2-  Đối-tượng Itthisadda: Âm-thanh người nữ

Itthisadda: Âm-thanh của người nữ đó là tiếng nói, giọng nói, tiếng ca hát, giọng hò của người nữ, và những gì liên quan đến tâm tư tình cảm của người nữ được biểu hiện qua tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng kèn, v.v… đều gọi là đối-tượng âm-thanh của người nữ được nghe bằng nhĩ- thức-tâm của người nam, làm khống chế tâm của người nam dễ dàng.

Ví dụ: Chuyện Ngài Trưởng-lão bậc Thánh A-ra-hán có vị sa-di trẻ (1) đệ-tử đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các phép-thần- thông, thường đi theo mang y và bát của Ngài Trưởng-lão được tóm lược như sau:

Một hôm, vào buổi chiều, Ngài Trưởng-lão có ý định một mình đi đảnh lễ ngôi Đại Bảo- tháp và cội Đại-Bồ-đề nên không báo cho sa-di đệ-tử biết.

Vị sa-di không thấy Ngài Trưởng-lão, muốn biết vị Thầy tế-độ của mình đi đâu, vị sa-di dùng thần-thông biết rõ vị Thầy tế-độ đi hướng đến ngôi Đại Bảo-tháp, nên vị sa-di đi theo đằng sau vị Thầy tế-độ mà Ngài Trưởng-lão không quan sát để ý, nên không biết có vị sa-di ấy đi theo.

Khi Ngài Trưởng-lão đi vào cửa hướng Nam của ngôi Đại Bảo-tháp thì vị sa-di cũng đi vào cửa ấy.

Ngài Trưởng-lão nhìn ngôi Đại Bảo-tháp, niệm tưởng đến ân-Đức-Phật, phát sinh duy-tác-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi ngồi xuống đảnh lễ ngôi Đại Bảo-tháp, rồi đứng dậy chắp đôi tay hướng đến ngôi Đại Bảo-tháp.

Vị sa-di theo dõi thấy vị Thầy tế-độ của mình có đức-tin trong sạch nơi ngôi Đại Bảo-tháp như vậy, nên nghĩ rằng:

“Vị Thầy tế-độ của ta có đức-tin trong sạch nơi ngôi Đại Bảo-tháp như vậy, nếu có những đóa hoa thơm cúng-dường thì quý biết dường nào!”

Vị sa-di đến hầu đảnh lễ vị Thầy tế-độ. Ngài Trưởng-lão truyền hỏi rằng:

Này sa-di! Con đến đây từ lúc nào vậy?

–    Kính bạch Thầy, con đến lúc Thầy đang đảnh lễ ngôi Đại Bảo-tháp. Bạch Thầy.

–    Kính bạch Thầy, con nhìn thấy Thầy có đức-tin trong sạch thành kính đảnh lễ ngôi Đại Bảo-tháp một cách vô cùng cung-kính. Con xin phép đi tìm những đóa hoa đẹp có hương thơm đem về kính dâng Thầy để cúng-dường ngôi Đại Bảo-tháp này. Bạch Thầy.

–    Này sa-di! Ngôi Đại Bảo-tháp này được tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật, là nơi mà các hàng thanh-văn đệ-tử đến lễ bái cúng dường, dù có những đóa hoa thơm hay không có đóa hoa nào, mà có đức-tin trong sạch đến cung-kính đảnh lễ đều cao quý cả.

Nghe vị Thầy tế-độ truyền dạy như vậy, vị sa- di kính bạch rằng:

–    Kính bạch Thầy, xin Thầy chờ con một lát, con sẽ đi tìm những đóa hoa đẹp có hương thơm đem về kính dâng Thầy để cúng-dường ngôi Đại Bảo-tháp này.

Bạch xong, vị sa-di liền nhập thiền, rồi xả thiền hóa phép-thần-thông bay đến rừng núi Himavanta tìm những đóa hoa đẹp có hương thơm, rồi bay trở về. Khi ấy, vị Thầy tế-độ vừa mới rời khỏi cửa hướng Nam của ngôi Đại Bảo-tháp, chưa đến cửa hướng Tây thì vị sa-di đã trở về đến, bạch với vị Thầy tế-độ rằng:

–    Kính bạch Thầy, con xin kính dâng lên Thầy những đóa hoa đẹp có hương thơm này để Thầy cúng-dường ngôi Đại Bảo-tháp. Bạch Thầy.

Nhận những đóa hoa đẹp có mùi thơm ấy, Ngài Trưởng-lão truyền bảo với sa-di rằng:

    Này sa-di! Những đóa hoa đẹp có hương thơm này không đủ cúng-dường các cửa.

Nghe vị Thầy tế-độ truyền bảo như vậy, vị sa- di bạch với vị Thầy tế-độ rằng:

–    Kính bạch Thầy, kính xin Thầy niệm tưởng ân-Đức-Phật, rồi cúng-dường những đóa hoa đẹp có hương thơm ấy đủ các cửa của ngôi Đại Bảo-tháp.

Thật vậy, Ngài Trưởng-lão đi đến cửa hướng Tây, cung-kính đặt những đóa hoa đẹp có hương thơm trên bàn thờ; khi đảnh lễ xong, trên bàn  thờ đầy những đóa hoa ấy. Phần những đóa hoa còn lại, Ngài Trưởng-lão đi đến cửa hướng Bắc, cung-kính đặt những đóa hoa đẹp có hương thơm trên bàn thờ; khi đảnh lễ xong, trên bàn  thờ cũng đầy những đóa hoa ấy. Cũng như vậy, phần những đóa hoa còn lại, Ngài Trưởng-lão đi đến cửa hướng Đông và cửa hướng Nam, cung- kính đặt những đóa hoa đẹp có hương thơm trên bàn thờ; khi đảnh lễ xong, trên bàn thờ hướng Đông và hướng Nam đầy những đóa hoa ấy.

Ngài Trưởng-lão chắp đôi tay cung-kính đi vòng quanh 4 hướng của ngôi Đại Bảo-tháp, rồi quay trở về. Trên đường đi, Ngài nghĩ rằng:

“Vị sa-di có phép-thần-thông (abhiññā) nhiều oai lực, có khả năng giữ gìn oai lực này được lâu dài hay không?”

Ngài Trưởng-lão suy xét tiếp theo thấy rõ, biết rõ rằng:

“Vị sa-di này sẽ không có khả năng giữ gìn oai lực của phép-thần-thông này được.”

Vì vậy, Ngài Trưởng-lão truyền dạy rằng:

–   Này sa-di! Bây giờ con có phép-thần-thông nhiều oai lực như vậy, nhưng mà thời gian tương lai sau này phép-thần-thông ấy sẽ bị mất, không còn nữa, con sẽ uống nước cháo của con gái người thợ dệt mù một con mắt.

Phép-thần-thông (abhiññā) bị mất do sự dể duôi của tuổi trẻ.

Nghe lời truyền dạy của vị Thầy tế-độ như vậy, vị sa-di không hài lòng, nghĩ rằng:

“Vị Thầy tế-độ của ta nói điều không hay.”

Rồi vị sa-di bỏ đi như không hay biết lời truyền dạy của Ngài Trưởng-lão.

Một hôm, sau khi Ngài Trưởng-lão đi đảnh lễ ngôi Đại Bảo-tháp và cội Đại-Bồ-đề xong, Ngài truyền bảo sa-di mang bát và y đi đến ngôi chùa lớn  Kuṭeḷitissa.  Vị  sa-di  không  muốn  đi  theo, cũng không muốn đi khất thực với Thầy tế-độ, nên bạch hỏi Thầy tế-độ rằng:

–   Kính bạch Thầy, Thầy sẽ đi vào khất thực xóm nhà nào? Bạch Thầy.

Được biết Thầy tế-độ sẽ đi khất thực trong xóm nhà ấy, nên vị sa-di bay theo đường hư không, đem bát và y đến dâng Thầy tế-độ.

Ngài Trưởng-lão thường hay khuyên dạy vị sa-di rằng:

–   Này sa-di! Con không nên làm như vậy, phép-thần-thông của phàm-nhân có tính chất không vững vàng, không chắc chắn, nếu khi gặp đối-tượng sắc đẹp, đối-tượng âm thanh hay, v.v… là các đối-tượng nghịch làm nguyên nhân bị mất các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, thì các phép-thần-thông cũng bị mất luôn. Khi ấy, các hạng phàm-nhân ấy không thể duy trì phạm- hạnh cao thượng của bậc xuất-gia.

Nghe Ngài Trưởng-lão thường hay khuyên dạy như vậy, vị sa-di nghĩ rằng:

“Vị Thầy tế-độ của ta nói hoài như vậy, chán quá không đáng nghe.”

Ngài Trưởng-lão đảnh lễ ngôi Bảo-tháp, rồi tiếp tục đi đến ngôi chùa Kammupenda, trú tại nơi ấy. Vị sa-di không vâng lời khuyên dạy của vị Thầy tế-độ, vẫn sử dụng phép-thần-thông bay nơi này nơi khác.

Vị sa-di bị mất phép-thần-thông (Abhiññā)

Về sau, một hôm con gái của người thợ dệt có sắc đẹp và giọng hát hay vào tuổi trưởng thành, ra khỏi nhà xuống hồ sen vừa hát với giọng rất hay, vừa hái hoa sen. Khi ấy,  vị sa-di bay trên hư không ngang qua hồ sen ấy, lắng nghe giọng hát du dương trầm bổng của cô gái, phát sinh tâm dể duôi quên mình, như con ong say mê vị ngọt của đóa hoa, cũng như vị sa-di say mê giọng hát du dương trầm bổng của cô gái hái hoa sen dưới hồ. Ngay khi ấy, phép-thần-thông bị mất như con chim bị gãy cánh, nhưng còn nhờ năng lực của bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nên từ từ đáp xuống đứng trên bờ hồ.

Vị sa-di đã mất hết các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các phép-thần-thông, nên vội vàng trở về đem y và bát dâng cho vị Thầy tế-độ, rồi đảnh lễ Thầy tế-độ, xin phép từ giã.

Ngài Trưởng-lão đã thấy rõ, biết rõ từ trước nên không thể nào ngăn cản sa-di được. Ngài Trưởng-lão đi vào xóm nhà khất thực, còn vị sa- di vội vàng trở lại đứng trên bờ hồ chờ cô gái con của người thợ dệt lên bờ.

Cô gái ấy nhìn thấy vị sa-di bay trên hư không rơi xuống, đã đi rồi quay trở lại, cô gái biết rằng:

“Vị sa-di này thấy ta nên có sự say mê.”

Cô nói với vị sa-di rằng:

–  Này vị sa-di! Xin sa-di tránh sang nơi khác!

Vị sa-di ấy tránh sang nơi khác, cô gái bước lên bờ mặc y phục xong đi đến gặp vị sa-di hỏi rằng:

–    Này vị sa-di! Có việc gì không?

Nghe cô gái hỏi như vậy, vị sa-di ấy thành thật thổ lộ tình cảm của mình đối với cô gái ấy.

Nghe vị sa-di thổ lộ như vậy, cô gái ấy trình bày những nỗi khổ của đời sống người tại gia không sao kể xiết, và quả-báu của bậc xuất-gia thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Cô gái có thực tâm khuyên nhủ vị sa-di nên thực-hành phạm-hạnh của bậc xuất gia cao thượng, không nên hoàn tục trở lại người tại gia, nhưng mà không thể khuyên nhủ vị sa-di từ bỏ ý định muốn ngỏ lời cầu hôn với cô được.

Cô gái ấy nghĩ rằng:

“Sở dĩ vị sa-di này bị mất phép-thần-thông là vì nhìn thấy ta, nghe ta hát. Cho nên, ta không nỡ từ chối lời cầu hôn của sa-di được.”

Cô gái nói với vị sa-di rằng:

–   Này vị sa-di! Sa-di nên đứng tại đây chờ tôi trở lại.

Cô gái ấy đi trở về nhà thưa với mẹ cha về chuyện của vị sa-di, và vị sa-di ngỏ lời cầu hôn cho mẹ cha của cô nghe.

Mẹ cha của cô gái đi đến gặp vị sa-di, dù ân cần khuyên nhủ đủ điều, nhưng vị sa-di vẫn không từ bỏ ý định cầu hôn ấy. Mẹ cha của cô gái nói thẳng thắn với vị sa-di rằng:

–    Này sa-di! Sa-di chớ nên nghĩ rằng: Gia đình chúng tôi thuộc dòng dõi cao quý giàu có! Thật ra, gia đình chúng tôi chỉ là người thợ dệt nghèo khổ mà thôi.

Sa-di có thể làm nghề thợ dệt được hay không?

Nghe mẹ cha của cô gái hỏi như vậy, vị sa-di thưa rằng:

–   Thưa ông bà, gọi là người tại gia, cần phải có nghề nào đó làm ăn nuôi sống gia đình, dù là nghề thợ dệt hoặc nghề nào khác. Trước hết cần phải học cho biết, rồi cố gắng thực tập cho thành nghề.

–  Thưa ông bà, xin ông bà ban cho tôi một bộ y phục của người tại gia, để thay đổi bộ y của bậc xuất-gia này.

Nghe vị sa-di đã có quyết tâm như vậy, ông thợ dệt là cha của cô gái ban cho vị sa-di 1 tấm vải mặc ở dưới và 1 tấm quấn trên thân, hoàn tục trở thành người tại gia, rồi dẫn về nhà làm lễ gả đứa con gái cho cậu.

Ông thợ dệt truyền dạy nghề dệt cho người con rể, qua một thời gian, người con rể làm nghề dệt cùng với nhóm thợ dệt khác.

Hằng ngày, từ sáng sớm những người đàn bà của mỗi gia đình đem vật thực đến cho những người thợ dệt. Một hôm, trong lúc những người thợ dệt khác ngưng làm việc để dùng vật thực thì cậu trẻ vẫn phải ngồi chờ; hôm ấy, người vợ của cậu trẻ đến trễ hơn mọi ngày, cho nên, cậu trẻ nổi cơn giận dữ mắng người vợ rằng: Sao hôm nay em đến quá trễ vậy!

Người vợ ấy nói cho chồng biết rằng:

–   Này anh! Những gia đình thợ dệt khác khá giả, họ có đầy đủ mọi thứ như gạo, đồ gia vị, còn có nhiều người giúp đỡ. Còn gia đình chúng ta nghèo khổ thiếu thốn mọi thứ, có thứ này nhưng lại thiếu thứ kia, chỉ có một mình em, vất vả lắm mới lo được một bữa ăn rồi đem đến cho anh. Nếu anh muốn ăn thì ăn, còn nếu anh không muốn ăn thì đừng có ăn.

Nghe người vợ nói như vậy, người chồng trẻ nổi cơn tức giận nghĩ rằng:

“Người vợ này không chỉ đem vật thực đến trễ hơn mọi ngày mà còn nói lời chọc tức ta nữa.”

Khi ấy, người chồng thấy không có vật nào để đánh nàng được, nên tháo lấy con thoi trong khung cửi ném về phía người vợ. Tuy người vợ né tránh nhưng chẳng may cái đầu con thoi đụng vào con mắt làm cho con ngươi bị thương chảy máu, người vợ lấy 2 tay ôm con mắt bị thương, rồi bị mù một mắt.

Khi ấy, nhớ lại lời dạy của vị Thầy tế-độ trước đây rằng: “Trong tương lai sau này, con sẽ uống nước cháo của con gái người thợ dệt bị mù một con mắt”. Người chồng ấy cảm thấy vô cùng ân hận, nên khóc than lớn tiếng rằng:

–  Sự việc xảy ra đúng như vị Thầy tế-độ truyền dạy ta trước đây, vị Thầy tế-độ của ta thấy rõ, biết rõ rồi. Ôi! Vị Thầy tế-độ thấy biết được sự việc xảy ra trong thời vị lai như vậy!

Những người thợ dệt khác đến nói lời an ủi với người chồng trẻ rằng:

–  Này cậu bạn! Cậu không nên khóc nữa! Con mắt của vợ cậu bị mù rồi, dù cậu có khóc thế nào cũng không thể làm cho mắt của vợ cậu trở lại như trước được nữa.

–  Thưa quý anh, tôi không phải khóc vì nguyên nhân con mắt của vợ tôi bị đui mù, mà thật ra, tôi khóc nhiều bởi vì tôi cảm thấy vô cùng hối hận vì không vâng lời dạy của vị Thầy tế-độ đã truyền dạy tôi trước đây.

Người thợ trẻ thuật lại cho những người thợ dệt nghe về cuộc đời xuất gia trước kia của mình với vị Thầy tế-độ, đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và đặc biệt chứng đắc các phép-thần-thông (abhiññā).

Như vậy, hành-giả nào là hạng người tam- nhân (tihetukapuggala) thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và chứng đắc các phép-thần- thông (abhiññā), đối với hành-giả còn là hạng phàm-nhân thì rất khó giữ gìn. Bởi vì hạng phàm-nhân còn có đầy đủ tất cả mọi phiền-não, mà phiền-não nương nhờ nơi ác-tâm phát sinh, khi ác-tâm nào phát sinh thì tự làm khổ mình và làm khổ người khác, làm khổ chúng-sinh khác.

Cho nên, Đức-Phật dạy rằng:

–  Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy có đối-tượng thanh nào khác dù một đối-tượng mà khống chế được tâm của người nam như đối- tượng thanh hay của người nữ.

–  Này chư tỳ-khưu! Đối-tượng thanh hay của người nữ khống chế được tâm của người nam dễ dàng.

Chỉ có hành-giả nào là hạng người tam-nhân đã từng tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp- chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp- chủ, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc theo tuần tự 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền- não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra- hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app