Vua Pasenadi kết thân với dòng họ Thích Ca

Sau khi nghe thời pháp của Đức Phật, vua Pasenadi thấy cần thiết phải kết thân với chúng Tăng và đã nghĩ ra một cách để đạt được mục đích của mình. Đức vua nghĩ ra việc kết hôn với một trong những công chúa của dòng Thích Ca: “Nếu ta đưa công chúa của dòng Thích Ca lên địa vị chánh hậu thì Đức Phật sẽ trở thành quyến thuộc của ta và chư đệ tử của Ngài sẽ xem ta là người thân quen.’

Nhân đó, đức vua bèn gửi một bức tâm thư đến các hoàng tử dòng Thích Ca. Khi các sứ giả được trao sứ mệnh hỏi rằng: “Tâu bệ hạ! Bệ hạ sẽ chọn một công chúa như thế nào?” Đức vua nói: “Công chúa nào của dòng Thích Ca cũng được, miễn là các ngươi biết chắc nàng thuộc dòng dõi Thích Ca.”

Tại kinh đô Kapilavatthu, những người dòng Thích Ca tổ chức một hội đồng để trả lời bức tâm thư. Họ không muốn đi đến chiến tranh với vương quốc Kosala. Nếu họ từ chối lời yêu cầu của vua Pasenadi thì vương quốc của họ chắc chắn sẽ bị xâm phạm. Vì Kosala là bộ tộc khác với bộ tộc Thích Ca nên họ không thể gã bất cứ người nào của dòng Thích Ca cho một người không thuộc dòng dõi Thích Ca. Chính hoàng tử Mahānāma đã nghĩ ra một cách để thoát khỏi trình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ này. “Ta có một người con gái rất xinh đẹp được sanh ra từ một nữ nô lệ của ta (tên là Nāgamuṇḍā). Đứa con gái ấy tên là Vāsabhakhattiyā. Chúng ta sẽ gả người con gái ấy đi.” Họ đồng ý. Lời phúc đáp khi ấy chính thức được trao cho phái đoàn nước Kosala: “Chúng tôi đồng ý.”

“Các vị sẽ gả người con gái của dòng Thích Ca chăng?”

“Đó là con gái được sanh ra từ Mahānāma, vị hoàng tử dòng Thích Ca, là một người anh em bà con của Đức Phật Gotama, con trai của Amitodāna. Vāsabhakhattiyā là tên của công chúa.”

Phái đoàn trở về Sāvatthi với tin tức thuận lợi. Vua Pasenadi xứ Kosala lấy làm vui mừng và nói rằng: “Hãy đi, và rước công chúa dòng Thích Ca về đây ngay, không nên chậm trễ. Nhưng hãy lưu ý, theo lệ thường thì các vị vua dòng Thích Ca rất xảo quyệt. Con gái của một người nô lệ có thể được trở thành công chúa. Bởi vậy, các người phải đảm bảo tánh thuần chủng của nàng bằng cách quan sát nàng ở bàn ăn. Hãy đoan chắc là nàng ngồi ăn chung với người cha thuộc dòng Thích Ca của nàng.”

Phái đoàn trở lại Kapilavatthu và công bố: “Đức vua Kosala của chúng tôi chỉ bằng lòng nhận lấy công chúa mà cùng ngồi chung bàn ăn với những vị Thích Ca các người.”

“Tốt lắm!Thưa các bạn,” vua Mahānāma nói. Khi đến giờ ăn, Vāsabhakhattiyā, ăn mặc lộng lẫy và trang sức như một công chúa, được đưa đến bàn ăn nơi mà Mahānāma đang ngồi ở đó và mọi việc diễn ra tựa như hai người đang ngồi ăn chung. Phái đoàn lấy làm thỏa mãn với điều mà họ trông thấy và trở về Sāvatthi mang theo cô gái.

(Trò dối gạt này được thực hiện như sau:

Khi những vị Thích Ca đối diện với thử thách về sự dùng cơm mà vua Pasenadi Kosala yêu cầu thì họ rất lúng túng, không biết làm gì. Nhưng Mahānāma lại đảm bảo với họ bằng sự chỉ dẫn rằng khi nàng công chúa gã cho nhà vua được ngồi ở bàn ăn của Mahānāmam thì khi Mahānāma sắp bỏ miếng vật thực vào miệng, vị này được ngăn cản bằng một tin khẩn cấp mà vị ấy phải đọc ngay. Kế hoạch được sự tán đồng của các vị Thích Ca và được áp dụng đúng như thế ). (Nó đã được chấp nhận bởi đoàn sứ giả từ Sāvatthi).

Khi trở về kinh đô, đoàn sứ giả trình lên đức vua điều mà họ chứng kiến, vua Pasenadi Kosala lấy làm hài lòng. Vị ấy phong Vāsabhakhattiyā làm Chánh hậu được hầu hạ bởi năm trăm cung nữ. Chẳng bao lâu, Chánh hậu được vua sủng ái hạ sanh một bé trai có nước da vàng ròng.

Đến ngày đặt tên cho hoàng tử, vua Kosala gửi một bức thông điệp đến ông ngoại của hoàng tử là vua Thích Ca Mahānāma, nội  dung báo tin về sự ra đời của một đứa bé trai và yêu cầu vua đặt một cái tên thích hợp cho hoàng tử. Nhưng chẳng may vị sứ giả đem tin đến hoàng cung của dòng Thích Ca lại bị hơi nặng tai. Sau khi đọc bức thông điệp của đức vua Kosala, vị Thích ca Mahānāma nhận xét rằng: “Vāsabhakhattiyā trước kia là một cô gái có ảnh hưởng to lớn về cá nhân. Bây giờ sau khi hạ sanh một đứa con trai này sẽ trở thành người được sủng ái – vallabhā của vua Kosala!” Bấy giờ, câu nói đầy vui sướng ‘người được sủng ái – vallabhā’ trong ngôn ngữ địa phương, nghe ra như viṭaṭūbha đối với sứ giả của nước Kosala, nên ông ta cho rằng chữ ấy là tên được đặt cho hoàng tử nước Kosala. Vị ấy trình lên vua Pasenadi nước Kosala: “Tâu bệ hạ! Viṭaṭūbha tên mà ông ngoại của hoàng tử đặt cho hoàng tử. ” Đức vua trầm ngâm “Có thể vậy, Viṭaṭūbha là tên của dòng họ ngày xưa đi theo chúng ta.” Và đức vua đặt tên cho hoàng tử là Viṭaṭūbha. Với ý định làm hài lòng Đức Phật, đức vua phong cho Viṭaṭūbha làm nguyên soái ngay trong độ tuổi thơ ấu.

Viṭaṭūbha được nuôi dưỡng bằng tất cả phương tiện của hoàng đế. Khi hoàng tử lên bảy tuổi, cậu để ý thấy rằng những vị hoàng tử khác nhận được những búp bê và những món quà tặng từ ông ngoại của họ. Vì vậy, hoàng tử hỏi hoàng hậu Vāsabhakhattiyā: “Thưa mẹ! Những đứa trẻ khác nhận được những món quà trẻ con như búp bê, v.v… từ ông bà ngoại của họ. Còn con thì không nhận được gì từ ông bà ngoại của con. Tại sao vậy? Thưa mẹ! Phải chăng con không có ông bà ngoại?” Hoàng hậu đáp lại: “Này con yêu! Những vị Thích Ca dĩ nhiên là ông bà ngoại của con, nhưng họ sống cách xa chúng ta. Đó là lý do khiến họ không thể gửi quà cho con.”

Khi hoàng tử Viṭaṭūbha lên mười sáu tuổi, vị ấy nói với hoàng hậu rằng: “Thưa mẹ! Con muốn đến thăm hoàng cung của ông bà ngoại con.” Nhưng hoàng hậu cố làm thối chí của hoàng tử bằng những lời: “Này con! Thật không thích hợp để con làm việc ấy. Rốt cuộc thì con đi thăm hoàng cung của ông bà ngoại, con được lợi ích gì?” Nhưng hoàng tử vẫn cương quyết và sau nhiều lần nài xin, hoàng hậu không biết làm gì hơn là chiều theo ý hoàng tử.

Viṭaṭūbha trình lên vua cha về chuyến đi đã dự định của mình, rời khỏi Sāvatthi và dẫn theo đông đảo quân binh. Hoàng hậu Vāsabhakhattiyā trong lúc đó đã gửi một mật thư đến các vị Thích Ca để giữ thể diện khi hoàng tử đến và để toàn bộ âm mưu sẽ không bị lộ ra. Tin này đến đúng lúc, những vị Thích Ca nhỏ hơn, tức là nhỏ hơn hoàng tử Viṭaṭūbha về vai vế rời khỏi kinh đô và ở lại một vùng xa xôi trong thời gian hoàng tử Viṭaṭūbha viếng thăm. Lý do vì họ không thể cúi chào hoàng tử Viṭaṭūbha như hoàng tử mong đợi. Những vị Thích Ca mà đón tiếp Viṭaṭūbha sẽ ra gặp vị này tại nhà nghỉ của hoàng gia khi vị này đến.

Ở đó, hoàng tử được giới thiệu với ông ngoại và các cậu của hoàng tử mà hoàng tử phải thi lễ cúi chào. Sau khi làm phận sự thi lễ cúi chào rồi, hoàng tử thấy không ai cúi chào mình cả. “Tại sao không có vị Thích Ca nào cúi chào ta vậy?” hoàng tử hỏi. Những vị Thích Ca trả lời: “Này con! Những người anh em bà con mà có vai vế nhỏ hơn con đã về miền quê cả rồi.” Họ đón tiếp hoàng tử rất hào phóng.

Sau khi ở lại Kapilavatthu hai hoặc ba ngày, hoàng tử rời khỏi kinh đô với đại quân của mình. Khi những người khách đã đi rồi, thì một nữ nô lệ đem sữa pha loãng đến chùi rửa chỗ ngồi nơi mà hoàng tử Viṭaṭūbha đã ngồi ở nhà nghỉ của hoàng gia, miệng luôn nguyền rủa rằng: “Thật là xấu hổ và hèn hạ thay, chỗ này đã bị ô uế bởi Viṭaṭūbha, con trai của nữ nô lệ Vāsabhakhattiyā.” Một trong những người hầu của hoàng tử đã nghe được những lời này khi anh ta trở lại chỗ đó để lấy khí giới mà anh ta bỏ quên. Anh ta hỏi lời nguyền rủa của cô gái đúng đến mức nào, và được đáp lại là Vāsabhakhattiyā được sanh ra từ một nữ nô lệ tên là Vāgamuṇḍā và vị Thích Ca Mahānāma. Anh ta kể lại chuyện này cho những người lính bạn của mình, và tin này nhanh chóng trở thành câu chuyện được truyền ra trong thành phố, rằng chánh hậu Vāsabhakhattiyā là con gái của một nữ nô lệ.

Khi hoàng tử Viṭaṭūbha biết được tin này, hoàng tử đau nhói tâm can và tự nhủ: “Được, cứ để người Thích Ca chùi rửa chỗ ngồi của ta bằng nước sữa loãng trong lúc này. Khi trở thành vua, ta sẽ rửa chỗ ngồi của ta bằng máu từ cổ họng của những người Thích Ca.” Và như vậy, hoàng tử ôm ấp mối hận thù này đối với dòng Thích Ca.

Sau khi về đến kinh đô, các quan bèn tâu tin ấy lên vua Pasenadi Kosala. Đức vua rất tức giận các vị Thích Ca: “Việc biếu tặng một nữ nô lệ để làm hoàng hậu của ta như thế thật là lố bịch, đó là hành động bôi nhọ danh dự của ta.” Đức vua gầm lên và thâu hồi tất cả địa vị và danh phận mà đã ban cho hoàng hậu và chức đại nguyên soái của hoàng tử Viṭaṭūbha. Rồi đức vua ban cho họ danh phận và địa vị của những người nô lệ.

Hai hoặc ba ngày sau, Đức Thế Tôn viếng thăm cung điện của vua Pasenadi Kosala. Ở đó, Ngài ngồi ở chỗ đã được soạn sẵn, Đức vua đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Những người quyến thuộc của Thế Tôn đã dối gạt con. Họ đã gửi cho con, đứa con gái của một nữ nô lệ mà lại nói rằng đó là công chúa của dòng Thích Ca. Con đã khám phá ra điều này, do đó con đã hạ cấp cả hai mẹ con Vāsabhākhattiyā và Viṭaṭūbha xuống địa vị và danh phận của những người nô lệ.”

Đức Phật nói: “Thưa đại vương! Những người Thích Ca đã làm điều sai quấy. Họ đáng ra phải dâng đến đại vương một nàng công chúa thích hợp với dòng dõi của bệ hạ. Tuy nhiên, thưa đại vương! Như Lai muốn đại vương suy xét điều này. Vāsabhakhattiyā là con của vị Thích Ca Mahānāma. Hơn nữa, nàng đã được tôn phong làm Chánh hậu do bởi đại vương là người thuộc huyết thống đế vương. Và hoàng tử Viṭaṭūbha thuộc huyết thống của chính đại vương.Vậy, dòng dõi bên mẹ quan trọng gì? Chính dòng dõi bên cha mới đáng kể. Sự thật quan trọng này được những người có trí thuở xưa công nhận – chuyện một người nhặt củi, một cô gái nông dân nghèo nàn được phong làm Chánh hậu, và người con sanh ra từ vị Chánh hậu có nguồn gốc khiêm tốn này đã trở thành vua Khaṭṭhavāhana của xứ Bārāṇasī, một kinh đô rộng mười hai do tuần.”

Khi đức vua nghe xong câu chuyện về Khaṭṭhavāhana lấy làm thỏa mãn với lời quả quyết rằng: “Chỉ có dòng dõi bên cha mới có ý nghĩa thật sự.” Do đó, đức vua phục hồi lại địa vị và danh phận cho hoàng hậu và hoàng tử. (Xem Ekanipāta về các câu chuyện Khaṭṭhavāhana).

Hoàng tử Bandula và người vợ Mallikā của ông

 

Hoàng tử Bandula nước Malla giờ là vị nguyên soái của vua Pasenadi. Mallikā, vợ của vị ấy là con gái của vua Malla, nước Kusināra. Sau vài năm kết hôn, hai vợ chồng vẫn không có con. Do đó, Bandula gởi Mallikā về nhà cha mẹ của nàng. Mallikā nghĩ rằng: “Tốt hơn, ta nên đến viếng thăm Đức Phật trước khi rời khỏi Sāvatthi.” Nàng đi đến tịnh xá Jetavana và đảnh lễ Đức Phật. Khi được hỏi nàng sẽ đi đâu, Mallikā bèn kể lại với Đức Phật về việc nàng được cho về nhà của cha mẹ mình vì không sanh được người con nào. Nhân đó, Đức Phật dạy rằng: “Nếu vậy thì con không cần thiết phải về nhà cha mẹ của con, con nên ở lại với nguyên soái.” Mallikā rất vui sướng với những lời này, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, nàng trở về nhà của mình. Bandula hỏi tại sao nàng trở về.Nàng bèn kể lại với vị ấy về điều mà Đức Phật đã nói với nàng. Bandula nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn thấy xa, chắc Ngài có trí tuệ thấy được việc Mallikā có thể mang thai.” Và vị này cho nàng ở lại.

 

Chẳng bao lâu, Mallikā mang thai. Nàng có sự khao khát mãnh liệt như những người phụ nữ có thai. Nàng kể cho Bandula về điều ấy. Nàng muốn tắm trong cái hồ kiết tường của hoàng gia nơi mà các vị Licchavī thường đến để làm lễ phong vương và nàng cũng muốn uống nước trong cái hồ ấy. Bandula nói rằng: “Tốt lắm,” đặt nàng trên cỗ xe của mình, và mang theo cây cung to lớn – cây cung này cần sức của một ngàn người kéo. Vị ấy rời khỏi Sāvatthi và đi vào Vesāli từ cổng thành được dành cho Mahā Licchavī – người mà được hưởng phần thuế thu được từ cổng thành; nhà của Mahā Licchavī cũng ở gần đó.

Mahā Licchavī nhận ra tiếng xe của Bandula đập mạnh vào ngưỡng cửa của cổng thành. Vị ấy có linh tính báo rằng: “Ngày hôm nay tai họa sẽ ập đến đối với các vị Licchavī.” Và vị ấy báo trước với tất cả mọi người. Hồ kiết tường của hoàng gia được canh phòng rất chặt chẽ từ bên trong cũng như bên ngoài. Nó được bao bọc bởi mạng lưới bằng sắt, để những con chim không thể bay vào được.

Tướng quân Bandula bước xuống khỏi xe, đuổi những người lính gác đi bằng cây gậy của vị ấy và chẻ đứt tấm lưới sắt bằng cây đại đao của mình. Rồi tướng quân cùng vợ đi xuống hồ nước, tắm ở đó rồi đưa vợ lên xe trở về nhà bằng con đường cũ.

Những người lính canh bèn trình vấn đề ấy lên với các vị hoàng tử Licchavī. Rất tức giận, những vị hoàng tử Vajjī bèn cỡi trên năm trăm cỗ xe và đuổi theo. Khi cuộc rượt đuổi được trình lên vị Mahā Licchavī, vị ấy kêu to: “Này các hoàng tử Licchavī trẻ tuổi! Đừng nên làm thế, vị tướng quân Bandula ấy sẽ tiêu diệt các ngươi.” Họ đáp lại: “Chúng tôi không thể chịu đựng được, chúng tôi phải bắt lấy vị ấy.”

Mahā Licchavī đã biết sức mạnh của người bạn học của mình và khuyên can các vị Licchavī như vầy:

“Thôi được, này các hoàng tử! Nếu các người đuổi theo thì khi trông thấy chiếc xe của Bandula lún xuống ngang trục xe, thì các ngươi phải quay về ngay từ chỗ các ngươi trông thấy nó.

Nếu các ngươi không quay về, mà vẫn cứ đuổi theo thì hãy quay về ngay khi nghe có tiếng vang lớn phát ra.

Nếu các người không quay về mà cứ đuổi theo khi các người thấy những cái lỗ ở tấm chắn trước mũi xe của các ngươi, thì hãy quay về bất cứ lúc nào. Đừng đi xa thêm nữa.”

Nhưng các vị Licchavī không nghe lời khuyên mà tiếp tục rượt đuổi quyết liệt. Khi nàng Mallikā thấy rằng họ bị đuổi theo, nàng bèn nói với Bandula điều mà nàng trông thấy. Bandula nói: “Được! Khi mà năm trăm chiếc xe được thấy như một (tức là khi tất cả đều thẳng hàng từ Bandula) thì nàng hãy nói cho ta biết.” Mallikā báo tin cho Bandula biết khi nàng thấy trăm trăm cỗ xe được xếp thành một hàng thẳng. Khi ấy, tướng quân Bandula trao dây cương ngựa cho vợ và nói rằng: ” Nàng hãy cầm lấy dây cương!” Rồi vị ấy đứng trong xe và kéo cây đại cung mà đến một ngàn người khỏe mạnh mới có thể kéo được. Vào lúc ấy, bánh xe lún xuống ngang trục xe. Các vị Licchavī trông thấy điều này, nhưng họ không quan tâm đến lời căn dặn của Mahā Licchavī mà tiếp tục đuổi theo.

Nguyên soái Bandula sau khi đi tiếp một lúc, bèn kéo giãn dây cung và một âm thanh vang dội như sấm sét phát ra. Các vị Licchavī nghe âm thanh ấy nhưng họ vẫn không quay lui. Rồi Bandula bắn ra một cây tên làm xuyên thủng năm trăm cỗ xe đang đuổi theo. Nó đi xuyên qua bụng của năm trăm vị Licchavī và lao cắm xuống mặt đất.

Các vị Licchavī không biết rằng họ đã trúng tên và họ kêu lên: “Này Bandula! Hãy dừng lại.” Họ hô kêu luôn miệng như vậy trong khi đuổi theo Bandula. Tướng quân Bandula dừng lại một lúc và nói: “Tất cả những vị Licchavī, các người đều đã chết, ta không cần phải chiến đấu với những người đã chết.”

“Nhưng chúng ta không giống như những người đã chết, phải vậy không?”

“Vậy thì các ngươi hãy cởi ra chiếc áo giáp từ vị hoàng tử Licchavī cuối cùng”.

Khi họ làm theo lời bảo của Bandula thì cái thân không còn sự sống của vị hoàng tử Licchavī sau cùng ngã gục xuống xe. Khi ấy, Bandula bèn nói với họ là hãy đánh xe về nhà và hãy sửa soạn những thứ cần thiết cho sự mai táng của họ: “Trước khi cởi chiếc áo giáp của mình, các ngươi có thể để lại lời trăn trối cuối cùng cho những người vợ của mình.” Các vị Licchavī đã làm theo y như vậy – tất cả họ đều ngã ra chết.

Tướng quân Bandula đưa vợ về nhà an toàn. Nàng sinh ra cho vị ấy mười sáu lần song sinh bé trai – 32 người con trai. Tất cả những người con trai đều khỏe mạnh và dũng cảm. Họ được dạy tất cả các môn học và mỗi người có một ngàn người theo hầu. Bất cứ khi nào tướng quân Bandula xuất hiện trong triều đình, thì vị ấy cùng với 32 người con trai và ba mươi hai ngàn dũng sĩ hùng mạnh đứng chật cả sân triều.

Một hôm tại tòa án có tiếng la ó, than phiền rằng một sự xét xử bất công đã xảy ra. Vần đề được trình lên tướng quân Bandula. Tướng quân Bandula đến toà án nghe lại vụ kiện rồi đưa ra lời xét xử, công bố đúng đắn ai là người có tội và ai là người vô tội. Mọi người đều hoan hô tán dương sự xét xử công minh của tướng quân.

Vua Pasenadi nghe tiếng ồn và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Khi được nghe kể lại mọi chuyện, vua lấy làm hoan hỷ và cắt cử tướng quân làm quan toà. Như vậy, Bandula nhận thêm chức vị quan toà nhờ tánh công minh.

Các vị quan toà do bị tước mất những món tiền hối lộ thường xuyên của họ nên họ nghĩ ra kế sách hãm hại tướng quân. Họ sàm tấu rằng Bandula muốn soán ngôi. Đức vua tin vào lời của những vị quan tòa này. Đức vua rất ái ngại muốn thủ tiêu tướng quân Bandula, nhưng vì Bandula là người có tiếng tăm lớn nên đức vua không dám giết ông trong kinh đô.Thế nên đức vua lập nên một ác kế – truyền lệnh cho những người thân tín của mình sắp xếp một cuộc nổi loạn ở vùng biên giới. Tướng quân Bandula và 32 người con trai của mình nhận được lệnh lên đường để bình định cuộc nổi loạn, và dẫn về những kẻ nổi loạn. Đức vua gửi theo tướng quân Bandula là những vị tướng được tuyển chọn với nhiệm vụ giết chết Bandula và 32 người con trai.

Khi tướng quân Bandula đến nơi nổi loạn thì những người  được đức vua bố trí bèn bỏ chạy. Bandula thực hiện một số biện pháp để vùng xa xôi hẻo lánh này thành khu định cư thịnh vượng rồi trở về kinh đô. Trên đường về, khi còn xa kinh đô thì những vị tướng được gửi đi theo họ bèn chém đầu Bandula và cả 32 người con trai.

Vào hôm ấy, Mallikā – vợ của tướng quân Bandula đang sửa soạn lễ vật cúng dường đến hai vị Thượng thủ Thinh văn là đại đức Sāriputta và đại đức Moggallāna cùng với năm trăm vị tỳ khưu tại nhà của nàng. Sáng sớm hôm ấy, nàng nhận được tin báo rằng chồng và 32 người con trai của nàng đã bị chém đầu. Nàng cất bức thư vào bên trong chiếc áo và giữ kín tin đó. Trong khi nàng đang cung kính phục vụ hai vị Thượng thủ Thinh văn tại bàn – sau khi người hầu dâng xong món cơm thì mang đến những bình sữa, bỗng nhiên một cô tớ gái sơ ý làm vỡ bình sữa.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn chứng kiến cảnh tượng này, đại đức Sāriputta nói với Mallikā: “Cái gì có tánh chất tan vỡ thì nó tan vỡ. Đừng để nó giày vò.”

Nhân đó, Mallikā lấy bức thư báo tin buồn từ trong chiếc áo của nàng và nói: “Bạch đại đức! Người ta gửi cho con bức thư này báo rằng chồng và 32 người con trai của con đã bị chém đầu. Ngay cả tin ấy con cũng không để cho nó giày vò, thiêu đốt nội tâm con thì làm sao cái bình sữa này có thể gây phiền não cho con được?”

Đại đức Sāriputta thuyết pháp bắt đầu bằng câu kệ “Animitta manaññātaṇ macānaṁ ida jīvitaṁ, v.v… Rồi đại đức đứng dậy khỏi chỗ ngồi và trở về tịnh xá. (Hãy xem Sutta Nipāta 3, Mahā vagga; 7 Salla Sutta).

Khi việc cúng dường vật thực đến chư Tăng kết thúc, Mallikā cho gọi 32 nàng dâu đến và nói: “Này các con! Những người chồng của các con vô tội, nhưng phải chịu quả của những nghiệp quá khứ. Các con đừng quá sầu khổ, phiền muộn và ưu não. Cũng đừng nuôi lòng thù hận đối với đức vua.” Những lời này lọt vào tai của những thám tử đã được đức vua cử đến, và họ trình lên đức vua rằng Bandula và những người con trai của vị ấy là vô tội. Đức vua đi đến nhà của Mallikā xin lỗi nàng cùng với 32 nàng dâu của nàng. Rồi đức vua cho phép Mallikā được nhận bất cứ đặc ân nào mà nàng muốn.

Mallikā nói: “Tâu đại vương! Xin hãy cho thiếp chọn những đặc ân vào lúc thuận tiện.” Sau khi đức vua trở về, nàng cúng dường Tăng chúng vật thực đặc biệt để hồi hướng phước báu đến thân nhân đã quá vãng. Sau đó nàng đi tắm gội, đến yết kiến đức vua và nói rằng: “Tâu đại vương! Đại vương đã cho thiếp chọn một đặc ân – Thiếp chẳng muốn gì khác, chỉ xin đại vương cho phép thiếp cùng với 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của mình. Đức vua hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng – cho 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của họ, còn nàng thì trở về cha mẹ của nàng.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app