CHƯƠNG 5: SỰ THỌ KÝ

Trong thời gian ẩn sĩ Sumedha thành tựu các pháp hành của vị Sa-môn đúng với truyền thống thực hành của những vị ẩn sĩ cao quý và đã đắc Bát thiền Ngũ thông, thì trong thế gian Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) xuất hiện. Ba mươi hai biến cố kỳ diệu như sự rung chuyển của mười ngàn thế giới xảy ra trong bốn trường hợp liên quan đến sự xuất hiện của Đức Phật Nhiên Đăng, đó là: nhập thai, đản sanh, thành đạo và lúc Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên. Nhưng đạo sĩ Sumedha không hay biết những biến cố kỳ diệu này vì vị ấy mãi trú trong sự an lạc của các tầng thiền.

Sau khi thành đạo, Đức Phật Nhiên Đăng thuyết giảng bài pháp đầu tiên đến một trăm ngàn koti (1 koti = 10 triệu) chư thiên và nhân loại tại Sunandarama. Sau đó, Ngài bắt đầu cuộc hành trình diệt trừ phiền não cho chúng sanh bằng cách rưới lên họ dòng nước thanh tịnh của chánh pháp, như trận mưa lớn đổ xuống khắp bốn châu lục.

Rồi cùng với bốn trăm ngàn vị A-la-hán, Ngài đi đến thành phố Rammavati và ngụ tại tịnh xá Sudassana. Trong lúc đó, Sumedha đang thọ hưởng sự an lạc của các tầng thiền ở trong rừng và hoàn toàn không hay biết về sự xuất hiện của Đức Phật Nhiên Đăng trong thế gian.

Nghe tin Đức Phật đã đến tại tịnh xá Sudassana, sau khi ăn sáng dân cư thành Rammavatī mang những vật thí thượng hạng làm thuốc trị bịnh như bơ, sữa v.v… cũng như các hương liệu và hoa và đến yết kiến Đức Phật.

Sau khi đảnh lễ Đức Phật và cúng dường đến Ngài các loại hương hoa, họ ngồi xuống ở chỗ phải lẽ và lắng nghe bài pháp khả ái nhất của Ngài. Cuối thời pháp, họ thỉnh Đức Phật và chúng Tăng thọ thực vào ngày mai, sau khi nhiễu ba vòng quanh Ngài để tỏ sự tôn kính, họ rời tịnh xá và trở về nhà.

Những công việc sửa soạn chu đáo đón tiếp Đức Phật và chúng Tăng

Ngày hôm sau, dân cư thành Rammāvati đã sửa soạn chu đáo cuộc lễ bố thí vật thực vĩ đại và vô song (asadisa-mahādāna). Một cái rạp lớn được dựng lên, những hoa sen màu xanh thanh khiết và mềm mại được rải đầy trong rạp; không trung ngào ngạt bốn mùi hương. Những loại hoa được làm từ những miếng bánh tráng nhỏ cũng được rải khắp nơi. Những cái chum nước mát có lá chuối đậy bên trên được đặt ở bốn góc rạp. Một cái lọng có đính những hoa sao bằng vàng, bạc và ngọc được gắn vào giữa trần của cái rạp. Hoa thơm và châu báu giống như những bông hoa được kết thành tràng treo ngang, thả dọc khắp nơi. Khi sự trang hoàng, sắp đặt cho giả ốc đã hoàn tất, dân cư bắt đầu quét dọn thành phố sạch sẽ và ngăn nắp. Ở hai bên đường chính, họ đặt những chum nước, những cây chuối có buồng, cờ xí được treo lên, những tấm màng có trang trí hoa văn được giăng lên ở những nơi  thích hợp.

Khi những công việc sửa soạn cần thiết đã được thực hiện trong thành phố, dân chúng kéo nhau đi đắp đường để Đức Phật đi vào thành phố. Họ lấy đất lấp vào những ổ gà và chỗ lở do những cơn lụt để lại và san bằng chỗ đất gồ ghề, bùn lầy. Họ rải cát trắng như ngọc trai lên con đường, rải những hột nổ đủ màu và trồng những cây chuối có buồng dọc theo con đường. Như vậy dân cư thành Rammavati đã làm tất cả những công việc sửa soạn và sắp xếp cho cuộc lễ bố thí vật thực.

Lúc bấy giờ, ẩn sĩ Sumedha rời ẩn xá bay xuyên qua không trung, trông thấy dân cư thành Rammavati đang hoan hỷ đắp đất và trang hoàng đường sá. Muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở bên dưới, đạo sĩ tò mò đáp xuống và đứng ở chỗ thích hợp cho dân chúng nhìn thấy. Rồi đạo sĩ cất tiếng hỏi:

“Các vị đang đắp đường một cách vui vẻ và hăng say. Vì lợi ích của ai mà các vị đắp đường vậy?”

Dân chúng bèn trả lời:

“Thưa Ngài Sumedha: Thế gian này đã xuất hiện Đức Phật Nhiên Đăng, bậc đã chiến thắng năm đạo binh của ác ma, và cũng là bậc Tối thượng trong thế gian. Chúng tôi đang đắp đường vì chuyến du hành của Đức Phật ấy.”

(Từ câu chuyện này, chúng ta thấy rằng Đức Phật Nhiên Đăng chỉ xuất hiện sau khi đạo sĩ Sumedha đã chứng đắc Bát thiền Ngũ thông. Đạo sĩ Sumedha hoàn toàn không hay biết về sự nhập thai, đản sanh, thành đạo và Chuyển pháp luân của Đức Phật Nhiên Đăng vì vị ấy chỉ đi lại trong rừng hoặc bay trên không trung, mãi trú trong sự an lạc của định và thần thông, không quan tâm chuyện gì xảy ra trong thế gian. Chỉ khi vị ấy đang bay xuyên qua không trung, trông thấy dân chúng thành Rammavati đang sửa đường và quét dọn, vị ấy mới đáp xuống và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Điều này cho thấy rằng, lúc bấy giờ đạo sĩ Sumedha cũng đã vài chục ngàn tuổi vì tuổi thọ của con người trong thời Đức Phật Nhiên đăng là một trăm ngàn tuổi).

Sumedha tham dự vào công việc đắp đường

Sumedha rất hoan hỷ khi nghe tiếng “Phật” được thốt ra từ dân chúng thành Rammavati. Vị ấy tràn đầy hạnh phúc và luôn miệng thốt lên tiếng “Phật, Phật” do sự vui sướng đang tràn ngập trong toàn thân tâm của vị ấy.

Đứng ở vị trí đáp xuống, Sumedha đầy hạnh phúc và niềm tịnh tín, bèn suy nghĩ như vầy: “Ta sẽ gieo những hạt giống phước thù thắng vào mảnh đất mầu mỡ, tức là Đức Phật Nhiên Đăng, để trau dồi những thiện nghiệp. Quả thật, rất hiếm hoi và khó khăn được chứng kiến giây phút hạnh phúc là sự xuất hiện của Đức Phật. Giây phút hạnh phúc ấy giờ đây đã đến với ta. Đừng dể duôi bỏ qua.”

Sau khi đã suy nghĩ như vậy, vị ấy hỏi dân chúng rằng:

“Thưa quý vị, nếu quý vị đang làm đường để Đức Phật đi qua, xin hãy nhường cho tôi một đoạn đường. Tôi cũng muốn tham dự vào công việc sửa đường của quý vị”.

Dân chúng đáp lại:“Lành thay!”

Vì họ tin rằng đạo sĩ Sumedha có đại thần thông lực, nên họ chỉ cho vị ấy một khoảng đất lớn, lầy lội, rất gồ ghề và khó đắp vá. Khi giao đoạn đường ấy cho đạo sĩ, họ nói rằng:

“Ngài có lẽ sẽ đắp vá và trang hoàng đoạn đường này thật tốt.”

Rồi Sumedha, với tâm đầy vui sướng khi tưởng niệm đến các ân đức của Phật, quyết định rằng: “Ta có thể đắp vá con đường này bằng thần thông của ta để nó trông khả ái hơn. Nhưng nếu ta làm như vậy thì dân chúng quanh ta sẽ không đánh giá cao về nó (vì nó được làm rất dễ dàng trong tích tắc). Hôm nay ta sẽ làm công việc này bằng chính sức lao động của mình”. Sau khi đã quyết định như vậy, vị ấy lấy đất từ xa đến lấp vào những vũng lầy.

Đức Phật Dīpaṅkarā đi đến

Trước khi đạo sĩ Sumedha làm xong công việc được chỉ định thì Đức Phật Nhiên Đăng đi đến với bốn trăm ngàn vị A-la-hán – tất cả đều có lục thông, đã sạch hết phiền não và tám pháp thế gian không thể nào làm lay chuyển tâm các Ngài.

Khi Đức Phật Nhiên Đăng đến cùng với bốn trăm ngàn vị A-la-hán, thì chư thiên và nhân loại cung kính đón các Ngài bằng tiếng của các loại trống. Họ cũng bày tỏ niềm vui bằng cách hát lên những bài hát hoan hỷ để đón chào và tôn vinh Đức Phật.

Lúc bấy giờ, tất cả nhân loại đều trông thấy chư thiên và chư thiên cũng trông thấy nhân loại. Tất cả những chúng sanh này, chư thiên và nhân loại, một số chấp tay cung kính, còn số khác thì tấu lên nhiều loại nhạc cụ.

Chư thiên đi theo ở trên không trung tung rải khắp nơi những bông hoa của chư thiên như hoa Mạn-đà-la, hoa sen, hoa kovilāsa để tôn kính Đức Phật. Ở dưới mặt đất, nhân loại cũng làm như thế, họ tung rải các loại hoa như campā, sarala, mucalinda, nāga, punnāga ketakī.

Đạo sĩ Sumedha nhìn không chớp mắt kim thân của Đức Phật – rực rỡ với ba mươi hai hảo tướng của bậc đại trượng phu và tám mươi tướng phụ. Vị ấy chứng kiến kim thân chói sáng của Đức Phật, giống như một khối vàng ròng, với hào quang chói sáng quanh Ngài và hào quang sáu màu phát ra từ thân Ngài, phóng đi như tia chớp ngang bầu trời xanh biếc.

Rồi đạo sĩ quyết định như vầy: “Hôm nay ta nên dứt bỏ thân mạng của ta trước Đức Phật. Đừng để Ngài giẫm lên bùn một cách bất tiện. Hãy để Đức Phật và bốn trăm ngàn vị A-la-hán đệ tử của Ngài giẫm lên lưng của ta và bước đi, tựa như đi trên một chiếc cầu màu hồng ngọc. Lấy thân ta làm chiếc cầu để Đức Phật và các vị La-hán bước qua, việc này sẽ đem lại cho ta lợi ích và hạnh phúc lâu dài.

Sau khi đã quyết định như vậy, vị ấy buông xả chân tóc búi, trải ra tấm thảm bằng da beo và chiếc y vải bố lên vũng nước và nằm sấp xuống trên chúng, trông như chiếc cầu gỗ có màu hồng ngọc.

Đạo sĩ Sumedha phát nguyện thành bậc Chánh đẳng Chánh giác

Sau khi đã trải mình trên vũng lầy như thế, đạo sĩ Sumedha đã phát khởi chí nguyện thành Phật như vầy:

“Nếu muốn, chính ngày hôm nay ta có thể trở thành một vị La-hán sạch hết lậu hoặc và các pháp ô nhiễm trong tâm cũng được đoạn trừ. Nhưng giác ngộ đạo quả A-la-hán và Niết bàn như một vị La-hán tầm thường trong giáo pháp của Đức Phật Nhiên Đăng thì có ích gì cho ta? Ta phải cố gắng hết sức để chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác.”

“Giải thoát luân hồi cho riêng mình thì thật ích kỷ trong khi ta là bậc thượng nhân, hiểu biết đầy đủ về trí tuệ xuất chúng, niềm tin và sự tinh tấn. Ta sẽ cố gắng để chứng đắc đạo quả Phật Chánh đẳng giác và giải thoát tất cả chúng sanh luôn cả chư thiên ra khỏi biển khổ luân hồi.

Sau khi thành đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác do quả phước vô song này, từ hành động đem thân mình trải dài trên bùn để làm cầu cho Đức Phật Nhiên Đăng đi qua, ta sẽ cứu độ vô số chúng sanh ra khỏi biển luân hồi.

Sau khi vượt qua dòng sông luân hồi, bỏ lại ba cõi, trước hết ta sẽ tự mình bước lên chiếc bè Bát chánh đạo và đi cứu vớt tất cả chúng sanh bao gồm chư thiên.”

Như vậy tâm của vị ấy hướng đến việc trở thành một vị Phật.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app