CHƯƠNG 3: BÀ-LA-MÔN SUMEDHA

Bài pháp về Đại Phật sử này hay lịch sử các kiếp sống của chư Phật do Đức Phật thuyết giảng đến những quyến thuộc của Ngài, những người trong dòng tộc Thích ca, nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến thành Kapilavathu (Ca-tỳ-la-vệ) sau khi Ngài thành đạo. Những người có vai vế tôn trưởng trong dòng tộc Thích ca, đầy ngã mạn, đã không bày tỏ sự tôn kính đến Ngài khi họ gặp Ngài. Để nhiếp phục tánh ngạo mạn của họ và khiến họ phải kính phục, Đức Phật đã hóa hiện ra một cái nền bằng châu báu giữa không trung, trải dài từ đông sang tây, choáng hết cả mười ngàn thế giới và ở trên đó, Ngài thị hiện Song thông gồm nước và lửa. Theo lời thỉnh cầu của trưởng lão Sariputta, vị Tối thắng Thinh văn giữ địa vị bên phải của Đức Phật, Ngài thuyết bài pháp về những kiếp sống của chư Phật, bắt đầu câu chuyện về vị Bà-la-môn Sumedha.

Trong kỳ Kiết tập lần I, các đại trưởng lão như ngài Mahā Kassapa, ngài Ānandā, v.v… vì muốn tụng đầy đủ bài kinh về Buddhavaṃsa cùng với lời mở đầu, đã lập ra một lối tụng bắt đầu bằng:

“Brahmā ca Lokādhipati Sahampati …”

Tuy nhiên bài kể sẽ bắt đầu bằng câu chuyện về Bà-la-môn Sumedha đúng như Đức Phật đã kể lại theo lời thỉnh cầu của đại đức Sāriputta.

Cách đây bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp có một thành phố rất hưng thịnh, tên là Amaravatī. Đó là một thành phố có bố cục khéo léo về mọi phương diện, xinh đẹp và khả ái, có vòng đai xanh tươi thắm, đầy những bóng cây che mát, thực phẩm dồi dào, hàng hóa đa dạng. Thành phố làm ấm lòng cả chư thiên và nhân loại.

Thành phố luôn luôn vui nhộn bởi những âm thanh như tiếng ngựa hí, voi rống, tiếng lục lạc hoặc tiếng lạch cạch của những chiếc xe thổ mộ, tiếng trống lớn, trống nhỏ, tiếng đàn, ca, tù và, tiếng vỗ tay và tiếng chào mời trong những tiệc tùng.

Thành phố có những đặc tính của một thủ đô lớn. Ở đó, dân chúng sống bằng nghề buôn bán và thủ công. Thành phố hưng vượng với bảy loại của báu: kim cương, vàng, bạc, ngọc mắt mèo, ngọc trai, ngọc lục bảo, san hô. Rất nhiều người nơi khác kéo đến đây, ở đây có đầy đủ mọi thứ như cõi chư thiên, thành phố Amaravati là trú xứ của dân cư hùng mạnh, đang thọ hưởng kết quả của những phước quá khứ.

Bồ tát Sumedha

Tại thành phố Amaravati, có một vị Bà-la-môn tên là Sumedha, cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn trải qua nhiều đời, nên Sumedha là một vị Bà-la-môn thuần chủng. Vị ấy sanh ra từ một người mẹ khỏe mạnh, có giới đức. Vị ấy không thể bị người ta coi thường về dòng dõi của mình, ví như nói rằng: “Người này thuộc dòng hạ đẳng qua bảy đời.” Không có ai có thể khinh chê một người như thế. Thực ra, Sumedha là một người mang dòng máu Bà-la-môn thuần chủng, có diện mạo khả ái, hấp dẫn mọi người.

Về  tài  sản,  vị  ấy  có  một  kho  báu  trị  giá  đến  nhiều  koti  (1koṭi  = 10.000.000), dồi dào ngũ cốc và tiện nghi trong đời sống hằng ngày. Vị ấy đã học qua Tam phệ đà, gồm có Iru, Yaju và Sāma, đã học nằm lòng chúng không sai sót một chữ nào. Vốn có trí thông minh bẩm sinh, vị ấy chẳng cần cố gắng mà vẫn rành mạch về các môn như:

  1.   Nighandu hay Từ vựng: Giải thích các từ khó.
  2.   Ketubha – Tu từ học: Liên quan đến tác phẩm văn chương và giải thích những cách dùng hoa văn, mỹ từ của các tác giả uyên bác.
  3.   Vyākaraṇa (Akkharapabheda): Văn phạm bàn về sự phân tích từ và giải thích những quy tắc văn phạm và những từ như chữ cái, phụ âm, v.v…
  4.   Itihāsa (Purāṇa) – Truyền thuyết: Vệ đà thi văn và những câu chuyện cổ, chuyện thần tiên.

Giải thích: Bốn bộ sách này với Tam phệ đà, vị chi là năm bộ sách của Bà-la-môn giáo.

Bà-la-môn Sumedha cũng rành mạch về Lokāyata, một tác phẩm triết học khiến người ta thối chí đối với việc phước nhưng lại ca tụng những hành động kéo dài luân hồi. Vị ấy cũng rành mạch về những tác phẩm bàn về tướng của các bậc đại nhân như các vị đương lai Toàn giác Phật, đương lai Bích chi Phật, v.v… Vị ấy cũng là một giáo sư toàn diện về kiến thức của Bà-la-môn giáo.

Cha mẹ của bậc trí tuệ Sumedha qua đời khi vị ấy vẫn còn nhỏ.  Khi ấy vị quản gia đem đến cuốn sổ liệt kê tài sản trong nhà, rồi mở ra kho châu báu đầy những vàng, bạc, ngọc trai, hồng ngọc v.v… và nói rằng:“Thưa cậu chủ, số của cải này thuộc bên mẹ, số này thuộc bên cha, còn số này là của tổ tiên của cậu chủ để lại cho cậu.”

Vị quản gia báo cáo đầy đủ số của cải do tổ tiên bảy đời của chàng trai Sumedha để lại, rồi nói rằng: “Cậu chủ có thể tùy nghi sử dụng tất cả gia sản này.”

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app