Nội Dung Chính
Đại địa chấn động sau những dòng tâm suy xét về các pháp Ba-la-mật của đạo sĩ Sumedha
Sau khi đã suy xét về Hành xả Ba-la-mật để làm chín muồi chứng đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, và đắc thành Phật mà một vị Bồ-tát phải thực hành viên mãn, chính xác là mười pháp này. Ngoài những pháp Ba-la-mật này, không còn pháp Ba-la-mật nào khác. Và mười pháp Ba-la-mật này là những pháp cần thiết để chứng đắc đạo quả Phật, chúng không tồn tại ở ngoài ta, không ở trên trời hay dưới đất, chúng cũng không ở hướng đông hay bất cứ hướng nào khác. Thật ra, chúng ở trong tâm ta. Khi đã suy nghĩ như vậy, vị ấy hối thúc mình: “Này Sumedha, hãy thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật này, là những pháp thù thắng dẫn đến đạo quả Phật. Đừng thối chuyển.”
Rồi vị ấy xem xét lại mười pháp Ba-la-mật theo thứ tự xuôi: Bố thí, Trì giới, Xuất ly, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Hành xả. Rồi vị ấy quán ngược lại như vầy: Hành xả, Tâm từ, Quyết định, Chân thật, Nhẫn nại, Tinh tấn, Trí tuệ, Xuất ly, Trì giới và Bố thí. Sau đó vị ấy quán xuôi từng nhóm hai pháp bắt đầu từ hai pháp giữa: Tinh tấn và Nhẫn nại – Trí tuệ và Chân thật – Xuất ly và Quyết định – Trì giới và Tâm từ – Bố thí và Hành xả. Rồi vị ấy quán lại chúng bắt đầu bằng hai pháp đầu và cuối: Bố thí và Hành xả – Trì giới và Tâm từ – Xuất ly và Quyết định – Trí tuệ và Chân thật – Tinh tấn và Nhẫn nại. Như vậy vị ấy đã quán mười pháp Ba-la-mật kỹ lưỡng như cái máy ép dầu nghiền nát những hạt dầu để sản xuất ra dầu.
Vị ấy đã quán tất cả những vấn đề liên quan đến các pháp Ba-la- mật cần thiết cho việc chứng đắc Phật quả: Dứt bỏ những thứ ngoài thân là sự thực hành Ba-la-mật bình thường (pāramī). Dứt bỏ tứ chi là sự thực hành Ba-la-mật bậc cao (Upa-pāramī). Dứt bỏ mạng sống là sự thực hành Ba-la-mật tối cao (Paramattha-pāramī).
Do năng lực được tạo ra bởi sự tra xét về mười pháp Ba-la-mật với đầy đủ các đặc tánh và phận sự của chúng, đại địa trong mười ngàn thế giới nghiêng về bên phải và bên trái, tới trước và ra sau, nhào xuống và trồi lên, và nó đã chao động dữ dội theo những cách này. Nó cũng tạo ra những âm thanh vang dội, những tiếng đùng đùng dậy đất vang trời. Như cái máy ép mía được quay bởi những người thợ hoặc như bánh xe quay của cái máy ép dầu, đại địa này đã quay cuồng chấn động.
Như đã trình bày ở phần sau chương nói về Sumedha, sau khi công bố lời tiên tri đến đạo sĩ Sumedha, Đức Phật Nhiên Đăng đi vào thành phố Rammavatī và đến với dân cư đã thỉnh Ngài thọ thực. Khi Đức Phật đang thọ thực, thì Sumedha đang quán xét lần lượt mười pháp Ba-la-mật và đại địa chấn động sau khi vị ấy vừa quán xong. Do quả đất chấn động dữ dội, khiến tất cả dân chúng đang hầu hạ bữa thọ thực đến Đức Phật không thể đứng vững. Như những cây Sa-la to lớn bị quất ngã bởi những cơn đại hồng phong từ núi Yugandhara đổ xuống, họ ngã xuống đất trong trạng thái bàng hoàng và choáng váng.
Tại chỗ để vật thực cúng dường, hằng ngàn cái nồi đựng vật thực và hằng trăm chum nước đã va đập nhau và bị vỡ ra thành từng mảnh.
Bị dao động mạnh, sợ hãi và hốt hoảng, dân chúng cùng nhau đi đến Đức Phật Nhiên Đăng và bạch rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, bậc có năm con mắt trí tuệ, hiện tượng này là điềm tốt hay xấu? Một thảm họa đã đến với tất cả chúng con. Cầu xin Đức Thế Tôn diệt trừ mọi sợ hãi cho chúng con!”
Khi ấy Đức Thế Tôn đáp rằng: “Đừng sợ hãi về sự chấn động do đại địa gây nên. Đừng lo sợ gì cả. Chẳng có gì phải sợ hãi. Ngày hôm nay Ta đã tiên tri cho Sumedha rằng trong tương lai vị ấy sẽ thành Bậc Chánh Đẳng giác trong thế gian. Vị ấy đã quán xét về mười pháp Ba- la-mật mà chư Phật quá khứ đã thực hành viên mãn. Do những lần suy quán về mười pháp Ba-la-mật, cần thiết cho việc chứng đắc đạo quả Phật, không bỏ sót một pháp nào, nên đại địa này của mười ngàn thế giới đã rung chuyển dữ dội như thế.” Như vậy Đức Phật Nhiên Đăng đã giải thích rõ về nguyên nhân của sự địa chấn và khẳng định với họ rằng không có tai họa nào xảy ra.
Chư thiên và Phạm thiên bày tỏ sự tôn kính đến Sumedha
Dân chúng thành Rammavati tức thì yên tâm và không còn lo sợ khi nghe những lời của Đức Phật Nhiên Đăng. Ngược lại, họ rất hoan hỷ, mang hoa và các vật thơm cùng lễ vật cúng dường, kéo nhau ra khỏi thành phố, đi đến Sumedha và bày tỏ sự tôn kính đến đạo sĩ Sumedha bằng những lễ vật cúng dường, rồi đảnh lễ vị ấy.
Đạo sĩ Sumedha, sau khi quyết định thực hành Bồ-tát đạo, đã quán niệm về các ân đức của bậc Chánh Biến Tri. Tâm vị ấy vững chắc hướng về Đức Phật Nhiên Đăng làm lễ rồi đứng dậy, từ chỗ ngồi kiết già.
Khi đạo sĩ Sumedha đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cả chư thiên và nhân loại tôn kính vị ấy bằng cách rải lên vị ấy những bông hoa mà chư thiên và nhân loại đem theo.
Sau đó họ nói lên những lời tán dương và khích lệ: “Kính thưa bậc ẩn sĩ cao quý, Ngài đã phát nguyện thành đạt quả vị cao quý, là đạo quả Phật. Chúc Ngài được viên thành bổn nguyện”.
“Cầu mong rằng tất cả tai ương và chướng ngại đang chực chờ Ngài thảy đều tiêu diệt và không bao giờ xảy ra. Cầu mong tất cả những lo âu và tật bịnh thảy đều biến mất và Ngài sẽ không bao giờ gặp chúng. Cầu mong không có tai họa nào xảy đến với Ngài. Cầu chúc Ngài sớm chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất Thiết trí!”
“Hỡi Đấng đại anh hùng! Như những cây nở hoa đúng mùa trong thế gian này. Cũng vậy, cầu chúc Ngài nở những bông hoa pháp như Tứ vô sở uý tuệ (Catu–vesārajja-ñāṇa)1, Lục bất cộng trí (Cha- asādhārana-ñāṇa)2 và Thập lực trí (Dasabala-ñāṇa), v.v… là những thành quả của tất cả chư Phật.”
“Hỡi Đấng đại anh hùng! Hãy thực hành viên mãn mười pháp Ba- la-mật như tất cả chư Phật đã làm. Cầu chúc Ngài có thể thực hiện được!”
“Hỡi Bậc đại anh hùng! Như tất cả chư Phật đã thông đạt Tứ Diệu Đế dưới cội cây bồ đề, Cũng vậy, cầu chúc Ngài trở thành một vị Phật sau khi thông đạt Tứ Diệu Đế dưới cội cây bồ đề, là địa danh của sự chiến thắng!”
“Hỡi Đấng đại anh hùng! Như tất cả chư Phật đã từng Chuyển pháp luân, cầu chúc Ngài có thể quay bánh xe pháp bằng việc thuyết bài Pháp đầu tiên!
Như trăng rằm sáng tỏ, không bị năm vật che mờ do sương phía dưới bốc lên, sương trên mây rơi xuống, do thần Rahu và khói. Cũng vậy, cầu chúc Ngài xuất hiện rực rỡ giữa mười ngàn thế giới với nguyện ước được viên thành!
Như mặt trời thoát khỏi miệng Asura, chiếu sáng rực rỡ. Cũng vậy, cầu chúc Ngài chiếu sáng rực rỡ bằng oai lực của một vị Phật sau khi thoát khỏi tất cả mọi kiếp sống!
Như tất cả mọi con sông đều đổ ra biển. Cũng vậy, cầu mong tất cả chư thiên và nhân loại đều đến với Ngài!”
Bằng cách này, chư thiên và nhân loại đã công bố sự vinh quang của vị ấy và nói những lời cầu nguyện may mắn.
Đạo sĩ Sumedha sau khi được khích lệ như vậy với đầy đủ những lời chúc lành và sự ngưỡng mộ, đã đi vào Hy-mã-lạp-sơn với quyết tâm tu tập và thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.