Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc

Hỏi và Đáp 

Câu Hỏi 111: Một người đã phạm một trong năm nghiệp vô gián (anantarika kammas) có thể thọ trì ngũ giới hay bát giới được không?

Trả Lời Câu Hỏi 111: Được. Chẳng hạn như đức Vua A-xà-thế (Ajātasattu), người đã phạm tội giết cha, sau đó trở thành một Phật tử mộ  đạo và giữ ngũ giới đấy thôi.

Câu Hỏi 112: Đôi khi con nhớ đến những điều ác đã làm trong quá khứ và như vậy không thể tập trung vào việc hành thiền của con được. Con không biết mình sẽ phải làm gì nữa. Có lúc con tự nghĩ mình là một phàm phu ác không thể chữa được, và việc thành công trong thiền là điều không thể đối với con. Liệu con có thể hành thiền chỉ và thiền Minh Sát (Vipassana) được không, và liệu con vẫn có thể đạt đến thiền và đạo quả được không? Làm thế nào để con có thể vượt qua hoài nghi và lo lắng?

Trả Lời Câu Hỏi 112: Nếu hành giả không phạm vào một trong năm trọng nghiệp, kiếp này hành giả vẫn có thể thành công trong thiền.

Có một câu chuyện về người thợ săn tên Milaka được kể trong chú giải Tương Ưng Kinh (Sauyutta Nikāya) như sau: Một hôm khi đang đi săn trong rừng, anh ta cảm thấy khát nước và đi  đến một tu viện gần đó để uống nước. Khi anh ta đến chỗ đặt những bình nước dưới gốc cây, anh ta thấy rằng những bình nước ấy rỗng không không  có một giọt nước nào cả. Lúc bấy giờ có vị Trưởng-lão đang quét dọn trong khuôn viên tu  viện. Người thợ săn đi đến ngài và nói: ‘Này ông Tỳ-kheo, ông ăn đồ cúng dường của thí chủ, mà lười biếng quá mức. Ông không đổ nước vào bình gì cả.’ Vị Trưởng-lão lấy làm ngạc nhiên khi nghe điều đó bởi vì ngài đã đổ đầy những bình nước ấy trước khi quyét dọn cơ mà. Vì thế ngài đi  tới  những bình nước đó và thấy rằng mọi bình đều đầy cả. Ngay lúc ấy, ngài liền nhớ tới câu chuyện của Trưởng-lão Losakatissa, một vị đệ tử của Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta).

Vào thời Đức Phật Kassapa (Ca-diếp), Lossakatissa đã tức giận quăng đồ cúng dường do một thí chủ dâng đến một vị A-la-hán. Do nghiệp bất thiện này, ngài bị sanh vào địa ngục. Sau khi thoát khỏi địa ngục, ngài sanh trong bào thai của   vợ người đánh cá trong một làng chài nọ. Khi ngài còn nằm trong bào thai, cả làng chài ấy không ai có thể bắt được một con cá nào cả. Khi lên bảy tuổi, mẹ ngài đuổi ngài đi. Lúc ấy Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) thấy đứa bé nghèo hèn này,  ngài bèn cho xuất gia làm Sa-di. Bởi vì Tôn-giả Losakatissa có đủ các Ba-la-mật, nên không lâu sau ngài đắc A-la-hán. Nhưng chưa bao giờ ngài có được vật thực đủ ăn. Trong lúc đi khất thực, ngay khi những thí chủ vừa bỏ vật thực vào bát của ngài, vật thực  ấy liền biến mất.

Một hôm Ngài Xá-lợi-phất (Sariputta) biết rằng Tôn-giả Losakatissa sẽ nhập Niết-bàn (Nibbana) ngày hôm đó. Ngài muốn cho Tôn-giả  có đủ vật thực để ăn trước khi nhập Vô-dư Niết- bàn (Nibbana). Vì thế sau khi đi bát đủ vật thực,

ngài gởi vật thực ấy về cho Tôn-giả. Ngay khi vật thực bỏ vào bát Tôn-giả Losakatissa nó liền biến mất. Thế là ngài Xá-lợi-phất (Sariputta) lại phải đi khất thực trở lại và nhận được dược phẩm bốn vị ngọt. Khi ngài trở lại tu viện, ngài phải giữ bát với tay của mình sợ rằng vật thực sẽ biến mất như trước, và để cho Tôn-giả Losakatissa ăn trong bát của ngài. Đó là bữa ăn duy nhất mà Tôn-giả Losakatissa có thể cảm thấy thoả mãn trong suốt cuộc đời mình. Không lâu sau bữa ăn Tôn-giả nhập Vô-dư Niết-bàn (Nibbana).

Thấy những bình nước đầy, Trưởng-lão nhớ đến câu chuyện Tôn-giả Losakatissa trên. Ngài liền giữ lấy bình nước và để cho Milaka uống nước từ đó. Chứng kiến sự kiện này thợ săn  Milaka  vô cùng kinh cảm. Vì thế anh ta xin xuất gia làm Sa-di với vị Trưởng-lão. Nhưng trong khi  hành  thiền, anh ta cứ thấy những con thú đã bị anh giết và những vũ khí anh sử dụng trước đó nên anh không thể nào hành thiền được. Thế là anh ta nói với thầy tế độ rằng anh muốn xả y hoàn tục.

Vị Trưởng-lão không nói gì, ngài chỉ bảo anh ta đi gôm một ít gỗ Udumbara, một  loại gỗ  xốp chứa nhiều nước, chất thành đống trên một phiến đá và đốt nó. Vị Sa-di nghe theo lời của ngài nhưng cố gắng hết sức anh ta cũng không tài nào đốt được đống gỗ. Lúc đó vị Trưởng-lão mới dùng thần lực của mình lấy một ít lửa từ dịa ngục và đưa nó cho vị Sa-di. Vị Sa-di bỏ đốm lửa ấy trên đống gỗ và ngay lập tức đống gỗ trở thành tro. Vị Trưởng-lão nói với Sa-di: ‘Nếu ông xả y lửa địa ngục sẽ là số phận của ông. Nếu ông không muốn xuống địa ngục, ông phải ráng hành thiền chỉ (samatha) và thiền Minh-sát (Vipassana) một cách chuyên cần.’ Sợ hãi lửa địa ngục, vị Sa-di không còn muốn xả y hoàn tục nữa. Vị ấy liền bện  một  sợi dây rơm và cột nó vào đầu của mình.  Rồi  nhúng đôi chân vào trong bình nước lên tới đầu  gối, vị ấy thực hành thiền một  cách chuyên cần  như thế. Có khi vị ấy đi kinh hành suốt cả đêm. Theo cách này vị Sa-di đã hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) không dễ duôi  và cuối cùng trở thành một bậc bất lai (Thánh A-na- hàm).

Như vậy, nếu hành giả thực hành  chuyên cần hành giả cũng có thể đắc thiền và đạo quả.

Câu Hỏi 113: Theo Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) của Trường Bộ Kinh (Dīghā Nikāya) thì sau khi có được một kinh nghiệm thiền nào đó, người hành thiền có thể rơi vào một trong sáu mươi hai tà kiến. Nếu một hành giả hành thiền chỉ và thiền minh sát một cách hệ thống cho tới khi đắc tất cả mười sáu tuệ Minh Sát, họ có thể tránh rơi vào sáu mươi hai tà kiến được không? Hay vị ấy vẫn cần phải có sự hướng dẫn của một vị thầy  để tránh rơi vào những tà kiến đó?

Trả Lời Câu Hỏi 113: Nếu vị ấy đã thực sự đắc mười sáu tuệ minh sát rồi, vị ấy sẽ không còn bất kỳ một tà kiến nào nữa.

Câu Hỏi 114: Mỗi tôn giáo đều có mục đích của nó. Chẳng hạn, mục đích của Ấn-độ giáo là để hợp nhất với đấng Đại Phạm Thiên (Mahābrahma), và mục đích của Thiên Chúa giáo  là để lên thiên đàng vĩnh viễn. Cả hai mục đích ấy đều là thường kiến. Mục đích của đạo Phật là để  đạt đến Niết-bàn (Nibbana). Mục đích ấy là thường kiến hay đoạn kiến? Nếu một người không hiểu ý nghĩa của Niết-bàn (Nibbana), tại sao họ vẫn lấy Niết-bàn (Nibbana) làm mục đích của họ.

Trả Lời Câu Hỏi 114: Đạo Phật không dạy thường kiến và đoạn kiến, mà chỉ dạy chánh kiến hay trung đạo. Cả hai thường kiến và đoạn  kiến  đều xác định rằng có một tự ngã và điều này không được chấp nhận trong đạo Phật. Đức  Phật  luôn  luôn dạy cho mọi người biết rằng ba mươi mốt cõi trong tam giới chỉ là các hành, vốn vô thường, khổ và vô ngã. Ngài còn dạy rằng nếu có nhân tất có quả, và nếu không nhân sẽ không có quả.

Hành giả phải phân biệt được giữa Niết-bàn, sự diệt hoàn toàn của các phiền não (kilesa Parinibbāna— phiền não niết bàn) và sự diệt hoàn toàn của các uẩn (Khandha Parinibbāna — ngũ uẩn Niết-bàn). Bốn đạo tuệ và bốn quả tuệ lấy Niết-  bàn, cũng được gọi là vô hành  Niết-bàn  (Asankhata Nibbāna), làm đối tượng. Khi một người đạt đến A-la-hán Thánh Đạo Tuệ, lấy Asankhata Nibbāna làm đối tượng, tất  cả  mọi phiền não của người ấy diệt hoàn toàn. Sự  diệt hoàn toàn của của các  phiền não này cũng được  gọi là hữu dư y Niết-bàn  (Saupadisesa Nibbāna) bởi vì mặc dù vị A-la-hán không còn phiền não, nhưng vị ấy vẫn còn ngũ uẩn. Do các phiền não đã diệt hoàn toàn nên khi vị A-la-hán Bát-Niết-bàn (Parinibbāna), tất cả năm uẩn diệt hoàn toàn. Sự  diệt hoàn toàn của các  uẩn này cũng được gọi là  Vô Dư Niết-bàn (Anupadisesa Nibbāna). Cả hai – sự diệt hoàn toàn của các phiền não và sự diệt hoàn toàn của ngũ uẩn là những kết quả, còn A-la-hán Đạo cùng với đối tượng của nó, vô hành Niết-bàn,  là các nhân. Sự diệt hoàn toàn của ngũ uẩn xảy ra theo quy luật tự nhiên của nhân và quả. Điều này hoàn toàn khác với đoạn kiến vốn xác nhận rằng có sự diệt hoàn toàn mà không có nhân, tức là không có A-la-hán Thánh Đạo và vô hành Niết-bàn.

Câu Hỏi 115: Tại sao một số người đã chết trong vài giờ cho đến khi thân xác của họ cứng ngắc rồi lại sống dậy được?

Trả Lời Câu Hỏi 115: Theo lời dạy của Đức Phật, cái chết chỉ thực sự xảy ra nơi một người khi mạng căn, hơi nóng (do nghiệp tạo — kamma- produced temperature) và thức chấm dứt  không  còn khởi lên nữa. Bao lâu ba yếu tố này còn có mặt người ấy vẫn sống, dù cho thân thể có lạnh cứng chăng nữa. Nếu một người đã thực sự chết họ  không thể nào sống trở lại được.

Câu Hỏi 116: Liệu người ta có thể đạt đến cận định hay đắc thiền (Jhāna) nhờ niệm chú (mantras) với xâu chuỗi không?

Trả Lời Câu Hỏi 116: Trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ (Theravāda) không có loại thiền  niệm chú (mantra). Một vị Trưởng-lão (Mahāthera) Miến Điện đã nói với tôi rằng thần chú xuất phát từ Ấn-Độ Giáo (Hinduism) và Hồi Giáo  (Muslim).  Đạo Phật Nguyên Thuỷ cũng không có loại thiền  lần chuỗi hột. Vì thế chúng tôi không thể nói được rằng người ta có thể đạt đến cận định hay đắc thiền bằng cách niệm chú với xâu chuỗi hay không.

Câu Hỏi 117: Những vật dụng cá nhân của Đức Phật và các vị A-la-hán có được xem  là  những thánh tích hay không?

Trả Lời Câu Hỏi 117: Những vật dụng của Đức Phật được gọi là paribhogacetiya, những vật Đức Phật đã sử dụng và vì thế cũng được xem là thánh tích.

Câu Hỏi 118: Xá-lợi có thể có những miếng lớn và màu sắc khác nhau hay không?

Trả Lời Câu Hỏi 118: Xá-lợi của Đức Phật  có ba cỡ khác nhau: cỡ hột đậu xanh, cỡ nửa hạt  gạo và cỡ hạt cải. Màu sắc cũng có ba màu: màu ngà (voi), màu ngọc trai và màu của vàng.

Câu Hỏi 119: Nếu lai lịch hay những vật chứa đựng trong bảo tháp xá-lợi không rõ, có xứng đáng để lễ bái hay không?

Trả Lời Câu Hỏi 119: Nếu quý vị nhớ tưởng đến những ân đức của Đức Phật trong khi lễ bái,  quý vị sẽ gặt hái được những lợi ích cho dù không có xá-lợi bên trong đó.  Nhưng nếu quý vị lễ bái  bảo tháp xá-lợi với một cái tâm phóng đãng, cho   dù có xá-lợi của Đức Phật trong đó, chúng tôi cũng không nghĩ rằng quý vị sẽ gặt được nhiều lợi ích đâu.

 

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app