Giới Thiệu Ngắn Tiểu Sử Ngài Tam Tạng 15 và Khai Mạc Khóa Thiền Tại Phước Sơn 4/4/2023

PHÁP THOẠI KHÓA THIỀN TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN

(Bài giảng số 01 – Buổi tối|Ngày 04/04/2023)

Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu

 

Mở đầu, Sư Thiện Đức kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài Hoà Thượng Trụ Trì – BTC khoá tu, đảnh lễ Ngài Tam Tạng thứ 15 Ashin Paññāvaṃsālaṅkārābhivaṃsa cùng Chư Tôn Đức Tăng, các quý cô Tu nữ, các thiện nam tín nữ. Sư Thiện Đức xin tri ân Hoà Thượng cùng Chư Đại Đức Tăng trong Ban tổ chức vì sự thỉnh mời của Quý Ngài đến Ngài Tam Tạng thứ 15 đến để hướng dẫn khoá tu cho Chư Tăng Ni cùng quý Phật tử thiện nam tín nữ.

Sau đây, Sư Thiện Đức xin giới thiệu tóm tắt tiểu sử Ngài Tam Tạng thứ 15 Ashin Paññāvaṃsālaṅkārābhivaṃsa.
Tên thật của Ngài là “Paññāvaṃsā”, và vì Ngài đã vượt qua hai kỳ thi vô cùng danh giá tại đất nước Myanmar:

1. Kỳ thi Ālaṅkārā dành cho những vị Sadi xuất sắc nên danh hiệu này được thêm vào phía sau tên của Ngài, thành “Paññāvaṃsālaṅkārā”.

2. Chương trình Giảng sư pháp học Dhammācariya do Hội Phật học tại Mandalay tổ chức và chương trình thi Dhammācariya này có tên là Bhivaṃsa, danh hiệu này lại được thêm vào phía sau tên của Ngài, nên Ngài có tên là “Paññāvaṃsālaṅkārābhivaṃsa”.

Quý vị nào đã thi đỗ các kỳ thi/chương trình Phật học này đều rất được kính trọng, và các danh hiệu này sẽ được bổ sung vào phía sau tên riêng của vị đó.

Ngài Tam Tạng thứ 15 Ashin Paññāvaṃsālaṅkārābhivaṃsa sinh năm 1974 tại miền Trung của đất nước Myanmar. Ngài xuất gia từ rất sớm lúc 12 tuổi. Sau khi xuất gia Sadi, Ngài đã ở một số chùa và học các chương trình Phật học căn bản làm nền tảng cho chương trình thi Tam Tạng sau này. Trong suốt thời gian học tại các trường/ trung tâm pháp học trên khắp đất nước Myanmar, có một ngôi trường ở miền Trung Myanmar là trường Mahagandhayon thuộc thị trấn Amarapūra. Đây là ngôi trường vô cùng danh giá và những vị xuất thân từ ngôi trường này đều rất giỏi về Phật học.

Vị trụ trì đồng thời là vị khai sáng ngôi học viện Mahagandhayon này là Ngài Janakābhivaṃsa. Một số Phật tử Việt Nam đặc biệt là những vị học Vi Diệu Pháp hay Phật học đều biết đến Ngài. Ngài viết một cuốn sách về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) được dịch ra tiếng Việt là “Vi Diệu Pháp nhựt dụng”. Ngoài ra, Ngài Janakābhivaṃsa cũng là một vị rất lỗi lạc về Pháp học tại Myanmar, Ngài đã biên soạn rất nhiều bộ sách gọi là Bhāsāṭikās để giải thích Kinh Tạng, Luật Tạng và Vi Diệu Pháp Tạng bằng tiếng Myanmar dựa theo Chú giải và Phụ chú giải, và đây là bộ sách giúp cho Chư Tăng Myanmar ở tất cả các học viện tại Myanmar học các chương trình Phật học. Nên Ngài được Chư Tăng Myanmar gọi là “Myanmar Buddhaghosa”, vì Chư Tăng cũng như Phật tử Myanmar xem Ngài Janakābhivaṃsa như là Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) tại Myanmar. Những tác phẩm của Ngài Hộ Pháp biên soạn như là “Nền tảng Phật Giáo” hay những bộ sách khác cũng dựa vào những tác phẩm của Ngài Janakābhivaṃsa rất nhiều.

Như vậy, chúng ta biết rằng những vị học tại ngôi học viện này đều xuất sắc và Ngài Tam Tạng thứ 15 đã cư ngụ và học Pháp học tại ngôi học viện này suốt 12 năm dưới sự hướng dẫn của Ngài Janakābhivaṃsa và các vị giáo thọ khác. Sau đó Ngài Tam Tạng thứ 15 làm giáo thọ dạy lại cho Chư Tăng tại ngôi học viện này trong suốt 8 năm trước khi Ngài tham gia chương trình thi Tam Tạng do chính phủ Myanmar tổ chức. Chúng ta biết rằng một vị học xong kiến thức vẫn chưa vững, cần thời gian dạy học và nghiên cứu nhiều sách để kiến thức đã học được củng cố, vun bồi thêm.

Khi còn trẻ, Ngài Tam Tạng thứ 15 thọ giới Tỳ-khưu năm 1996, sau đó Ngài theo học chương trình Pháp học tại những học viện khác dưới sự hướng dẫn của các Ngài uyên thâm Phật pháp tại những học viện trên khắp đất nước Myanmar. Với sự nỗ lực và kiên trì đối với Pháp học, Ngài Tam Tạng thứ 15 là một trong những vị Tam Tạng đã thi đỗ rất nhiều chương trình Phật học, tất cả là 42 chương trình Phật học bao gồm chương trình thi Tam Tạng do Chính phủ tổ chức. Trong số 15 Ngài Tam Tạng (trong đó chỉ còn 10 Ngài Tam Tạng đang còn hiện tiền), Ngài Tam Tạng thứ 15 là vị đỗ nhiều chương trình Phật học chỉ sau Ngài Tam Tạng thứ 7 đã thi đỗ 46 chương trình Phật học và Ngài Tam Tạng thứ 12 đã thi đỗ 47 văn bằng Phật học (Ngài Tam Tạng thứ 12 đã viên tịch).

Sau khi thi đỗ nhiều chương trình Phật học, Ngài Tam Tạng thứ 15 tham gia kỳ thi Tam Tạng vào năm 2006. Năm 2008, Ngài đã thi đỗ Tạng Luật và trở thành vị thông thuộc thấu suốt Tạng Luật. Năm 2011, Ngài đã thi đỗ Tạng Kinh và trở thành vị thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng. Năm 2020, Ngài đã thi đỗ Vi Diệu Pháp cả phần học thuộc lòng lẫn phần thi viết, trở thành vị thông thuộc thấu suốt Tam Tạng. Ngài đã trải qua 15 năm học và thi chương trình Tam Tạng do Chính phủ tổ chức, trở thành vị Tam Tạng thứ 15 trong số 15 vị Tam Tạng tại đất nước Phật Giáo Myanmar vào năm 2020.

Chương trình Tam Tạng là một chương trình thi (có thể nói là) dài nhất ở Myanmar và trên Thế giới, vì kỳ thi này, vốn thường được tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm, kéo dài liên tục hơn một tháng tại Động kết tập Tam Tạng (thạch động Maha Pasana Guha), là nơi tổ chức kết tập Tam Tạng lần thứ 6 (1954 đến 1956). Những vị thông thuộc thấu suốt Tam Tạng tại đất nước Myanmar là những Quốc bảo của xứ Phật giáo này, bởi các Ngài là những vị có thẩm quyền về Pháp học, vốn là nền tảng của Pháp hành trong Phật Giáo. Pháp học và Pháp hành lại là nền tảng của Pháp thành – sự chứng đắc Đạo, Quả và Niết-bàn. Cho nên Pháp học rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ.

Ở đất nước Phật giáo Myanmar, bên cạnh sự tổ chức và bảo trợ những chương trình Phật học của Chính phủ dành cho Chư Tăng Ni và các Phật tử, thì các hội Phật học phi Chính phủ do các cư sỹ thành lập cũng đứng ra tổ chức bảo trợ các kỳ thi Phật học, tạo cho nền Pháp học tại quốc gia này có một không khí rất sôi động. Đây là sự hộ trì Tam Bảo có giá trị ý nghĩa lớn lao khi cả Pháp học và Pháp hành đều được duy trì. Chính phủ cũng như người dân Myanmar đã dốc hết sức hộ trì Tam Bảo thông qua việc hộ độ Chư Tăng Ni tu học, đứng ra tổ chức và bảo trợ các kỳ thi Phật học cho Chư Tăng Ni. Nên Chư Tăng Ni tại Myanmar thường có nhiều cơ hội tham gia học Pháp học và có thể đi thi ở nhiều nơi, nhiều tỉnh khác nhau do các Hội Phật học đứng ra tổ chức và bảo trợ. Trong các hội Phật học do các cư sỹ đứng ra bảo trợ, Chư Tăng là những vị cố vấn, dạy và ra đề thi. Còn phần việc tổ chức kỳ thi, hộ độ tứ vật dụng cho Chư Tăng Ni cũng như tổ chức lễ tốt nghiệp, phát thưởng đều thuộc phần cư sỹ đảm nhận. Đây là điểm đặc biệt ở Myanmar mà dường như Việt Nam chưa có – Pháp học được phát triển và duy trì bởi Chư Tăng Ni và cả bởi thiện nam tín nữ.

Sau khi trở thành vị thông thuộc thấu suốt Tam Tạng tại đất nước Myanmar, Ngài Tam Tạng thứ 15 hiện đang cư ngụ tại ngôi học viện của Ngài Tam Tạng thứ 6, là nơi mà Ngài đã tham gia chương trình thi Tam Tạng dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn từ Ngài Tam Tạng thứ 6. Theo nội quy của học viện, những vị đã tham gia và thi đỗ chương trình Tam Tạng (trở thành vị thông thuộc thấu suốt Tam Tạng) phải có trách nhiệm ở lại trong vòng 5 năm để hướng dẫn cho Chư Tăng thế hệ sau học chương trình Tam Tạng. Chính vì vậy cho đến hiện tại, Ngài Tam Tạng thứ 15 vẫn còn cư ngụ tại học viện này. Bên cạnh đó, Ngài Tam Tạng thứ 15 cũng thành lập một ngôi học viện mới, là nơi Ngài đào tạo cho Chư Tăng học các chương trình Phật học căn bản trước khi tham gia học tiếp chương trình Tam Tạng tại chùa Ngài Tam Tạng thứ 6.

Ngài Tam Tạng thứ 15 cũng vẫn đi hoằng pháp nhiều nơi trên đất nước Myanmar, Ngài cũng là vị giáo thọ quan trọng tại một ngôi học viện khác ở Mandalay cũng của Ngài Tam Tạng thứ 6.

Với tất cả các lý do trên, Ngài Tam Tạng thứ 15 Ashin Paññāvaṃsālaṅkārābhivaṃsa là một trong mười lăm Quốc Bảo tại đất nước Phật giáo Myanmar. Chính phủ Myanmar đã cúng dường những món vật dụng cần thiết hằng tháng cho Ngài cùng Song thân của Ngài, cúng dường các phương tiện đi lại mỗi lần Ngài có chương trình hoằng pháp trên đất nước Myanmar như vé máy bay, vé tàu thuỷ, vé tàu hoả cho Ngài cùng 02 vị thị giả đi theo.

Hôm nay chúng ta có duyên lành cung kính đón rước, nghe Pháp và học hỏi Phật Pháp từ Ngài Tam Tạng thứ 15 trong khóa tu từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng 4 tại Thiền Viện Phước Sơn này. Đây là nhân duyên lớn để chúng ta có cơ hội vun bồi thiện pháp cũng như trí tuệ Pháp học – Pháp hành từ một bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng như Ngài Tam Tạng thứ 15.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Lời đầu tiên, Ngài Tam Tạng thứ 15 vô cùng hoan hỷ và tán thán, cũng như đảnh lễ Hòa thượng trụ trì – trưởng Ban tổ chức khóa tu cũng như xin cung kính đến Chư Tăng tại bổn tự. Và Ngài cũng có lời chào và hỏi thăm đến quý cô Tu nữ cũng như quý Phật tử thiện nam tín nữ hiện diện nơi đây. Ngài cũng cầu chúc cho Chư tôn Đức, quý cô Tu nữ cũng như quý thiện nam tín nữ được nhiều sức khỏe, an vui, như là một lời chào hỏi an lành đến cho tất cả chúng ta có mặt ở đây hôm nay.

Khi nhận được sự tiếp đón rất có tín tâm với Tam Bảo của các quý Phật tử tại sân bay cũng như sự chào đón nồng hậu của Ngài Hoà thượng trụ trì, Chư Tăng, quý cô Tu nữ cùng các Phật tử ở Phước Sơn, những sự mệt mỏi của Ngài, sau một chuyến bay muộn do bị trễ hai tiếng, theo đó mà tan biến. Trước đó, vì không nghĩ ở Việt Nam có nhiều Chư Tăng, Chư Ni, quý cô Tu nữ và Phật tử nên Ngài rất ngạc nhiên đồng thời cũng hoan hỷ khi đến thiền viện Phước Sơn thấy nhiều Chư tôn Đức Tăng, quý cô Tu nữ và đông đảo thiền sinh. Ngài tin rằng trong những sự gặp gỡ thì thì đây là sự gặp gỡ có nhiều điều tốt đẹp và nhiều điều hoan hỷ bởi tất cả chúng ta gặp nhau tại đây là do nhân và duyên, chúng ta là những người con Phật.

Khi có sự gặp gỡ thì sẽ có nhiều cách hay, có nhiều đối tượng để nhìn thấy. Khi mở mắt ra, chúng ta thấy có rất nhiều đối tượng. Như người nam nhìn thấy người nữ và ngược lại; hay nhìn thấy người mình thích, nhìn thấy người mình không thích v.v.. Trong đời sống có nhiều sự nhìn thấy và có những sự gặp gỡ, sự nhìn thấy theo cách thông thường này dễ mang lại sự tham lam, sân hận và si mê. Nhưng có những sự gặp gỡ, sự nhìn thấy mang lại hoan hỷ, bình an. Khi đến thiền viện Phước Sơn với sự gặp gỡ, sự nhìn thấy Chư tôn Đức Tăng, quý cô Tu nữ, các Phật tử thiền sinh là những người thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn, nên những sự gặp gỡ, nhìn thấy này mang lại vô tham, vô sân, vô si; mang lại sự hoan hỷ, an lạc. Nên đây là sự gặp gỡ tốt đẹp nhất trong các sự gặp gỡ.

Trong các sự gặp gỡ, sự gặp gỡ với những người thực hành Pháp là sự gặp gỡ tốt đẹp nhất. Trong những người thực hành Pháp và những người thành tựu Pháp thì Đức Phật là người tối thượng. Nên việc gặp được Đức Phật là sự gặp gỡ mang lại nhiều lợi ích, an vui. Sự gặp gỡ này cũng là sự gặp gỡ tối thượng. Chư Tăng là đệ tử Phật, thừa hưởng và thực hành giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Gặp gỡ Chư Tăng cũng là sự gặp gỡ mang lại nhiều tốt đẹp. Ngài sẽ tóm tắt về Ân đức Tăng. Vì sao khi gặp gỡ Chư Tăng sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp?

Vào thời Đức Phật khi Ngài ngự trong một hang núi, ở bên cạnh đó có một con chim. Mỗi lần Đức Phật đi trì bình khất thực, con chim này đều tiễn Đức Phật đi một đoạn đường và đợi ở đó để tiếp đón Phật về lại hang núi. Mỗi ngày chim đều làm như vậy. Một ngày nọ, một nhóm Tỳ-khưu đến đảnh lễ Phật, con chim két này đã từ khu rừng bay đến hang núi và bày tỏ sự cung kính đối với Chư Tăng được Đức Phật dẫn đầu. Con chim két sau khi bay đến hang núi nhìn thấy Đức Phật cùng Tăng đoàn đã dang hai cánh, cúi đầu xuống để đảnh lễ. Khi Đức Phật nhìn thấy con chim két như vậy, Ngài đã mỉm cười, khi đó Đại Đức Ānanda hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, với nhân duyên gì mà Thế Tôn cười như vậy”. Phật trả lời: “Này Ānanda, nhìn thấy con chim két đảnh lễ Như Lai và Tăng đoàn, với nhân duyên như vậy, con chim két này sẽ không đọa vào địa ngục trong suốt 100 ngàn đại kiếp. Và sau 100 ngàn đại kiếp, con chim két sẽ trở thành Phật Độc Giác có tên là Somanassa. Cho nên nhìn thấy như vậy, Như Lai mới mỉm cười”. Mặc dù làm kiếp con chim két nhưng với tâm cung kính Đức Phật cùng Chư Tăng mà không bị đọa vào địa ngục cũng như những cảnh khổ trong suốt 100 ngàn đại kiếp và cuối cùng sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác. Con chim két chỉ là chúng sinh thuộc hàng súc sinh mà còn có một quả phước lớn như vậy, huống nữa là những người con Phật có tín tâm và sự kính trọng Đức Phật cùng Tăng đoàn thì quả phước sẽ lớn biết nhường nào.

Sự gặp gỡ ngày hôm nay là sự gặp gỡ trong giáo pháp mang lại nhiều lợi ích và vô cùng ý nghĩa, bởi vì đây là sự gặp gỡ giữa những người con Phật có kính tín với Tam Bảo. Ngài Tam Tạng thứ 15 tin rằng thông qua cuộc gặp gỡ này chúng ta tạo nhiều công đức, phước báu, và do những phước thiện này sẽ thoát khỏi mọi cảnh khổ trong nhiều đại kiếp, sẽ thành tựu đạo quả và Niết-bàn. Ngài cầu chúc cho tất cả Chư tôn Đức Tăng, Ni, quý cô Tu nữ và toàn thể Phật tử có nhiều thành tựu trong thiện pháp và thành tựu nhiều công đức, đặc biệt là công đức thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn. Hầu mong thoát khỏi mọi cảnh khổ luân hồi trong Tam giới. Đó là lời nói kết thúc của buổi chia sẻ pháp thoại ngắn đối với tất cả chúng ta trong buổi tối hôm nay.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app