Nội Dung Chính
Diṭṭhijukammakusala: Phước-thiện chánh-kiến
Định nghĩa Diṭṭhijukamma
“Diṭṭhiyā ujukaraṇaṃ: diṭṭhijukammaṃ”.
Trí-tuệ hiểu biết chính-trực bằng chánh-kiến gọi là diṭṭhijukamma.
Diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến đó là kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp thấy đúng, biết đúng, tin chắc chắn mỗi chúng-sinh đều có nghiệp là của riêng mình với tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nên gọi là phước-thiện chánh-kiến sở-nghiệp.
Đức-Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp như sau:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.”
Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.
Như vậy, mỗi người nói riêng, tất cả mọi chúng-sinh nói chung chỉ có thiện-nghiệp và ác-nghiệp là của riêng thật sự của mình mà thôi.
Ngoài nghiệp của mình ra, không có gì trong đời này là của riêng mình thật sự cả, thậm chí ngay sắc thân bên trong này cũng không phải là của riêng mình, bởi vì ta không thể làm chủ theo ý của mình được, huống hồ gì của cải tài sản, sự nghiệp bên ngoài làm sao ta có thể gọi là của riêng mình được? Cũng không thể gọi là của riêng một ai cả.
Thật vậy, nếu người nào khi đại-thiện-nghiệp bố-thí nào có cơ hội cho quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy thì người ấy được giàu sang phú quý, v.v… cuộc sống đầy đủ sung túc hạnh phúc an-lạc, đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy, thì tất cả của cải tài sản, đất đai, sự nghiệp, v.v… không thể giữ gìn được nữa, bởi vì không phải là của riêng mình.
Người thí-chủ thiện-trí hiểu biết rõ sự thật tất cả tiền của bên ngoài không phải là của riêng mình thật sự như vậy, nên người thí-chủ thiện-trí biết sử dụng tiền của thuộc về quyền sở hữu tạm thời của mình, đem tiền của ra mua sắm những thứ vật dụng cần thiết, đó là y phục, vật thực, thuốc trị bệnh, xây dựng chỗ ở cúng-dường
đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để tạo đại-thiện-nghiệp bố-thí thuộc về của riêng mình thật sự có tính chất bền vững lâu dài, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai đối với thí-chủ.
Còn những của cải tài sản còn lại thuộc về của chung của mình và của mọi người.
Tất cả 4 loài chúng-sinh dù lớn dù nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới này, đều bị chi phối do nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh mà thôi. Ngoài nghiệp và quả của nghiệp ra, mỗi chúng-sinh hoàn toàn không tuỳ thuộc vào quyền năng của một ai cả, cho nên không có định-mệnh an bài hoặc số-mệnh an bài của mỗi chúng-sinh.
Giả sử, nếu mỗi chúng-sinh trong 4 loài dù lớn, dù nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, có mỗi định-mệnh hoặc mỗi số-mệnh của mỗi chúng-sinh, thì thử hỏi ai có khả năng định sẵn, an bài mỗi định-mệnh hoặc mỗi số-mệnh của mỗi chúng-sinh lớn, hoặc nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới này được ???
Như vậy, chắc chắn không có định-mệnh an bài hoặc số-mệnh an bài của mỗi chúng-sinh, mà chỉ có nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh mà thôi.
Cho nên, người thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết đúng như vậy gọi là kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp hiểu biết đúng, tin tưởng mỗi chúng-sinh đều có nghiệp là của riêng mình, gọi là diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Diṭṭhijukamma = Diṭṭhi +ujukamma,
Diṭṭhi: có nghĩa chánh-kiến (sammādiṭṭhi).
Ujukamma: có nghĩa trí-tuệ hiểu biết đúng chính-trực.
Diṭṭhijukamma: Trí-tuệ hiểu biết chính-trực đúng đắn bằng chánh-kiến đó là kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp thấy đúng, biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.
Trí-tuệ làm nhân-duyên phát sinh kammassakatā sam-mādiṭṭhi có 3 loại:
1- Sutamayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do nghe, học hỏi chánh-pháp, đọc sách nghiên cứu về chánh-pháp của Đức-Phật làm nhân-duyên phát sinh kammassakatā sammādiṭṭhi.
2- Cintāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do suy xét đúng đắn, tư duy đúng do nương nhờ nơi trí-tuệ nghe, học hỏi chánh-pháp, đọc sách nghiên cứu về chánh-pháp của Đức-Phật làm nền tảng, để có trí-tuệ suy xét đúng, tư duy sâu sắc về sự hiện hữu của mỗi chúng-sinh khác nhau trong đời đều do nghiệp và quả của nghiệp của mỗi
chúng-sinh khác nhau làm nhân-duyên phát sinh kammassakatā sammādiṭṭhi.
3- Bhāvanāmayapaññā: Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do pháp-hành do nương nhờ nơi sutamayapaññā và cintā-mayapaññā làm nền tảng, để hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, cho nên, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh làm nhân-duyên phát sinh kammassakatā sammādiṭṭhi.
Như vậy, 3 loại trí-tuệ này làm nhân phát sin kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp thấ đúng, biết đúng sự thật, tin tưởng mỗi chúng-sinh đều có nghiệp là của riêng mình, nên có 10 điều chánh-kiến gọi là “sammādiṭṭhika dasavatthu” để có diṭṭhijukamma-kusala: phước-thiện chánh-kiến.
Sammādiṭṭhika dasavatthu: 10 điều chánh-kiến:
1- Atthi dinnaṃ: chánh-kiến biết đúng rằng: phước-thiện bố-thí sẽ có quả tốt, an-lạc.
2- Atthi yiṭṭhaṃ: chánh-kiến biết đúng rằng: phước-thiện cúng dường sẽ có quả tốt, an-lạc.
3- Atthi hutaṃ: chánh-kiến biết đúng rằng: phước-thiện cúng dường, đón rước, sẽ có quả tốt, an-lạc.
4- Atthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: chánh-kiến biết đúng rằng: đã tạo đại-thiện-nghiệp, ác-nghiệp, rồi có quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp, có quả khổ của ác-nghiệp.
5- Atthi ayaṃ loko: chánh-kiến biết đúng rằng: có cõi-giới này, nghĩa là có chúng-sinh tái-sinh đến cõi đời này.
6- Atthi paro loko: chánh-kiến biết đúng rằng: có cõi-giới khác, nghĩa là chúng-sinh sau khi chết, nghiệp của họ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi khác.
7- Atthi mātā: chánh-kiến biết đúng rằng: đối xử tốt, đối xử xấu với mẹ sẽ có quả tốt, quả xấu.
8- Atthi pitā: chánh-kiến biết đúng rằng: đối xử tốt, đối xử xấu với cha sẽ có quả tốt, quả xấu.
9- Atthi sattā opapātikā: chánh-kiến biết đúng rằng: có các loài chúng-sinh hóa-sinh to lớn ngay tức thì: như chư-thiên cõi dục-giới, chư phạm-thiên cõi sắc-giới, chư phạm-thiên cõi vô-sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, loài ngạ-quỷ, loài a-su-ra.
10- Atthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sammā-paṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: chánh-kiến biết đúng rằng: trong đời này, có các Sa-môn, Bà-la-môn là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc các phép thần thông.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, thấy rõ, biết rõ cõi-giới này, cõi-giới khác, rồi thuyết giảng là điều có thật.
Mười điều chánh-kiến này là 10 điều trắc nghiệm khảo sát để biết mình có đầy đủ trọn vẹn hay không. Nếu xem xét thấy mình có đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh-kiến này thì có thể tự khẳng định mình là người có diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Nếu trường hợp xem xét thấy mình chưa đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh-kiến này thì biết mình là người chưa có đủ diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Trong đời này, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nào có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, muốn tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến chư tỳ-khưu, nhưng không học hỏi hiểu biết nhiều chánh-pháp của Đức-Phật, nên người ấy tạo được phước-thiện bố-thí ấy với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ, bởi vì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy không có sutamayapaññā (trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp), cũng không có cintā-mayapaññā (trí-tuệ phát sinh do suy xét đúng đắn về chánh-pháp), bởi vì thiếu diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Nếu người nào chưa có đầy đủ 10 điều chánh-kiến (sammādiṭṭhika dasavatthu) thì người ấy nên cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo và nên thực-hành pháp-hành Phật-giáo, để hiểu biết rõ chánh-pháp của Đức-Phật, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt hiểu rõ chánh-pháp, để có được đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh-kiến cơ bản này.
Người nào có được đầy đủ 10 điều chánh-kiến thì người ấy có được kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, nên có diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Người nào có diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến, khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, v.v… người ấy sẽ được phước-thiện vô lượng, có quả báu vô lượng không sao kể được.
Ví dụ như ươm hạt giống cây Bồ-đề nhỏ, lên thành cây Bồ-đề to lớn.
Nếu người nào không có được đầy đủ 10 điều chánh-kiến này thì người ấy cũng không có kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở-nghiệp biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, nên không có diṭṭhiju-kammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Người nào không có diṭṭhijukammakusala: phước-thiện chánh-kiến, khi tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ gìn giới của mình, phước-thiện thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc pháp-hành thiền-tuệ,v.v…người ấy sẽ được phước-thiện ít ỏi, có quả báu ít ỏi.
Ví dụ như cây Bồ-đề to lớn có hạt Bồ-đề nhỏ.
Diṭṭhijukamma trong 3 thời-kỳ
1- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ pubbacetanā.
2- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ muñcacetanā.
3- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ aparacetanā.
1- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ pubbacetanā là tác-ý thiện-tâm trước khi có được diṭṭhijukamma như thế nào?
Người nào biết mình chưa hiểu biết đúng giáo-pháp của Đức-Phật, chưa có đầy đủ 10 điều chánh-kiến, người ấy biết suy nghĩ rằng:
“Ta nên theo học pháp-học Phật-giáo và nên thực-hành pháp-hành Phật-giáo để có được kammassakatā sammādiṭṭhi chánh-kiến sở-nghiệp biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, sẽ có được phước-thiện chánh-kiến thấy đúng chính trực trong giáo-pháp của Đức-Phật.”
Đó là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ pubbacetanā là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm.
2- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ muñcacetanā là tác-ý thiện-tâm đang khi có được diṭṭhijukamma như thế nào?
Sau khi suy nghĩ như vậy, người ấy quyết tâm tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo, hiểu biết đúng đắn phần pháp-học Phật-giáo, rồi tiếp theo thực-hành pháp-hành Phật-giáo, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp, nên có được phước-thiện chánh-kiến biết đúng chính trực trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Đó là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ muñcacetanā là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ.
3- Diṭṭhijukamma trong thời-kỳ aparacetanā là tác-ý thiện-tâm sau khi đã có được diṭṭhijukamma như thế nào?
Sau khi học pháp-học Phật-giáo và thực-hành pháp-hành Phật-giáo, có phước-thiện chánh-kiến thấy đúng chính trực trong giáo-pháp của Đức-Phật, người ấy suy nghĩ rằng:
“Trước đây, ta chưa hiểu biết rõ pháp-học Phật-giáo và chưa thực-hành pháp-hành Phật-giáo, nên thấy sai, biết sai giáo-pháp của Đức-Phật.
Nay, ta đã học pháp-học Phật-giáo và thực-hành pháp-hành Phật-giáo nên có được đầy đủ trọn vẹn 10 điều chánh-kiến biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình.”
Đó là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ aparacetanā là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa giảng giải trong bộ Aṭṭhasālinī aṭṭhakathā phần puññakriyā-vatthādikathā rằng:
1- Diṭṭhiṃ ujukaṃ karissāmī’ti cintentopi tesaṃ yeva aṭṭhānaṃ aññatarena cinteti.
Người nào suy nghĩ rằng: Ta sẽ làm cho trí-tuệ phát sinh thấy đúng chính trực theo giáo-pháp của Đức-Phật, người ấy suy nghĩ với đại-thiện-tâm nào trong 8 dục-giới thiện-tâm như vậy, gọi là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ pubbacetanā.
2- Diṭṭhiṃ ujukaṃ karonto pana catunnaṃ ñāṇa- sampayuttānaṃ aññatarena karoti.
Người nào đang thực-hành để cho trí-tuệ phát sinh thấy đúng chính trực theo giáo-pháp của Đức-Phật, bằng cách theo học pháp-học Phật-giáo và theo thực-hành pháp-hành Phật-giáo, người ấy đang thực-hành như vậy, với đại-thiện-tâm nào trong 4 dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ như vậy, gọi là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ muñcacetanā.
3- Diṭṭhiṃ me ujukā katā’ti paccavekkhanto aṭṭhānaṃ aññatarena paccavekkhati”.
Người nào quán triệt trong phước-thiện chánh-kiến của mình rằng: Ta đã có trí-tuệ thấy đúng chính trực theo pháp-học Phật-giáo và pháp-hành Phật-giáo, người ấy đã quán triệt với đại-thiện-tâm nào trong 8 dục-giới thiện-tâm như vậy, gọi là diṭṭhijukamma trong thời-kỳ aparacetanā.
Chánh-kiến có 5 loại:
1- Kammassakatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến sở-nghiệp biết đúng, tin nghiệp và quả của nghiệp của riêng mình.
2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến thiền-tuệ.
3- Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ.
4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-quả-tuệ.
5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, phiền-não đã diệt tận, phiền-não chưa diệt tận.
Năm loại chánh-kiến này, trong Puññakriyāvatthu điều thứ 10 diṭṭhijukamma: phước-thiện chánh-kiến chỉ đề cập đến kammassakatā sammādiṭṭhi mà thôi.