Nội Dung Chính
Đại đức Sāriputta thỉnh cầu Đức Phật ban hành các điều luật
Lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta đang ở một mình trong tịnh cốc đã khởi lên thắc mắc rằng: “Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào tồn tại lâu dài và Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào không được tồn tại lâu dài?” Với ý nghĩ này trong tâm, trưởng lão ra khỏi cốc vào buổi chiều và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Sau đó, trưởng lão hỏi Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Trong khi con đang ngụ trong tịnh cốc, con tự hỏi: ‘Giáo pháp của Bậc Chánh đẳng Chánh giác nào tồn tại lâu dài và Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào không được tồn tại lâu dài?”
Ở đây, có thể xảy ra vấn nạn “Phải chăng đại đức Sāriputta không có khả năng trả lời những câu hỏi như vậy? ”
Trả lời: Trưởng lão có thể làm như vậy trong một số trường hợp và không thể làm như vậy trong một số trường hợp khác.
Giải thích: Trưởng lão có thể biết được Giáo Pháp của vị Phật này không tồn tại lâu dài và Giáo Pháp của vị Phật này thì tồn tại lâu dài. Nhưng trưởng lão không thể khẳng định rằng “Những Giáo pháp ấy không tồn tại lâu dài vì những lý do này và Giáo Pháp của những vị Phật nọ tồn tại lâu dài vì những lý do này. ”
Tuy nhiên, trưởng lão Mahā Paduma thì giải thích rằng không khó cho vị Thượng thủ Thinh văn, bậc đã đạt đến đỉnh cao của mười sáu loại Tuệ và Trí để khẳng định các lý do. Nhưng việc quyết định, dù vị ấy đang sống bên cạnh Đức Phật, sẽ giống như việc quăng bỏ cái cân và dùng tay để ước đoán trọng lượng của một vật nào đó. Vì thế, câu hỏi của trưởng lão được nêu ra trước Đức Phật.
Lúc bấy giờ, vì muốn trả lời câu hỏi của trưởng lão Sāriputta, Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Giáo Pháp của các vị Phật Vipassī, Sikhī và Vessabhū không được tồn tại lâu dài (qua các thế hệ Thinh văn đệ tử nối tiếp nhau). Giáo Pháp của các vị Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa được tồn tại lâu dài (qua các thế hệ Thinh văn đệ tử nối tiếp nhau).
Sau đó, đại đức Sāriputta hỏi tiếp:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Giáo Pháp của các vị Phật Vipassī, Sikhī và Vessabhū không được tồn tại lâu dài?”
Đức Phật nói:
“Này Sāriputta! Chư Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū không quan tâm thuyết pháp đến các đệ tử một cách chi tiết. Giáo Pháp của các vị ấy gồm chín phần như: Sutta, Geyya, v.v… thì rất ít. Các vị ấy cũng không ban hành các điều luật cho các đệ tử. Họ cũng không tụng các điều luật Pātimokkha. Khi các vị Phật ấy viên tịch và các đệ tử thời ấy viên tịch thì các đệ tử thế hệ sau thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác đã để cho Giáo Pháp bị hoại diệt nhanh chóng.
Này Sāriputta! Cũng như những bông hoa các được đặt trên những tấm ván mà không được buộc lại, chúng nằm rải rác. Chúng bị thổi đi, bị tiêu diệt bởi những ngọn gió vì lý do chúng không được buộc lại. Cũng vậy, này Sāriputta! Khi các vị Phật ấy và các đệ tử trong thời của họ viên tịch, các đệ tử về sau thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau đã để cho Giáo pháp bị hoại diệt nhanh chóng.
Này Sāriputta! Ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa do biết tác ý trong tâm của chư Thinh văn đệ tử nên đã quan tâm giáo giới họ.
Này Sāriputta! Một biến cố nọ xảy ra trong thời kỳ xa xưa. Trong một khu rừng khủng khiếp nọ, Đức Phật Vessabhū bằng tâm của vị ấy biết tâm của một ngàn vị tỳ khưu đệ tử và giáo giới họ:
“ Hãy tu tập ba Thiền Tâm (nekkhamma-vitakka), v.v… Không chất chứa những bất thiện Tầm này là dục tầm (kāma-vitakka), sân tầm, và hại tầm. Hãy ghi nhớ rằng chúng là vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta) và bất tịnh (asubha). Đừng mang ý nghĩ rằng chúng thường tồn (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha). Hãy xa lìa các bất thiện tầm. Hãy trú trong sự tu tập các thiện tầm.”
Này Sāriputta! Một ngàn vị tỳ khưu đã được Đức Phật Vessabhū giáo giới như vậy đều trở thành những bậc A-la-hán (arahat), thoát khỏi các lậu hoặc (āsava). Do đó, tâm của một ngàn vị tỳ khưu này hoàn toàn thoát khỏi sự chấp thủ bất cứ điều gì do ái dục và tà kiến rằng: “Đây là Ta, đây là Của Ta.” Họ hoàn toàn thoát khỏi những lậu hoặc, đã hoàn toàn diệt tận (sự diệt tận trong ý nghĩa là không còn sanh khởi trở lại nữa) liên quan đến khu rừng đầy kinh hãi. Sự kinh hãi của khu rừng làm cho những người chưa thoát khỏi tham ái thường bị nỗi gai ốc khi đi vào trong đó.
Này Sāriputtā! Điều đã được nói ra là lý do khiến cho Giáo Pháp của chư Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū không được tồn tại lâu dài.
Chú thích: Liên quan đến câu nói rằng ba vị Phật “Không quan tâm thuyết pháp chi tiết đến các đệ tử của vị ấy.” Các Ngài làm như vậy không phải là các Ngài dể duôi. Thực ra, không có điều gì gọi là dể duôi hay thiếu tinh tấn nơi chư Phật.
Giải thích: Khi chư Phật thuyết pháp các Ngài đều thuyết với mức tinh tấn giống nhau dù các Ngài thuyết đến một người, hai người hoặc tất cả chúng sanh trong toàn thế giới. Các Ngài không giảm bớt tinh tấn khi thấy hội chúng ít người, các Ngài cũng không tăng thêm tinh tấn khi thấy hội chúng đông đảo. Cũng như con sư tử, vua của muôn thú đi ra ngoài để tìm kiếm vật thực (sau bảy ngày ở trong hang) nó rượt bắt con mồi với tốc độ như nhau dù lớn hay bé vì nó đã có quyết tâm về tốc độ của nó. Cũng vậy, khi chư Phật thuyết pháp đến thính chúng dầu đông đảo hay ít các Ngài đều thuyết pháp với sự tinh tấn như nhau, vì các Ngài có mục đích cao quý là không làm giảm thiểu sự tôn kính Pháp.
Không như Đức Phật của chúng ta, bậc đã thuyết pháp chi tiết tựa như muốn làm đầy đại dương. Thực vậy, ba vị Phật này thuyết pháp không chi tiết vì vào thời ấy chúng sanh ít bị nhiễm bụi phiền não trong con mắt trí tuệ của họ.
Giải thích: Vào lúc sinh thời của ba vị Phật này, chúng sanh sống trường thọ và số bụi che con mắt trí tuệ của họ cũng không đáng kể. Do đó, chúng sanh vào thời đó giác ngộ ngay sau khi nghe câu kệ (stanga) liên quan đến Tứ Diệu Đế. Thế nên không cần thiết phải thuyết pháp chi tiết đến họ. Vì thế giáo pháp của những vị Phật này trong chín phần rất sơ sài.
Trong thời kỳ của những vị Phật này, các tỳ khưu đệ tử của các Ngài đều hoàn toàn không phạm những điều sai trái nên những giới luật (āṇā-pātimokkha) về bảy loại tội không cần thiết phải ban hành.
Chỉ có việc tụng lời chỉ giáo Pātimokkha (Ovāda-pāṭimokkha) là quen thuộc với họ. Ngay cả Pāṭimokkha ấy các Ngài cũng không tụng đọc nửa tháng một lần (hai loại Pāṭimokkha đã được giải thích rõ ở chương 16 của cuốn iii).
Những vị Thinh văn đệ tử có tuổi thọ lâu dài thì có hai đời đệ tử theo các Ngài: (1) nhóm đệ tử gần nhất của Đức Phật, và (2) nhóm đệ tử về sau là những vị tỳ khưu do những vị Thinh văn gần nhất ấy truyền phép xuất gia cho họ. Vào thời kỳ các đệ tử sau này, thuộc thế hệ thứ hai xuất gia do không có giới luật kể từ lúc ban đầu và vì những vị đệ tử ấy thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau nên họ không cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ và giữ gìn những bài pháp mà còn bất cẩn tựa như họ trốn tránh bổn phận, khi nói rằng: “Vị trưởng lão đó đó sẽ làm điều ấy.” Họ không tổ chức những cuộc kết tập (Saṅgāyana) để gìn giữ Giáo pháp. Vì thế, Giáo pháp của những vị Phật ấy bị huỷ diệt nhanh chóng.
Liên quan đến câu nói “Giáo Pháp của những vị Phật mà có tuổi thọ lâu dài.” Đầu tiên nó hàm ý rằng thời kỳ Giáo pháp của các vị Phật ấy không được tồn tại lâu dài trong nhiều thế hệ đệ tử. Tuy nhiên, thọ mạng của Đức Phật Vipassī là tám chục ngàn năm. Thọ mạng của chư đệ tử gần nhất của vị Phật ấy cũng tám chục ngàn năm. Thọ mạng của thế hệ cuối cùng về sau cũng vậy, là thế hệ được những vị Thinh văn gần nhất của Đức Phật cho xuất gia. Do đó, đi theo hai thế hệ Thinh văn đệ tử kéo dài một trăm sáu chục ngàn năm sau khi Đức Phật viên tịch. Tuy nhiên, về thế hệ của các vị Thinh văn thì chỉ có hai và số thế hệ nhỏ nhoi này ám chỉ nói đến thời kỳ ngắn ngủi của Giáo pháp. Đặc biệt, nó được nói ra không phải về tuổi hay năm.
Sau khi đã nghe những lý do như vậy về những thời kỳ Giáo Pháp ngắn ngủi (về các thế hệ Thinh văn đệ tử của ba vị Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū) thì trưởng lão Sāriputta vì muốn nghe những lý do khiến Giáo pháp tồn tại lâu dài của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa nên hỏi tiếp Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana, và Kassapa lại được tồn tại lâu dài?”
Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Chư Phật Kakusandha, Konāgamanā và Kassapa quan tâm đến việc thuyết pháp chi tiết đến các đệ tử của vị ấy. Giáo pháp gồm chín phần của họ như: Sutta, Geyya, v.v… có số lượng rất nhiều. Các vị ấy ban hành điều luật cho chúng đệ tử. Họ tụng Pātimokkha. Khi họ viên tịch và chúng đệ tử rất gần của họ viên tịch thì các thế hệ đệ tử về sau của họ là những vị tỳ khưu thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau giúp cho Giáo pháp tồn tại lâu dài.
Này Sāriputta! Cũng như các loại hoa khác nhau được kết lại với nhau bằng một sợi dây rồi để trên tấm ván, chúng không thể bị phân tán, tiêu diệt bởi những ngọn gió (lý do là chúng đã được xâu kết lại với nhau). Cũng vậy, này Sāriputta! Những vị Phật này và chúng đệ tử gần nhất của họ viên tịch thì Giáo pháp của họ tồn tại lâu dài bởi những thế hệ đệ tử sau này thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau.
Này Sāriputta! Những yếu tố kể trên (Giáo pháp được thuyết giảng chi tiết, số lượng bài pháp nhiều, sự ban hành các điều luật và sự tụng đọc Pāṭimokkha) tạo thành những lý do khiến Giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana, và Kassapa được tồn tại lâu dài.
(Ở đây, liên quan đến sự tồn tại lâu dài của Giáo pháp của ba vị Phật ấy, thời gian kéo dài của cả thọ mạng và các thế hệ đệ tử cần được chú ý).
Giải thích: Thọ mạng của Đức Phật Kakusandha là bốn mươi ngàn năm, thọ mạng của Đức Phật Konāgamana là ba mươi ngàn năm, thọ mạng của Đức Phật Kassapa là hai mươi ngàn năm. Thế hệ đệ tử của các Ngài cũng có thọ mạng bằng với thọ mạng của các vị Phật ấy. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã vun bồi và giữ gìn Giáo pháp. Bằng cách này Giáo pháp của ba vị Phật được tồn tại lâu dài về cả thọ mạng lẫn các thế hệ đệ tử.
Đối với Đức Thế Tôn của chúng ta, lẽ ra Ngài phải sanh ra khi thọ mạng của loài người là mười ngàn năm, bằng nữa thọ mạng của Đức Phật Kassapa, nếu không thì cũng sanh ra trong thời kỳ thọ mạng năm ngàn năm, một ngàn năm hay năm trăm năm. Nhưng thời kỳ ấy thì trí tuệ của Ngài chưa được chín muồi. Trí tuệ ấy đạt đến trưởng thục chỉ khi thọ mạng là một trăm năm tuổi, thật là thời gian rất ngắn. Do đó, điều cần nói rõ là dù Giáo pháp của Đức Phật chúng ta kéo dài qua nhiều thế hệ đệ tử nhưng không dài như Giáo pháp của các chư Phật quá khứ tính về năm.
Sau khi nghe được lý do tồn tại của Giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa, đại đức Sāriputta bèn kết luận rằng: “Chỉ có việc ban hành giới luật là nguyên nhân để Giáo pháp của một vị Phật được tồn tại lâu dài.” Vì muốn Giáo pháp của Đức Phật hiện tại được trường tồn, trưởng lão bèn đứng dậy, sửa lại y phục, đắp y vai trái và chắp tay tôn kính hướng về Đức Phật, vị ấy thỉnh cầu Đức Phật bằng những lời thành kính: “Cầu xin Đức Thế Tôn ban hành giới luật để Giáo pháp được trường tồn. Cầu xin Đức Thiện thệ tụng Pāṭimokkha. Bạch Đức Thế Tôn! Đã đến lúc để ban hành những điều luật quan trọng để Giáo pháp được trường tồn và cũng đến lúc để tụng Pātimokkha. Bạch Đức Thế Tôn! Bậc có Thiện ngôn, đã đến lúc để ban hành các điều luật và làm cho Pāñimokkha được ghi nhớ vì sự trường tồn của Giáo pháp.”
Vì muốn nói rằng ‘Thời gian chưa chín muồi để ban hành các điều luật’ nên Đức Phật nói rằng:
“Hãy đợi, này Sāriputta! Hãy đợi, này Sāriputta! Chỉ có chư Phật mới biết thời gian thích hợp (để ban hành các điều Luật và tụng Pāṭimokkha).
(1) “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng chưa xảy ra một số tội vốn là nền tảng của các lậu hoặc (āsava) trong Giáo Pháp này thì Đức Phật vẫn chưa ban hành các điều luật cho chúng đệ tử, cũng không công bố Pātimokkha. Này Sāriputta! Khi nào xảy ra một số tội trong Tăng chúng mà vốn là nền tảng của các lậu hoặc trong Giáo pháp này thì khi ấy Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha, vì lợi ích là đoạn tận những điều ác ấy.
(2) “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng số lượng tỳ khưu chưa đông để trụ lâu dài trong chúng Tăng ấy và chưa xảy ra một số điều phạm tội mà vốn là nền tảng của các lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputta! Khi nào trong Tăng chúng có số lượng tỳ khưu đông đảo trụ lâu dài thì xảy ra trong Tăng chúng một số điều phạm tội mà vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích đoạn trừ những tội lỗi ấy mà vốn là nền tảng của lậu hoặc, Như Lai sẽ ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.
(3) “Này Sāriputta! Chừng nào Tăng chúng chưa hưng thịnh và trong Tăng chúng chưa xảy ra một số điều phạm tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp. Này Sāriputta! Tuy nhiên, khi Tăng chúng hưng thịnh thì xảy ra một số điều phạm tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là đoạn trừ những điều phạm tội ấy thì Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.
(4) “Này Sāriputta! Chừng nào Tăng chúng chưa phát sanh nhiều lợi lộc thì chưa có xảy ra một số tội mà vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputā! Khi nào trong Tăng Chúng phát sanh nhiều lợi lộc thì khi ấy sẽ xảy ra trong Tăng chúng một số tội mà vốn là nên tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là loại trừ những tội như vậy, Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.
(5) “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng chưa có nhiều kiến thức thì trong Tăng chúng chưa xảy ra một số tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputta! Khi nào trong Tăng chúng có nhiều kiến thức thì khi ấy trong Tăng chúng xảy ra một số tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là loại trừ các tội ấy, Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.
“Này Sāriputta! Bây giờ Tăng chúng đã thoát khỏi những bọt bèo (tức là những người ác), thoát khỏi các bợn nhơ, thoát khỏi những điều bất tịnh, được trong sạch và trụ vững (trong Chánh Pháp như Giới, Định, Tuệ …).
“Này Sāriputta! Trong số năm trăm vị tỳ khưu này, vị tỳ khưu thấp nhất cũng là bậc Tư-đà-hườn (sotāpanna) là người chắc chắn sẽ đạt đến tầng thánh đạo cao nhất, vì vị ấy không bao giờ rơi vào các cảnh khổ.”
(Ở đây, āsava có nghĩa là phiền não và đau khổ như vu khống, sát hại, sự giam cầm, v.v… bởi những người khác trong cuộc sống này và đau khổ là sự tái sanh vào các khổ cảnh trong kiếp sau. Bởi vì những tội như tà dâm, sát sanh, trộm cắp, v.v… tạo thành nền tảng cho các lậu hoặc nên chúng được gọi là āsavatthaniya (nền tảng của āsava).
Lúc bấy giờ, khi đại đức Sāriputta thỉnh cầu Đức Phật ban hành giới luật thì những điều phạm tội chưa xảy ra. Nếu những điều luật như: 4 Pārājika và những điều luật khác được ban hành trước khi thực sự xảy ra những điều phạm tội, hành động như vậy ắt sẽ không tránh khỏi sự chê trách, sự phê phán riêng rẻ và công khai.
Nếu các điều luật được ban hành trước thì tất cả những điều luật cần thiết ắt đã được làm như vậy. Khi nói rằng nếu một vị tỳ khưu phạm tội hành dâm, trộm cắp, v.v… ban hành những điều luật trước khi có người phạm tội, những người khác sẽ quở trách riêng lẻ và công khai như sau: “Tại sao Sa-môn Gotama lại buộc chúng ta vào những điều luật này, khi cho rằng việc chúng Tăng gắn bó với vị ấy và tuân theo lời dạy của vị ấy là đương nhiên? Tại sao vị ấy ban hành các điều luật Pārājika. Chẳng phải rằng những thành viên quý tộc này đã trở thành những vị tỳ khưu sau khi từ bỏ những vinh hoa to lớn của họ, từ bỏ hàng hàng lớp lớp quyến thuộc và tài sản quý báu mà họ từng sở hữu? Chẳng phải rằng họ vừa lòng với vật thực vừa đủ và y phục vừa đủ. Và chẳng phải rằng họ đã an trú hết mức tôn kính trong ba điều học và không có sự quan tâm đến thân thể và đời sống của họ. Trong số những người thánh thiện như vậy là những người thích lợi dưỡng của thế tục (loka-āmisa) như hành dâm, trộm cắp, sát hại, khoe pháp bậc cao nhân để kiếm lợi nuôi mạng. Cho dù bốn điều luật Pārājika không được ban hành đi nữa thì chẳng phải rằng ai cũng biết rằng hành dâm, trộm cắp, v.v… là không thích hợp, không xứng pháp Sa-môn hay sao? Vì ngay cả khi còn là một vị sa-di người ta đã thọ trì các điều học và lời nguyện rằng “Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh, v.v…” Những ý kiến như vậy sẽ là sự quở trách, sự chỉ trích kín đáo và công khai.
Hơn nữa, khả năng của Đức Phật ắt sẽ không được chúng sanh biết đến. Những điều luật đã được ban hành rồi ắt sẽ bị tiêu diệt, chúng sẽ không được tồn tại lâu dài. Thử lấy một ví dụ trong thế gian là một ông thầy thuốc thiếu trí cho gọi đến một người đàn ông mà chưa bị bệnh loét (nhưng sẽ sớm bị bệnh loét) và nói rằng: “ Này ông! Những chỗ này trên người của ông sẽ nổi lên những cái mụn nhọt, nó đe dọa đến tính mạng của ông. Hãy lo chữa trị nó trước đi!” “Dạ, thưa ông! Nhờ ông chữa giùm.” Khi nói như vậy, người đàn ông để cho ông thầy thuốc làm phẫu thuật ở chỗ trên người mà không có cái mụn nhọt nào, và làm cho da liền trở lại. Ông thầy thuốc đắp băng, tẩm thuốc và làm sạch, v.v… sau đó ông thầy thuốc đòi tiền người đàn ông kia: “Tôi đã chữa xong cái mụn nhọt của ông rồi, xin ông hãy trả tiền thuốc men.”
Khi ấy, người đàn ông đã được chữa trị có thể khiển trách kín đáo và công khai ông thầy giải phẫu thiếu thông minh với lời lẽ rằng: “Cái ông thầy thuốc điên khùng này đang nói điều gì đây? Thực ra, không phải ông thầy thuốc ngu dốt đã gây phiền phức cho tôi sao? Chẳng phải rằng ông ta đã làm cho tôi bị mất máu?” Người đàn ông này có thể sẽ không biết ơn người thầy thuốc.
Cũng vậy, nếu Đức Phật ban hành các điều luật cho chúng đệ tử khi những điều phạm tội thực sự chưa xảy ra thì Ngài ắt sẽ không thoát khỏi sự chỉ trích sau lưng và trước mặt. Sự kỳ diệu của Ngài có thể không được chúng sanh biết đến. Nhưng điều luật được ban hành ắt sẽ bị tiêu diệt, chúng sẽ không được dài lâu. Vì thế những lời phủ nhận của Đức Phật là: “Này Sāriputā! Chừng nào chưa có những điều phạm tội xảy ra trong Tăng chúng thì Như Lai chưa ban hành các điều luật cho chúng đệ tử, v.v…”
Ở đây, thời gian mà những điều phạm tội chưa xảy ra nghĩa là chưa phải thời gian thích hợp để ban hành các điều luật. Thời gian mà những điều phạm tội xảy ra nghĩa là thời gian thích hợp để ban hành các điều luật. Sự ban hành điều luật trong thời gian không thích hợp có thể gây ra sự chê trách như đã nói trên. Hành động như vậy được xem là cần thiết khi có điều phạm tội xảy ra giống như vị y sĩ thông minh chữa trị cái mụn nhọt xuất hiện bằng cách giải phẫu trên nó, đắp thuốc, băng bó, lau sạch, v.v… làm cho cái mụn nhọt đó biến mất và đồng thời làm cho lớp da lành lặn trở lại. Đức Phật cũng có thể được ví như ông thầy thuốc kia là người không bị chê trách mà còn được tôn trọng vì việc làm xuất sắc của ông ta trong nghề chữa bệnh. Tương tự như vậy, Đức Phật không bị chê trách sau lưng hay trước mặt mà còn được tôn kính vì khả năng kỳ diệu của Ngài trong phạm vi Nhất thiết trí của Ngài. Những điều luật được ban hành khi ấy sẽ không bị suy tàn mà còn được trụ vững lâu dài.
Những lời trong câu nói đầu tiên cho thấy thời gian thích hợp và thời gian không thích hợp để ban hành các điều luật. Những lời trong những năm thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho thấy thời gian mà những điều phạm tội đã xảy ra. Có thể ý nghĩa chi tiết của những câu này từ phẩm Verañjā của bộ Chú giải Pārājika Kaṇḍa.
Sự cáo từ vào lúc mãn hạ
Sau khi Đức Phật đã giải thích chi tiết về vấn đề ban hành các điều luật đến trưởng lão Sāriputta, bậc tướng quân của Chánh pháp. Ngài trải qua suốt mùa mưa tại Verañjā và làm lễ Tự tứ vào ngày Mahā Pavaranā, ngày rằm tháng Assayuja vào cuối mùa an cư. Rồi Ngài gọi đại đức Ānanda đến và dạy rằng: “Này Ānanda! Khi chư Phật nhập hạ theo sự thỉnh cầu của người khác thì việc ra đi mà không nói lời cáo từ họ là không phải tục lệ của chư Phật. Này Ānanda! Chúng ta hãy đi và cáo từ Bà-la-môn Verañjā.” Sau khi độ thực xong, Đức Phật cùng với đại đức Ānanda đến viếng nhà của Bà-la-môn Verañjā lúc xế chiều, chiếu sáng các cổng thành bằng hào quang từ thân của Ngài.
Khi Đức Phật đứng ở cửa nhà của Bà-la-môn thì những người nhà của ông trông thấy Đức Phật bèn nhắc nhở ông chủ của họ (chỉ khi ấy ông Bà-la-môn mới nhớ đến những trách nhiệm của ông). Ông vội vã đứng dậy để lo sửa soạn chỗ ngồi xứng đáng cho Đức Thế Tôn. Rồi ông ta đón tiếp và cung kính thỉnh mời Ngài với lời tác bạch: “Xin thỉnh Đức Thế Tôn vào lối này!” Đức Phật đi vào theo lời thỉnh mời của Bà-la-môn và ngồi xuống trên chỗ đã được soạn sẵn (vào lúc ấy thì ma vương đã thâu lại phép thuật của hắn rồi).
Đức Phật nói: “Này Bà-la-môn! Như Lai đã nhập hạ theo lời thỉnh cầu của ông. Bây giờ Như Lai báo cho ông biết rằng đến lúc Như Lai phải đi đến nơi khác.”
Ông Bà-la-môn đáp: “Đúng rồi, thưa Đức Gotama! Ngài đã nhập hạ theo lời thỉnh mời của chúng con, mà con thì chưa cúng dường vật thực. Lý do là chẳng phải chúng con không có gì để cúng dường hay chúng con không muốn cúng dường. Những người có cuộc sống gia đình thường có khá nhiều việc phải làm. Biết tìm đâu cơ hội để họ bố thí cúng dường? Cầu xin Đức Gotama và hội chúng tỳ khưu hãy thọ lãnh vật cúng dường của con là việc phước của con vào ngày mai.”
Bà-la-môn không hề biết ảnh hưởng của ma thuật của ma vương. Ông ta nghĩ rằng sự đãng trí của ông ta là do công việc bận rộn và những trở ngại trong đời sống gia đình cho nên ông ta mới thỉnh cầu Đức Phật như vậy.
Khi ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Nếu Như Lai không nhận lời thỉnh cầu của ông ta thì tội sẽ phát sanh đến ông ta và đến tất cả dân cư của thành phố Verañjā này.” Vì họ nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama xem ra tức giận vì vị ấy không nhận được vật cúng dường trong ba tháng an cư của mùa mưa. Cho nên một bữa ăn mà vị ấy từ chối bất chấp lời thỉnh mời của ta. Sa-môn Gotama không có lòng nhẫn nại, vị ấy không phải là bậc Toàn Giác. Đừng nên để tội phát sanh đến họ.” Do lòng bi mẫn, Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu bằng thái độ im lặng. Sau đó, Đức Phật bằng một thời pháp thoại vào lúc ấy làm cho Bà-la- môn biết được tính chất phù phiếm của những công việc và những bận rộn trong đời sống gia đình. Đức Phật cho thấy hai lợi ích: lợi ích trong kiếp sống hiện tại và lợi ích trong kiếp sống tương lai. Ngài cũng khiến cho ông ta chuyên tâm làm những việc thiện, an trú với tâm đầy nhiệt tâm và vui thích trong những việc thiện ấy. Rồi Ngài đứng dậy ra đi.
Sự cúng dường vật thực to lớn của Bà la môn Verañjā
Sau khi Đức Phật ra đi, Bà-la-môn Verañjā cho gọi tất cả người trong gia đình của ông ta đến chỗ họp bàn. Tại đó, ông ta nói: “Mọi người hãy nghe đây! Trong ba tháng mùa mưa dù ta đã thỉnh mời Đức Phật nhập hạ ở đây nhưng ta chưa cúng dường một bữa ăn nào đến Đức Phật. Bây giờ chúng ta hãy lo sửa soạn vật thực cúng dường vào ngày mai để đền bù ba tháng chúng ta đã không cúng dường.” Sau khi tuyên bố như vậy, Bà-la-môn Verañjā cho người nấu các món ăn thượng vị; sáng hôm sau ông ta cho người trang hoàng chỗ ở và sửa soạn những chỗ ngồi xứng đáng với các bậc Thánh Tăng và đồng thời cho bày ra những vật cúng dường về hoa và vật thơm. Ông ta cho người đến thỉnh Đức Phật với lời thỉnh: “Kính bạch Đức Gotama! Đã đến giờ thọ thực, vật thực đã được sẵn sàng.”
Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu tháp tùng đi đến nhà của Bà- la-môn và ngồi vào những chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Đích thân Bà- la-môn Verañjā đứng ra phục vụ chúng Tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu bằng những món ăn thượng vị cho đến khi các Ngài được thỏa mãn và từ chối không độ thêm nữa. Sau khi Đức Phật thọ thực xong, Bà-la- môn Verañjā dâng đến Ngài một bộ Tam Y đáng giá ba ngàn (mỗi chiếc y giá trị một ngàn). Ông ta cũng dâng đến mỗi vị tỳ khưu một bộ gồm hai tấm vải may y (giá trị một tấm vải là năm trăm, cho nên số vải mà ông ta dâng cúng đến các vị tỳ khưu trị giá lên đến năm trăm ngàn. Đây là chi tiết được trích ra từ Tạng Kinh Pāḷi).
Vì Bà-la-môn Verañjā chưa thỏa mãn với bấy nhiêu lễ vật cúng dường (về y phục trị giá năm trăm ngàn). Ông ta lại dâng cúng thêm một lượng lớn những tấm thảm, những xấp vải có nguồn gốc từ nước Pattunna, mỗi tấm trị giá từ bảy đến tám ngàn để chúng có thể được cắt làm những tấm y hai lớp, những tấm y đắp vai, những sợi dây lưng, những đồ lọc nước, v.v…
Ông ta cũng dâng cúng đến mỗi vị tỳ khưu một lọ đựng thuốc mỡ trị giá một ngàn đồng. Ông dâng cúng đến Chư Tăng mà không bỏ sót món gì từ bốn món vật dụng. Ông ta đã cúng dường tất cả những thứ cần thiết đến chư Tăng.
Sau khi đã làm việc phước bố thí to lớn như vậy, Bà-la-môn với vợ và các con ngồi xuống cung kính đảnh lễ Đức Phật. Do bị phép thuật của ma vương, ông ta đã mất đi cơ hội thưởng thức hương vị của nước Bất tử qua thời pháp của ba tháng mùa mưa. Để đền bù sự mất mát cho Bà-la-môn Verañjā và làm thành tựu ước nguyện của ông ta, Đức Phật bèn tạo ra một đám mưa Bất tử trút xuống tràn trề trong một ngày. Ngài thuyết giảng về hai lợi ích của đời sống hiện tại và đời sống tương lai và an trú Bà-la-môn trong những việc phước. Cuối cùng, Đức Phật thuyết pháp khích lệ cho ông Bà-la-môn Verañjā có sự nhiệt tâm và vui thích trong các việc phước rồi Ngài ra đi.