KINH KASĪBHĀRADVĀJA

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự ở xứ sở Magadha, tại vùng Dakkhiṇāgiri, trong ngôi làng Ekanāḷā của những người Bà-la-môn. Vào lúc bấy giờ, nhằm thời điểm gieo trồng, những cái cày của Bà-la-môn Kasī-bhāradvāja với số lượng năm trăm đã được buộc sẵn (vào ách).
Khi ấy, vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm lấy bình bát và y đi đến nơi làm việc của Bà-la-môn Kasībhāradvāja. Vào lúc bấy giờ, việc phân phát thức ăn của Bà-la-môn Kasībhāradvāja đang được tiến hành. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến nơi phân phát thức ăn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đứng khất thực, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Này Sa-môn, tôi cày và tôi gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, tôi ăn. Này Sa-môn, ông cũng hãy cày và hãy gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, ông hãy ăn.”
“Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và Ta cũng gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, Ta ăn.”
“Nhưng chúng tôi không nhìn thấy cái ách, hoặc thân cày, hoặc lưỡi cày, hoặc gậy thúc, hoặc các con bò đực của ông Gotama. Thế mà ông Gotama đã nói như vầy: ‘Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và Ta cũng gieo hạt. Sau khi cày và sau khi gieo hạt, Ta ăn.’”
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
76. “Ông tự nhận là người đi cày, nhưng chúng tôi không nhìn thấy việc cày của ông. Được chúng tôi hỏi, ông hãy nói về việc cày sao cho chúng tôi có thế biết về việc cày của ông.”
77. “Đức tin là hạt giống, khổ hạnh là cơn mưa, tuệ của Ta là ách và thân cày, liêm sỉ là cán cày, trí là sự buộc lại, niệm của Ta là lưỡi cày và gậy thúc.
78. Được gìn giữ ở thân, được gìn giữ ở khẩu, được tiết chế vật thực ở bao tử, Ta lấy sự chân thật làm vật bứng gốc (cỏ dại dối trá); hiền hòa là sự giải thoát của Ta.
79. Tinh tấn, đối với Ta, là con thú mang gánh nặng, (là cỗ xe) đưa đến chốn an toàn khỏi các (ách) trói buộc. Nó trực chỉ đi đến nơi mà người đã đi đến nơi ấy thì không sầu muộn.
80. Việc cày ấy đã được cày như vậy. Nó có kết quả là sự Bất Tử. Sau khi đã cày việc cày ấy, được thoát khỏi tất cả khổ đau.”
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đặt đầy cơm sữa vào cái đĩa lớn bằng vàng rồi dâng đến đức Thế Tôn (nói rằng): “Ngài Gotama hãy ăn món cháo sữa. Ngài là người cày, bởi vì ngài Gotama cày việc cày có kết quả là sự Bất Tử.”
81. “Vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn là không được thọ dụng bởi Ta. Này Bà-la-môn, điều ấy không phải là pháp của những bậc có nhận thức đúng đắn. Chư Phật khước từ vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn. Này Bà-la-môn, khi Giáo Pháp hiện hữu, điều ấy là cung cách thực hành.
82. Ngươi hãy dâng cúng đến vị toàn hảo (đức hạnh), bậc đại ẩn sĩ có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các trạng thái hối hận đã được lắng dịu, với cơm ăn nước uống khác, bởi vì đó chính là thửa ruộng của người mong mỏi phước báu.”
“Thưa ngài Gotama, vậy tôi nên cho cơm sữa này đến ai?”
“Này Bà-la-môn, ta không thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người, mà cơm sữa ấy, khi được người ấy ăn vào, có thể đem lại sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ đức Như Lai hay đệ tử của đức Như Lai. Này Bà-la-môn, chính vì điều ấy, ngươi hãy đổ bỏ cơm sữa ấy ở nơi không có cỏ xanh, hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.”
Rồi Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đổ cơm sữa ấy xuống nước không có sinh vật. Và cơm sữa ấy, khi được đổ vào trong nước, liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói. Cũng giống như lưỡi cày đã được nung đỏ trọn ngày khi được bỏ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói; tương tự y như thế, cơm sữa ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói.
Khi ấy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja trở nên hoảng hốt, lông dựng đứng lên, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, rồi đã nói điều này:
“Thưa ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, hoặc mở ra vật đã bị che kín, hoặc chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu vào nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế, Pháp đã được ngài Gotama giảng giải bằng nhiều phương tiện. Con đây xin đi đến nương nhờ ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Con có thể xuất gia trong sự hiện diện của ngài Gotama không? Con có thể tu lên bậc trên không?”
Quả vậy, Bà-la-môn Kasībhāradvāja đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. Và khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Bhāradvāja một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng ấy của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà, xuất gia một cách chân chánh, sống không nhà. Vị ấy đã biết rõ rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã hoàn tất, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Bhāradvāja đã trở thành vị A-la-hán.

VIDEO BỘ TRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT – KINH KASĪBHĀRADVĀJA

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app