Nội Dung Chính
- CHUYỆN VỀ ĐỨC VUA PUKKUSĀTI
- Quà tặng của vua Pukkusāti
- Quà tặng của vua Bimbisāra
- Vua Pukkusāti nhận quà
- Vua Pukkusāti chứng thiền và tự xuất gia
- Samôn Pukkusāti đi tìm Đức Thế Tôn
- Đức Thế Tôn đến gặp Ngài Pukkusāti
- Ngài Pukkusāti xin xuất gia
- Đức vua Bimbisāra đến đảnh lễ Đức Thế Tôn
- Ngài Pukkusāti mệnh chung tái sinh về Phạm thiên giới
CHUYỆN VỀ ĐỨC VUA PUKKUSĀTI
Vua Bimbisāra và vua Pukkusāti là bạn với nhau nhưng chưa hề biết mặt nhau, hai vị vua kết bạn với nhau thông qua đoàn thương buôn.
Có đoàn thương buôn đi từ kinh thành Takkasilā của xứ Gandhāra đến thành Rājagaha (Vương xá). Người trưởng đoàn thương buôn đi vào đảnh lễ vua Bimbisāra mang những lễ vật dâng lên vua Bimbisāra. Qua những lời thăm hỏi thân hữu với người trưởng đoàn thương buôn, vua Bimbisāra biết được Pukkusāti là vị vua hiền thiện đang trị vì xứ Gandhāra có kinh thành là Takkasilā lại cùng tuổi với vua Bimbisāra.
Vốn là người thích giao du rộng, vua Bimbisāra sau khi miễn thuế, ban tặng lễ vật đến người trưởng đoàn thương buôn, vua Bimbisāra gửi lá thư kết bạn cùng những tặng phẩm đến vua Pukkusāti qua người trưởng đoàn thương buôn. Khi về đến kinh thành Takkasilā, người trưởng đoàn vào yết kiến vua Pukkusāti, trao đến Đức vua lá thư cùng lễ vật của vua Bimbisāra.
Vua Pukkusāti rất hân hoan ban thưởng cho người trưởng đoàn, nhờ người trưởng đoàn mang thư hồi âm kết bạn cùng với những lễ vật đến vua Bimbisāra. Từ đó hai vua giao hảo thân tình với nhau.
Quà tặng của vua Pukkusāti
Vua Pukkusāti phát sinh tám tấm vải lụa quý có 5 màu, là loại vải lụa quý hiếm có một không hai trên đời, khi vo tròn lại chỉ bằng nắm tay nhưng khi bung ra thì dài 16 hắc tay (# 8m) và rộng 8 hắc tay (# 4m), vua Pukkusāti suy nghĩ: “Ta hãy tặng tám vuông lụa quý hiếm có trên đời này đến bạn ta là vua Bimbisāra”.
Vua Pukkusāti cho lấy gỗ Quỳnh hương (loại gỗ trầm hương quý nhất), tiện thành 8 họp tròn như quả bóng lớn, đặt tám vuông lụa quý hiếm ấy vào bên trong hộp nhỏ cũng bằng gỗ Quỳnh hương, chiếc hộp gỗ nhỏ đặt vào bên trong quả bóng gỗ Quỳnh hương. Bên ngoài quả bóng gỗ Quỳnh hương được bảo vệ bởi 7 lớp lụa trắng mịn, rồi được đặt vào một chiếc rương bằng gỗ trầm hương khác, niêm phong lại, gửi tặng vua Bimbisāra cùng với bức thư: “Ta muốn bạn mở quà tặng của ta trước các Đại thần và thần dân nơi kinh thành Rājagaha”. Vua Pukkusāti cử một đoàn đại thần hộ tống quà tặng đi đến thành Rājagaha dâng lên Đức vua Bimbisāra. Nhận được thư cùng quà tặng, vua Bimbisāra cho đánh trống truyền rao khắp kinh thành Rājagaha xem tặng vật của vua Pukkusāti xứ Gandhāra.
Vua Bimbisāra ngồi giữa sân trước Hoàng cung, che bên trên là chiếc lọng trắng 9 tầng, cho mở một chiếc rương, tháo 7 lớp lụa trắng ra, nhìn thấy quả bóng bằng gỗ Quỳnh hương, cầm quả bóng trên tay, vua Bimbisāra biết bên trong chứa đựng một vật gì đó, vua lại mở tiếp thấy một hộp nhỏ hình vuông khoảng nắm tay, mở nắp hộp lấy ra một vuông lụa quý dài 18 hắc tay, rộng 8 hắc với màu sắc rực rỡ thanh kỳ, mùi hương từ tấm lụa bốc ra thơm ngát cả một vùng. Lần lượt Đức vua Bimbisāra mở tất cả hòm rương, phơi bày trước đại chúng tám tấm lụa quý và mùi hương từ 8 tấm lụa toả ra lan rộng khắp hoàng cung. Đại chúng vỗ tay tán thán rằng: “Đức vua của chúng ta và Đức vua Pukkusāti chưa từng nhìn thấy nhau, nhưng vua Pukkusāti vẫn gửi cho Đức vua chúng ta quà tặng vô giá. Kết bạn với một vị vua như vậy thật cao quý vô cùng”. Đức vua Bimbisāra nhận thấy không thể định giá được một tấm lụa là bao nhiêu đây giá trị, vua cúng dường đến Đức Thế Tôn bốn tấm, giữ lại cho hoàng gia bốn tấm.
Quà tặng của vua Bimbisāra
Vua Bimbisāra suy nghĩ: “Bạn của ta tặng ta món quà vô giá, ta muốn tặng lại bạn ta món quà có giá trị gấp bội. Nhưng ta phải chọn món quà nào bây giờ?”
Vì sao vua Bimbisāra cân nhắc lựa chọn quà tặng? Phải chăng trên thế gian không có vật tương xứng với giá trị 8 tấm lụa ấy chăng? Vẫn có những loại vật chất khác tương xứng với giá trị bốn tấm lụa quý ấy như bảo châu của Dạxoa Puṇṇaka dùng để đánh cuộc với vua Koravya, hoặc những thần mã … Bimbisāra là vua của một đại quốc thịnh vượng trong thời bấy giờ. Trong quốc độ của Đức vua Bimbisāra có đến 5 vị trưởng giả giàu có nhất trong cõi Ấn thời ấy, trong đó có trưởng giả Jotika là vị đệ nhất có bốn hầm châu báu. Lại nữa, vua Bimbisāra có vị Tế lễ sư đại tài, có thể sai khiến được dạ xoa nơi thành Rājagaha, việc tìm ra một quà tặng có giá trị tương đương hay có giá trị gấp bội đối với vua Bimbisāra không phải là việc khó khăn. Nhưng từ khi vua Bimbisāra chứng Thánh quả Dự Lưu, bất kỳ bảo vật nào trong thế gian cũng không làm cho vua Bimbisāra thích thú ngoại trừ ân đức Tam Bảo.
Vì vậy, khi lựa chọn quà tặng đến vua Pukkusāti, vua Bimbisāra suy nghĩ như sau:
– Bảo vật (Ratana) trong thế gian có hai loại: Loại hữu thức (Saviññāṇaka) và loại vô thức (Aviññāṇaka). Loại vô thức như vàng ngọc, châu báu … chỉ là vật trang điểm cho loại hữu thức, do vậy, loại châu báu hữu thức cao quý hơn loại châu báu vô thức.
– Bảo vật hữu thức có hai loại: Người và súc vật. Súc vật như voi báu, ngựa báu hay bất kỳ là loài nào cũng chỉ để phục vụ cho con người, do vậy người là bảo vật cao quý hơn.
– Bảo vật là người có hai loại: Người nam và người nữ.
Người nữ dù là nữ báu của vua Chuyển luân, cũng chỉ để phục vụ cho người nam, do vậy bảo vật là người nam cao quý hơn.
– Bảo vật là người nam có hai loại: Người nam tại gia và người nam xuất gia. Người nam tại gia dù là vua Chuyển luân cũng phải đảnh lễ vị Samôn có giới đức, do vậy, bảo vật là người nam xuất gia cao quý hơn.
– Bảo vật là người nam xuất gia có hai loại: Bậc Thánh hữu học (Sekkha) và bậc Thánh Vô học (Asekkha). cả trăm, ngàn hay trăn ngàn vị Thánh Hữu học cũng không bằng 1 vị Thánh Vô học, do vậy bậc Thánh Vô học cao quý hơn.
– Bậc Thánh Vô học có hai bậc: Bậc Thánh Vô học đệ tử và bậc Thánh Vô học tự giác ngộ. Dù cả trăm ngàn vị Thánh Vô học đệ tử cũng không sánh bằng vị Thánh Vô học tự giác ngộ.
– Bậc Thánh tự giác ngộ có hai: Bậc Thánh tự giác ngộ nhưng không thể dạy chúng sinh khác cùng giác ngộ như mình (Đức Phật Độc Giác); Bậc Thánh Vô học tự giác ngộ nhưng dạy chúng sinh khác cùng giác ngộ như mình (Đức Phật Toàn Giác). Dù cho cả trăm ngàn vị Phật Độc Giác cũng không sánh bằng một vị Phật Toàn giác (Sabbaññū). Thật vậy, trong thế gian hữu tình này dù là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên, Samôn, Bàlamôn, giới, chư thiên và loài người, không có bảo vật nào sánh bằng Đức Thế Tôn. (Chữ Thiên giới ở trên chỉ cho thế giới bậc Thánh, tức là thanh tịnh chư thiên (visuddhideva), còn chữ chư thiên ở dưới là chỉ cho Chư thiên chư thiên (devadeva) hay Giả định chư thiên (sammatideva) như vua, quan …).
Sau khi suy nghĩ, cân nhắc như thế, vua Bimbisāra hỏi đoàn đại thần xứ Gandhāra rằng:
– Này các đại quan, nơi quốc độ của các ngươi có thấy được Tam Bảo (Tiratana) chưa?.
– Thưa Đại vương, ngay cả việc nghe đến Tam Bảo còn chưa có, thì nói gì đến thấy được Tam Bảo.
Nghe các Đại thần xứ Gandhāra nói như thế, vua Bimbisāra vô cùng hân hoan, vì biết rằng: “Ta có cơ hội gửi đến kinh thành Takkasilā bảo vật tối thượng trong thế gian mà kinh thành Takkasiāa chưa có, đó là Tam Bảo”.
Vua Bimbisāra suy nghĩ rằng: “Ta có nên thỉnh Đức Thế Tôn ngự đến kinh thành Takkasilā để tế độ chúng sinh nơi ấy chăng? Không được, vì theo thông lệ của Chư Phật Chánh giác, Ngài không trú qua đêm nơi vùng ngoại biên. Còn các vị Thánh đệ tử như Ngài Sāriputta, Moggallāna … thì như thế nào? Cũng rất bất tiện, vì đường rất xa lại không thích hợp với thể chất các Ngài … Vậy ta nên báo tin lành này đến kinh thành Takkasilā và đó là sự phục vụ Tam Bảo với tâm tín thành của ta vậy”.
Vua Bimbisāra nói với các Đại thần xứ Gandhāra rằng:
– Này các Đại thần, ta có một lễ vật vô giá gửi đến bạn ta là vua Pukkusāti. Vậy các vị hãy trú ngụ ở kinh thành Rājagaha chờ đợi ta vậy.
– Vâng, thưa Đại vương.
Vua Bimbisāra cho những người thợ kim hoàn nhanh chóng lấy vàng cán mỏng làm giấy, tấm vàng dài 4 hắc tay (# 2 m), rộng nửa hắc tay (# 0, 25 cm) không quá dày cũng không quá mỏng, mềm mại có thể cuốn tròn lại.
Vào ngày Bố tát, buổi sáng sớm vua Bimbisāra tắm rửa thân bằng 16 ảng nước thơm, gội đầu với 16 chậu nước thơm tinh khiết. Sau khi dùng sáng xong, Đức vua nguyện thọ trì Bát giới, đi vào biệt điện lên tầng 7 của biệt điện, cho đóng tất cả những cửa lớn nhỏ ở 6 tầng lầu bên dưới không cho bất kỳ ai đi vào biệt điện, trên tầng lầu 7 vua Bimbisāra đến thư phòng, mở tất cả mọi cửa sổ có hình sư tử ở hướng Đông để lấy ánh sáng, vua không trang điểm bất cứ loại trang sức nào, cũng không thoa xức bất cứ một nước thơm nào. Những chiếc ly ngọc bên trong đựng loại mực quý màu đỏ (giống như màu tươi thắm của chu sa) đã được chuẩn bị sẵn. Đức vua Bimbisāra ngồi vào bàn dành riêng cho mình, tưởng niệm đến ân đức Tam Bảo xong rồi, tâm hướng về ân đức Phật, viết lên tấm bảng vàng:
Trên thế gian này đã xuất hiện ân đức Phật, Ngài có 9 hồng danh cao quý là: Bậc Arahán (Arahaṃ), Chánh Đẳng giác (Sammāsambuddha), Minh hạnh túc (Vijjācaranasampanna), Thiện thệ (Sugata), Thế gian giải (Lokavidū), Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu (Anuttara- purisadamasāratthi), Thiên nhân sư (Satthā Devamanussānaṃ), Phật (Buddha), Đức Thế Tôn (Bhagavā).
Vua Bimbisāra minh giải những hồng ân ấy, tiếp theo vua Bimbisāra mô tả Đức Bồ Tát từ cung trời Tusita giáng sinh vào lòng mẹ có những hiện tượng kỳ diệu như thế nào, mô tả 32 đại nhân tướng của Đức Thế Tôn, nói về sự khổ hạnh của Bồ Tát nơi rừng Uruvelā, Ngài chứng Vô thượng Chánh giác nơi cội Bồ Đề trên Bảo toạ bất khả bại (Aparājita) ra sao…
Hướng về ân đức Phật, vua Bimbisāra viết: “Trong thế giới chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, Sa môn, Bàlamôn chư thiên vào loài người, Đức Thế Tôn là bậc tối thượng”.
Vua Bimbisāra kết luận Phật bảo là báu vật quý nhất trên thế gian qua kệ ngôn:
Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā, saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ;
Na no samaṃ atthi tathāgatena; Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ;
Etena saccena suvatthi hotu.
(Những tài sản trên đời – chốn này hay nơi khác, cả châu báu cõi trời
Không gì sánh bằng được với Như Lai Thiện Thệ. Do vậy chính Đức Phật
Là châu báu thù diệu. Mong với chân ngôn này, tựu thành muôn hạnh phúc)
Tiếp theo Đức vua Bimbisāra hướng về ân đức Pháp, Ngài tán thán ân Đức Pháp qua sáu đặc tính pháp của Đức Thế Tôn là:
Pháp được khéo thuyết (Svākhāta), có kết quả ngay trong hiện tại (Saṅdiṭṭhika), vượt thời gian (Akālika), đến để thấy (Ehipassika), có tính hướng thượng (Opanayika), được người trí để tâm suy xét (Paccatamveditabbo viññūhi).
Đức vua cũng đề cập đến những pháp dẫn đến Giác ngộ như: Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), Tứ Chánh cần (Sammppadhāna), Tứ Như Ý Túc (Iddhipāda) năm Quyền (Indriya), năm Lực (Bala), Thất Giác Chi (Bojjhaṅga) và Bát Chánh Đạo (Atthamaggaṅga). Đức vua kết luận ân đức Pháp là châu báo quý nhất trên thế gian qua kệ ngôn:
Yaṃ Buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ, samādhimānantarikaññamāhu; Samādhinā tena samo na vijjati; Idampi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ; etena saccena suvatthi hotu.
(Đức Phật hằng ngợi khen con đường thanh lọc tâm, là tu tập thiền định; Chứng hiện các lạc trú. Do vậy chính Chánh Pháp – là châu báu thù diệu. Mong với chân ngôn này, tựu thành muôn hạnh phúc)
Hướng về ân đức Tăng, vua Bimbisāra nêu lên 9 ân đức Tăng:
Tăng là đệ tử của Đức Phật, các Ngài là bậc thiện hạnh (Suppaṭipanna).
Tăng là đệ tử của Đức Phật, các ngài là bậc trực hạnh (Ujupaṭipanna).
Tăng là đệ tử của Đức Phật, các Ngài là bậc chánh hạnh (Ñāyapaṭipanna).
Tăng là đệ tử của Đức Phật các Ngài là bậc thực hành đúng (Sāmīcipaṭipanna).
Đó là Bốn đôi Tám chúng.
Các Ngài là bậc đáng nhận lãnh các vật thí từ xa mang đến (Āhuneyya).
Các Ngài là bậc đáng nhận lãnh vật thí dành cho người đáng kính (Pāhuneyya).
Các Ngài là bậc đáng cúng dường (Dakkhineyya).
Các Ngài là bậc đáng chắp tay đảnh lễ (Añjalikaraṇīya).
Các Ngài là ruộng phước tối thượng trong thế gian (Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa).
Đức vua Bimbisāra còn mô tả những cư sĩ hiền thiện của Đức Thế Tôn, sau khi mệnh chung tái sinh về nhàn cảnh. Một số cư sĩ có trí sau khi nghe pháp của Đức Thế Tôn đã từ bỏ địa vị vua, vương tử, quan đại thần, Bàlamôn trưởng lão, trưởng giả … xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn, trở thành những vị Tỳ khưu đáng kính trọng. Sau khi trở thành Tỳ khưu, các Ngài sống theo con đường Giới – Định – Tuệ.
Về Giới: Vua Bimbisāra mô tả Đại giới (Mahāsīla), trung giới (Majjhimasīla), tiểu giới (Cūḷasīla) theo kinh Phạm võng Brahmajāla, hạnh tri túc, thiểu dục …. của các Bậc Sa môn, đệ tử của Đức Thế Tôn.
Về Định: Vua Bimbisāra mô tả 16 cách hành trì về niệm hơi thở vào ra (Ānāpānasati), cách thức vượt qua 5 chướng ngại (Nīvāraṇa), cùng với những đề mục Kasina để thành tựu và phát triển các loại thần thông, rồi dẫn đến thành tựu Thánh quả Arahán.
Về Tuệ: Vua Bimbisāra mô tả những cách quán hơi thở, thể trược … rồi đến niệm tỉnh giác (Satisampajaññā).
Vua Bimbisaara tán thán ân đức Tăng qua kệ ngôn:
Ye puggalā aṭṭha sataṃ pasatthā, cattāri etāni yugāni honti;
Te dakkhiṇeyyā sugatassa sāvakā, etesu dinnāni mahapphalāni;
Idampi saṃghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.
(Thánh tám vị bốn đôi, là những bậc ứng cúng. Đệ tử Đấng Thiện Thệ
Được trí giả tán thán, cúng dường đến các Ngài, hưởng vô lượng công đức.
Do vậy chính Tăng chúng – là châu báu thù diệu. Mong với chân ngôn này,
tựu thành muôn hạnh phúc)
Vua Bimbisāra viết thêm rằng: “Này bạn Pukkusāti, nếu có thể bạn hãy trở thành vị Tỳkhưu, ta mong bạn được như vậy”. Vua Bimbisāra cuốn tròn tấm giấy bằng vàng lại, bọc bên ngoài là những tấm lụa quý, đặt cuộn giấy vàng vào hộp gỗ Quỳnh hương, hộp gỗ Quỳnh hương được đặt trong hộp vàng, hộp vàng được đặt trong hộp bạc, hộp bạc được đặt trong hộp ruby, hộp ruby được đặt trong hộp san hô, hộp san hô được đặt trong hộp ngọc granat đỏ, hộp ngọc granat đỏ được đặt trong hộp pha lê, hộp phalê được đặt trong hộp ngà voi, hộp ngà voi được đặt trong hộp gỗ trầm hương.
Trên mặt gỗ trầm hương là dấu ấn niêm phong của Hoàng gia. Vua Bimbisāra đặt chiếc rương có tấm vàng trên con vương tượng quý nhất của hoàng gia, vương tượng được trang điểm lộng lẫy đi dưới chiếc lọng trắng 9 tầng, một đoàn đại thần hộ tống chiếc rương đi đến kinh thành Takkasilā. Con đường từ kinh thành Rājagaha được tân trang mở rộng và làm bằng phẳng được mở rộng đến 8 usabha, hai lộ bên mỗi lộ là 2 usabha, lộ giữa là 4 usabha, trang hoàng cờ phướn xinh đẹp, trải trên đường đi là những lớp hoa tươi. Tự thân vua Bimbisāra ngồi trên con vương tượng khác, theo sau hộ tống con vương tượng mang chiếc rương có tấm giấy bằng vàng, đức vua Bimbisāra đưa lễ vật đến tận biên giới, rồi mới trở lại Hoàng cung.
Vua Pukkusāti nhận quà
Được tin vua Bimbisāra tân trang lại con đường, tự thân hộ tống món quà quý trao tặng đến mình, vua Pukkusāti cũng cho tân trang lại con đường từ biên giới đến kinh thành Takkasilā tương tự như con đường từ kinh thành Rājagaha đến biên giới. Món quà của vua Bimbisāra đến Hoàng cung của vua Pukkusāti vào ngày Uposatha, vua Pukkusāti đã chuẩn bị những đều cần thiết để tiếp đón món quà của vua Bimbisāra. Tự thân vua Pukkusāti mang hòm rương chứa quà tặng của vua Bimbisāra lên lầu 7 khu biệt điện của mình. Cho canh gác bên dưới không cho bất kỳ ai được lên lầu thượng. Vua Pukkusāti cho mở các cửa sổ có hình sư tử ra, đặt hòm chứa quà tặng trên cao, tự thân vua ngồi thấp hơn mở dấu ấn niêm phong. Vua Pukkusāti tháo gỡ từng lớp một cách nhẹ nhàng và cẩn trọng.
Nhìn thấy cách bố trí bao bọc món quà tặng, vua Pukkusāti kết luận: “Cách gói quà này rất trang trọng, khác với cách gói quà là những báu vật thường thấy. Chắc chắc đây là Bảo vật cao quý nhất của Vùng Giữa (Majjhimajanapada), như vậy rất xứng đáng với sự chú ý của Ta”.
Vua Pukkusāti trải tấm giấy bằng vàng ra trên bàn thư phòng của mình, ấn tượng đầu tiên của Đức vua là nét chữ rất đẹp và sắc sảo của người viết. Những nét chữ tựa như đang nhảy múa trước mắt vua Pukkusāti, tựa như những cánh bướm màu đỏ đang chập chờn trên những cánh hoa xinh đẹp.
Đức vua Pukkusāti chậm rải đọc từng từ, ngay cả câu đầu: “Đức Thế Tôn đã xuất hiện trên thế gian”, phỉ lạc phát sinh đến vua Pukkusāti, khiến Ngài ngất lịm từng hồi khi đọc những dòng chữ mô tả ân đức Phật.
Vua Pukkusāti cảm tri ân người bạn Bimbisāra của mình vô hạn, nhờ người bạn cao quý này mà ta có cơ hôi biết đến ân đức Phật. Buddha Ratana là châu báu quý nhất khó được gặp cho dù trải qua hằng triệu kiếp trái đất (kappa). Không thể giữ tâm an tịnh để đọc tiếp, vua Pukkusāti phải ngồi yên lặng tưởng niệm đến ân đức Phật cho đến khi thân tâm hài hoà với phỉ lạc phát sinh lên.
Đức vua Pukkusāti đọc tiếp đến ân đức Pháp bắt đầu bằng Svākhāto phỉ lạc lại phát sinh lên khiến Đức vua phải ngất lịm nhiều lần như khi đọc ân đức Phật. Như lần trước Đức vua phải lặng tâm niệm về ân đức Pháp cho đến khi thân tâm hài hoà cùng phỉ lạc.
Tương tự như hai lần trước, khi đức vua đọc, khi bắt đầu bằng: Suppaṭipanno Đức vua lại phát sinh phỉ lạc và ngất lịm đi nhiều lần. Khi thân tâm hài hoà cùng phỉ lạc với ân đức Tăng, vua Pukkusāti đọc những dòng chữ của vua Bimbisāra hướng dẫn về thiền.
Vua Pukkusāti chứng thiền và tự xuất gia
Vua Pukkusāti theo cách hướng dẫn thiền tịnh mà vua Bimbisāra mô tả, Ngài thực hành theo, chứng đạt ngay Sơ định Sắc giới, lần lượt Ngài chứng đạt đến Tứ thiền Sắc giới. Hân hoan với thành quả mình đạt được, Đức vua Pukkusāti quyết định an hưởng thiền lạc. Ngài tuyên bố ở một mình trong biệt điện, không một ai được gặp ngoại trừ người hầu mang vật thực đến cho vua hằng ngày. Mười lăm ngày trôi qua, các quan đại thần và cư dân thành Takkasilā kinh sợ rằng: “Đã nửa tháng nay Đại vương bỏ phế việc triều chính, không còn quan tâm đến quốc độ. Từ ngày nhận được món quà của vua Bimbisāra, Đức vua không còn thích thú lễ hội, không còn chăm sóc quân đội, không đưa ra một quyết định nào đối với quốc độ. Các vị vua ở Vùng Giữa (Majjhimajanapada) thường mong thôn tính những quốc độ vùng ngoại biên, từ khi nhận món qà của vua Bimbisāra Đức vua của chúng ta thay đổi hẵn”. Các đại thần cùng cư dân thành Takkasilā kéo nhau đến trước Hoàng cung, đứng bên dưới biệt điện, kêu khóc inh ỏi, đòi Đức vua Pukkusāti ra khỏi biệt điện để sinh hoạt triều chính, bao giờ thấy được vua Pukkusāti họ mới chịu giải tán.
Nghe tiếng khóc than inh ỏi, vua Pukkusāti suy nghĩ: “Ta nên làm vị vua của quốc độ, hay làm theo lời dạy của Đức Thế Tôn, xuất gia thực hành pháp của Đức Thế Tôn?”.
Vua Pukkusāti suy nghĩ: “Không có nhà toán học nào có thể tính được số lượng kiếp mà ta đã làm vua trong vòng luân hồi, nhưng số lượng mà ta xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn rất hiếm hoi, tựa như đất trong móng tay so với đất của quả địa cầu. Vậy ta hãy xuất gia làm vị Samôn, sống trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn”.
Suy nghĩ xong rồi, vua Pukkusāti quyết định xuất gia, Ngài dùng gươm cắt râu tóc ném xuống đại chúng đang vây quanh biệt điện, nói rằng: “Hãy cầm lấy tóc của ta, xem như ta đang hiện diện giữa các ngươi”
Tóc râu của Ngài chỉ còn dài hai đốt tay, giống như tóc râu của Bồ Tát Siddhattha xuất gia khi trước.
Vua Pukkusāti sai người hầu tìm cho Ngài chiếc y vàng (nhưng lại không tìm chiếc bát), vua Pukkusāti cởi bỏ vương phục đấp vào người bộ y vàng của vị Samôn, sau khi phát nguyện ba lần: “Con nguyện xuất gia Tỳ khưu với Đức Thế Tôn là bậc tôn kính tối thượng trong thế gian này”, rồi vị ấy đi ra bên ngoài thư phòng vài lần xem mình có giống vị Samôn không? Vua Pukkusāti rất hài lòng thấy mình giống vị Samôn, nên mở cửa bước xuống bên dưới, rồi mở cửa biệt điện ở tầng cuối cùng bước ra khỏi biệt điện. Các cung nhân cùng đại chúng nhìn thấy vị Samôn bước ra từ biệt điện, không nhận ra đó là Đức vua Pukkusāti, ngỡ là vị Độc Giác Phật đến giáo hoá Đức vua. Thấy cửa biệt điện mở ra, đại chúng liền lên lầu 7 của biệt điện tìm Đức vua, thấy vương phục cùng vương trượng bỏ trên giường, họ hiểu ra rằng: “Vị Samôn mà chúng ta thấy khi nảy chính là Đức vua”. Đại chúng liền kéo nhau đi tìm vua Pukkusāti, khi tìm thấy vị Samôn, đại chúng theo phía sau khóc than, van xin Đức vua hãy quay trở lại Hoàng cung, Chánh hậu, Thứ phi cùng các cung nhân kéo theo phía sau than khóc thảm thiết. Nhưng vị Samôn vẫn điềm tỉnh bước đi, tâm tưởng niệm đến ân đức Phật không gián đoạn, chân hướng về cửa Đông thành Takkasilā rảo bước.
Các vị Đại thần theo phía sau thưa với Ngài Pukkusāti rằng:
– Thưa Đại vương, các vị vua ở Vùng Giữa rất xảo quyệt, Đại vương hãy xuất gia sau khi khi cho người đi khảo sát thực hư như thế nào? Và khi biết rõ Buddharatana (Phật bảo), Dhammaratana (Pháp bảo), Saṅgharatana (Tăng bảo) đã hiện khởi, khi ấy Đại vương đi xuất gia cũng không muộn.
– Này các người, theo lời dạy của Đức Thế Tôn, sự chết sẽ đến với ta bất kỳ lúc nào. Ta không thể chờ đợi được, ta quyết định xuất gia sống đời sống không gia đình kể từ hôm nay. Lại nữa, vua Bimbisāra bạn của ta, vị ấy không nói những điều gì mơ hồ hay có lời dối trá. Các người hãy quay trở lại hoàng cunng, hãy chăm lo quốc độ, quốc độ này là của các người đấy.
Vị Samôn vẫn tiếp tục bước đi, đại chúng vẫn kiên trì đi theo phía sau. Ra khỏi kinh thành một khoảng khá xa, Samôn Pukkusāti suy nghĩ: “Ta hãy khiến đại chúng dừng lại nơi đây”.
.Samôn Pukkusāti dừng lại hỏi đại chúng rằng: “Quốc độ này của ai?”.
– Thưa Đại vương, quốc độ này của Đại vương.
Samôn Pukkusāti dùng gậy vạch một đường ranh dài ngăn chia mình và đại chúng, rồi nói:
– Nếu vậy, đây là ranh giới, ai huỷ bỏ dấu hiệu này sẽ bị quân đội Hoàng gia trừng phạt.
Trong Bổn sự Mahājanaka cũng có trường hợp tương tự, nhưng Chánh hậu Sīlavatī khôn ngoan phá vỡ đường ranh bằng cách giả vờ ngất xỉu, ngã mình lên đường ranh lăn lộn qua lại làm hủy dấu hiệu, rồi theo sau vua Mahājanaka. Đại chúng bước qua lằn ranh bị phá hủy để theo sau vua Mahājanaka.
Nhưng trong trường hợp vua Pukkusāti, Chánh hậu không đủ khôn ngoan làm như vậy và đại chúng không dám bước qua lằn ranh, chỉ đứng phía bên này khóc than thảm thiết.
Samôn Pukkusāti lặng lẽ bước đi, tâm tưởng niệm đến ân đức Phật không gián đoạn.
Samôn Pukkusāti đi tìm Đức Thế Tôn
Samôn Pukkusāti ra khỏi kinh thành Takkasilā một mình đơn độc, không có một tùy tùng. Đại chúng trèo lên những cành cây cao, trèo lên bờ thành nhìn theo bóng dáng vị Samôn với đôi mắt tràn đầy lệ nóng, tiếng khóc than không ngớt tuôn trào với niềm thương kính Đức vua vô hạn, nhưng biết làm sao bây giờ.
Đại chúng than thở cùng nhau rằng:
– Giờ đây, Đức vua phải tự mình chăm sóc lấy mình, ngay cả cây chà răng, nước rửa mặt cũng phải tự thân tìm lấy.
Samôn Pukkusāti suy nghĩ : “Thầy ta (là Đức Thế Tôn) khi xuất gia cũng chỉ một mình đơn lẻ, Ngài đi đôi chân trần trên dặm đường tìm đạo giải thoát, vậy ta cũng nên đi chân trần”. Samôn Pukkusāti lột bỏ đôi hài nơi chân ra, đi chân trần trên mặt đất gồ ghề đầy sỏi đá kèm theo sức nóng của ánh mặt trời. Da chân của Ngài vốn mỏng không lâu sau đã nổi phồng lên khiến Ngài vô cùng đau đớn và khổ sở, Ngài nhủ tâm rằng:
“Này Pukkusāti, thầy của ngươi ngày xưa khi ra đi xuất gia cũng khổ sở như ngươi vậy. Thầy ngươi còn khổ sở hơn ngươi gấp trăm ngàn lần khi Ngài thực hành khổ hạnh trọn 6 năm để tìm ra con đường dẫn đến thoát khổ. Nay ngươi chỉ có khổ đôi chút mà ngươi thối chí sao?”.
Sách tấn mình như thế rồi, Ngài Pukkusāti kiên trì lên đường, khi cơ thể không kham nhẫn với sự khổ đang sinh khởi, Ngài Pukkusāti rời con đường chính, đi đến một gốc cây cổ thụ, ngồi nơi gốc cây, Ngài an trú tâm vào thiền tịnh, nhập vào Tứ thiền qua đề mục hơi thở, xua tan sự mệt nhọc đau đớn của thân xác, tìm sự an lạc trong thiền chứng. Bấy giờ có đoàn thương buôn đang đi trên đường, Ngài Pukkusāti suy nghĩ: “Ta phải vượt một chặng đường dài để đi tìm Đức Thế Tôn, nhưng ta không biết con đường. Vậy ta hãy hỏi đoàn thương buôn này”.
Khi hỏi ra biết đoàn thương buôn đến thành Rājagaha để buôn bán, Ngài Pukkusāti quyết định: “Ta hãy bộ hành theo sau đoàn thương buôn này đến thành Rājagaha tìm Đức Thế Tôn”.
Và Ngài Pukkusāti sau theo đoàn thương buôn đi tìm Đức Thế Tôn, người trưởng đoàn không nhìn ra: “Đây là Đức vua Pukkusāti của chúng ta”, nhưng thấy vẽ thảm não vất vả của vị Samôn, vị ấy đồng ý cho vị Samôn ngồi trên chiếc xe chở hàng hóa của mình, nhưng Ngài Pukkusāti từ chối. Hôm sau, Ngài tự mình làm những việc vệ sinh, người trưởng đoàn cúng dường đến vị Samôn buổi ăn sáng.
Tương tự như buổi thọ thực đầu tiên trong đời sống Samôn của Bồ Tát Siddhattha, nhìn thấy và ngửi mùi loại vật thực thô kém, Samôn Pukkusāti đã muốn lợm giọng, nhưng cũng như Bồ Tát Siddhattha, Ngài đã dạy tâm rồi cố gắng dùng loại vật thực ấy, dần dần Ngài dùng loại vật thực thô kém với tâm hân hoan như dùng loại vật thực của chư thiên. Khi vượt qua chặng đường dài 192 do tuần, đoàn thương buôn đến kinh thành Sāvatthi, rồi đi ngang qua Jetavanavihāra, bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú ngụ nơi Jetavanavihāra, nhưng Ngài Pukkusāti không hỏi: “Đức Thế Tôn đang trú ngụ nơi nào?”.
Trong suốt cuộc hành trình từ kinh thành Takkasilā đến kinh thành Sāvatthi, Ngài Pukkusāti không hề hỏi: “Đức Thế Tôn hiện đang trú ngụ ở nơi nào”, thậm chí câu hỏi ấy cũng không hề hiện khởi trong tâm của vị ấy, Đó là vì sự tôn kính Đức Thế Tôn và niềm tin đặt vào vua Bimbisāra, trong suốt cuộc hành trình tâm của Ngài Pukkusāti luôn niệm tưởng đến ân đức Đức Thế Tôn với niềm tôn kính, vị ấy có cảm giác Đức Thế Tôn đang ngự kế cận bên vị ấy. Vua Bimbisāra thông tin ân đức Tam bảo đã xuất hiện trên thế gian, vì tin tưởng vua Bimbisāra nên Samôn Pukkusāti nghĩ: “Bạn ta đang trú ngụ ở kinh thành Rājagaha, như vậy Đức Thế Tôn đang trú ngụ nơi kinh thành Rājagaha”.
Do vậy, Ngài Pukkusāti theo đoàn thương buôn ra khỏi kinh thành Sāvatthi hướng đến kinh thành Rājagaha cách thành Sāvatthi 45 do tuần. Khi đến thành Rājagaha mặt trời đã lặn, Ngài Pukkusaati đi đến một tự viện hỏi thăm:
– Thưa các hiền giả, Đức Thế Tôn hiện đang trú ngụ nơi nào?
– Này hiền giả, hiền giả từ đâu đến đây?
– Thưa các hiền giả, tôi từ kinh thành Takkasilā đến đây.
– Hiền giả có đi qua kinh thành Sāvatthi không?
– Thưa các hiền giả, tôi có đi ngang qua kinh thành Sāvatthi.
– Này hiền giả, Đức Thế Tôn đang trú ngụ ở Jetavanavihāra, gần thành Sāvatthi đấy, hiền giả đã vượt qua quá xa rồi.
Ngài Pukkusāti suy nghĩ: “Bây giờ đã muộn rồi, ta hãy tạm ngụ qua đêm ở nơi này, mai sáng ta sẽ trở lại kinh thành Sāvatthi tìm Đức Thế Tôn”.
Ngài Pukkusāti hỏi:
– Thưa các hiền giả, thường các vị ẩn sĩ lỡ đường sẽ trú đêm ở nơi nào?
– Này hiền giả, ở lò gốm trong thành Rājagaha của Bhaggava.
Ngài Pukkusāti đi đến lò gốm theo lời chỉ dẫn, người chủ lò gốm đồng ý cho Ngài Pukkusāti tru ngụ nơi lò gốm, Ngài Pukkusāti quét dọn sạch sẽ một góc lò, trải lên trên nền lò gốm là tấm thảm cỏ làm chỗ ngụ qua đêm. Khi đến thành Rājagaha, Ngài Pukkusāti nghĩ sẽ đến viếng thăm vua Bimbisāra nhưng Ngài Pukkusāti suy nghĩ rằng: “Mục đích chính của ta là đi tìm Bậc Đạo sư, nếu như vua Bimbisāra nhận ra ta là bạn, vị ấy sẽ tiếp đãi ta nồng hậu, đồng thời sẽ lưu giữ ta vài ngày, như thế sẽ làm trễ sự tìm đến Đức Thế Tôn của ta. Mặt khác, người ta sẽ xuyên tạc rằng: “Pukkusāti lìa bỏ Hoàng cung ra đi xuất gia, nhưng vẫn còn nhớ nhung Hoàng cung, nên khi vừa đến kinh thành Rājagaha mượn cớ viếng thăm bạn để sống ở Hoàng cung. Do vậy, Ngài Pukkusāti không tìm đến vua Bimbisāra ngay lúc đó.
Đức Thế Tôn đến gặp Ngài Pukkusāti
Vào sáng hôm đó, hình ảnh Pukksāti đi vảo võng trí của Đức Thế Tôn. Với Phật trí, Đức Thế Tôn thấu rõ Pukkusāti xuất gia do nương vào tâm thành tín ân đức Tam Bảo, nhất là ân đức Phật, tự xuất gia rồi lên đường tìm Bậc Đạo sư.
Với Vị lai trí, Đức Thế Tôn thấy rằng: “Hôm nay Pukkusāti sẽ trú ngụ qua đêm ở lò gốm trong kinh thành Rājagaha, sáng mai sẽ đến kinh thành Sāvatthi tìm Như Lai, nhưng Pukkusāti sẽ mệnh chung vào buổi sáng mai, như thế sẽ không chứng đạt được Thánh quả Bất Lai. Đấng Như Lai sẽ tế độ Pukkusāti chứng đạt Thánh quả trước khi nghiệp dữ hiện khởi”.
Vào sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ khưu vào thành Sāvatthi khất thực, sau khi thọ thực xong Đức Thế Tôn trở về Hương thất (Gandhakūṭi) nghỉ trưa, Ngài suy nghĩ: “Pukkusāti đặt niềm tin thành kính vào Đấng Như Lai, từ bỏ tất cả tài sản, từ bỏ vương quốc Gandhāra rộng cả trăm do tuần, trở thành vị Samôn sống đời sống không nhà vì Đấng Như Lai. Pukkusāti độc hành đi tìm Đấng Như Lai, không có một người theo hầu, vậy Như Lai sẽ đơn hành đến gặp Pukkusāti”.
Do nghĩ vậy nên Đức Thế Tôn tay cầm lấy y bát rời Hương thất ra đi, không gọi bất kỳ vị Tỳ khưu nào theo hầu. Đức Thế Tôn quán xét thấy Pukkusāti đi tìm Đấng Như Lai, vị ấy đi bộ bằng đôi chân trần, không dùng voi, ngựa, kiệu, xe. Vậy Như Lai sẽ bộ hành đến gặp Pukkusāti, nhưng do Phật lực của Đức Thế Tôn đất rút ngắn lại theo bước chân của Ngài.
Đức Thế Tôn vượt quảng đường dài 45 do tuần suốt buổi chiều, đến kinh thành Rājagaha vào lúc mặt trời lặn. Ngài đi đến lò gốm hỏi người chủ lò gốm rằng:
– Này Bhaggava, nếu không có gì phiền phức cho ngươi, Ta muốn ở lại nơi lò gốm một đêm.
– Bạch Ngài, không có gì phiền phức cho con, nhưng có một vị Samôn đến trước rồi, nếu vị ấy đồng ý Ngài có thể ở lại tuỳ theo ý thích.
Đức Thế Tôn đi đến lò gốm, Ngài không đường đột đi vào, Ngài đứng trước cửa lò gốm hỏi rằng:
– Này Tỳ khưu, nếu không có gì phiền phức cho ngươi, Ta muốn ở lại nơi này một đêm.
– Thưa hiền giả, rộng rãi (ūrunda) là lò gốm này, Tôn giả có thể ở tuỳ theo ý thích.
Đức Thế Tôn tự thân đến một góc lò gốm, Ngài quét dọn sạch sẽ tro bụi, những chiếc lọ vỡ … trải lên trên nền lò gốm là tấm thảm cỏ làm chỗ trú ngụ qua đêm. Tuy trải qua liên tục 6 giờ đường, vượt qua 45 do tuần nhưng Đức Thế Tôn không hề có ý nghĩ: “Như Lai hãy nằm nghỉ để bớt mệt mỏi”, Ngài suy nghĩ: “Như Lai tế độ Pukkusāti, làm cho Pukkusāti khởi niềm tin, khi nhìn thấy sự tinh tấn của Như Lai”. Đức Thế Tôn trải toạ cụ lên trên tấm thảm cỏ, ngồi tréo chân (Pallaṅka) trên toạ cụ, an trú tâm vào quả định (Phalasamāpatti).
Ngài Pukkusāti cũng không nghĩ đến việc nằm xuống, Ngài ngồi tréo chân an trú tâm vào Tứ thiền theo đề mục hơi thở. Đức Thế Tôn không giảng pháp ngay, vì khi ấy Ngài Pukkusāti còn mệt mỏi vì vượt đường xa, vị ấy không thể lĩnh hội được bài pháp. Do vậy, Đức Thế Tôn chờ đợi vị ấy nghỉ khoẻ, hồi phục sức lực trở lại. Đức Thế Tôn xuất thiền vào lúc nửa đêm, Ngài mở đôi mắt tinh tường, xinh đẹp, hiền dịu ra nhìn, thấy Pukkusāti đang ngồi yên, lưng thẳng bất động, an trú tâm vào trạng thái Tứ thiền, như pho tượng vàng xinh đẹp rắn chắc.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Oai nghi ngồi của Pukkusāti khá oai vệ và nghiêm trang” và Đức Thế Tôn quyết định hỏi chuyện, tạo duyên để giảng pháp thoại. Trong bốn oai nghi, ba oai nghi: Đi, đứng và nằm không được trang nghiêm và oai vệ. Khi đi thì tay chân và thân lắc lư, khi đứng thì quá cứng rắn, còn khi nằm thì lại mểm yếu vì thân nhiều mệt mỏi. Chỉ có oai nghi ngồi mới thể hiện được vẻ trang nghiêm và oai vệ.
Tuy biết rõ Pkkusāti xuất gia vì tâm tín thành nơi Ngài, nhưng Đức Thế Tôn vẫn hỏi, nếu không hỏi sẽ không có duyên sự để giảng lên Pháp thoại. Ngài hỏi:
– Này Tỳ khưu, ngươi xuất gia y cứ vào ai? Ai là Đạo sư của ngươi? Ngươi chấp nhận pháp của ai?
– Thưa hiền giả, có vị Samôn là Gotama thuộc giòng Sakya, tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Thế Tôn Gotama ấy: “Ngài là Đức Thế Tôn, Bậc Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn””.
Ngài là bậc Đạo sư của tôi và tôi chấp nhận Giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy.
– Này Tỳ khưu, Đức Thế Tôn bậc Arahán Chánh Đẳng Giác ấy hiện đang ở đâu?
– Thưa hiền giả, có một kinh thành về hướng Bắc của kinh thành này, đó là kinh thành Sāvatthi. Đức Thế Tôn Gotama đang trú ngụ ở nơi đó.
– Này Tỳ khưu, trước đây ngươi có thấy Bậc Thế Tôn ấy chưa? Và nếu thấy ngươi có nhận ra không?
– Thưa hiền giả, trước đây tôi chưa từng thấy Đức Thế Tôn, Và nếu thấy tôi cũng không thể nhận ra được.
Ở đây, nếu Đức Thế Tôn hiển lộ hào quang người ấy sẽ nhận biết Đức Thế Tôn, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng nếu Đức Thế Tôn không hiển lộ hào quang thì người ta khó nhận biết “đây là Đức Thế Tôn”. Vì vậy Ngài Pukkusāti trả lời thành thật rằng: “Nếu thấy (Đức Thế Tôn) tôi cũng không nhận ra”.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
-Này Tỳ khưu, hãy nghe và suy nghiệm kỹ Ta sẽ giảng pháp.
– Vâng, thưa hiền giả.
Cho đến khi ấy Ngài Pukkusāti vẫn chưa nhận ra người đối thoại với mình chính là Đức Thế Tôn. Vì Ngài Pukkusāti xuất gia sau khi nghe được tin Tam Bảo xuất hiện trên thế gia qua người bạn đáng tín nhiệm là vua Bimbisāra. Suốt cuộc hành trình đi tìm Bậc Đạo sư với hy vọng được nghe pháp vi diệu từ Đức Thế Tôn, Ngài không gặp ai giảng pháp đến Ngài cả, vì vậy tâm Ngài khao khát được nghe pháp, nên tâm của Ngài rất hoan hỷ khi nghe được pháp từ vị Samôn đang ngụ chung trong lò gốm với mình, ví như người đang khát gặp được nước. Lại nữa, Ngài Pukkusāti nghĩ rằng: “Vị Samôn này sẽ chỉ cho ta biết cách thức nhận ra Đức Thế Tôn khi ta gặp được Ngài”. Nên tâm Ngài vô cùng hân hoan.
Và Đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kinh Dhātuvibhaṅga (Phân tích giới).
Nghe xong thời Pháp thoại này, Ngài Pukkusāti chứng đạt Thánh quả Bất Lai. Thật ra pháp thoại này có khả năng dẫn người có trí đầy đủ chứng đạt đến Thánh quả Arahán, nhưng trí của Ngài Pukkusāti chưa được sung mãn nên Ngài chỉ chứng đạt đến tầng Thánh thứ ba mà thôi. Ví như Đức vua đưa những loại vật thực thượng vị đầy chất bổ dưỡng vào bát vàng để Ngài thọ dụng, Ngài vắt nắm cơm vừa với miệng của mình, có vị Hoàng tử đang ngồi trong lòng Đức vua muốn ăn cơm, Đức vua vắt nắm cơm thượng vị đầy chất bổ dưỡng vừa với khẩu độ cái miệng của vị Hoàng tử, vắt cơm lớn quá vị Hoàng tử sẽ không nuốt nổi. Cũng vậy, với người có trí đầy đủ khi nghe bài pháp này có khả năng chứng đạt Thánh quả Arahán, nhưng với trí của Ngài Pukkusāti, trí ấy chỉ đủ sức đưa Ngài chứng Thánh quả Bất Lai.
Trước khi bài pháp chấm dứt, Ngài Pukkusāti chứng đạt Thánh quả Bất Lai, khi chứng đạt Thánh quả Bất Lai, Ngài Pukkusāti hiểu rằng: “Đây chính là Bậc Đạo sư của ta, Ngài đã đến đây tế độ ta, Đấng Thiện Thệ đã ngự đến đây tế độ ta”.
Trước đó Ngài Pukkusāti đã gọi Đức Thế Tôn là hiền giả (Āvuso), Ngài Pukkusāti nhận thức được lỗi lầm của mình, muốn sám hối Đức Thế Tôn, nhưng khi ấy Đức Thế Tôn đang giảng pháp.
Ngài Pukkusāti xin xuất gia
Sau khi Đức Thế Thế Tôn giảng xong Pháp thoại, Ngài Pukkusāti đấp lại thượng y tề chỉnh, quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn, bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, con đã rơi vào một lỗi lầm, vì rằng ngu muội, si mê và không khéo léo, con nghĩ con có thể gọi Đức Thế Tôn là hiền giả (Āvuso). Kính mong Đức Thế Tôn chấp nhận lỗi lầm ấy cho con, để con ngăn ngừa trong tương lai.
Đức Thế Tôn chấp nhận sự sám hối của Pukkusāti như là một lỗi phát lộ.
Rồi Ngài Pukkusāti xin được xuất gia thọ đại giới từ nơi Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn hỏi:
– Này Pukkusāti, ngươi có đầy đủ y bát chưa?
– Bạch Thế Tôn, con không có đủ y bát.
– Này Pukkusāti, các Đấng Như Lai không có cho những ai không có đủ y bát xuất gia thọ Đại giới.
Ngài Pukkusāti hoan hỷ thọ lãnh lời dạy của Đức Thế Tôn, từ chỗ ngồi Ngài đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ra khỏi lò gốm đi tìm y bát. Sở dĩ Đức Thế Tôn không cho Ngài Pukkusāti xuất gia theo cách “Ehi bhikkhu … Hãy đến đây này Tỳkhưu” là vì:
– Vị ấy phải là Bậc Thánh, tối thiểu là bậc Dự Lưu.
– Trong quá khứ đã từng cúng dường tư cụ Samôn đến bậc xuất gia.
– Vị ấy sẽ viên tịch ngay trong kiếp sống ấy.
Ngài Pukkusāti sẽ mệnh chung ngay trong ngày hôm ấy, tái sinh về cõi Avihā (Vô phền), rồi viên tịch cõi ấy. Như vậy trong kiếp sống này Ngài Pukkusāti chưa viên tịch.mặc dù có đủ 2 điều kiện: Là bậc Thánh Bất Lai, trong quá khứ đã từng cúng dường tư cụ Samôn đến các bậc xuất gia, nhưng thiếu điều kiện thứ ba.
Lại nữa, Đức Thế Tôn biết rõ: “Pukkusāti sẽ mệnh chung, tái sinh về Phạm thiên giới ngay trong ngày hôm nay. Pukkusāti không có cơ hội thọ Đại giới từ nơi Đấng Như Lai. Các Đấng Như Lai không làm việc gì vô ích cả”.
Đức vua Bimbisāra đến đảnh lễ Đức Thế Tôn
Đức Thế Tôn thuyết xong thời pháp thoại vào lúc bình minh, khi Ngài Pukkusāti ra khỏi lò gốm đi tìm y bát. Đức Thế Tôn phóng hào quang sáu màu ra, làm sáng rực lò gốm cùng với kinh thành Rājagaha và tin Đức Thế Tôn ngự đến kinh thành Rājagaha nhanh chóng lan truyền khắp nơi.
Vua Bimbisāra nghe tin Đức Thế Tôn ngụ đến kinh thành Rājagaha, liền đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn nơi lò gốm, sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, ngồi vào nơi phải lẽ vua Bimbisāra bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài ngự đến nơi đây từ lúc nào?
– Này Đại vương, Như Lai đến nơi lò gốm này vào lúc mặt trời lặn của ngày hôm qua.
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì duyên gì Ngài ngự đến lò gốm này?
– Này Đại vương, bạn của Đại vương là vua Pukkusāti, đọc được tin Tam bảo xuất hiện trên thế gian của Đại vương, Pukkusāti đã từ bỏ vương quốc ra đi xuất gia. Pukkusāti đã đi tìm Như Lai sau khi vượt qua 192 do tuần, thêm 45 do tuần nữa, đến trú ngụ nơi lò gốm này. Vì lợi ích đến Pukkusāti, Như Lai đã bộ hành từ kinh thành Sāvatthi đến đây tế độ Pukkusāti. Pukkusāti đã diệt trừ 5 sợi giây trói buộc bậc thấp, thành tựu bậc Thánh Bất Lai.
Vừa kinh ngạc vừa hân hoan, vua Bimbisāra bạch hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, vị ấy đâu rồi?
– Này Đại vương, Pukkusāti muốn thọ Đại giới từ nơi Đấng Như Lai, nhưng chưa có đù y bát, nên đi tìm y bát rồi.
Đức vua Bimbisāra cung thỉnh Đức Thế Tôn ngự đến Hoàng cung, còn Đức vua sẽ tự thân đi Ngài Pukkusāti. Nhưng Đức Thế Tôn đã theo đường hư không trở về Đại tự Kỳ Viên.
Ngài Pukkusāti mệnh chung tái sinh về Phạm thiên giới
Khi ra khỏi lò gốm để đi tìm y bát, Ngài Pukkusāti suy nghĩ: “Hiện nay bạn ta là vua Bimbisāra đang cai trị thành này, đồng thời có những đoàn thương buôn từ kinh thành Takkasilā đến đây buôn bán. Thật bất xứng với ta nếu ta đi đến những nơi ấy tìm y bát, ta nên tìm những loại vải đáng quăng bỏ để làm y, đó là điều tốt đẹp phát sinh đến ta”.
Do nghĩ vậy, nên Ngài Pukkusāti không đi tìm y trên những con đường lớn, Ngài đi đến những đống rác ở những con đường nhỏ để tìm vải đáng quăng bỏ. Một nữ dạ xoa là kẻ thù của Ngài trong kiếp quá khứ đi đến, thấy Ngài nữ dạ xoa bổng nỗi cơn giận dữ, hoá ra một con bò cái loạn trí chạy xông dùng đôi sừng nhọn húc vào Ngài Pukkusāti, hất tung Ngài lên trên không rơi xuống đất. Vốn đã yếu sức do bộ hành và thiếu vật thực trên chặng đường dài 192 do tuần thêm 45 do tuần, khi bị cái húc quá mạnh của con bò điên, Ngài Pukkusāti rơi từ không trung xuống nằm bất động trên đống rác và mệnh chung, tái sinh về cõi Avihā (Vô phiền). Đây là một ác nghiệp oan trái do Ngài tạo ra trong quá khứ.
VIDEO BỘ TRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT – CHUYỆN VỀ ĐỨC VUA PUKKUSĀTI