Khéo An trú trong Tứ Niệm Xứ

Khéo An Trú Trong Tứ Niệm Xứ

Khéo An trú trong Tứ Niệm Xứ hoặc Tu tập ‘Vô tướng Định – Animitto samādhi’ để đoạn diệt không còn dư tàn ba bất thiện tư duy: dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.

“Này các Tỷ-kheo, có ba ‘bất thiện tầm akusalavitakkā’ này: ‘dục tầm – kāmavitakko’, ‘sân tầm – byāpādavitakko’, hại tầm – vihiṃsāvitakko’. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập ‘Vô tướng Định – Animitto samādhi’.

Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập Vô tướng Định. Này các Tỷ-kheo, ‘Vô tướng Định – Animitto samādhi’ được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Kinh – Chương 22: Tương ưng uẩn – III: Phẩm những gì được ăn – 80. Người Khất Thực

Ghi chú

Khi chú tâm chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn liên tục vào đặc tính Vô Thường thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassnā’ đạt được ‘Vô tướng định – Animitta samādhi’; vào đặc tính Khổ thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassnā’ đạt được ‘Vô Nguyện định– Appaṇihita samādhi’; vào đặc tính Vô Ngã thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassnā’ đạt được ‘Không định – Suññata samādhi’.

Ba Định này phát sinh khi tâm luôn luôn tập trung quán sát sự sinh ra và diệt đi ngay tức thì của mọi hiện tượng trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp, từ đó có được Tuệ giác thấy rõ như thật mọi Pháp như chúng đang là, tức là thấy như thật các Pháp đang sinh diệt: các Pháp đang là Vô Thường, đang là Khổ, đang là Vô Ngã.

“Chỉ còn là nhất tâm hay biết về sự sinh diệt, đổi thay, vô thường, khổ, vô ngã của Danh Sắc Chân đế; đi cùng các chi thiền còn lại (tầm, tứ, hỷ, xả) tùy theo các tầng ‘Thiền – jhāna’ mà nó đạt được – nên gọi là Vô tướng định, hoặc Vô nguyện định, hoặc là Không định”.

Ba loại Định: Không định, hoặc Vô tướng định, hoặc Vô nguyện định là Chánh Định trong Bát Thánh Đạo hiệp thế – các Định này (còn được gọi là ‘Thiền thẩm định tướng – Lakkhaṇūpanijjhāna’, hoặc cũng gọi là ‘Thiền Minh sát’ hay ‘Thiền quán – Vipassanājhāna’) vẫn lấy sự sinh diệt của Danh, Sắc Chân đế làm đối tượng; khi loại Định này viên mãn sẽ chuyển thành Thánh Chánh Định trong Bát Thánh Đạo siêu thế, tức Thánh Định siêu thế sẽ lấy Niết bàn làm đối tượng, vượt ra khỏi Tam Giới, đạt tới Thánh Đạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, đoạn tận Phiền não ngủ ngầm, giác ngộ giải thoát.

“Không” định – suññata samādhi

Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Quán minh sát – Vipassnā’) với đề mục là đặc tính Vô ngã (anattā) của tất cả các pháp: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô ngã, tác ý tất cả trống không, không có tự ngã, không có ngã sở, không có ngã mạn – vì tất cả không thể điều khiển, làm chủ theo ý muốn của bất kỳ ai cả, chúng chỉ có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác có mặt, và sẽ không có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác không có mặt. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là “Không” giải thoát – Suññato Vimokkho.

‘Vô tướng định – Animitta samādhi’

Định – Samādhi’ được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Minh Sát – Vipassnā’) với đề mục là đặc tính Vô thường (anicca) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô thường, không tác ý đến tất cả các tướng, tác ý vô tướng giới – vì tất cả luôn biến chuyển, thay đổi không đứng yên, không cố định trong bất cứ hình tướng nào. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là ‘Vô tướng giải thoát – Animitto Vimokkho’.

‘Vô nguyện định – Appaṇihita samādhi’

‘Định – Samādhi’ được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Minh Sát -Vipassnā’) với đề mục là đặc tính Khổ (dukkha) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là khổ, không tác ý bất kỳ sự khát khao, ham muốn, ước nguyện điều gì – vì tất cả đều là khổ và dẫn đến khổ. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là ‘Vô nguyện giải thoát – Appa-ṇihito Vimokkho’.

Với Không định, hoặc với Vô tướng định, hoặc với Vô nguyện định hành giả sẽ thấy sự vật như thật, như nó đang là, tức là thấy chúng đang vô ngã, vô thường, khổ. Từ đó phát sinh nhàm chán, ly tham, không bám víu vào bất cứ điều gì trên đời, được giải thoát.

Ban đầu, hành giả lúc thì thấy hiển lộ rõ tính vô thường, lúc thì thấy hiển lộ rõ tính khổ, lúc lại thấy hiển lộ rõ tính vô ngã trong các quán sát.

Sau này khi đã thuần thục, liên tục chánh niệm tỉnh giác trên sự sinh diệt của đề mục thì khi thấy hiển lộ một đặc tính thì cũng đồng thời thấy hiển lộ hai đặc tính còn lại, cùng một lúc.

Khi đó hành giả nên như lý tác ý, chú tâm chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn liên tục vào chỉ một trong ba đặc tính theo sở trường của bản thân để đạt được hoặc Không định, hoặc Vô tướng định, hoặc Vô nguyện định.

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala.

“There are, bhikkhus, these three kinds of unwholesome thoughts: sensual thought, thought of ill will, thought of harming. And where, bhikkhus, do these three unwholesome thoughts cease without remainder? For one who dwells with a mind well established in the four establishments of mindfulness, or for one who develops the signless concentration. This is reason enough, bhikkhus, to develop the signless concentration. When the signless concentration is developed and cultivated, bhikkhus, it is of great fruit and benefit.

“Tayome, bhikkhave, akusalavitakkā—kāmavitakko, byāpādavitakko, vihiṃsāvitakko. Ime ca bhikkhave, tayo akusalavitakkā kva aparisesā nirujjhanti? Catūsu vā satipaṭṭhānesu suppatiṭṭhitacittassa viharato animittaṃ vā samādhiṃ bhāvayato. Yāvañcidaṃ, bhikkhave, alameva animitto samādhi bhāvetuṃ. Animitto, bhikkhave, samādhi bhāvito bahulīkato mahapphalo hoti mahānisaṃso.

Audio – Lợi Ích Tu Tập Tứ Niệm Xứ

Bài Giảng Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar. Tối 30/10/2018, Archive

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app