QUẢ BÁU CỦA PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ

Hành giả thực hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung Đạo, có thể đưa đến kết quả chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân. 

Bậc Thánh Nhân trong Phật giáo từ thấp đến cao có 4 bậc là:

1- Bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna).

2- Bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmī).

3- Bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmī).

4- Bậc Thánh Arahán (Arahanta).

1-    Quả báu của bậc Thánh Nhập Lưu

Bậc Thánh Nhập Lưu là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham hợp tà kiến tâm si hợp hoài nghi. Kể từ kiếp hiện tại cho đến kiếp vị lai, 4 tâm tham hợp tà kiến tâm si hợp hoài nghi, vĩnh viễn không còn có trong tâm của bậc Thánh Nhập Lưu nữa. Nên bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn giải thoát khổ do tà kiếnhoài nghi trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Hoàn toàn giải thoát cảnh khổ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

*     Bậc Thánh Nhập Lưu có 3 hạng là:

1-  Sattakkhattuparamasotāpanna: Bậc Thánh Nhập Lưu 5 pháp chủ 1 năng lực yếu, còn phải tái sinh làm người và làm chư thiên cõi trời dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa. Đến kiếp thứ 7, thì chắc chắn sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

2-  Kolaṃkolasotāpanna: Bậc Thánh Nhập Lưu 5 pháp chủ năng lực trung bình nên còn phải tái sinh làm người và làm chư thiên từ 2-3-4-5-6 kiếp nữa, mới có thể chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

3-  Ekabījīsotāpanna: Bậc Thánh Nhập Lưu5 pháp chủ năng lực mạnh nên chỉ còn tái sinh làm người hay làm chư thiên 1 kiếp nữa. Ngay trong kiếp ấy, sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

*     Bậc Thánh Nhập Lưu tái sinh hơn 7 kiếp 2 

Trường hợp ngoại lệ, có 7 vị Thánh Nhập Lưu tái sinh hơn 7 kiếp như sau:

1- Phú hộ Anāthapiṇḍika.

2- Bà Visākhā mahā upāsikā.

3- Chư thiên Cullaratha.

4- Chư thiên Mahāratha.

5- Chư thiên Anekavaṇṇa.

6- Chư thiên Nāgadatta.

7- Đức vua trời Sakka.

7 vị Thánh Nhập Lưu này có phát nguyện, muốn hưởng sự an lạc trong các cõi trời từ dục giới đến các cõi trời sắc giới phạm thiên tột đỉnh: Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṭṭha), mới chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi ngay trong cõi sắc giới phạm thiên tột đỉnh ấy.

2-    Quả báu của bậc Thánh Nhất Lai

Bậc Thánh Nhất Lai là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham không hợp tà kiến tâm sân, loại thô cõi dục giới, nên chỉ còn tái sinh làm người hay làm chư thiên 1 kiếp nữa. Ngay trong kiếp ấy sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

3-    Quả báu của bậc Thánh Bất Lai

Bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham không hợp tà kiến tâm sân loại vi tế cõi dục giới, nên không còn tái sinh trở lại cõi dục giới, chỉ tái sinh lên cõi sắc giới. Nếu chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc, sẽ tái sinh lên tầng trời Tịnh Cư Thiên.

*     Bậc Thánh Bất Lai có 5 hạng là:

1-  Antarāparinibbāyī: Bậc Thánh Bất Lai cõi sắc giới phạm thiên chưa đến một nửa tuổi thọ sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

2-  Upahaccaparinibbāyī: Bậc Thánh Bất Lai sống quá một nửa tuổi thọ của cõi sắc giới phạm thiên sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

3-  Asaṅkhāraparinibbāyī: Bậc Thánh Bất Lai không cần phải tinh tấn nhiều, cũng sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, tại cõi sắc giới phạm thiên ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

4-  Saṅkhāraparinibbāyī: Bậc Thánh Bất Lai cần phải tinh tấn nhiều, sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, tại cõi sắc giới phạm thiên ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

5-  Uddhaṃsoto akaniṭṭhagāmī: Bậc Thánh Bất Lai khi hết tuổi thọ trong cõi trời sắc giới tầng thấp, tuần tự tái sinh lên tầng trời bậc cao, cho đến tầng trời sắc giới Akaniṭṭha tột đỉnh, sẽ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, tại cõi trời sắc giới Akaniṭṭha ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. 

4-    Quả báu của bậc Thánh Arahán

Bậc Thánh Arahán là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp không còn dư sót. Nên bậc Thánh Arahán không còn tái sinh trở lại kiếp nào khác nữa. Ngay kiếp hiện tại này, đến khi hết tuổi thọ, sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

*     Bậc Thánh Arahán có nhiều hạng:

1-  Bậc Thánh Arahán Tevijjā: Bậc Thánh Arahán chứng đắc Tam Minh: Túc mạng minh, thiên nhãn minh, và lậu tận minh.

2-  Bậc Thánh Arahán Chaḷabhiññā: Bậc Thánh Arahán chứng đắc Lục thông: Thần túc thông, nhãn thông, nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông. 

3-  Bậc Thánh Arahán Catupaṭisambhidappabheda: Bậc Thánh Arahán chứng đắc Tứ tuệ phân tích: Nghĩa (nhân) phân tích, pháp (quả) phân tích, ngôn ngữ phân tích và ứng đối phân tích.

4-  Bậc Thánh Arahán Ubhatobhāgavimutta: Bậc Thánh Arahán giải thoát bằng 2 pháp hành: Thiền định chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc và thiền tuệ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả…

5-  Bậc Thánh Arahán Paññāvimutta: Bậc Thánh Arahán giải thoát bằng pháp hành thiền tuệ chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả…

Pháp hành thiền tuệ thuộc về lĩnh vực thực hành, để thực nghiệm thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế. Do đó, phần pháp học (lý thuyết), chỉ là phương tiện để hiểu biết pháp hành thiền tuệ mà thôi, không thể nào diễn tả được thực tánh của các pháp; song do nhờ hiểu biết đúng đắn về pháp học, nên hành giả mới có thể hành đúng theo pháp hành thiền tuệ, đến khi phát sinh trí tuệ thiền tuệ, mới thấy rõ, biết rõ được thực tánh của các pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Phần Thực Hành:

Sự Thật Chân Lý (Sacca)

Đức Phật thuyết pháp có 2 sự thật chân lý là:

1-     Sammutisacca: Sự thật theo ngôn ngữ chế định.

2-     Paramatthasacca: Sự thật chân lý đúng theo Chân nghĩa pháp.

1-    Sự thật theo ngôn ngữ chế định như thế nào?

Sự thật này hoàn toàn dựa vào danh từ ngôn ngữ chế định mà người đời đã nói, đã viết thành chữ, đã công nhận là sự thật trong đời, được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay.

Trong Phật giáo, sự thật theo ngôn ngữ chế định có 2 loại chính:

*     Avijjamānapaññatti: Danh từ ngôn ngữ chế định không dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng.

Ví dụ: 

–    Về chúng sinh như con người, người đàn ông, người đàn bà, con voi, v.v…

–    Về vật chất như nhà cửa, xe cộ, đồ dùng, v.v…

Những danh từ ngôn ngữ chế định này không dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng.

*     Vijjamānapaññatti: Danh từ ngôn ngữ chế định dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng.

Ví dụ: 

Danh từ gọi: Chân lý Tứ Thánh Đế, Khổ Thánh Đế, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, Diệt Khổ Thánh Đế, Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn), danh pháp, sắc pháp, thậm chí những danh từ gọi tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, v.v…

Những danh từ ngôn ngữ chế định này dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng.

Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh bằng ngôn ngữ Pāḷi. Ngôn ngữ Pāḷi mà Đức Phật chế định trong toàn giáo pháp của Ngài, có nguồn gốc từ ngôn ngữ Māgadha của dân tộc Magadha, nhưng dân tộc Magadha nói tiếng Māgadha thì không gọi là tiếng Pāḷi, bởi vì không có mục đích hướng đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Còn ngôn ngữ Pāḷi trong giáo pháp của Đức Phật, có mục đích hướng đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Thật vậy, giáo pháp của Đức Phật chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát khổ sinh mà thôi. Như Đức Phật đã dạy:

–     “Này Pahārāda, như nước đại dương chỉ có một vị duy nhất là ‘vị mặn’. Cũng như vậy, này Pahārāda, Pháp và Luật trong giáo pháp của Như Lai cũng chỉ có một vị duy nhất là ‘vị giải thoát khổ sinh’”.

Này Pahārāda, Pháp và Luật này chỉ có một vị duy nhất là “vị giải thoát khổ sinh” 1 .

Đức Phật thuyết giảng chân lý Tứ Thánh Đế trong bài kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Pāḷi (Dhammacakkappavattanasuttapāḷi) lần đầu tiên tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana (Chư Phật Độc Giác thường ngự xuống nơi này) để tế độ nhóm 5 Tỳ khưu: Ngài Koṇḍaññā, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma Ngài Assaji.

Đức Phật thuyết dạy sự thật chân lý theo ngôn ngữ chế định được ghi chép lại trong Tạng Kinh (Suttantapiṭaka) và Tạng Luật (Vinayapiṭaka).

Muốn biết sự thật chân lý theo ngôn ngữ chế định, bậc thiện trí có thể biết bằng trí tuệ do học hỏi nghiên cứu (sutāmayapaññā) và bằng trí tuệ do tư duy đúng đắn (cintāmayapaññā).

2-    Sự thật chân lý đúng theo Chân nghĩa pháp như thế nào?

Sự thật chân lý đúng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) là pháp có thực tánh hiện hữu, không bị biến thể theo thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai; nghĩa là thực tánh ấy trong thời quá khứ như thế nào, thì thời hiện tại và thời vị lai cũng như thế ấy.

Ví dụ: Nhãn thức tâm có phận sự nhìn thấy sắc trần, trong thời quá khứ như thế nào, thì thời hiện tại và thời vị lai cũng như thế ấy.

Sự thật chân lý đúng theo Chân nghĩa pháp hoàn toàn không dựa vào danh từ ngôn ngữ chế định, mà sự thật chân lý đúng y theo thực tánh của mỗi pháp trong 4 Chân nghĩa pháptâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn.

Sự thật chân lý đúng theo Chân nghĩa pháp có 2 loại:

a-    Sabhāvasacca: Sự thật chân lý đúng theo thực tánh pháp.

–    Kusaladhamma: Pháp thiện.

–    Akusaladhamma: Pháp bất thiện.

–    Abyākatadhamma: Pháp vô ký (không phải pháp thiện, không phải pháp bất thiện), v.v…

Đó là những pháp không phải chúng sinh, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, …, không phải vật này, vật kia,… mà chỉ là tất cả thực tánh pháp mà thôi.

Đức Phật thuyết dạy sự thật chân lý đúng theo thực tánh pháp được ghi chép lại trong Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka).

b-    Ariyasacca: Tứ Thánh Đế là sự thật chân lý.

–    Dukkha ariyasacca: Khổ Thánh Đế đó là danh phápsắc pháp thuộc trong tam giới mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ.

–    Dukkhasamudaya ariyasacca: Nhân sinh Khổ Thánh Đế đó là tham ái, mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ.

–    Dukkhanirodha ariyasacca: Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn, Diệt Khổ Thánh Đế mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ.

–    Dukkhanirodhagāminīpaṭipadā ariyasacca: Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế đó là pháp hành Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, diệt Khổ Thánh Đế mà bậc Thánh Nhân đã chứng ngộ.

Muốn biết sự thật chân lý đúng theo thực tánh pháp, bậc thiện trí không thể biết bằng trí tuệ do học hỏi nghiên cứu, cũng không thể biết bằng trí tuệ do tư duy đúng đắn; hai loại trí tuệ này làm nhân duyên hỗ trợ để phát sinh trí tuệ do thực hành (bhāvanāmayapaññā) mới có khả năng biết được sự thật chân lý đúng theo thực tánh pháp (nếu không có trí tuệ học và trí tuệ do tư duy, thì không thể phát sinh trí tuệ do thực hành).

Trí tuệ do thực hành đó là trí tuệ thiền tuệ, có 2 loại:

*    Lokiyavipassanā: Trí tuệ thiền tuệ tam giới có khả năng thấy rõ, biết rõ được thực tánh các pháp (sabhāvadhamma) của danh pháp, sắc pháp trong tam giới; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

*    Lokuttaravipassanā: Trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Các Pháp

Pháp của Đức Phật có 2 loại:

1-    Paññattidhamma: Chế định pháp.

2-    Paramatthadhamma: Chân nghĩa pháp.

1-    Chế định pháp (Paññattidhamma):

Chế định pháp là pháp do con người căn cứ vào Chân nghĩa pháp có quy ước rõ ràng, chế định đặt ra danh từ để nói, để viết, rồi lưu truyền từ người này sang người khác, từ ngàn xưa cho đến nay.

Chế định pháp có 2 loại chính:

–     Atthapaññatti: Chế định về ý nghĩa, hình dạng.

–     Saddapaññatti: Chế định về danh từ ngôn ngữ.

1-  Quy ước chế định về ý nghĩa, hình dạng (atthapaññatti)

Mỗi đối tượng có ý nghĩa, có hình dạng khác biệt, nên có nhiều loại chế định như sau:

*     Santānapaññatti: Chế định về khối. 

Sự chế định này dựa trên khái niệm về tứ đại (đất, nước, lửa, gió) liên kết lại với nhau thành hình khối. 

Ví dụ: 

Khái niệm về mặt phẳng của mặt đất, về chiều cao của núi, về chiều dài của sông, về chiều rộng của biển, v.v…

*    Samūhapaññatti: Chế định về tổng hợp.

Sự chế định này dựa trên khái niệm các thành phần lớn nhỏ lắp ráp, kết cấu vào với nhau. 

Ví dụ: 

Khái niệm về sự tổng hợp các phần lớn nhỏ lắp ráp, kết cấu vào với nhau thành chiếc xe, thành cái nhà, v.v…

*     Sattapaññatti: Chế định về chúng sinh.

Sự chế định này dựa trên khái niệm căn cứ ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp. 

Ví dụ: 

Khái niệm về con người, về đàn ông, về đàn bà, về chư thiên, về phạm thiên, về con voi, về con ngựa, v.v…

*     Disāpaññatti: Chế định về phương hướng.

Sự chế định này dựa trên khái niệm căn cứ Thái dương hệ luân chuyển. 

Ví dụ: 

Khái niệm về phía mặt trời mọc thuộc hướng Đông, về mặt trời lặn thuộc hướng Tây, về hướng Nam, về hướng Bắc, v.v…

*     Kālapaññatti: Chế định về thời gian.

Sự chế định này dựa trên khái niệm căn cứ mặt trời. 

Ví dụ: 

Khái niệm về lúc mặt trời mọc là buổi sáng, về lúc mặt trời đứng bóng là buổi trưa, về lúc mặt trời lặn là buổi chiều, ngày, đêm, tháng, năm, v.v…

*     Akāsapaññatti: Chế định về hư không.

Sự chế định này dựa trên khái niệm căn cứ khoảng không, do nương nhờ khoảng trống của tứ đại không dính liền với nhau.

Ví dụ: 

Khái niệm về hang, động, giếng, hầm, hố, v.v…

*     Kasiṇapaññatti: Chế định về đề mục kasiṇa.

Sự chế định này dựa trên khái niệm căn cứ vào tứ đại… dùng làm đề mục thiền định. 

Ví dụ: 

Khái niệm về đề mục đất, về đề mục nước, về đề mục lửa, về đề mục gió, v.v…

*     Nimittapaññatti: Chế định về đối tượng của thiền định (tướng của định).

Chế định đối tượng này dựa trên khái niệm, phát sinh do thực hành thiền định, có 3 loại: 

–     Parikammanimitta: Đối tượng bắt đầu thực hành thiền định. 

–     Uggahanimitta: Đối tượng thô tương tự phát sinh trong tâm.

–    Paṭibhāganimitta: Đối tượng vi tế trong sáng phát sinh trong tâm.

Tất cả mọi chế định về ý nghĩa (aṭṭha), hình dạng… khác biệt của mỗi đối tượng tùy theo khái niệm hiện rõ trong tâm tưởng, nên đối tượng ấy không còn hiện rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp đúng theo Chân nghĩa pháp, song ý thức tâm có thể nhận biết đối tượng chế định về ý nghĩa ấy theo khái niệm.

2-  Chế định về danh từ ngôn ngữ (saddapaññatti)

Chế định này không chỉ là về khái niệm đơn thuần, mà còn chế định danh từ ngôn ngữ đặt tên gọi đối tượng, có 2 tính chất đặc biệt là:

–    Tâm hướng đến ý nghĩa (aṭṭha).

–    Làm cho ý nghĩa ấy hướng về tâm.

*     Tâm hướng đến ý nghĩa

Đó là tính chất của thính giả hoặc độc giả, khi nghe hoặc đọc sách báo, một danh từ ngôn ngữ quen thuộc, tâm hướng đến biết ý nghĩa, hình dạng của danh từ ấy.

Ví dụ: 

–    Danh từ “mặt đất”, là một mặt bằng do tứ đại kết dính thành khối.

–    Danh từ “con voi”, là một con vật có thân hình to lớn, có bốn bàn chân lớn, có cái vòi dài làm lỗ mũi…

*     Làm cho ý nghĩa ấy hướng về tâm

Đó là tính chất của người nói hoặc người viết, trước khi nói hoặc viết một danh từ ngôn ngữ nào, thì ý nghĩ hình ảnh của danh từ ấy đã hiện rõ trong tâm của người nói hoặc người viết.

Ví dụ: 

–     Danh từ “mặt đất”, ở trong tâm hiện rõ hình ảnh một mặt phẳng do tứ đại liên kết thành khối.

–     Danh từ “con voi”, ở trong tâm hiện rõ hình ảnh một con vật có thân hình to lớn, có bốn bàn chân lớn, có cái vòi dài làm lỗ mũi, … 

–     Danh từ “khổ”, “vui”, v.v…

Những danh từ ngôn ngữ này người xưa đã chế định, có quy ước rõ ràng, được lưu truyền lại từ người này sang người khác, từ xưa cho đến nay; dùng để nói, để viết, thông tin, diễn tả ý nghĩa tâm tư, tình cảm của mình, để hiểu biết lẫn nhau.

Chế định về danh từ ngôn ngữ có nhiều loại, trong đó có 2 loại căn bản là:

  1. a)    Avijjamānapaññatti: Danh từ ngôn ngữ chế định không dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng. 

Ví dụ: Danh từ gọi “Con người, đàn ông, đàn bà, chư thiên, ngôi nhà, chiếc xe, mặt đất, núi, sông”,

  1. b)    Vijjamānapaññatti: Danh từ ngôn ngữ chế định dựa thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng. 

Ví dụ: anh từ gọi “Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, hoặc sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, danh pháp, sắc pháp, Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế, Đạo Thánh Đế”, v.v

Những danh từ ngôn ngữ chế định, dầu dựa vào thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng, và không dựa vào thực tánh pháp hiện hữu làm nền tảng, cả hai đều thuộc về Chế định pháp (Paññattidhamma), không phải là Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma), vì có những tính chất đặc biệt như sau:

–     Hoàn toàn tùy thuộc vào khái niệm và danh từ ngôn ngữ chế định.

–     Bị hạn chế bởi không gian nơi này, nước kia.

–     Bị thay đổi ý nghĩa theo thời gian: Quá khứ, hiện tại, vị lai

–     Bị ảnh hưởng trực tiếp vào trình độ hiểu biết của các hạng chúng sinh.

–     Không có thực tánh (chỉ là danh từ ngôn ngữ).

–     Không có trạng thái riêng của mỗi pháp.

–     Không có sự sinh, sự diệt.

–     Không có 3 trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Chế định pháp thuộc về pháp, nên cũng là pháp vô ngã.

Do đó, pháp chế định này thuộc về “sự thật theo ngôn ngữ chế định (sammutisacca)”, chỉ có thể làm đối tượng của pháp hành thiền định mà thôi, hoàn toàn không thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

2-    Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma):

Chân nghĩa pháp là pháp có thực tánh rõ ràng, không bị biến thể theo thời gian: Quá khứ, hiện tại, vị lai.

Chân nghĩa pháp có 4 pháp:

–     Citta: Tâm có trạng thái nhận biết đối tượng.

–     Cetasika: Tâm sở có trạng thái tùy thuộc nương nhờ vào tâm mà sinh.

–     Rūpadhamma: Sắc pháp là pháp có trạng thái bị hủy hoại do nóng, lạnh, đói khát, v.v…

–     Nibbāna: Niết Bàn có trạng thái tịch tịnh vắng lặng mọi phiền não, ngũ uẩn.

Phần Giải Thích

1-    Tâm (citta):

Có trạng thái biết đối tượng.

Tâm gồm có 89 hay 121 tâm được phân chia theo 4 cảnh giới như sau:

Tâm dục giới (kāmavacaracitta) có 54 tâm – 54 tâm

Tâm sắc giới (rūpavacaracitta) có 15 tâm – 15 tâm

Tâm vô sắc giới (arūpavacaracitta) có 12 tâm – 12 tâm

Tâm Siêu tam giới (lokuttaracitta) có 8 tâm hoặc 40 tâm 

Tổng cộng: 89 tâm 121 tâm

*     54 tâm dục giới được phân chia làm các loại tâm:

–    12 tâm bất thiện:

+     8 tâm tham.

+     2 tâm sân.

+     2 tâm si.

–    18 tâm vô nhân 1 :

+     7 tâm quả bất thiện vô nhân.

+     8 tâm quả thiện vô nhân.

+     3 tâm duy tác vô nhân.

–    24 tâm dục giới tịnh hảo:

+     8 tâm đại thiện.

+     8 tâm đại quả.

+     8 tâm đại duy tác.

*     15 tâm sắc giới được phân chia làm 3 loại:

+    5 tâm thiện sắc giới.

+    5 tâm quả sắc giới.

+    5 tâm duy tác sắc giới.

*     12 tâm vô sắc giới được phân chia làm 3 loại:

+    4 tâm thiện vô sắc giới.

+    4 tâm quả vô sắc giới.

+    4 tâm duy tác vô sắc giới.

*     8 hoặc 40 tâm Siêu tam giới được phân chia làm 2 loại:

+    4 hoặc 20 tâm Thánh Đạo.

+    4 hoặc 20 tâm Thánh Quả.

2-    Tâm Sở (cetasika):

Tâm sở luôn luôn tùy thuộc, nương nhờ vào tâm, có 4 trạng thái.

–     Đồng sinh với tâm: Khi tâm nào sinh, thì ắt phải có số tâm sở đồng sinh với tâm ấy.

–     Đồng diệt với tâm: Khi tâm nào diệt, thì ắt phải có số tâm sở đồng diệt với tâm ấy.

–     Đồng đối tượng với tâm: Khi tâm nào có đối tượng nào, thì ắt phải có số tâm sở đồng đối tượng với tâm ấy.

–     Đồng nơi sinh với tâm: Khi tâm nào nương nhờ nơi môn (vatthu) nào phát sinh, thì có số tâm sở cũng nương nhờ nơi môn ấy.

Tâm sở có 4 trạng thái đồng với tâm, mỗi tâm có một số tâm sở đồng sinh. Tâm sở với tâm không bao giờ tách rời nhau, ví như bóng với hình; hình nào thì bóng ấy. Cũng như vậy, tâm nào thì có tâm sở ấy.

Phân Loại Tâm Sở

Tâm sở gồm có 52 tâm sở, mỗi tâm sở có một trạng thái riêng, do đó 52 tâm sở có 52 trạng thái riêng.

52 tâm sở được phân loại như sau:

*     Tâm sở sinh chung toàn tâm (sabbacittasādharaṇacetasika): Có 7 tâm sở đồng sinh với tất cả 89 hoặc 121 tâm như sau:

1-    Phassa: Tâm sở xúc, có trạng thái tiếp xúc đối tượng. 

2-    Vedanā: Tâm sở thọ, có trạng thái cảm thọ nơi đối tượng. 

3-    Saññā: Tâm sở tưởng, có trạng thái tưởng nơi đối tượng.

4-    Cetanā: Tâm sở tác ý, có trạng thái tạo tác theo đối tượng.

5-    Ekaggatā: Tâm sở nhất tâm, có trạng thái chú tâm trong đối tượng.

6-    Jīvitindriya: Tâm sở danh mạng căn, có trạng thái bảo hộ danh pháp.

7-    Manasikāra: Tâm sở ý hành, có trạng thái hướng dẫn tâm đến đối tượng.

(7 tâm sở này luôn luôn đồng sinh đầy đủ trong 89 hay 121 tâm). 

*     Tâm sở sinh riêng tùy tâm (pakiṇṇakacetasika): Có 6 tâm sở đồng sinh riêng rải rác tùy theo tâm như sau:

1-    Vitakka: Tâm sở hướng tâm, có trạng thái hướng tâm đến đối tượng.

2-    Vicāra: Tâm sở quan sát, có trạng thái quan sát nơi đối tượng. 

3-    Adhimokkha: Tâm sở quyết định, có trạng thái quyết định đối tượng.

4-    Vīriya: Tâm sở tinh tấn, có trạng thái tinh tấn.

5-    Pīti: Tâm sở hỷ, có trạng thái hoan hỷ nơi đối tượng.

6-    Chanda: Tâm sở mong muốn, có trạng thái muốn thành đạt.

(6 loại tâm sở này, đồng sinh tùy theo tâm, rải rác trong một số tâm, trừ 10 loại thức tâm (2 nhãn thức tâm, 2 nhĩ thức tâm, 2 tỷ thức tâm, 2 thiệt thức tâm và 2 thân thức tâm).

*     Tâm sở bất thiện (akusalacetasika): Có 14 tâm sở bất thiện đồng sinh với tâm bất thiện như sau:

1-    Moha: Tâm sở si, có trạng thái không biết thực tánh của các pháp. 

2-    Ahirika: Tâm sở không hổ thẹn, có trạng thái tự mình không biết hổ thẹn tội lỗi, khi hành ác.

3-    Anottappa: Tâm sở không ghê sợ, có trạng thái không ghê sợ tội lỗi, khi hành ác.

4-    Uddhacca: Tâm sở phóng tâm, có trạng thái không an trụ trong đối tượng.

(4 tâm sở này có tâm sở si là gốc, đồng sinh với 12 tâm bất thiện).

5-    Lobha: Tâm sở tham, có trạng thái tham muốn trong đối tượng.

6-    Diṭṭhi: Tâm sở tà kiến, có trạng thái thấy sai, chấp lầm nơi đối tượng.

7-    Māna: Tâm sở ngã mạn, có trạng thái so sánh ta với người khác (ta hơn người, ta bằng người, ta kém hơn người).

(3 tâm sở này, có tâm sở tham là gốc, đồng sinh với tâm tham).

–      Tâm sở tham đồng sinh với 8 tâm tham. 

–      Tâm sở tà kiến đồng sinh với 4 tâm tham hợp tà kiến.

–      Tâm sở ngã mạn đồng sinh với 4 tâm tham không hợp tà kiến (không chắc chắn).

8-    Dosa: Tâm sở sân, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, không hài lòng nơi đối tượng.

9-    Issā: Tâm sở ganh tị, có trạng thái ganh tị của cải, sắc đẹp, địa vị… người khác.

10-   Macchariya: Tâm sở bỏn xẻn, có trạng thái cất dấu tài sản của mình không cho người khác.

11-   Kukkucca: Tâm sở hối hận, có trạng thái nóng nảy hối hận việc ác đã làm, việc thiện không làm.

(4 tâm sở này, có tâm sở sân là gốc, đồng sinh với 2 tâm sân, riêng issā, macchariya, kukkucca không chắc chắn, khi sinh, khi không sinh, tùy theo đối tượng).

12-   Thīna: Tâm sở buồn chán, có trạng thái không hăng hái trong đối tượng.

13-   Middha: Tâm sở buồn ngủ, có trạng thái buồn ngủ, buông bỏ đối tượng.

(2 tâm sở này đồng sinh trong 4 tâm tham và 1 tâm sân cần có sự động viên, không chắc chắn).

14-   Vicikicchā: Tâm sở hoài nghi, có trạng thái hoài nghi nơi đối tượng.

(tâm sở hoài nghi này đồng sinh với 1 tâm si hợp hoài nghi). 

(14 tâm sở bất thiện này chỉ đồng sinh rải rác trong 12 tâm bất thiện).

*     Tâm sở tịnh hảo sinh chung tâm tịnh hảo (sobhaṇasādharaṇacetasika): Có 19 tâm sở tịnh hảo đồng sinh với mọi tâm tịnh hảo như sau:

1-    Saddhā: Tâm sở tín, có trạng thái tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

2-    Sati: Tâm sở niệm, có trạng thái niệm trong đối tượng. 

3-    Hiri: Tâm sở hổ thẹn, có trạng thái tự mình hổ thẹn tội lỗi.

4-    Ottappa: Tâm sở ghê sợ, có trạng thái ghê sợ tội lỗi.

5-    Alobha: Tâm sở vô tham, có trạng thái không tham muốn, không dính mắc trong đối tượng.

6-    Adosa: Tâm sở vô sân, có trạng thái hiền hòa, không hung dữ nơi đối tượng.

7-    Tatramajjhattatā: Tâm sở trung dung, có trạng thái làm cho tâm và tâm sở đồng đều nhau.

8-    Kāyapassaddhi: Tâm sở an tịnh tam uẩn 1 , có trạng thái làm an tịnh toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

9-    Cittapassaddhi: Tâm sở an tịnh thức uẩn, có trạng thái làm an tịnh tâm tịnh hảo ấy.

10-   Kāyalahutā: Tâm sở nhẹ nhàng tam uẩn, có trạng thái làm nhẹ nhàng toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

11-   Cittalahutā: Tâm sở nhẹ nhàng thức uẩn, có trạng thái làm nhẹ nhàng tâm tịnh hảo ấy.

12-   Kāyamudutā: Tâm sở nhu nhuyến tam uẩn, có trạng thái làm nhu nhuyến toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

13-   Cittamudutā: Tâm sở nhu nhuyến thức uẩn, có trạng thái làm nhu nhuyến tâm tịnh hảo ấy.

14-   Kāyakammaññatā: Tâm sở uyển chuyển tam uẩn, có trạng thái làm uyển chuyển toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

15-   Cittakammaññatā: Tâm sở uyển chuyển thức uẩn, có trạng thái làm uyển chuyển tâm tịnh hảo ấy.

16-   Kāyaguññatā: Tâm sở thành thạo tam uẩn, có trạng thái làm thành thạo toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

17-   Cittaguññatā: Tâm sở thành thạo thức uẩn, có trạng thái làm thành thạo tâm tịnh hảo ấy.

18-   Kāyajukatā: Tâm sở chánh trực tam uẩn, có trạng thái làm chánh trực toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

19-   Cittajukatā: Tâm sở chánh trực thức uẩn, có trạng thái làm chánh trực tâm tịnh hảo ấy.

(19 tâm sở tịnh hảo này đồng sinh với 24 tâm dục giới tịnh hảo + 15 tâm sắc giới + 12 tâm vô sắc giới + 8 hoặc 40 tâm Siêu tam giới (trừ ra 12 tâm bất thiện + 18 tâm vô nhân). Như vậy, 19 tâm sở tịnh hảo này đồng sinh với 59 hoặc 91 tâm).

*     Tâm sở tiết chế (viratīcetasika): Có 3 tâm sở đồng sinh với tâm, chế ngự tâm không hành ác như sau:

1-    Sammāvācā: Tâm sở chánh ngữ, có trạng thái tránh xa sự nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.

2-    Sammākammanta: Tâm sở chánh nghiệp, có trạng thái tránh xa sự sát sinh, sự trộm cắp, sự tà dâm.

3-    Sammāājīva: Tâm sở chánh mạng, có trạng thái nuôi mạng chân chánh, tránh xa cách sống tà mạng do hành ác.

(3 tâm sở tiết chế này chỉ sinh riêng rẽ từng mỗi tâm sở với 8 tâm dục giới đại thiện, nhưng 3 tâm sở tiết chế này chắc chắn đồng sinh cùng một lúc với 8 hay 40 tâm Siêu tam giới. Như vậy, tâm sở tiết chế này đồng sinh với 16 hoặc 48 tâm).

*     Vô lượng tâm sở (appamaññācetasika): Là tâm sở có đối tượng chúng sinh vô lượng, gồm có 2 tâm sở:

1-    Karuṇā: Tâm sở bi, có trạng thái muốn cứu giúp chúng sinh đang trong cảnh khổ.

2-    Muditā: Tâm sở hỷ, có trạng thái hoan hỷ với chúng sinh đang hưởng sự an lạc hạnh phúc.

(2 tâm sở vô lượng này chỉ sinh riêng rẽ từng mỗi tâm sở với 8 tâm dục giới đại thiện + 8 tâm dục giới đại duy tác + 12 tâm sắc giới, (trừ 3 tâm sắc giới đệ ngũ thiền). Như vậy, vô lượng tâm sở đồng sinh với 28 tâm).

*     Tuệ chủ tâm sở (paññindriyacetasika): Là tâm sở trí tuệ, có 1 tâm sở:

Tâm sở trí tuệ, có trạng thái thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp.

(tâm sở trí tuệ đồng sinh với 4 tâm dục giới đại thiện hợp với trí + 4 tâm dục giới đại quả hợp với trí + 4 tâm dục giới duy tác hợp với trí + 15 tâm sắc giới + 12 tâm vô sắc giới + 8 hay 40 tâm Siêu tam giới. Như vậy, trí tuệ tâm sở đồng sinh với 47 hay 79 tâm). 

Tâm sở luôn luôn tùy thuộc vào tâm do bởi 4 trạng thái đồng sinh, đồng diệt, đồng đối tượng, đồng nơi phát sinh. Do đó, tâm sở và tâm không thể tách rời nhau. 

Khi tâm nào sinh, ắt phải có số tâm sở thích hợp đồng sinh với tâm ấy, để làm phận sự. 

Tâm thường bị ảnh hưởng bởi tâm sở. Tâm sở nào có năng lực, thì tâm được gọi tên do năng lực của tâm sở ấy. 

Ví dụ:

–     Gọi tâm tham, vì có tâm sở tham trong 21 tâm sở đồng sinh với tâm tham. Cũng như vậy,

–     Gọi tâm sân, vì có tâm sở sân trong 22 tâm sở đồng sinh với tâm sân.

–     Gọi tâm si, vì có tâm sở si trong 15 tâm sở đồng sinh với tâm si.

–     Gọi tâm đại thiện hợp với trí, vì có tâm sở trí tuệ trong 38 tâm sở đồng sinh với tâm đại thiện ấy, v.v…

Cũng như màu hòa lẫn trong nước, hòa màu nào vào trong nước, thì nước trở thành màu ấy.

Tâm gồm có 89 hay 121 tâm, và tâm sở gồm có 52 tâm sở. Tâm và tâm sở luôn luôn sinh rồi diệt không ngừng, thay đổi tùy theo 6 đối tượng với 6 môn.

Trong mỗi chúng sinh có số lượng tâm và tâm sở nhiều hay ít không giống nhau, không chắc chắn. Bởi vì: 

–     Tùy thuộc vào mỗi hạng chúng sinh khác nhau, (có 12 hạng chúng sinh). 

–     Tùy theo đối tượng khác nhau, (có 6 đối tượng, có 6 loại tâm).

–     Tùy thuộc vào cảnh giới tâm khác nhau, (có 4 cảnh giới tâm: dục giới tâm, sắc giới tâm, vô sắc giới tâm và Siêu tam giới tâm).

Chẳng hạn nếu chúng sinh nào mắt mù, tai điếc… thì chúng sinh ấy không có 2 nhãn thức tâm, 2 nhĩ thức tâm,… vì không phát sinh lên được. 

3-    Sắc Pháp (Rūpadhamma)

Sắc pháp: Là pháp có trạng thái bị hủy hoại do nóng, lạnh, đói, khát,… (ruppanalakkhaṇa).

Sắc pháp gồm có 28 sắc pháp, phân làm 2 loại:

–     Sắc tứ đại (mahābhūtarūpa).

–     Sắc phụ thuộc (upādayarūpa).

1- Sắc tứ đại (mahābhūtarūpa): Là 4 sắc pháp rộng lớn làm nền tảng cho các sắc pháp, gồm có:

–     Sắc địa đại (paṭhavīdhātu): Chất đất.

–     Sắc thủy đại (āpodhātu): Chất nước.

–     Sắc hỏa đại (tejodhātu): Chất lửa.

–     Sắc phong đại (vāyodhātu): Chất gió.

Sắc tứ đại là sắc pháp có tính chất rộng lớn, có thực tánh rõ ràng. 

Sắc tứ đại: Chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió, là 4 sắc pháp không thể tách rời được, luôn luôn nương nhờ lẫn nhau, song số lượng của sắc đại nào nhiều nhất thì đóng vai trò chính, và được gọi tên của sắc đại ấy.

Sắc tứ đại ở trong thân của chúng sinh và ở bên ngoài thân của chúng sinh, vạn vật.

a)    Sắc địa đại (paṭhavīdhātu): Là sắc pháp có thực tánh rộng lớn, làm nền tảng cho tất cả mọi sắc pháp khác. 

* 4 tính chất riêng của sắc địa đại:

–    Sắc địa đại có trạng thái cứng hoặc mềm.

–    Sắc địa đại có phận sự làm nền tảng cho các sắc pháp khác đồng sinh.

–    Sắc địa đại là nơi tiếp nhận các sắc đồng sinh, là quả hiện hữu.

–    Sắc địa đại có 3 sắc đại: Sắc thủy đại, sắc hỏa đại và sắc phong đại là nguyên nhân gần để phát sinh.

* Sắc địa đại luôn luôn nương nhờ ở 3 sắc đại khác:

–    Sắc địa đại nương nhờ sắc thủy đại để làm cho được đông đặc, rắn chắc.

–    Sắc địa đại nương nhờ sắc hỏa đại để giữ gìn. 

–    Sắc địa đại nương nhờ sắc phong đại để chuyển động, rung chuyển.

* Sắc địa đại có trạng thái cứng hay mềm:

–    Sắc địa đại có trạng thái cứng, là vì chất đất có số lượng nhiều, hơn 3 sắc đại khác và là chính ở trong mọi sắc pháp ấy. Cho nên, khi sắc thân tiếp xúc với địa đại có cảm giác cứng. 

Ví như: Xương, sắt, đá, gỗ…

–    Sắc địa đại có trạng thái mềm, vì chất đất có số lượng ít, nhưng vẫn nhiều hơn 3 sắc đại khác và cũng là chính ở trong mọi sắc pháp ấy. Cho nên, khi sắc thân tiếp xúc với địa đại có cảm giác mềm. 

Ví như: Da thịt, bông gòn,…

Khi sắc thân tiếp xúc với sắc pháp có trạng thái cứng hay mềm đều thuộc về sắc địa đại (ngoài sắc địa đại ra không có sắc pháp nào khi thân tiếp xúc lại có cảm giác cứng hoặc mềm).

Sắc địa đại là một sắc pháp lớn, là nơi nương nhờ của các sắc pháp khác.

b)    Sắc thủy đại (āpodhātu): Là sắc pháp có thực tánh lỏng, thấm vào mọi sắc pháp khác.

* 4 tính chất riêng của sắc thủy đại:

–    Sắc thủy đại có trạng thái lỏng hoặc đông đặc.

–    Sắc thủy đại có phận sự làm cho tất cả sắc pháp đồng sinh được phát triển. 

–    Sắc thủy đại làm kết dính tất cả mọi sắc pháp khác đồng sinh vào nhau là quả hiện hữu.

–    Sắc thủy đại có 3 sắc đại: Địa đại, hỏa đại, phong đại, là nguyên nhân gần để phát sinh.

* Sắc thủy đại luôn luôn nương nhờ ở 3 sắc đại khác:

–    Sắc thủy đại nương nhờ sắc địa đại làm nền tảng.

–    Sắc thủy đại nương nhờ sắc hỏa đại để gìn giữ.

–    Sắc thủy đại nương nhờ sắc phong đại để chuyển động, rung động.

*     Sắc thủy đại là sắc pháp có trạng thái lỏng hay đông đặc:

–    Sắc thủy đại có trạng thái lỏng, chất nước bình thường có trạng thái lỏng, khi chất nước tiếp xúc với không khí lạnh dưới 00C, chất nước sẽ đông đặc lại thành khối cứng rắn, ví như nước đá. Nếu đem khối nước đá tiếp xúc với hơi nóng, sẽ tan ra thành chất lỏng như bình thường. 

–    Sắc thủy đại có trạng thái đông đặc, chất nước ở trong chất sáp, chì, đồng, sắt,… khi bị nung đốt, tiếp xúc với sức nóng ở nhiệt độ cao, thì chất sáp, chì, đồng, sắt,… tan ra trở thành thể lỏng trôi chảy. Sự trôi chảy này, không phải là chất nước, mà là chất đất cùng với chất nước. Khi thể lỏng này tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, sẽ trở lại đông đặc như trước.

Sắc thủy đại ví như một chất keo gắn dính liền các nguyên tử địa đại vào với nhau. 

* Chức năng của sắc thủy đại: 

–    Sắc thủy đại thấm vào mọi sắc pháp đồng sinh, rồi ở trong sắc pháp ấy.

–    Sắc thủy đại làm cho tất cả sắc pháp đồng sinh được phát triển tốt.

–    Sắc thủy đại theo gìn giữ tất cả mọi sắc pháp đồng sinh ấy gắn bó, khắn khít lại với nhau không để rời rạc. 

Sắc pháp có trạng thái lỏng hay đông đặc thuộc về sắc thủy đại.

c)    Sắc hỏa đại (tejodhātu): Là sắc pháp có trạng thái nóng làm cho chín mềm mọi sắc pháp khác.

* 4 tính chất riêng của sắc hỏa đại: 

– Sắc hỏa đại có trạng thái nóng hoặc lạnh.

– Sắc hỏa đại có phận sự làm cho tất cả mọi sắc pháp đồng sinh già dần, đốt cháy cằn cỗi dần.

– Sắc hỏa đại làm cho tất cả mọi sắc pháp đồng sinh khác mềm mại, là quả hiện hữu.

– Sắc hỏa đại có 3 sắc đại: Sắc địa đại, sắc thủy đại, sắc phong đại, là nguyên nhân gần để phát sinh.

* Sắc hỏa đại luôn luôn nương nhờ ở 3 sắc đại khác:

– Sắc hỏa đại nương nhờ sắc địa đại làm nền tảng .

– Sắc hỏa đại nương nhờ sắc thủy đại để làm cho dính lại không rời rạc.

– Sắc hỏa đại nương nhờ sắc phong đại để chuyển động, rung chuyển.

* Sắc hỏa đại có trạng thái nóng hay lạnh:

Sắc hỏa đại có trạng thái nóng (uṇhatejo) làm cho tất cả mọi sắc đồng sinh chín dần, mềm mại. 

Ví dụ: Nấu cơm, nấu đồ ăn, …

Sắc hỏa đại có trạng thái lạnh (sītatejo) có thể làm khô héo. 

* Sắc hỏa đại có 5 loại:

1-    Usmātejo: Sắc hỏa đại có nhiệt độ ấm ở trong sắc thân của mỗi chúng sinh.

2-    Santappanatejo: Sắc hỏa đại tăng cao nhiệt độ nóng ở thân thể.

3-    Dahanatejo: Sắc hỏa đại tăng nhiệt độ nóng lên cao tột bực có thể làm người bệnh phát khùng.

4-    Jiraṇatejo: Sắc hỏa đại trong sắc thân làm cho già nua, da nhăn, tóc bạc, răng rụng,…

5-    Pācakatejo: Sắc hỏa đại làm phận sự tiêu hoá vật thực.

Trong 5 loại sắc hỏa đại này, có 2 loại sắc hỏa đại luôn luôn có trong thân thể của chúng sinh là usmātejo: Sắc hỏa đại có nhiệt độ ấm trong thân thể, pācakatejo: Sắc hỏa đại là chất lửa làm tiêu hóa vật thực. Còn lại 3 loại sắc hỏa đại kia là do sự biến đổi từ sắc hỏa đại có nhiệt độ ấm trong thân thể (usmātejo) mà có. 

–    Đối với người bệnh, khi bị cảm sốt, từ usmātejo: Nhiệt độ ấm trong thân thể tăng nhiệt độ nóng lên cao trở thành santappanatejo: Sắc hỏa đại tăng nhiệt độ nóng ở thân thể lên cao. Khi nhiệt độ nóng lên cao đến tột bực, trở thành dahanatejo: Sắc hỏa đại tăng nhiệt độ nóng lên tột bực có thể làm cho người bệnh phát khùng. 

–    Đối với người bình thường, hằng ngày usmātejo: Nhiệt độ ấm trong thân thể, thiêu đốt các sắc pháp trong thân thể trở thành jiraṇatejo: Hỏa đại làm cho sắc thân già nua, da nhăn, tóc bạc, răng rụng,

Khi sắc thân tiếp xúc với sắc pháp có trạng thái nóng hay lạnh, đều thuộc về sắc hỏa đại. 

d)    Sắc phong đại (vāyodhātu): Là sắc pháp có thực tánh chuyển động, rung chuyển. 

* 4 tính chất riêng của sắc phong đại:

–    Sắc phong đại có trạng thái di chuyển.

–    Sắc phong đại có phận sự làm cho tất cả sắc pháp chuyển động.

–    Sắc phong đại làm rung chuyển tất cả sắc pháp đồng sinh là quả hiện hữu.

–    Sắc phong đại có 3 sắc: Sắc địa đại, sắc thủy đại, sắc hỏa đại là nguyên nhân gần để phát sinh.

* Sắc phong đại luôn luôn nương nhờ ở 3 sắc đại khác:

–    Sắc phong đại nương nhờ sắc địa đại làm nền tảng.

–    Sắc phong đại nương nhờ sắc thủy đại làm cho nối tiếp, không rời rạc.

–    Sắc phong đại nương nhờ sắc hỏa đại làm cho gió có nhiệt độ nóng, gió có nhiệt độ lạnh.

* Sắc phong đại có trạng thái phồng và rung chuyển:

–    Sắc phong đại có trạng thái làm phồng lên, gọi là vitthambhanavāyo: Chất gió làm căng phồng lên, làm cho mọi sắc pháp đồng sinh trở nên cứng rắn.

+     Nếu chất gió căng phồng lên trong thân thể, làm cho người ấy có cảm giác khó chịu mỏi mệt, đau nhức toàn thân.

+     Nếu chất gió căng phồng lên ở vật gì thì làm cho vật ấy cứng rắn. 

Ví như: Bơm hơi vào trái bóng, bánh xe…

–    Sắc phong đại có trạng thái di chuyển, gọi là samīraṇavāyo: Chất gió làm cho mọi sắc pháp đồng sinh di chuyển.

Chất gió samīraṇavāyo ở trong thân thể chúng sinh, làm cho thân cử động, đi lại được. Chúng sinh đi, đứng, ngồi, nằm, co tay vào, duỗi chân ra… đều do năng lực của chất gió này. 

* Chất gió có 6 loại:

1-    Uddhaṅgamavāyo: Chất gió bốc lên phía trên.

2-    Adhogamavāyo: Chất gió đẩy xuống phía dưới.

3-    Kucchiṭṭhavāyo: Chất gió ở trong bụng.

4-    Koṭṭhāsayavāyo: Chất gió ở trong ruột già. 

5-    Aṅgamangānusārīvāyo: Chất gió ở toàn thân thể.

6-    Assāsapassāsavāyo: Chất gió hơi thở vô, thở ra.

Đó là 6 loại gió ở trong thân thể của mỗi chúng sinh. 

Chất gió samīraṇavāyo ở bên ngoài thân thể làm cho rung chuyển, di động từ nơi này đến nơi khác được.

Khi sắc thân tiếp xúc với sắc pháp có trạng thái phồng xẹp, chuyển động, đều là sắc phong đại. 

Sắc tứ đại: Sắc địa đại, sắc thủy đại, sắc hoả đại, sắc phong đại có tính chất rộng lớn và có thực tánh rõ ràng. 

Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa) dạy rằng: Xúc trần là đối tượng của thân thức tâm chỉ có 3 sắc đại là:

1-    Paṭhavīphoṭṭhabbārammaṇa: Xúc trần, chất đất cứng hoặc mềm.

2-    Tejophoṭṭhabbārammaṇa: Xúc trần, chất lửa nhiệt độ nóng hoặc nhiệt độ lạnh.

3-    Vāyophoṭṭhabbārammaṇa: Xúc trần, chất gió phồng hoặc xẹp.

Chỉ có chất đất, chất lửa chất gió có thể tiếp xúc trực tiếp với thân tịnh sắc (sắc thân) để phát sinh thân thức tâm, biết được xúc trần: Cứng hoặc mềm (chất đất), nhiệt độ nóng hoặc nhiệt độ lạnh (chất lửa), phồng hoặc xẹp (chất gió). 

Riêng về sắc thủy đại không phải là xúc trần, nên không thể biết bằng thân thức tâm. Sắc thủy đại thuộc về pháp trần, nên chỉ có thể biết bằng ý thức tâm. Bởi vì, sắc thủy đại là đối tượng rất vi tế, thân thức tâm không thể tiếp xúc, nhận biết được. 

Trong bộ Abhidhammavibhāvinīṭīkā có giảng giải rằng:

Āpodhātuyā sukhumabhāvena phusitaṃ asakkuṇeyyattaṃ vuttaṃ…

“Sắc thủy đại có thực tánh rất vi tế, nên thân tịnh sắc không thể tiếp xúc đối tượng sắc thủy đại được”. 

Trong nước lạnh hoặc nước nóng, dĩ nhiên có chất nước nhiều hơn các chất đất, chất lửa, chất gió. Khi sắc thân tiếp xúc, tưởng như tiếp xúc với nước. Nhưng sự thật, khi thân tịnh sắc tiếp xúc nhiệt độ nóng hoặc nhiệt độ lạnh, đó là chất lửa; cứng hoặc mềm đó là chất đất; sự chuyển động đó là chất gió. Thân thức tâm chỉ biết được chất đất, chất lửa, chất gió ở trong chất nước ấy. Vì chất nước không thuộc về xúc trần, mà là pháp trần, nên chỉ có thể biết bằng ý thức tâm mà thôi.

2- Sắc phụ thuộc (upādāyarūpa): Là sắc pháp nương nhờ sắc tứ đại này phát sinh, có 24 sắc pháp:

–    5 tịnh sắc: Nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỷ tịnh sắc, thiệt tịnh sắc và thân tịnh sắc.

–    5 sắc đối tượng: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần và xúc trần 1 .

–    2 sắc tính: Sắc nam tínhsắc nữ tính.

–    1 sắc ý căn (hadayavatthu).

–    1 sắc mạng chủ.

–    1 sắc vật thực.

–    1 sắc chân không.

–    2 sắc cử động: Sắc thân cử động, sắc khẩu cử động. 

–    3 sắc biến chuyển: Sắc nhẹ nhàng, sắc mềm mại, sắc uyển chuyển. 

–    4 sắc trạng thái: Sắc sinh, sắc liên tục, sắc già dặn, sắc vô thường.

24 sắc pháp này hoàn toàn tùy thuộc vào sắc tứ đại mà phát sinh.

Như vậy, sắc pháp gồm có 28 sắc pháp.

Một người bình thường không bị khiếm khuyết vì bệnh tật, trong thân thể người ấy có đủ 27 sắc pháp.

– Nếu là người đàn ông, thì trừ sắc nữ tính.

– Nếu là người đàn bà, thì trừ sắc nam tính. 

Trường hợp người có đôi mắt bị mù, hai tai bị điếc,… thì số sắc pháp trong thân thể người ấy bị giảm theo bệnh tật khiếm khuyết ấy.

4-    Niết Bàn (Nibbāna)

Niết Bàn là pháp có trạng thái tịch tịnh, vắng lặng mọi phiền não, ngũ uẩn, là pháp diệt mọi sự khổ, pháp an lạc tuyệt đối (santisukha). Niết Bàn thuộc về Diệt Thánh Đế.

Tính chất của Niết Bàn được phân ra nhiều loại, mỗi loại có ý nghĩa như sau: 

1- Niết Bàn có 2 loại:

1-    Sa upādisesanibbāna: Hữu Dư Niết Bàn: Niết Bàn đối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp không còn dư sót. Nhưng ngũ uẩn vẫn còn tồn tại, cho đến hết tuổi thọ.

2-    Anupādisesanibbāna: Vô Dư Niết Bàn: Niết Bàn đối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp không còn dư sót, đến lúc hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp nào nữa, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. 

2- Niết Bàn có 3 loại:

1-    Animittanibbāna: Vô Hiện Tượng Niết Bàn: Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sinh diệt, thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa) hiện rõ hơn trạng thái khổ trạng thái vô ngã,tín pháp chủ 1 có năng lực nhiều hơn 4 pháp chủ khác (tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ), hay do năng lực của giới, dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn. Niết Bàn này gọi là: “Vô Hiện Tượng Niết Bàn”, Niết Bàn không có hiện tượng pháp hành hữu vi.

2-    Appaṇihitanibbāna: Vô Ái Niết Bàn: Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sinh diệt, thấy rõ biết rõ trạng thái khổ (dukkhalakkhaṇa) hiện rõ hơn 2 trạng thái vô thường trạng thái vô ngã,định pháp chủ 2 có năng lực nhiều hơn 4 pháp chủ khác (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, tuệ pháp chủ), hay do năng lực của định, dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn. Niết Bàn này gọi là: “Vô Ái Niết Bàn”, Niết Bàn không có tham ái nương nhờ.

3-    Suññatanibbāna: Chơn không Niết Bàn: Niết Bàn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiện tuệ thấy rõ biết rõ danh pháp, sắc pháp sinh diệt, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô ngã (anattalakkhaṇa) hiện rõ hơn trạng thái vô thường trạng thái khổ,tuệ pháp chủ 3 có năng lực nhiều hơn 4 pháp chủ khác (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ), hay do năng lực của tuệ, dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn. Niết Bàn này gọi là: “Chơn Không Niết Bàn”, Niết Bàn hoàn toàn vô ngã, không phải ta, không phải của ta.

Tính Chất Của Đối Tượng

Muốn thực hành thiền tuệ dẫn đễn chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn giải thoát khổ hoàn toàn khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, hành giả không những học hỏi hiểu rõ Chế định pháp và Chân nghĩa pháp, mà còn phải biết phân biệt rõ sự khác biệt giữa đối tượng Chế định pháp và đối tượng Chân nghĩa pháp, bởi vì mỗi đối tượng có tính chất riêng biệt hoàn toàn khác nhau như sau:

1-    Đối tượng Chế định pháp không có thực tánh pháp, không có sự sinh, sự diệt, không có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, cho nên không dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, không chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, không thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, Chế định pháp chỉ làm đối tượng của pháp hành thiền định mà thôi; hoàn toàn không thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ. 

2-    Đối tượng Chân nghĩa pháp có thực tánh pháp, có sự sinh, sự diệt, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, cho nên dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, Chân nghĩa pháp có thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Như Đức Phật dạy:

Aniccā sabbe saṅkhārā,

dukkhānattā ca saṅkhatā.

Nibbānañceva paññatti,

anattā iti nicchayā 1 .

Tất cả pháp hữu vi

Danh pháp và sắc pháp,

Đều có ba trạng thái

Vô thường, khổ, vô ngã.

Niết Bàn và chế định

Thuộc về pháp vô ngã.

Lợi Ích Của Chế Định Pháp và Chân Nghĩa Pháp 

Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh thường dùng 2 phương pháp:

1-    Sammutidesanā: Thuyết pháp theo sự thật ngôn ngữ chế định.

Ví dụ: Đức Phật sử dụng danh từ gọi “chúng sinh, con người, đàn ông, đàn bà, chư thiên, phạm thiên, con voi, con ngựa, ngôi nhà, chiếc xe”… mà người đời đặt ra, có quy ước chế định được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay, mọi người đã chấp nhận xem như là sự thật.

2-    Paramatthadesanā: Thuyết pháp theo sự thật Chân nghĩa pháp.

Ví dụ: Đức Phật thuyết pháp về “tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, danh pháp, sắc pháp, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế, Đạo Thánh Đế”,

Bởi vì, Đức Phật có 2 loại trí tuệ đặc biệt, mà bậc Thánh Thanh Văn không có, đó là:

–    Indriyaparopariyattañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sinh.

–    Āsayānusayañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nghiệp quả và phiền não ngấm ngầm của mỗi chúng sinh.

Khi tế độ chúng sinh, Đức Phật quán xét căn duyên của mỗi chúng sinh nên thuyết pháp cách nào.

*     Nếu chúng sinh nào, tiền kiếp không từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì trước tiên Đức Phật thuyết pháp về sự thật do ngôn ngữ chế định làm nền tảng, rồi tiếp theo thuyết pháp về sự thật theo Chân nghĩa pháp, để hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy, đạt đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả.

*     Nếu chúng sinh nào, tiền kiếp đã từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì Đức Phật thuyết pháp trực tiếp về sự thật theo Chân nghĩa pháp, để hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy, đạt đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả.

Cho nên, sự thuyết pháp của Đức Phật chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. 

Lợi Ích Của Sự Thật Theo Ngôn Ngữ Chế Định

Trong Chú giải kinh Ananganasutta 1 dạy:

Đức Phật thuyết giảng sự thật theo ngôn ngữ chế định về con người đem lại sự lợi ích có 8 trường hợp như sau:

1-    Để cho con người biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi (hirottappadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi?”.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ… phải nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi…”, thì các hàng đệ tử lắng nghe sẽ hiểu rõ, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng (puggalādhiṭṭhāna). 

2-    Để chứng tỏ mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình (kammassakatādīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp đều có nghiệp là của riêng mình”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu, nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có nghiệp là của riêng mình?”.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ dễ hiểu, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

3-    Để làm cho nổi bật công việc của mỗi người (paccattapurisakāradīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Ngôi chùa Jetavana do ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp ấy xây cất”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết nguời nào xây cất, thắc mắc nghi ngờ rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào xây cất?”.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Ngôi chùa Jetavana do ông phú hộ Anāthapiṇḍika cho người xây cất. Ngôi chùa Pubbārama do bà Vīsākhā cho người xây cất…”, thì các hàng đệ tử lắng nghe sẽ dễ hiểu không nghi ngờ thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

4-    Để biết rõ người phạm nghiệp ác vô gián (anantariyadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này phạm phải nghiệp ác vô gián: Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết ai, nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào đã phạm nghiệp ác vô gián như vậy?”. 

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Vua Ajātasattu giết Phụ vương tên là Bimbisāra. Tỳ khưu Devadatta làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ Tỳ khưu Tăng…”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, biết được người phạm nghiệp ác vô gián, không nghi ngờ thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

5-    Để làm đề mục niệm rải tứ vô lượng tâm (brahmavihāradīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Hành giả nên niệm rải tâm từ đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp. Nên niệm rải tâm bi…, niệm rải tâm hỷ…, niệm rải tâm xả đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp”, là những đối tượng không rõ ràng. Hành giả không thể làm đề mục để thực hành thiền định niệm rải tâm từ…, niệm rải tâm bi…, niệm rải tâm hỷ…, niệm rải tâm xả… được. Như vậy, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả không thể phát sinh, các bậc thiền cũng không thể phát triển được.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng:

–    “Hành giả nên thực hành niệm rải tâm từ đến đối tượng hạng chúng sinh đáng yêu, đáng mến”.

–    “Hành giả nên thực hành niệm rải tâm bi đến đối tượng hạng chúng sinh đang ở trong cảnh khổ, mong cho họ được thoát khổ”.

–    “Hành giả nên thực hành niệm rải tâm hỷ đến đối tượng hạng chúng sinh đang hưởng sự an lạc hạnh phúc, mong cho sự an lạc hạnh phúc được lâu dài.

–    “Hành giả nên thực hành niệm rải tâm xả đến đối tượng hạng chúng sinh có nghiệp là của riêng họ, họ thọ hưởng quả an lạc do thiện nghiệp, họ thọ quả khổ do ác nghiệp của họ đã tạo”.

Như vậy, hành giả sẽ hiểu rõ từng mỗi đối tượng niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi, niệm rải tâm hỷ, niệm rải tâm xả một cách rõ ràng, nên sự thực hành thiền định có thể chứng đắc các bậc thiền được.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người, chúng sinh làm nền tảng.

6-    Để ứng dụng vào trí tuệ “Túc Mạng Minh” (pubbenivāsadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: “Tiền kiếp của Như Lai sinh làm ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp như thế ấy, như thế ấy… đã tạo ba-la-mật như thế ấy…”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu biết được, nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào tiền kiếp của Đức Phật đã tạo ba-la-mật như vậy…?”.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Trong tiền kiếp, Như Lai sinh làm Hoàng thái tử Vessantara, Mẫu hậu là Phussatā, Phụ vương là Đức vua Sañjeyya trị vì ở kinh thành Jetuttara, khi Đức Bồ Tát Vessantara trưởng thành, Phụ vương đã truyền ngôi báu, lên làm Vua, và kết hôn cùng Hoàng hậu Maddī, hạ sinh được Hoàng tử Jāli và Công chúa Kaṇhā. Đức vua Bồ Tát hoan hỷ trong pháp hành bố thí ba-la-mật, nên đã bố thí voi quý của triều đình, bố thí của cải, thậm chí bố thí cả Hoàng tử Jāli, Công chúa Kaṇhā, và Hoàng hậu Maddī…. Hay tiền kiếp của Như Lai đã từng sinh làm Đức vua…, voi chúa, khỉ chúa… đã tạo ba-la-mật như thế ấy”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không còn nghi ngờ, thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng chúng sinh, con người làm nền tảng.

7- Để phân biệt được Bậc có giới đức trong sạch xứng đáng thọ lãnh vật dụng cúng dường (dakkhiṇāvisuddhidīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng dạy rằng: “Nên bố thí cúng dường đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp có giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu cao quý”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có giới đức trong sạch để mình bố thí, rồi được nhiều phước thiện, nhiều quả báu cao quý?”.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: “Nên làm phước bố thí cúng dường đến chư Thánh Tăng, là bậc giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, sẽ có nhiều quả báu cao quý suốt vô lượng kiếp”, thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người chúng sinh làm nền tảng.

8-    Để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở trong đời không bị mai một (lokasammutti appahānattha)

Đức Phật thuyết pháp giảng dạy với mục đích tế độ chúng sinh để giải thoát cảnh khổ. Điều quan trọng đầu tiên, chúng sinh nghe hiểu rõ được giáo pháp của Ngài. Cho nên, Đức Phật vẫn phải dùng đến những danh từ ngôn ngữ chế định, mà người đời thường dùng để thông tin truyền đạt ý nghĩ, tư tưởng với nhau để thuyết giảng chánh pháp. 

Như vậy, chúng sinh sẽ hiểu rõ được chánh pháp rồi thực hành thiền tuệ, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Phật dùng ngôn ngữ chế định, cốt để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở đời không bị mai một.

Đó là 8 điều lợi ích của sự thật theo ngôn ngữ chế định.

Lợi Ích Của Sự Thật Theo Chân Nghĩa Pháp

Hành giả thực hành thiền tuệ, điều quan trọng đầu tiên cần phải học hỏi hiểu biết rành rẽ thông thạo về Chân nghĩa pháp, có 4 pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, được phân chia thành những pháp như: Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,… tóm tắt còn 2 pháp là:

–    Sắc pháp (rūpadhamma) thuộc pháp hữu vi.

–    Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp hữu vi, đó là tâm tâm sở.

–    Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp vô vi, đó là Niết Bàn.

Niết Bàn thuộc danh pháp đặc biệt, chỉ làm đối tượng của tâm Siêu tam giới, đó là 4 Tâm Thánh Đạo và 4 Tâm Thánh Quả mà thôi.

Sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca) không thể thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do học hỏi (sutāmayapaññā), hoặc trí tuệ do tư duy (cintāmayapaññā), mà chỉ thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do thực hành thiền tuệ (bhāvanāmayapaññā) mà thôi.

*     Kết quả của sự thật theo ngôn ngữ chế định

Trong đời này, có số người chỉ biết sự thật theo ngôn ngữ chế định, mà không hiểu biết sự thật theo Chân nghĩa pháp, nên không hiểu rõ danh pháp, sắc pháp pháp vô ngã. Số người ấy, thường phát sinh tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), cho là ta, của ta, người, của người, chúng sinh, vật này, vật kia,… dễ phát sinh mọi phiền não, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

*     Kết quả của sự thật theo Chân nghĩa pháp

Trong đời này, bậc Thánh Nhân đã thấy rõ, biết rõ sự thật theo Chân nghĩa pháp pháp vô ngã, có thiền tuệ chánh kiến, Thánh Đạo chánh kiến, Thánh Quả chánh kiến, đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp thủ ngũ uẩn (sakkāyadiṭṭhi) rồi, nên không còn chấp ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia,…

Trong cuộc sống hằng ngày, bậc Thánh Nhân vẫn biết rõ sự thật theo ngôn ngữ chế định dùng để giao tiếp với mọi người: Như thuyết pháp, nói đạo, thông tin, truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng đặc biệt bậc Thánh Nhân hoàn toàn không chấp ngã. Cho nên, phiền não không phát sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Đó là điều lợi ích của sự thật Chân nghĩa pháp. 

1 Dī. Mahāvagga, kinh Mahāsudassanasutta.

[1] Vivaṭṭathāyī saṅkhyeyyakappa: A-tăng-kỳ kiếp trụ của trái đất.

[2] Đại kiếp (mahākappa): Trải qua 4 a-tăng-kỳ thành, trụ, hoại, không của kiếp trái đất.

1 Saṁ. Mahāvagga, kinh Chiggaḷasutta.

2 Cái ách là một dụng cụ đeo trên cổ, như ách đeo cổ con bò. Ở đây nên hiểu rằng một tấm gỗ có lỗ nhỏ vừa cái đầu con rùa chui vào. Chiggaḷayuga = chiggaḷa + yuga (chiggaḷa = cái lỗ, yuga = cái ách mang vào cổ), chiggaḷayuga = cái ách có lỗ nhỏ mang vào cổ.

1 Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipāta

1 Saṃ. Mahāvagga, Saccasamyutta, kinh Aññasutta.

1 Dī. Mahāvagga. Kinh Mahāparinibbānasutta.

1 Dī. Mahāvagga, Mahāparinibbānasutta, đoạn Ariyasaccakathā.

2 Trầm luân: Chìm đắm trong cảnh khổ.

1 Saṃyuttanikāya, Mahāvagga, Kinh Dhammacakkappavattanasutta.

1 Bộ Visuddhimagga, phần Pariññādikiccakathā.

1 Bộ Saṃyuttanikāya. Mahāvagga, kinh Gavampatisutta.

1 Bộ Saṃyuttanikāya, Sagathavagga, kinh Vajirāsutta.

1 Bộ Dhammapadagāthā.

1 5 pháp chủ: Tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ.

2 Bộ Chú giải Saṃyuttanikāya, Mahāvagga, kinh Ekābhiññasutta.

1 Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Pahārādasutta.

1 Tâm vô nhân là tâm không có nhân nào trong 6 nhân (tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si) đồng sinh với tâm.

1 Trong mỗi tâm tịnh hảo gồm có đủ 4 uẩn: Tâm tịnh hảo ấy là thức uẩn, và một số tâm sở tịnh hảo đồng sinh với tâm tịnh hảo ấy, gồm có 3 uẩn: Tâm sở thọ là thọ uẩn, tâm sở tưởng là tưởng uẩn, các tâm sở còn lại là hành uẩn.

1 Xúc trần: Có 3 sắc đất, lửa, gió đã tính trong phần sắc tứ đại rồi, nên trong phần sắc phụ thuộc không tính vào 24 sắc pháp.

1 Tín pháp chủ: Đức tin làm chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ còn lại.

2 Định pháp chủ: Định làm chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ còn lại.

3 Tuệ pháp chủ: Tuệ làm chủ có năng lực hơn 4 pháp chủ còn lại.

1 Vinayapiṭaka, bộ Parivāra, phần Samuṭṭhānasīsasaṅkhepa.

1 Bộ Majjhimanikāya, Mūlapannāsa, Ananganasuttavanna.

-ooOoo-

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app