THANH TỊNH ĐẠO – PHẦN GIỚI – NGUYÊN TÁC BUDDHAGHOSA – TỲ KHƯU NGỘ ĐẠO DỊCH VIỆT

Thanh Tịnh Đạo

(VISUDDHIMAGGO)

PHẦN GIỚI

Nguyên tác: Buddhaghosa

Hướng dẫn: Hòa thượng Tịnh Sự ân sư

Đặc trách phiên dịch: bhikkhu Ngộ Đạo

Hoàn tất dịch thuật – mùa an cư 2529 – 1985

LỜI TỰA

Pháp được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng có hiệu năng hướng thượng, đã được chư Thinh văn đệ tử luân phiên khẩu truyền, kết tập nhiều lần và duy trì cho mai sau. Đến khoảng 956 năm sau khi đức Như Lai viên tịch, Tam tạng Giáo thọ sư Buddhaghosa (Buddhaghosa) – một nhà luận sư lỗi lạc, một thiền sư hiền đức đã dịch Tam tạng Thánh điển ra ngôn ngữ Magadha, sáng tác bộ Thanh tịnh đạo chủ yếu giới, định, tuệ căn cứ vào Phật ngôn:

Trì giới người có trí

Tu tiến tâm và tuệ

Nhiệt tâm, mẫn Bhikkhu

Vị ấy thoát triền này.

Thanh tịnh đạo đã nói lên ý nghĩa căn bản con đường phạm hạnh, kim chỉ nam cho những ai tầm cầu đạo lộ chí thượng độc nhất thanh tịnh, vì ngoài nó ra không còn con đường nào khác hướng đến tuần tự tiến hóa. Và tầm quan trọng của nó được thể hiện phổ biến rộng rãi qua các xứ Quốc giáo khi nó là nền tảng cho các hành giả phát triển thiền quán.

Khi nào tuệ quán thấy

Tất cả hành vô thường

Tất cả hành khổ não

Tất cả pháp vô ngã

Khi ấy yểm ly khổ

Đó là Thanh tịnh đạo.

Thanh tịnh đạo phân tích thành ba phần, hai mươi ba chương như sau:

Phần thứ nhất: GIỚI (Có hai chương)

  • Chương thứ nhất: Giới xiển minh.
  • Chương thứ nhì: Trừ chi xiển minh.

Phần thứ nhì: ĐỊNH (Có mười một chương)

  • Chương thứ ba: Thọ trì nghiệp xứ xiển minh.
  • Chương thứ tư: Địa hoàn tịnh xiển minh.
  • Chương thứ năm: Hữu dư hoàn tịnh xiển minh.
  • Chương thứ sáu: Bất mỹ xiển minh.
  • Chương thứ bảy: Lục tùy niệm xiển minh.
  • Chương thứ tám: Hữu dư tùy niệm xiển minh.
  • Chương thứ chín: Phạm trú xiển minh.
  • Chương thứ mười: Vô sắc xiển minh.
  • Chương thứ mười một: Định xiển minh.
  • Chương thứ mười hai: Thần thông xiển minh.
  • Chương thứ mười ba: Thắng trí xiển minh.

Phần thứ ba: TUỆ (Có mười chương)

  • Chương thứ mười bốn: Uẩn xiển minh.
  • Chương thứ mười lăm: Xứ, giới xiển minh.
  • Chương thứ mười sáu: Quyền, đế xiển minh.
  • Chương thứ mười bảy: Nền tảng tuệ xiển minh.
  • Chương thứ mười tám: Kiến thanh tịnh xiển minh.
  • Chương thứ mười chín: Đoạn nghi thanh tịnh xiển minh.
  • Chương thứ hai mươi: Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh xiển minh.
  • Chương thứ hai mươi mốt: Hành tri kiến thanh tịnh xiển minh.
  • Chương thứ hai mươi hai: Tri kiến thanh tịnh xiển minh.
  • Chương thứ hai mươi ba: Quả báo tu tiến tuệ xiển minh.

Như vậy, Thanh tịnh đạo thâu nhiếp:

Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó lời chư Phật dạy.

Do đó:

Tham ái tự thân hãy cắt ngang

Như tay ngắt đóa sen thu tàn

Hãy phát triển con đường tịch tịnh

Níp-bàn Thiện thệ đã truyền ban.

Đề cập đến giới, chắc chắn trong chúng ta có người thắc mắc: Thời kỳ mạt pháp này tu theo pháp môn giới, định, tuệ có giải thoát không?

Nói như vậy là chúng ta chưa biết rõ giới luật là thọ mạng Phật giáo. Hằng ngày có thể văn kinh, thính Pháp rất nhiều nhưng chúng ta chưa hiểu rõ nền tảng của nó trên bước đường tu tiến. Đọc tỉ mỉ giới phần thứ nhất này, chúng ta sẽ thấy tác giả giải thích rõ ràng sơ thiện Phật giáo mà chỉ đến đức Phật khi mới thành Chánh Đẳng Giác đã suy tư:

“Với mục đích làm cho giới chưa đầy đủ được đầy đủ, định uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ, tuệ uẩn…, giải thoát uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ, v.v…, tri kiến giải thoát uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ. Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn, Bà-la-môn khác, nhưng ta không thấy một chỗ nào trong thế gian này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, giữa quần chúng, Sa-môn, Bà-la-môn cùng chư Thiên và nhân loại, không có một Sa-môn, hay Bà-la-môn nào khác, mà giới uẩn cụ túc tốt đẹp hơn ta, định uẩn…, tuệ uẩn…, giải thoát uẩn…, tri kiến giải thoát uẩn… và ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ. Với pháp này, ta đã Chánh Đẳng Giác, ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp ấy”.

Do đó, ai muốn thanh tịnh tam nghiệp, chí nguyện giải thoát giới hạnh quả thật cấp thiết tối cần, ví như những đóa hoa sai khác, không được sợi chỉ nhiếp, bị gió thổi bay, tàn phá, hư hoại như thế nào. Cũng như thế ấy, khi chư Tăng xuất gia từ nhiều quốc độ khác nhau, nhiều gia tộc khác nhau, nhiều danh tánh khác nhau, nếu không được luật huấn luyện, không thể thành tựu giới hạnh, chư Tăng đưa đến bất hòa lẫn nhau. Do nhân duyên đó, chánh Pháp không thể trường tồn, Tăng chúng không được hưng thịnh. Trái lại, như những bông hoa sai khác được sợi chỉ khéo nhiếp, không bị gió thổi bay, tàn phá hư hoại như thế nào. Cũng như thế ấy, khi chư Tăng xuất gia từ nhiều quốc độ khác nhau, nhiều gia tộc khác nhau, nếu được luật hướng dẫn, có thể thành tựu giới hạnh, chư Tăng có thể hòa hợp lẫn nhau tu tiến đưa đến giải thoát. Do nhân duyên đó, chánh Pháp có thể trường tồn,Tăng chúng được hưng thịnh.

Nếu bước đầu trên con đường phạm hạnh, hành giả không thọ trì giới luật, mà có thể đạt định tâm, hay giác ngộ, sự kiện ấy không thể xảy ra. Vì rằng ác giới rất xa thật là xa, đạt được tâm thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được đoạn nghi thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được hành tri kiến thanh tịnh, còn nói gì để đạt đến gần tri kiến thanh tịnh. Và để phương tiện điều học nhỏ nhen chút ít theo phàm phu tánh khi dẫn chứng Phật ngôn, chúng ta đã vô tình hay cố ý xuyên tạc Thế tôn, vì rằng:

Này chư Bhikkhu, nếu như Như Lai sẽ ban hành các điều học cho chư Thinh văn vì mười lợi ích:

  1. Cho tốt đẹp đến Tăng
  2. Cho an lạc đến Tăng
  3. Khiển trách các bhikkhu khó dạy
  4. Những bhikkhu giới hạnh lạc trú
  5. Phòng hộ lậu hoặc trong hiện tại
  6. Đối trị lậu hoặc tương lai
  7. Cho người chưa tin tưởng được tin tưởng
  8. Người tin tưởng rồi càng tin tưởng thêm
  9. Cho chánh Pháp trường tồn
  10. Tế độ tạng Luật.

Như vậy, chúng ta tu tập đương nhiên không chấp nhận có bậc đạo sư:

“Này Ānanda! Pháp và Luật nào đã được Như Lai thuyết giảng và ban hành cho các con, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật ấy là đạo sư của các con”.

Thế nên:

Như là cưỡng hộ trứng

Sơn dương bảo vệ đuôi

Mẹ trông nom con cái

Người một mắt hộ mắt

Cũng vậy, chư tôn giả

Hãy trì giới trang nghiêm

Người luôn luôn cung kính

Tùy phòng hộ giới hạnh.

Trong thời buổi nhiễu nhương này, giới luật hầu như bị lãng quên, bởi chúng ta thấy nhiều thiền đường, lắm thiền sư, hàng loạt sách thiền luận cho rằng đây là những pháp môn dành cho hạng Thinh văn Tiểu thừa,… rồi tùy ý phương tiện đặt ra pháp môn tu tắt bằng cách tiết chế ăn uống, vãng sanh… rơi vào ý đồ của Bà-la-môn giáo, khiến cho hàng tín đồ điên đảo đức tin, không dám xem những kinh sách nguyên thủy nhất được chính kim khẩu đức Thế Tôn thuyết, không can đảm tu tập các pháp môn căn bản này ngõ hầu vượt qua trùng dương sanh tử, đáo tận bỉ ngạn. Phần đông chỉ quanh quẩn bờ bên này, mò mẫm, lạc lối trong các rừng rậm, mù mịt, âm u, tăm tối. Đó là kết quả: Đi vòng một khắc, đi tắt tối ngày.

Bởi vì chúng ta có nguyện vọng thế nào đi nữa, như được các bạn đồng phạm hạnh thương yêu, quí mến… cho đến đạt được các bậc thiền, thành tựu các Thánh vức, chứng những loại thần thông, thắng trí, cũng cần phải thọ trì giới luật:

“Này chư Bhikkhu, nếu vị bhikkhu có ước nguyện: Mong rằng ta được các bạn đồng phạm hạnh thương yêu, quí mến, cung kính, tôn trọng… Vị bhikkhu ấy phải thành tựu viên mãn giới hạnh…”

Đến phân loại về giới, chúng ta sẽ minh định được điều này:

  • Luật dẫn đến thu thúc.
  • Thu thúc dẫn đến không nóng nảy.
  • Không nóng nảy dẫn đến hân hoan.
  • Hân hoan dẫn đến no vui.
  • No vui đẫn đến yên lặng.
  • Yên lặng dẫn đến an lạc.
  • An lạc dẫn đến định tâm.
  • Định tâm dẫn đến như thật tri kiến.
  • Như thật tri kiến dẫn đến yếm ly.
  • Yếm ly dẫn đến ly tham.
  • Ly tham dẫn đến giải thoát.
  • Giải thoát dẫn đến tri kiến giải thoát.
  • Tri kiến giải thoát dẫn đến vô thủ trước Níp-bàn.

Chúng ta càng tuệ tri xác tín hơn khi người có giới hạnh nhưng ít nghe, thiểu trí, hay điên đảo kiến, vị ấy đã bị mắc vào bẫy mồi của ác ma. Còn người đa văn quảng kiến mà phá giới cũng rơi vào cực đoan quyền lực Ma vương, không thoát khỏi khổ ưu. Những sự kiện ấy khiến cho người chưa tin tưởng không tin tưởng, hay người đã tin tưởng cũng thay đổi niềm tin. không cần nói đến người khiếm khuyết cả hai và chỉ có người viên mãn cả hai phương diện, quả thật là đặc thù. Bởi vì:

  • Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh.
  • Chỗ nào có giới hạnh chỗ ấy có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh.
  • Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh.

Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thượng ở đời.

“Cư trần bất nhiễm trần, đã vượt chặng đường phải qua cần gì phải trì giới?” Nói thế là chúng ta đã dối gạt người, tầm cầu một chỗ ẩn trú hầu đánh lừa mình, hay cho mất tiếng gọi vô vọng của tâm linh, vì không thể lừa đảo tự lương tâm mình. Quả thật vậy, trong một lúc nào đó tâm linh có lên tiếng trong giờ khắc cuối cùng của tên tử tội, tâm linh lên tiếng trong một hơi thở nào giữa canh khuya, làm cho những mái tóc bạc giật mình, làm cho những vầng trán nhăn cau mặt, làm cho những ý thức lương tri thở dài… và các ảo kiến ấy không thể che đậy tuệ giác của bậc Nhất thiết chủng trí:

“Ở đây, này Ānanda! Vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật… Vị ấy có chánh tín đối với chánh Pháp… Vị ấy có chánh tín đối với chư Tăng… Vị ấy thành tựu cụ túc giới hạnh được bậc Thánh ái kính viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn, không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, đưa đến giải thoát được người trí tán thán, hướng dẫn đến thiền định. Này Ānanda! Chính pháp kính này mà vị Thánh đệ tử sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau: Đối với ta sẽ không còn địa ngục, sẽ không tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỉ, ác thú, đọa xứ. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.

Sau khi thắng trí giới hạnh cần phải thành mãn như vậy, chúng ta cảm thấy khó thọ trì, phòng hộ giới luật cho chân chánh, còn hạnh đầu đà khiến cho thân xác gầy ốm, xanh xao, hầu như quá khổ hạnh. Điều đó đúng cho tâm viên ý mã chúng sanh quen đeo níu cảnh trần, phan duyên dục đối tượng để nếm mùi tục lụy, hạnh phúc tạm bợ thế gian, mặc cho ma lực phóng túng quay cuồng mà ảo tưởng Phật tánh, tiêu dao tự tại. Chúng ta sẽ được xác chứng quan điểm này khi đã thấy rõ tội lỗi phá giới và thành quả giới hạnh. Do vậy:

Ở đây, hãy học giới,

Khéo học tập ở đời.

Giới thành đạt toàn diện,

Đưa đến mọi thành công.

Bậc trí hãy hộ giới,

Nếu kỳ vọng ba lạc.

Được danh xưng tài sản,

Sau chết hưởng thiên lạc.

Người trì giới tự chế,

Được nhiều người bạn tốt.

Kẻ ác giới hành ác,

Mất mát các bạn bè

Người ác giới chỉ được,

Ác danh không tài sản.

Bậc trì giới luôn được,

Khen danh xưng tán thán.

Khởi đầu an trú giới,

Giới là mẹ pháp thiện.

Giới đứng đầu mọi pháp,

Vậy hãy trong sạch giới.

Giới hạn chế phòng ngự,

Làm sáng chói tâm tư,

Là đầu bến chư Phật,

Vậy hãy trong sạch giới.

Giới sức mạnh vô song,

Giới binh khí tối thượng.

Giới trang sức đệ nhất,

Giới áo giáp hi hữu.

Giới đầu cầu cường đại,

Giới hương thơm vô thượng.

Giới hương thoa đệ nhất,

Nhờ giới bay bốn phương.

Giới tư lương cao nhất,

Giới hành trang tối thượng.

Giới vận tải đệ nhất,

Nhờ giới đi bốn phương.

Đây kẻ xấu bị trách,

Sau chết sanh đọa xứ.

Kẻ ngu không định giới,

Ưu tư khắp các chỗ.

Đây bậc tốt được khen,

Sau chết sanh Thiên giới.

Kẻ trí khéo định giới,

Hân hoan khắp các chỗ.

Ở đây giới tối cao,

Nhưng trí tuệ tối thượng.

Giữa loài người loài trời,

Bậc giới tuệ thắng lợi.

      

Đề cập đến hạnh đầu đà, trước đây có người chỉ biết từ ngữ phiên âm, mà không hiểu nghĩa lý của nó. Ở đây, chúng tôi xin tạm dịch dhutaṅga: trừ chi – thường quen gọi là hạnh đầu đà, ngỏ hầu xác định thành phần diệt trừ phiền não dành cho mỗi một pháp thọ trì. Vì không nâng cao tâm, không phát triển ý, không hướng đến đoạn tận kiết sử, tẩy sạch mọi ô nhiễm. Do đó, chúng ta ngộ nhận giới luật khó hành, trừ chi là khổ hạnh để rồi bi quan, tiêu cực, chán nản, không hoan hỷ đời sống phạm hạnh, phế thải Sa-môn pháp, dẫn đầu và đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng viễn ly. Điều này đã được trưởng lão Kassapa – Thinh văn tối thượng hạnh đầu đà – đã đáp lời bậc Đạo sư khích lệ cho chúng ta:

“Bạch Thế tôn, con đã thấy có hai lợi ích, nên con đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, con đi khất thực…, con mang y phấn tảo…, con mang ba y…, con thiểu dục…, con tri túc…, con sống không giao thiệp…, con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần. Con tự mình được hiện tại lạc trú và vì lòng bi mẫn đối với các chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ noi gương, đối với các đệ tử Phật và tùy Phật mong chúng trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng… như trên… bạch Thế tôn, con thấy được hai lợi ích này, con sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng… như trên…”

Và đức Phật đã sách tấn, gieo niềm tịnh tín cho chúng ta:

“Lành thay, này Kassapa. Lành thay, này Kassapa. Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, ngươi đã hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng bi mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và nhân loại. Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải gai thô phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng”.

Trừ chi đức Thế Tôn còn tán thán như vậy, còn nói gì giới luật là một trong những pháp đến để mà thấy, chớ không phải lý luận suông. Vì vậy:

Ai sống một trăm năm

Ác giới không định tĩnh

Tốt hơn sống một ngày

Có giới hạnh tu thiền.

Các pháp môn khác, dù khó tu đến bậc nào, một công nhân, một đầy tớ, cũng có thể tu hạnh ấy được. Nhưng Sa-môn hạnh tu tiến cho thành tựu tam học này, chỉ có người trí mới tu nổi, do đó:

Biết rõ sự kiện ấy

Hiền trí thu thúc giới

Con đường đến Níp-bàn

Hãy nhanh chóng thanh tịnh.

Tu theo pháp môn này quả thật là hạnh tu tối thượng, chứng đắc thâm diệu và giải thoát tuyệt đối.

“Giới, thiền định, trí tuệ,

Và giải thoát vô thượng,

Gotama danh xưng,

Giác ngộ những pháp này.

Đức Phật thắng tri chúng,

Thuyết pháp cho Bhikkhu.

Đạo sư đoạn tận khổ.

Bậc tuệ nhãn tịch tịnh”.

Chúng tôi hữu duyên theo Ân sư học A-tỳ-đàm (Abhidhamma) gặp bộ sách quí này và được người phó thác dịch để cho chánh Pháp trường tồn, chúng sanh lợi lạc. Nay, chúng tôi không quản tài hèn sức mọn, cố gắng dịch hoàn tất để tu học Thanh tịnh đạo này xuất hiện tại Việt Nam nói riêng, thế gian nói chung và Thánh đạo, Thánh quả phát sanh cho các chúng hữu tình có duyên lành gặp chánh Pháp.

Trong khi dịch, về từ ngữ hay nghĩa lý có điều sơ thất, xin chư bậc hiền minh, các vị thiện trí thức từ, bi, hỷ, xả chỉ giáo cho. Chúng tôi xin hân hoan đón nhận mọi ý kiến xây dựng, hầu mỗi khi có dịp tái bản thêm phần toàn vẹn.

Do quả phước báu thanh cao dịch Thanh tịnh đạo phần giới này, xin hồi hướng đến các bậc ân nhân và thầy tổ đã quá vãng, nhất là Cố Hòa thượng Tịnh Sự, xin các ngài được thọ lãnh phước báu siêu thăng nhàn cảnh. Còn ở nơi nhàn cảnh thì càng tiến hóa thêm.

Một phần công đức xin dâng đến những bậc Thầy tổ, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng đã đóng góp tinh thần, kẻ công người của, đạt được vạn sự kiết tường, bồ đề tâm viên đắc, tự giác giác tha.

Một phần công đức khác xin chia đến các thí chủ, những Phật tử xa gần, cùng mỗi một thân bằng quyến thuộc của chư quí vị còn tại tiền được tăng phúc, tăng thọ, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi. Người chưa gặp chánh Pháp mau gặp chánh Pháp, người đã gặp chánh Pháp xin hãy hành đúng chánh đạo giải thoát khổ đau và người đã quá vãng được cao đăng lạc cảnh.

Xin hồi hướng quả phước này đến đức trời Đế Thích cùng Tứ Đại Thiên vương, nhất là tất cả chư Thiên hộ trì chánh Pháp, được thọ lãnh công đức rồi hộ trì chánh Pháp thêm bền lâu và xin cho hàng tứ chúng như chúng tôi sống tiến hóa an lành trong giáo pháp từ bi của đấng Giác ngộ.

Riêng chúng tôi mong quả phước báu thanh cao này hộ trì được tu hành phạm hạnh đến suốt đời, sanh ra kiếp nào cũng được gặp chánh Pháp, nhất là nơi các xứ Quốc giáo, ngõ hầu lão thông Tam tạng với chú giải, đắc được các thiền chứng, thắng trí, hoằng dương Phật Pháp không bị chướng ngại. Nếu ngoài thời kỳ Phật giáo, xin hãy nâng đỡ xuất gia tu tiến theo chánh Pháp cho đến khi đắc chứng các Pháp mà chư Phật đã giác ngộ.

Và hồi hướng đến tất cả chúng sanh trong ba giới, bốn loài, đều được an vui, tiến hóa y như ý nguyện.

Hướng dẫn: Hòa thượng Tịnh Sự ân sư

Dịch giả: Đệ tử Ngộ Đạo cẩn chí.

DOWNLOAD EBOOK PDF HERE

thanh-tinh-dao-Gioi

———————–

Bài viết được trích từ cuốn Thanh Tịnh Đạo – Phần Giới – Hướng Dẫn bởi Tỳ Khưu Tịnh Sự, đặc trách phiên dịch Tỳ Khưu Ngộ Đạo

Link  cuốn Thanh Tịnh Đạo – Phần Giới
Link  tải sách ebook Thanh Tịnh Đạo – Phần Giới
Link  video cuốn Thanh Tịnh Đạo – Phần Giới
Link  audio cuốn Thanh Tịnh Đạo – Phần Giới
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Tịnh Sự
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Tịnh Sự
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Tịnh Sự

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app