Nội Dung Chính
Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc
Hỏi và Đáp
Câu Hỏi 91: Năm triền cái làm cho chúng ta không thể đắc thiền là nghiệp chướng (kamma) hay Ma chướng (Māra)?
Trả Lời Câu Hỏi 91: Nghiệp chướng nói đến những nghiệp bất thiện. Năm triền cái chỉ là những nghiệp bất thiện khởi lên trong tâm hành giả, chứ không phải Māra (Ma vương).
Câu Hỏi 92: Một số người nói rằng họ đã hoàn tất khoá thiền. Điều đó có ý nghĩa gì?
Trả Lời Câu Hỏi 92: Điều đó có nghĩa rằng, theo những báo cáo của họ, họ có thể thực hành thiền chỉ (samatha) và Minh-sát (Vipassana) một cách thấu đáo, nhưng vẫn không hàm ý rằng họ là những bậc thánh. Một số hành giả trình bày những kinh nghiệm đúng đắn của họ, nhưng cũng có một số trình bày những kinh nghiệm không đúng.
Câu Hỏi 93: Chú giải định nghĩa như lý tác ý như thấy vô thường là vô thường, khổ là khổ, vô ngã là vô ngã, và bất tịnh là bất tịnh. Có phải điều đó muốn nói rằng người không thể thấy các hành là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh là hoàn toàn không có như lý tác ý? Nếu đúng vậy, làm thế nào để chúng con áp dụng như lý tác ý?
Trả Lời Câu Hỏi 93: Chú ý đến các hành như vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh là như lý tác ý thuộc Minh-sát (Vipassana), một loại như lý tác ý cao cấp. Cũng có những loại như lý tác ý thấp hơn, chẳng hạn như như lý tác ý về bố thí, giữ giới và thiền chỉ. Khi quý vị tin nghiệp và quả của nghiệp thì đó cũng là như lý tác ý.
Câu Hỏi 94: Sayadaw có thể giải thích chi tiết cho chúng con biết một người chưa đạt đến cận định và an chỉ định hành pháp tuỳ niệm Phật và niệm sự chết như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi 94: Ở đây tôi sẽ chỉ giải thích tóm tắt; để có một sự giải thích chi tiết hành giả nên đọc trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Một hành giả sơ cơ hành pháp tuỳ niệm Phật chỉ bằng sự tưởng tượng mà thôi. Trước hết vị ấy nên nhìn vào một bức ảnh Phật và xem đó như Đức Phật thực. Kế hành giả nên tưởng tượng hình tượng Phật ấy trong tâm mình. Sau đó hành giả nên chọn một trong những ân đức của Phật, chẳng hạn như Arahant (Á-rá-hăng). Có năm định nghĩa về A-la-hán và hành giả có thể chọn bất kỳ một định nghĩa nào trong đó. Chẳng hạn, nếu hành giả chọn định nghĩa: (ngài là bậc) đáng được tôn kính bởi tất cả nhân loại, chư thiên và phạm thiên vì giới, định và tuệ vô song của ngài, thì hành giả chỉ nên tập trung vào ân đức này cho đến khi đạt đến cận định. Tuy nhiên những ân đức của Phật rất sâu dày, và không dễ gì một hành giả sơ cơ có thể thành công trong thiền này.
Câu Hỏi 95: Một người có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana) chỉ do hành một mình pháp tuỳ niệm Phật được không?
Trả Lời Câu Hỏi 95: Không. Nhưng dựa trên cận định (có được) do hành tuỳ niệm Phật, người ấy có thể hành thiền tứ đại để thấy các kalāpas, phân tích sắc tối hậu, danh tối hậu và phân biệt các nhân của danh-sắc. Sau đó vị ấy phải phân biệt danh-sắc và các nhân của danh sắc như vô thường, khổ và vô ngã. Hành Minh-sát (Vipassana) theo cách này vị ấy có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana) được.
Câu Hỏi 96: Người hành thiền phân biệt cảm thọ bên ngoài như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi 96: Hành giả chỉ phân biệt nó chung chung vậy thôi. Không nhất thiết phải phân biệt cảm thọ đó là của ai. Nếu thực sự hành giả muốn biết cách làm thế nào để phân biệt nó, hành
giả nên phân biệt một cách riêng biệt; như vậy tốt hơn.
Câu Hỏi 97: Liệu chúng con có thể chứng ngộ Niết-bàn nhờ tự thực hành theo những chỉ dẫn trong sách của Sayadaw và bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) được không?
Trả Lời Câu Hỏi 97: Được.
Câu Hỏi 98: Trong khi thực hành pháp niệm hơi thở, chúng con có thể ghi nhận sự dở, sự đẩy tới và sự bước đi của chân lúc đi kinh hành được không?
Trả Lời Câu Hỏi 98: Điều hợp lý là chỉ tập trung vào hơi thở. Tuy nhiên hành giả cũng có thể phân biệt tứ đại trong thân khi đi một cách hệ thống. Nhưng thực hành theo bất cứ cách nào không đúng theo truyền thống sẽ là điều không tốt.
Câu Hỏi 99: Con nghe nói rằng có nhiều vị thiền sư dạy phương pháp Pa-Auk theo những cách rất khác. Liệu những lời dạy của họ có đáng tin cậy không? nếu không, tại sao không?
Trả Lời Câu Hỏi 99: Thật khó để tôi có thể nói về những gì họ dạy bởi vì thực sự tôi không biết là họ dạy như thế nào. Quý vị nên kiểm tra lại để thấy xem họ dạy có hợp theo Kinh Điển PāZi và Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) hay không. Nếu không, quý vị không nên chấp nhận.
Câu Hỏi 100: Trong một số bài pháp của Đức Phật có đề cập một loại tâm còn lại sau khi Bát Niết-bàn (Parinibbana). Loại tâm đó là tâm gì?
Trả Lời Câu Hỏi 100: Điều này không đề cập trong Kinh Điển PāZi và chú giải truyền thống Thượng Toạ Bộ (Theravāda), chẳng những thế Kinh còn nói rõ rằng sau Parinibbāna cả năm uẩn, bao gồm tất cả các loại tâm, diệt một cách hoàn toàn (nghĩa là không còn sanh lại nữa).