Chói Sáng Cội Nguồn Tâm
Minh Tuệ Đỗ Minh
Sưu tầm & bIên soạn
Song ngữ Anh Việt
Lời Nói Đầu
Trong Tăng chi bộ, có một lời kinh về bản chất chân thật của tâm: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào” cùng với ý nghĩa “cội nguồn” của “yoni” trong “yoniso mananikara” là hai y cứ cho tựa sách “Chói sáng cội nguồn tâm”. Tựa đề phụ “Cách nhìn toàn diện hai chiều vô vi và hữu vi của thực tại” có nguồn gốc từ câu kinh: “Này Ananda, có hai giới này: hữu vi giới và vô vi giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được hai giới này là vừa đủ để nói “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”. (Trung Bộ Kinh 115, Kinh Đa Giới)
Mục đích của thiền Phật giáo là hướng đến Niết-bàn, mà Niết-bàn được ví như hư không với mười đặc tính giống nhau nên “hư không” là từ ngữ được đề cập tới nhiều nhất, có thể nói là hầu như có mặt trong tất cả các bài viết của tập sách này. Tầm quan trọng của hư không đã được Đức Phật nhắc đến trong nhiều bài kinh như: “Hư không, không dấu chân Ngoài đây, không sa-môn”
(Kinh Pháp Cú 254) ; hay: “Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Do sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.” (Trung bộ kinh 62, Đại kinh Giáo giới La-hầu-la)
Và chúng tôi đã nói lên cách hiểu về “như lý tác ý” và tinh thần cốt lõi của “cái biết” trong kinh Tứ niệm xứ theo hướng hư không này. Ngoài những bài kinh được chọn lọc từ kinh tạng Pali do Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch và những bài luận ngắn trình bày cách hiểu lời Phật qua góc nhìn nông cạn của người viết, tập sách này còn gồm những pháp thoại của các vị thiền sư có nhiều kinh nghiệm về cách nhìn toàn diện hai thực tại tuyệt đối và tương đối này.
Về các bài pháp trích tuyển, chúng tôi chỉ trích ra những đoạn phù hợp với chủ đề sách và căn cứ vào nội dung được trích mà đặt tựa đề. Do
không có điều kiện để xin phép tác giả cùng dịch giả, nhưng vì lợi ích chung, mong quý vị lượng thứ cho.
Trên đường về lại cội nguồn chói sáng của tâm, người viết có những lúc ngất ngây nên “nghêu ngao” vài bài hát kỷ niệm cho chuyến hành trình, cũng đưa vào trong phần phụ lục của sách để ghi lại những phút giây cao hứng.
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất là thấy được điểm chung cốt lõi trong tất cả các truyền thống Phật giáo, cũng như gốc rễ của các truyền thống tâm linh nói chung; giống như những chiếc bánh kem, bên ngoài màu sắc khác nhau nhưng chất kem của bánh thì như một. Cầu mong cho tất cả những ai mong muốn “thoát khỏi rừng rậm” đều cảm nhận được ánh sáng của cội nguồn tâm, sớm thấy được “nước trong trăng hiện”.
Namo Buddhaya Dhammaya Sanghaya.
Đồng Nai, Việt Nam
15 – 01 – 2018
Minh Tuệ Đỗ Minh
[email protected]