Chói Sáng Cội Nguồn Tâm 

Cốt Lõi Thật Sự Của Tâm

Ajahn Maha Boowa

Diệu Hạnh dịch Việt

Nhận thức là một chức năng của cốt lõi của tâm. Các trạng thái của thức tồn tại cùng với sự tỉnh giác biết chúng, và cốt lõi biết của tâm chính là gốc rễ và cội nguồn của sự nhận biết đó. Các trạng thái tạm thời của tâm sinh diệt trong luồng tâm thức chỉ thuần túy là những hiện tượng do nhân duyên. Vì cốt lõi của tâm không do nhân duyên nào cả, nó là thực tại duy nhất bền vững.

Tâm thức trôi chảy tự nhiên ra khỏi gốc của tâm, chuyển động từ trung tâm của tâm lên bề mặt. Tâm thức bề mặt liên tục thay hình đổi dạng khi bị dao động bởi các luồng gió tham, sân, si. Nhưng cốt lõi của tâm vẫn bất động và có mặt với sự thuần khiết sẵn có của nó. Là nhận thức thuần túy, tâm cội nguồn này chỉ đơn giản là biết. Những hoạt động phát sinh từ cốt lõi của tâm, như nhận biết về sắc pháp hay danh pháp là những trạng thái điều kiện duyên sinh của thức bắt nguồn từ tâm. Vì tâm thức là thể hiện của các hoạt động và trạng thái của tâm, với bản chất tự nhiên luôn sinh diệt nên sự nhận biết của tâm thức luôn thay đổi và không đáng tin cậy.

Khi luồng tâm thức hướng ra ngoài tiếp xúc với các giác quan, nhận biết bị đồng hóa với đối tượng của nó. Khi tiếp xúc với mắt, cảnh làm duyên cho nhãn thức, và thức trở thành nhìn thấy. Khi tiếp xúc với tai, âm thanh làm duyên cho nhĩ thức, và thức trở thành nghe thấy,. . . Do đó khi thức khởi sinh, cốt lõi của tâm bị mờ đi, không thể tìm thấy được nữa. Không phải là cốt lõi đó biến mất, mà bản chất biết của tâm đã bị chuyển hóa thành thức. Bình thường, khi con người để cho mắt và tai chạy theo hình ảnh và âm thanh, họ bị lôi cuốn theo trần cảnh, sự lắng dịu chỉ trở lại khi những đối tượng giác quan đó không còn nữa. Tâm thức bình thường không tu tập luôn bị ám ảnh không ngừng bởi trò hí lộng của ma vương nên con người bỏ quên hoàn toàn cốt lõi thực sự của tâm.

Bằng cách quay ngược luồng tâm thức, ý nghĩ bị cắt quãng và ngưng lại. Khi ý nghĩ biến mất, tâm thức thể nhập vào trong, hòa vào cốt lõi nhận biết của tâm. Khi thực hành liên tục, nền tảng này không thể bị lay chuyển trong mọi hoàn cảnh. Khi đó, kể cả khi tâm ra khỏi thiền định, nó vẫn thấy vững chắc như thể không gì có thể làm nhiễu được sự nội tĩnh của tâm. Mặc dù định không chấm dứt được đau khổ, định vẫn là một nền tảng lý tưởng để bước vào một cuộc tấn công các ô nhiễm tinh thần gây nên đau khổ. Việc quan sát trở nên tự nhiên và trực giác, chánh niệm luôn có mặt. Sự tập trung tức thời và sắc bén này hổ trợ cho công việc khảo sát và quán chiếu của trí tuệ. Sự an định mạnh mẽ do thiền định trở thành nền tảng tuyệt vời cho việc phát triển sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của thực tại.

Một tâm không bị xao lãng bởi những suy nghĩ và cảm xúc bên ngoài chỉ tập trung duy nhất vào trường nhận biết và khảo sát những hiện tượng khởi sinh ở đó dưới ánh sáng của sự thật, không bị ảnh hưởng bởi võ đoán hay suy luận. Đấy là một nguyên tắc quan trọng. Quá trình khám phá diễn ra suôn sẽ nhờ sự khéo léo và thuần thục. Không bao giờ bị xao lãng hoặc bị lạc hướng bởi phỏng đoán, trí tuệ thực sự khảo cứu, quán chiếu và hiểu ở mức độ rất thâm sâu.

Nhưng trải nghiệm cốt lõi thực sự của tâm là phương tiện chứ không phải là điểm đích – phương tiện để giải phóng tâm khỏi những chướng ngại thô trong tâm, và tạo nên một nền tảng vững chắc để tiếp tục tu tập.

Chúng ta phải nhớ rằng Tâm – chứ không phải nhận biết về vô số các hiện tượng trong thế giới quy ước – là cốt lõi của việc thực hành Phật Pháp.

Cuốn Chói Sáng Cội Nguồn Tâm được Minh Tuệ Đỗ Minh sưu tầm và biên soạn, song ngữ Anh Việt. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app