảng, nghe chư Tăng thuyết giảng, trong kinh chính Đức Phật cũng nói “Chánh pháp là một hành trình đi ngược dòng đời”. Mà chính bản thân mình là những người đi ngược dòng và những gì mình nói cũng đi ngược dòng thì làm sao mình không gặp phải cái sự va chạm, làm sao mình không gặp phải cái sự chống đối, sự tấn công, sự đối lập từ vô vàn đối phương. Cái chuyện đó không có tránh được. Và trong kinh Pháp Cú, Đức Phật cũng dạy (Pali) “Ở đời này không thể tìm được một người nào không bị người khác tấn công, không thể tìm ra được người nào không bị người khác chỉ trích”, huống hồ chi là người thuyên giảng Chánh pháp. Chỉ có người thiện mới thuyết giảng được người thiện và người ác không chấp nhận được người thiện. Cho nên cái câu kệ này còn có một ý nghĩa nữa mà Đức Phật muốn gửi gắm cho chúng ta, đó là: Hãy trở thành người thiện để có thể chấp nhận được người thiện, chấp nhận những lợi khuyên của người thiện, điều đó chẳng những có lợi cho mình trong đời này, mà nó còn là cái vốn liếng, hành trang cực kì quan trọng và cần thiết, thậm chí cấp thiết, bất thiết cho mình trong vô lượng kiếp sau. Có biết bao nhiêu chúng sanh đã gặp Phật ra đời nhưng mà họ vẫn là một người đứng bên lề Chánh pháp. Bao nhiêu vị Phật đã niết bàn, bao nhiêu giáo pháp đã qua đi trong cái cuộc thế này nhưng mà kẻ phàm phu vẫn tiếp tục sanh tử. Một trong những điều Đức Phật ngài dạy nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài cái sự tính toán. Đó chính là (Bala sam saro), dòng luân hồi của kẻ ngu nó dài vô tận.

Trong kinh Pháp Cú
“Đêm dài kẻ thức tròn canh.
Đời dài với khách lữ hành mỏi chân
Đời dài với hạn ngu nhân
Không thông diệu pháp muôn phần (sát soi/Xót xa)”

Khi mình không là người thiện, mình không chấp nhận được người thiện, mình không chấp nhận được lời khuyên của người thiện thì đời đời kiếp kiếp chúng ta mãi mãi là người đứng bên lề của Chánh pháp, đứng bên cái mái hiên, có khá lắm chỉ trú mưa đục nắng trong một buổi nào đó rồi chúng ta lại tiếp tục đi vào luân hồi chìm nổi viên biển thiên thu không tìm ra lối thoát là bởi vì mình với người thiện mãi mãi là trời với đất, mình với người thiện mãi mãi là bóng đêm với ban ngày, mình với người thiện mãi mãi là lửa với nước, không tiếp cận nhau được. Con đường giải thoát nó chỉ đến với ai sẵn sàng nghe, có con mắt sẵn sàng thấy, có một tâm tư tình cảm sẵn sàng mở rộng để đón nhận tất cả những điều hay lẽ phải. Mà khổ một nỗi cái con mắt của mình nó không sẵn sàng để thấy, lỗ tai của mình nó không sẵn sàng để nghe, nội tâm của mình nó không sẵn sàng để gặp thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể chấp nhận lời khuyên của người hiền trí. Đức Phật ngài dạy rằng “Đời sống lý tưởng nhất của chúng tỳ kheo đối với nhau là phải có lòng hòa ái, hòa hợp, tương thân, tương kính như là nước với sữa”. Tại sao có chuyện tương thân, tương kính như là nước với sữa? Là bởi vì giữa các vị tỳ kheo có giới hòa đồng tu, có kiến hòa đồng giải, có lợi hòa đồng huân, đó là nói riêng với giới tăng đoàn. Ở ngoài cư sĩ cũng vậy, khi mà không có giới hoàn đồng tu, kiến hòa đồng giải thì chúng ta không thể gặp gỡ nhau trên bất cứ một cái quỹ đạo nào, không thể gặp nhau ở bất cứ một bối cảnh nào được mà phải có cái điểm đồng thì chúng ta mới găp nhau. Ngay cả ngoài đời nó cũng có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Khi mình không có duyên với nhau, không có điểm tương đồng, không có khuynh hướng giống nhau thì cho dầu có nắm tay nhau thì cũng là đồng sàn dị mộng thôi. Còn nếu chúng ta có tâm lý, có khuynh hướng tâm tư tình cảm giống nhau thì có thể ngàn dặm vẫn gặp nhau. Chúng ta với Đức Phật xét về không gian là ngàn muôn dặm, mà xét về thời gian là mấy chục thế kỷ rồi. Nhưng nếu có lòng hành thiện, lánh ác thì chúng ta vẫn xem Đức Phật như là một người cha, người thầy, một người rất đỗi gần gũi với mình. Bằng chứng là hôm nay có biết bao nhiêu vị thiền sư, vị tỳ kheo tu tập ở trong rừng núi ở Miến Điện, Lào… người ta chưa từng gặp Phật, người ta chỉ lớn lên trong một ngôi chùa, học kinh, học Phật rồi sau đó tìm thấy một điểm đồng giữa mình và các bậc tiên hiền cổ đức thời xưa trong đó có Đức Phật và chư Thánh tăng. Thế là người ta bỏ cả đời trên rừng sâu núi thẳm luôn luôn mỉm cười an lạc, cư bần lạc đạo. Vì sao họ có thể sống được một nếp sống an lạc như vậy mà hướng về một con người đối với mình xa xôi cả về không gian và thời gian? Bởi vì giữa họ với Đức Thế Tôn có một điểm đồng là cùng nhìn về cái thiện, cùng tìm về cái chân thiện mỹ. Chính Đức Phật ngài cũng dạy trong kinh rằng (Pali) “Ai thấy Pháp là người thấy ta. Ai thấy ta là người đã phải là người thấy Pháp rồi. Cho dù có nắm kéo y Như Lai mà không có tu học theo giới, theo định, theo tuệ thì vẫn giống như là cách xa ta ngàn dặm. Cho dù sống hoài xa Như Lai ngàn dặm nhưng mà có giới, có định, có giải thoát và giải thoát tri kiến thì cũng giống như ở gần bên Như Lai vậy”. Đến cả nắm kéo y của Đức Phật chứ đừng nói ở gần, nắm kéo y của Ngài mà Ngài vẫn nói là ở ngoài ngàn dặm nếu không có một điểm đồng nào đó với Ngài.

Cho nên cái bài kệ này mới xem qua trên mặt chữ thì chúng ta thấy nó rất là bình thường và tự mình có thể nghĩ mình có thể hiểu chứ nó có cái gì đâu mà không hiểu. “Những người hay khuyên giải. Ngăn người khác làm ác. Được người hiền kính thương. Bị người ác không thích” nó rất là dễ hiểu thôi giống như là “Tôi rất yêu những ngày trời nhiều nắng nhưng nếu trời không nắng cũng không sao”. 34:28

Hoặc là như hôm trước tôi có giới thiệu câu của một số nhạc sĩ họ hay đùa “Chị tôi lớn tuổi hơn tôi, mẹ tôi còn lớn tuổi hơn tôi rất nhiều”, rất là bình thường, câu này đúng rồi, hai với hai là bốn thôi.

“Những người hay khuyên dạy
Ngăn người khác làm ác
Được người hiền kính thương
Bị người ác không thích”

Câu này xét về mặt chữ không có cái gì mà một người Việt bình thường thấy là khó hiểu cả. Tuy nhiên, ở trong nội dung của bài kệ này có một ẩn ý rất là thâm thúy đó là mình hãy là một người thiện để đứng chung hàng ngũ với những người thiện. Người thiện đó có thể là một cổ nhân cách mình muôn đời nhưng mà mình vẫn lắng nghe được, mình có thể tìm về lối cũ đường xưa với người trước mình bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ và gần gũi. Còn nếu mình là một người ác thì cho dầu chúng ta có sống ngay trong một đạo tràng, trong thiền viện, bên cạnh những bạn hiền, thầy tốt mà nội tâm chúng ta có vô vàn vấn đề chưa được giải quyết, thì cũng giống như chúng ta là một cái muỗng trong một nồi canh mà thôi, chúng ta không thể nào đón nhận được điều hay lẽ phải. Trong khi cái bản chất của mỗi người giống như một con bệnh có vô số vấn đề cần được giải quyết mà người ta đến để giúp mình giải quyết mình không thèm, mà mình còn đòi hỏi. Giống như trong kinh Đức Phật ngài ví dụ có một người bị trúng tên, có người khác họ đến họ giúp nhổ mũi tên ra mà không chịu. Người này nói “Tôi sẽ không chấp nhận một liệu pháp trị bệnh, cứu thương nào hết cho đến khi nào các người nói cho tôi biết là ai đã bắn tên trúng tôi. Người đó là nam hay nữ, đen hay trắng, mập hay ốm, cao hay lùn, người đó như thế nào, người đó từ đâu đến?”. Phải nói là chuyện đó là cái chuyện vớ vẩn. Vì bản thân mình không thấy ra được cái vấn đề của mình thì mới bận tâm đến những cái vớ vẩn. Và nếu như vậy mình sẽ không thể nào đón nhận được những lời hay lẽ phải. Người bệnh có thể chết trước khi được trả lời vì người đó đã bận tâm đến những điều vớ vẩn. Để có thể đón nhận được lời hay lẽ phải của người thiện, không bất mãn trước những lời khuyên nhắc của người thiện thì bản thân chúng ta ít nhất phải hoàn tất được hai điều. Một, mình phải là một người thiện cái đã thì mình mới chấp nhận được người thiện. Thứ hai, phải thấy ra được những vấn đề của bản thân cái đã thì chúng ta mới chấp nhận người thiện. Còn bằng không thay vì chấp nhận những lời khuyên của người thiện thì chúng ta lại bận tâm những điều không cần thiết. Thay vì đón nhận món quà của đối phương chúng ta lại bận tâm đến mặt mũi của người cho quà, cái bàn tay đã cho quà mình. Nếu mà bận tâm đến những điều đó thì rất là khó hoặc có thể nói là không bao giờ đi đến một cái thỏa hiệp với những người thiện. Không thể nào chung hàng ngũ với những người thiện. Và có nghĩa là không bao giờ mình có thể hoàn thiện được bản thân. Vì bản thân mỗi người muốn trở nên một cái gì đó tốt đẹp hơn, dứt khoát phải có nhiều yếu tố nhân duyên. Ở đây còn có một yếu tố cực kì quan trọng đó chính là sự trợ lực từ mọi phía mà đặc biệt là từ những người hiền thiện, người đó có thể là người bằng mình, hơn mình hoặc có thể là người thua mình. Ngay cả Khổng Tử nói “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, tính trung bình ba, bốn người đi trên đường thế nào cũng có môt người có thể giúp cho mình được điều gì đó. Theo nguyên văn của Ngài thì ba người đi trên đường thì cũng có một người làm thầy của mình. Đó là nói gọn, nếu mình thấy nó nặng quá mình có thể hiểu một cách nhẹ nhẹ là cứ năm, ba người đi trên đường thì trong đó thế nào cũng có người có thể cho mình một câu nói nào đó hay. Cái điều đó chúng tôi tin chắc chắn là có chứ không phải không có. Chúng tôi năm nay mới trãi qua cuộc đời mới có mấy chục năm thôi, nhưng có những câu nói tình cờ của một vị sư bạn, một người Phật tử, một câu nói mà bản thân vị đó khi họ phát biểu cũng không có quan tâm mấy, chỉ là suông miệng nói mà thôi. Nhưng mà không ngờ chính cái câu đó lại trở thành vốn liếng, hành trang theo đuổi chúng tôi suốt mười mấy, hai chục năm trời. Nó rất là bình thường. Bây giờ cắt cớ quý vị kêu chúng tôi trích dẫn cái câu đó thì chúng tôi cũng không nhớ nhưng mà lâu lâu trong cuộc sống va chạm chúng tôi lại nhớ cái câu đó. Mà nhiều lắm, rất rất nhiều như vậy. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho mình một tình trạng tâm lý để dễ dàng đón nhận tất cả những món quà tâm linh được trao tặng từ những bàn tay tha nhân. Những tha nhân đó có thể là những người mình cho là thầy, những người bạn, có thể là những người thù, những người có ác cảm, thành kiến với mình và mình có ác cảm thành kiến với họ nữa nhưng cái quan trọng chính là người Phật tử không bao giờ đối lập với người thiện, không bao giờ đối lập lại với những lời khuyên của người thiện. Đó chính là một giá trị mà Đức Phật muốn gửi đến tất cả những người Phật tử qua bài kệ Pháp Cú số 77 này. Buổi giảng cũng rất là bất ngờ, hy vọng rằng những gì mà chúng tôi trình bày nãy giờ cũng có thể giúp ích cho một số Phật tử trong room. Dù sao đây cũng là một buổi giảng dù ngắn, dù dài, công đức Pháp thí đương nhiên là vô lượng rồi. Chân thành chia sẻ công đức này đến tất cả các Phật tử trong room. Đặc biệt xin hồi hướng công đức này đến chư Đại Đức Tăng có mặt trong room. Xin các Ngài cùng chư vị Phật tử luôn luôn được vạn sự cát tường, sở cầu như nguyện, Phật Đạo viên thành.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

—————————–

Bài viết được trích từ Bài Giảng Sư Toại Khanh – Paltalk 2019, tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 

Link  Bài Giảng Sư Toại Khanh – Paltalk 2019
Link  tải sách ebook Bài Giảng Sư Toại Khanh – Paltalk 2019
Link  video Bài Giảng Sư Toại Khanh – Paltalk 2019
Link  audio Bài Giảng Sư Toại Khanh – Paltalk 2019
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

 

 

 

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app