Cuộc Đời Là Một Trường Học Phần II
Tác Giả: Thiền Sư U Jotika
Người Dịch: Sư Tâm Pháp
Về lâu dài, chúng ta sẽ nhận những gì mình xứng đáng được nhận.
Người có suy nghĩ, lời nói và hành động thiện lành nhất định sẽ có kết quả tốt đẹp – ít nhất là về lâu về dài.Đừng thiển cận, chỉ nhìn ngay trước mắt.Luôn cố gắng có cái nhìn dài hạn, và hãy nhìn xa đến mức có thể.
Nếu bạn sống với chánh niệm và trí tuệ, nếu bạn thực sự biết trạng thái tâm của mình, bạn sẽ không bất cẩn và nhẫn tâm, ngay cả khi bạn trở nên giàu có hay có địa vị cao trong xã hội.Bạn sẽ không trở nên ngã mạn, kiêu căng.Bạn sẽ khiêm tốn bởi vì bạn hiểu rằng mọi thứ tốt đẹp đến với bạn chỉ vì các điều kiện thích hợp hội tụ đầy đủ cho nó đến mà thôi.
Bất cứ ai đã hiểu được điều ấy sẽ luôn cố gắng tinh tấn tu tập chánh niệm và do đó sẽ ít phạm sai lầm. Những người như thế sẽ luôn tự sửa đổi bản thân mình mỗi khi họ nói, nghĩ hay làm sai điều gì. Họ cũng sẽ mở lòng hơn trước những lời phê bình, chỉ trích.Họ sẽ không bao giờ tức giận khi một người bạn tốt chỉ ra lỗi lầm của họ – họ sẽ rất biết ơn về điều đó và cố gắng học hỏi để cải thiện bản thân mình.
Những người có tài sản và địa vị có thể sử dụng nó để làm lợi cho mọi người.Có thể giúp đỡ được người khác là một niềm hoan hỷ lớn.Nếu bạn muốn tìm sự mãn nguyện lớn hơn trong cuộc đời, hãy cố gắng giúp đỡ người khác nhiều đến mức có thể.
Đối với những người không có đủ chánh niệm và trí tuệ, càng giàu có và địa vị cao, họ lại càng trở nên kiêu căng và ngã mạn: “Tôi có thể làm bất cứ cái gì mình muốn. Chỉ có tôi xắn tay vào thì mọi việc mới xong được. Không ai có tài và có năng lực như tôi.Tôi không quan tâm đến ý kiến người khác, không ai có thể dạy bảo tôi phải làm gì”. Khi những cảm giác tự cao tự đại ấy khởi lên, con người ta thường sẽ phạm sai lầm và gặp rắc rối. Một cái tâm gặp rắc rối sẽ không còn sáng suốt và cao thượng nữa, một cái tâm xáo động, bất an sẽ không còn tĩnh lặng và mát lành nữa –thật là một mất mát lớn.
Nếu bạn có địa vị và giàu có mà không phát triển trí tuệ, bạn sẽ không có được một trái tim tốt lành và một cái tâm cao thượng. Cuộc đời bạn sẽ không có ý nghĩa.Thực ra bạn đã đánh mất đi một cơ hội vô cùng quý báu mà kiếp sống làm người này đã dành cho bạn.Chết đi bạn sẽ không thể mang theomột cái gì hết, dù chỉ là một cái tăm.
Những người chỉ suy nghĩ hạn hẹp trong một kiếp sống này, sẽ không thể đánh giá được hết giá trị đích thực của cuộc sống làm người.Nhưng một số người thậm chí còn suy nghĩ thiển cận và hạn hẹp hơn.Họ đắm chìm quá mức trong việc hưởng thụ các thú vui dục lạc đến nỗi chỉ nghĩ xa được tới bữa ăn kế tiếp. Rất nhiều người ngập trong cơn “say” bởi sự giàu có, sức khoẻ và tuổi trẻ. Nhưng khi tuổi già đến, họ thường cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa.Họ bị loạn thần kinh và phung phí thời gian của mình vào những việc vụn vặt.
Những người giàu có và địa vị cao thường cảm thấy khó sống thật, khó chân thành trong quan hệ với bạn bè và gia đình. Họ không thể chung thuỷ với vợ, chồng mình và vì vậy thường không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.
Dường như là càng có địa vị cao, họ lại càng ít bạn tốt.Đồng thời sẽ có rất nhiều người nịnh bợ để được gần gũi với họ.Họ sẽ có rất ít người thực sự trung thực, chân thành và tôn trọng ở bên mình.Chính vì vậy họ rất dễ bị mất phương hướng, phát triển những tầm nhìn thiếu thực tế và thường nghĩ sai thành đúng.
Càng có địa vị cao, thì càng quan trọng là phải có ít nhất một vài người bạn thực sự chân thật và thẳng thắn.Đối với những người giàu có cũng vậy, bởi vì quyền lực của tiền bạc khiến cho bạn cảm thấy rằng mình có thể làm được bất cứ cái gì mình muốn.
Một bài học sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng ta học xong bài học ấy.
Chừng nào còn chưa học xong một bài học, chúng ta chưa vượt qua được kỳ thi và vì vậy cần phải học lại lớp đó.
Một bài học sẽ thể hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau cho đến khi bạn học xong nó.
Chúng ta cần học từ nhiều bài học mà cuộc sống đã đem đến cho chúng ta trong đủ mọi hoàn cảnh khác nhau. Nếu không học được, thì cùng một loại khó khăn như thế sẽ đến đi đến lại nhiều lần với chúng ta. Một số người chẳng bao giờ học được gì từ những kinh nghiệm của họ.Họ vật vã, đau khổ vì cùng một loại khó khăn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, năm này qua năm khác, mà vẫn không học được bài học ấy.Họ chẳng bao giờ cố gắng để thay đổi cách nhìn hay thái độ của mình và vẫn cứ tiếp tục tin rằng tất cả chỉ là do số phận hay do nghiệp xấu của họ.
Đổ lỗi cho nghiệp nghĩa là bạn không muốn thay đổi.Bạn không muốn chịu trách nhiệm về chính bản thân mình.Bạn tự nói với mình rằng những khuyết điểm đó không thuộc về trách nhiệm của bạn.Nếu bạn thực sự mong muốn thay đổi, bạn sẽ thay đổi được.
Đây là một câu chuyện có thật mà một người đệ tử mới kể cho tôi.Anh ấy là người có học thức, giàu có, anh thích đọc sách và vì vậy thường đến thư viện.Anh tình cờ tìm được một cuốn sách mà mình rất thích. Nhưng thật không may, cuốn sách đó không được mang ra khỏi thư viện, và anh cũng phát hiện ra là không thể mua được bản copy nào của cuốn sách đó nữa. Một ngày, anh lén tuồn cuốn sách đó vào trong túi xách của mình và mang ra khỏi thư viện. Trong lúc lái xe về nhà, hai lần liền anh suýt gây tai nạn. Tâm anh rối tung, không còn bình an, không còn ổn định nữa. Tâm trí anh không để ở việc lái xe, nhưng cuối cùng cũng về được đến nhà an toàn.
Sau khi về nhà, anh để cuốn sách đó trên bàn trong phòng mình.Mỗi khi có thời gian, anh lại tranh thủ đọc. Tuy nhiên, mỗi khi vào phòng và nhìn thấy cuốn sách, anh lại cảm thấy run cả người lên, cảm thấy mình cứ như bị nó ám ảnh. Tâm anh không ổn định, không bình an chút nào hết. Anh đã lấy một cuốn sách của thư viện mà không được phép.Mỗi khi nhìn cuốn sách, anh lại cảm thấy rất tệ và phát hiện ra rằng anh không thể tự tôn trọng mình được.
Đánh mất sự tôn trọng của người khác thì không đến nỗi tệ hại lắm.
Nhưng đánh mất lòng tự trọng của mình thì thật vô cùng tệ.
Đó là một sự mất mát lớn.
Mỗi khi nhìn cuốn sách, anh lại cảm tưởng như cuốn sách đang nói với anh rằng: “Tôi không phải là của anh, anh ăn cắp tôi và mang tôi đến đây. Anh không công bằng, anh không trung thực.Anh không nên làm như thế”.Anh kể tâm anh cứ nói hoài như vậy.Nếu bạn biết quan sát tâm mình, bạn sẽ rất nhạy cảm với những cái đúng và sai. Trong một cái tâm như thế, sẽ luôn có một ông quan toà “không thiên vị” biết rõ cái gì là đúng, và có những quyết án chính xác. Bạn không thể nói dối nó.
Người đệ tử đó không phải là một người xấu.Thực ra anh sống rất nguyên tắc và hành thiền mỗi ngày.Anh cũng cố gắng tinh tấn để ý thức về tâm mình càng nhiều càng tốt.Vì vậy, anh quan sát được tất cả những suy nghĩ đó cùng với những cảm giác không thoải mái trong mình.Sau một thời gian, tâm anh không thể chịu được sự bức xúc đó thêm chút nào nữa. Anh cảm thấy mình không thể cứ tiếp tục mãi như thế này được nữa.Tất nhiên không có ai biết là anh đã lấy cuốn sách đó từ thư viện cả.Nhưng bản thân anh ý thức rõ hành động đó của mình, và điều đó làm cho anh đau đớn.
Anh nhận ra anh phải làm làm một điều gì đó để lấy lại sự bình an cho tâm mình. Vì vậy anh mang cuốn sách trả lại thư viện. Sau khi mang trả, anh liền cảm thấy an tâm trở lại. Anh cũng ra một quyết định quan trọng là sẽ không bao giờ lấy bất cứ thứ gì mà không xin phép nữa.Anh đã thực sự học được một bài học từ sai lầm của mình.
Không có ai là không từng phạm sai lầm.Điều quan trọng là học được gì từ chính những sai lầm của mình và không để nó lặp lại nữa.Càng nhiều sai lầm, bạn sẽ lại càng đau khổ.Nếu bạn học được từ những sai lầm của mình và thay đổi, trí tuệ của bạn sẽ tăng trưởng. Người học trò của tôi đã quan sát được những gì đang diễn ra trong tâm mình và do đó đã học được bài học và thay đổi. Nếu bạn không biết cách chánh niệm và quan sát, tâm tham sẽ tiếp tục lớn mạnh và bạn sẽ phạm thêm những sai lầm như thế nhiều lần nữa.
Khi đã học xong, bạn mới có thể chuyển sang bài học kế tiếp.
Khi đã thi đỗ một bài kiểm tra, bạn có thể chuẩn bị cho một bài kiểm tra mới.Bạn sẵn sàng đối diện với những hoàn cảnh khó khăn hơn và chúng sẽ mang lại cho bạn một tầm mức trí tuệ cao hơn, sâu sắc hơn.Khi bạn hiểu rằng sự việc này thật sự là việc tốt và thực hiện nó ngay lập tức, bạn cũng sẽ có được nhiều trí tuệ hơn.Nếu bạn không làm gì hết, thì bạn cũng sẽ chẳng học được gì cả.
Việc học hỏi sẽ không bao giờ chấm dứt.
Lúc nào cũng có những bài học cho chúng ta học hỏi. Chúng ta phải học những bài học và tăng trưởng trí tuệ cho tận đến khi chúng ta từ giã cõi đời. Khi thực hành thiền Tứ Niệm Xứ, chúng ta không nên chỉ thực hành nó vào lúc rỗi rãi, hay đặt ra một khoảng thời gian riêng biệt nào đó để thực hành. Chúng ta cần cố gắng hết mình để tạo nên một thói quen sống với chánh niệm (ý thức đầy đủ về chính mình) từ giây phút đầu tiên khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ.Khi chánh niệm bị lãng quên, tâm si có mặt ngay tức khắc.Khi tâm si có mặt, trí tuệ sẽ không thể sanh khởi và bài học đó chưa học xong.
Vì vậy, chúng ta phải phấn đấu để luôn luôn sống với chánh niệm, ý thức trọn vẹn về những gì đang diễn ra trong thân và tâm, từng giây từng phút, trong suốt cả cuộc đời, cho đến tận hơi thở cuối cùng. Tất cả những gì chúng ta cảm nhận và trải nghiệm đều là Pháp – tức là những định luật và hiện tượng của tự nhiên, tất cả mọi thứ đều vô thường, đều vô ngã– không có một cái tôi nào trong đó. Chúng ta cần sống với sự hiểu biết rằng không có cái gì trên đời này đem lại sự thoả mãn thật sự cả. Chúng ta cũng cần phải hiểu những điều này một cách rõ ràng trong tâm vào giây phút cái chết đến bên cạnh. Chết một cách bất lực và đầy sợ hãi thì không tốt một tý nào.
Cuộc đời là cuốn sách tuyệt vời nhất. Thân chúng ta là cuốn sách tuyệt vời nhất. Tâm chúng ta là cuốn sách tuyệt vời nhất. Những hiểu biết sâu sắc nhất chỉ có thể thu được từ chính cuộc đời. Bạn hãy tự hỏi bản thân mình mỗi ngày:Ngày hôm nay tôi có thu được thêm chút hiểu biết hay trí tuệ gì không? Một ngày trôi qua mà không có thêm được chút trí tuệ nào, chỉ ngập trong ăn, uống, khóc, cười là một ngày mất mát, một ngày uổng phí.Những ngày như thế chẳng mang lại sự khác biệt nào cho bạn, ngoại trừ rằng nó đưa bạn đến gần cái chết thêm một ngày nữa.
Khi bạn lên giường đi ngủ cũng thế, trước khi chìm vào giấc ngủ, bạn hãy cố gắng duy trì chánh niệm, ý thức về những gì đang diễn ra trong thân và tâm mình lúc đó. Bạn nên giữ một cái tâm trong sáng và mát mẻ để đi vào một giấc ngủ yên lành. Ngay khi bạn thức dậy, cũng như thế, thay vì vội suy nghĩ và lo lắng về một ngày mới, bạn hãy ngồi thiền ngay lập tức, bắt đầu thực hành chánh niệm ngay tại chỗ. Bắt đầu một ngày mới với một cái tâm bình yên là một điều rất tốt đẹp.
Hãy cố gắng hết mình để tạo thành thói quen sống với chánh niệm trong suốt cả ngày, dù bất cứ ở đâu.Nếu bạn thực hành liên tục như vậy hai hoặc ba năm, bạn sẽ thấy rằng tâm mình trở nên trưởng thành hơn rất nhiều.Bạn sẽ có được thái độ đúng đắn và tâm bạn sẽ rộng mở hơn.Một khi sống với chánh niệm đã trở thành thói quen, bạn sẽ không thể để cả một ngày trôi qua một cách hời hợt và thiếu suy nghĩ nữa.
Tuổi tác của bạn già hay trẻ không phải là vấn đề.Một số người bắt đầu thực hành khi mới ngoài hai mươi tuổi. Bởi vì hứng thú nên họ thực hành bất cứ lúc nào có thể, và một ngày họ phát hiện ra thái độ và cách nhìn của họ, những mong đợi của họ đã trở nên thanh cao hơn, thiện lành hơn và trang nghiêm hơn. Họđã trưởng thành. Do vậy, họ làm công việc của mình nhiệt tâm hơn, không còn uể oải, chán chường, không còn tính toán, so đo hay lười biếng nữa. Họ không làm những việc chỉ để khoe mẽ, thể hiện mình hay gây ấn tượng với người khác nữa. Họ đặt tất cả trái tim, tất cả năng lượng của mình vào bất cứ công việc gì họ làm. Trước khi tham gia làm một việc gì, họ đều suy nghĩ sâu sắc, cân nhắc hết sức cẩn thận – nhất là đối với những việc quan trọng. Nếu chẳng may có điều gì lệch lạc, sai lầm – họ ý thức về nó và ngay lập tức sửa chữa lại cho đúng.
Khi muốn trao đổi một việc gì quan trọng, bạn cần suy nghĩ kỹ về những gì mình nói và cách nói như thế nào cho hợp lý.Bạn cũng có thể thử duyệt lại một vài lần để xem nó đã đúng và thích hợp chưa.Cả tiến trình ấy sẽ không tốn nhiều thời gian đối với những người sống với chánh niệm.Nó chỉ mất có vài phút.Mọi người sẽ nhận ra điều đó và dần dần có lòng kính trọng những người biết ăn nói một cách hợp lý như thế.Nếu bạn muốn mọi người kính trọng mình, hãy luôn luôn nói với chánh niệm và trí tuệ.
Nếu tiếp tục cách sống như thế, bạn sẽ không chỉ giành được sự kính trọng của mọi người mà lòng tự trọng của bạn cũng sẽ tăng lên.Lòng tự trọng đó mới là điều quan trọng hơn nhiều.Một số người không bao giờ nghĩ đến điều này.Họ quen có xung quanh mình những người thích gây ấn tượng với người khác, và họ rất sợ người khác coi thường mình. Nếu bạn quá coi trọng người khác, bạn đánh giá họ cao hơn thực tế.Nếu bạn coi thường người khác, bạn đánh giá họ thấp hơn thực tế.Không có cách nhìn nào trong hai cách đó phản ánh đúng sự thật cả.
Nếu bạn có thể sống theo một cách sống khiến cho lòng tự trọng tăng trưởng mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống.Dù mọi người có nghĩ tốt hay nghĩ xấu về bạn cũng không phải là điều quan trọng. Lo lắng về điều đó đơn giản cũng chỉ là một suy nghĩ thoáng qua trong tâm rồi đi mất mà thôi.
Để minh hoạ cho điểm này, đây là một câu chuyện từ một đệ tử khác của tôi.
Khoảng 5 năm trước, anh ấy kể cho tôi biết anh ấy đã học được gì từ một kinh nghiệm của mình.Anh rất hứng thú với thiền tập và cố gắng hết mình để luôn ý thức và quan sát bất cứ những gì đang diễn ra trong tâm mình.Anh cố gắng giữ gìn 5 giới, và anh cũng là người trung thực, hào phóng và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, anh lại có một thái độ rất đặc biệt này.Anh phải luôn cố gắng cho người khác biết rằng mình giữ 5 giới rất ng- hiêm túc, và không bao giờ làm việc gì thiếu đứng đắn. Nếu thấy ai đó không trung thực hay làm điều gì đó sai, anh phải nói với tất cả mọi người rằng mình không bao giờ như thế, rằng mình luôn làm việc đúng và luôn trung thực. Anh luôn cảm thấy cần phải nói cho những người xung quanh biết điều đó.
Khoảng 4, 5 tháng trước, thiền tập của anh tiến bộ tương đối tốt. Và do đó, anh bắt đầu hiểu được rằng thực ra việc người khác có biết anh giữ giới nghiêm chỉnh hay không cũng không cần thiết. Anh nói với tôi rằng cái ngộ này khiến anh cảm thấy bình an và giải thoát hơn. Anh không còn cảm thấy cần phải nói cho người khác biết những việc làm tốt đẹp của mình nữa. Trước kia, nếu không có cơ hội nói cho mọi người biết điều đó thì anh cảm thấy bất an lắm. Giờ đây anh rất hạnh phúc, chỉ đơn giản làm bất cứ việc gì mình thấy đúng đắn, dù ai có biết hay không cũng chẳng quan trọng.
Làm việc tốt rồi muốn tất cả mọi người đều biết đến việc tốt mình làm là một nỗi khổ tâm thực sự.Nó là sự thể hiện của tâm tham.Động cơ muốn thể hiện các việc tốt của mình cho người khác thấy là tâm tham và sự ngã mạn (kiêu ngạo).Bạn đang nói cho người khác biết là bạn tốt hơn họ.Có thể thầm lặng làm việc tốt mà không có nhu cầu phải nói cho người khác biết, đó là giải thoát. Bạn sẽ được bình an. Chừng nào bạn còn bứt rứt không yên khi người khác không biết việc tốt mình làm, chừng đó bạn vẫn không thể bình an. Ngay cả khi bạn loanh quanh đi nói cho hết người này đến người khác, thì tâm bạn vẫn lo lắng rằng không biết họ có nghĩ mình đang bốc phét hay không.
Vì vậy, vấn đề bạn cần xem xét một cách nghiêm túc ở đây là: Bạn làm việc tốt có phải là vì muốn người khác đánh giá cao về mình hay không? Nếu bạn làm việc tốt để thụ hưởng cái tiếng tốt đó, tâm bạn sẽ phải khổ sở vì điều đó. Chỉ làm việc tốt với một cái tâm tự do và chân thành thì mới mang lại hạnh phúc, sự trưởng thành và trí tuệ.
Làm mọi việc chỉ vì giữ uy tín hay danh tiếng tốt sẽ chẳng bao giờ khiến cho tâm bạn trưởng thành.
Vì vậy, điều vô cùng quan trọng là bạn phải luôn luôn kiểm tra lại thái độ của mình, luôn luôn ý thức về những hy vọng và sự mong đợi của mình khi làm những hành động tốt đó.Những người hành thiền nên suy xét về vấn đề này thật sâu sắc. Bạn làm việc đó với một trái tim giải thoát và rộng mở hay trái tim bạn chỉ là nô lệ cho các hy vọng và mong đợi?