Con Đường Trung Đạo: Chỉ Sử Dụng Mà Thôi

Thiền viện Phước Sơn, 08/01/2020

Việc không biết về Con Đường Trung Đạo thực sự là vấn đề. Con Đường Trung Đạo là chỉ-làm hoặc chỉ-không-làm mà thôi; chỉ-kinh-nghiệm hoặc chỉ-không-kinh-nghiệm mà thôi; chỉ-hay-biết hoặc chỉ-không-hay-biết mà thôi; chỉ-sử-dụng hoặc chỉ-không-sử-dụng mà thôi. Con đường Trung đạo là con đường cần thiết cho tất cả. Nếu chúng ta không đi theo Con Đường Trung Đạo, chúng ta sẽ rơi vào một trong hai đối cực. Nếu chúng ta chỉ làm theo cách này, chúng ta sẽ chối bỏ những cách còn lại. Nếu chúng ta chỉ biết quan tâm bản thân mình, chúng ta sẽ chối bỏ việc quan tâm những người khác. Nếu chúng ta chỉ biết quan tâm người khác, chúng ta sẽ bỏ mất việc quan tâm chính mình. Do đó sự mất quân bình, lỗi lầm do chối bỏ hay dính mắc sẽ xuất hiện. Điều này là nhân gây ra thêm nhiều vấn đề, khó khăn, mất mát và thất bại trong cuộc đời của chúng ta. Nếu chúng ta không thể đi theo Con Đường Trung Đạo, thì bất cứ điều gì chúng ta làm, chúng ta sẽ làm với tà kiến và dính mắc.

Sự thật là không có Tôi, không có Bạn, không có sở hữu của Tôi, không có sở hữu của Bạn, không có cái gì hay ai cả, không có chúng sanh hay phi chúng sanh nào là thật sự hiện hữu. Chúng ta cần phải có được khả năng nhìn nhận trên phương diện của Bản Chất Tự Nhiên Vô Thường, luôn biến đổi [tục đế] và bản chất thường hằng [chân đế]. Còn nếu như chúng ta không hiểu biết Con Đường Trung Đạo, chúng ta sẽ chỉ chấp nhận lý thuyết này bằng cách chối bỏ quy định, luật lệ của xã hội. Hoặc ngược lại, khi chúng ta chỉ bám chấp vào quy luật, chuẩn mực của xã hội, chúng ta sẽ chối bỏ sự thật về cách nhìn nhận của Bản Chất Tự Nhiên Vô Thường. Đến khi chúng ta có khả năng chỉ-sử-dụng-mà-thôi với chánh kiến, và chỉ khi chúng ta có thể chỉ-sử-dụng-mà-thôi với chánh niệm và xả ly bằng sự hay biết về trạng thái tâm trong giây phút hiện tại, dù cho đó là trạng thái ưa thích, ghét bỏ hay thất niệm [thì chúng ta sẽ hiểu về Con Đường Trung Đạo].

Việc sử dụng sai lầm thực sự là vấn đề. Cả hai thứ: quy luật của Tự Nhiên Vô Thường và quy luật, chuẩn mực của xã hội đều không phải để chúng ta chối bỏ hay dính mắc, mà chỉ-để-sử-dụng-mà-thôi. Nếu chúng ta có khả năng sử dụng cả hai điều trên một cách đúng đắn, đó mới là Hiểu Biết Chân Chánh (Giác Ngộ). Và đồng thời, chúng ta cũng có thể thành đạt trong đời sống thế gian. 

Để giải quyết vấn đề do sử dụng sai phương pháp này, tôi đã luôn luôn thành lập thêm nhiều trung tâm Thabarwa mới. Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả các trung tâm Thabarwa. Vậy nên, tôi có thể tự do làm được rất nhiều thiện pháp. Tôi không có cơ hội làm được như vậy ở những tổ chức khác. Mô hình mọi người cùng nhau chỉnh sửa lỗi lầm tại trung tâm thiền này thực sự rất hiệu quả. Do đó, ngày càng có nhiều người đến làm tình nguyện tại các trung tâm Thabarwa, bố thí – cúng dường cho trung tâm và thực hành thiền, trì giới. 

Trung tâm Thabarwa đại diện tất cả mọi người và tất cả các tổ chức khác. Ở đây chúng tôi nỗ lực giải quyết mọi vấn đề cho tất cả, chứ không chỉ cho chúng tôi. Theo cách đó, trung tâm Thabarwa có thể đi theo con đường Trung Đạo bằng việc thực hành toàn bộ các loại hình phước thiện, và cả làm từ thiện bảo trợ xã hội. Nếu trung tâm Thabarwa có thể làm các thiện pháp theo phương pháp đúng đắn (tức “chỉ-làm-mà-thôi”), những người khác và tổ chức khác cũng có thể làm được. Bằng cách này, ngày càng có nhiều người gặp thuận lợi trong cả việc làm thiện pháp để thành tựu trên con đường tầm cầu giải thoát và cả đời sống thế gian. 

Khi chúng ta đang thực hành theo Con Đường Trung Đạo, nếu chúng ta đạt được những thành tựu chân chánh, chúng ta có thể chia sẻ với những người khác để đạt được thành công tương tự. Nếu chúng ta đạt được thành tựu trên cấp độ nhóm hoặc tổ chức, thì chúng ta có thể chia sẻ với những nhóm hoặc tổ chức khác. Nếu chúng ta đạt được thành tựu trên cấp độ quốc gia, thì chúng ta có thể chia sẻ với những quốc gia khác. Nếu ngày càng có nhiều quốc gia đạt được thành tựu, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trên toàn cầu. Theo cách thức này, việc làm thiện pháp vì cả hai mục tiêu “từ thiện” và “giải thoát” sẽ trở nên dễ dàng. Chắc chắn rằng càng lúc càng có nhiều người nhận được quả lành từ đó.

Đó là lý do mà chúng ta cần nỗ lực hết mình để làm thiện pháp. Nếu chúng ta không thể chấp nhận sự thật về Bản Chất Vô Thường, rằng: “Không có Tôi, không có Bạn, không có sở hữu của Tôi, không có sở hữu của Bạn”. Khi nào chúng ta vẫn chưa thể lọc bớt tam độc tham, sân, si thì tâm của chúng ta sẽ không bao giờ khỏe khoắn. Tập cách chấp nhận sự thật về Bản Chất Vô Thường là vì lợi lạc cho sức khỏe và thịnh vượng của tâm trí. Khi tâm định tĩnh chính là tâm thịnh vượng, hoàn chỉnh, không cần gì nữa cả. Nếu tâm bất ổn, con người sinh ra nhiều mối bận tâm. 

Chúng ta quy phục bản ngã và bận rộn đáp ứng ham muốn của tâm. Khi tâm còn dao động, thì chúng ta sẽ sinh ra ham muốn không ngơi. Chúng ta cũng sẽ bận rộn lo toan không dứt. Nếu chúng ta bận lòng bởi trách nhiệm trước xã hội, vì một đời sống giàu có và khỏe mạnh, đó là những lo toan vật chất. Hoặc nếu chúng ta chối bỏ trách nhiệm của một đời người, chúng ta sẽ không được giàu có và khỏe mạnh. […] Cả hai điều ấy đều có điểm thiết thực riêng. Vì vậy nên chúng ta nên cố gắng sử dụng cả hai lý thuyết trên với phương pháp đúng đắn “chỉ-làm-mà-thôi”.

Thông thường, chúng ta chỉ dùng một chiếc loa với một dây dẫn trong thiền đường. Nhưng ở một số thiền viện, việc giảng Pháp không phải chỉ dành cho thiền sinh bên trong mà còn cho quý đạo hữu ở bên ngoài. Cụ thể là ở Miến Điện, khi đến giờ giảng Pháp, chúng tôi dùng loa phóng thanh cho cả khu làng nghe. Bằng cách làm này, đạo hữu ở xa được nghe giảng rõ ràng, nhưng hội chúng trong thiền đường không nghe rõ lắm. Nếu chúng ta chỉ quan tâm người ở xa, những người ở gần sẽ chịu thiệt. Nếu chúng ta chỉ quan tâm người ở gần, những người ở xa sẽ chịu thiệt. Hơn nữa, khi dùng chức năng phát sóng trực tiếp trên Facebook để lan tỏa đến hội chúng từ nhiều quốc gia khác, chỉ một chiếc loa thôi thì không đủ. Có thể đủ đối với hội chúng tại thiền đường nhưng khi phát sóng thì chất lượng âm thanh lại rất kém. Thế là chúng tôi phải dùng hai chiếc loa, hai đường dây với hai micro cùng lúc. Đây là cách làm việc theo tinh thần tập thể cho tất cả thiền sinh thính pháp ở khoảng cách gần cũng như xa. Làm như vậy thì chúng ta càng bận bịu hơn nhưng đạt được hiệu quả to lớn. Bằng cách này, chúng ta có thể tích lũy thêm nhiều công đức và quả lành.

Tại khóa thiền này, thông thường chúng ta chỉ sử dụng hai thứ tiếng: Anh ngữ và Việt ngữ. Như vậy thì lợi lạc cho thiền sinh người Việt, nhưng lại là bất lợi cho những thiền sinh người Miến và người Thái không hiểu được tiếng Anh. Việc thông dịch ra 4 thứ tiếng một lúc, Thái – Việt – Miến – Anh, chính là làm việc đội nhóm. Tuy là chúng ta bận rộn hơn, nhưng lại đạt được hiệu quả tốt hơn. Không chỉ riêng thiền sinh Việt Nam mà cả thiền sinh người Thái, người Miến cũng có cơ hội hiểu biết về Con Đường Trung Đạo tức chỉ-làm-mà-thôi. Nếu càng có nhiều người bước theo Con Đường Trung Đạo, thì mục tiêu giải thoát, giác ngộ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Theo phương pháp này, đặc biệt là ở trung tâm Thabarwa, trong hầu hết mọi hoạt động, chúng tôi chú trọng vào làm việc cùng nhau bất kể người nào, nơi nào hay điều kiện gì. Lợi ích và thành quả của việc này thật là tuyệt diệu.

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app