Chói Sáng Cội Nguồn Tâm 

Chân Tâm Và Tâm Trí

Ajahn Thate – Tâm Pháp dịch Việt

Trước khi bắt tay vào hành thiền, đầu tiên bạn nên biết về sự khác biệt giữa tâm trí và chân tâm, bởi vì chúng không phải là một. Tâm trí là cái tư duy, suy nghĩ và tạo lập các loại tưởng, các loại khái niệm, tư tưởng đủ loại. Chân tâm chỉ đơn giản tĩnh lặng và hay biết rằng tĩnh lặng mà không hề tạo tác, gia công thêm bất cứ loại suy nghĩ, tư tưởng nào khác. Sự khác nhau giữa chúng cũng như sự khác nhau giữa con sông và sóng nước trên mặt sông vậy.

Tất cả mọi thứ kiến thức và tất cả mọi phiền não chỉ có thể sanh khởi lên bởi vì tâm trí chúng ta suy nghĩ tới chúng và tạo tác các loại ý nghĩ, tư tưởng và rồi lạc đường đi tìm kiếm chúng.

Bạn chỉ có thể thấy rõ được những điều này bằng chính chân tâm của mình, khi tâm trí đã trở nên tĩnh lặng và bạn tiếp cận được với chân tâm.

Bản chất của nước vốn luôn luôn trong và sạch. Nếu ai đó pha thuốc màu vào nước, khi đó nước cũng đổi màu theo. Nhưng một khi nước đã được lọc và để lắng trong, nó sẽ trở thành nước sạch và trong suốt như trước khi pha màu. Tâm trí và chân tâm của chúng ta cũng giống như vậy.

Thực ra, Đức Phật dạy rằng tâm trí của chúng ta cũng chính là chân tâm. Nếu không có tâm trí đó thì cũng chẳng thể có tâm. Tâm trí chỉ là một nhân duyên, một điều kiện. Còn bản thân chân tâm thì không có điều kiện, không cần nhân duyên. Trong pháp hành thiền, dù cho bất cứ phương pháp nào mà người thầy hướng dẫn, nếu phương pháp đó đúng đắn thì nhất định nó phải giúp bạn xuyên thấu tới chân tâm của chính mình.

Khi đã tiếp cận đến chân tâm, bạn sẽ thấy được tất cả các loại phiền não của mình, bởi vì tâm trí chúng ta tích tụ tất cả các loại phiền não ở chính trong nó. Vì vậy, giờ đây cách thức xử lý chúng như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào chính bạn.

Chân tâm và tâm trí, bây giờ chúng ta sẽ nói thêm một chút về chân tâm và tâm trí để bạn có thể hiểu được chúng. Bởi cuối cùng thì chúng ta đều đang nói về quá trình luyện tâm để đạt tới định, nếu không hiểu biết về mối quan hệ giữa chân tâm và tâm trí, bạn sẽ không thể biết được mình đang ở chỗ nào và cách thực hành định ra sao.

Tất cả mọi chúng sanh được sinh ra – dù là con người hay động vật cũng đều có chân tâm và tâm trí, song chân tâm và tâm trí có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tâm trí suy nghĩ, lang thang và tạo dựng nên đủ loại ý tưởng theo sự dẫn dắt của các loại phiền não. Còn chân tâm, nó chỉ đơn giản là cái hay biết. Nó không tạo tác nên bất cứ một ý tưởng nào cả. Nó nằm ở giữa, trung lập với tất cả mọi thứ. Chánh niệm trung lập: đó chính là chân tâm.

Chân tâm không hề có một cơ thể vật chất. Nó là một hiện tượng của tâm mà thôi. Nó chỉ đơn giản là sự chánh niệm. Bạn có thể đặt nó ở bất cứ nơi đâu. Nó không hề nằm trong hay nằm ngoài cơ thể. Khi chúng ta gọi trái tim cơ bắp trong ngực này là tâm, nó không phải là chân tâm thực sự. Nó chỉ là một cơ quan nội tạng bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống chúng ta mà thôi. Nếu trái tim này không hoạt động nữa thì cuộc sống cũng chấm dứt.

Mọi người nói chung vẫn thường nói về tâm như thế này: “Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trong tâm…tôi cảm nhận nỗi buồn…sự nặng nề…sự thanh thản nhẹ nhàng…trong tâm”. Tất cả đều quy về tâm. Các học giả chuyên về Vi diệu pháp (Abhidhamma) thường hay nói rằng: có tâm bất thiện, tâm thiện, tâm vô nhân, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế và vân vân…nhưng không ai trong số họ hiểu được thế nào là tâm và thế nào là chân tâm.

Tâm là cái suy nghĩ, lý luận và tạo dựng nên các ý tưởng. Nó phải sử dụng đến 6 giác quan làm công cụ. Ngay khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm giác sự xúc chạm –nóng, lạnh, cứng, mềm – và ý suy nghĩ, nắm bắt các ý tưởng theo dòng phiền não, tốt hay xấu: nếu bất cứ điều gì cảm nhận là tốt, tâm liền thích thú; nếu xấu, nó chán ghét. Tất cả những điều này đều là công việc của tâm, hay của phiền não. Ngoài sáu giác quan này, tâm trí không thể sử dụng được cái gì nữa. Trong kinh điển, chúng được chia ra thành sáu căn, sáu trần và sáu giới, đại loại như vậy, nhưng không có thứ nào trong đó nằm bên trong sáu giác quan cả. Do vậy, những thứ này cũng đều là những đặc tính của tâm: cái không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.

Khi bạn huấn luyện tâm mình, hay nói cách khác là tu tập định, bạn phải chế ngự tâm mình vốn luôn lang thang chạy theo sáu giác quan và buộc nó đứng yên lại ở một điểm: đó chính là đề mục niệm Buddho. Đừng để nó tuột chạy đi đằng trước hay thụt lại đằng sau. Làm cho nó an trụ và hay biết rằng nó đang an trụ: đó chính là chân tâm. Chân tâm không có việc gì phải làm đối với sáu giác quan cả, chính vì thế nó được gọi là chân tâm.

Nói chung khi mọi người nói về chân tâm, họ thường ám chỉ về nơi tâm điểm của nó. Thậm chí, ngay cả khi họ nói về chân tâm của mình, họ cũng chỉ vào giữa ngực mình. Thực ra chân tâm chẳng nằm ở một nơi nào trong thân này cả, mặc dù nó vẫn luôn nằm ở nơi trung tâm của tất cả mọi thứ.

Nếu bạn muốn hiểu thế nào là chân tâm, bạn có thể thử làm một thí nghiệm sau đây. Hãy hít vào một hơi và giữ một lúc. Vào lúc đó, chẳng thể có cái gì cả, ngoại trừ một điều: chánh niệm đơn thuần, hoàn toàn trung lập. Đó chính là chân tâm, hay là “cái hay biết”. Nếu bạn cố gắng nắm bắt chân tâm của mình theo cách này, bạn sẽ không thể nắm giữ nó được lâu, chỉ lâu đến mức có thể nhịn thở được mà thôi, nhưng bạn có thể thử làm như vậy, chỉ để thấy ra được thế nào là chân tâm thực sự mà thôi.

(Giữ hơi thở có thể giúp làm giảm nhẹ cơn đau trên thân. Những người phải chịu những cơn đau đớn vật vã thường giữ hơi thở như là một cách giảm đau khá hiệu quả).

Khi bạn đã nhận ra rằng tâm trí và chân tâm có những chức năng và đặc tính khác biệt nhau như thế, bạn sẽ thấy công việc huấn luyện tâm của mình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thực ra thì chân tâm và tâm trí cũng chỉ là một mà thôi. Như Đức Phật đã nói, chân tâm cũng chính là tâm trí. Khi thực hành thiền chỉ, thì chỉ cần huấn luyện tâm mình là đủ; một khi tâm đã được huấn luyện, thì ngay tại đó chúng ta sẽ thấy được chân tâm của mình.

Cái Biết Không Sinh Không Diệt

Achan Chah

Minh Vy dịch Việt

Tất cả mọi suy nghĩ chỉ là sự dao động của tâm, và cái biết thì không sinh và không diệt. Theo bạn nghĩ thì sự dao động của tâm phát xuất từ đâu? Cái mà chúng ta gọi là tâm – tất cả những sự dao động – chỉ là cái tâm thông thường. Nó không phải là cái tâm thật. Cái tâm thật chỉ đó, nó không sinh vầ không diệt.

Hãy quán chiếu rằng tất cả các pháp phát sinh trong tâm đều không chắc chắn, không có gì bền vững cả. Hãy thấy nó rõ ràng và thấy rằng không có nơi nào để nắm giữ một thứ gì cả – tất cả đều rỗng không.

Khi bạn nhìn thấy thực chất của các pháp sinh khởi trong tâm, bạn sẽ không cần làm việc với suy nghĩ nữa. Bạn sẽ không nghi ngờ gì nữa về những điều này.

Chúng ta gọi là cái “tâm thật” hay “chân tâm” cho dễ hiểu và tiện việc nghiên cứu, nhưng thật sự thì thiên nhiên là thế thôi.Thí dụ, chúng ta ngồi trên sàn nhà đá ở đây. Sàn nhà là nền – nó không di động hay đi đâu cả. Lầu, bên trên chúng ta, là cái được xây cất lên từ cái nền này. Lầu cũng giống như những thứ mà chúng ta nhìn thấy trong tâm. : hình sắc, cảm xúc, ký ức, suy nghĩ. Thật ra chúng không tồn tại theo cách chúng ta nghĩ. Chúng chỉ là cái tâm thông thường. Chúng sinh khởi rồi lại hủy diệt; chúng không có thực chất, không thật sự tồn tại.

Bất cứ thứ gì phát sinh trong sự tu hành của bạn, cứ buông bỏ nó, biết rằng tất cả đều không chắc chắn, đều tạm bợ. Hãy nhớ như thế. Tất cả đều không chắc chắn. Hãy kết thúc với chúng. Đây là con đường dẫn bạn về với cội nguồn – cái Tâm Nguyên Thủy của bạn.

Tâm Nguyên Thuỷ

Achan Chah

Minh Vy dịch Việt

Vấn đề của tâm là – thật sự thì không có gì trục trặc với nó cả. Bản chất cố hữu của nó là vậy, nó thuần khiết, trong sạch. Tự nó sẵn đã bình an. Nếu có những lúc tâm không an lạc, đó là bởi vì nó chạy theo cảm xúc thương ghét buồn vui ở đời. Cái tâm chân thật không có gì là vui buồn hay thương ghét mà chỉ là sắc thái của tự nhiên. Nó trở nên bình an hay chao động chỉ vì nó bị cảm xúc lừa gạt. Một cái tâm chưa được huấn luyện quả thật rất khờ dại. Lục trần cho nó những ảo giác về hạnh phúc và đau khổ, nhưng bản chất thật sự của tâm không có những thứ này.Hạnh phúc hay đau khổ không phải là tâm, mà chỉ là những cảm xúc đang lừa gạt chúng ta. Tâm chưa được huấn luyện dễ bị đánh lạc hướng và chạy theo những thứ này.Nó quên chính nó. Rồi chúng ta nghĩ rằng đó chính là chúng ta đang tức giận hay vui sướng hay gì đó.

Nhưng thật sự thì tâm của chúng ta đã sẵn và tĩnh lặng và bình an – thật sự bình an! Giống như chiếc lá vẫn đứng im chừng nào nó chưa bị gió thổi. Nếu gió đến, chiếc lá đong đưa chao động. Sự chao động là do gió – sự chao động của tâm do lục trần, tâm chạy theo chúng.

Sự tu hành của chúng ta chỉ là để nhìn thấy bản chất thật sự của cái “Tâm nguyên thủy”. Chúng ta phải huấn luyện tâm để thấu hiểu, nhận biết được lục trần và không bị chúng đánh lạc hướng, để làm cho tâm được thanh bình an lạc. Đây chính là mục đích của tất cả những sự tu hành cam khổ mà chúng ta phải trãi qua.

Tâm Trong Sáng

Ajahn Mun

Hoang Phong dịch Việt

Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng ngời, thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê.

“Này các tỳ kheo, từ nguyên thủy cái tâm thức ấy thật trong sáng và rạng ngời, thế nhưng chỉ vì các thứ ô nhiễm và uế tạp len vào biến nó thành u mê, và làm cho các tia sáng rạng rỡ của nó không sao hiển hiện lên được”

Người ta thường so sánh các lời giảng này của Đức Phật với bài thơ dưới đây:

“Một gốc cây to tỏa rộng sáu nghìn cành.

Mỗi ngày hàng trăm con tắc kè hoa thật to leo lên,

Mỗi ngày hàng nghìn con tắc kè hoa thật bé bò lên.

Nếu người chủ không canh chừng,

Thì chúng sẽ kéo theo thêm bè bạn. ngày càng thêm đông.”

Sau đây là cách hiểu về bài thơ này: Nếu bỏ đi ba số không của con số 6.000 thì gốc cây chỉ còn lại sáu cành, biểu trưng cho sáu giác quan cửa mở ra cho những con tắc kè bò vào.

Những con tắc kè là những thứ “giả mạo”, không phải là những gì đúng thật. Các thứ ô nhiễm không hề mang tính cách đích thật. Chúng chỉ là hàng trăm hay hàng ngàn thứ từ ngoài chui vào. Nào chỉ có thế đâu, các thứ ô nhiễm chưa kịp hiện ra sẽ tiếp tục hiện ra, và ngày càng nhiều hơn khi mình chưa tìm thấy được một giải pháp khả dĩ có thể biến cải được bản chất của tâm thức mình.

Tâm thức rạng ngời hơn bất cứ một thứ gì khác, thế nhưng chỉ vì các thứ giả mạo – tức những thứ ô nhiễm tạm thời len vào bên trong nó – đã khiến cho nó trở nên u mê. Nó đánh mất các tia sáng rạng ngời của nó, tương tự như mặt trời bị mây che khuất. Không nên nghĩ rằng mặt trời chạy theo các áng mây! Mà phải hiểu rằng chính các áng mây trôi ngang đã che khuất mặt trời.

Chỉ khi nào người hành thiền thấu hiểu được sự kiện ấy. Chỉ khi nào đã biến cải được tâm thức mình nhằm giúp mình đạt được thể dạng nguyên sinh của nó, thì khi đó các thứ ô nhiễm mới bị tẩy sạch. Nói một cách khác là các thứ giả mạo sẽ không còn xâm chiếm được tâm thức nguyên sinh của mình nữa, bởi vì các chiếc cầu nối liền các thứ ấy với tâm thức mình đã bị phá sập. Dù cho tâm thức vẫn còn tiếp xúc với các mối lo toan thế tục, thế nhưng các sự tiếp xúc ấy cũng chẳng khác gì như những hạt nước lăn trên tàu lá sen.

Tâm Và Tự Tánh Của Tâm

Sogyal Rinpoche

Trí Hải dịch Việt

Quan niệm cách mạng trong Phật Giáo là, sự sống và chết ở ngay trong tâm, không đâu khác. Tâm được xem như nền tảng phổ quát của kinh nghiệm, kẻ sáng tạo ra hạnh phúc và khổ đau, kẻ sáng tạo ra cái ta gọi là sự sống và sự chết.

Có nhiều phương diện của tâm, nhưng có hai phương diện nổi bật hơn cả.Đầu tiên là cái tâm thông thường mà người Tây Tạng gọi là Sem. Một bậc thầy đã định nghĩa: “ Đó là cái tâm có khả năng phân biệt, có ý thức về nhị nguyên – hoặc lấy hoặc bỏ một đối tượng bên ngoài – đó là tâm”. Đó là thứ có thể giao thiệp với một thứ gì khác, bất cứ thứ gì khác, được xem là sở tri (bị biết), khác với cái năng tri (người biết). Sem là cái tâm suy nghĩ, tâm nhị nguyên, phân biệt, chỉ có thể vận hành tương quan với một điểm quy chiếu ở ngoài, bị nhận lầm và chỉ là một cái bóng được chiếu ra.

Vậy Sem là cái tâm suy nghĩ, đặt kế hoạch, ham muốn, vận động, cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ, tạo ra và say mê trong những đợt sóng tư duy và cảm xúc tiêu cực, cái tâm cứ luôn phải tiếp tục quả quyết, đánh giá, và xác định lại hiện hữu của nó bằng cách cắt xén, đặt tên, củng cố kinh nghiệm. Tâm thông thường là miếng mồi thụ động di chuyển không ngừng theo những ảnh hưởng bên ngoài, theo những khuynh hướng tập quán và điều kiện: Những bậc thầy ví nó với ngọn đèn cầy đặt trước gió, phải bị lay động bởi tất cả những ngọn gió của hoàn cảnh.

Nhìn từ một góc cạnh, thì Sem là lay động, không dừng trụ, cố chấp, luôn xía vào việc của người khác; năng lực nó bị tiêu hao do chiếu ra ngoài quá nhiều. Đôi khi tôi ví nó như hột đậu nhảy của xứ Mexico hay một con khỉ không ngừng nhảy chuyền cành. Tuy vậy, nhìn một cách khác thì tâm thông thường có một tính cố định sai lầm, tạm bợ, một tính trơ lì tự mãn, một sự bình thản lạnh lùng của thói quen ăn sâu, Sem láu cá như một chính trị gia quỷ quyệt, hoài nghi, nhiều mưu mô, lừa dối, và tinh vi với những trò lừa gạt, Jamyang Khyentse đã viết như vậy. Chính trong kinh nghiệm của Sem, cái tâm hỗn mang vô trật tự này mà chúng ta chịu những đổi thay và chết chóc.

Nhưng còn có bản tính tự nhiên của tâm, tính chất sâu xa của nó, cái tuyệt đối không dính tới đổi thay và chết chóc. Hiện giờ nó đang ẩn trong tâm Sem thông thường của ta, bị bao phủ và che mờ bởi những huyên náo rộn ràng trong tâm, những ý nghĩ và cảm xúc. Mây có thể bị luồng gió mạnh thổi tan, để lộ mặt trời sáng chói và bầu trời rộng mở. Cũng thế trong vài trường hợp đặc biệt, một cảm hứng nào đó có thể vén mở cho ta thấy bản tính tự nhiên ấy của tâm. Những sự hé thấy này có nhiều mức độ cạn sâu, song đều đem lại cho ta một ít nhận thức, ý nghĩa và giải thoát tự do. Bởi vì bản tính tự nhiên này của tâm chính là gốc rễ của trí tuệ.

Tiếng Tây Tạng gọi nó là Rigpa, sự tỉnh giác trong sáng thuần khiết có tính chất thông minh, biết nhận thức, sáng chói và luôn tỉnh thức. Có thể nói đó là kiến thức của chính kiến thức.

Đừng tưởng lầm bản chất tự nhiên của tâm chỉ có trong tâm ta mà thôi. Kỳ thực nó là bản chất của mọi sự vật. Điều cần nói là, trực nhận bản tính tự nhiên của tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của mọi sự vật.

Những bậc thánh và hành giả huyền học trong lịch sử thường nói về sự chứng ngộ của họ bằng những tên khác nhau, khoác cho nó nhiều bộ mặt khác nhau, lối giải thích khác nhau, nhưng tất cả điều kinh nghiệm một điều căn bản là bản tính thuần túy của tâm. Người Ki Tô và Do Thái giáo gọi nó là “Thượng Đế”; Ấn Độ giáo gọi là “ Đại ngã”; “Shiva”, “Brahman” và “Vishnu”; những nhà thần bí Sufi gọi nó là “Tính chất ẩn nấp” (hidden essence); còn Phật tử thì gọi là “Phật Tính”. Trọng tâm của mọi tôn giáo là niềm xác tín rằng, có một chân lý thâm căn, và đời sống là một cơ hội thiêng liêng để tiến hóa và nhận ra chân lý ấy.

Khi ta nói Phật, tự nhiên nghĩ đến thái tử xứ Ấn Độ Gautama Siddhartha đạt giác ngộ vào thế kỷ 6 trước công nguyên, người đã giảng dạy con đường tâm linh mà hàng triệu người khắp châu Á noi theo, ngày nay gọi là Phật Giáo. Tuy nhiên danh từ Buddha có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nó có nghĩa là một con người, bất cứ người nào, đã hoàn toàn thức dậy từ giấc ngủ ngu dốt và mở mang tiềm năng trí tuệ bao la của mình. Một “ Đức Phật” chính là một người đã chấm dứt đau khổ và bất mãn, đã tìm ra một niềm bình an, hạnh phúc dài lâu bất tận.

Nhưng đối với nhiều người trong thời đại hoài nghi này, trạng thái ấy có vẻ như một điều huyễn hoặc, mộng mị, hay một sự thành tựu hoàn toàn vượt ngoài tâm. Điều quan trọng nên nhớ là, Đức Phật đã từng là một con người như bạn và tôi. Ngài chưa từng tuyên bố mình là thần thánh gì cả, ngài chỉ biết mình có Phật tính, hạt giống của giác ngộ, và mọi người cũng đều có. Phật tính là quyền sống của mọi chúng sinh, và tôi thường nói rằng, “ Phật tính nơi chúng ta cũng tốt như Phật tính nơi bất cứ Đức Phật nào”. Đây là tin lành mà Đức Phật mang lại cho chúng ta từ khi ngài giác ngộ tại gốc bồ đề, nơi mà nhiều người sau này đã tìm thấy nguồn cảm hứng thiêng liêng. Thông điệp của ngài: Sự khai sáng luôn ở trong tầm tay tất cả chúng ta, luôn đem lại cho ta một hy vọng tràn trề. Nhờ luyện tập, chúng ta cũng có thể đạt đến sự tỉnh thức. Nếu điều này không đúng, thì vô số người từ xưa cho đến ngày nay đã không giác ngộ.

Tương truyền khi Đức Phật mới đạt giác ngộ, điều duy nhất ngài muốn làm là chỉ cho tất cả chúng ta bản chất của tâm, san sẻ cho chúng ta những gì ngài đã giác ngộ. Nhưng ngài cũng thấy, với nỗi đau buồn và lòng từ bi bao la, thật khó mà làm cho chúng ta hiểu được.

Mặc dù cũng có bản chất của tâm như Phật, nhưng chúng ta không nhận ra được vì nó bị gói kín, bao trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta. Hãy tưởng tượng một cái bình trống, khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ, cũng giống như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn, khoảng không gian “ bên trong” liền tan hòa ngay vào không gian “ bên ngoài”. Cả hai trở thành một; Ngay lúc đó và tại chỗ đó, ta nhận thức được là chúng chưa từng có sự ngăn cách hay sai khác. Chúng vẫn luôn là một.

Vì vậy, dù đời ta có thế nào, Phật tính của ta cũng luôn ở đấy, luôn hoàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được, và chúng sinh với tất cả ngu dốt có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem. Tính bản nhiên của chúng ta có thể ví như bầu trời, và sự mờ mịt của tâm thông tục giống như mây. Có những ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà nhìn lên, ta thực khó mà tin nổi trên trời còn có cái gì khác ngoài mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc máy bay ta sẽ thấy tít trên cao nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy nhìn xuống thì thấy những đám mây (mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả mọi sự) thật xa xăm nhỏ bé làm sao.

Ta phải luôn nhớ rằng: Những đám mây không phải là bầu trời, và không“ thuộc về” bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa từng không, và đi qua với kiểu hơi lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để dấu vết làm lấm lem nền trời.

Vậy thì Phật tính ấy đích thực nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi bản chất của tâm, cái tự tính được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên, Phật tính ấy thực đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; nó thuần khiết tới nỗi vượt ngoài cả ý niệm dơ sạch. Nhưng nói về bản chất của tâm ví như bầu trời ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính chất vô biên bao trùm tất cả của nó; vì Phật tính có một tính chất mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức.

Như có câu:

Đó là sự hoàn thiện đơn giản, sự nhận thức tồn tại, sự hiểu biết và trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt.

Dudjom Rinpoche đã viết:

Không lời nào có thể mô tả,

Không ví dụ nào để chỉ rõ,

Sinh tử không làm nó xấu hơn,

Niết bàn không làm nó tốt hơn,

Nó chưa từng sinh,

Nó chưa từng diệt,

Chưa từng giải thoát,

Chưa từng u mê,

Chưa từng có cũng chưa từng không,

Nó không có một giới hạn nào,

Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả.

Nyoshul Khen Rinpoche nói:

Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc rối;

Sự sáng suốt không do kết hợp mà thành, Vượt ngoài tâm của những ý tưởng khái niệm;

Đó là tâm sâu xa của những người chiến thắng.

Trong đó không một vật gì phải bỏ đi,

Cũng không một vật gì cần thêm vào,

Đó đơn thuần là sự tinh khiết,

Đang nhìn vào chính mình một cách tự nhiên.

Bản Tâm Vô Hình Tướng

Joseph Goldstein

Nguyễn Duy Nhiên dịch Việt

Mặc dù nhất tâm ở đó, nhưng nó không hề hiện hữu. Khi một người đi tìm cái tâm chân thật của mình, họ sẽ khám phá ra rằng nó vô cùng siêu diệu, mặc dù vô hình tướng. Tự tánh của tâm là không che đậy, thanh tịnh, không có cấu tạo, vắng lặng, trong suốt, trống rỗng, bất nhị, bất tận, nguyên chất, không màu sắc, không ngăn ngại, không thể nào được hiểu như là một vật riêng biệt mà là sự đồng nhất của tất cả mọi vật, nhưng không phải được tạo nên bởi những vật khác, nó vượt lên trên tất cả mọi phân biệt.

Nhất tâm vô cùng vắng lặng và không có một nền móng nào hết, tâm của ta cũng trống rỗng như một bầu trời. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Hiện hữu chỉ là một dòng sông của sự bất thường cũng giống như không khí trong bầu trời, hình tướng của sự vật chẳng có một khả năng quyến rủ hay trói buộc. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Mọi hình tướng chỉ là ý niệm của mình, sự tự tưởng tượng của mình, cũng giống như những hình bóng trong gương. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Chúng tự khởi lên và tự do như mây trên trời, mọi hình tướng bên ngoài sẽ dần dần phai mờ đi và trở về nơi xưa, chốn cũ của chúng. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình.

Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có một nơi nào để quán chiếu, trừ ra tâm mình. Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có một sự thật nào để giữ một lời nguyện. Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có giáo pháp ở một nơi nào hết, để có thể dựa vào đó mà đi đến giác ngộ.

Tâm của ta trong suốt, không có một đặc tính nào. Vì trống rỗng nên nó được ví với lại một bầu trời không mây. Một tâm đạt được sự bất nhị đem đến sự giải thoát. Ta cứ nhắc đi, nhắc lại một điều, hãy nhìn vào trong tâm mình.

Khi giáo pháp được hiểu một cách thông suốt và sâu xa, ta sẽ thấy rõ rằng mọi phương tiện dẫn đến giải thoát đều giống như nhau. Tất cả chỉ khuyên ta nên tu tập một tâm không chấp hay trụ vào bất cứ một việc gì. Không thiên vị. Không phân biệt. Không phê bình. Không bám víu. Không ghét bỏ. Phương pháp tu tập chỉ là một, cho dù nó phát xuất từ nơi lục tổ Huệ Năng ở Trung Hoa hay từ Sĩ Ðạt Ta Cồ Ðàm ở Ấn Ðộ.

Tipola, một vị thánh Ấn Ðộ và là người thừa kế trong dòng thiền Mật Tông Tây Tạng, cũng dạy một pháp tu tâm y hệt, gọi là Ðại Thủ Ấn (Mahamudra), cho đệ tử mình là Naropa.

Ðại Thủ Ấn vượt ra ngoài mọi văn tự và hình tướng, nhưng vì ngươi Naropa, siêng năng và trung thành, ta sẽ dạy cho. Sự vắng lặng không cần một tin cậy nào. Ðại Thủ Ấn dựa trên sự rỗng không. Không cần một nỗ lực, chỉ giữ cho mình được thư thái và tự nhiên, ta sẽ bẻ gãy được ách nặng, đạt được sự giác ngộ. Nếu sử dụng tâm, ngươi hãy quán chiếu tâm ấy, tiêu trừ mọi sự phân biệt và đi đến quả Phật.

Những đám mây lang thang trên bầu trời không có gốc rễ, không có nguồn cội, cũng giống như những tư tưởng trôi nổi trong tâm ta. Khi thấy được tự tánh, sự phân biệt sẽ chấm dứt.

Trong không gian, có hình tướng và màu sắc, nhưng không gian không bị nhuộm màu trắng hay đen. Từ nơi tự tánh mà vạn vật khởi sinh. Bản chất của tâm không hề bị ô nhiểm.

Ðừng làm gì thân ta cả, hãy thoải mái. Ngậm câm miệng lại mà giữ im lặng. Làm cho tâm vắng lặng và đừng suy nghĩ gì nữa. Giống như một cây tre rỗng không, hãy để cho thân được nghỉ ngơi. Không cho, không nhận, giữ cho tâm yên nghỉ. Ðại Thủ Ấn cũng giống như một tâm không bám víu vào nơi nào. Cứ như vậy mà thực hành rồi một ngày, ngươi sẽ đắc được quả bồ đề.

Kẻ nào bỏ được tham dục và không còn bám víu vào chỗ này hay chỗ kia, sẽ nhận thức được ý nghĩa chân thật của lời kinh.

Vào lúc mới đầu, người hành giả sẽ cảm thấy tâm mình chảy ào ạt như một ngọn thác; vào khoảng giữa nó giống như sông Hằng, chảy lặng lờ, chậm chạp. Vào đoạn cuối nó trở thành một đại dương bao la, nơi mà ánh sáng của Con và Mẹ nhập lại lành Một.

“Kẻ nào bỏ được tham dục và không còn bám víu vào chỗ này hay chỗ kia, sẽ nhận thức được ý nghĩa chân thật của lời kinh”. “Phát triển một tâm không trụ vào đâu cả”. Buông bỏ mọi bám víu, buông bỏ những quyến luyến là con đường đi đến giải thoát.

Truyền thống thiền phát triển ở Nhật Bản, từ dòng thiền Huệ Năng và các tổ khác, đã sản xuất ra những áng văn chương tuyệt mỹ, thường thì rất là dí dỏm. Một câu chuyện thí dụ về sự buông bỏ và không bám víu được diễn tả theo một lối Zen như sau:

Có một ông giáo sư đại học đến thăm một vị thiền sư. Ông ta cứ mãi mê nói về thiền. vị thầy rót trà ra mời,đổ đầy chén, nhưng cứ tiếp tục rót mãi. Ông giáo sư thấy thế, bảo vị thầy ngưng rót vì chén đã quá đầy, không còn chỗ để chứa thêm nữa. Vị thầy đáp: “Cũng giống như chén trà ấy, đầu ông bây giờ đã đầy ấp những quan niệm và thành kiến, không còn chỗ cho những cái mới nữa. Nếu muốn kinh nghiệm được chân lý, ông phải biết làn cạn chén trà của mình đi trước đã”.

Nếu chúng ta cứ mãi mê chấp vào quan niệm và thành kiến của mình, ta sẽ không thể nào kinh nghiệm được sự thật. “Không cần phải đi tìm chân lý. Chỉ cần thôi nâng niu những ý kiến của mình”. Bằng sự buông bỏ những thành kiến, với tâm vắng lặng ấy, cả giáo pháp sẽ hiển bày. Mỗi người trong chúng ta phải làm cạn chén trà của mình, khiến cho tâm ta không còn vướng mắc vào những ý niệm hay tín ngưỡng.

Mỗi biểu hiện của giáo pháp có một vẻ đẹp và sự sáng tỏ khác nhau. Chúng ta rất may mắn không sanh ra trong một nền văn hóa bị ảnh hưởng bởi một truyền thống nào duy nhất, nếu chúng ta biết thật sự cởi mở để lắng nghe và cảm nhận được tất cả. Chúng đều cũng chỉ về một chân lý, là trực tiếp kinh nghiệm được giáo pháp ở trong mỗi chúng ta.

Ðức Phật có khuyên:

  • Ðừng tin một điều gì vì các ông nghe người khác kể lại, vì truyền thống hay vì các ông tưởng tượng ra. Ðừng tin những điều gì các bậc thầy nói, chỉ vì sự kính trọng của các ông đối với những người ấy. Nhưng chỉ tin khi nào chính các ông đã thí nghiệm kỹ lưỡng và thấy rằng nó dẫn đến hạnh phúc, an lạc cho mọi loài”.

Tại Sao Khó Nhận Ra Bản Tâm

Sogyal Rinpoche

Trí hải dịch Việt

Tại sao người ta thấy khó, ngay cả cái chuyện nghĩ đến chiều sâu và vẻ sáng chói của tự tính tâm? Tại sao đối với nhiều người, đấy dường như là một ý niệm lạ lùng vô lối? Giáo lý nói đến bốn lỗi ngăn cản chúng ta không trực nhận được bản tâm ngay bây giờ:

  1. Tự tính tâm quá gần gũi đến nỗi ta khó nhận ra. Cũng như ta không thể nhìn chính cái mặt của mình, tâm cũng thấy rất khó nhìn vào tự tính của chính nó.

 

  1. Nó quá sâu xa chúng ta khó dò thấu. Ta không thể biết tâm ta sâu tới mức nào, nếu biết, ta đã ngộ một phần nào tự tính của nó.

 

  1. Nó quá đơn giản ta không tin nổi. Điều duy nhất ta cần làm là an trú trong sự tỉnh giác sơ nguyên thuần túy của tự tính tâm, cái luôn luôn có mặt hiện tiền.

 

  1. Nó quá kỳ tuyệt ta không dung chứa nổi. Nội một tính chất bao la của nó cũng quá lớn rộng không lọt được vào lối suy nghĩ hẹp hòi của tâm ta. Ta không thể tin nổi, cũng không thể tưởng tượng nổi rằng giác ngộ lại là bản chất thực sự của tâm chúng ta.

 

Nếu sự phân tích trên đây về bốn lỗi đã đúng trong nền văn minh Tây Tạng, một nền văn minh hầu như dành trọn cho sự nghiệp giác ngộ, thì nó lại càng đúng xiết bao ở trong nền văn minh tân tiến hiện nay, một nền văn minh dành phần lớn cho sự nghiệp tôn thờ ảo tưởng.

Chưa bao giờ ở Tây phương có một thông tin tổng quát nào về bản chất của tâm. Văn sĩ và những nhà trí thức chưa từng đề cập tới nó; những triết gia hiện đại không bàn về nó một cách trực tiếp; đa số khoa học gia hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của nó. Nó không có chỗ đứng trong văn hóa nhân gian: Không ai hát ca về nó; không ai nói về trong những vở kịch; nó không có trên truyền hình. Chúng ta thực sự được giáo dục để tin rằng không gì có thực ngoài ra là những cái ta có thể nhận thức được bằng những giác quan thông thường của chúng ta.

Mặc dù sự chối bỏ toàn diện ấy về hiện hữu của tự tính tâm, chúng ta vẫn thỉnh thoảng thoáng thấyđược nó. Những “thoáng thấy” ấy được cảm hứng bởi một khúc nhạc hay, bởi thiên nhiên, hoặc bởi một sự cố nhỏ nhặt thường ngày. Chúng có thể phát sinh khi ngắm tuyết rơi, hay nhìn mặt trời lên sau dãy núi, hay ngắm một tia nắng rơi vào phòng.

Những giây phút của sự thắp sáng, của bình an và hạnh phúc ấy vẫn thường xảy đến với tất cả chúng ta và một cách lạ lùng, nó ở lại với chúng ta.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đôi khi cũng hiểu được lờ mờ những cái thoáng thấy ấy, nhưng nền văn hóa ngày nay không cung cấp cho ta một bối cảnh nào để có thể hiểu được chúng. Tệ hơn nữa là, thiên hạ đã không khuyến khích chúng ta nên thám hiểm những cái thấy ấy và đào sâu xem nó từ đâu tới, mà lại còn bảo ta, bằng cách vừa tinh vi vừa lộ liễu, phải gạt nó ra ngoài. Không ai sẽ nghe ta một cách nghiêm túc nếu ta cố san sẻ kinh nghiệm ấy với họ. Bởi thế ta thường tảng lờ những gì có thể thực sự là kinh nghiệm mặc khải nhất trong đời ta, nếu ta hiểu được chúng. Đấy có lẽ là khía cạnh đen tối đáng buồn nhất của văn minh hiện đại; Vô minh và áp chế đối với sự thật là ai.

Cái Biết Và Tư Tưởng

Jon Kabat-Zin

Nguyễn Duy Nhiên dịch Việt

Chính khả năng suy nghĩ của chúng ta đã giúp phân biệt loài người với những loại sinh vật khác, và nó vô cùng mầu nhiệm. Nhưng nếu không cẩn thận, sự suy nghĩ ấy có thể dễ dàng lấn áp những khía cạnh quý báu khác của con người mình. Sự tỉnh thức thường lại là những nạn nhân đầu tiên.

Cái biết không phải là tư tưởng. Nó nằm ngoài sự suy nghĩ, mặc dù nó xử dụng ý nghĩ, cũng như tôn trọng giá trị và năng lực của chúng. Cái biết của ta cũng tương tự như một chiếc thuyền lớn, có thể chuyên chở và chứa đựng hết mọi tư tưởng của mình. Nó giúp cho ta thấy và hiểu được tư tưởng chỉ là tư tưởng, thay vì bị mắc kẹt và cho đó là thực tại.

Tư tưởng của ta nhiều khi rất vụn vỡ. Thật ra nó bao giờ cũng vậy. Vì đó là bản chất của tư tưởng. Nhưng nhờ có một cáibiết phát khởi trong giây phút hiện tại với một ý định, giúp ta nhận thức rằng mặc dù giữa những vụn vỡ này, bản chất nguyên thủy của ta bao giờ cũng vẫn là hợp nhất và toàn vẹn. Không những nó không bị giới hạn vì sự rời rạc của tư tưởng, mà cái biết ấy cũng chính là cái nồi nấu, chứa đựng hết những mảnh vụn đó, cũng giống như một nồi canh chứa hết những rau, đậu, bầu, bí, hành, cà… cho phép chúng được nấu chín, hòa hợp nhau thành một bát canh thơm ngon. Nhưng đây là một cái nồi thần, giống như nồi luyện phép vậy, bởi vì nó không cần ta phải làm gì hết, ngay cả việc nhóm lửa bên dưới. Cái biết, nhận thức, tự nó nấu lấy, miễn là được duy trì. Ta cứ để yên cho những mảnh vụn đó khuấy động lên, trong khi có chánh niệm về chúng. Ðược như vậy, bất cứ những gì khởi lên trong tâm hay thân sẽ được bỏ vào nồi, và trở thành một phần của bát canh thơm.

Thiền tập không phải là cố gắng thay đổi sự suy nghĩ của ta bằng cách suy nghĩ thêm. Mà thiền là quan sát chính sự suy nghĩ ấy. Sự quan sát đó là cái nồi mà ta vừa nói. Khi ta theo dõi ý nghĩ của mình, không bị dính mắc vào chúng, ta sẽ học được những điều rất sâu sắc và khai phóng về sự suy nghĩ. Việc ấy sẽ giúp ta bớt là một tù nhân của những tập quán suy nghĩ của mình hơn – mà chúng thì vô cùng kiên cố. – như là nhỏ nhen, không chính xác, tự lợi, và đôi khi là hoàn toàn sai lầm.

Một cách khác để nhìn thiền tập là xem tiến trình suy nghĩ như một thác nước, những dòng tư tưởng liên tục đổ xuống. Khi ta thực tập chánh niệm, chúng ta vượt ra bên ngoài hoặc là phía sau tư tưởng của mình. Nó cũng giống như khi ta khám phá ra đưọc một hang động hoặc một chỗ lõm nào trong vách đá phía sau thác nước này. Ðứng nơi đây ta vẫn có thể nhìn thấy và nghe được tiếng thác đổ, nhưng không hề bị lôi cuốn bởi dòng nước.

Qua sự thực tập chánh niệm, những khuôn mẫu suy nghĩ của ta tự chúng sẽ thay đổi. Chúng sẽ trở nên hòa hợp hơn và từ bi hơn trong cuộc sống. Nhưnng không phải vì ta cố gắng thay thế một tư tưởng xấu bằng những gì tốt lành hơn, mà là ta hiểu được tự tánh của tư tưởng chỉ là tư tưởng mà thôi, và mối tương quan của ta với chúng. Nhờ vậy, chúng ta có thể sai xử được chúng dễ dàng hơn, thay vì ngược lại.

Nếu bạn muốn suy nghĩ lạc quan, tích cực, việc ấy cũng tốt, nhưng đó không phải là thiền. Nó chỉ là sự suy nghĩ thêm mà thôi! chúng ta cũng rất có thể dễ dàng trở thành một tù nhân của những tư tưởng tiêu cực. Vì những ý nghĩ ấy có thể rất hạn hẹp, vụn vặt, không chính xác, ảo huyền, tự lợi và sai lầm. Cái mà ta cần là những gì có thể đem lại cho đời ta một sự chuyển hóa, và giúp ta vượt ra được khỏi phạm vi trù hạn của tư tưởng.

Cuốn Chói Sáng Cội Nguồn Tâm được Minh Tuệ Đỗ Minh sưu tầm và biên soạn, song ngữ Anh Việt. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app